Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Xa ngái Mường Loòng

Xa ngái Mường Loòng
I/ Trong những cơn mộng mị đến với tôi từng đêm, lâu lâu bản Phù Nhao lại hiện về cùng với hình bóng của Hoa Mẫu Đơn. Cô gái Lào xinh đẹp ấy như đang đùa rỡn với tôi. Cô thách tôi đuổi cô trên những tảng đá rải dọc theo hai bờ của con sông Sê Pôn thơ mộng. Tôi đã đi nhiều vùng đất nước, đã gặp nhiều con sông nhưng có lẽ chưa thấy ở đâu có một dòng sông đẹp như vậy. Có thể đấy là ý tưởng chủ quan của một anh con trai mới ngoài tuổi đôi mươi có chút gắn bó với một cô gái mà mình thương mến cùng với ký ức vui buồn của một người lính trong chiến tranh. Để rồi vĩnh viễn xa Hoa Mẫu Đơn, mãi mãi.
Dòng sông Sê Pôn phía thượng lưu co thắt lại vào mùa khô. Hai bên bờ để lộ ra những bãi đá sỏi bị mưa nắng bào mòn sáng trắng, có đoạn lòng sông mở rộng. Những tảng đá to, nhẵn bóng sắp lớp như một bầy voi rừng no nê nằm nghỉ bên dòng nước trong xanh. Có thể nhìn rõ từng hòn sỏi, lớp rong rêu chìm trong nước và cả những hạt cát lấp lánh vàng dưới nắng mặt trời. Tôi đã ngơ ngẩn khi lần đầu tiên được nhìn thấy cả vạn con bướm đủ màu sắc, xao động bởi tiếng chân người vụt bay lên chấp chới trên mặt sông như một đám mây mỏng. Hai bên bờ sông đỏ chói những bông hoa chuối rừng mà Hoa Mẫu Đơn gọi bằng cái tên “độc cà pay." Chót vót trên những cành cây khô, hoa phong lan đeo từng chùm làm dịu đi cái nắng hè rát bỏng ở cao nguyên vào mùa khô thiếu nước. Ở những vũng nước còn sót lại trong các hõm đá, từng đàn nòng nọc đen đặc rộng bằng cái nong. “Thứ ni đồng bào ở vùng này bắt làm mắm. Anh có dám ăn không hí?” Hoa Mẫu Đơn hỏi tôi bằng cái giọng Huế được cha cô truyền lại. Tôi nghe ăn mắm nòng nọc mà hãi. Ai lại đi ăn cái thứ mắm cóc, mắm nhái… “Khách quý đến nhà, đồng bào miềng mới cho ăn chớ anh tưởng dễ hỉ?” Tôi trả lời Hoa Mẫu Đơn bằng nụ cười nửa như ngại ngần, nửa như thách đố “Ăn thì ăn, sợ gì!"
Những giấc mơ của tôi thường bị ngắt quãng bởi cú đạp của thằng con tám tuổi, ham đá bóng. Nó thúc thẳng chân vào bụng tôi hoặc thượng cả hai chân lên ngực. Cũng có khi là cái giọng ngái ngủ của vợ: “Anh lấy cho em cái bô!" Con bé hai tuổi ọ ẹ khóc… Sau những “ca” như vậy, tôi không thể nào ngủ tiếp được để gặp lại Hoa Mẫu Đơn, được trở về với miền rừng hoang dã có con sông Sê Pôn quyến rũ.
Tôi lặng lẽ chui ra khỏi màn. Đàn muỗi đói bay vo ve. Mặc kệ! Tôi được tự do hít thở khí trời trong khoảng sân chật hẹp sáu mét vuông… Mới hơn hai giờ sáng. Con đường lộ chạy ngang qua trước cửa nhà tôi vắng bóng người. Những cô gái điếm cuối cùng đã rời bỏ các gốc cây tối om. Gió biển đưa lên dịu mát.
