Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Thượng đế sẽ đưa dần tất cả lên ngôi

Thượng đế sẽ đưa dần tất cả lên ngôi
Thế giới này quá rộng và quá độ lượng, đủ chỗ cho mọi sinh linh dù bẩn tưởi hèn hạ đến đâu cũng trở thành quan trọng. Người ta đã hào phóng tâng bốc cả loài chuột, trân trọng cả loài ruồi và sẵn sàng thờ cúng bất cứ thứ gì từ con số lẻ loi đến kẻ ăn mày mạt vận, vì biết rằng thế sự luân hồi, ai rồi cũng có chỗ xứng đáng của mình.
PHỈNH NỊNH TÂNG BỐC LOÀI CHUỘT NHẮT
Lâu nay người ta vẫn hay nghĩ xấu về loài chuột, gắn tên nó cho những người trộm cắp và tham nhũng. Thật là oan! Với cách nhìn mới mẻ thời nay, có thể nói  không ngoa rằng chuột là con vật hiện đại nhất, vì nó là kẻ đầu tiên chống tư tưởng và lối sống nông dân. Từ ngàn xưa nó chẳng đã ăn lúa phá lúa để góp phần đánh bật người nông dân ra khỏi thửa ruộng manh mún, đưa họ ra thành phố đó sao? Không có chuột thì nhân loại có khi bị những khóm lúa cao trĩu hạt che khuất những chân trời công nghiệp và những thiên đường đô thị, chắc gì đã có những Paris diễm lệ, những New York phồn hoa!
Chuột cũng sớm có tư duy hội nhập, vượt qua thù hận để vươn lên. Bằng chứng là bức tranh dân gian “Đám cưới chuột” có từ hàng trăm năm nay đã ghi lại hành vi hối lộ của họ hàng nhà Tý.
Tồn tại cao hơn nguyên tắc. Nếu cứ ôm khư khư những nguyên tắc cứng nhắc, những đạo lý gàn dở thì loài chuột đã bị tuyệt diệt từ lâu, còn đâu ra chú chuột Mickey lừng danh sánh vai với Tổng thống Lincoln? Như vậy là, chuột đã lùi một bước mà tiến hàng vạn kilomet, không chỉ đem lại niềm vui cho toàn nhân loại, cả nhân loại người lớn lẫn nhân loại trẻ con mà còn đem đến cho các đại gia của ngành công nghiệp giải trí hàng núi tiền nữa chứ!
Bức tranh “Đám cưới chuột” cũng là hiện thân của sự chung sống hoà bình quan tâm đến lợi ích của cả đôi bên theo tinh thần dân chủ thời đại hôm nay. Không phải vì loài chuột có bí quyết riêng, sức mạnh riêng mà một kẻ mạnh như mèo lại nhún nhường đến thế! Không, mèo không hề thoả hiệp xa rời nguyên tắc! Đấy là mặt trận đấy, tập hợp lực lượng đấy, cũng là lùi một bước để tiến ba bước đấy! Mèo đâu có cần con cá, cái mèo cần là lá phiếu của những chú chuột kia, vì trong thời dân chủ, chuột cũng là một phiếu ngang với bất kỳ chú mèo nào, dù là chú mèo kiên định nhất. Nếu giữ nguyên tắc thì mất phiếu, họ nhà mèo mất quyền lực, hãy tính toán lại xem lý tưởng hơn hay là phiếu bầu hơn? Quả là cha ông có một tư duy nghệ thuật đầy tính tiên tri, vô cùng hiện đại và dân chủ!
Nhưng cha ông mới chỉ sáng tác những tác phẩm đề cao chữ Nhẫn trong loài chuột, ca ngợi đức khoan dung của loài mèo. Người phương Tây còn cực đoan hơn, họ dám đùa giỡn và đảo lộn trật tự của Thượng đế để sáng tác được bộ phim rất hay như “Tom và Jerry” mô tả cuộc săn đổi gian truân vô vọng của con mèo Tom với chuột nhắt Jerry. Chú chuột nhỏ luôn luôn có những trò trêu chọc thông minh đưa chú mèo to xác vào bẫy, và cái nỗ lực săn đuổi của mèo chỉ trở thành trò hề trước mắt chú chuột ranh.
