Trang trại hoa hồng 1
đã hy sinh trên chiến trường
Trị Thiên - Huế
I/ TRẠI ĐẦM VỊT
1. Chuyến hàng sang
Singapore đã xuất xong từ ngày hôm qua. Tôi còn nấn ná chơi với Vân, nhỏ bạn
cùng học từ thời đại học. Nó rủ rê: “- Hai đứa mình về miền Tây chơi thăm vợ chồng
Cư - Thơm. Nó cứ nhắc mi hoài”. Không một giây lưỡng lự, tôi ừ liền. Vân giao cửa
hàng cho chồng, giao con cho chị giúp việc. Hai đứa leo lên chiếc xe Camry đời
mới hướng ra đường cao tốc về miền Tây. Tôi không chút âu lo. Còn những hơn hai
tháng nữa mới đến ngày đại giỗ của nhà tôi. Mọi việc chuẩn bị cho ngày trọng đại
này tôi đã bàn bạc với chị Thoa cách nay cả tháng.
Con lộ mới mở về đến ngã ba
Trung Lương, đường rộng, sáu làn xe hai chiều, đi thật mát ga. Xe mới. Cô bạn
tôi lại là tay lái bạo, chỉ hơn một giờ cả người và xe đã chìm đắm trong cái
màu xanh miên man của dừa, của những vườn cây trái bên bờ sông Tiền, sông Hậu.
Thơm thoáng nhìn thấy tôi và
Vân đã kêu ré lên: “- Chu cha! Mắt tao có nhìn nhầm không đấy? Hai đứa bay sao
lại xuất hiện ở xứ này? Đang định tính chuyện chi ở đây?”.
Tôi cười cười. Vân đáp tỉnh
queo: “- Tụi tao nhớ mày xuống chơi. Mai về. Có xin nghỉ được lấy một ngày tiếp
tụi tao không?”.
Thơm nói không đắn đo: “-
Giám đốc là tao. Nhân viên văn phòng cũng là tao. Có lúc còn kiêm cả chân bảo vệ.
Lo gì? Tiếp tụi bay còn khoái hơn là ngồi với mấy ổng trên thành phố xuống. Mấy
cha chưa tan việc đã lo mời đi nhậu. Mệt thấy bà… Hai đứa chờ tao vài phút, tao
dặn dò văn phòng. Ta đi uống cà phê. Để tao gọi chồng về, bắt cá đãi tụi bay
trưa nay”.
Mấy năm không gặp Thơm, tôi
không còn nhận ra cô bạn nữ sinh ở chung phòng trong ký túc xá ngày nào. Không
nhí nhảnh, vui tươi. Dáng người cũng không còn nhỏ nhắn. Ăn mặc xuyềnh xoàng giản
tiện giống như một công chức chỉnh chu ở tỉnh lẻ. Gương mặt không son phấn
trang điểm, lộ rõ vẻ lo toan, tất bật. Tôi không tin rằng, chỉ vì lấy chồng,
Thơm mới đổi thay nhanh chóng như vậy. Anh Ba Cư vợ mất, nuôi con một mình.
Nhìn cảnh ấy, cô kỹ sư nông nghiệp miệt vườn thương. Ngày cưới Thơm, cả tôi và
Vân không ai về Bến Tre ăn cưới được. Quà cưới gửi bạn bè. Có chồng, Thơm cũng
khỏi phải bám cơ sở. Cô về Ủy ban Nhân dân Tỉnh, làm chuyên viên theo dõi mảng
nông nghiệp. Thi thoảng, Thơm cắp cặp đi theo lãnh đạo tỉnh ra Trung ương họp,
hoặc về cơ sở đi kiểm tra. Làm chuyên viên, rồi làm trưởng phòng được vài năm,
Thơm chán cảnh ôm cặp đi theo sếp, làm bông hoa đẹp giữa bàn nhậu, rót rượu bia
và nhận những lời tán dương, trêu ghẹo buông ra những câu đùa thô lỗ, tục tằn của
mấy anh cán bộ hàng tỉnh sau vài chén rượu đã ngà say, thích dùng quyền uy để
lòe thiên hạ. Khi cơ chế bao cấp bị phá bung, Thơm nghỉ một cục bỏ ra lập công
ty riêng, thu mua hải sản xuất khẩu. Ba Cư - chồng Thơm, nghỉ hưu sớm. Anh chồng
hơn vợ hai mươi nhăm tuổi. Vợ chồng Cư - Thơm lấy nhau được dăm năm, mới phát
hiện ra Thơm không có khả năng sinh con. Cả hai không lấy vậy làm buồn. Rượu là
bạn với họ hằng ngày. Như thể trời đất sinh ra họ để kết bạn với nhau và có
chung một người tình là rượu. Họ chỉ uống rặt một loại rượu đế cất bằng gạo nếp
thơm Bến Tre. Trên bàn nhậu sau những lời giao đãi, chồng một ly, vợ một ly. Có
khách hoặc không có khách cũng vậy. Đôi bạn tình ngồi bên nhau cho đến phút
chót. Uống không biết say. Vừa uống rượu, vừa nói chuyện khan, nhấm nháp đĩa mồi
nhậu là vài dẻ cá khô nướng chấm muối ớt và ngắm trăng suông.
Vài năm trở lại đây, trong
nhà đã có tiếng trẻ con. Chuyện kể rằng, anh con trai với chị vợ trước của Ba
Cư chỉ thua Thơm dăm tuổi, được cha cho học nghề ở thành phố. Chẳng hiểu yêu
đương ra sao, cô cậu ăn cơm trước kẻng. Khi có bầu đôi trẻ giấu biệt vợ chồng
Cư - Thơm. Ngày cô gái ở cữ, anh con trai nhà Cư mới hốt hoảng báo tin cho cha
và bà mẹ kế. Ba Cư và Thơm lên thành phố tìm gặp cho được con trai ở trong một
dãy nhà trọ ngoài Thủ Đức. Đến bệnh viện, thì hỡi ôi! Cô gái sau lúc sinh nở lừa
khi vắng người đã lẳng lặng bỏ anh người yêu và bỏ cả đứa con đỏ mới hơn một
ngày tuổi đi biệt. Ba Cư nhìn con, nhìn cháu không hề lộ vẻ bực tức và cáu giận.
Ngồi thừ ra một lát, Ba Cư ôm đứa trẻ trên tay, nhìn kỹ. Rồi cười lớn: “- Đích
thị cháu ta đây rồi. Mặt giống ông nội như tạc”.
Một tay Ba Cư và Thơm nuôi lớn
đứa cháu nội từ ngày ấy. Tiếng nói đầu tiên của một đứa cháu đích tôn dòng họ
Phạm ở miệt vườn Rồng Chôm, vốn nổi tiếng nghề võ là tiếng “bà” chứ không phải
tiếng “mẹ”. Nó như đoạn dây nối dài cuộc sống của vợ chồng Cư Thơm rút ngắn những
đêm dài, phập phềnh giống những bông bần, bông súng mùa nước nổi.
Lúc tụi tôi về đến nhà, Ba
Cư đang mặc quần xà lỏn, cởi trần cầm nơm úp cá ở dưới lạch nước nhỏ trong vườn.
Ba bốn con cá tra, cá chép, cá trắm nặng vài cân đang dãy đành đạch trên vạt cỏ,
nát cả khóm khoai nước. Vườn rộng vài công đất, nằm ngay bên bờ sông Hậu, đất đỏ
phù sa phủ rợp bóng dừa, bưởi da xanh, nhãn da vàng quả sai la đà đang chờ
khách buôn đưa ghe vào tận vườn thu hái.
Chỉ chưa đầy một giờ, chúng
tôi đã có một bàn nhậu. Cả Thơm, Vân và tôi mỗi người một chân một tay vào bếp
làm cơm. Món chính là cá. Cá nướng, cá nấu canh chua ăn bún, cá hấp quấn bánh
tráng dừa. Và rượu cả can. Thêm hai anh bạn ở hội văn nghệ vốn là đệ tử rượu của
vợ chồng Cư Thơm được gọi tới tiếp rượu khách cho bàn tiệc đông vui. Những câu
chuyện không đầu, không cuối. Rồi hồi ức, kỷ niệm của những ngày tháng sinh
viên trong kí túc xá đại học. Ba bốn chị em rủ nhau bớt phần cơm, lấy gạo đem
bán có chút tiền ăn quà sáng, sắm áo quần, mua son phấn. Điểm mặt qua vài gương
mặt ông thầy, đám bạn bè cùng khóa tứ tán mỗi người một phương. Có người thành
danh. Có đứa sạt nghiệp trên thị trường chứng khoán, nhà đất, buôn lâụ hàng qua
biên giới. Một vài cô bạn theo chồng sang Nga, Úc, Canada… lập nghiệp.
Xế trưa, tôi nhận được một
cú điện thoại: “Mời cô về trại gấp. Có chủ hàng đến xin gặp cô để ký hợp đồng”.
Tôi chỉ bảo Vân và Thơm: “- Tao phải về. Nhà có chuyện. Còn hơn hai tháng nữa tới
ngày giỗ ba mẹ tao. Tụi bay cố gắng sắp xếp công chuyện lên cao nguyên chơi”.
Nói vậy thôi, chứ tôi thừa hiểu, Vân và Thơm cũng bận tối ngày với công việc và
đám con cái quá nặng nề.
Hơn một giờ bay, tôi đã có mặt
ở sân bay Liên Khương. Máy bay cất cánh cũng là lúc tôi vừa nghe nhạc và ngủ.
Khi những làn gió lạnh phả ra từ dãy Lang Biang và những cánh rừng thông trong
tiếng xe chạy êm ái, tôi mới thực sự hết buồn ngủ. Mệt mỏi cũng tan biến. Tôi bảo
cậu lái taxi dừng xe giữa một khoảng rừng vắng. Tôi hít một hơi dài điếu thuốc
Salem. Cảm giác sảng khoái tự do, thoải mái ngập tràn.
2. Trong gia đình tôi, một năm
có hai ngày quan trọng. Ngày cúng tất niên và ngày đại giỗ. Nếp sống ấy có từ
ngày cha tôi còn sống.
Cuối năm, từ hai mươi ba
tháng Chạp, ngoài trại hoa có hàng chục người làm lo cắt hoa, đóng gói và chở
đi cho các bạn hàng. Còn ở nhà chị Thoa gọi thợ lo quét dọn, trang trí lại nhà
cửa. Ngày 28 tháng Chạp, nhà tôi cúng tất niên, mời các cụ tổ tiên, người quá cố
về chung vui cùng gia đình, con cháu. Ngày cúng Tất niên, nhà tôi làm cỗ mặn,
năm nào cũng phải mất trên dưới hai chục nâm. Ngoài người ăn cỗ trong gia đình,
tôi còn mời những người làm công cho gia đình trong năm. Một số người làng Lôi
theo lời khuyên của cha tôi từ những năm chín mươi vào xây dựng làng kinh tế mới
ở một vùng đất tốt cách trại Đầm Vịt chừng bảy cây số. Mười mấy gia đình làng
Lôi vào đây, họ cũng được chính quyền sở tại cho thành lập chi bộ đảng, xây dựng
ấp kinh tế mới lấy tên đất quê lập tên làng. Gọi là làng Đồng Tiến trên đất Lâm
Đồng. Người làng Lôi vốn chăm chỉ, cần cù chỉ vài năm khai hoang, mở đất, nhà
nào cũng có một vài hecta đất trồng cà phê, chè, hồ tiêu, rau màu... Các rẻo đất
ven suối Lau, suối Lươn bà con khai phá thành những ruộng lúa nước. Bà con Brâu
ở bản ở gần đấy thấy bà con làng Lôi làm ruông, làm rẫy giỏi, học cách làm
theo.