II/ Tên của cô bạn tôi là Đoọc Phin, quê ở bản Phù Nhao, ngay kề sát con sông Sê Pôn. Từ Viện Quân y 26 ở Mường Loòng về tới nhà cô phải đi bộ cật lực mất hai ngày đường. Ở Viện Quân y, cán bộ, chiến sỹ và anh em thương bệnh binh không ai gọi cô bằng cái tên Lào khó đọc. Đoọc là Hoa. Vậy tên cô là Hoa. Chỉ có tôi quái gở gọi là Hoa Mẫu Đơn và hình như Hoa thích được tôi gọi như vậy. Tôi có được vinh dự làm lính của cô vừa đúng hai tháng. Nếu như không có sự cố xảy ra thì không biết mọi việc sẽ tiếp diễn ra sao.
Vết thương ở ngực trong một trận bị phục kích cộng với “hắc lào 75%” chưa đủ để cho tôi có thể lui về tuyến sau, ra Bắc. Nhưng tôi yếu quá. Sốt rét liên miên. Chân tay loẻo khỏeo, da xanh rớt. Hội đồng quân y của Viện 94 quyết định cho tôi đi điều dưỡng ở Mường Loòng, trên đất Lào. Thực ra cũng chẳng xa đường tuyến bao nhiêu. Ở trong những lán thương bệnh binh nằm nửa chìm nửa nổi núp dưới những cánh rừng le vẫn nghe rõ tiếng máy bay Mỹ bổ nhào ném bom đỉnh Dốc Mèo, Núi Bông, A Vao… Vào những đêm tạnh vắng, khuya khoắt có thể nghe được cả tiếng xe ô tô gầm gừ, vượt dốc thoát qua trọng điểm vào A Sầu, A Lưới.
Nhưng Mường Loòng đối với một anh lính chuyên bám trụ vùng giáp ranh đã là hậu phương. Đã là xa cái chết lắm rồi. Ra Viện Điều dưỡng được một tháng, nhờ ăn uống thuốc men, tôi cắt sốt. Cao nguyên Bôlôven đang tiết đầu đông khô ráo, ấm áp. Những vết hắc lào trên người tôi cũng khỏi dần. Lẽ ra, tôi đã có thể xuất viện để trở lại đơn vị đang đóng quân ở bờ nam Sông Bồ. Nhưng Mỹ đang càn mạnh. Phải chờ. Anh trưởng khoa khuyên tôi ở lại viện ít hôm, khi nào có đủ một tổ ba người tôi mới được xuất viện để đi vào vùng giáp ranh. Để khỏi lãng phí “nước sông, công lính”, tôi được điều xuống tổ anh nuôi dưới quyền chỉ huy của Hoa Mẫu Đơn.
Công việc hàng ngày của tôi là ngày ba bận gánh nước từ dưới suối lên đổ vào thùng phi. Nấu những chảo cơm canh to tướng. Cách một ngày vào rừng kiếm rau. Bữa thì ra kho binh trạm cõng gạo, muối, mì chính, thịt hộp… Tính tôi vốn nhát gái. Hoa lại là người chỉ huy. Vả chăng vây quanh cô suốt ngày đã có vô khối các anh bác sỹ, y sỹ, y tá của Viện Quân y vo ve như những con ong rừng. Thêm nữa, tôi đã có ấn tượng không hay về cô vì bị Hoa “nạt” cho một lần xanh mắt. Hôm đầu tiên tôi xuống nấu ăn, cơm bị sống. Đám thương bệnh binh kêu như vạc, cơm đổ trắng một khúc suối. Viện trưởng phê bình. Khoa trưởng la. Buổi tối họp tôi bị Hoa nói cho rát mặt, đỏ tai. Tôi oán cô. Và âm thầm chuẩn bị cho một cuộc “đảo ngũ” chuồn về đơn vị chiến đấu. Thà đánh nhau sứt đầu mẻ trán và chết với tụi lính ngụy còn hơn là chịu nhục với một “con ranh” còn kém mình vài tuổi đã lên mặt dạy đời! Nào là nấu ăn cũng là nhiệm vụ cách mạng! Nào là phải phát huy tinh thần tiến công của một người lính ở tuyến sau để không phụ công với người ở tuyến trước. “Nhiệm vụ với chả tấn công!” Tôi lầu bầu trong cổ họng. “Tiến công đi đâu? Tiến công vào cái chảo quân dụng ư?"
