Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Thành ngữ trong tác phẩm văn học của Ngô Tất Tố và Nam Cao

Thành ngữ trong tác phẩm văn học 
của Ngô Tất Tố và Nam Cao
Thành ngữ là “Đoạn câu, cụm từ có sẵn, tương đối cố định, bền vững, không nhằm diễn trọn một ý, một nhận xét như tục ngữ mà nhằm thể hiện một quan niệm dưới hình thức sinh động, hàm súc” [4;200]. Nhờ khả năng nhấn mạnh nghĩa bằng sự diễn đạt sinh động, có nghệ thuật nên thành ngữ không chỉ là kho báu trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày mà còn là nguồn chất liệu quý giá trong sáng tác văn học. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã vận dụng nhuần nhuyễn thành ngữ giúp cho câu văn, lời thơ thêm biểu cảm; giàu hình tượng, hàm súc và đậm đà bản sắc truyền thống.
Ngô Tất Tố và Nam Cao – những đại biểu xuất sắc của trào lưu văn học hiện thực phê phán Việt Nam – đã có sự gặp gỡ trong việc đưa ngôn ngữ của cuộc sống sinh hoạt đời thường vào tác phẩm. Trong đó, thành ngữ dân gian là một chất liệu nghệ thuật được cả hai nhà văn sử dụng thường xuyên, linh hoạt và đạt hiệu quả nghệ thuật cao.
Gắn bó lâu năm với cuộc sống làng quê, Ngô Tất Tố và Nam Cao am hiểu rất sâu sắc cuộc sống sinh hoạt và “lời ăn tiếng nói” của người nông dân. Vùng quê Kinh Bắc của Ngô Tất Tố nổi tiếng với những làn điệu dân ca quan họ tình tứ, những câu chuyện cổ hấp dẫn. Giá trị văn hóa truyền thống cũng in đậm trong lối nói dân gian mượt mà, ý nhị, sâu sắc. Cuộc sống gần gũi nông thôn và sự am hiểu sâu sắc ngôn ngữ làng quê là một mạch nguồn quan trọng hình thành hệ thống thành ngữ trong sáng tác của Ngô Tất Tố.
Nam Cao cũng có cuộc sống gắn bó với làng quê. Nhà văn sinh ra và lớn lên nơi miền quê nghèo khó, đồng trũng, ao sâu. Nhưng chính hoàn cảnh đó lại là điều kiện để Nam Cao tiếp thu kho tàng ngôn ngữ dân gian một cách tự nhiên, sâu sắc. Thành ngữ là một phương tiện nghệ thuật giúp nhà văn phản ánh “những vang động của đời”.
Tiến hành khảo sát một số tác phẩm tiêu biểu của Ngô Tất Tố và Nam Cao, chúng tôi nhận thấy, cả hai nhà văn đều vận dụng thành ngữ ở mức độ cao. Trong tổng số 727 trang văn của ba tác phẩm Tắt đèn, Lều chõng, Việc làng của Ngô Tất Tố có 237 thành ngữ. Trong 42 truyện ngắn và tiểu thuyết viết trước Cách mạng tháng Tám của Nam Cao , có tới 300 thành ngữ.
Trong ngôn ngữ nghệ thuật của Ngô Tất Tố và Nam Cao, thành ngữ có kiểu loại phong phú, được vận dụng linh hoạt: có những thành ngữ nguyên dạng đã được lưu truyền phổ biến trong dân gian; có những thành ngữ được vận dụng sáng tạo bằng cách thay đổi trật tự từ, thêm bớt từ hoặc mượn ý của một thành ngữ nào đó với cách diễn đạt mới. Chẳng hạn thành ngữ Chạy ngược chạy xuôi được đảo thành Chạy xuôi chạy ngược trong câu văn: “…Phó lý, trương tuần cũng như tộc biểu, tuần phu tuy không phải làm việc gỡ, ai nấy vẫn xơ tóc gáy, chạy xuôi chạy ngược”  (Tắt đèn); thành ngữ Cưỡi đầu cưỡi cổ được thêm từ thành Cưỡi lên đầu lên cổ (Chí Phèo); thànhngữ: Chuột gặm chân mèo biến đổi thành: “Chuột lại cứ đòi gặm chân mèo (Rình trộm).v.v… Dưới ngòi bút của Ngô Tất Tố và Nam Cao, thành ngữ luôn hoà quyện vào lời văn một cách tự nhiên.
Cả hai nhà văn Ngô Tất Tố và Nam Cao đều hay sử dụng thành ngữ với chức năng chủ yếu như một cụm tính từ. Căn cứ vào chức năng định danh của thành ngữ trong câu, chúng tôi phân loại hệ thống thành ngữ đã khảo sát trong các sáng tác của Ngô Tất Tố và Nam Cao như sau:
Tác giả
Tổng số thành ngữ
Chức năng
Cụm danh từ
Cụm động từ
Cụm tính từ
Ngô Tất Tố
237
21
67
149
Nam Cao
300
23
72
205
Thành ngữ được dùng với chức năng một tính từ chiếm số lượng lớn. Nhờ đó, trạng thái tính chất của đối tượng được phản ánh trong tác phẩm của Ngô Tất Tố và Nam Cao thường rất cụ thể và sinh động. Tuy nhiên, trong bảng thành ngữ đã khảo sát được, chúng tôi thấy, những thành ngữ mang sắc thái biểu cảm “âm tính” chiếm số lượng chủ yếu.
Chúng tôi đã phân loại thành ngữ số thành ngữ đã khảo sát được theo sắc thái biểu cảm của thành ngữ và có kết quả sau:
Tác giả
Tổng số thành ngữ
Sắc thái biểu cảm
Âm tính
Trung hoà
Dương tính
Ngô Tất Tố
237
203
15
19
Nam Cao
300
272
13
13
  Ngô Tất Tố sử dụng tới 203/237 lượt (85,7%) thành ngữ mang sắc thái âm tính, Nam Cao sử dụng 272/300 lượt (90,6%). Đọc các tác phẩm của hai nhà văn, nhất là những tác phẩm viết về đề tài nông thôn, người ta thường gặp các thành ngữ như: Đầu tắt mặt tối, Đầu trâu mặt ngựa, Cày thuê cuốc mướn, Chạy ngược chạy xuôi, Chân lấm tay bùn, Thắt lưng buộc bụng.v.v… Các thành ngữ mang sắc thái âm tính đã tô đậm hoàn cảnh tối tăm, ngột ngạt của xã hội thực dân phong kiến hoặc “mặt trái” trong số phận, tính cách nhân vật.
Ngô Tất Tố đã dùng thành ngữ Mặt người dạ thú để chỉ bọn quan lại thối nát: “…Không như những kẻ mặt người dạ thú, mượn tiếng “thay mặt dân” để hót chính phủ mà xin xỏ việc này việc kia, ông ra nghị trường để cốt mua cái “vị thứ tân thời”…” (Tắt đèn); những thành ngữ Cổ cày vai bừa, Chân lấm tay bùn, Đầu tắt mặt tối khắc sâu nỗi cơ cực của gia đình chị Dậu cũng như những người nông dân khác trong xã hội cũ.
Trong Việc làng, thành ngữ được Ngô Tất Tố sử dụng với mật độ cao khi phản ánh cuộc sống nặng nề, vất vả của người nông dân: “Thật vậy, từ thủa mười bảy tuổi đầu đến giờ, tôi không chơi không ngày nào, trừ ra những ngày đau ốm. Thôi thì cày sâu cuốc bẫm, buôn ngược bán xuôi không quản ngại một việc gỡ cả…vậy mà suốt đời nghèo xác nghèo xơ, ăn không đủ, mặc không đủ…” [28; 12]. Hoàn cảnh sống đó giúp Ngô Tất Tố có điều kiện hiểu biết tường tận về những hủ tục nơi góc điếm sân đình; và thành ngữ trong các tập phóng sự Việc làng và Tập án Cái Đình đó giúp phần phản ánh chân thực bộ mặt của làng quê với những tàn tích nặng nề của chế độ phong kiến.
Khi viết về người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao cũng sử dụng nhiều thành ngữ Cày thuê cuốc mướn,Cắn rơm cắn cỏ, Câm như hến… Qua đó, người đọc cảm nhận sâusắc và thấm thía tình cảnh khốn cùng của lớp người thấp cổ bé họng trong xã hội cũ. Cuộc sống nghèo túng, dè xẻn, chắt bóp của người phụ nữ nông dân được Nam Cao miêu tả trong truyện Lão Hạc: “…Sau khi thằng con đi, lão tự bảo rằng: cái vườn đó là của con ta. Hồi còn mồ ma mẹ nó, mẹ nó cố thắt lưng buộc bụng, dè xẻn mới để ra được năm mươi đồng bạc tậu…”; hoặc trong truyện Một bữa no (khi viết về nhân vật bà cái Tý): “…Chồng bà chết từ khi nó mới lọt lòng ra. Bà thắt lưng buộc bụng để dành dăm bảy đồng mua một cái áo quan về đợi ngày chui vào…”. Sử dụng thành ngữ “thắt lưng buộc bụng”, Nam Cao đã gợi lên hình ảnh những người phụ nữ nghèokhổ, chắt chiu, dè xẻn, tằn tiện suốt đời và bộc lộ nỗi xót thương sâu sắc của tác giả. Trong văn Nam Cao, thành ngữ tạo nên lối kể chuyện dung dị, gần gũi, xúc động về những cảnh đời, những số phận nhỏ bé trong kiếp sống mòn
Ngô Tất Tố và Nam Cao đều là những nhà văn xuất thân từ những làng quê nghèo. Cả hai nhà văn đều mang tấm lòng hồn hậu, chất phác và ân tình sâu nặng với người lao động. Cuộc sống lam lũ, túng thiếu của những người lao động nghèo đó được phản ánh chân thực, sinh động trong sáng tác của các nhà văn. Qua đó, hiện lên bức tranh mù xám của xã hội Việt Nam trước Cách mạng. Trong xã hội cũ, tàn tích của chế độ phong kiến in hằn lên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Viết về cuộc sống của người nông dân, Ngô Tất Tố và Nam Cao thường vận dụng những thành ngữ để tạo không khí nông thôn cho tác phẩm và tô đậm cuộc sống lam lũ của người dân quê.
Ngô Tất Tố và Nam Cao đều là những cây bút tài năng trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, đều vận dụng thành công thành ngữ làm nổi bật hoàn cảnh, diện mạo và tính cách của nhân vật.
Ngô Tất Tố giới thiệu về nhân vật chị Dậu:“…Thế là gần ba tháng trời, những sự đóng góp chi tiêu của một gia đình năm miệng ăn, hết thảy trông vào hai bàn tay của người đàn bà con mọn. (Tắt đèn).Tác giả đã biến đổi thành ngữ đàn bà con gái thành đàn bà con mọnđể gợi nỗi khốn khó trong hoàn cảnh của nhân vật. Với thành ngữmột thước cắm dùi không có, Nam Cao đó diễn tả tình cảnh cùng đường của Chí Phèo sau khi ở tù về làng Vũ Đại: “…Đi ở tù còn có cơm để mà ăn, bây giờ về làng về nước, một thước cắm dùi không có, chả làm gì nên ăn. Bẩm cụ, con lại đi kêu cụ, cụ lại cho con đi ở tù. (Chí Phèo).         
Giá trị gợi hình của thành ngữ đã được Ngô Tất Tố và Nam Cao sử dụng để tập trung khắc hoạ chân dung nhân vật. Nếu như Ngô Tất Tố chủ yếu sử dụng các thành ngữ thể hiện hành động của nhân vật thì Nam Cao lại thiên về các thành ngữ miêu tả diện mạo nhân vật.
Nhân vật Chí Phèo ngật ngà ngật ngưỡng trong trang văn của Nam Cao rồi “đóng đinh” vào trí nhớ của người đọc. Nhân vật Thị Nở cũng khiến người đọc nhớ mãi nhờ một thành ngữ được dùng đúng chỗ: …xấu ma chê quỷ hờn.
Thành ngữ còn khắc sâu tính cách của nhân vật. Dưới ngòi bút của Ngô Tất Tố và Nam Cao, các nhân vật thuộc giai cấp thống trị là những kẻ đầu trâu mặt ngựa, Mặt người dạ thú, khôn róc đời, già đời đục khoét…
Không chỉ làm nổi bật hoàn cảnh, diện mạo, tính cách, thành ngữ còn thể hiện rất tinh tế đời sống tinh thần của nhân vật. Đến với Tắt đèn, người đọc không khỏi xót xa trước tình cảnh của gia đình chị Dậu và càng xót xa khi chứng kiến cảnh người mẹ nghèo “nhũng nhẵng dẫn con và chó” đến nhà Nghị Quế. Có lẽ, khi bắt gặp hình ảnh chị Dậu cố sống cố chết, giả câm giả điếc mà trong lòng thì như dao cắt từng khúc ruột:
“… Với những tiếng thổn thức trong đáy tim và những giọt nước mắt luôn đọng ở gò má, chị Dậu cố sống cố chết, nhũng nhẵng dẫn con và chó lẽo đẽo dưới ánh nắng mùa hè. Con vẫn lướt mướt khóc, chó vẫn í ẳng kêu, chị vẫn nhất định giả câm giả điếc mong cho chóng đến nhà cụ Nghị”
Câu thành ngữ cố sống cố chết nghĩa là đem hết sức mình ra làm cho bằng được mặc dầu khó khăn, nguy hiểm. Còn giả câm giả điếc nguyên nghĩa là biết rõ điều ngang tai chướng mắt nhưng không muốn nói ra. Chị Dậu đã đem hết sức mình ra để ép chính bản thân mình cất bước. Phải chăng chị vô cảm? Chị không nhìn thấy những giọt nước mắt? Chị không nghe thấy những tiếng nức nở, nghẹn ngào của con trẻ? Không. Chị không hề vô cảm mà ngược lại. Hơn ai hết, chị là người thấm thía nỗi đau đớn nhất. Đằng sau vẻ dứt khoát cố sống cố chết và dửng dưng giả câm giả điếc là cả một cơn bão lòng trào dâng trong chị, nó như vết dao cứa vào trái tim người mẹ khi phải dứt ruột bán con mình.
