Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Nữa vầng trăng lạnh

Nữa vầng trăng lạnh
Nhạc nền
Sérénade của Schubert
Bây giờ là tháng sáu; tiết trời đang giữa mùa mưa, có những ngày cơn mưa đổ xuống thành phố Sài Gòn một cách bất thình lình làm người đi đường "trở tay không kịp", nhưng cũng lắm lúc cũng thật oái oăm; ấy là những ngày ông trời vặn mình vặn mẫy uốn éo gầm thét; tiếng sấm vang dội kèm theo những ánh chớp sắc bén làm bắn ra tung tóe những tia sáng màu xanh lạnh đến rợn người. Sự rung chuyễn kéo dài khá lâu, mây đen vần vũ dồn lại làm ai cũng nghỉ rằng:"trời sẽ mưa lớn lắm đây", thế nhưng sau đó thì mọi chuyện không có gì tiến xa hơn vì mây từ từ loãng ra trả lại cho bầu trời những khoảng không màu xanh lơ; nhiều sợi nắng xuyên qua kẻ mây rọi xuống chút nắng chiều vào những nơi nào có thể rọi được, những sợi nằng ấy hồn nhiên vui tươi nhảy nhót theo từng cơn gió thổi qua cành cây kẽ lá. Trời lại đẹp; da trời trong veo; nuột nà.
Bây giờ là tháng Sáu..."Tháng Sáu trời mưa...trời mưa không dứt; trời không mưa anh cũng lạy trời mưa...". Nhưng sáng nay trời trong veo với màu xanh biếc điểm thêm những cụm mây trắng như bông gòn, nắng thật là tươi. Dù chỉ mới năm giờ rưởi sáng thôi mà nắng đã ở trên cao rồi, vì là mùa Hạ nên trời "Tháng năm chưa nằm đã sáng", mà tháng Sáu thì cũng vậy thôi. Một đêm trằn trọc để thấy "thức đêm mới biết đêm dài" đến thế nào...
Ông ngồi dậy khi đồng hồ gỏ sáu tiếng, bình thường thì giờ này bà đã nấu xong ấm nước để châm bình thủy, pha một bình trà, quậy hai ly cà phê G7 thơm lừng cả căn phòng khách, sau đó bà vào phòng lay lay vai ông; đánh thức ông dậy với câu nói quen thuộc của mỗi ngày như một điệp khúc:
- Mình à; dậy uống cà phê rôi đi ăn sáng; em đã pha sẵn rồi đây...dậy đi đừng nằm nướng nữa...mà khét lẹt...
Ông nhổm dậy vươn vai cằn nhằn:
- Người ta đang sung sướng vì được nằm nướng trên giường mà mình cứ kêu ơi ới...phiền thật...
Bà cười:
-Dậy sớm phơi chút nắng sáng; "lượm" ít vitamin D cho xương chắc khỏe...khỏi tốn tiền thuốc.
Hạnh phúc quá; ông vẫn thầm cảm nhận như vậy mặc dù ông cau mày cằn nhằn bà.
Ông làm những công việc mà bà vẫn làm thường ngày: nấu một ấm nước sôi châm bình thủy với một bình trà Lài rồi pha hai ly G7, chiếc ghế ngồi được bà dành riêng cho ông ngay đầu bàn ăn, bà không cho bất cứ đứa con nào trong gia đình được ngồi vào đó, vì bà cho rằng người chủ gia đình phải có một vị trí đặc biệt là ngồi ngay đầu bàn; như vậy mới thể hiện được cái uy cần phải có...và bà diễn giải thêm nhiều điều về vị trí chổ ngồi ấy, còn bà thì bà cũng có một chổ ngồi phía bên tay phải của ông; vì " người vợ chính là cánh tay mặt của người chồng". Truyền thống đó có từ thời ông Nội của bà; cứ thế mà truyền cho con cháu.
Ông đặt ly cà phê xuống bàn, nơi bà ngồi:
- Anh pha đậm, ít nước theo đúng ý thích của mình.
Ông ngồi xuống chổ của mình, hớp một ngụm cà phê, sau đó đặt ly xuống bàn, vói tay cầm bình nước trà với một cái tách, rót trà ra tách, mở hộp mức gừng nhón lấy ra một miếng đặt trên tách trà, ông nói:
- Buổi sáng mình ưa ăn mứt gừng; uống trà nóng sau đó mới uống cà phê...hôm qua anh biểu con dâu mua loại mức gừng Huế ngon nhất, đúng ý mình thích.
Một hơi gió thoãng nhẹ mang theo hương hoa Lài; ông mĩm cười khi nghe vẵng bên tai tiếng của bà:
- Dạ; em cảm ơn mình.
Ông lại phồng ngực hít thật sâu mùi thơm của hoa Lài thoãng bay trong gió; trong đôi mắt ông có điều gì đó thật khó nói: nó vừa buồn bã, cô đơn, lại vừa u uất lẫn ngậm ngùi tiếc nuối. Ông lại phù má thở mạnh rồi nói:
- Anh với mình lên sân thượng tưới cây, để anh mang theo ly cà phê...rồi anh với mình ngồi xích đu uống cà phê thì tuyệt vời nhất; mình có công nhận vậy không?
Ông có cảm giác một làn gió thoãng lướt qua một bên má của ông mát rượi; và tiếng bà trả lời cũng nhẹ như gió:
- Dạ, sáng nào mình với em cũng uống "cà phê xích đu", em rất thích.
Ông cười:
- Thích còn hơn đi uống "cà phê ôm" ở mấy quán đèn mờ.
Hình như bà nhéo vào hông ông một cái làm ông phải nghiêng người để tránh cái nhéo của bà:
- Mình chỉ xạo...đàn ông là khoái cái "món" bia ôm; cà phê ôm nhất...
