Nơi
thanh xuân vĩnh hằng
Tháng
Bảy. Dừng chân trên phần thắt lại của lãnh thổ hình chữ S là gặp Quảng
Trị kề lưng vào núi rừng hùng vĩ ở phía Tây, ngoảnh mặt ra
biển Đông rộng lớn. Ở đó, chúng tôi được nghe trong âm vang chuyện đất,
chuyện người trên miền quê kiên dũng, ân tình này âm hưởng hào hùng, bi tráng của
những năm tháng đất nước viết tên mình bằng máu và hoa. Và cũng từ những năm
tháng ấy, đất nước mình có những mùa Xuân vĩnh hằng…
Thành
Cổ Quảng Trị đón chúng tôi bằng sự lặng im uy nghiêm của đài
tưởng niệm những người đã ngã xuống hôm qua và sự cởi mở chân chất của những
người đang sống hôm nay. Giữa lòng thị xã Quảng Trị nhỏ bé, hiền hòa nép mình
bên dòng Thạch Hãn vinh quang, chúng tôi đứng ở tầm cao của Đài tưởng niệm
Thành Cổ, nhìn con đường rợp màu phượng đỏ, những viên gạch vỡ nhuốm màu rêu
phong hoài niệm và đọc lại trang sử vàng từ Đại Việt sử ký toàn thư để
biết đây là nơi từng nổi tiếng với “chợ không nói thách, dân không trộm cắp, cổng
ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài đều đến buôn bán, trao đổi phải
giá, quân lệnh nghiêm cẩn, mọi người ra sức” và là nơi đất lành chim đậu như
tác giả của sách Ô châu cận lục đã ghi “Ngoài vườn Thạch Hãn chim về
lũ lượt”; biết vua Gia Long đã cho dời dinh lỵ Quảng Trị tới làng Thạch Hãn,
huyện Hải Lăng - tức vị trí của thị xã Quảng Trị ngày nay và tổ chức xây thành,
đắp lũy tại đây vào năm 1809. Với sự kiện này, năm 1809 được ghi vào sử sách là
thời điểm chính thức hình thành và xây dựng dinh lỵ Quảng Trị, mở đầu cho sự
phát triển đến thị xã Quảng Trị hôm nay. Đến thời đại Hồ Chí Minh, thị xã Quảng
Trị đã góp phần làm rạng danh non sông Việt Nam trên khắp năm châu. Trong cuộc
kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, thị xã Quảng Trị
được lịch sử lựa chọn làm chiến trường khốc liệt nhất, là nơi diễn ra những trận
đánh dữ dội nhất mà điển hình là cuộc chiến đấu tám mươi mốt ngày đêm bảo vệ
Thành Cổ Quảng Trị. Tại đây, thiên sử vàng của dân tộc Việt Nam được viết tiếp
bằng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mà “huân chương khó đủ từng viên gạch” (Trần
Bạch Đằng). Từ ngày 28 - 6 đến ngày 16 - 9 - 1972, để đẩy lùi cuộc hành quân
tái chiếm tỉnh Quảng Trị của Mỹ - ngụy sau thất bại trước sức mạnh tiến công của
quân và dân ta trong chiến dịch Xuân - Hè 1972, thị xã Quảng Trị đã trở thành mộtthành
phố tuẫn đạo của thế giới. Trên địa bàn thị xã chưa đầy ba cây số vuông, Mỹ
- ngụy đã trút xuống một lượng bom đạn có sức công phá bằng 7 quả bom nguyên tử
mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hirosima của Nhật Bản và hàng vạn chiến sĩ giải
phóng quân đã quyết tử giữ vững Thành Cổ Quảng Trị bằng chính lòng quả cảm, ý
chí và nghị lực phi thường của “những con người Việt Nam với truyền thống bốn
ngàn năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại” (Cố
Tổng Bí thư Lê Duẩn). Cuộc chiến đấu tám mươi mốt ngày đêm đánh bại cuộc phản
kích của Mỹ - ngụy, giữ vững Thành Cổ, bảo vệ thị xã Quảng Trị vừa được giải
phóng là một đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc
ta, buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Paris, ký Hiệp định Paris cam kết
rút khỏi miền Nam Việt Nam và là thiên anh hùng ca khiến nhân loại tiến bộ khâm
phục ý chí Việt Nam.
