Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Những trò chơi dân gian ngày xưa

Những trò chơi dân gian ngày xưa
Theo sử sách, các thế hệ người Việt xưa không những có nhiều phường nghề tài hoa, nhiều sản phẩm thủ công và nông sản nổi tiếng mà còn có nhiều trò chơi dân gian và hội thi tài rất đông vui, sôi nổi. Một số trò chơi hấp dẫn đã lưu truyền đến tận ngày nay, tiêu biểu là:
Múa Sư Tử:
Cứ đến Tết Trung thu, các gia đình đều đua nhau sắm chiếc đầu sư tử bằng giấy bồi, một cái trống con và vài chiếc đèn hình ngôi sao khung nan tre hoặc nứa, lợp giấy bóng, viền giấy trang kim. Ban đầu, trò múa sư tử là thú chơi của người lớn, về sau trở thành trò chơi phổ biến của trẻ con vào dịp tết Trung Thu (rằm tháng Tám âm lịch). Khắp kinh thành, đêm Trung Thu có rất nhiều đội sư tử của thanh niên đi múa lấy giải. Mỗi đội thường có một đầu sư tử lớn, nhỏ tùy theo lứa tuổi người múa, có trống, thanh la, đèn giấy, cờ lá chuối, họp lại thành đám rước dọc các phố, dừng lại trước cửa những nhà có treo giải đế múa lấy giải. Có đội múa đầu sư tử kết hợp với biểu diễn vũ thuật, chồng người lên lấy giải trên cao tới bốn,năm mét ,thu hút rất đông người xem. Giải càng to thì giật giải càng khó và cuộc múa được kết thúc bằng một tràng pháo dài nổ vang.
Múa đầu sư tử vừa là trò chơi, vừa là trò diễn dân gian cổ truyền thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc. Vừa nhảy múa với tiếng trống,tiếng thanh la sôi động, người ta còn hóa trang thành ông Thổ, ông Địa nhảy nhót, tay phe phẩy chiếc quạt giấy một cách hài hước, tạo không khí vui nhộn cho đám đông đủ lứa tuổi.
Cho đến ngày nay, trò vui múa đầu sư tử vào dịp Tết Trung Thu vẫn được ưa thích, đặc biệt là các em thiếu niên, nhi đồng.
Chơi đèn kéo quân:
Chơi đèn kéo quân là một trong những thú vui thanh nhã của dân kinh đô vào các dịp Tết, nhất là tết Trung Thu Hội đèn Quảng Chiếu (một loại đèn kéo quân khổng lồ) được tổ chức lần đầu tiên ở Thăng Long vào dịp tết Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng âm lich.) năm Hội Tường Đại Khánh Nguyên Niên (1110) đời Lý Nhân Tông và đã được miêu tả rất sinh động trong văn bia chùa Đọi, dựng năm 1121.
Sách An Nam chí lược ghi “Đêm Nguyên Tiêu,triều đình nhà Trần cũng dựng cây đèn trên sân rộng, gọi là đèn Quảng Chiếu, muôn ngọn đèn sáng rực trên trời,dưới đất. Các vị sư đi quanh đèn đọc kinh; các quan đứng xung quanh đèn làm lễ Triều đăng…”
Trong đêm hội đèn còn kết hợp đốt pháo bông, múa rối và nhiều trò vui dân giancùng các sinh hoạt ca múa nhạc tưng bừng, sôi nổi khắp kinh thành Thăng Long. Kế thừa vốn quý trên, đèn kéo quân được lưu truyền thành thú vui dân gian. Đèn được cấu tạo hai bộ phận chính là khung vỏ bên ngoài và các vòng quân bên trong. Khung vỏ bên ngoài được dựng thành 6 hoặc 8 mặt, dán bằng giấy bản thật trắng và mỏng, dai, thường dùng giấy lệnh của vùng Bưởi, vùng Cót bên sông Tô Lịch để làm nổi rõ các hình bên trong khi đèn được thắp lên. Trục vòng quân bên trong xếp thành ba, bốn vòng cách nhau khoảng mươi phân gắn với một cột trung tâm ở tâm các vòng qua những nan tre đối xứng. Vong quân có dán xung quanh những đoàn quân, voi, ngựa, xe, pháo… dựng trên một đĩa đèn dầu ta hoặc dầu lạc (để trơn và không có muội khói). Khi đèn được thắp  lên, sức nóng do đèn tỏa ra sẽ đẩy vòng quân quay đều đều theo một hướng nhất định. Các hình dán trên vòng quân trong đèn có thể là các nhân vật lịch sử hoặc nhân vật trong các truyện cổ tích.