Trong bộ phim truyện Mỹ “Chuột nhắt siêu quậy”, chú chuột ranh không chỉ hạ thủ chú mèo, mà còn làm cho hai anh em nhà con trai chủ xưởng dệt kia khánh kiệt, khóc dở mếu dở vì suốt ngày phải tìm cách đối phó với nó, giải quyết những hậu quả nặng nề do bị sa vào bẫy của nó. Cuối cùng, chính chú chuột kẻ thù của hai anh em lại mở dường cho họ đổi đời bằng một sự gợi ý rất thông minh.
Sự phỉnh nịnh thường xuyên một loài phá hoại như chuột nhắt, đó phải chăng là dấu hiệu của sự bất lực, khôn ngoan hay đó cũng chỉ là một biểu hiện dễ thương của chủ nghĩa mỵ dân thực dụng mang màu sắc khoan dung?
KHOÁC HÀO QUANG LINH THÁNH CHO RUỒI
Tâng bốc chuột nhắt chỉ là căn bệnh dân chủ quá trớn và vô nguyên tắc của cánh nghệ sỹ tự vuốt ve cái yếu ớt của mình. Coi loài ruồi là sứ giả của hạnh phúc mới là đỉnh cao của thói thực dụng lấp lánh hào quang tâm linh. Trong khoa học, ruồi được coi là kẻ mang vi trùng gieo bệnh, nhưng trong đời sống tâm linh nó lại có khi được coi là tín hiệu của cơ may. Nhiều người tin rằng nếu ruồi sa vào chén nước, cốc bia hay ly rượu của ai thì đó là điềm báo người đó có lộc. Cần phải uống hết chén nước, cốc bia, ly rượu đó, nếu uống luôn cả con ruồi càng tốt.
Một chú ruồi dơ bẩn bị xua khắp nơi, nhưng nếu biết tìm đến một chén nước, cốc bia mà đâm đầu xuống tự vẫn thì lập tức sẽ trở thành sứ giả của hạnh phúc ngay! Nếu có ai trong cuộc sống bị xua đuổi khinh ghét, thì có thể học bài học của loài ruồi để bắt đồng loại bỗng nhiên vồ vập cám ơn coi mình như sứ giả đáng kính của cõi thiêng. Bài học thật giản đơn: Chỉ cần quẳng cái tấm thân ruồi muỗi của mình vào chén rượu, ly bia, nói chung là vào miếng ăn của kẻ khác để hứa hẹn đem lợi lộc điều may đến cho họ.
Ruồi không chỉ là hình ảnh của sự bẩn thỉu. Ruồi còn là biểu tượng của thái độ sống quá tự nhiên, quên mất những ranh giới của văn hoá, văn minh. “Tự nhiên như ruồi” là một thành ngữ có tính phê phán. Với người Việt “tự nhiên” là một quà tặng quý báu bậc nhất mà người ta chỉ ban cho ai được coi là thân thiết, ruột rà. Vì thế, khi có khách quý đến người Việt hay nhắc nhở khách: “Cứ tự nhiên như người nhà nhé!”. Vị khách nào không tự nhiên như người nhà bị coi là “khách khí”.
Ruồi là kẻ không có văn hoá của một vị khách. Nó sà xuống một chỗ, xen vào một nơi, “tự nhiên như người nhà” trong lúc không phải là người nhà. Nghĩa là nó cướp đoạt sự tự nhiên, nó tự coi mình có tư cách người nhà, nó tràn qua các ranh giới chủ khách như một lũ giặc xâm lược tràn qua biên giới các quốc gia. Có thể nói, ruồi là một kẻ xâm lược văn hoá, kẻ gian lận tình cảm, kẻ vo ve “diễn biến hoà bình” đáng ghét quấy rầy cuộc sống của ta.
Nhưng hỡi ôi, nếu nó không vo ve quấy rầy như thế, không suồng sã sà vào mọi gia đình, mọi cuộc vui như thế làm gì có cơ hội đâm đầu vào cốc bia chén rượu làm nên vận may cho những người vẫn xua đuổi hắt hủi, phê phán nó. Những kẻ vừa mắng nó “tự nhiên như ruồi” lại tranh nhau nốc cái xác tanh tưởi của nó vào bụng để cầu mong nó đem đến vận may, lợi lộc. Đó chẳng phải là thái độ mâu thuẫn và tráo trở lăm le trục lợi trên cái điều mình nguyền rủa hay sao? Loài ruồi không chỉ làm rối loạn tiêu hoá, mà còn làm rối loạn các hành vi đạo đức của người đời. Nguy hiểm vậy thay
HÃY CỨ THỜ BẤT CỨ CÁI GÌ ĐI!
Nếu như có những người trục lợi bằng cách tôn vinh cái thấp hèn và ngồi xổm trên nguyên tắc thì cũng có những người trục lợi bằng cách kiên trì chung thuỷ gắn bó với một người, một vật, một nguyên tắc, một luật chơi. Những người chơi đề thường có kiểu chơi số thờ, nghĩa là cứ mua mãi một số nào đó thế nào cũng có lúc đề về đúng số đó. Thực ra đó chỉ là một mẹo đặt cược trong cờ bạc. Nhưng hai chữ “số thờ” gợi một tình cảm tôn kính, ngưỡng mộ và tin cậy với con số mà mình chọn để chờ đợi vận may. Khi trúng số vào đúng con số mình thờ, thì sự thắng lợi đó có ý nghĩa lớn lao hơn việc được bạc, đó là ân sủng của cõi thiêng, là đền đáp cho một niềm tin, một sự trả giá trong đợi chờ kiên nhẫn.
Con số được thờ chẳng làm gì hơn những con số khác, nó chỉ ngồi ỳ đấy, chẳng tỏ ra có trách nhiệm gì với người thờ nó. Nếu nó không phải là con số hên, nó vẫn thản thiên, dửng dưng không mảy may áy náy hay vò xé lương tâm khi thấy kẻ thờ mình tiêu tốn quá nhiều tiền của và tâm trí cho mình. Nhưng nếu chẳng may nó trở thành con số độc đắc, thì nó trở nên lấp lánh hơn trong mắt nhân quần, như thể đang nói rằng: “Đấy nhé, tin tôi, thờ tôi đâu có thiệt! Khổ trước sướng sau thôi!”.
Nhiều khi đã thờ một con số rồi, muốn bỏ nó thờ số khác rất khó. Phần vì tiếc tiền đã đầu tư cho số thờ trong quá khứ, phần vì thấy xưa nay và xung quanh đã có không ít kẻ giàu to phất mạnh nhờ một số thờ. Chẳng cứ gì trong lĩnh vực cờ bạc đỏ đen, trong lịch sử và trong đời sống xưa nay thiếu gì chuyện thờ mãi một vật, một người cũng có lúc được cậy nhờ vật thiêng người quý đó.
Ngày xưa, Mạnh Thường Quân tôn thờ nuôi nấng cưu mang hàng ngàn kẻ sỹ nhưng hầu hết đều cắp đít ra đi chẳng nhờ vả được ai, cuối cùng chỉ có một người nhớ ơn mà xông pha cứu mạng. Thế chẳng phải là thờ mãi kẻ sĩ cũng có lúc trúng số nhờ kẻ sỹ? Ở Phương Tây, có người cưu mang giúp đỡ trí giả văn nhân, nhặt nhạnh từng mẩu giấy, từng cái bàn chải đánh răng của một nhà văn, nhà triết vô danh tiểu tốt mình yêu quý ngưỡng mộ. Thế rồi cũng đến một ngày nhà văn nọ nổi danh thế giới. Bộ sưu tập của vị Mạnh Thường Quân kia bỗng có giá trị hàng triệu đô la. Ngay trong lĩnh vực mốt cũng thế thôi, có người vì nghèo mà ngông, cứ đóng khố cởi trần, khoác bị cói, để tóc bù xù… Cuối cùng cũng trở thành người… đi đầu trong một kiểu mốt thời thượng.
Quy luật của sự thờ là thế! Hãy cứ thờ bất cứ cái gì đi: thờ một con số, một con giun, một nhà thơ, một kiểu quần áo, một kẻ tâm thần, một con mèo, con chuột… sẽ có ngày vật thờ đó đền đáp trả ơn ta xứng đáng. Tất nhiên cũng có kẻ được thờ mà ăn quỵt, vô ơn. Nhưng nếu những kẻ thờ chuột bị chuột vô ơn thì những kẻ thờ mèo lại đang trúng số vì được mèo đền đáp! Cũng công bằng đấy chứ?.
ĐỖ MINH TUẤN
Theo http://vanhoanghean.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng

Cung bậc - Chùm thơ Hữu Dũng Cũng là/ cung bậc ấy thôi/ Mà sao/ cảm xúc/ xa xôi ùa về… Cung bậc Cũng là cung bậc ấy thôi Mà sao cảm xúc xa...