Bốn giờ sáng tôi lọ mọ khoác ba lô băng qua suối để ra đường trục. Hoa chặn tôi ở ngay bến nước. Như thể cô đợi tôi đã lâu lắm. “Chả lẽ, chỉ vì câu chuyện tối qua mà anh giận em ư! Anh đi mô?" “Tôi chả dám giận ai. Tôi về lại giáp ranh tìm đơn vị." Tôi đáp thủng thẳng như thể việc tôi bỏ đi khỏi Viện Đđiều dưỡng không báo cáo ai như là cái lẽ đương nhiên để giấu sự bẽ bàng của một kẻ đào tẩu bị bắt quả tang. “Nếu có điều chi không phải, em xin lỗi." Hoa nắm cánh tay tôi. Chúng tôi đã đứng giữa dòng suối. Quãng ấy không bị tán cây che rợp, trong ánh trăng sáng tỏ tôi nhìn thấy đôi mắt ngân ngấn nước. “Tôi chả dám. Cô là thủ trưởng của tôi kia mà." Tôi vẫn giữ cái giọng của một gã liều. “Em cấm anh gọi em như rứa. Thôi nào ngoan, cưng! Nghe em về lán ngủ lại. Mai sớm đi vào rẫy đồng bào đổi rau với em, em kể cho anh nghe chuyện ni hay hung."
Mối mặc cảm giữa tôi và Hoa chỉ được xóa bỏ vào dịp các đơn vị thi đua làm báo tường. Biết tôi vẽ tàm tạm, chữ đẹp, anh chủ nhiệm khoa cho tôi nghỉ ba ngày để trình bày tờ báo “Vươn lên” của khoa ngoại. Kết quả tờ “Vươn lên” đứng thứ nhất toàn Viện Quân y. Hoa còn mừng hơn cả tôi. Buổi chiều cô đi giao ban ở khoa về, thấy tôi đang ngồi rửa sắn ở bến nước, cô báo tin cho tôi hay. Tôi chẳng buồn cũng không vui, thầm cảm ơn việc cha mẹ cho ăn học mười năm cũng không phải là vô ích. Nhưng thích nhất lần đầu tiên tôi được nhấm nháp cả phong lương khô B72, món quà quý hiếm không phải anh lính bộ binh nào cũng có để ăn. Hoa kiếm được ở đâu đó dành cho tôi, kèm theo một câu: “Từ ni anh phải kêu em là Hoa Mẫu Đơn hí. Kêu “Hoa” không em ứ chịu mô nghe." Giọng Huế nhẹ, luyến láy như chim hót nghe hay hay.
Nhiều buổi sáng sớm tôi dậy nấu cơm, Hoa thức trước tôi từ khi nào. Cô nhóm lửa, bắc nồi vo gạo. Bữa đầu tiên tôi hơi ngạc nhiên, sau thành quen. Tôi biết Hoa muốn giúp tôi dù không phải phiên trực của cô. Lửa cháy đỏ rực trong bếp lò, gò má cô ửng hồng, đôi mắt rực sáng như hai đốm than hồng. Tôi ngày ấy khù khờ chưa một lần nếm trải vị ngọt của tình yêu đâu hiểu hết tấm lòng của Hoa Mẫu Đơn. Thấy cô là tôi vui. Có thêm bạn nói chuyện cho qua đi những giờ khắc khuya khoắt, tẻ nhạt giữa rừng già. Qua câu chuyện của Hoa kể, tôi biết cha cô người Huế. Ngày trước ông làm cai lục lộ mở con đường Khe Sanh - Lao Bảo qua Lào. Ông cai người Việt đã mê Vănnani - một cô gái Lào, rồi cưới làm vợ. Khi cách mạng tháng Tám thành công, ông trở về nước tham gia kháng chiến. Ông vẫn không quên người vợ ở bản Phù Nhao. Năm 1949, ông xung phong vào đoàn cán bộ “tình nguyện quân” sang giúp nước bạn Lào xây dựng cơ sở cách mạng. Về lại Phù Nhao, ông tìm Vănnani. Bà vẫn chung thủy đợi chồng. Và chính ở bản Phù Nhao, Đoọc Phin đã chào đời. Bà Vănnani mất sau một cơn đau ruột thừa, khi ấy Hoa mới tròn ba tuổi… Tiếp theo là cái chết của cha cô. Ông bị bọn phỉ sát hại trong một chuyến công tác về Noọng Xén. Hoa được dân bản Phù Nhao nuôi nấng. Cô sống hồn nhiên như con mang, con nai trong rừng.