-Trong đó không có anh à nghen.
Cái xích đu đây rồi, ông ngồi xuống một bên, vổ vổ vào phần trống còn lại:
- Ngồi xuống đây phơi nắng, anh dành phía bên này có nhiều nắng cho mình đó. Uống cà phê đi mình.
Một bên má của ông lại mát rười rượi:
- Dạ...em biết rồi.
Ông chỏi chân đong đưa cái xích đu, hương hoa Lài phủ đầy cả không gian, nắng mùa hè giờ này bắt đầu gắt và không khí thì hắt lên vẻ oi nồng ngột ngạt, có lẽ chiều nay trời sẽ mưa. Ông hát nho nhỏ:
-..."Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt...trời không mưa anh cũng lạy trời mưa..." Anh biết mình thích bài này lắm; đúng không?
Lại một cơn gió thoảng qua, ông nghe tiếng bà cười nhẹ:
- Không...mình không biết em thích những bản nhạc nào đâu, có rất nhiều điều em thích mà mình không biết; chẳng những vậy mình còn cố tình không cần biết nữa kìa...
Ông hớp một ngụm cà phê rồi đưa ly cà phê qua phía bên kia:
- Uống đi không thôi nguội đó mình, nguội mất ngon.
- Dạ...có nhiều thứ khi "nguội sẽ không còn ngon"...nên chi lúc nào người ta cũng phải cố gắng làm sao cho nóng mãi để giử cho nó được ngon hoài...
Ông thở dài:
-Anh ân hận lắm mình biết không?
Hình như bên má ông vương vướng những sợi tóc của bà, những sợi tóc thơm mùi bồ kết và thêm một ít hương hoa Lài ướp trong tóc mỗi đêm. Ông nghe trong gió giọng nói của bà nhẹ như hơi thở:
- Em làm sao biết được mình ân hận điều gì? với ai?
Ông ngập ngừng trả lời bà:
- Anh ân hận với mình; nhiều điều lắm mình à...nhiều lần anh muốn nói với mình nhưng...cứ ngại ngần không nói...
- Vì sao mình không nói? vì sao mình ngại ngùng?
- Vì tự ái; vì cái tôi của anh quá lớn, vì...không muốn mình nhìn anh với đôi mắt...trách phiền...nói chung là nhiều điều để cho anh phải ngần ngại không thể thú nhận với mình...Nếu thú nhận với mình thì...khác nào anh tự công nhận là anh đã thua mình rồi?
Lại có tiếng thở dài nhẹ như gió thoảng qua tai ông:
- Bây giờ thì mình có thể thú nhận với em được rồi đó.
Ông hớp ngụm cà phê cuối cùng còn lại trong ly, cà phê đã nguội nhưng sao vẫn ngọt ngào; dù khi nguội vị đắng của nó tăng cao hơn, Ông vừa mở miệng để trả lời bà thì đứa cháu ngoại từ trong chạy ra, khoanh tay thưa:
- Thưa Ngoại con đi nhà trẻ...chúc ông ngoại ở nhà không buồn nữa.
Ông xoa đầu đưa bé, con gái ông cầm tay nó và nói với ông:
- Thưa cha con đi làm, thức ăn sáng con đã mua về rồi, cha nhớ xuống ăn kẻo nguội không ngon. Hôm nay con mua bún bò Huế mà cha vẫn thích.
Ông gật đầu:
- Cám ơn con.
Tự nhiên ông quên những điều muốn nói với bà, ông uể oải đứng lên đi theo con gái và cháu ngoại xuống lầu. Trên bàn nơi chổ ông ngồi là một tô bún bò Huế thơm lừng, ông cảm thấy đói bụng vì mùi thơm hấp dẫn của tô bún. Ngôi nhà bỗng nhiên yên lặng sau khi tiếng cánh cữa đóng lại, ông tần ngần cầm đôi đũa lên, nhìn vào chổ ngồi của bà, thở dài:
- Mình ăn cùng với anh nghen, một mình anh ăn thì buồn lắm, con gái của mình nó chỉ mua có một tô bún mà thôi...chắc nó muốn mình và anh cùng ăn chung đây mà.
Nhưng sao nước mắt của ông lại trào ra ràn rụa trên đôi má hơi nhăn nheo và hóp lại của ông. Ông ngồi thừ người một lúc lâu, tô bún đã nguội còn ông thì chưa ăn được một miếng nào, ông không đụng đủa đến tô bún bò mà đứng lên đi vào phóng ngủ, trên chiếc gối của bà nằm luôn có một lọn tóc thơm mùi bồ kết lẫn với mùi hoa Lài, vì đêm nào ông cũng ướp vào đó mấy cánh hoa Lài theo ý thích của bà; ông cầm lọn tóc của bà lên vuốt ve nhè nhẹ với vẻ nâng niu âu yếm, rồi ông đặt lọn tóc của bà xuống gối, sau đó thì ông bật khóc một cách ngon lành; thoải mái; tự do vì không có ai nhìn thấy sự yếu đuối và đa cảm của ông. Ngôi nhà thật vắng lặng và lòng ông thì đang trống trải vô cùng.