Dưới ánh sáng lung linh, huyền ảo của đĩa đèn dầu, hình các nhân vật, các con thú in bóng lên từng khoang đèn và chuyển động theo vòng tròn, trông như cuộc hành quân liên tục không ngưng nghỉ. Lúc ấy, trẻ con xúm xít quanh đèn,vừa xem các hình nhân vật di chuyển, vừa lắng nghe người lớn thuyết minh nội dung câu chuyện được thể hiện bằng các hình bóng ấy.
Về cây đèn kéo quân, ông Nghè Tân đã tả bằng mấy câu thơ như sau:
                                    Một lũ ăn mày, một lũ quan
                                    Quanh đi, quẩn lại chỉ một đàn
                                    Đến khi dầu hết, đèn không cháy
                                    Chẳng thấy ăn mày, chẳng thấy quan              
Đánh cờ tướng:
KinhThành xưa có Chùa Vua (thờ Đế Thích – vua cờ tướng) tại làng Thịnh Yên (cạnh chợ Hòa Bình ,còn gọi là chợ Trời ngày nay )..Vào ngày mồng chín tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhân dân mở hội chùa Vua trong đó có tổ chức hội thi đánh cờ người. Gọi là cờ người vì mỗi quân cờ có một người đứng giữ, đặc biệt hai tướng cờ thường là hai thiếu nữ được lựa chọn kỹ càng với tiêu chuẩn “đẹp người đẹp nết” nhất vùng. Những người ham mê cờ tướng và cả những người không biết gì về môn này đều đổ về hội rất đông vui.
Nhiều xã ở ngại thành như Kim Lũ, Vĩnh Quỳnh, Thanh Liệt, Chèm, Vẽ, Xuân Phương… cũng thường tổ chức đánh cờ người trong các ngày Tết, ngày hội. Vùng Kẻ Mía thuộc xứ Đoài (Sơn Tây) xưa cũng là nơi có truyền thống đánh cờ tướng. Tục ngữ có câu “Rượu làng Mơ, cờ Mông Phụ“. Một số vùng khác thường đánh cờ bỏi. Cờ bỏi chỉ khác cờ người ở chỗ quân cờ không có người đứng giữ mà là những tấm biển gỗ khắc hình hoặc tên quân cờ cắm trên các cọc gỗ sơn màu khác nhau, có khi sơn son thếp vàng rất cầu kỳ
Đánh cờ ngưòi hay cờ bỏi đều có người cầm cờ phất nước đi. Tiếng trống thúc của “trọng tài” điều khiển cuộc thi đấu, gây không khí tưng bừng, hào hứng cho cả người đánh cờ và người xem. 
Đánh đu:
Tương truyền, gốc gác của trò chơi đánh đu ở hai bờ sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay) từ xa xưa. Cho đến nay, nhiều địa phương thuộc địa bàn Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ vẫn tiếp tục tổ chức đánh đu vào các dịp lễ, hội, ngày Tết …
Cây đu trồng bằng 6 hoặc 8 cột, có khi chỉ đơn giản 4 cột tre đặc, dài trên 15 mét ở một khu vực rộng rãi, bằng phẳng. Hai hàng cột trồng doãng về hai phía cho vững chắc. Chỗ ngẳng đu ở ngọn cây tre được vận bằng rơm để đỡ cho cây tre khỏi bị vặn, đỡ ma xát. Hai tay đu làm bằng cây tre “bánh tẻ”, dẻo, nhỏ vừa tầm tay người để nắm chắc khi đánh đu. Đỉnh ngon đu phấp phới hai lá cờ đuôi nheo ngũ sắc. Bàn đu lơ lửng thõng xuống nhẹ nhàng.   
