Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Thu lắng đọng ân tình

Thu lắng đọng ân tình
Tôi đoán nhà thơ Võ Văn Trực khi viết bài thơ “Vườn thu” thì tuổi anh cũng đã bước vào mùa thu của cuộc đời, khi đã trải qua một quãng đời với nhiều chiêm nghiệm sống.
Vườn thu
Một ban mai bỗng thơm gió hanh về
Tiếng lá rụng ngoài vườn nghe xào xạc
Em mở cửa hương lùa vào man mác
Anh bàng hoàng tỉnh dậy đã mùa thu
Thời gian đi êm nhẹ tựa lời ru
Em lặng lẽ tháng ngày như thế đó
Anh thương lắm đôi bàn tay nho nhỏ
Đã làm nên bao chuyện lạ trong đời
Mảnh đất em chăm nên nụ nên chồi
Ong hút mật rù rì chiều nắng biếc
Hoa thức suốt đêm dài không mỏi mệt
Chợt thu về chín ngọt một mùa hương
Trái tim anh cũng chín với cây vườn
Thơ kết mật một đời em chiu chắt
Em đan áo cho anh mùa gió bấc
Như đan lời vào mỗi một trang thơ
Dẫu đôi lần thoáng lạnh bơ vơ
Nét chữ nhỏ run trên tờ giấy mỏng
Lại có em sưởi tình yêu ấm nóng
Như đại hàn cây thúc nhựa chồi tơ...
Biết vậy rồi sao vẫn cứ ngẩn ngơ
Khi hé cửa em vào sương đẫm ướt
Sau lưng em trĩu vườn thu quả ngọt
Lá rải vàng như những dấu môi hôn...
VÕ VĂN TRỰC
Giọng thơ điềm tĩnh như con sông thu lắng lại bao phù sa để tự biết, suy tư và đón đợi nhưng cũng nhiều thao thiết ân tình cuộn sóng. Cảm giác thơ của thi sĩ bắt đầu từ: “Tiếng lá rụng ngoài vườn nghe xào xạc” tạo ra độ chống chếnh của tâm hồn khi “Anh bàng hoàng tỉnh dậy đã mùa thu”. Ở đây nhà thơ đã huy động mọi giác quan để cảm nhận mùa thu thật tinh tế khi nhận thấy “Thơm gió hanh” và “Hương lùa vào man mác” thật mỏng manh nhưng đầy ấn tượng. Cái động thái “Em mở cửa” chính là mở ra một không gian mới - không gian của tâm tưởng, của tâm trạng nghĩ suy và tiếp nhận. Một sự lắng lại của ân tình mà thiết tha bao ân nghĩa. Nói “Vườn thu” cũng chính là nói về những tháng ngày đã sống, đã chắt chiu nên lộc, nên chồi, cho hương, cho quả và sẵn sàng lá rụng khi vào thu. Đó chính là sự vận động tất yếu của thiên nhiên và của chính tuổi tác, thời gian, tình cảm khi: “Anh thương lắm đôi bàn tay nho nhỏ” để: “Mảnh đất em chăm nên nụ nên chồi” cho: “Chợt thu về chín ngọt một mùa hương”. Ở đây nhà thơ không nói mùi hương mà là cả một mùa hương của sự chín dậy trong lòng với cộng đồng trong sự cộng hưởng của thiên nhiên hoa lá hòa quyện với nhau. Đó chính là một trường giao cảm mà chỉ có trái tim thi sĩ thật nhạy cảm mới nhận được: “Hoa thức suốt đêm dài không mỏi mệt” để: “Trái tim anh cũng chín với cây vườn” cho: “Thơ kết mật một đời em chiu chắt”. Nói thiên nhiên cũng chính là nói về cuộc đời với những nắng gió đã trải, mọc và rụng, chín và tàn như một quy luật biện chứng tất yếu. Nhưng ở “Vườn thu” có cái rạo rực cội nguồn cho và nhận: 
“Em đan áo cho anh mùa gió bấc
Như đan lời vào mỗi một trang thơ”. Hóa ra nói vườn thu cũng chính là cảm nhận tình yêu khi con tim tự biết: “Dẫu đôi lần thoáng lạnh bơ vơ
Nét chữ nhỏ run trên tờ giấy mỏng”. 
Một thoáng cô đơn có thật khi lá rụng về cội, khi hương hoa đã dâng trọn vẹn cho đời, khi “Vườn thu” đã bắt đầu xao xác lá cho những đợt gió sắp về dự báo một thoáng lạnh mùa đông. Có chút lo âu mỏi mệt nhưng neo lại vẫn là những giao cảm thiết tha với cuộc đời ân nghĩa. Ngọn lửa của tình yêu bắt đầu từ tình nghĩa. Cái nghĩa vợ chồng qua những ríu rít biếc xanh mắt lá đến độ căng tròn chín mọng của hương hoa, hương quả. Và sẽ đến ngày: 
“Lại có em sưởi tình yêu ấm nóng
Như đại hàn cây thúc nhựa chồi tơ”. 
Chính cái dòng nhựa tình đời là tình yêu sự sống và cao hơn là tình yêu cuộc sống, tình yêu con người.
Bài thơ “Vườn thu” không có những chớp lóe thăng hoa nhưng đằm thắm ân tình, rủ rỉ giọng ong lấy mật, chắt chiu mật và lắng đọng mật sau bao đắng đót rụng rơi: 
“Sau lưng em trĩu vườn thu quả ngọt
Lá rải vàng như những dấu môi hôn”. 
Nhà thơ Võ Văn Trực nhẩn nha sống, lẳng lặng yêu với cái sự thảng thốt: “Anh bàng hoàng tỉnh dậy đã mùa thu” ở khổ thơ đầu tiên với: “Biết vậy rồi sao vẫn cứ ngẩn ngơ” khép lại ở khổ thơ cuối là một cuộc hành trình khám phá thời gian, tình yêu, chiêm nghiệm sống của một quãng đời con người như nhà thơ Hữu Thỉnh đã từng đúc kết: “Thơ chính là kinh nghiệm sống”.
NGUYỄN NGỌC PHÚ
Theo http://baohaiduong.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...