Đêm nay trăng đẹp quá, ông ngồi trên giường, trong bóng tối để nhìn ánh trăng vàng đang chiếu qua cửa sổ, ở trong thành phố Sài Gòn này mà được nhìn trăng đêm là một điều rất hiếm hoi, vì nơi đây toàn những ngôi nhà cao lầu ngất ngưỡng, thêm vào đó là ánh sáng của các loại đèn màu rực rở chói lòa làm lấn áp; che đi hầu hết phần lớn không gian của ban đêm, nên ánh sáng dịu dàng của trăng không thể nào chiếu soi đến mặt đất, hoặc có đến được mặt đất thì cũng bị lu mờ bởi ánh đèn của chốn phồn hoa đô hợi. Nhưng thật may mắn vì sau nhà ông có cả khoãng không gian rộng lớn của một ngôi Chùa, cửa sổ phòng ngủ của ông bà tiếp giáp với khoảng trống của sân chùa nên có bao nhiêu ánh trăng thì ông bà được hưởng trọn vẹn. Phải chăng vì ưa nhìn trăng nên chi con người bà luôn dịu dàng và tâm hồn thì lãng mạn? Như ông bây giờ; khi bắt chước bà ngồi trong phòng ngắm nhìn trăng rằm chiếu qua khung cửa sổ, rồi nhìn xa hơn nữa ra phía ngoài cửa sổ, ông thấy ánh trăng đong đưa trãi dài trên những sóng lá dừa, trên những cành liểu trong sân chùa, mọi thứ đều óng ánh như được tưới đẫm nước...lòng ông bâng khuâng xao xuyến, lòng ông bồi hồi rung động; một nỗi niềm rung động thật lạ kỳ, nó len lõi vào trong cùng trái tim ông rồi ngoáy sâu tận đáy tâm hồn làm cho ông cảm thấy vừa nhức nhối đau đớn, đồng thời lại vừa có chút thanh thản nhẹ nhàng. Ông cầm lọn tóc của bà đưa lên mũi hít lấy mùi hương trong ấy; nước mắt ông ứa ra khi ông nói:
- Mình à; đêm nay trăng đẹp quá, đến bây giờ anh mới biết thưởng thức cái đẹp của một đêm trăng sáng như thế này, bấy lâu nay anh không hề nghỉ đến hay cảm nhận cùng với mình...tiếc quá mình à.
Có tiếng cười rất nhẹ của bà như làn gió thoãng qua:
- Khi không còn có nữa thì mới biết tiếc mình nhỉ? nhưng bây giờ mình vẫn sẽ còn rất nhiều đêm trăng sáng để mà thưỡng thức, chỉ là...
- Anh biết rồi; mình đừng nói tiếp câu đó...anh sẽ không cầm được nước mắt vì ân hận...bây giờ anh sẽ kể với mình tất cả...mọi chuyện từ trước đến nay.
Trong ánh trăng mờ ảo ông cảm thấy hình như bà lắc đầu:
- Thôi mình à; dù mình không nói ra nhưng em cũng biết. Khuya lắm rồi, sương đêm nhiều quá, mình đóng cửa sổ kẻo càm lạnh, ngủ đi nghe mình.
Ông đóng cửa sổ lại, trăng vẫn sáng vằng vặc; vẫn đẹp một cách liêu trai, ông để lọn tóc của ba xuống gối, vuốt nhè nhẹ; ông khẽ rên nho nhỏ:
- Mình ơi; anh muốn ngủ lắm nhưng không sao ngủ được; anh cảm thấy lạnh lạnh làm sao ấy.
Không có tiếng trả lời của bà; ông nhìn lên trần nhà nhưng chẳng thấy gì ngoài chút ánh sáng nhờ nhợ, nhạt nhòa.
Vẫn thế; một ngày của ông bắt đầu khi tiếng chuông đồng hồ gỏ sáu tiếng. Ông bước ra khỏi phòng thì trời đã sáng lắm rồi. Hôm nay nắng có vẻ yếu vì mây xám hơi nhiều.Tự dưng ông cảm thấy bải hoải trong người còn tâm hồn thì đầy nỗi chán chường. Ông nhớ ngày trước bà thường hay nói đùa mỗi khi ông than mệt và buồn:
- Mình đến tuổi "hậu dậy thì" rồi nên "Ngọc thể bất an; Tâm hồn bất ổn".
Ông cười vì câu đùa dí dõm của bà. Hôm nay ông muốn nghe lắm một câu nói đùa kiểu như vậy nhưng sao bà vẫn lặng thinh. Ông lại nấu nước sôi, lại châm bình thủy, pha trà, quậy hai ly G7 như mọi ngày. Cũng như mọi ngày ông đặt hai ly xuống trước mặt ông và bà, lấy miếng mứt gừng, rót một tách trà nóng đưa qua chổ bà ngồi:
- Ăn mức gừng rồi uống trà nóng đi mình...cà phê anh pha đậm theo gu của mình đây.
Không có tiếng bà trả lời, ông ứa nước mắt nhìn quanh:
- Mình đâu rồi?
Có tiếng trả lời nhẹ như cơn gió thoãng:
- Em đây, sao mình buồn quá vậy?
Ông đưa tay lên dụi mắt, đúng ra là ông lau giọt nước mắt vừa tràn ra ở khóe:
- Mình ơi, hôm nay mình phải nói chuyện nhiều với anh và phải nghe anh nói; nếu không thì anh cứ canh cánh bên lòng một nỗi ưu tư làm cho tâm hồn anh rất nặng nề.
Tiếng bà cười quyện với hương hoa Lài:
- Mình muốn lên sân thượng ngồi xích đu hay vô phòng?
Ông cầm hai ly cà phê đứng lên đi vào phòng:
- Hôm nay trời không có nắng nên cũng không cần phải "kiếm một chút vitamin D", anh hơi mệt trong người nên chỉ muốn nằm trên giường nói chuyện với mình.
Để có được khoãng không gian riêng tư trò chuyện với nhau, ông đóng cửa phòng lại, đóng luôn cửa sổ để tránh ánh sáng từ bên ngoài lọt vào, có như thế ông mới cảm thấy thoải mái. Ông cầm lọn tóc của bà lên vuốt ve mấy cái rồi đưa tay sờ chiếc gối bà kê đầu; ôm lấy và hôn thật sâu cái mùi thơm đặc biệt chỉ riêng bà mới có.
Ông nghe tiếng bà hỏi rất nhẹ nhàng:
- Mình đang nghỉ gì vậy?
Ông mở mắt thật to để được nhìn thấy bà trong bóng mờ của căn phòng:
- Mình à; anh nghỉ rằng hôm nay anh và mình phải nói thật nhiều chuyện...nhất là anh...anh muốn nói với mình những điều mà trước đây anh chưa hề nói...
- Mình nói đi... em đang lắng nghe mình đây.
Ông uống một ngụm cà phê, vị ngọt ngào beo béo của sữa cùng với chất đắng và hương thơm của cà phê hòa tan trong ly G7 thấm sâu vào đầu lưỡi của ông, ông nuốt chầm chậm, cố ý kéo dài thời gian vì ông vẫn còn ngần ngại; phải bắt đầu như thế nào? từ đâu? và điều gì ông muốn nói trước đây? Khi cần thú tội với một ai đó mà mình từng mang lỗi...chao ơi; sao mà khó quá., nhưng dù khó cách mấy thì cũng phải có một lần "thú tội" để cho lương tâm được thanh thản, thảnh thơi.
Ông hít vào lồng ngực của mình một hơi thất dài, thật sâu và bắt đầu nói với bà:
- Anh không biết phải kể cho mình nghe điều gì trước, điều gì sau? bởi vì đầu óc anh nó lộn xộn lắm, nó "lung tung xà beng", thôi thì nhớ gì anh nói đó...mình nhé; có thể chuyện mới đây anh sẽ nói trước; chuyện ngày xưa thì anh lại nói sau, hoặc là anh sẽ nói...vừa chuyện xưa vừa chuyện nay.
- Không sao đâu...em hiểu mà.
Ông đưa tay xoa xoa lên tấm drap giường. giọng buồn buồn:
- Anh biết mình là người tươm tất; thích gọn gàng ngăn nắp sạch sẽ, mình thích drap trãi giường lúc nào cũng thẳng và sạch, nhưng mỗi lần anh mà nằm lên là anh lại có ý thích làm cho nó nhàu nát, xộc xệch, dúm dó lại, mặc dù anh cũng rất thích nhìn thấy giường mình nằm thẵng thớm thơm tho...
-...
Ông tiếp tục:
- Anh luôn làm xộc xệch những gì mà mình cố làm cho ngay ngằn; kể cả những tấm đệm dẫm chân trong toilette, mỗi lần vào toilette là anh cố tình đá tấm bên này, hất tấm bên kia cho nó lộn xộn lung tung...vì anh biết rằng sau đó mình sẽ phải sắp xếp lại...dù biết rằng mình đúng nhưng anh không...muốn công nhận điều đó...Mình thích nghe nhạc với âm thanh nho nhỏ vừa tai; nhưng mỗi lần mở nhạc là anh mở thật lớn; thật ầm ỉ để cho mình khó chịu...Càng nghỉ lại anh càng thấy anh thật là con nít quá phải không mình?
Hình như ông nghe có tiếng bà cười rất nhẹ kèm theo câu hỏi:
- Vậy nên mỗi lần nằm lên giường mình lại ưa làm cho drap giường nó nhăn nhúm, nhàu nát? mỗi lần vô toilette mình lại xô lệch những tấm thãm; mỗi lần mình nghe nhạc là em bị stress...
- Vì anh ưa làm điều trái ngược với mình; nó làm cho anh khoan khoái trong lòng. Cũng như anh biết mình rất ghét kiểu rửa tay của anh...mỗi lần rửa tay xong anh ưa rảy rảy hai tay cho nước bắn tung tóe chung quanh; sau đó thì anh chùi hai tay vô đít quần, cũng như rữa mặt xong anh cứ thế mà...trong khi đó...
Có tiếng cười nhẹ của bà:
- Trong khi đó em đã để sẵn khăn lau tay, lau mặt ở những nơi có chậu rữa. chỉ mong rằng mình sẽ thuận tiện khi cần dùng đến nó.
-Thế nhưng anh lại cố tình không xài đến chúng...
Vậy đó; nói ra điều này ông hơi xấu hổ với chính mình khi ông cảm thấy trong hầu hết những việc ông làm chỉ là muốn "khẳng định vai trò tối thượng của một ông chủ gia đình", thật đơn giản nhưng...hơi kỳ cục.
- Còn gì nữa không mình? kể ra luôn.
Ông gật đầu:
- Còn nhiều lắm, từ từ anh sẽ nói hết với mình. Thời còn trẻ, mặc dù biết mình không thích tánh trăng hoa của anh, mặc dù biết mình mỗi buổi chiều vò vỏ cùng các con chờ anh về ăn cơm, hoặc buổi tối cùng mình và các con vui vẻ bên nhau, nhưng anh hiếm có khi nào về sớm với em và các con...
Bên tai ông là giọng nói rất buồn của bà:
- Chiều chiều em bồng con ra cổng ngóng mình từ đầu đường bên này cho tới đầu đường bên kia bên kia, với một chút hy vọng là mình sẽ về sớm với em và các con...nhưng hầu như ngày nào cũng vậy; khi các con đã ngủ say thì mình mới về. Sáng ra mình lại đi thật sớm lúc các con còn say ngủ...nên cha con ít khi được gần nhau, các con cứ hỏi em: " cha đâu rồi hả mẹ? cha đi sao lâu quá mà không về?", Em tự hỏi:" có phải mình không còn thương em và các con?"