Khi con đường mòn Hồ Chí Minh được mở, bộ đội về đóng quân ở Rừng Thông. Hàng ngày cô gùi rau sắn ra cho bộ đội đổi lấy gạo muối. Tính tình cô vui vẻ, hay giúp bộ đội nên được các anh thương. Thông cảm với hoàn cảnh của Hoa, các anh trong ban chỉ huy nhận cô vào đơn vị. Ở đơn vị công binh một thời gian, Hoa chuyển về Viện Quân y 26 sau một khóa học bổ túc văn hóa hết cấp hai và y tá.
Tôi đã phải chắp nối nhiều mẩu chuyện vụn vặt trong những lần nấu ăn cùng Hoa mới phác thảo ra vài nét về cuộc đời cô. Cô ít nói, cứng. Hình như phải bươn chải kiếm sống từ bé cộng với nếp sống quân ngũ đã tạo ra cho cô cái tác phong ấy. Nhưng ánh mắt cô thỉnh thoảng tôi bắt gặp ngồi một mình bên suối nhặt rau, hay ngồi may vá nhìn bâng khuâng vào một điểm vô định nào đó, tôi biết trái tim cô cũng xao động lắm. Hoa không ý thức được mình là một cô gái đẹp. Đơn giản, cô chỉ lo hoàn tất nhiệm vụ của một người lính nuôi quân. Cơm ngon, canh ngọt, được thương bệnh binh yêu mến, quý trọng.
Thấm thoát, tôi đã trở thành anh nuôi bất đắc dĩ cho Viện Quân y được tròn một tháng. Tôi tỏ ra sốt ruột muốn xin về đơn vị. Nhưng đường về vùng giáp ranh Huế xa lắc, nguy hiểm. Hoa có lần bảo tôi: “Hay em lên xin mấy anh cho anh ở lại đây làm nhân viên của Viện?” Nhìn đôi mắt nâu, có chút ngơ ngác nai tơ của cô, tôi tức giận hét to lên: “Em định bắt anh đi nấu ăn suốt đời ư… Không bao giờ! Anh là một thằng lính chiến…" “Chả lẽ nấu ăn là xấu ư?” Hoa cãi lại. Và đến câu này thì tôi cứng họng. “Chả lẽ anh lại không muốn ở lại đây với em ư?” Tôi đã ngờ ngợ điều gì đấy không ổn trong giọng nói của cô. Tôi lẳng lặng ôm cái thúng xuống nhà nhận gạo. Và tự nhủ: “Ta không thể là một thằng đào ngũ."
Chỉ còn độ mươi ngày nữa là Tết. Kho binh trạm cấp đủ cho thương bệnh binh gạo, thịt hộp, bột trứng, thuốc lá, trà hương nhưng lại thiếu nếp và heo. Nghị quyết của khoa ngoại giao cho tổ nuôi quân phải chuẩn bị thêm “chất ăn tươi” cho anh em. Một tổ ba người do anh Can già phụ trách đi đánh cá ở thượng nguồn Sê Băng Hiêng. Còn Hoa và tôi đi bản Puộc mang một số thực phẩm và gạo để đổi nếp và heo của đồng bào về gói bánh chưng cho bộ đội. Đường đi những hai ngày.
Nhiều năm sau, tôi vẫn thầm tự hỏi phải chăng số phận đã dành cho tôi chuyến đi ấy. Nó mang đến cho tôi niềm vui và cả nỗi buồn.
III/ Đi hết một ngày đường, buổi chiều chúng tôi dừng lại nghỉ ở một bản nhỏ bên suối Đá. Bom đạn tàn phá, dân bản đã bỏ đi từ lâu. Những ngôi nhà sàn nằm rải rác dọc theo hai bên bờ suối nhưng không có một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn. Có cái chỉ còn trơ ra hàng cột cháy nham nhở. Phải mất một lúc chúng tôi mới tìm được một ngôi nhà sàn, chỉ còn một nửa mái, nửa kia đã bị bay đi đâu mất. “Hình như anh sốt phải không?" Hoa đặt tay lên trán tôi rất tự nhiên rồi cô kêu lên: "Anh sốt thật rồi!". 