Đánh đu có cặp mới hay. Nam nữ cùng dún. Càng dún, đu càng lên cao vút. Hai người thay nhau kẻ dún, người dừng thật nhịp nhàng! Khi đu lên cao, khăn áo của hai người tung bay trng gió nhìn thật đẹp mắt!
Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương  xưa đã sáng tác bài thơ nối tiếng về cảnh đánh đu, trong đó có đoạn:
                           …Trai đu gối hạc khom khom cật
                               Gái uốn lưng ong mở mở lòng
                               Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
                               Hai hàng chân ngoc duỗi song song…
Cây đu không lúc nào ngừng trong suốt ngày hội. Hội tan, cặp nào cặp nấy lại hẹn hò nhau đi hội làng khác mở liên tiếp trong những ngày xuân.
Tục đu đôi trai gái là vang bóng của tín ngưỡng phồn thực từ thuở xa xưa, song trong chế độ xã hội cũ nó là biểu tượng đẹp và mang tính dân chủ sâu sắc.
Trong ngày hội đầu xuân, nhiều nơi đặt giải thưởng thi đu. Giải thưởng được buộc vào đầu một cây cần câu dài, đặt cao ngang với đỉnh cột đu. Người dún đu cao khỏi đỉnh cột đu sẽ với tay giật lấy giải. Nếu để giải bị đứt dây rơi xuống thì coi như mất giải.
Đánh đu không chỉ là trò vui, là dịp hò hẹn mà còn là một môn thể thao của nam nữ thanh niên thời xưa. Kế truyền thú chơi vui thanh lịch này, nay nhiều địa phương trong cả nước đã đưa môn đánh đu vào chương trình lễ hội và được đông đảo bà con, nhất là nam nữ thanh thiếu niên tham gia.                                              
Thả diều sáo:
Tại các làng ven sông Hồng có tục lệ thi thả diều sáo trong các ngày hội.
Chơi diều là một thú vui của cả người lớn và trẻ em. Nhưng diều sáo là loại diều cỡ lớn, bề ngang tới hơn 3 mét và có mang một hoặc nhiều chiếc sáo. Khung diều làm bằng cật tre. Giấy phất diều phải nhúng nhựa cậy cho bền. Diều thả bằng dây tre vót nhỏ hoặc bằng dây mây.
Sáo diều có 3 loại chính, phân theo tiếng sáo kêu:
·       Sáo Cồng có tiếng vang như tiếng cồng thu quân. Những tiếng “đu đu” rền rền dõng dạc. Sáo làm bằng một ống tre dài khoảng 40 cm, lựa khoét sao cho gió thổi vào nổi tiếng âm vang như hồi cồng.
·         Sáo Dầu tiếng kêu rên rỉ dài dài than thở.
·         Sáo Còi tiếng kêu the thé dài như tiếng còi.
Khoét sáo diều và cách đặt sáo vào đúng vị trí trên diều theo đúng chiều gió thổi là một nghệ thuật đòi hổi sự điêu luyện, chưa nói đến việc thiết kế con diều cần người chơi giàu kinh nghiệm tạo thế cân bằng cho diều bay thật cao
Trong các cuộc thi thả diều sáo ngày xưa, Ban Giám khảo có thể chấm theo tiêu chuẩn tiếng sáo có hòa âm kêu vang, mạnh, vui tai nhưng trước tiên phải xem diều có lên bổng? dây diều căng hay võng? nhất là lúc ở trên cao diều có lắc lư, đảo ngang, đảo dọc?.
Những con diều to, nặng lại mang theo sáo nên cuộc thi thả diều phải đợi ngày lộng gió. Nơi thi phải là bãi rộng, phong quang thì diều mới có thể bay cao thả sức, sáo mới kêu to và ngân vang. Diều được thiết kế tốt đã là điều cần thiết nhưng khi thả diều lại cần đúng kỹ thuật. Có khi hàng chục người phải nâng diều cho cân, đứng trên đê cao, lựa chiều gió đâm thẳng diều lên. Ban Giám khảo cũng chấm điểm cả lúc thả diều…
Thu 2010
Trường Giang (sưu tầm, biên soạn)
Theo http://vannghenamdinh.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...