Tám
mươi mốt ngày đêm của Mùa hè đỏ lửa năm 1972 đã làm nên một phần lịch
sử của đất nước, thị xã Quảng Trị là tượng đài bất tử về khát vọng hòa
bình, độc lập, tự do và thống nhất của dân tộc Việt Nam. Trong tám mươi mốt
ngày đêm ấy, mỗi ngày trung bình có một trăm chiến sĩ Giải phóng quân hy sinh ở
đây. Mọi thứ trong sự cày xới của đạn bom không còn nguyên vẹn, từ mặt đường,
viên gạch vỡ nơi tường thành, nóc nhà nhỏ đến gốc cây, chùa chiền, nhà thờ,
ngôi trường Bồ Đề nổi tiếng... Hố bom, mảnh đạn dễ nhiều hơn cả ngàn cỏ lau. Dưới
cỏ lau Thành Cổ, trong lòng đất thị xã Quảng Trị có rất nhiều hài cốt liệt sĩ
mà đến hàng chục năm sau, trong ngày hòa bình, những người đang sống vẫn thường
gặp các anh mỗi khi làm vườn, dựng nhà, đào giếng và những chiếc trang thờ nhỏ
nhắn có hầu hết trong những vườn nhà ở Thành Cổ - thị xã Quảng Trị. Đâu đấy dưới
dòng Thạch Hãn, hơn bốn mươi ba năm trước đã nhận lấy biết bao máu xương của những
người lính vượt sông vào giữ Thành Cổ. Họ đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng
và vĩnh viễn nằm lại dưới Thành Cổ, trong dòng Thạch Hãn khi chỉ mười tám, đôi
mươi, thậm chí có người còn chưa được đồng đội biết tên... Nhìn lên mái tam
quan cách điệu và chiếc bút tháp cao vút như nén nhang vĩnh hằng giữa khung trời
Thành Cổ, chúng tôi rưng rưng trong niềm biết ơn vô hạn những người đã ngã xuống
vì Tổ quốc hôm qua và hôm nay. Máu của các anh đã đổ để giữ lấy mảnh đất này, để
chùm phượng vĩ nơi này càng thắm đỏ. Giữa ban mai đang lên ở Thành Cổ, chúng
tôi nghe ngân nga trong sóng nước của dòng Thạch Hãn niềm yêu thương khắc khoải:
“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi
thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm” (Thơ Lê Bá Dương).
Tháng
Bảy, không gian hoài niệm ở thị xã Quảng Trị luôn tràn ngập sự tưởng nhớ những
con người đã ngã xuống vì đất nước trong cuộc chiến khốc liệt vào mùa hè năm
1972. Đài chứng tích sinh viên - chiến sĩ Thành Cổ mang dáng hình của trang
sách mở ra trên nền đá hoa cương đỏ thắm là nơi những cựu chiến sĩ Thành Cổ là
sinh viên của các trường đại học ở thủ đô Hà Nội tưởng nhớ những đồng đội là bạn
học của mình đã hy sinh. Nghiêm trang giữa lòng thị xã, Tháp chuông Thành Cổ và
Quảng trường Giải phóng ngày ngày đón những ngọn gió mang hương thơm của nước
nguồn Hàn cùng Nhà hành lễ ngay trên bến sông từng đưa hàng vạn chiến sĩ
Giải phóng quân vào giữ Thành Cổ, bảo vệ thị xã Quảng Trị là các điểm nhấn tâm
linh tưởng niệm những con người đã quên mình trong mưa bom bão đạn để giữ vững
Thành Cổ, đẩy lùi cuộc hành quân tái chiếm đẫm máu thuộc hàng bậc nhất trong lịch
sử chiến tranh đồng thời góp lời nguyện cầu tịnh độ, an lạc vững bền trên mảnh
đất nhỏ bé này. Lòng tri ân của người Việt Nam đang sống trên một dải non sông
vững nhịp thái hòa hiểu cuộc sống quý giá này đã được đánh đổi bằng máu xương của
các thế hệ cha anh, trong đó có rất nhiều tuổi hai mươi vĩnh viễn nằm lại dưới
lau trắng, đất nâu, phượng hồng và gạch vỡ của Thành Cổ Quảng Trị, trong sóng
nước miên man của dòng Thạch Hãn nên nhiều đồng đội của những con người ưu tú ấy
về thị xã Quảng Trị vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27 tháng 7
hàng năm để thả hoa tưởng nhớ những đồng đội đã hóa thân vào sông nước.