Ông nghe có tiếng bà khóc nho nhỏ làm lòng ông đau đớn quá, ông đưa tay lên lau những giọt nước mắt của chính mình:
- Ngày đó anh rất thương mình...nhưng anh lại rất muốn làm cho mình đau khổ mõi mòn khi chờ đợi anh về nhà...lúc đó trong anh có một cảm giác sung sướng vì đã trả thù được mình, nhưng đồng thời nó lại cay đắng xót xa thế nào ấy...mình có nghe câu nói "càng yêu càng hận" không?
- Nhưng em đã làm gì để cho mình phải hận?
Ông thở ra để trút nỗi lòng mình:
- Vì anh nghỉ rằng từ tận trong sâu thẳm của trái tim của mình...đã không dành trọn vẹn cho anh...mà lại dành cho một ai đó; anh luôn buồn phiền đau đớn vì ý nghỉ này, nó cứ ám ảnh anh, cứ luẩn quẫn trong đầu anh...
- Mình không tin em? tại sao vậy hả mình?
- Vì mình đối xử với anh và các con quá tuyệt vời...điều này làm cho anh nghỉ rằng mình đang cố che dấu nỗi niềm riêng trong lòng để đánh lạc hướng anh.
Mái tóc của ông hơi gợn lên với cảm giác như khi có bàn tay bà lùa vào:
- Mình ngốc quá đi.
Ông kể tiếp:
- Vì có rất nhiều lần anh cố ý làm cho mình nổi cơn thịnh nộ vì ghen, anh buông cô này bắt cô nọ...tứ lung tung, cố làm sao cho mình thấy trái tim của anh không chịu ngủ yên", thế nhưng mình vẫn "bình chân như vại", điều đó làm cho anh có cảm giác là mình không thèm chú ý đến tình cảm của anh, đến những điều anh làm, những cô gái mà anh...
- Mình ơi; em quan niệm rằng "xấu chàng thì hổ thiếp"...yêu không cứ là phải ghen tuông cho thật ầm ỉ ồn ào...mà yêu là phải tôn trọng nhau. Ngày đó em nghỉ rằng khi mình bước chân ra khỏi nhà thì mình là của mọi người...của ai đó mà mình thích...nhưng một khi mình bước chân vào nhà thì mình là chồng của em và là cha của các con, em phải gìn giử cái tổ ấm của gia đình mình sao cho thật yên thấm mọi bề...tại sao mình không chịu hiểu em về điều đơn giãn đó?
- Mãi sau này anh mới hiểu...ba mươi năm sau anh mới hiểu ra được "chân lý" đó của mình...bây giờ chúng mình đã có với nhau hơn bốn mươi năm chung sống...
Lại một tiếng thở dài như cơn gió thoãng, ông nhắm mắt lại như cố nhớ ra thêm vài chuyện nữa. Ồ; ông đã nhớ ra:
- Anh biết mình rất ghét mỗi sáng thức dậy mà nghe giọng hát rũ rượi của Khánh Ly, hay tiếng ca não nề than thở bi lụy của Lệ Thui, với những bài ca chứa đựng sự "thất tình đau khổ"...mình nói :" buổi sáng thức dậy mà nghe những giọng ca rên rỉ như thế này thì suốt cả một ngày tâm hồn con người ta chứa đựng toàn là sự chán chường...mệt mỏi chẵng thể làm việc được. Mình nói với anh mình thích mỗi buổi sáng anh phải mở nhạc gì vui tươi đầy hứng khởi cho lòng hưng phần để bắt đầu công việc của một ngày mới...Thế nhưng mình biết không? anh thích làm điều ngược lại: đó là làm trái ý mình. Anh biết mình bực bội ghê lắm mỗi lần anh nghe loại nhạc cùng giọng hát của những ca sĩ rã rời rủ rượi đó...nhưng những lúc làm cho mình khó chịu là những lúc ấy trong lòng anh có sự thích thú cùng với một khoái cảm sung sướng vô cùng; mặc dù sau đó thì anh ân hận lắm và tự mắng: " mình là thằng chồng cà chớn"...
Hình như nói ra những điều này tâm hồn ông nhẹ nhỏm được đôi chút. Ông cố nhớ thêm những gì mà ông đã từng làm cho bà bực mình, khổ sở, buồn rầu...càng gợi lại trí nhớ ông càng cảm thấy còn nhiều điều quá, nhưng tựu chung thì có thể tóm gọn lại một câu là: " Ông luôn muốn làm trái ngược lại với ý của bà; đơn giản là ông không cam tâm chấp nhận rằng lúc nào bà cũng có lý trong mọi hành động; việc làm hay lời nói". Cái Tôi của người đàn ông trong ông quá lớn, tánh tự tôn tự đại trong ông cũng không nhỏ...Bây giờ có hối hận thì chỉ biết...xin lỗi bà mà thôi...nhưng...
Suốt ngày hôm nay ông không buồn ăn uống gì mặc dù con gái ông đã nấu cho ông những món ăn mà bình thường bà vẫn nấu và ông rất thích. Nhưng không hiểu sao hôm nay miệng ông đắng nghét, cổ họng khô ran, ông chợt nhớ đến hủ mơ bà ngâm năm ngoái. Mỗi năm cứ vào tháng ba là bà ưa mua mấy ký mơ, bà chọn loại mơ đầu mùa trái còn xanh; sau đó bà ngâm với nước muối một đêm, sáng hôm sau bà ướp một lớp mơ; một lớp đường phèn, cứ theo liều lượng là một ký mơ một ký đường phèn. Khi đường phèn tan chảy; mơ tự lên men, chờ đến sáu tháng sau bà vớt trái mơ ra để cho ráo, rồi đựng vào trong hủ; sau đó để vô tủ lạnh, còn nước mơ thì bà chiết vào các chai rượu đẹp mà bà tìm mua từ vựa "vỏ chai rượu ve chai" Mỗi lẩn có người đau họng; ho hen thì chỉ cần uống một ngụm nước mơ, ngậm vài trái mơ dẽo dẽo, chua chua ngọt ngọt thì y như rằng cổ họng được "khai thông". Ông uể oãi, nặng nề bước ra khỏi phòng đến mở tủ lạnh lấy ra mấy trái mơ ngậm vào miệng. Vị ngọt ngọt, chua chua của trái mơ thấm vào đầu lưỡi của ông, ông nhai từ từ để cảm nhận chất dẽo dẽo, dai dai của nó. Ông lại nuốt xuống cổ họng và nướt luôn nỗi nghẹn ngào đang dâng tràn trái tim ông. Ông nhớ bà quá chừng quá đổi.
Hình như trời đang muốn mưa, những đám mây xám tụ tập quây quần lại bên nhau càng lúc càng nhiều; nhiều đến nỗi không thấy được chút ánh nắng chiều, chẳng những vậy trời lại sụp tối đen. Ông ngồi trước balcon nhìn màu mây xám và chờ đợi cơn mưa sắp đến..."Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt...trời không mưa anh cứ lạy trời mưa...". Ông hát thầm trong đầu nhưng rồi chỉ mới được một câu thôi, ông lại ứa nước mắt ngậm ngùi vì thương nhớ, ông chờ đợi cơn mưa chiều trong nỗi quạnh hiu với một ước muốn thiết tha: " Mình ơi; sao mình không ngồi cùng với anh, bên cạnh anh để cùng đón mưa?". Và rồi cơn mưa đến, lúc đầu nhỏ hạt, sau đó thì lớn dần. Ông ngồi nhìn mưa rơi trong nỗi nhớ thiết tha cùng với nỗi buồn tê tái, vẫn không có bà bên cạnh, ngôi nhà sao trống vắng đến lạnh lùng. Ôi chao tháng sáu trời mưa sao mà buồn quá vậy?
Đêm nay trời không có trăng mà cũng chẵng có sao, ngay từ chiều mây xám kéo về giăng kín cả bầu trời. Ông vào giường nằm rất sớm nhưng chẳng thể nào ngủ được mà cứ thao thức trằn trọc mãi, đến nữa khuya thì trời đổ cơn mưa, lúc đầu còn nhẹ sau đó thì càng lúc càng nặng hạt. Ông mở hé một cánh cửa sổ để cho những giọt mưa tạt vào mặt ông, những giọt nước mưa làm cho mặt ông mát lạnh. Ông quơ tay tìm lọn tóc của bà ở trên gối; ấp lên mặt mình rồi nói nhỏ:
- Thích quá phải không mình...À...mình ơi; mình có nhớ một lần anh lớn tiếng quát mắng mình quá chừng chỉ vì...
- Mình kể cho em nghe đi...làm sao em nhớ được khi mà...lúc nào mình cũng ưa gây với em...
Ông bật cười:
- Cái lần mà anh hét vô mặt mình rằng: "Cô là người không có lòng tự trọng, ưa tò mò; tại sao cô lục ví của tôi? Cô có biết rằng ông chồng ghét nhất là khi bị bà vợ lục ví" không?", chỉ vì bữa đó anh thấy ví của anh bị...xáo trộn lung tung.
Có tiếng bà cười nhẹ trong tiếng mưa rơi:
- Lúc đó em cũng...cải lại với mình và trả lời rằng: "Còn người vợ thì thích nhất là lục ví của ông chồng". Thật tình hôm đó em thấy cái quần của mình dơ quá, định lấy đồ trong túi của mình ra để đem đi giặt, ai ngờ lảm rơi cái ví, thằng út đang bò lẩm chẫm cầm lên xổ tung tóe, em đang sắp xếp lại cái ví cho mình, vừa lúc đó mình vào phóng bất ngờ, mình cho là em...nên đã lớn tiếng quát nạt em, lúc đó em không thèm "thanh minh thanh nga" làm gì cho mệt...bị vì mình hung hăng quá...nên em nói bướng với mình cho bỏ ghét.
Ông ngạt nhiên:
- Trời ơi; vậy sao hồi đó mình không nói rỏ cho anh biết...làm cho anh lúc nào cũng...
Bà thở một hơi dài làm lạnh mặt ông:
- Mình phải biết là con người em rất có lòng tự trọng...một khi mình không hiểu thì...thôi vậy; tánh em không thích phân bua; mình biết rồi mà.
Ông thở dài:
- Anh xin lỗi mình ngàn lần...mình ơi...đêm nay trời mưa rã rích làm anh buồn quá mình à.
Con gái ông gọi điện thoại cho con trai lớn của ông đang ở xa:
- Alô...anh Hai ơi; cố gằng về mau...em muốn nói chuyện này với anh...Em cũng đã kêu anh Ba rồi.
- Quan trọng không em?
- Cũng khá quan trong. Hai anh phải về càng sớm càng tốt nghe anh.
- Ừ...Chúa Nhật anh và chú Ba sẽ về.
Ông ngạc nhiên khi thấy các con trai, con gái, con dâu, con rể cùng các cháu nội ngoại của ông về đông đủ với những quà bánh, trái cây sắp đầy một bàn. Mấy đứa con hỏi thăm sức khỏe của cha, mấy đứa cháu tíu tít đòi ông kể chuyện. Ngôi nhà ồn ào náo nhiệt hẳn lên chứ không thinh lặng buồn bả như trước. Ông bà ở với gia đình đứa con gái út trong ngồi nhà nhỏ nhưng xinh xắn này. "Gìau út ăn, khó út chịu", đây là tổ ấm của ông bà và là của hồi môn cho con gái ngày con gái út của ông bà lấy chồng. Hai đứa con trai lớn đều có nhà cửa nên ở riêng. Ông ngồi nói chuyện với các con một lúc rồi đi về phòng mình, tự nhiên ông có cảm giác sợ sự ồn ào, lăng xăng của những người chung quanh. Ông nằm xuống giường với lấy lọn tóc của bà vuốt nhẹ, chỉ những lúc như thế này ông mới cảm thấy thoãi mái, hạnh phúc.
Ngoài phòng khách các con ông đang nói chuyện với nhau về ông, mỗi người một nỗi ưu tư lo lắng riêng. Con gái út thở dài:
- Mấy lúc sau này cha có vẻ lạ lắm làm em không yên tâm chút nào. Cha luôn ngồi nói chuyện một mình, mỗi sáng cha còn pha đến hai ly cà phê rồi kêu mẹ uống...làm như mẹ đang ở bên cạnh cha...có những đêm em ghé tai vô cửa phòng; em nghe tiếng cha...đôi khi cha khóc nữa đó. Lạ một điều là không bao giờ cha đến phòng thờ...
Con trai lớn nhìn vào phóng cha, buồn buồn:
- Có lẽ cha vẫn chưa thế chấp nhận được thực tại là mẹ đã mất.
Người con trai giữa đưa tay dụi dụi mắt:
- Tuần sau là giỗ bốn chín ngày của mẹ...với tình trạng này của cha, anh em mình phải tính như thế nào đây? cha có chịu đựng nổi hay không?
-Dù thế nào thì mình cũng phải làm giỗ bốn chín ngày của mẹ, và phải làm sao để cha chấp nhận thực tại là mẹ đã không còn. Chứ cha cứ sống mãi trong ảo tưởng như thế này...không tốt cho tâm lý của cha đâu...Anh nghỉ rằng anh em mình phải kéo cha ra khỏi vỏ bọc của cha...
- Sau đám giỗ bốn chín ngày của mẹ thì anh em chúng mình nên dành thởi gian tổ chức một chuyến du lịch, mình đưa cha đi cùng với các con, cháu...hy vọng cha sẽ nguôi ngoai...Kể ra thì em cũng thật tệ cứ lo chạy theo công việc mà để cha thui thủi một mình, còn anh Hai; cô Út thì cũng lo đi làm...
- Phải đó, Anh em mình có lỗi với cha nhiều quá, sau đám ma của mẹ thì cha ở nhà thui thủi một mình;trong khi anh em mình cứ vin vào lý do công việc, rồi thì mỗi đứa đều quay cuồng theo chuyện của mình mà quên mất một điều là cha cô đơn biết mấy sau ngày mẹ mất.
- Từ sau ngày mẹ mất cha không chịu đi đâu hết, suốt ngày cứ luẩn quẫn ở trong nhà, nhiều lần vợ chồng em muốn đưa cha đi nghe nhạc hay nhờ cha đưa cu Bin đi công viên nhưng cha lắc đầu không chịu...
Ba đứa con của ông đều khóc. Ông nghe được những điều chúng nó nói với nhau vì phòng của ông sát ngay phòng khách. Ông ứa nước mắt, không phải là ông không chấp nhận được điều các con ông vừa nói với nhau: đó là bà đã mất, nhưng ông cố tình bám víu vào một mơ ước vô hình rằng mọi chuyện chỉ là một giấc mơ; rằng bà đang đi chơi xa đâu đó vài ngày; rằng...v...v...và v...v...ông không muốn tin và cũng không dám tin. Nhưng thực tại vẫn là thức tại, bà đã mất và thật sự là bà đã mất, có muốn không tin cũng không được, có muốn sống trong ảo tưởng cũng không thể được, vì với thời gian mội sự đã quá rỏ ràng.
Ông mở cửa phòng bước ra ngoài, đôi mắt ông vẫn còn lấp lánh những giọt nước. Những đứa con trai; gái; dâu rể của ông nhìn cha với nhiều thương cảm. ông nhìn qua phòng khách; nơi đó bốn đứa chàu nội;ngoại của ông đang chơi xếp hình, đó là bộ xếp hình mà bà đã tặng cho cháu ngoại ngày sinh nhật của nó; chỉ mới cách đây hai tháng mà thôi, có xa xôi gì đâu kia chứ.
Ông kéo ghế ngồi xuống trước mặt các con, cô con dâu lớn rót tách trà trà nóng đưa cho ông:
- Con mời cha uống nước.
Ông gật đầu cầm tách trà đưa lên miệng:
- Cám ơn con.
Các con của ông nhìn cha với vẻ chờ đợi, ông chớp mắt nhìn từng đứa con sau đó thì ông chậm rãi nói, giọng trầm buồn:
- Cha biết các con đang nghỉ gì và lo lắng cho cha như thế nào rồi...nhưng các con yên tâm...cha biết mẹ các con đã qua đời, tuần sau là giỗ bốn chín ngày của mẹ...
Rất nhiều tiếng thở phào nhẹ nhõm khi nghe ông nói câu đó, ông nói tiếp cũng với giọng trầm buồn:
- Thời gian qua thật tình thì cha không muốn tin rằng mẹ các con đã rời xa cha con mình mãi mãi. Có những điều mà khi mẹ còn sống cha đã không thể nói với mẹ...những điều mà cha đã làm mẹ buồn phiền đau khổ. Cha đã có một khoảng thời gian dài sống với mẹ thật hạnh phúc vì sự chịu đựng và nhịn nhục của mẹ...nhưng cha vẫn cứ làm cho tâm hồn mẹ bị thương tổn. Mẹ các con đã mất rồi; điều này đã làm cha hụt hẫng và đau đờn, cha muốn xin lỗi mẹ...những ngày qua cha đã "nói" với mẹ phần lớn những ray rức trong lòng cha...những điều mà khi mẹ các con còn sống cha đã không chịu nói.
Ông thở dài trầm ngâm nghỉ ngợi rồi nói tiếp:
- Hôm nay các con đã về đây đông đủ để thăm cha, cha rất cảm động, sẵn dịp này cha muốn khuyên các con mấy điều...
Cá con của ông im lặng nhìn ông chờ đợi, ông nói tiếp:
- Cha muốn khuyên các con rằng: các con hảy yêu quí và nâng niu những gì mình đang có, đó là: gia đình; vợ chồng; con cái...Vợ chồng sống với nhau phải biết tôn trọng và yêu thương nhau thật lòng, lo cho nhau hết khả năng của mình...người xưa có câu:"vợ chồng tương kính như tân"...Đừng cắn đắng và làm khổ nhau vì những chuyện không đâu, đừng ghen tuông bóng gió, cũng đừng hơi một chút là nghi ngờ nhau. Các con ơi, thời gian thấy vậy chứ qua nhanh lắm, nó cứ vun vút phóng đi...đến khi nhìn lại thì...Còn sống được bên nhau ngày nào hảy biết trân trọng và yêu thương nhau ngày đó. Phải biết tha thứ cho nhau, bao dung và độ lượng, cảm thông và chia sẽ với nhau; cho nhau. Gia đình là nơi chốn các con tập yêu thương tha thứ, khoan dung độ lượng, càm thông và chia sẽ cùng nhau...giữa vợ chồng đối với nhau, giữa con cái đối với cha mẹ...Chỉ khi con người ta sống với nhau trong tình yêu thương và sự tha thứ cùng tấm lòng bao dung độ lượng thì tâm hồn mới thăng hoa tốt đẹp, gia đình mới hạnh phúc; con cái mới nên người...Cha biết được những điều này là từ mẹ của các con và cha đau đớn khi cha không còn có dịp để nói cho mẹ các con biết là cha yêu mẹ đến chừng nào...Anh em các con, vợ chồng các con phải biết sống trong tình yêu thương và sự tha thứ...có như vậy cha mới thật sự yên tâm
Ông òa khóc nức nở làm các con ông cũng khóc theo.
- Các con có hứa với cha là sẽ đối xử với nhau như lời cha dặn không?
Một loạt tiếng:
- Dạ...dạ...dạ...dạ...chúng con hứa với cha là sẽ làm theo những lời cha dặn.
Ông mĩm cười qua làn nước mắt, cô con út sung sướng nói với chống và các anh chị:
- Bao nhiêu ngày qua...nay mới được thấy nụ cười của cha, lòng em nhẹ nhõm làm sao ấy...
Người con lớn hỏi:
- Cha ơi, bốn chín ngày của mẹ cha muốn anh em chúng con tổ chức như thế nào?
- Xin lễ cầu cho linh hồn của mẹ sớm được Chúa đư về trời, cha không muốn mời người ngoài, chỉ có gia đình mình và bà con ruột thịt mà thôi, không rượu bia, không ồn ào náo nhiệt, chỉ làm giỗ mẹ trong sự êm đềm vì tánh mẹ con vốn thích sự yên lặng...Cha thật là tệ vì còn nhiều điều ở mẹ mà cha không biết vì...thật tình là cha hời hợt không muốn biết...Cũng như cha không mấy để ý đến những sở thích của mẹ. Cha ân hận quá. Các con đừng đứa nào giồng cha ở điều này...không tốt đâu.
Con gái ông nói:
- Ngày đó con sẽ mở những bài hát mà mẹ thích, nhất bài "Mái tóc dạ hương" và "Suối tóc".

Hôm nay là giỗ bốn chín ngày của bà, các con ông đã lo việc này một cách hết sức chu đáo. Ông đã ở trong phòng thờ của bà suốt cả buổi, ông nhìn thật lâu, thật âu yếm nồng nàn tấm ảnh của bà, hình như ông thấy trên đôi môi, đôi mắt bà lấp lánh nụ cười, ông cũng mĩm cười lại với bà, tâm hồn ông nhẹ nhõm hơn những ngày qua rất nhiều. Khi đã biết mở cửa tâm hồn ra để chấp nhận một sự thật; và biết nhìn thẳng vào nó, nên cho dù sự thật đó có đau lòng đến bao nhiêu đi nữa, nặng nề đến thế nào đi chăng nữa thì cũng rủ bỏ ra khỏi tâm tư mình sự nặng nề đau đớn ấy. Ông đã làm được điều đó.
`Đêm nay trời cũng có trăng, trăng lên muộn vì đã qua đi ngày rằm. Khuya lắm rồi nhưng ông vẫn chưa ngủ vì ông muốn nhìn trăng. Khi ánh trăng chiếu lọt vào khung cửa sổ thì nó chỉ còn là một vầng trăng khuyết nhưng ánh sáng của nó vẫn huyền hoặc, vẫn đẹp một vẻ đẹp liêu trai. Ông nhìn đăm đăm vầng trăng khuyết mà không chớp mắt, va rồi như mọi khi ông lại nói với bà:
- Mình à...Đêm nay trăng khuyết, chỉ một mình anh ngồi đây nhìn trăng...Không có mình bên cạnh thì anh chỉ còn là một " Nữa vầng trăng lạnh" mà thôi...mình ơi. Anh nhớ mình lắm, nhớ muốn khóc luôn.
Ông cầm lấy lọn tóc của bà lên hôn và vuốt ve lọn tóc thân yêu ấy, nó đã trở thành một vật không thế tách rời với ông...Đêm nay trăng khuyết, ông sẽ còn rất nhiều đêm trăng khuyết nữa để ngắm một mình, vì không còn có bà ở bên cạnh nên ông luôn chỉ là "Nữa vầng trăng lạnh buồn.".
Hồ Thủy
Theo http://newvietart.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...