Thương lắm đò ơi…!
Những chuyến đò xuôi ngược chở khách xa gần, những tiếng gọi đò trên triền đê lộng
gió và hình ảnh người lái đò cần mẫn một đời đưa khách sang sông luôn in đậm
trong tâm trí tôi.Quê nội tôi nằm trên một cù lao nhỏ, biệt lập với những làng trên xóm dưới, bốn bề là sông nước, chia cắt bởi những nhánh nhỏ của con sông quê và được bồi lắng phù sa hằng năm tạo ra một vùng trù phú, nhiều cây trái tốt tươi. Nên nhiều địa danh bắt đầu bằng chữ Thanh: Thanh Bính, Thanh Hồng, Thanh Cường… và thuộc huyện Thanh Hà (Hải Dương).Cũng vì là mảnh đất "ngăn sông cách đò" với những nơi khác trong huyện nên người dân hay gọi tắt xóm làng trên cù lao là khu Hà Đông, nghĩa là nơi có nhiều sông chảy qua. Dù lên huyện, xuống tỉnh hay ghé vùng Hải Phòng ngay kế bên cũng phải lụy ít nhất một con đò.
Người quê vốn chất phác, thật thà, hồn hậu nên trong ngôn từ cũng phóng khoáng, giản tiện. Tên những bến đò được người xưa đặt cũng thường chỉ bắt đầu bằng một chữ: đò Tú, đò Hương, đò Gùa, đò Bầu…Cô tôi có gánh hàng xén theo phiên ở chợ Đình nên ngày nào không có phiên lại đi đò qua làng bên, chợ huyện hay quá giang chút nữa sang bên Vĩnh Bảo (Hải Phòng) để dạo gánh hàng xén chợ bên ấy kiếm thêm thu nhập cho gia đình.Thủa ấy, về quê chơi tôi hay được người cho quá giang lên kẻ chợ. Mỗi lần như thế hai cô cháu phải dậy đi từ sớm tinh mơ. Đi dọc con đường làng buổi sớm tôi vẫn nghe tiếng gà gáy, sáng chưa tỏ mặt người tôi đã ngồi sau xe đạp theo cô cùng gánh hàng xén. Cô bảo đi sớm kẻo nhỡ đò, muộn phiên thì hàng sẽ ế ẩm. Vậy mà cũng có hôm muộn đò, đạp xe lạch cạch trên con đê đất đỏ nhìn thấy đò rời bến cô phải cất tiếng gọi rất xa “Đò ơi…Đò ơi…”. Bác lái đò thương tình lại cho đò quay lại đón hai cô cháu.Chiều về, không vội nên cô chậm rãi đạp xe, tôi thích cảm giác ngồi sau nghe tiếng xe đạp lạch cạch, rồi đón cơn gió trong lành, mát mẻ của con sông quê phả vào mặt mà ngắm nhìn dòng sông trong lành chở nặng phù sa bồi lắng cho cù lao nhỏ. Chẳng vội về nên cô cũng không gọi đò, cảm giác đợi đò khiến tôi thích thú. Nhưng có khi, khách vội nên cũng gọi đò vang cả khúc sông.
Giờ đây đò Gùa đã thay bằng cây cầu mang tên Hợp Thanh, những đò Tú, đò Bầu, đò Hương… vẫn còn đó. Và bể dâu thời cuộc, bao nhiêu năm trôi qua mỗi lần về quê tôi vẫn gặp dáng hao gầy của những người lái đò cả đời sông nước mà tôi đã gặp từ thủa thơ ấu, vẫn cần mẫn nhiệt thành chở khách sang sông. Tiếng gọi đò cất lên vẫn làm lòng tôi bồi hồi nhớ tuổi thơ xưa. Tiếng chèo đò khua nước trên sông vẫn khiến lòng tôi rưng rưng thương nhớ.
Chợt thấy bâng khuâng khi những cây cầu một mai sẽ được xây dựng dần thay thế những con đò. Vẫn biết rồi cuộc sống cũng phải đổi thay, nhưng thấy lòng xốn xang nếu thiếu tiếng gọi đò trên triền đê gió thổi, sẽ chẳng còn cảm giác đợi đò sang sông như đợi miền ký ức tuổi thơ.Bến sông, con đò rồi sẽ thành hoài niệm… để khách sang sông mãi thương nhớ những con đò!
Luyện Bùi
Nguồn http://danviet.vn/
Thương sao chòi lá miền quê!
Về Vĩnh Long quê tôi, ấn tượng ban đầu nơi mảnh đất miền Tây này là những cánh đồng mênh mông, bát ngát. Thấp thoáng màu xanh của lúa non là các căn chòi lá lấp ló, lẩn khuất giữa đồng. Chòi lá tuy mộc mạc, thô sơ nhưng nó đã gắn bó với người dân quê tôi ngay những ngày đầu mới khai hoang, lập ấp.
Chòi lá quê tôi được làm bằng vật liệu sẵn có của tự nhiên và cũng được dựng nên bằng chính bàn tay lao động của con người. Cặp mé sông quê là những rặng nước xanh um, trải dài tít tắp; dân quê đốn lá để kết thành từng tấm lợp chòi, khung chòi được làm bằng tre quê nên luôn cứng cáp, dẻo dai, vững chắc.
Thân thương chiếc chòi lá đơn sơ, mộc mạc.
Với người dân quê tôi, hầu như mỗi nhà đều có vài công ruộng để làm lúa nên gần như nhà nào cũng có căn chòi lá dùng để che nắng, che mưa trên cánh đồng. Những khi trời nắng quá, người dân sẽ vào chòi để ngả lưng, nghỉ mệt; trời mưa, vào chòi để tránh, đợi hết mưa sẽ tiếp tục công việc của mình. Người làm vườn cũng cần chòi lá để làm chỗ nấu cơm, ăn uống hay ở luôn lại chòi để giữ vườn đợi khi thu hoạch. Vì vậy, căn chòi bé nhỏ tuy đơn giản, thô sơ nhưng có giá trị vô ngần, giúp người dân quê tôi làm việc, đỡ đần những lúc nắng mưa.
Nhớ thời thơ ấu, tôi cùng mẹ ra đồng cắt lúa, do trời nắng quá nên mẹ tôi bảo con cứ ở trong chòi, giữ gìn đồ đạc, nấu nước thổi cơm, rồi mắc võng trên cột chòi mà ngủ. Chòi lá được làm từ lá dừa, tre xanh nên luôn mát mẻ, nằm võng mà hít thở không khí trong lành từ luồng gió quê nhè nhẹ thổi vào mà sao thú vị. Cảm giác ấy tôi nhớ mãi cho tới bây giờ.
Những khi trời mưa, tôi cùng mẹ vào chòi để tránh; bên ngoài trời mưa rả rích, từng hạt mưa rơi lả tả trên nóc chòi mà cảm thấy vui tai. Thích nhất là lúc được lắng nghe tiếng mưa rơi ở giữa đồng, có khi tôi lên võng mà đánh một giấc ngon lành, chờ mẹ làm đồng xong gọi dậy mới về. Chòi lá quê tôi thường không đóng cửa, cứ trống vậy để bà con quê tôi có chỗ che mưa, che nắng những lúc làm đồng.
Những vật dụng đơn giản của người dân quê trong chòi lá.
Giờ đây, quê tôi đang từng ngày thay đổi với nhiều công trình xây dựng mọc lên. Đất ruộng nhà tôi nay cũng đã trở thành khu công nghiệp. Chiếc chòi lá năm xưa của mẹ tôi cũng đã không còn để nhường chỗ cho các công trình, hạng mục. Tuy chòi lá quê tôi có giảm ít nhiều về số lượng nhưng đặc điểm của nó thì vẫn như cũ, vẫn mộc mạc giản dị như chính người dân quê hiền lành, chân chất miền Tây.
Mặc dù có nhiều thay đổi nhưng những cánh đồng lớn của quê tôi vẫn còn mênh mông, xanh miết và bóng dáng chiếc chòi lá ngày xưa thì vẫn luôn còn mãi, thử thách trước thời gian. Mỗi lần đi dạo quanh cánh đồng làng nhìn thấy lúp xúp những căn chòi bé nhỏ mà lòng cảm thấy lâng lâng nhớ lại những kỉ niệm ngày nào. Đối với tôi và với người dân quê tôi, chừng nào còn có những cánh đồng thì sẽ luôn còn mãi chiếc chòi lá thân thương giữa đồng lúa mênh mông, bát ngát.
Về Vĩnh Long quê tôi, ấn tượng ban đầu nơi mảnh đất miền Tây này là những cánh đồng mênh mông, bát ngát. Thấp thoáng màu xanh của lúa non là các căn chòi lá lấp ló, lẩn khuất giữa đồng. Chòi lá tuy mộc mạc, thô sơ nhưng nó đã gắn bó với người dân quê tôi ngay những ngày đầu mới khai hoang, lập ấp.
Chòi lá quê tôi được làm bằng vật liệu sẵn có của tự nhiên và cũng được dựng nên bằng chính bàn tay lao động của con người. Cặp mé sông quê là những rặng nước xanh um, trải dài tít tắp; dân quê đốn lá để kết thành từng tấm lợp chòi, khung chòi được làm bằng tre quê nên luôn cứng cáp, dẻo dai, vững chắc.
Thân thương chiếc chòi lá đơn sơ, mộc mạc.
Với người dân quê tôi, hầu như mỗi nhà đều có vài công ruộng để làm lúa nên gần như nhà nào cũng có căn chòi lá dùng để che nắng, che mưa trên cánh đồng. Những khi trời nắng quá, người dân sẽ vào chòi để ngả lưng, nghỉ mệt; trời mưa, vào chòi để tránh, đợi hết mưa sẽ tiếp tục công việc của mình. Người làm vườn cũng cần chòi lá để làm chỗ nấu cơm, ăn uống hay ở luôn lại chòi để giữ vườn đợi khi thu hoạch. Vì vậy, căn chòi bé nhỏ tuy đơn giản, thô sơ nhưng có giá trị vô ngần, giúp người dân quê tôi làm việc, đỡ đần những lúc nắng mưa.
Nhớ thời thơ ấu, tôi cùng mẹ ra đồng cắt lúa, do trời nắng quá nên mẹ tôi bảo con cứ ở trong chòi, giữ gìn đồ đạc, nấu nước thổi cơm, rồi mắc võng trên cột chòi mà ngủ. Chòi lá được làm từ lá dừa, tre xanh nên luôn mát mẻ, nằm võng mà hít thở không khí trong lành từ luồng gió quê nhè nhẹ thổi vào mà sao thú vị. Cảm giác ấy tôi nhớ mãi cho tới bây giờ.
Những khi trời mưa, tôi cùng mẹ vào chòi để tránh; bên ngoài trời mưa rả rích, từng hạt mưa rơi lả tả trên nóc chòi mà cảm thấy vui tai. Thích nhất là lúc được lắng nghe tiếng mưa rơi ở giữa đồng, có khi tôi lên võng mà đánh một giấc ngon lành, chờ mẹ làm đồng xong gọi dậy mới về. Chòi lá quê tôi thường không đóng cửa, cứ trống vậy để bà con quê tôi có chỗ che mưa, che nắng những lúc làm đồng.
Những vật dụng đơn giản của người dân quê trong chòi lá.
Giờ đây, quê tôi đang từng ngày thay đổi với nhiều công trình xây dựng mọc lên. Đất ruộng nhà tôi nay cũng đã trở thành khu công nghiệp. Chiếc chòi lá năm xưa của mẹ tôi cũng đã không còn để nhường chỗ cho các công trình, hạng mục. Tuy chòi lá quê tôi có giảm ít nhiều về số lượng nhưng đặc điểm của nó thì vẫn như cũ, vẫn mộc mạc giản dị như chính người dân quê hiền lành, chân chất miền Tây.
Mặc dù có nhiều thay đổi nhưng những cánh đồng lớn của quê tôi vẫn còn mênh mông, xanh miết và bóng dáng chiếc chòi lá ngày xưa thì vẫn luôn còn mãi, thử thách trước thời gian. Mỗi lần đi dạo quanh cánh đồng làng nhìn thấy lúp xúp những căn chòi bé nhỏ mà lòng cảm thấy lâng lâng nhớ lại những kỉ niệm ngày nào. Đối với tôi và với người dân quê tôi, chừng nào còn có những cánh đồng thì sẽ luôn còn mãi chiếc chòi lá thân thương giữa đồng lúa mênh mông, bát ngát.
Hoàng Lê
Nguồn http://danviet.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét