Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Trở lại bến xưa

Trở lại bến xưa
Tôi về bên bến Đập Đá và thấy lòng mình ấm lại. Vậy là ước vọng bình dị của những người từng sống và chiến đấu tại bến Đập Đá nay đã thành hiện thực bằng Bia chứng tích lưu truyền hậu thế về một huyền thoại chiến công.
Hơn 10 năm trước, tôi từng chia sẻ nỗi trăn trở cùng anh Đào Xuân Duy (nay là Chủ tịch UBND xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) khi anh ngậm ngùi: “Chúng ta còn nợ bến Đập Đá một tấm bia chứng tích”. Lúc đó, tôi nói với anh rằng: “Chắc khó mà thực hiện được bởi kinh phí quá lớn, mà dân mình còn nghèo thì lấy đâu ra”. Vậy mà, cách đây mấy tháng, anh cười giòn tan trong máy điện thoại khi thông báo với tôi: “Rồi. Mọi việc đâu vào đấy cả rồi. Chúng tôi đang khởi công công trình Bia chứng tích bến Đập Đá đây”. Tôi thật sự thán phục anh Duy. Thì ra, giữa bộn bề công tác, anh vẫn luôn đau đáu cùng “nỗi trăn trở” xưa, để rồi vận động người dân đóng góp xây dựng Bia chứng tích bến Đập Đá với trị giá hơn 400 triệu đồng... 
Tôi kính cẩn thắp nén hương lên bàn thờ bác Phúc (ngày xưa bác là Đội trưởng Đội giao liên huyện Cam Lộ). Nhà bác Phúc nằm ngay cạnh bến Đập Đá. Nghe đâu, nhiều người khuyên bác nên di dời nhà cửa đến nơi an toàn hơn, chứ tuổi già sức yếu, mà bờ sông thì bên lở bên bồi. Bác cười buồn: “Không ai hiểu “tâm tính” bến sông này bằng tôi đâu. Nó như người bạn ấu thơ của tôi, sao tôi nỡ lìa xa được. Hơn nữa, tôi ở đây để chờ có người nào đó đến tìm hiểu về bến Đập Đá để tôi kể cho họ nghe về lịch sử bến sông; về những chiến sĩ cách mạng trung kiên đã ngã xuống nơi này. Kẻo rồi mai đây, khi lớp người từng chiến đấu, từng hành quân qua bến sông này không còn nữa, thì e hậu thế sẽ lãng quên”.
Tôi hiểu tâm tư người lính già. Bác Phúc sợ rằng nếu không lập Bia chứng tích bến Đập Đá thì rồi đây, chẳng còn ai nhắc đến bến sông một thời oanh liệt nữa. Có lần, bác Phúc kể với tôi: “Ở bến sông này, nhiều trận đánh trong đêm xảy ra ngoài dự kiến. Mỗi lần nghe các loại súng địch trút đạn, rồi tiếng súng AK điềm tĩnh đáp trả từng loạt ngắn, chắc nịch là biết quân ta bị địch phục kích. Sáng hôm sau, nhân dân chia nhau cải trang thành ngư dân để quy tập ven sông từng đôi dép cao su, mảnh vải dù nhuốm máu, chiếc mũ tai bèo ghim đầy vết đạn. Các liệt sĩ chỉ còn lại chừng đó. Thân thể các anh đã nằm lại với bến Đập Đá; đã táng xuống dòng sông Hiếu hiền hòa”. Tôi thì thầm: “Bác Phúc ơi, đã có một Bia chứng tích hoành tráng khắc ghi công trạng của bến Đập Đá rồi. Ngày 26/7/2015 này, bác có linh thiêng nhớ về chung vui cùng bà con xã nhà…”. 
Ngày xưa, làng Thạch Đâu, Lâm Lang nằm ở địa thế gấp khúc của con sông Hiếu nên chịu sạt lở rất nhanh trong mùa mưa lũ. Trước nguy cơ mất làng, học theo cách làm của người Chăm Pa, dân làng cử người khỏe mạnh gánh đá ong từ các nơi về, giã nhỏ vỏ hàu trộn với đường bánh và mật ong rừng nguyên chất làm vữa để xây dựng một con đập ngăn dài quá nửa dòng sông nhằm giảm bớt sức nước từ thượng nguồn đổ về, hạn chế nhiễm mặn từ biển lên. Từ đó, Đập Đá trở thành tuyến giao thông thuận tiện nối liền hai bờ. Bà con hai bên sông qua lại thăm viếng nhau và trao đổi nông sản địa phương. 
Trong hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bến Đập Đá trở thành một “nút giao thông” quan trọng nằm trong tuyến đường giao liên vào Nam ra Bắc ngay trong hậu cứ của địch, chở che hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ bí mật qua lại hoạt động. Chính vì vậy mà những người từng chiến đấu, qua lại bến Đập Đá để hoạt động cách mạng luôn đau đáu tâm nguyện xây dựng bia chứng tích lưu truyền mai sau.
Còn nhớ, trước đây bác Nguyễn Xuân Quyết, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ (đã mất cách đây mấy năm) khi cung cấp thông tin cho tôi viết bài về bến Đập Đá, bác trăn trở nhiều lắm. Bác nói: “Các cháu thông tin làm sao để người đời hình dung được ý nghĩa lịch sử, tâm linh của bến sông này. Vận động làm sao để xây dựng cho được một tấm bia chứng tích lưu truyền hậu thế”. Rồi bác chậm rãi kể: “Vào mùa khô, mực nước đoạn sông này chỉ cao quá đầu gối nên việc vượt sông rất dễ dàng. Quân ta xắn quần mang vác vũ khí lội ào qua sông trong tư thế sẵn sàng chiến đấu nếu gặp địch. Người dân ven bờ đều là cơ sở kiên trung của cách mạng, nên mọi hoạt động của địch đều được mã hóa bằng ký hiệu, ám hiệu thông qua cách sinh hoạt hàng ngày như một chiếc khăn treo cửa sổ; âm thanh gõ vào soong nồi từ bờ vọng sang cũng mang lại sự an toàn cho lực lượng ta. Địch dù biết đây là điểm giao thông quan trọng của quân ta, nhưng không thể ngăn chặn được. Nhiều trận đánh ác liệt, nhiều tấm gương anh dũng hi sinh để bảo vệ cán bộ, chiến sĩ, bảo vệ tuyến đường thông suốt phục vụ chiến dịch. Đỉnh cao là chiến dịch Mậu Thân năm 1968, đơn vị giao liên huyện Cam Lộ phụ trách cung đường từ nam sông Bến Hải đến vùng nam Đường 9 đã đưa hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, vũ khí, khí tài từ Bắc vào Nam khiến bến Đập Đá trở nên tấp nập. Lúc này, tình hình khẩn trương nên nhiều lúc không chờ được ký hiệu an toàn, nhiều đoàn công tác đã lội sang, gặp địch đâu đánh đó. Có lần dẫm lên lưng một đại đội địch phục kích nhưng chúng chẳng dám nổ súng”. 
Câu chuyện về bến Đập Đá như một huyền thoại chiến công ngay giữa lớp đồn bốt địch ken dày. Hôm nay, chiến công ấy được khắc ghi trong 90 chữ vàng của Bia chứng tích: “Bến Đập Đá là điểm nút trọng yếu của tuyến giao thông bí mật trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Quân địch thường xuyên dùng nhiều thủ đoạn đánh phá ngăn chặn nhưng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã dũng cảm mưu trí phối hợp tổ chức đưa đón đảm bảo an toàn cho nhiều đoàn cán bộ, bộ đội vượt sông trên đường vào Nam ra Bắc. Tại nơi đây, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu và anh dũng hi sinh. Để ghi nhớ công lao to lớn đó, Đảng bộ và nhân dân Cam Thủy lập Bia chứng tích này”. Vẫn còn có ý kiến cho rằng, 90 chữ vàng khắc trên Bia chứng tích chưa lột tả hết một bến Đập Đá oai hùng năm xưa. Tôi thì thiển nghĩ, không ai có thể cân đong, đo đếm được sự cống hiến, đức hi sinh của những người đã ngã xuống. 
Về xã Cam Thủy hôm nay, chứng kiến bao đổi thay của mảnh đất này. Anh Đào Xuân Duy, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy cho biết, chỉ trong 4 năm (từ năm 2011 đến nay), tổng kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã gần 33 tỷ đồng. Trong năm 2014, kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới hơn 15 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 1,4 tỷ đồng. Từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh đáng kể... Tôi tin rằng, người dân xã Cam Thủy anh hùng trong chiến đấu và cần cù, sáng tạo trong lao động sẽ xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn. 
Minh Tuấn
Theo http://www.tapchicuaviet.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...