Tôi đã thấy ớn lạnh sống lưng lúc lội dọc theo con suối Đá. Nhưng tôi cố bước theo cho kịp Hoa và chống lại cơn sốt đang âm thầm kéo đến. Đến lúc đặt được chiếc gùi trĩu nặng lên sàn, tôi không thể gắng được nữa. Chỉ một loáng Hoa đã sắp đặt xong chỗ nghỉ cho tôi trong căn nhà sàn hoang vắng. Tôi nằm vật xuống, đầu nặng như búa bổ. Nửa mái nhà sàn chao đảo, quay lộn cùng với đám mây đen đang vần vũ trên đầu. Trong cơn sốt nóng kinh người, lúc lạnh thấu xương, mê mẩn thiếp ngủ trong cơn mộng mị, tôi còn cảm nhận được mũi kim tiêm cắm vào bắp tay, buốt nhói. Hình bóng Hoa lòa nhòa trong ánh lửa. Có lúc cô nâng đầu tôi dậy cho tôi uống nước. Bàn tay cô buốt lạnh, lùa vào gáy tôi.
Tôi tỉnh dậy vào lúc đêm đã khuya. Cơn sốt dứt. Cơ thể tôi hệt như một chảo nước sôi giờ đã nguội lạnh. Đầu óc trống rỗng. Nghe có tiếng con chim “bắt cô trói cột” vọng lại ở một góc rừng nào đó. Tiếng suối chảy rào rào qua các lèn đá. Tôi giật mình khi thấy Hoa vẫn ngồi câm lặng như một bức tượng bên bếp lửa. Than hồng cời thành đống làm ấm áp căn nhà. “Hoa ơi! Sao không đi nghỉ?” Chưa nói hết câu tôi biết mình lỡ lời. Cô sẽ nằm ở đâu khi tất cả tăng võng và cả tấm dù hoa của cô đã dành hết cho tôi lúc cơn sốt đến. Tôi chui ra khỏi đám chăn mền bùng nhùng đến bên cô. “Anh khỏe rồi à? Lúc anh lên cơn sốt, em cứ lo hoài. Anh mê sảng nói lung tung…" “À… lính sốt mà em! Nói chi bậy bạ, em thông cảm nghe!" “Chừ anh chờ em một lát, em hâm lại nồi cháo. Chắc anh đói bụng rồi!"
Tôi đói, chỉ một loáng đã ăn hết hai bát “B52” cháo trắng thêm chút muối và mì chính. Sợ tôi chưa no, Hoa lấy ra mấy củ sắn lùi trong lớp than hồng. Sắn nướng khéo, chỉ cần lột lớp vỏ, hơ thêm chút nữa trên than hồng và củ sắn vàng ươm, bên ngoài ròn tan bên trong tơi bở. Chúng tôi cùng ăn sắn và nói chuyện. Tôi kể cho Hoa nghe về Hà Nội, về Hồ Gươm với những buổi sáng mùa đông như sương như khói phủ trên mặt hồ. Về chuyến tàu nghiêng ngửa trôi về hướng nam trong đêm mưa phùn gió bấc. “Ngoài quê, anh có vợ chưa?” Hoa hỏi tôi và sẽ mỉm cười. “Ở tuổi mười bảy ai cho yêu mà lấy!" Tôi bật cười. - "Làm lính đánh nhau túi bụi, đứa chết đứa bị thương cô nào dám yêu! Còn em?” Hỏi Hoa nhưng tôi biết cô sẽ không trả lời. Tôi bắt gặp ánh mắt cô nhìn tôi nửa như trách móc, nửa như hờn dỗi. Lần đầu tiên trong cuộc đời của một gã trai, tôi vụng về cầm lấy bàn tay cô gái. Tôi thấy Hoa run run, nhưng cô không phản ứng mà lặng lẽ nhìn tôi. Trong đáy mắt cô lóe sáng hai đốm lửa.
IV/ Để có được hai gùi nếp, chúng tôi phải ở lại bản Puộc thêm một ngày chờ đồng bào giã lúa. Heo đã đổi được một con “năm gang." Nhờ có vốn liếng tiếng Lào thông thạo, Hoa còn được bà con trong bản cho thêm bốn con gà nữa. Trong sự tính toán của cô, khoa ngoại sẽ ăn một cái Tết xôm trò.