Cũng vì vậy mà trong ánh sáng thái hòa của cuộc sống mới không ngừng sinh tỏa, dòng Thạch Hãn mang phù sa người lính đã trở thành dòng sông hoa đỏ vào những ngày tháng Bảy và nhà hành lễ, đền tưởng niệm, bến thả hoa ở hai bờ của dòng Thạch Hãn là hình ảnh đẹp của niềm biết ơn vô hạn của thế hệ hôm nay đối với những người con kiên trung của đất nước đã hy sinh cho Thành Cổ và thị xã Quảng Trị đứng vững trên hành trình thống nhất Tổ quốc.
Cũng vì vậy mà trong ánh sáng thái hòa của cuộc sống mới không ngừng sinh tỏa, dòng Thạch Hãn mang phù sa người lính đã trở thành dòng sông hoa đỏ vào những ngày tháng Bảy và nhà hành lễ, đền tưởng niệm, bến thả hoa ở hai bờ của dòng Thạch Hãn là hình ảnh đẹp của niềm biết ơn vô hạn của thế hệ hôm nay đối với những người con kiên trung của đất nước đã hy sinh cho Thành Cổ và thị xã Quảng Trị đứng vững trên hành trình thống nhất Tổ quốc.
Ngày
27 tháng 7 năm 2009, thị xã Quảng Trị nhận vào mình hương đất được lấy từ Hoàng
thành Thăng Long, trên đỉnh núi Chung ở Nam Đàn - Nghệ An, ở mười tám thôn Vườn
Trầu Bà Điểm - thành phố Hồ Chí Minh, ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường
Ba Đình lịch sử, ở khu nhà sàn Bác Hồ và vị nước lấy ở sông Kỳ Cùng - Lạng Sơn,
sông Hồng, Hồ Gươm, ao cá Bác Hồ, bến Nhà Rồng, sông Lam, sông Sài Gòn cùng đất
nơi vườn nhà, nước trong giếng nhà của các anh hùng liệt sĩ… Những hương đất và
vị nước ấy, khi hòa vào khí thiêng đất đai Thành Cổ Quảng Trị, sông nước Thạch
Hãn, lư hương bát nhang ở thị xã Quảng Trị là cùng tình đồng chí, nghĩa đồng
bào sưởi ấm linh hồn những người đã hy sinh trong tám mươi mốt ngày đêm viết
thêm trang sử hào hùng của dân tộc. Từ năm 2012, Thạch Hãn - nghĩa trang sông
được thắp sáng trong mỗi đêm Rằm bằng hàng ngàn chiếc hoa đăng là ánh sáng của
lòng tri ân sâu sắc với hàng ngàn chiến sĩ Thành Cổ đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Trong những ngày này, khi vào Thành Cổ Quảng Trị và nghe người hướng dẫn đọc
câu thơ “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ” là
hiểu vì sao bên bờ sông Thạch Hãn chuyên chở phù sa từ thượng nguồn về trong
dòng nước mà không thơm cũng thể hương đàn hôm nay có tám mươi mốt
cây phượng vĩ được đưa về từ thành phố Hải Phòng, có hàng cau xanh mướt trồng
trên nền đá trắng đặc trưng của vùng Thanh Hóa và cỏ xanh không vô tình...
Ngày
27 tháng 7 năm nay, chúng tôi tin những thanh xuân tươi ròng đã dâng hiến cho Tổ
quốc từ bốn mươi tư năm trước ở Thành Cổ Quảng Trị và dòng Thạch Hãn vinh quang
là những thanh xuân vĩnh hằng trên gạch hồng, phượng thắm, cỏ xanh cùng lòng biết
ơn và tình cảm yêu thương, kính trọng khôn nguôi của con người…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét