Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Thương nhớ một miền thơ

Thương nhớ một miền thơ
Tôi đang trở lại miền thơ ấy bằng tấm vé khứ hồi được giữ cất kỹ càng từ thế kỷ trước. Nắng. Vẫn nắng Quảng Trị. Gió. Vẫn gió Quảng Trị. Người. Vẫn người Quảng Trị. Người còn hay mất hình như đều chưa nguôi ngoai thương nhớ một thời trong cuộc sum vầy thi hữu nhiều lắng đọng, bâng khuâng. Cái vùng đất bộn bề gian khó bởi nắng mưa khắc nghiệt, từng giặc giã khốc tàn nhưng tình người luôn ăm ắp chân thành mộc mạc đã trở thành niềm hứng cảm sáng tạo thi ca của không ít nhà thơ. Quảng Trị là một miền thơ mang nhiều cung bậc, nỗi niềm; dãi dề trong từng xúc cảm, gần gũi trong những ý tưởng và cũng thật bình dị trong ngôn từ. Nhìn chung là như thế, cái biểu tượng non Mai, sông Hãn ôm ấp khí chất, tinh hoa một vùng miền, xưa và nay cùng chung dòng chảy ân tình lấy quê hương làm nền tảng, cội nguồn. Chiến tranh và hòa bình, lớp trước với lớp sau cất lên tiếng nói yêu thương, tri ân cuộc sống bằng thi ca như là sự đền đáp bằng chữ nghĩa chân phương.
Người ta đã nhắc tới nhiều màu xanh Quảng Trị trong thơ Tế Hanh. Thi sĩ tài hoa nói chuyện với Hiền Lương mà như tâm sự với người Quảng Trị vậy. Bài ca thống nhất được cất lên từ thuở ngày Bắc đêm Nam ấy như một minh định thiêng liêng. Tôi cho rằng, đây chính là một trong những câu thơ hay nhất viết về đất nước thời chiến tranh chống Mỹ:
Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị
Tận chân trời mây núi có chia đâu.
Màu xanh Quảng Trị trở thành gam màu chủ đạo của bầu trời Tổ quốc một thời, càng huyền ảo bao nhiêu thì càng hiện thực bấy nhiêu. Chỉ có thi ca mới làm được điều đó, đọc lên, ai cũng thấy trong lòng mình đang rưng rưng Quảng Trị. Không ít nhà thơ trong nước viết về Quảng Trị cả trong chiến tranh và thời bình. Chúng ta có thể kể đến các nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu… Họ có mặt ở vùng đất này khi cuộc chiến tranh chống Mỹ ở vào giai đoạn khốc liệt nhất. Phạm Ngọc Cảnh với bút danh Vũ Ngàn Chi đã có hẳn một tập thơ mang tên Đêm Quảng Trị. Anh Ngọc cũng có nhiều thi phẩm viết về Quảng Trị trong đó bài Cây xấu hổ đã dành được giải cao trong một cuộc thi thơ của báo Văn nghệ. Chương sinh động nhất trong Trường ca Sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu là viết về Quảng Trị năm 1972… Quảng Trị là một phần chất liệu sáng tạo của nhiều nhà thơ quân đội; họ đã tìm thấy ở đây những giá trị tốt đẹp của lòng yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần nhân văn từ những con người, sự vật cụ thể.
Nhưng trong bài viết này tôi muốn nói tới những nhà thơ Quảng Trị viết về quê hương máu thịt của mình. Không phải bài nào cũng hay cả nhưng tôi tìm được trong đó cái thấm thía đến độ da diết của những thi phẩm viết về quê nhà. Phải chăng, đó là cái da diết bình dân kiểu như Rồi mùa toóc rạ rơm khô/ Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm. Mười bốn âm tiết mà đã hai phương ngữ (toóc, mô – rạ, đâu) và một từ phát âm đặc sệt Quảng Trị, dấu ngữa thành dấu nặng (rạ - rã). Thơ cũng chân chất, nặng tình, nặng nghĩa như con người vậy.
Đội ngũ người làm thơ Quảng Trị không quá đông đúc nhưng cũng chẳng hiếm hoi đến mức chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Và, miền đất gió Lào cát bỏng này đã góp vào đất nước những nhà thơ nổi tiếng như Chế Lan Viên, Vĩnh Mai, Lương An, Dương Tường, Lê Thị Mây… cùng một số tên tuổi khá quen thân với bạn đọc trong cả nước như Lê Chưởng, Tấn Hoài, Tạ Nghi Lễ, Tống Quang, Nguyễn Tiến Đạt, Hàn Vũ Hùng, Hàn Nguyệt, Hồ Chư, Nhất Lâm, Phan Văn Quang, Hoài Quang Phương, Võ Văn Luyến, Bội Nhiên, Võ Văn Hoa, Lê Trâm, Phan Bùi Bảo Thi… Lòng rưng rưng biết mấy khi trước mắt tôi hiện lên hình ảnh những bạn làm thơ thân thiết cùng thời trong suốt hai mươi năm gắn bó với Quảng Trị (1976 - 1996). Đó là Phan Văn Quang, Tống Quang, Nguyễn Tiến Đạt, Hàn Vũ Hùng, Hàn Nguyệt, Hồ Chư, Võ Văn Luyến, Phan Bùi Bảo Thi. Trong đó những bạn thơ Tống Quang, Nguyễn Tiến Đạt, Hàn Vũ Hùng, Hàn Nguyệt, Hồ Chư, những giọng thơ đầy cá tính đã đi xa, mãi mãi đi xa, để lại những khoảng vắng bâng khuâng, ngậm ngùi trong làng thi ca Quảng Trị. Đời người của các bạn sao ngắn ngủi dường vậy, hay thế gian này quá ồn ào, chật chội, chen chúc và bụi bặm nên các bạn sớm tìm vào cõi khác yên bình hơn? Riêng tôi thì vẫn tin rằng các bạn còn sống trên mảnh đất này với những câu thơ lay động lòng người.
Thực lòng mà nói, tôi rất yêu những bài thơ, vần thơ viết về quê hương Quảng Trị của các thi sĩ sinh ra trên mảnh đất này. Những câu thơ chắt ra từ đời sống gian nan, cơ cực nhưng chan chứa lòng yêu thương cuộc đời. Chiến tranh hay hòa bình cũng thấm đẫm tinh thần đó. Đây là mảnh đất Quảng Trị một thời xa ngái trong thơ Chế Lan Viên:
Tôi nhìn ra thấy máu thịt quê hương
Như đang dâng thành núi lại thành cồn
Ôi, gió Lào ơi! Ngươi đừng thổi nữa
Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ
Những đồi sim không đủ quả nuôi người…
(Kết nạp Đảng trên quê mẹ)
Nỗi thao thức quê nhà đói khổ đã thấm sâu vào thơ đủ cho ta những hình dung sắc nét về vùng đất này. Không hề kêu ca, kể lể, cũng chẳng than khóc kêu van, thơ rưng rưng tình quê, tình người, càng đọc càng thương Quảng Trị. Không chỉ thời chống Pháp ấy mà cho đến sau này, khi đất nước hòa bình thống nhất rồi cái nỗi thương quê nghèo khó, giặc giã vẫn day trở trong nhiều thi phẩm của người làm thơ Quảng Trị. Tạ Nghi Lễ trong bài thơ Quê mình đã viết:
Có nơi mô như ở quê mình
Nghĩa trang trắng mỗi triền cát trắng
Hạt lúa củ khoai giữa mùa Nam nắng
Bưng chén cơm ăn sao đắng cả lòng
Cũng có khi thơ lắng xuống trầm sâu bởi những ký ức thấp thoáng giữa đời thường vốn đang bộn bề, chen lấn. Hồn quê được lưu giữ trong thơ ca, tưởng mong manh, sương khói mà bền chặt, rõ ràng. Ta như đang thấy, đang nghe dòng chảy cuộc sống trôi qua trước mặt, gần tới mức những thì thầm quá vãng cũng ngân rung mồn một:
Mẹ gánh nắng về bến nước
Em thơ lấm láp chân bùn
Khói chiều bịn rịn hàng cau đứng
Đồng ta trăng xuống lúa xanh rờn
(Bến nước – Nhất Lâm)
À ơ… cái bóng ru buồn
Ai ăn ở bạc cho hồn ai đau
À ơ… cánh vạc về đâu
Khói sương chưa dễ phai màu thời gian
        (Đêm Ái Tử nghe hát ru con – Võ Văn Luyến)
Mẹ già bảy chục sương vào tóc
Bỏm bẻm trên môi đỏ miếng trầu
Mừng con lên tỉnh thêm vài cháu
Buồn nghe khế rụng nửa vườn sau
        (Quê ngoại – Phan Văn Quang)
Cũng chẳng có gì to tát cả nhưng nó là hồn vía quê nhà, chất liệu làm nên phần hồn của mỗi con người chúng ta. Quên đi quá khứ, cội nguồn, lãng phai những nấng nuôi chăm bẳm cũng có nghĩa là ta đã đánh mất phần gốc rễ. Có lẽ vì thế mà tôi đồng cảm với Phan Bùi Bảo Thi:
Tôi úp mặt vào chiếc gối bông mẹ may mùa đông trước
Tìm chút nắng vàng trong khoảng sân quê
Khát khao tiếng cười lũ cào cào châu chấu
Khao khát làn roi mẹ đánh cuối chiều
        (Đêm trở gió – Phan Bùi Bảo Thi)
Trong thân phận của mỗi người hình như có nắng mưa giông bão của vùng đất máu mủ ruột rà, nên viết về quê hương mà cứ như viết về mình. Từng câu, từng chữ cứa vào tâm can người đọc, thật đến mức chạm vào là đau, là nhớ quắt quay:
Mười ba năm nay trở lại Đông Hà
Chợ vẫn đấy tôi chẳng mua chẳng bán
Buồng cau tươi mẹ già đi chợ sớm
Tôi biết mình xế nắng áo phong thanh
Nơi bến đợi mình tôi về soi mặt
Đò sang ngang bên kia ngày đánh giặc
Tôi có người hẹn lá trầu xanh…
        (Trở lại Đông Hà – Lê Thị Mây)
Chiến tranh! Đó chính là mảng hiện thực không thể bỏ qua khi viết về Quảng Trị. Thơ Quảng Trị mang trong nó những cuộc chiến bi tráng đã qua như vùng đất này gánh trên mình hàng vạn ngôi mộ liệt sỹ của hai thời đánh Pháp chống Mỹ. Người Quảng Trị góp vào dòng thơ kháng chiến những bài thơ khó quên. Sau trận càn của giặc Pháp vào tháng 2 năm 1949, tại chiến khu Ba Lòng, Lê Chưởng có những câu thơ dung dị mà chứa chan khát vọng hòa bình:
Một đống tro than
Nằm im không nói
Nhớ rui nhớ mái
Thương cột trơ buồn

Chuồn chuồn vàng đậu
Chim khách vắng chào
Vắng tiếng yêu kiều
Của bầy chim sáo

Vắng o con gái
Giặt áo bên đìa
Vắng đàn em nhỏ
Trưa hè hát ca
    (Sau trận giặc càn)
   Qua thử thách thời gian, bài thơ Cô lái đò của Lương An vẫn chưa phai nhạt mấy nét duyên dân dã thuở nào:
Tây lên mấy chuyến Ba Lòng
Đò em nhấn nước cũng chừng ấy phen
Tây về em lại kéo lên
Đêm đêm cứ ngược xuôi miền chiến khu
Hồi niệm chiến tranh không chỉ dừng lại ở việc phác họa những trận đánh, những hi sinh mất mát khó kể xiết mà nó biết vươn lên, kết lại thành biểu tượng mang tên sông nước quê nhà cùng với chung riêng hòa quyện vào nhau:
Lật ký ức lòng ta in nét đậm
Một Ba Lòng – ba ngã suối sông sâu
Bến đổi bến – tên trăm lần vẫn Trấm
Đất kiên trinh mang mãi mối tình đầu
    (Trăm năm rừng cũ – Tấn Hoài)
Trong lớp người làm thơ thời hậu chiến, tôi thực sự trân trọng tài thơ Nguyễn Tiến Đạt. Đạt chính là hy vọng lớn nhất của không ít người ở Quảng Trị về một nhà thơ xuất sắc trong tương lai. Dẫu chưa đi đến tương lai đó nhưng Nguyễn Tiến Đạt đã để lại cho miền đất Quảng Trị những bài thơ hay về thế sự, về chiến tranh như Bến Hiền Lương; Khúc hát… Những câu thơ của Nguyễn Tiến Đạt còn thao thức trong tôi:
Em ơi nơi ấy tôi sinh, mẹ ủ tôi bằng lá cỏ gai dưới gầm trời bom đạn
Tôi lớn lên như con còng ngơ ngác nhìn sông trôi bóng mẹ hoài chùng                                                  xuống
Trên dòng sông vọng điệu hò đưa linh
Của những nỗi niềm tiền kiếp
Rào rào dốc đỉnh Trường Sơn
Chiến tranh rạch qua đời tôi những đường sấm sét
Người đôi bờ nửa đêm hay thức giấc
Cả những đêm sau năm hai nghìn
Những người già chưa bao giờ qua được bên kia sông
Hồn vẫn còn lởn vởn trên mặt nước
Đêm đêm tôi nghe những tiếng gọi đò và tiếng người xin lửa
Họ ra đi trước ánh nắng mặt trời thắp lên…
                           (Bến Hiền Lương)
Tôi nghĩ rằng đây không phải là một phác thảo đầy đủ về thơ Quảng Trị. Còn những tác giả, tác phẩm tôi chưa nêu lên. Đủ đầy, chắc chắn phải có một công trình, nhiều công trình nghiên cứu về thơ vùng đất này. Chỉ là thương nhớ của tôi về một miền thơ nhiều ân tình, trắc ẩn nơi tôi có những năm tháng đẹp đẽ của tuổi thanh xuân. Có những bài thơ của tôi được bạn đọc biết đến đã khai sinh từ mảnh đất này. Trong âm hưởng trữ tình của nó không thể thiếu được hồn đất, hồn người Quảng Trị. Dù không sinh ra ở Quảng Trị nhưng tôi đã từng ghé dựa vào sông núi nơi này để nghe rõ hơn những mạch nguồn đất nước thiêng liêng. Chảy và chảy không ngưng nghỉ trong huyết quản mỗi người cầm bút. Để khi đã xa xôi, tôi vẫn hằng được gọi tên bạn bè thân mến và tự hào cất lên: “Quảng Trị ơi, Còn đây thương nhớ!”.
Nguyễn Hữu Quý
Theo http://www.tapchicuaviet.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...