Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Phê bình văn học - Nhìn từ miền Trung

Phê bình văn học - Nhìn từ miền Trung
Nhìn lại đội ngũ những người viết phê bình văn học trong cả nước ngày càng thưa vắng, thì ở các địa phương miền Trung càng thưa vắng hơn, đến mức có khi không tìm đâu ra chân dung một nhà phê bình thực thụ, đằng sau các bài điểm sách, đọc sách trên các báo.
Từ góc trong góc khuất xa xôi của miền Trung, hay nói như ngôn ngữ hiện đại, từ ngoại vi nhìn vào trung tâm, tôi chợt có mấy ý nghĩ tản mạn:
1. Ở nước ta thực chất không có nhà phê bình chuyên nghiệp, hẳn là điều ai cũng phải thừa nhận. Về mặt lý thuyết, chúng ta vẫn thường xuyên lặp đi lặp lại và khẳng định bản chất của phê bình “vừa là khoa học vừa là nghệ thuật”. Là khoa học, nhưng khác với các hình thái ý thức xã hội khác, như triết học, đạo đức, chính trị và cả với khoa học “tuy cũng có ý kiến nhận xét, trao đổi qua lại, nhưng không có ngành phê bình cho riêng nó, như phê bình văn học. Hiện tựơng này nói lên tính đặc thù sáng tạo văn học, của sự tiếp thu văn học, cũng như nói lên sự cần thiết của phê bình văn học”(1). Là nghệ thuật, nhưng cũng khác với các loại hình nghệ thuật, bởi vì “các loại hình nghệ thuật khác không thể “trở thành” đối tượng của nó (ví dụ phê bình âm nhạc không thể “thành” âm nhạc)”(2), trong khi phê bình về tất cả các loại hình nghệ thuật, trong đó có cả văn học “ở một mức độ nhất định có thể trở thành văn học, tức là nghệ thuật ngôn từ”(3). Vì vậy, phê bình văn học trở thành một ngành của văn học, một nghề độc lập từng thu hút một đội ngũ đông đảo nhiều người tham gia. Chuyên nghiệp là gì? Một mặt, đó là người có chuyên môn sâu, có nhiều đóng góp về lĩnh vực mà anh ta hoạt động, mặt khác, anh ta phải kiếm sống được bằng chính cái nghề chuyên nghiệp đó. Ở nước ta, không ai kiếm sống bằng nghề làm phê bình văn học cả. Các ngành khoa học khác, các loại hình nghệ thuật khác, và ngay cả người sáng tác văn học, cũng có thể kiếm sống bằng chính cái nghề của mình, thậm chí, còn là cán bộ sáng tác có biên chế ở các cơ quan văn hóa văn nghệ và có thể sống bằng đồng lương. Còn nhà phê bình, chỉ là nghề làm thêm, làm tay trái. Danh không chính thì ngôn không thuận. Người làm phê bình, không thể hưởng lương để đi sáng tác được, điều đó, nếu trong thực tế có trường hợp nào như thế, đã thấy vô lý từ động thái, từ thao tác. Trong Lời dẫn cuốn Bình luận văn chương, Nguyễn Hữu Sơn cho rằng: “Tôi vẫn nghĩ trong thiên hạ vốn không có nhà phê bình chuyên nghiệp, không có sẵn nhà phê bình chuyên nghiệp”(4). Họ hầu hết vốn làm nhiều công việc chuyên môn khác nhau, tham gia công việc phê bình một cách tự nguyện xuất phát từ lòng mê đắm văn chương, viết nhiều, viết hay, viết giỏi, được xã hội thừa nhận (trong đó có cả việc được kết nạp vào các tổ chức văn học), được gọi một cách sang trọng là nhà phê bình, thế thôi. Đa phần họ là nhà giáo dạy văn, nhà nghiên cứu làm việc tại các viện nghiên cứu, nhà báo trông coi các chuyên mục phê bình, nhà biên tập ăn lương tại các nhà xuất bản, nhà lãnh đạo công tác văn hóa văn nghệ... Gần gũi nhất với công việc phê bình văn học, là các nhà nghiên cứu ở viện nghiên cứu văn học, công việc chính của họ là nghiên cứu văn học, chứ không phải phê bình văn học. Thực tế, lâu nay ở Viện Văn học, có các ban văn học cổ đại, cận đại, hiện đại, dân gian, nước ngoài, lý luận... chứ không hề có ban phê bình văn học. Ở các trường đại học cũng có các bộ môn tương tự, về lý thuyết có bộ môn lý luận văn học chứ không có bộ môn phê bình văn học.

Vậy là, từ trong đào tạo, đến hoạt động thực tiễn, và cả ở viện nghiên cứu đều không có chỗ cho phê bình văn học, làm chi có tính chuyên nghiệp trong phê bình? Ở các cơ quan trung ương đã thế, thì ở các địa phương hẳn cũng thế, và có khi còn kém cỏi hơn.
2. Văn học là văn học, là của chung, không có địa phương và trung ương, nhưng lại có phê bình văn học tỉnh lẻ. Có văn học là có người thưởng thức, có sự khen, chê, bình giá, thẩm định. Nhưng đó chỉ là dạng phê bình sơ khai, có tính chất cảm tính, thù tạc, tâng bốc lẫn nhau, lời khen là lời tặng, chưa phải là khoa học về phê bình. Phê bình văn học xuất hiện với tư cách là một bộ môn khoa học trên cơ sở sự vận động thay đổi một thiết chế xã hội và trong quá trình đô thị hóa đời sống thị dân. “Từ thế kỷ XVII, nhất là từ thế kỷ XVIII, văn học trở thành một lĩnh vực hoạt động xã hội đặc thù, tương ứng với nó là sự hình thành những thiết chế xã hội của văn học (báo chí, xuất bản, công chúng, dư luận), là sự hình thành đời sống văn học với tư cách là một lĩnh vực đặc thù trong toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội. Phê bình văn học kiểu mới được phát triển trong bối cảnh đó của đời sống xã hội, với tư cách là một dạng thức và một bộ phận của dư luận xã hội”(5). Thậm chí, có thể chậm hơn, vào đầu thế kỷ XIX, khi công nghệ làm giấy, công nghệ in ấn hoàn thiện và phát triển, cùng với sự bứt phá mạnh mẽ của đời sống báo chí, phê bình văn học mới thực sự trở thành nhân tố tác động tích cực trong đời sống văn học: “Phê bình văn học theo nghĩa là hoạt động chuyên môn thì mãi đến đầu thế kỷ XIX, khi nhân loại đã bước vào thời đại mới, mới xuất hiện ở châu Âu. Đó là một loại hình sinh hoạt văn học gắn liền với văn hóa đô thị. Phê bình này ra đời trên cơ sở báo chí và xuất bản. Chính báo chí đã biến sách vở với tư cách là sản phẩm văn hóa, từ một thứ văn hóa quà tặng thành văn hóa hàng hóa”(6). Văn hóa giao tiếp nảy sinh ở đô thị lớn, gắn với nhu cầu thông tin dư luận xã hội, bao giờ cũng nhanh và mạnh hơn ở các tỉnh lẻ. Người đọc ở đô thị không chỉ là từng cá nhân riêng lẻ, một đám đông mà đã trở thành công chúng. Và, chính công chúng mới có nhu cầu dư luận và đẻ ra dư luận. Nhìn lại những tác phẩm mở đầu, có vóc dáng là những công trình đầu tiên cho khoa học văn học ở nước ta như Sự nghiệp và thơ văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (1928) của Lê Thước (1890-1975), Phê bình và cảo luận (1933) của Thiếu Sơn (1907-1978) mở đầu cho phê bình văn học; Nữ lưu văn học sử (1929) của Lê Dư (1910-1967), Việt Nam cổ văn học sử (1941) của Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) mở đầu cho lịch sử văn học; hoặc Khảo về tiểu thuyết(in báo từ 1922, in thành sách 1925) của Phạm Quỳnh (1892-1945) mở đầu cho lý luận văn học, đều ra đời ở các trung tâm. Nhưng “nhân loại hình thành nên không phải từ những cá nhân riêng lẻ, mà từ sự giao tiếp giữa họ với nhau”(7). Đó là sự tồn tại mang tính người.
Sự giới hạn khó vượt qua của đời sống phê bình ở các tỉnh miền Trung so với hai trung tâm ở hai đầu đất nước, trước hết là ở sự hạn chế về giao lưu, họ, những nhà phê bình, hầu như chỉ là “những cá nhân riêng lẻ”, không có không khí làm việc, không khí học thuật. Thử nhìn vào đội ngũ những người làm phê bình văn học của hai mươi tỉnh, thành dọc theo dải đất miền Trung, tính không đủ trên mười đầu ngón tay: Đỗ Trí Dũng, Lê Hồ Quang, Hoàng Đăng Khoa, Hoàng Thụy Anh, Hồ Thế Hà, Trần Huyền Sâm, Bửu Nam; hoặc các nhà sáng tác, do sự thúc bách vì thiếu vắng đội ngũ phê bình, thỉnh thoảng đá lấn sân như Nguyễn Khắc Phê, Hồng Nhu, Ngô Minh, Mai Văn Hoan, Trần Thùy Mai, Lê Huỳnh Lâm, Phùng Tấn Đông, Thanh Thảo... Trong khi đó, nơi đây đã từng có một đội ngũ lý luận phê bình đông đảo, từ khi hình thành những bộ môn của khoa văn học cho đến xuyên suốt thế kỷ XX. Năm 2001, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã thực hiện một công trình dày hàng nghìn trang sách, Lý luận phê bình văn học miền Trung thế kỷ XX, tuyển mỗi người một bài viết, bao gồm 113 tác giả, trong đó có khoảng 20 người sáng tác có tham gia viết phê bình, còn lại, hơn 90 người chuyên viết nghiên cứu phê bình, trong đó có những người mở đầu cho phê bình văn học như Lê Thước, Trương Chính, Hoài Thanh; mở đầu cho lịch sử văn học như Lê Dư, Nguyễn Đổng Chi; hoặc những tên tuổi tỏa bóng che mát cả thế kỷ như Đặng Thai Mai, Hải Triều, Hoàng Xuân Nhị, Phan Ngọc, Lê Trí Viễn, Lê Đình Kỵ, Hoàng Trinh, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Văn Hạnh, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Phương Lựu, Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Phong Lê, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Q. Thắng, Lê Ngọc Trà... một đội ngũ ưu tú sừng sững như tường thành như vậy, hầu hết đều thành danh ở các trung tâm. Vậy, thử hỏi nơi các “ao làng” của miền Trung làm sao không thiếu vắng?
3. Công chúng tiếp nhận phê bình hết sức hạn chế, ở các địa phương càng hạn chế hơn. Thực tế cho thấy, người thưởng thức tác phẩm sáng tác là công chúng rộng rãi, là đại chúng, không phân biệt tuổi tác, thành phần, tầng lớp xã hội, là tiếp nhận vĩ mô, còn người tiếp nhận tác phẩm phê bình là người đọc có chọn lọc, là tiếp nhận có tính chất vi mô, hầu hết chỉ gói gọn trong văn giới, mở rộng thêm, có thể có cả tầng lớp trí thức, những người hoạt động văn hóa. Một mặt, tác phẩm có đến được với đông đảo người đọc, mới kích thích sáng tạo; mặt khác, tác phẩm có được nhiều người tiêu thụ, với tư cách là một sản phẩm trong nền kinh tế thị trường, mới có thể nuôi sống người viết và tái sản xuất. Nhà sáng tác, thậm chí kể cả nhà nghiên cứu, có thể sống được bằng nhuận bút, nhưng nhà phê bình thì không. Thời buổi bây giờ, nếu không vì ân nghĩa hoặc một lý do tình cảm nào đó, không có nhà xuất bản nào bỏ tiền đầu tư cho sách phê bình văn học. Bên cạnh đó, nếu nhà phê bình tạm gác ý định đào sâu chuyên môn, cắt gọt bài viết thành các bài báo, thì cũng phải ở các trung tâm lớn mới nhiều tờ báo, có thị trường báo chí sôi động, có thể dễ dàng đăng tải, còn ở các địa phương, chỉ một hai tờ báo, lại kén chọn bài viết, nhằm “chủ yếu là phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương”. Một sáng tác, địa danh có thể phím chỉ và có thể in bất cứ đâu, nhưng phê bình thì không thể phím chỉ được.
Tôi có quá nhiều kỷ niệm với các tạp chí văn nghệ địa phương. Nhân mười năm ngày giổ Nguyễn Tuân, tôi viết bài gửi cho tạp chí địa phương, thì được trả lời ngay rằng: “Ông Nguyễn Tuân ít dính đến xứ Quảng, nên bài không thể dùng được, mong ông thông cảm!”. Tương tự, viết bài về Thiếu Sơn, về Trịnh Công Sơn gửi đến các tạp chí địa phương, đều nhận được câu trả lời giống nhau là ông đó chẳng hề dính dáng gì đến chúng tôi, hãy viết về những tác phẩm, tác giả ở địa phương, chúng tôi sẽ in ngay... Nhưng thử hỏi tác phẩm ở các địa phương có phải lúc nào cũng có sức thu hút người làm phê bình? Xin thật lòng thưa với các nhà quản lý, các ban biên tập tạp chí văn nghệ địa phương rằng, chúng ta nhân danh “phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương” để tự làm nhỏ mình lại, tự hạn chế tầm nhìn và nhu cầu thưởng thức của công chúng trong cái “ao làng” của mình, trong thời buổi thông tin giao lưu và hội nhập toàn thế giới là có tội với nhân dân. Trong các tạp chí địa phương, chỉ có Sông Hương tồn tại ba mươi năm qua, tuy có thăng trầm nhưng gần như không thay đổi tôn chỉ mục đích. Ngay từ những số đầu tiên, từ trong quan niệm của ban biên tập thời đó (Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng Biên tập, Nguyễn Khắc Phê làm Phó Tổng Biên tập), đã tự cho mình cái quyền coi mình là tạp chí của cả nước, thậm chí của cả cộng đồng người Việt trên thế giới, họ không bao giờ có kiểu từ chối các bài “không dính đến địa phương”, mà chỉ từ chối một loại bài duy nhất là bài dở! Họ “phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương” bằng cách tạo điều kiện cho nhân dân thưởng thức những tinh hoa của cả nước và thế giới. Năm 2013, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập tạp chí, ban biên tập có làm một tuyển tập lý luận phê bình 10 năm (vì trước đây đã làm tuyển nhân 20 năm), trong đó tuyển 33 bài viết của 36 tác giả, nhưng chỉ có 8 bài của 8 tác giả là người làm việc tại địa phương, còn lại là những cây đa cây đề gạo cội trong và ngoài nước như Hoàng Ngọc Hiến, Trần Đình Sử, Phong Lê, Nguyễn Văn Dân, Đặng Anh Đào, Phan Trọng Thưởng, Trương Đăng Dung, Đỗ Lai Thúy, Đặng Tiến... Chính vì vậy, trải qua 30 năm với 7 đời tổng biên tập, Sông Hương đã tạo ra một dòng chảy văn hóa, trong đó có văn hóa báo chí, và quan trọng hơn, là đã làm giàu có thêm cho vùng đất văn hóa.
4. Một vài kiến nghị về giải pháp, tất nhiên, cũng bằng góc nhìn ngoại vi, trước thực trạng “một đội ngũ phê bình như hiện nay là không đủ cả về số lượng lẫn chất lượng, không đáp ứng được yêu cầu là “ý thức triết học của văn học”, là là yếu tố kích thích cho sự phát triển khỏe mạnh của nền văn học”(8), bởi những nhà phê bình thực thụ, có tên tuổi đã “lặng lẽ” rút vào làm nghiên cứu, phê bình xuất hiện trên báo chí hiện nay hầu hết là của các nhà báo, của các phóng viên văn nghệ, hoặc của các nhà sáng tác lấn sân. Phê bình là một bộ môn khoa học, là một nghề chuyên nghiệp, thì người làm phê bình phải có tri thức và tư chất riêng, không thể để tồn tại tình trạng đáng báo động “người người làm phê bình, nhà nhà làm phê bình” như nhà thơ (cũng có viết phê bình) Irasara đã cảnh báo(9). Hãy đánh thức lòng yêu nghề của những nhà phê bình thực thụ, tạo điều kiện cho nó mang tính chuyên nghiệp, các nhà quản lý, lãnh đạo phải “chủ động tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để cho mọi năng lực, năng khiếu, tư chất và sở trường của mỗi cá nhân có cơ sở phát huy”(10), cụ thể, theo tôi, phải tạo điều kiện tối đa cho người làm phê bình có cơ hội công bố tác phẩm, thông qua các giải pháp như:
- Cần phải có những đề tài, những công trình trọng điểm về phê bình. Lâu nay, khi nói đến đề tài khoa học các cấp đều nhằm đến các công trình nghiên cứu ở cấp độ lý thuyết, chứ chưa có công trình nào dành cho phê bình. Cần phải có các đề tài, các công trình dành cho phê bình, ở trung ương cũng như địa phương.
- Cần phải có một tạp chí dành cho phê bình văn học. Tạp chí Nghiên cứu văn học, ngay từ tên gọi đã không có chỗ cho phê bình văn học và trong thực tế vẫn dành cho mục tiêu nghiên cứu về văn học sử và lý luận văn học nhiều hơn. Tạp chí Lý luận phê bình văn học nghệ thuật của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương mới ra đời gần đây cũng thực chất dành cho nghiên cứu, lý luận là chủ yếu, chưa thật sự quan tâm đến phê bình.
- Các tờ tạp chí văn nghệ địa phượng cần có một quan niệm cởi mở để tự nâng mình ngang tầm quốc gia và hội nhập quốc tế, nhằm tạo điều kiện cho độc giả địa phương có quyền được thụ hưởng những thành tựu thẩm mỹ, nắm được những thông tin về tình hình văn học trong và ngoài nước, qua đó tạo điều kiện cho người làm phê bình có cơ hội công bố tác phẩm.
Trên đây chỉ là những giải pháp có tính tạm thời và khả thi, theo tôi cần thực hiện để cứu vãn đời sống phê bình văn học, nhất là ở các địa phương.
(1) Lê Đình Kỵ, Suy nghĩ về phê bình, in trong Lý luận phê bình văn học miền Trung thế kỷ XX, Nxb. Đà Nẵng 2001, tr.344.
(2), (3), (5) Lại Nguyên Ân, Từ điển văn học, Nxb. Thế giới 2004, tr. 1408.
(4) Ng Hữu Sơn, Luận bình văn chương, Nxb. Văn học 2012, tr. 5.
(6) Đỗ Lai Thúy, Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, Nxb. Hội Nhà văn 2011, tr.19.
(7) Georges Bataille, Văn học và cái Ác, (bản dịch của Ngân Xuyên), Nxb. Thế giới 2013, tr.302.
(8), (10) Phan Trọng Thưởng, Thẩm định các giá trị văn học, Nxb. Văn học 2013, tr. 60, 71.
(9) Inrasara, Phê bình văn học: hội chứng rên rỉ và đổ thừa, Tạp chí Sông Hương số 5.2012, tr.78.
Phạm Phú Phong
Theo http://www.tapchicuaviet.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...