Nhân vật Lão Hạc (Nam Cao) khi buộc phải lựa chọn cái chết chứ nhất định không phạm vào một đồng của con:
“Đã đành rằng thế, nhưng tôi đó bán vườn của nó bao nhiêu, tiêu hết cả. Nó vợ con chưa có. Ngộ nó không lấy gì lo được lại bán vườn thì sao?… Tôi cắn rơm, cắn cỏ tôi lạy ông giáo! ông giáo có nghĩ cái tình tôi già nua tuổi tác mà thương thì ông giáo cứ cho tôi gửi”.
Thành ngữ Cắn cơm cắn cỏ thể hiện sự van xin tha thiết của Lão Hạc. Vì đâu mà một người đã “già nua tuổi tác” mà vẫn phải hạ mình để cầu xin như vậy? Tất cả là vì tình thương của lão dành cho đứa con trai dứt ruột của mình.
Ngô Tất Tố và Nam Cao luôn cảm thông, trân trọng và thấu hiểu người nông dân. Thành ngữ còn giúp nhà văn thể hiện sâu sắc lối sống tình nghĩa của nhân vật.  Ngô Tất Tố miêu tả lời tâm tình của những người nông dân có lối sống tắt lửa tối đèn, tình làng nghĩa xóm:
Bà lão thỏ thẻ yên ủi:
- Thấy tình cảnh nhà bác, tôi thật ái ngại. Nhưng thôi, sông có khúc, người có lúc, mình cứ ăn ở hiền lành, rồi cũng có ngày trời mở cửa cho!.
Trong lời của bà lão có tới ba thành ngữ để an ủi vợ chồng chị Dậu (là ăn ở hiền lành, đối xử tốt với người khác thì cơn hoạn nạn sẽ qua). Lời động viên chân thành, gần gũi của người cùng cảnh ngộ phần nào làm nguôi đi nỗi đau của gia đình chị Dậu trong cơn hoạn nạn. Tác giả vận dụng các thành ngữ để xây dựng chân dung nhân vật bà lão với tấm lòng nhân hậu đáng trân trọng. Thành ngữ được Ngô Tất Tố và Nam Cao vận dụng phù hợp trong từng ngữ cảnh. Chúng không chỉ là lời dẫn truyện mà còn hoà vào ngôn ngữ nhân vật, theo đó bộc lộ tính cách, tâm lí nhân vật hết sức hiệu quả.
Thành ngữ cũng tạo sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại trong ngôn ngữ nghệ thuật của Ngô Tất Tố và Nam Cao.  Qua hệ thống thành ngữ trong các sáng tác của Ngô Tất Tố và Nam Cao, ta thấy một phong cách ngôn ngữ vừa uyên bác, hiện đại lại vừa gần gũi quen thuộc. Với việc vận dụng linh hoạt, tinh tế thành ngữ, Ngô Tất Tố và Nam Cao đã giúp phần vào việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, làm phong phú thêm cho kho tàng ngôn từ nghệ thuật của nền văn học nước nhà.  Đây là một đóng góp to lớn của Ngô Tất Tố và Nam Cao trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc. Đó cũng là kết quả của những năm tháng tìm tòi, sáng tạo không ngừng của các nhà văn.
Vận dụng khéo léo “lời ăn tiếng nói” của người nông dân, Ngô Tất Tố và Nam Cao đã thể hiện thái độ trân trọng người nông dân và trân trọng ngôn ngữ truyền thống. Vận dụng thành ngữ, các nhà văn tạo được ngôn ngữ “tươi ròng” chất liệu cuộc sống, làm mới ngôn ngữ dân tộc. Ngôn ngữ đời thường của quần chúng nhân dân đã mang lại sức sống lâu bền cho ngôn ngữ văn chương. Và như vậy, thành ngữ đã tạo nên sự nối tiếp giữa ngôn ngữ truyền thống với ngôn ngữ hiện đại. Thành công của các nhà văn là sự khẳng định “tiếng ta” là thứ tài sản quý báu và mỗi người đều phải nâng niu, “giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt”. Đó cũng là minh chứng rất rõ: “Tiếng Việt của chúng ta rất giàu và đẹp”.
Lê Hồng My - Nguyễn Thị Huệ
Nguồn tapchinhavan.vn
Theo http://thanhngutucngu.96.lt/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...