Nhưng rồi sự cố đã xảy ra. Lúc mặt trời đứng bóng.
Suốt buổi sáng không lúc nào dứt tiếng OV10 quần đảo lượn vòng trên các cánh rừng tìm mục tiêu. Rồi bất ngờ hàng loạt máy bay B57 nhào xuống ném bom kéo dài từ bản Puộc ra sát tới đường 9. Mọi người chỉ nghĩ đơn giản máy bay ném bom, bắn pháo như mọi bữa. Nhưng không phải. Sau đợt bom dọn đường, trực thăng đến đổ quân ngay trên đỉnh đồi tranh chỉ cách bản chưa đầy vài trăm mét. Tôi theo những người du kích bản Puộc đi lên chốt chặn địch. Còn Hoa và dân bản gùi hàng băng qua suối sang cánh rừng bên kia tránh nạn. Hơn một ngày chống càn trước sức địch đông, chúng tôi buộc phải rút trong khi một đại đội lính ngụy đã tràn vào bản đốt phá. Du kích hy sinh mất ba người. Còn tôi bị một phát đạn AR15C găm vào phần mềm tay trái. Nằm nép trong một khe cạn, tôi nghe rõ tiếng tụi lính ngụy la hét, đốt phá. Tiếng lồ ô trong những căn nhà sàn nổ lốp bốp cùng với tiếng súng cối cá nhân bắn đuổi chát chúa vọng vào vách đá. Tàn than bay đen đặc rơi đầy xuống suối.
Sau này tôi mới có dịp tìm hiểu và biết rằng: trận quân ngụy càn vào bản Puộc chỉ là một trong những mắt xích mở màn cho chiến dịch Lam Sơn 719 trên đất hạ Lào, mùa khô 1971.
Hoa của tôi đã hy sinh cùng với 19 người dân bản Puộc trẻ già trai gái khi họ vấp phải một mũi tiến quân khác của quân ngụy trong lúc chạy càn. Cô không kịp gặp tôi để trăng trối điều gì. Chỉ còn lời hẹn ước âm thầm: Rằng nếu còn sống, nhất định một ngày tôi sẽ đưa Hoa ra thăm Hà Nội.
V/ Những năm đi dạy học ở miền Nam, hè nào tôi cũng về thăm quê xứ Bắc. Có chuyến đưa cả vợ con theo cùng. Những con tàu xuyên Việt ngày ấy kéo dài hai ngày ba đêm để vượt qua một ngàn ba trăm cây số về Hà Nội. Lúc ngồi trên ghế, khi treo võng, lúc tôi nằm dưới gầm sàn lẫn cùng với đám bao tải gạo, sắn lát của cánh buôn chuyến. Dù đêm hay ngày, khuya khoắt đến mấy khi tàu về đến Huế - Quảng Trị bao giờ tôi cũng thức. Tôi nhoi đầu qua ô cửa hẹp ngong ngóng nhìn về hướng tây. Này kia là Dốc Đu, Dốc Cát, Hòn Vượn, Núi Đông. Này đây là đỉnh 365, Không Tên, Một Mái. Miền Tây xa tít. Nơi ấy là Dốc Chè, Dốc Chuối, Dốc Mèo… Là Rừng Thông, Mường Loòng hun hút trong tôi.
Thầy giáo môn địa lý dạy cho tôi ngày bé bảo rằng miền Trung nước ta như chiếc đòn gánh, gánh hai đầu hai bồ lúa. Chiếc đòn gánh oằn cong lên vì nhỏ và dài. Đứng từ đỉnh Trường Sơn có thể với tay ra tới Biển Đông. Vậy mà Mường Loòng với tôi bây giờ muôn trùng xa ngái. Tôi mê mụ trong hoài niệm, trong nỗi nhớ khôn nguôi. Như thể nàng hiện về ngồi bên tôi ngửa mặt nhìn lên bầu trời tháng Chạp đầy mây mù, tạnh vắng những ngôi sao. Văng vẳng vang lên tiếng con tắc kè già kêu khan bảy tiếng gọi mưa. Tiếng mang tác gọi bạn lạc lõng. Và nàng bảo với tôi…
ĐỖ KIM CUÔNG
Theo http://nhavantphcm.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...