Cha tôi còn truyền dậy cho
bà con làng Đồng Tiến và người Brâu ở buôn Bo cách trồng hoa. Từ ngày mẹ và bà
nội tôi còn sống mỗi mùa hoa đã vào làng, vào buôn mua hoa của họ gom lại bán
buôn cho chủ hàng. Nhớ ơn cha mẹ tôi, năm nào người làng Lôi ở thôn Đồng Tiến
cũng mang lễ đến thắp hương trên bàn thờ gia tiên.
Đại giỗ của gia đình tôi nhằm
vào ngày Vu Lan. Giỗ ông, giỗ bà, giỗ cha, giỗ mẹ được làm trọn trong ba ngày.
Có ngày giỗ chay, có ngày giỗ mặn. Khách đến ăn cỗ vẫn là người trong gia đình
và bạn bè của cha tôi, của tôi. Ngày đại giỗ được chuẩn bị chu đáo trước cả
tháng.
Trong ngày giỗ nhân dịp lễ
Vu Lan, nhiều năm nay luôn có mặt những người bạn thân thiết của gia định tôi
là Thầy Năm Bê. Thầy là bạn của cha tôi, là thầy dạy của tôi ở đại học. Người
thứ hai là chị Thi.
Chị là người chị kết nghĩa của
tôi. Những ngày mẹ con tôi sống ở Nha Trang, tôi là ”cái đuôi” của chị, lúc mẹ
tôi phải sống nhờ trong ngôi nhà của gia đình chị ở núi Đá Chẹt. Ngày giỗ cha mẹ
tôi, bận mấy chị cũng thu xếp công việc để lên với tôi. Người thứ ba ít vắng mặt
ngày đại giỗ là chú Hoài, một người cùng đơn vị với cha tôi ở chiến trường Trị
Thiên. Chú Hoài nhiều lần tự nhận là ”lính” đi bảo vệ ”cho đại đội phó Đệ”.
Chuyện quản gia trong nhà, kể
cả chuyện cúng giỗ, tôi giao cả cho Thoa. Nhiều năm nay, Thoa đã là một thành
viên quan trọng trong gia đình tôi. Thoa ít hơn tôi ba tuổi, là đứa con ngoài
giá thú của lão Ca với một người đàn bà chuyên đi cất vó tôm và đặt ống lươn ở
làng Vàng. Trong những năm làm quản trang ở nghĩa địa làng Lôi, lão Ca quan hệ
vụng trộm với người đàn bà này. Nghe người làng Lôi kháo nhau, chị ta ngớ ngẩn.
Nói năng ngọng nghịu, ngoài ba mươi tuổi vẫn chẳng ai chịu lấy. Trong những đêm
mưa gió, ở căn nhà nhỏ ngoài cánh đồng, lão Ca đã lừa được người đàn bà cô đơn.
Ai ngờ chị đã sinh cho lão một đứa con gái. Lúc còn nhỏ, Thoa học cũng không được,
thi mấy lần không qua khỏi cấp I, nhưng trời phú cho cố bé có bàn tay khéo léo,
đan lát giỏi.
Sau ngày lão Ca và mẹ chết,
Thoa phải đi làm thuê cho người làng. Một lần, tôi về vùng quê Đồng Tiến,
nghiên cứu mặt hàng mây tre xuất khẩu, tôi đã phát hiện ra Thoa và đưa cô bé về
trại Đầm Vịt để giúp việc cho gia đình.
Những ngày gia đình có việc
cúng giỗ, có hai việc tự tay tôi làm là chăm sóc, thắp hương năm ngôi mộ ở một
khoảng rừng phía sườn đồi và lau chùi bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên. Mỗi lần
ra mộ thắp nhang, ngồi tha thẩn quanh những ngôi một xây bằng đá xanh tôi có cảm
giác như thể bà nội tôi, cha tôi, mẹ tôi và ông bà ngoại đang lẩn khuất đâu đó
sau những tán cây rừng. Tháng bảy, vùng Đầm Vịt hay có những trận mưa rào. Trên
các triền đồi, khe suối dọc theo con đường đất đỏ, hoa dã quỳ nở vàng rực.
Thung lũng mọc đầy cỏ lau, đang trổ bông như ngàn vạn ngọn cờ phấp phới theo
gió. Những cánh rừng thông, những vườn cao su , hồ tiêu, cà phê, những đồi chè
no nước, xanh ngằn ngặt. Không gian tĩnh lặng. Vẳng lên tiếng chim chích chòe,
tiếng chim “bắt cô trói cột” đâu đó ở phía lèn đá, dưới bờ khe. Bãi Đầm Vịt mùa
khô cạn nước, trông như cái ao nhỏ lọt thỏm giữa núi đồi cao nguyên điệp trùng.
Đến mùa mưa, nước từ các khe suối chảy về, Đầm Vịt biến thành một hồ nước mênh
mang.
Từ những ngày còn nhỏ, tôi
đã được cha đưa đi theo xem ông đặt bẫy nhím, bẫy thỏ, đi đào dúi trong rừng, lội
dọc theo các con đường mòn ven hồ rình bắn vịt trời, le le…Ông kể cho tôi nghe
những chuyện ngày nhỏ ông đi theo mẹ mót khoai mùa nước, đi tát nước, nhổ mạ.
Ngày cha tôi học cấp 2, cấp 3 ông cùng bạn bè đi trồng cây, ngày mùa thầy trò
đi xếp ải. Mỗi tuần học trò phải có một buổi lao động tay chân. Khi máy bay Mỹ
bỏ bom quê tôi, cha tôi đã từng phải đi đào hầm để tránh máy bay. Có lần, cha
tôi quên đội mũ rơm đến trường, ông bị thầy giáo phạt. “- Mũ rơm là chi cha?”.
Tôi không hiểu hỏi lại ông. Cha tôi cười rồi trả lời: “- Là cái mũ như con đội
trên đầu bây giờ nhưng được tết bằng rơm lúa để che mảnh bom, mảnh đạn khi máy
bay Mỹ ném bom! Ngày ấy khổ lắm con à. Cả nhà vừa đói, lại còn bị bom Mỹ đánh
phá đêm ngày”. “- Vậy sao cha vẫn được đi học?”. Tôi ngây ngô không hiểu. “ -
Đói khổ, bom đạn vẫn phải học. Có học mới hết khổ…!”. Về sau tôi mới biết cha
tôi đã từng tốt nghiệp hết cấp 3, rồi mới đi bộ đội. Tôi sinh ra ở Nha Trang,
không biết mặt ông nội, ông bà ngoại. Chỉ nghe cha, mẹ tôi kể về họ. Dù đầu óc
tôi cố mường tượng nhưng không bao giờ hình dung ra họ. Còn hình ảnh về bà nội,
về mẹ, về cha luôn hiện về trong những giấc mơ và trong suy nghĩ của tôi. Trong
ngôi nhà này mỗi khi chạm vào một đồ vật thân thuộc, hay đi trên những lối mòn
trong vườn, ngoài ruộng trồng hoa…tôi đều nghĩ tới họ. Gương mặt bà nội tôi già
nua, da nhăn nheo, đôi mắt hiền hậu. Gương mặt mẹ đẹp nhưng rắn rỏi, quyết liệt.
Gương mặt cha với vết sẹo trên trán, đôi mắt buồn buồn, sâu lắng... Ba gương mặt
ấy luôn hiện hình rõ nét mỗi khi tiềm thức trong tôi động vào quá khứ sâu thẳm.
Tôi kinh hãi nhất mỗi khi bất chợt nghe một tiếng động lớn. Một tiếng sét chẳng
hạn. Một tiếng mìn phá đá vang lên bất ngờ giữa lưng đèo. Thậm chí tiếng cánh cửa
sổ bằng gỗ cô Thoa quên cài chặt bị gió giật giữa đêm khuya thanh vắng luôn khiến
cho tôi bị bất ngờ, rơi vào trạng thái hoảng loạn. Tôi cứ tưởng đấy là tiếng
trái lựu đạn phát nổ năm nào ở dưới chân bờ rào gần con mương nước. Trái lựu đạn
US hẳn đã nằm từ lâu chìm sâu trong đất bị cỏ lấp đầy. Trái lựu đạn mỏ vịt US của
Mỹ đã giết chết bà nội và mẹ tôi. Ai gài? Có thể họ là những người lính Mỹ,
lính Ngụy, ngày xưa đóng quân ở vùng này đi càn rừng. Mà cũng có thể trái lựu đạn
ấy là của cán bộ du kích làng Bo gài quanh hậu cứ. Ngày mới mua mảnh đất này,
cha tôi đã thuê máy cày về cày ủi, đào xới tung cả một góc đồi. Chỉ gặp dây
thép gai, miểng pháo, vỏ trái bom bi. Cha tôi đã cho thu gom lại để bán cho những
người thu mua sắt vụn… Không ai nghĩ vạt cây rừng gần với ruộng trồng hoa sát
nhà tôi mìn vẫn còn sót lại. Ngày xẩy ra tai họa, bà nội và mẹ tôi đang dọn đống
cành cây, cỏ khô ngay sát chân hàng rào chờ đốt. Gặp lửa nóng, trái lựu đạn nổ
tức thì đã mang bà nội và mẹ tôi ra đi. Ấy là năm tôi tròn 13 tuổi, đang theo học
lớp năm trường của xã. Tan học về tôi còn đang mải ngắm mấy con cào cào ngô bà
nội bắt được nhốt vào trong vỏ chai nhựa dành cho tôi chơi. Cha tôi từ sáng đã
cùng với mấy người hàng xóm đi xe đò mua đọt mía về trồng, lúc ấy không có nhà.
Tiếng lựu đạn nổ đanh váng óc. Tôi ngã soài xuống sân, nhìn thấy một đám khói bụi
bốc cao dưới chân hàng rào. Lúc những người đang làm cỏ ở rẫy kế bên nghe tiếng
nổ chạy sang, bà nội tôi, mẹ tôi đã nằm im bất động. Máu thấm đỏ vạt áo ngực mẹ,
mặt bà nội bị một mảnh lựu đạn găm vào bay một con mắt. Cả hai đã chết. Không một
lời trăng trối. Cha tôi về đến nhà chết lặng nhìn xác mẹ và vợ đang đắp chiếu.
Mắt mẹ tôi vẫn mở nhìn lên bầu trời xám xịt. Cha ôm tôi vào lòng. Tôi khóc nức
nở.
Đã bao năm giấu sau tấm ảnh
thờ của mẹ, tôi vẫn còn giữ cái khuy tròn của trái lựu đạn US - loại lựu đạn mỏ
vịt của Mỹ.
3. Ngôi nhà xây nơi tôi đang ở
rộng hơn hai trăm mét vuông, được xây cất từ ngày cha tôi còn sống. Sau mấy vụ
trồng hoa trúng lớn, cha tôi dành tiền làm lại ngôi nhà mới. Ngôi nhà gỗ ba
gian, nơi cất giữ nhiều kỷ niệm của cha mẹ tôi, của bà nội tôi và tôi ngày thơ
trẻ ông không phá đi, biến thành ngôi nhà sau liền kề bên ngôi nhà mới. Sau này
tôi cho sửa sang lại, thay những tấm gỗ đã bị mục nát, láng nền, mở thêm cửa sổ
dùng làm phòng đọc sách, nghỉ ngơi. Ở ngôi nhà lớn, tôi cho xây thêm tầng 2,
dành hẳn một phòng rộng sáu mươi mét vuông làm phòng thờ. Gian phòng ấy chỉ có
tôi và cô Thoa có chìa khóa. Tôi là chân chạy, có công chuyện hay đi nay đây,
mai đó, có khi vắng nhà cả tuần lễ. Gian phòng thờ hàng ngày Thoa lên lau chùi
thắp nhang, trưng hoa trái. Cả không gian tầng hai được che phủ dưới tán cây vú
sữa và dây leo. Đến mùa cây dây leo nở đầy những chùm hoa màu tím.
Trên ban thờ sau bức tượng
Phật được chạm khắc tinh xảo bằng gỗ mít là bàn thờ bà nội, ông bà ngoại và cha
mẹ tôi. Nhiều khi tôi tự hỏi, sao cha tôi lại chọn tấm ảnh thờ của mẹ từ thời
bà còn trẻ. Có lần tôi đã hỏi, ông chỉ cười. “- Cha thích tấm ảnh ấy, khi nào
có thời gian cha sẽ kể cho con nghe chuyện của cha mẹ!”.
Thực tình giữa cha và mẹ,
tôi yêu cha hơn. Không hẳn tôi được sống với cha tôi lâu hơn, những hai mươi
tám năm. Cha tôi mất vào năm 2000. Tôi đã trưởng thành và khôn lớn. Còn một lý
do, ngày bé và những ngày đi học tôi hay bị mẹ mắng. Thậm chí mẹ tôi còn quất
roi vào đít mỗi khi cuốn vở tập của tôi hoen ố mực hay bị điểm kém. Vào những
lúc ấy, tôi chạy đến với cha. Ông ôm tôi vào lòng, xoa lưng, dỗ tôi đừng khóc…
Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh ngày tôi gặp lại cha tôi ở trại Ngân Điền. Tối ấy,
đã khuya, cha tôi đi làm ở trại cải tạo mới về. Tôi nhìn thấy ông, trong bộ quần
áo kẻ sọc, đẫm mồ hôi. Tôi nhào chạy tới phía ông, òa khóc. Cha bế bổng tôi
lên, đi tới bên bà nội và mẹ tôi...
Chuyện mẹ tôi đánh đòn, ấy
là trận đòn năm tôi học lớp 2. Mùa xuân thống nhất thứ sáu đã đi qua. Gia đình
tôi đã về sống ở vùng Đầm Vịt. Với mấy chỉ vàng của mẹ tôi còn cất giữ lại được
sau hơn hai năm phải vất vả nuôi con, chăm sóc bà nội, buôn bán, năm vài bận đi
thăm nuôi chồng ở trại cải tạo Ngân Điền.
Ngày được trở về đoàn tụ với
gia đình cũng là lúc cha tôi quyết định đưa cả gia đình đi kinh tế mới. Bà nội
tôi sau những ngày tháng lang thang, theo như lời nội kể đã có lúc phải đi ăn
xin, may nhờ được các chú bộ đội và những người dân tốt bụng dọc đường, bà đã
tìm được vào đến Huế... Chuyến vô Nam của bà nội tôi là cả một câu chuyện dài đầy
bí ẩn, đau thương.
Đất rừng Tây Nguyên hoang
dã, người thưa vắng, bị cày nát bởi bom đạn nhưng lại hào phóng, đãi người.
Không hiểu ai xui và mách bảo, cha tôi dắt díu vợ con về vùng Đầm Vịt. Những
lúc cực nhọc, vất vả thiếu thốn, mẹ tôi có than phiền, trách móc cha đưa vợ con
vào vùng rừng thiêng, nước độc. Cha cười động viên: “- Này em, hơn nửa thế kỷ
trước cụ Yessin đã từng đặt chân đến nơi này. Đất vàng đấy em ạ”. Mẹ tôi vặc lại:
“- Yessin là ai? Anh khùng à?”. Cha tôi bình thản trả lời: “- Một ông bác sĩ
người Tây dám bỏ cả phồn hoa đô hội của Paris, Thụy Sĩ chọn Việt Nam làm quê
hương. Người Tây họ còn dũng cảm vậy, huống chi ta. Em coi thử ruộng rẫy nhà ta
có rộng gấp mấy trăm lần căn phòng thuê ở Nha Trang không nào?” Mẹ tôi vẫn
không tha: “- Đúng là khùng”.
Như thể trời đất thương, chỉ
vài ba vụ thu hoạch sắn mía, cha mẹ tôi đã có của ăn của để, dựng được căn nhà
gỗ nhỏ. Mẹ tôi lại có nghề may, ngoài công việc trông nom vườn tược, bà may áo
quần cho các cô chú cán bộ làm việc ở thị trấn, may áo quần cho mấy cô giáo.
Tôi đi học mẹ mua vải mới may áo quần cho tôi đến trường. Ngay từ khi đi học tiểu
học, tôi đã là một đứa trẻ nghịch ngợm, hay trêu chọc bạn bè, đám con trai nhiều
khi còn bị tôi bắt nạt. Trận đòn của mẹ tôi là kết quả của một cuộc cãi lộn với
mấy đứa con trai trong lớp. Tôi đã cầm cây bút bi đâm nát cuốn vở tập của thằng
Bin. Giận quá tôi còn xông vào ôm nó vật lộn. Thầy giáo phạt tôi, đưa lên văn
phòng. Ông cho người về tận nhà bắt mẹ tôi lên nhận con và viết bản kiểm điểm.
Suốt chặng đường từ trường về nhà, bao nhiêu tội lỗi, những lời quở mắng mẹ
trút lên đầu tôi. Cây roi tre mẹ tôi tuốt được ở dọc đường, quất cho tôi đỏ
đít. Ban đầu tôi còn khóc mếu. Sau giận mẹ quá, tôi im lặng.
Buổi tối nhân lúc mẹ tôi đi
họp tổ phụ nữ ở xóm Đầm Vịt, cha tôi mới ôm tôi vào lòng. Và hỏi: “- Chiều nay
có chuyện chi ở trường mà con để thầy phạt, mẹ đánh? Nói cho cha nghe coi!”. Bà
nội thương cháu, nghe cha tôi hỏi, có ý giận con dâu, chửi: “- Tiên nhân bố nó,
chả hiểu chuyện gì, đánh con bé lằn lươn”. Như thể nỗi uất hận bị kìm nén trong
lòng bây giờ mới trào ra, tôi mếu máo: “- Thằng Bin chửi con là con lính ngụy…!”.
Cha tôi nghe xong ắng lặng, rồi cười khùng khục, xoa đầu tôi. Ông lấy chiếc
khăn lau mặt cho tôi rồi nói: “- Thằng Bin nói vậy mặc nó con… Cha là ai, con vẫn
là con ngoan của cha”.
Bà nội tôi ngồi giấu mình
trong khoảng tối bên thềm hè bỏm bẻm nhai trầu. Đột nhiên, bà tôi lấy miếng trầu
ra khỏi miệng, gầm lên như một con mèo già hung dữ: “ - Lần sau đứa nào nói vậy
con tát vào mặt nó và bảo: Bố tao là bộ đội cụ Hồ, bố tao đi đánh Mỹ… nghe chưa
cháu!”.
Tôi mở to đôi mắt thỏ non
nhìn bà nội rồi nhìn sang cha tôi. Không hiểu… Không thể hiểu. Phải nhiều năm
sau nữa khi tôi đã làm chủ một gia đình. Tôi sống đơn độc trong căn phòng ấm áp
đầy đủ tiện nghi mới vỡ ra nhiều điều mà ngày còn nhỏ không biết, không hiểu.
Có những ngày tôi đi
lang thang trong những cánh rừng đại ngàn của cao nguyên, miên man giữa những
thảm hoa hồng, hoa ly, thược dược, cúc vàng, cúc tím…vào mùa thu hái. Những
ngày tôi lần mò tìm đường về với làng Lôi, làng Vàng, Đông Xá, làng Mây... heo
hút nằm lọt thỏm giữa đồng bằng sông Hồng trù phú. Những chiều nắng ngả vàng
trên các triền núi phía Tây kinh thành Huế, tôi đứng ngơ ngẩn bên bụi tre ngà ở
làng Dương, nghe tiếng chuông nhà thờ ngân lên âm vang khắp mặt sông Bồ, rồi lần
mò chui xuống căn hầm trú pháo của ông ngoại tôi được xây cất kín đáo dưới ban
thờ, ẩn nấp “Việt cộng” mỗi khi về đánh đồn Từ Hạ. Suy ngẫm và tìm câu trả lời,
tôi mới vỡ dần ra những bí ẩn về những người thân xung quanh tôi. Hệt như con lật
đật của dân Nga. Cứ mở… cứ mở. Hết con này lại đến con khác xuất hiện. Đi tìm
những lời giải về người thân, tôi đi hết chặng này sang chặng khác, gặp hết bất
ngờ này sáng cảnh huống khác. Chỉ khác một điều, những hình hài những câu chuyện
không giống nhau bao giờ. Công việc tôi làm hệt như một điều tra viên hình sự, mầy
mò kết nối xâu chuỗi từng sự kiện để khám phá bức tranh gia đình vốn mờ mịt, đầy
uẩn khúc.
4. Năm tôi 14 tuổi, tốt nghiệp
phổ thông cơ sở đạt điểm ưu.
Cha tôi cùng với mấy người
làm công cắt hoa hồng, đóng vô thùng, nhìn thấy tôi cầm tấm bằng không giấu được
vẻ vui mừng.
Ông cười, khen: “- Khá lắm!
Hè năm nay cha sẽ thưởng”.
- “Thưởng chi cha?” - Tôi hỏi.
- “Bí mật!”. - Cha tôi cười.
Buổi tối cha tôi lặng lẽ lên
phòng thờ, cầm theo tấm bằng tốt nghiệp của tôi, thắp hương khấn vái. Như thể
ông báo cáo với mẹ tôi rằng: Tôi là một đứa con ngoan, trò giỏi, đã làm được điều
hứa với mẹ tôi trước vong linh của người. Sau này tôi cũng nhiễm thói quen ấy của
cha tôi. Trong cuộc sống có điều gì phiền muộn, công việc làm ăn không được như
ý, thậm chí trong lòng không vui, tôi lại tới bàn thờ thắp nhang, lòng thấy
thanh thản. Những lúc ấy tôi lại nhìn ảnh mẹ, ảnh cha, ảnh bà nội. Tôi ngồi trò
chuyện tâm sự như thể cha mẹ tôi đang ngồi trước bàn trà nghe tôi kể lể.
Cha tôi quê xứ Bắc. Mẹ tôi ở
Huế. Tôi sinh ra ở Nha Trang. Cho đến khi đã trở thành một thiếu nữ bước sang
tuổi dậy thì, tôi vẫn chưa bước chân ra khỏi vùng Đầm Vịt. Nghe cha tôi hứa cho
về thăm quê, tôi háo hức chờ đợi từng đêm.
Chuyến xe đò khởi hành từ Bảo
Lộc lúc trời còn mờ tối. Quá trưa, cha con tôi đã có mặt ở Sài Gòn. Ý niệm về một
thành phố lớn nhất phía Nam, đến bây giờ vẫn hằn sâu trong ký ức của tôi là những
con đường người xe đi lại đông đúc chen lấn như một đàn kiến. Xe đạp, xe máy,
xe ba gác, xe đò như một dòng thác người đổ về trung tâm thành phố… Ga Sài Gòn
hôi hám và nhếch nhác. Cha dắt tôi vào một quán cà phê bên đường vừa đặt túi
xách, ngồi chưa ấm chỗ đã có hai ba người tới gạ.
“- Bác mua vé đi Đà Nẵng, Huế
hay Hà Nội?” - Cô phe vé gạ thêm: “- Giường nằm, ghế ngồi, cháu có cả. Bác mà
chờ mua vé nhà nước thì chẳng có đâu!”.
Cha tôi hỏi: “- Vé đi Hà Nội
mắc hơn bao nhiêu?”.
“- Dạ ba chục…”.
Cha tôi đồng ý mua vé ngoài
để có thể lên tàu ngay chiều hôm đó. Hai mươi phút sau người đàn bà bán vé mang
ra cho cha tôi một cặp vé giường nằm. Tàu Thống Nhất ba. Về đến Hà Nội đi trọn
ba ngày ba đêm.
Chuyến tàu xuyên Việt của những
năm “tám mươi” vật vã, nặng nề bởi hàng hóa gạo cơm. Miền Bắc thiếu gạo, thiếu
thực phẩm và vật dụng thông thường. Trên các toa tàu, giấu kín dưới các băng ghế,
trên khoang để hành lí chất đầy các bao gạo, bao xoài, dừa, cá khô, mắm ruốc…
Những con tàu chạy ngược vào Nam ngồi lẫn với người là những bao bột mỳ, áo quần,
chăn mền Con Công, vải hoa, đèn pin, bật lửa…của các bà đi buôn đánh hàng lậu từ
biên giới Việt Trung, ngày ấy hai “nhà” vẫn còn đang đóng cửa. Nhờ mua được vé
chợ đen, cha con tôi có được hai khoang giường nằm ở tầng hai và tầng ba. Tôi nằm
ở khoang giữa, thỏa sức ngắm cảnh vật suốt dọc đường. Còn cha tôi hầu như ngủ.
Ông nằm bẹp trên khoang thượng áp mái. Chỉ khi nào cần đi vệ sinh, hút thuốc, uống
cà phê ông mới xuống. Lần đầu được đi tàu hỏa tôi háo hức. Những tên ga tàu tôi
đã thuộc lòng trong cuốn lịch sổ tay như Sóng Thần, Mường Mán, Tháp Chàm, Nha
Trang, Đại Lãnh…Những địa danh nghe vừa lạ vừa quen luôn gợi trong tôi những
suy tưởng kỳ thú về một vùng đất mới. Bây giờ những vùng đất ấy đang lần lượt
trôi qua trong mắt tôi. Con tàu trôi trong đêm. Ngọn đèn pha sáng quắc xé tan
bóng tối như trôi về cõi vô định. Ga tàu nào cũng hao hao giống nhau. Người lên
tàu, người xuống tàu ồn ã huyên náo. Khi tàu dừng, hàng trăm người bán hàng
rong từ trong những vùng tối lao ra chìa trước mặt khách đồ ăn thức uống chào mời.
Lâu lâu một tiếng la ré lên: “Kẻ cắp!”. “- Tôi bị nó móc mất bóp rồi…”.
Tôi không bận tâm nhiều tới
những chuyện vụn vặt mắt thấy tai nghe. Tâm trí tôi mải dõi theo những cảnh sắc,
những khung trời mới cứ lần lượt mở ra theo từng cung đường. Con tàu qua Đèo Cả,
Vũng Rô vào khuya. Trăng rằm vằng vặc soi rõ những ghềnh đá, sóng đánh tung bọt
trắng xóa. Tàu qua Hải Vân, Lăng Cô giữa buổi bình minh. Mặt trời đỏ như một quả
cầu lửa trồi lên ngoài biển. Tàu về tới ga Vinh. Cuộc mua bán giữa người trên
tàu và người dưới sân ga hỗn loạn. Những bao gạo, khoai sắn, sọt xoài, cá khô
như có cánh bay vọt qua cửa sổ. Chỉ một loáng, những món hàng hóa quý giá ấy đã
biến mất vào trong các ngóc ngách nằm dọc theo con đường sắt dẫn vào ga. Ở
khoang tầng 1 là nơi ở và chứa hàng hóa của vợ chồng anh chị nhà gíáo, đâu như
dạy ở Trường Cao đẳng sư phạm N. Tôi nghe rõ giọng cô giáo co kéo về giá cả với
mấy người buôn ở ga Vinh. Chỉ đến khi con tàu hú còi rời ga tôi mới cảm thấy
không khí đỡ ngột ngạt, xô bồ. Nằm ở tầng trên, tôi nghe rõ tiếng của cô giáo
khoe với chồng: “Này ông, cả gạo, cả xoài với mấy buồng cau lãi hơn hai trăm.
Thích không!”. Ông chồng, một thầy giáo dạy môn triết, chính trị gầm gừ trong cổ
họng: “Buôn với chả bán… Hay hớm gì mà cô khoe cho cả làng nghe…”. Giọng chị vợ
rin rít: “Á… à… Gần gấp đôi lương của ông đấy nhé…!”. Nghe người lớn cãi nhau,
tôi muốn cười. Lại sợ. Đi đường, cha tôi đã dặn: “Thiên hạ nói chi, họ cãi vã,
đánh chửi nhau, con mặc họ, nghe con. Mình là con nít, chả biết đâu chuyện người
lớn”.
Vài lần, tôi xuống giường đi
ra ngoài cửa sổ. Thấy tôi hơi gầy, xanh xao, cô giáo tỏ vẻ ái ngại và bắt chuyện.
Tôi trả lới cầm chừng, chiếu lệ. Bữa ăn của thầy cô giáo chẳng khá hơn cha con
tôi. Cơm nắm, muối vừng, thêm khoanh giò nạc.
Con tàu về càng gần đến
đích, hàng hóa càng nhẹ bớt. Qua các ga Vinh, Thanh Hóa, Nam Định, người đi tàu
cũng xuống vãn. Đến ga Quán Hành, cha tôi bảo: “Ngày trước, cha đi bộ đội, tàu
vào đến đây rồi dừng. Cha và các chú bộ đội phải đi bộ từ đây để vô Nam”. Tôi
nghe, biết vậy chứ không hỏi thêm. Nét mặt cha tôi ưu tư, nghĩ ngợi. Tàu về đến
ga Hà Nội vào lúc ba giờ chiều. Cha tôi thuê phòng trọ có chỗ cho tôi nghỉ
ngơi, tắm giặt sau mấy ngày đi đường vất vả, bẩn thỉu.
Tôi ngủ thiếp đi lúc nào
không hay, chỉ đến khi nghe tiếng mở khóa tôi mới chợt tỉnh. Cha tôi về, đi
theo ông là một thanh niên còn trẻ. Trông qua cách ăn mặc tôi đoán anh ta là bộ
đội. Chỉ nghe cha tôi nói với người thanh niên: “- Cháu cầm tạm ít tiền đi mua
xăng. Gần năm giờ cháu đến đây đón chúng tôi”.
Anh thanh niên cầm tiền đút
vào túi áo, lén nhìn trộm tôi. Gương mặt anh chàng còn trẻ nhưng rắn rỏi, chín
chắn. Da ngăm đen, đầu húi cua. Ánh mắt của anh ta liếc nhìn tôi như thể anh ta
vẫn xem tôi là một đứa con nít.
Tôi hỏi cha: “- Lát nữa đi
đâu cha?”. Cha tôi thu dọn đồ đạc cho vào chiếc ba lô, bảo: “- Về quê thăm mộ
ông nội. Cha mua sẵn mấy ổ bánh mỳ lát nữa con mang theo để ăn dọc đường. Bây
giờ cha đưa con đi ăn phở”.
Sau này, khi đã trưởng thành,
tôi đi Nam về Bắc, sang cả Paris, Tokyo, Bắc Kinh, Thượng Hải, nhiều lần qua
Thái Lan… Mỗi khi chán các bữa ăn Tây Tàu, thèm cơm Việt Nam, món đầu tiên tôi
nghĩ đến là phở.
Đã hàng trăm nghìn lần ăn phở
nhưng tôi luôn ám ảnh bởi ý nghĩ, bát phở cha tôi cho ăn vào cái buổi chiều
đông lần đầu tiên ra Hà Nội có lẽ là tô phở ngon nhất, không đâu có cả. Có thể
tôi cực đoan, cố chấp, bảo thủ nữa. Không sao! Tôi luôn tin vậy. Cha con tôi ngồi
ăn phở ngay trên chiếc ghế băng sát vỉa hè, cạnh một con hẻm dài sâu hun hút.
Cách chỗ tôi ngồi chưa đầy hai mét là đường cống thoát nước chảy ra từ những
ngôi nhà chạy dọc theo dãy phố. Nước từ trong các nhà chảy ra đổ vào cống chính
thành dòng nước đen đặc, lẫn với nước là các cọng rau muống, hạt cơm, hạt gạo,
đầu mẩu xương. Thỉnh thoảng từ trong miệng lỗ đen ngòm, một chú chuột cống thò
ra, cạp lấy mẩu xương thừa rồi lại chui tọt vào hang. Khách ngồi ăn phở quanh đấy
hầu như không ai để ý đến những con chuột và người ngồi ăn cạnh mình là ai. Mọi
con mắt đổ dồn vào nồi nước phở đang sôi sùng sục, phía dưới là một bếp than
cháy đỏ rực, mùi phở tỏa thơm ngào ngạt. Mỗi bát phở chỉ có ít sợi bánh mềm và
mỏng, dăm lát thịt bò, chút cọng hành, hạt tiêu sao mà thơm ngon đến vậy. Có thể
là tôi đói. Và lần đầu tiên tôi được ăn phở Bắc, trời lại hơi heo heo rét… Cái
ngon và hương vị đặc biệt của tô phở vỉa hè thấm vào tận da thịt và kí ức của
tôi đến tận bây giờ.
Cùng ăn với cha con tôi còn
có những bác xích lô, xe thồ, một vài anh công chức mặc áo bốn túi cắp cặp ngồi
trên những chiếc ghế gỗ, ghế nhựa xì xụp ăn phở. Nhiều năm sau, có dịp ra Hà Nội
lo công chuyện, rảnh rỗi tôi đi tha thẩn khắp các ngả đường, trở lại ga Hà Nội,
sục sạo trong các con phố, tôi có ý tìm người đàn ông với gánh hàng phở ở vỉa
hè năm nào nhưng không bao giờ gặp lại.
Đúng giờ hẹn, anh thanh niên
lái xe đến nhà trọ bằng chiếc xe Commăng-ca cũ kĩ. Chúng tôi nhanh chóng lên đường.
Cha tôi ngồi cạnh anh lái xe chỉ đường. Tôi ngồi ở băng ghế sau rộng rãi.
Cha tôi bảo: “- Khi nào mệt
con nằm xuống ghế mà ngủ”. Đường đi vừa xa lại xóc. Tôi ngủ sao nổi! Xe ra khỏi
thành phố trời đã nhập nhoạng tối. Một vài hàng quán đã lên đèn. Con đường lộ
xuôi về phía Nam hun hút gió, băng qua làng mạc, đồng ruộng. Những ngôi nhà
ngói, nhà lá, nhà rạ nằm lẩn khuất giữa những bụi tre, cây rơm đang chìm dần
trong ánh hoàng hôn cuối ngày.
Tôi mê đọc văn của Thạch
Lam, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao từ nhỏ. Sau này đọc thêm
truyện của các ông Nhật Tuấn, Duyên Anh, Vũ Bằng, Tô Hoài, Nguyên Hồng để hiểu
thêm về xứ Bắc, quê nội. Nhưng trong buổi chiều u ám, lạnh lẽo này, tôi càng thấm
thía khi được tận mắt nhìn những làng quê, con người nơi cha tôi sinh ra. Một
đoạn đường dài chiếc xe như trôi đi trong màn sương khói từ các thôn xóm bên đường
loang ra phủ mờ cảnh vật, phảng phất mùi ngô, khoai nướng. Câu chuyện của cha
tôi và người lái xe càng lúc càng rôm rả, khiến tôi càng chú ý, xua tôi ra khỏi
cảm giác buồn tẻ, cô đơn. Những câu đối thoại của hai người lúc to lúc nhỏ.
“ - Cậu đi lính được mấy năm
rồi?”.
“- Dạ một năm ba tháng chú!
Chú ở miền Nam sống ở tỉnh nào?”.
“-Lâm Đồng”.
“- Chú làm nghề gì?”.
“- Làm ruộng! Cậu là con thứ
mấy trong nhà?”.
“- Dạ thứ hai. Thầy cháu hi
sinh. Mẹ cháu đi lấy chồng, cháu còn có thêm hai người em nữa… Nghe nói trong
Nam làm ăn dễ phải không chú?”.
“-Cũng tàm tạm… Ở đâu chăm
chỉ làm ăn cũng sống được. Cậu học tới lớp mấy rồi? Sao lại đi bộ đội?”.
“- Dạ cháu học hết cấp ba.
Gia đình cháu nghèo, cháu xin đi bộ đội. Từ ngày giải phóng đến nay chú về quê
mấy lần rồi?”.
“- Đây là lần đầu…”.
Giọng cha tôi hơi nhỏ lại -
“Lần này tôi đưa con gái về thăm quê nội!”. Anh lái xe nhìn tôi qua chiếc gương
chiếu hậu. Tôi tránh ánh mắt của anh ta.
- Chắc cô bé lần đầu về quê
vui lắm”.
Anh lái xe cười. Tôi im lặng,
cảm thấy tưng tức khi anh ta gọi tôi bằng “cô bé”. Làm như không để ý đến câu
chuyện của họ, tôi ngó lơ ra ngoài con đường đang chìm vào bóng tối.
Tôi thức giấc lúc chiếc xe
đã dừng lại. Ai đó đã đắp lên người tôi tấm áo bông dầy, phảng phất mùi xăng nhớt.
Qua tấm kính xe tôi thấy cha tôi và người lái xe đang ngồi uống nước, hút thuốc
ở một quán ven đường. Những chiếc xe tải, xe khách, xe con xếp hàng dài đang chờ
xuống phà. Những người bán hàng rong bê những mẹt táo, ổi, củ ấu chào mời khách
trong quầng sáng của những ngọn đèn điện đỏ quạch hắt ra từ các quán ven đường.
Chiếc xe comăngca quân đội được ưu tiên. Khi đã yên vị trên phà tôi mới hỏi: “-
Đây là đâu hả cha?”. “- Phà Tân Đệ con ạ. Sông Hồng đấy! Đi một lúc nữa là tới
nhà ta”.
Suốt chặng đường về làng,
cha tôi và người lái xe không nói chuyện nữa. Gương mặt cha tôi thỉnh thoảng lại
hiện lên khi có một chiếc xe chạy ngược chiều hắt đèn pha vào mặt. Ông trầm tư
nghĩ ngợi. Nhiều năm sau nghĩ về cha, nhớ lại chuyến thăm quê lần đầu, tôi vẫn
không sao cắt nghĩa lí giải nổi tâm trạng của cha tôi đêm ấy. Ông đã nghĩ gì
sau gần hai mươi năm xa quê! Không hẳn ông vui. Cũng không thấy ông biểu lộ tâm
trạng háo hức hồi hộp của một đứa con biền biệt lâu ngày. Có lúc hình như cha
tôi khóc. Không thành tiếng. Dòng nước mắt lăn dài trên gò má, gặp luồng sáng của
đèn pha ôtô rọi chiếu ánh lên như một sợi bạc rồi vụt tắt. Trong lúc ấy, người
lái xe chăm chú quan sát phía trước, tránh ổ gà và người đi bộ, đi xe đạp sát
bên vệ đường. Họ cũng lặng lẽ, âm thầm như những cái bóng di động. Chiếc xe con
rầm rì lao đi trên con đường rải đá. Ánh đèn pha ô tô như bị nuốt gọn trong khoảng
tối của hai hàng cây xà cừ cổ thụ.
Có lúc chiếc xe băng qua một
ngôi làng nào đó. Đêm chưa khuya nhưng trong các ngôi nhà đều im ắng. Một vài
nhà le lói ánh đèn dầu. Bầy chó nghe tiếng máy xe gầm gừ thi nhau sủa. Đi mãi
nhưng cha tôi không chỉ cho người lái xe lối rẽ vào làng. Đến một cây đa cổ thụ
có ngôi chùa nhỏ giữa cánh đồng ông mới bảo anh ta dừng lại.
“- Nếu cháu vội phải về Hà Nội
thì đưa chúng tôi đến đây là được. Còn nếu không ráng chờ chúng tôi có chút việc,
khoảng hơn một giờ đồng hồ rồi ta cùng về”. Cha tôi bảo người lái xe như vậy.
Tôi vừa mệt lại vừa buồn ngủ.
Niềm háo hức được về quê thăm nhà nội đã tan biến từ lúc nào. Đứng giữa đồng
không mông quạnh, lạnh lẽo hoang vắng, nỗi ám ảnh sợ ma, sợ bị cướp giật lởn vởn
trong đầu óc tôi.
Cha tôi như thể không nghĩ tới
điều đó. Ông khoác ba lô và dắt tôi trong tay làm cho tôi cảm thấy yên tâm.
“- Cha con ta ra mộ thắp cho
ông nội nén nhang”.
Ánh trăng hạ tuần bị che phủ
bởi bầu trời đầy mây. Tôi nhận ra khu nghĩa địa rộng mênh mông nằm giữa cánh đồng.
Ở phía xa, sau bụi tre có ngôi nhà nhỏ leo lét ánh đèn dầu. Sau này tôi mới biết
đấy là ngôi nhà của người trông coi nghĩa trang. Cha đưa tôi đi trên con đường
đất nhỏ luồn lách giữa các ngôi mộ đất. Thỉnh thoảng có một vài ngôi mộ xây gạch.
Như thể đã biết rõ mộ ông nội nằm ở đâu, cha tôi nhắm thẳng tới một bụi cây đen
ở giữa khu mộ. Đấy là một khóm dứa dại mọc trên một gò đất cao, cành lá rậm rạp,
phiến lá có nhiều gai sắc nhọn. Cha tôi đặt chiếc ba lô xuống một vạt cỏ, ông
chậm rãi mở ra lấy mấy phong bánh, nắm nhang, giấy vàng mã cùng với một cái đèn
pin chỉ nhỏ bằng ngón tay. Một luồng ánh sáng to bằng đầu đũa phát ra từ cây
đèn pin, ông lia nhanh qua một vài ngôi mộ nằm quanh bụi dứa dại. Ông bảo nhỏ
tôi:
“- Con đọc trên bia đá có tấm
nào ghi tên cụ Bùi Văn Đê là mộ ông nội nhà ta”.
Khi đọc tới ngôi mộ thứ tư
tôi đã nhìn thấy tấm bia ghi tên ông nội. Tấm bia đá chỉ vỏn vẹn có mấy chữ: ‘Cụ
Bùi Văn Đê. Làng Lôi, thôn Đông Xá. Mất ngày tháng Bảy năm Nhâm Mão”. Cha tôi
soi đèn pin đọc lại một lần nữa. Ông cẩn trọng đặt lên ngôi mộ mấy phong bánh
và châm hương. Tôi quỳ xuống bên cạnh ông. Trong giây phút tĩnh lặng giữa đêm
khuya tôi đã nghe cha tôi khấn ông nội:
“Thầy ơi! Con là đứa con bất
hiếu. Được thầy mẹ cho ăn học rồi ra trận đánh giặc. Ai ngờ cuộc đời con gặp
bao gian truân, những tưởng chỉ một mình con gánh chịu nỗi oan khuất tủi cực
nào ngờ con lại giáng họa cho thầy mẹ để thầy chết oan uổng như thế này… Con có
chết cũng không rửa hết nỗi nhục của thầy… Thầy ơi!”.
Giọng cha tôi lạc đi. Nghe
ông tạ tội với ông nội, tôi chỉ muốn khóc. Tôi mơ hồ hiểu rằng trong quan hệ
gia đình nhà tôi, giữa cha tôi và ông nội có uẩn khúc gì đó…nhưng chưa bao giờ
tôi thấy cha mẹ tôi kể cho tôi nghe…Cũng như lúc này, khi cha con tôi vượt qua
quãng đường cả ngàn cây số, nằm tàu suốt mấy ngày trời, cha đưa tôi về quê chỉ
làm mỗi một việc là đưa tôi ra thắp hương ở mộ ông nội giữa đêm đông lạnh giá.
Cũng đêm ấy, giữa bãi tha ma
của làng Lôi, tôi đã gặp phải một phen kinh hãi. Nỗi sợ hãi ấy e sẽ đeo đẳng
tôi đến suốt đời. Vào lúc cha tôi đốt tàn nắm giấy tiền, vàng mã, bất ngờ từ
sau bụi duối già, một bóng người hiện ra. Tôi không rõ mặt hắn. Hắn chụp trên đầu
chiếc mũ vải nhàu nát như của anh hàng phở, tấm áo dạ khoác ngoài màu xám, dài
đến đầu gối. Cha tôi chưa nhìn thấy người lạ, ông vẫn còn đang châm lại mấy cây
hương chưa cháy hết. Người đàn ông lạ mặt đã quỳ sụp xuống sau lưng cha tôi và
lạy:
“- Thưa ông, ông có phải là
anh Đệ không?”.
Cha tôi giật mình quay lại
ngơ ngác nhìn người lạ. Người lạ mặt nói tiếp:
“- Em là thằng Ca ở
trung đội 2, đại đội 3, lính KX đây”.
Cha tôi đứng lên. Tôi nắm chặt
tay cha. Người đàn ông ngẩng mặt lên nhìn cha tôi rồi nói:
“- Chỉ vì lầm lỡ của em khiến
gia đình cụ Đê tan cửa nát nhà… Giời có mắt ông ạ… Bao năm mới gặp lại ông ở
làng này. Vong hồn cụ Đê có linh thiêng chứng giám cho tội lỗi của em… Ông giời
đã quả báo…Con vợ em vì nghe lời em lên xã tố điêu mà rồi bị sét đánh chết ở
ngoài Cống Vàng. Thằng con trai em đi theo mấy người lên rừng buôn gỗ về ngã nước
rồi cũng chết…Còn lại thân em giời đất đày đọa để chịu kiếp nạn này”.
Kẻ lạ mặt nói một thôi một hồi
kể lể câu chuyện bi thảm về gia đình hắn. Có lẽ cha tôi cũng chẳng hiểu sự thể
câu chuyện ra sao. Lúc hắn ôm mặt khóc rưng rức, cha tôi chĩa cây đèn pin vào mặt
hắn rồi hỏi:
“- Anh là ai? Tôi không biết!
Chắc anh cũng chẳng biết tôi là ai, giữa đêm hôm khuya khoắt này ra đây kể chuyện
vợ con anh!”.
Người lạ mặt quỳ sụp xuống
dưới đất, tế sống cha tôi, nói như van lơn:
“- Em là thằng Ca ở xóm
Chung, cùng làng với ông. Ông không nhận ra em thật sao? Em là lính cùng đơn vị
với ông ở đại đội 3 đây… Em có tội… có tội. Ông cứ giết em đi”.
Gương mặt cha tôi đờ đẫn
nhìn người đàn ông lạ mặt. Tôi lờ mờ đoán hiểu hình như cha tôi cũng đã biết hắn
là ai. Ông không nói gì, bỏ mặc hắn nằm úp sấp trên mặt cỏ ướt đẫm sương. Đi
vài bước, chợt cha tôi quay lại, hỏi:
“- Anh nói là lính trung đội
2, cùng đại đội với anh Đệ, nhưng ở chiến trường nào mới được chứ?”.
“- Dạ, chiến trường Trị
Thiên Huế, thưa ông”. Hắn nói hổn hển.
“- Sao anh biết anh Đệ, người
làng Lôi?”.
“- Dạ thưa, anh Đệ là
đại đội phó của đại đội em, người đồng hương với em”.
Cha tôi lại hỏi:
“- Bây giờ anh làm gì ở
đây?”.
Người đàn ông lạ mặt đã có vẻ
tĩnh tâm, trả lời:
“- Vợ con em chết, cảnh
nhà túng đói, các cụ trong làng cho em ra đây trông coi mồ mả!”.
Cha tôi lặng lẽ lấy thuốc
hút và chìa ra trước mặt người đàn ông bao thuốc. Hắn giơ bàn tay ra nhón lấy một
điếu nhưng không hút mà lại gài lên vành tai.
“- Tôi ở xa về nhân tiện ghé
qua đây thăm mộ, thắp hương cho cụ thân sinh ra anh Đệ, người làng Lôi. Anh Đệ
bộ đội cùng đơn vị với anh ngày trước, chết lâu rồi”. Cha tôi bảo người đàn ông
lạ mặt.
Dưới ánh trăng mờ ảo, tôi
nhìn rõ cha tôi rút ra từ trong túi áo khoác chiếc ví, ông dúi vào tay kẻ lạ mặt
một xấp tiền.
Tám năm sau, tôi đã là một kỹ
sư ra trường về lại trại Đầm Vịt, mở công ty riêng. Nhiều lần tôi về lại làng
Lôi để khảo sát mua hàng mây tre ở vùng này, xuất khẩu sang thị trường Đông Âu.
Nhân lúc rảnh rỗi, tôi hỏi thăm người làng mới hay, người có tên là Ca, trông
coi nghĩa địa của làng cũng đã chết. Phần việc trông coi mồ mả đã được giao cho
một người khác. Gia đình nhà Ca chỉ còn sót lại một người con gái hơn tôi vài
tuổi, “hơi dở người”, vẫn chưa có chồng, sống nghèo khó, chuyên đi cấy thuê, cuốc
cỏ, đan lát thuê cho cả làng. Tôi đã tìm gặp người con riêng của lão Ca, chính
là cô Thoa bây giờ. Ngày trở về Nam, tôi đã dắt theo Thoa. Mười mấy năm nay, cô
Thoa đã trở thành một phần trong gia đình nhỏ bé của tôi, chăm lo việc cơm nước,
cai quản việc nhà.
Những lúc rảnh rỗi, tôi hay
tẩn mẩn giở từng cuốn sổ của cha tôi để lại. Tình cờ tôi được đọc những dòng
này của ông ghi câu chuyện hai cha con ngày về làng Lôi.
“Gần hai mươi năm mới trở về
quê. Dòng sông Hồng và bến phà T.Đ còn đó. Chỉ muốn khóc. Sợ cậu lái xe và con
gái cười. Lòng đau quặn thắt. Cả đời, Hương Giang ao ước một lần về Hà Nội, về
thăm quê vậy mà không được…Có người lính nào như ta, về lại cố hương trong cảnh
trớ trêu này…Ca nào đây ta? Nhớ ra rồi. Thằng Ca làm lính giữ B40 của trung đội
cậu Toan B2. Nó đã gặp ta ở Ninh Hòa vào cái ngày cuối tháng 3 năm 1975.Chỉ một
câu nói của mi mà làm ông khổ…Khốn nạn thân thằng Ca sao bây giờ đổ đốn ra nông
nỗi này!”.
Đoạn viết ấy, cha tôi ghi ở
tập sách thứ năm theo cách đánh số thứ tự của ông. Kẻ mang tên là Ca ấy, tôi
còn được đọc một vài lần nữa trong tập ghi chép của cha tôi. Thời điểm ấy, cha
tôi bị đưa đi trại cải tạo ở Ngân Điền. Bà nội tôi ngày còn sống thi thoảng
cũng một đôi lần kể chuyện làng quê với mẹ tôi có nhắc đến người tên là Ca. Đã
bao năm, tôi vẫn không quên câu chửi của bà. “- Tiên nhân bố nó! Đồ bất nhân bất
nghĩa làm đời con trai bà khổ! Ông giời quả báo con ạ”.
Về lão Ca đã có lần tôi hỏi
chú Hoài. Nhắc đến tên lão, chú Hoài có biết nhưng xem ra chú không ưa lão Ca.
Tôi gặng hỏi, chú Hoài chỉ nói:
“Chú ghét thằng cha ấy. Nó
cùng nhập ngũ với chú, ở chung một tiểu đoàn huấn luyện vào Nam. Thằng Ca là
lính giữ B40 của trung đội. Trong một lần nó cùng với anh trung đội phó đưa
thương bệnh binh lên phẫu Nhô ở bờ Bắc sông Bồ. Chỉ vì vô trách nhiệm, sợ bị địch
phục kích dọc đường, nó đã bỏ quên một người trong đơn vị, bị sốt rét, nằm lại
dọc đường. Cho đến nay, cũng không rõ người lính ấy bị hổ vồ hay bị chết đâu đó
trong rừng. Không ai biết. Người lính trẻ ấy là thằng bạn thân của chú, hai đứa
cùng học một trường, cùng đi lính một ngày, vào Nam chiến đấu”.
Nghe chú Hoài nói vậy, tôi
không dám hỏi thêm gì nữa về lão Ca.
Lúc cha con tôi trở lại, anh
lính lái xe comăngca trẻ tuổi vẫn kiên nhẫn chờ ở dưới gốc cây đa già. Trời lạnh
anh ta chui vào khu miếu nhỏ tránh rét. Trong lúc đứng dưới gốc đa, cha tôi đã
huơ tay chỉ về phía làng, nói với tôi:
“- Con có nhìn thấy cái vạt
nhà trăng trắng kia không? Đất nhà ta đấy, ông bà đã sinh ra cha ở đấy. Bây giờ
hợp tác xã lấy làm trại chăn nuôi, làm sân phơi lúa”.
Tôi nghe và biết vậy. Không
buồn cũng không vui. Chỉ thấy thương cha.
Gió bấc vẫn thổi ào ạt trên
cánh đồng. Chúng tôi chui vào xe, lặng lẽ rời làng Lôi. Đã quá nửa đêm. Bầy chó
ở trong làng nghe tiếng xe ô tô ngoài đường sủa vu vơ. Có con còn liều mạng đuổi
theo xe ô tô một quãng rồi đứng sững lại giữa đường. Eo óc tiếng gà gáy… Một
con trâu nhà ai sổng chuồng đứng tha thẩn gặm cỏ bên mương nước.
Tảng sáng, cha con tôi đã về
tới Hà Nội. Người lái xe lặng lẽ chia tay cha tôi. Anh chàng xoa nhẹ lên đầu
tôi. Chỉ nghe anh nói phải đi gấp vào một bệnh viện nào đó trong Hà Đông để đón
thủ trưởng. Lúc chiếc xe mất hút trên đường đêm, tôi mới chợt nhận ra vẫn khoác
trên mình chiếc áo bông của người lính. Chiếc áo dài tới gần đầu gối, hơi nặng
nhưng ấm. Người lái xe tên Khang. “- Chú Khang!”. Tôi nhớ vậy.
5. Trong cuộc sống, điều ân
hận nhất của tôi với cha có lẽ là cho đến lúc ông mất, tôi vẫn chưa chịu nghe lời
ông lấy chồng. Một đôi lần ông có khuyên bảo tôi về chuyện chồng con, nhưng
tính tôi vốn ương bướng, trả lời cha:
“- Con chưa ưng ai! Cũng chẳng
ai thích lấy con”.
Cha tôi nghe xong im lặng.
Ông nhồi nửa điếu thuốc lá vào tẩu rồi hút, chẳng buồn tranh luận với tôi. Nói
mãi, tôi không chịu nghe, hẳn ông chán. Chỉ nghĩ đến việc phải sống với một người
đàn ông xa lạ, trong một ngôi nhà xa lạ, hàng ngày không được nhìn thấy cha tôi
trong mỗi bữa ăn, không được nghe tiếng chân cha bước nhẹ trước cửa phòng mỗi
sáng… Tôi phát hoảng. Tôi không lập dị. Cũng chẳng xa lạ với đàn ông. Có thể
tôi là đứa ích kỉ. Từ trong tiềm thức sâu xa, tôi muốn được sống quãng đời tự
do, chưa muốn lệ thuộc ai. Ngày nhỏ, tôi luôn có mẹ, có bà nội.
Hai người thân yêu mất đi,
tôi dành trọn tình yêu cho cha tôi, cho đám bạn bè. Bạn tôi có đứa học với tôi
từ thời phổ thông ở những ngôi nhà lợp tôn, tường xây gạch ở Đầm Vịt, cùng tôi
vào rừng kiếm củi, kiếm quả rừng. Bốn năm học đại học, tôi có cả một đám bạn
như Vân, Thơm, Hằng… Hầu như chúng nó đều đã yên bề chồng con, sự nghiệp. Còn
tôi vẫn tự do như con chim sổ lồng. Những năm học đại học, tôi không phải là đứa
học xoàng. Ngày tôi nhận tấm bằng tốt nghiệp, thầy Năm Bê khi ấy là hiệu phó của
nhà trường khuyên:
“- Nếu em muốn ở lại trường
làm trợ giảng, thầy sẽ xin với tổ chức”. Tôi cảm ơn thầy vì lòng tốt và thương
học trò.
“- Em phải về nhà, làm việc
với cha em” - Tôi thưa với thầy như vậy.
Trong bữa cơm chiều ở trại Đầm
Vịt, tôi nhắc lại chuyện các thầy cô giáo muốn giữ tôi lại trường công tác với
cha tôi. Ông nghe xong nói:
“- Cho đến giờ cha chỉ còn lại
mỗi mình con. Về làm vườn với cha. Đừng vương màng chi nơi đô hội. Hoa thơm
cũng có mà rắn độc cũng có”.
Tôi cũng nghĩ vậy, chỉ ân hận
mẹ không còn nữa để có ngày nhìn thấy tấm bằng tốt nghiệp đại học của tôi. Cũng
trong bữa cơm ấy, cha tôi uống rượu và cao hứng. Ông bảo:
“- Cả dòng họ nhà ta con là
người học hành, đỗ đạt cao nhất” .
Tôi hỏi chen ngang:
“- Thứ nhì là ai cha?”.
Cha tôi cười:
“- Mẹ con mới qua Văn khoa
năm thứ 2, vì yêu cha mà bỏ học. Cha cố lắm cùng chỉ hết tú tài, rồi đi lính. Nội
ngoại con các cụ đều ít chữ cả”.
Hai năm đầu tiên học đại học
ở Thành phố Hồ Chí Minh, thầy giáo chủ nhiệm bộ môn khoa trồng trọt của tôi là
thầy giáo Hàn. Tôi biết thầy quan tâm với riêng tôi, không hẳn vì tôi xinh nhất
trong số mười mấy đứa con gái trong khoa. Có thể còn lý do nữa, thầy hiểu hoàn
cảnh gia đình tôi, cảnh gà trống nuôi con. Ngay những năm học đầu tiên, thấy
tôi học giỏi, thầy giáo Hàn có ý giữ tôi ở lại Sài Gòn. Tôi là trò cưng của thầy.
Học giỏi. Một cán bộ Đoàn gương mẫu, không gây mất đoàn kết. Những lần tiếp xúc
với thầy, nhìn ánh mắt, cách thầy chăm sóc mỗi lần tôi đến nhà thầy để nghe thầy
góp ý trao đổi công việc của lớp, hoặc tình cờ gặp thầy ở văn phòng khoa, tôi
biết thầy có cảm tình với tôi. Và trong cái nhìn ấy còn chứa đựng sự tin yêu lớn
lao hơn cả tình thầy trò. Tôi nhạy cảm dễ nhận ra điều đó. Nhưng tôi không thể
yêu và lấy thầy. Từ trong sâu thẳm, thầy Hàn với tôi chỉ đơn thuần sự kính trọng
của cô học trò nhỏ với người thầy có đức độ và trí tuệ hết lòng vì công việc.
Những năm sau giải phóng, đất
nước gặp nhiều khó khăn, cuộc sống của các thầy cô giáo đều khổ. Con đường đi
du học là cứu cánh cho nhiều thầy cô giáo. Họ sang Liên xô, Đông Âu khi phe xã
hội chủ nghĩa còn chưa sụp đổ. Một số nước phương Tây cũng nhận du học sinh. Thầy
Hàn là một trong số các thầy cô giáo đi du học ở Úc trở về với tấm bằng tiến sĩ
loại ưu. Ngày thầy trở về, cô vợ xinh đẹp dạy tiếng Anh lại bỏ thầy mà đi. Cô
giáo còn trẻ hơn thầy cả chục tuổi, con của một vị quan chức làm việc ở thành
phố vốn từ lâu đã chê ông chồng nghèo, cù lần chỉ biết đâm đầu vào sách vở. Cô
giáo lại thích giao du kết bạn với mấy cô con nhà giàu, ham đi nhẩy và uống rượu.
Cuộc sống của cô không thể thích hợp với lối sống của một nhà khoa học, suốt
ngày đi dạy rồi đi họp, còn chút thời gian nào lại chui đầu vào phòng thí nghiệm
với đám chai lọ để truy tìm chất đioxin trong đất. Thầy không là nông dân nhưng
lúa má đậu bắp, các loại hạt… thầy xếp lỉnh kỉnh trong nhà.
Mỗi lần đi công tác ở Nam bộ,
Tây Nguyên, ra Hà Nội dự hội thảo, thầy Hàn tha về hàng chục túi lớn, túi nhỏ
các loại giống. Cô giáo trẻ mắng chồng.
“- Đi cho lắm vào rồi lại
tha rác về nhà”.
Có lần cô giáo mỉa mai:
“- Việt Nam đã là nước xuất
khẩu gạo thứ hai, thứ ba thế giới. Đất nước này còn thiếu gì những ông Lương Định
Của mà anh lại lao vào cho nhọc xác”.
Đứa con gái của thầy Hàn năm
nay đã gần 10 tuổi. Ngày mẹ nó bỏ đi theo anh chàng Việt kiều từ Mỹ về, con bé
mới lên 5. Thầy Hàn kể, ngày nhỏ cứ mỗi lần con bé khóc, ban đêm trở giấc nhõng
nhẽo y như rằng cô giáo Anh văn lại lôi ông bố chồng ra mà rỉa rói cho hả dạ.
Cha thầy Hàn cũng là một sĩ quan của quân đội, có một thời đi bộ đội, Cô vợ của
thầy có dịp là móc máy: “Làm ông tướng ông tá oai vệ đâu không biết tha về cái
chất độc quái ác để làm khổ con cháu”.
Thầy Hàn đã cố chứng minh rằng:
ngày thầy sinh ra trên cõi đời này, ông bố của thầy chưa đi vào Nam đánh Mỹ. Cô
vợ cãi chầy:
“Thì nó ngửi hơi ông nội nó.
Tại ông nội nó bế ẵm cháu, hôn cháu. Anh dạy sinh hóa mà không biết à. Chất độc
nó khuếch tán trong không khí, trong nước”.
Những cuộc cãi vã như vậy thầy
Hàn luôn là người chịu thua cuộc. Âm thầm nhìn đứa con thương xót. Con bé Tuyền
quả là còi cọc, hơi ngơ ngơ. Trí tuệ chậm phát triển hơn so với những đứa trẻ
cùng trang lứa. Chậm nói, nhưng lại có đôi mắt đẹp, tinh anh. Cứ mỗi lần bắt gặp
ánh mắt của con Tuyền nhìn, thầy Hàn như thấu hiểu con bé biết cả. Biết từ chuyện
cha mẹ nó hay cãi cọ nhau. Biết bố hay ngồi hàng giờ bên tách cà phê, hút thuốc
với một nỗi buồn thăm thẳm. Biết được cơn đau của ông nội vào những ngày cuối
cùng khi căn bệnh ung thư mang ông đi. Lúc ông chết, một bàn tay ông vẫn nắm chặt
lấy bàn tay con bé. Người nhà phải gỡ tay ông nội ra khỏi bàn tay nó. Như thể
con bé biết cả chuyện mẹ nó mang những người đàn ông lạ về nhà. Tưởng con bé ngủ
say, khóa trái cửa điên cuồng trong những cuộc làm tình. Lúc thị tiễn khách về
mới nhận ra đứa con gái nhỏ đang ngồi ôm búp bê ở một góc nhà…
Nhưng tôi không thể yêu và lấy
thầy Hàn. Tôi chưa có ý định lấy chồng. Tôi cần phải học, trước hết phải có được
tấm bằng kĩ sư để thoả ước nguyện của cha tôi, của mẹ tôi. Trong suốt 4 năm học
đại học, chưa bao giờ tôi nẩy sinh ý nghĩ học xong sẽ tìm đường ở lại trường dù
đấy là thành phố Hồ Chí Minh hay ở trường đại học Thủy lợi 2 sau này. Ý tưởng ấy
của tôi xa lạ với nhiều bạn gái, bạn trai khác trong lớp. Họ luôn tìm cách bám
lấy Sài Gòn để hi vọng dễ tìm việc làm, có nhiều mối quan hệ, dễ kiếm chồng hoặc
vợ. Hoặc xa hơn nữa là kiếm cơ hội học lên thạc sĩ, tiến sĩ.
“Sài Gòn là một tấm áo choàng
lớn, đủ chỗ để che chở cho nhiều số phận nghèo khó cô đơn. Nơi ngập tràn ánh
sáng và những niềm vui. Nơi ngự trị những kẻ giàu sang, nơi trú ngụ của những kẻ
nghèo hèn. Nơi ẩn náu tuyệt vời cho những tội ác, nơi ươm trồng lòng nhân và
gieo rắc những khổ đau”.
Đấy là lời nhận xét của cha
tôi ghi trong một cuốn sổ nhỏ bìa màu hồng nhạt, cuốn sổ mang kí hiệu số 4 theo
cách phân loại của tôi sau này về những trang viết của cha tôi để lại. Đây là một
trong số bẩy cuốn sổ khá kì dị. Kì dị ở chỗ trong những cuốn số này in dấu bút
của cả cha và mẹ tôi. Mỗi người viết một đoạn, một khúc. Nét chữ của cha tôi mực
thước, nghiêm cẩn. Nét chữ của mẹ tôi tròn, mềm mại, đều tăm tắp. Những câu cha
tôi nhận xét về Sài Gòn còn ghi rõ ngày tháng. Đó là ngày 27 tháng 1 năm 1973.
Ngày hiệp định Pari được kí kết. Người Mỹ chính thức rút khỏi Việt Nam. Cũng là
ngày tôi ra đời.
Nhưng cả cha tôi và thầy
giáo Hàn không ai biết chuyện của tôi và Khang. Cũng có thể cha tôi biết lờ mờ
về mối quan hệ này nhưng ông không tỏ rõ chính kiến. Ông muốn cuộc sống tình cảm
của tôi phát triển tự nhiên chăng? Nếu không qua cha tôi, sao Khang có được địa
chỉ của tôi ở Sài Gòn?
Khang - người lái chiếc xe
commăngca những năm trước đã đưa cha con tôi về quê tìm mộ ông nội. Lúc ra đi
Khang đã để quên chiếc áo bông bộ đội. Cha tôi giữ lại chiếc áo bông ấy đem về
miền Nam, xem nó như một kỷ niệm khó quên. Vào đầu năm học đại học thứ hai,
tình cờ Khang đến tìm tôi ở kí túc xá sinh viên. Thoạt đầu tôi không nhận ra
anh. Chỉ hơi bất ngờ. Chiếc loa phóng thanh ở kí túc xá mấy lần kêu tên tôi ra
ngoài phòng trực gặp người nhà. Tôi đang ở trong phòng tắm nữ, giặt giũ áo quần,
một lúc sau mới ra được. Tôi cứ nghĩ cha tôi lên Sài Gòn lo công chuyện, ghé
thăm tôi. Bước vào phòng khách, tôi ngớ người khi đứng trước mặt một người đàn
ông xa lạ. Người ấy đã phá tan sự ngỡ ngàng của tôi.
“- Chị là Thủy Tiên phải
không? Không nhận ra tôi sao? Tôi là Khang, lái xe đưa bác và chị về quê năm
xưa đây”.
Tôi chữa thẹn:
“- Xin lỗi Chú, lâu quá rồi…Chú…à
anh có khỏe không? Sao lại lạc vô chốn này”.
Tôi thực sự bối rối. Lúc kêu
chú rồi lại gọi anh. Thực tình tôi không thể nào nhận ra được người lái xe năm
trước gầy, đen đúa, gương mặt không hấp dẫn tôi. Bây giờ Khang đang ngồi trước
mặt tôi trẻ trung, da dẻ trắng hồng, nói năng chững chạc. Anh ta đã không gọi
tôi là “cô bé” mà kêu chị! Khang như thể nhận ra sự khó xử của tôi, anh nói
luôn:
“- Tôi đang công tác ở một
cơ quan hậu cần, biết Thủy Tiên đang học ở đây mạo muội ghé thăm…”.
Tôi đã bình tâm trở lại, vốn
là một đứa nhanh nhạy trong ứng xử, giành lại thế chủ động:
“- Mấy năm anh Khang vẫn còn
nhớ tới cha con tôi… thật quí”. - Tôi cười “- Cha tôi vẫn ở trại Đầm Vịt. Nè,
Thủy Tiên bây giờ đã là sinh viên năm thứ hai, không còn là con nít nữa đâu
nghe”.
Khang và tôi đều cười. Bữa ấy
vì không có thời gian rảnh, Khang và tôi chỉ đãi nhau ly cà phê vỉa hè rồi chia
tay nhau.
Từ đó, cứ cách vài tuần,
Khang lại ra thành phố và dành thời gian ghé thăm tôi. Mỗi lần trò chuyện với
Khang, tôi hiểu anh hơn. Cha Khang - một người lính công binh, ở binh đoàn Trường
Sơn năm 59. Mùa xuân năm 1968, ông hi sinh ở một cánh rừng nào đấy trên cung đường
A So, A Lưới. Nghe Khang kể ông gặp lính Mỹ phục kích khi chúng càn ra ngoài đường
tuyến, đánh vào binh trạm nơi cha Khang đang công tác. Mẹ Khang ôm con ra thành
phố, nhờ người quen xin vào làm ở nhà máy cơ khí xe lửa Gia Lâm. Vài năm sau nữa,
mẹ Khang đi lấy chồng, một anh cán bộ miền Nam tập kết. Nối tiếp những đứa em
cùng mẹ khác cha ra đời, cảnh nhà nheo nhóc, học hết cấp 3 Khang xin với cha mẹ
đi bộ đội. Khang là con liệt sĩ được đơn vị tạo điều kiện cho đi học lái xe, rồi
đi học sĩ quan hậu cần. Ngày Khang đưa cha con tôi về làng Lôi giữa đêm khuya,
khi ấy anh đang lái xe cho một vị chỉ huy đơn vị. Một thời gian quen Khang, tôi
có cảm tình với anh. Mỗi lần anh ra kí túc xá tìm tôi trò chuyện, thời gian tôi
dành cho anh không nhiều. Chúng tôi thường hẹn nhau ở một quán cà phê nào đó.
Tôi tặng anh một vài cuốn truyện mua ở cửa hàng sách tư nhân dọc theo con đường
Nguyễn Thị Minh Khai… Rồi chia tay. Quan hệ giữa tôi và Khang bảo là yêu thì
chưa phải… Đơn giản, tôi còn trẻ, chưa muốn sa vào chuyện yêu đương. Mối quan hệ
quen biết giữa tôi và Khang, không một người bạn nào ở lớp tôi biết. Kể cả Vân
và Thơm. Có lần, Vân hỏi tôi:
“- Mi đi gặp ai vậy?”.
“- Người nhà tao ở trại Đầm
Vịt lên, đưa tiền”.
Tôi giấu kín Khang như giấu
suy nghĩ của mình trước những điều chưa thật hài lòng, khi chưa có điều kiện bộc
lộ. Giấu kín niềm vui nho nhỏ của mình mỗi khi về nhà được nằm dài trên thảm cỏ,
dưới tán thông nghe cây lá trò chuyện. Lắng nghe dòng nước chảy trong khe đá rí
rách như một khúc nhạc buồn suốt đêm ngày. Môi trường lính của anh, tôi xa lạ.
Tôi càng ít tò mò để hỏi công việc hàng ngày của anh là gì. Tôi cũng không muốn
kể cho anh chuyện học hành, thi cử, chuyện cây cối mùa màng mà ngành học bắt
tôi phải nghiền ngẫm.
Một hôm, Khang đến tìm tôi
và thông báo, khoảng 10 ngày nữa, anh và đơn vị phải đi.
“- Các anh đi đâu?”.
Khang nói không úp mở:
“- Sang Campuchia giúp bạn”.
“- Em tưởng bên ấy hòa bình
rồi …? Chính quyền Pôn Pốt đã sụp đổ”.
“- Bọn anh sang giúp bạn rà
phá bom mìn, thay quân…Tàn quân Pôn Pốt vẫn còn…”.
Nghe tới chuyện mìn, ngực
tôi nhói đau. Nhưng tôi im lặng. Lúc chia tay Khang, tôi hỏi:
“- Anh sắp đi xa, chiều chủ
nhật em muốn mời anh ăn cơm. Anh rảnh chứ?”.
Khang vui vẻ nhận lời.
Tôi chọn một quán ăn ở gần Đầm
Sen. Cơm sinh viên đãi lính ra trận cũng đơn giản, cơm canh và một trã cá kho tộ.
Ăn xong, chúng tôi đi uống cà phê rồi vào tản bộ trong vườn hoa. Sau trận mưa
rào, những con đường nhỏ trong công viên bị tán cây che phủ, ẩm ướt. Râm ri tiếng
ve. Thực tình tôi không biết nói chuyện gì với Khang. Tôi chẳng có tư cách gì để
an ủi, động viên anh. Càng không thể buông ra những lời sáo rỗng sướt mướt chia
tay một người lính lớn tuổi và từng trải như Khang trước giờ ra trận.
Campuchia là đâu? Vui buồn ở
xứ người, tôi đâu có biết. Thêm một lần Khang ra đi, một chuyến đi giống như lần
anh chia tay cha con tôi.
“- Có lẽ ta chia tay”. -
Khang bảo vậy “- Anh phải về đơn vị chuẩn bị vài thứ”.
“- Dạ, anh về đi!”.
Chợt Khang bảo tôi:
“- Anh muốn bắt tay em…!”.
Tôi chìa bàn tay ra. Bàn tay
to ấm của anh ôm gọn bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại của tôi. Chợt Khang bảo: “- Anh
muốn hôn tạm biệt em… chỉ một lần”.
Chẳng hiểu sao, tôi lại gật
đầu đồng ý. Tôi không còn nhận ra mình. Như mê mụ, như trôi nổi bồng bềnh trong
một giấc mơ. Nhập nhòa dưới ánh điện mờ ảo, tôi vẫn nhận ra gương mặt anh.
Khang hôn lên má tôi, lên mắt tôi. Tôi như một kẻ mơ ngủ đắm chìm trong một xúc
cảm lạ lần đầu tiên có được của người trinh nữ. Đôi môi anh lướt nhẹ trên bờ
môi tôi, như có một luồng điện giật nhẹ lan tỏa trên khắp cơ thể tôi.
Tôi không gặp lại Khang nữa.
Bốn ngày sau anh lên đường sang Campuchia. Một tháng qua đi, rồi hai tháng. Sáu
tháng. Tôi không nhận được một lá thư, một cuộc điện thoại nào của Khang. Anh
biến mất tăm như như hòn sỏi nhỏ ném trên mặt hồ.
Bước sang năm học thứ ba,
theo lời khuyên của cha và của thầy Năm Bê, tôi chuyển trường về học ở Phan
Rang cho gần nhà. Và tôi cũng muốn xóa đi những ký ức buồn không mấy vui vẻ
trong những tháng ngày sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vào năm học thứ 4, tôi và
một nhóm bạn được phân công đi thực tập ở Tây Nguyên. Tôi không về Lâm Đồng, đi
Đắk Lắk, Kon Tum mà chọn Pleicu, lấy cây cao su làm đề tài cho bài thực hành
trong chuyến đi điền dã. Mấy tháng trời tôi và đám bạn cùng lớp lăn lộn với những
người lính, những công nhân, nông dân ở nông trường 72, 74, 75 thuộc binh đoàn
15. Ngày rảnh rỗi chúng tôi vào các buôn của người Giarai, Bana, Êđê… thăm thú
tìm hiểu cuộc sống của họ. Lội dọc ngang các cánh rừng bạt ngàn trồng cao su,
cà phê, hồ tiêu, nghiên cứu đất đai cây trồng thu được nhiều kết quả. Các anh
kĩ sư nông trường hướng dẫn chúng tôi thực tập thấy đám sinh viên đại học làm
việc chăm chỉ, sử dụng thành thạo vi tính, nói thạo tiếng Anh có vẻ khoái, gạ.
“- Ra trường các em có muốn
về nông trường công tác, các anh ở đây sẽ nhận”.
Một vài bạn trai trong lớp
tôi, phần lớn quê miền Bắc, vui vẻ nhận lời. Tôi là trưởng nhóm thực tập đành
nói nước đôi cho vừa lòng thầy.
“- Chúng em rất cảm ơn các
bác các chú lãnh đạo nông trường, các thầy cô hướng dẫn. Chúng em xin ghi nhận
để về báo cáo lại với tổ chức nhà trường”.
Vào những ngày cuối cùng của
đợt thực tập, nông trường tổ chức cho nhóm sinh viên đi thăm quan công trường
nhà máy thủy điện Ialy, lên Đức Cơ thăm vùng cửa khẩu biên giới. Buổi trưa, người
dẫn đường đưa chúng tôi vào thắp nhang ở nghĩa trang liệt sĩ đã hi sinh ở chiến
trường Campuchia. Giữa một khu nghĩa trang rộng mênh mông, hàng trăm, hàng ngàn
ngôi mộ xếp ngay hàng thẳng lối, đều tăm tắp. Cánh sinh viên chia nhau đi cắm
hương trên những ngôi mộ có tên tuổi liệt sĩ, nhiều ngôi mộ vô danh. Đến hàng mộ
thứ 10, tôi sững người lại khi đọc hàng chữ trên một ngôi mộ: “ Liệt sĩ Nguyễn
Khang, trung úy, chính trị viên đại đội, sinh ngày 30/04/1965. Quê quán xã X,
huyện Kim Động, Hải Hưng. Hy sinh ngày 25 tháng 6 năm 1989 tại Xiêm Riệp,
Campuchia”.
Chuyên Khang hy sinh ở chiến
trường Campuchia, tôi giấu kín. Song, tôi không dấu nổi con mắt của cha tôi. Một
lần, tôi về trại Đầm Vịt thăm cha, tự nhiên ông hỏi:
- Lâu nay con có nhận được
tin tức gì của cậu Khang?
Tôi đành thú thật với cha:
- Anh Khang hy sinh rồi cha
ơi! Con nhìn thấy mộ của anh ấy ở nghĩa trang Đức Cơ...
Tôi ứa nước mắt. Cha tôi hiểu
tâm trạng của tôi. Ông chỉ nói:
- Thiệt tội nghiệp thằng
Khang. Nó là một thanh niên tốt...
Một lần chú Hoài ở Sài Gòn
lên thăm cha con tôi ở trại Đầm Vịt. Tôi thăm dò hỏi chú:
- Chú Hoài ơi! Cháu đọc
sách, coi mạng nghe nói bộ đội ta chiến đấu ở chiến trường Campuchia gian khổ,
hy sinh nhiều, có phải không chú?
Chú Hoài đang ngồi uống cà
phê, nghe hỏi nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên:
- Cháu muốn biết chuyện gì ở
cái xứ Chùa Tháp?
- Cháu muốn tìm hiểu vậy
thôi. - Tôi đáp tránh chớ. - Nghe cha biểu chú đã có thời kỳ đi viết báo ở
Campuchia.
Chú Hoài rỉ rả:
- Bộ đội ta ở bên ấy cực lắm.
Nắng mưa đã khổ. Khổ nhất vẫn là đụng đầu với lính Pôn Pốt. Chúng cũng là người
như ta, học theo cách đánh của ta. Súng đạn do người Mỹ để lại, bây giờ lại có
Trung Quốc tiếp tay vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men. Chúng len lỏi
trong núi, trong rừng, đánh nhau theo lối du kích. Bộ đội ta hy sinh vì bom
mìn, vì phục kích nhiều lắm cháu à... Có lần cả một đoàn xe của bộ đội đi cứu
dân ở các vùng địch chiếm đóng, chúng đặt mìn chống tăng, phục kích bộ đội bằng
B40, B41... Cả một đoàn xe chở quân mất quá nửa. Đêm tối, quân Pôn Pốt mật tập
vào nơi bộ đội đóng quân đánh tập kích. Chú đây cũng bị chết hụt mấy lần. So với
đánh Mỹ ngụy ngày trước, bộ đội ta đánh Pôn Pốt vất vả hơn nhiều.
Tôi nghe biết vậy, không hỏi
thêm. Và nghĩ, Khang và đồng đội của anh hẳn cũng là nạn nhân của những trận phục
kích bằng mìn của lính Pôn Pốt.
Xiêm Riệp, Biển Hồ ở đâu tôi
không biêt!
Có một mùa hè, tôi đã tìm về
làng Hành Lạc, quê Khang. Người làng chỉ đường cho tôi đến nhà anh. Bà cô ruột
của Khang thấy có khách lạ từ miền Nam ra thăm, đến nhà thắp nhang cho cháu,
không khỏi xúc động. Nhiều ánh mắt tò mò như dò hỏi xem tôi là ai. Tôi im lặng,
đặt hoa quả lên ban thờ và trả lời quấy quá: “- Người cùng đơn vị với anh
Khang, đi công tác Hải Hưng ghé thăm nhà thắp hương cho đồng đội”.
Trên ban thờ, tôi gặp lại
ánh mắt Khang đang chăm chú nhìn tôi. Tấm ảnh của anh đã được tôi chụp kỷ niệm
bằng chiếc máy Nikon, quà tặng của cha ngày tôi vào đại học.
Hình ảnh thành phố Nha Trang
nhạt nhòa dần trong ký ức của tôi những năm thơ trẻ. Chỉ đến khi tôi vào đại học,
về lại Phan Rang, vào những ngày nghỉ tôi mới theo bạn bè học chung một lớp về
chơi Nha Trang.
Thành phố đã có nhiều đổi
thay. Đường Duy Tân chạy dọc ven biển nay đổi tên thành đường Trần Phú. Đường
Phước Hải dưới chân nhà thờ Đá thành đường Nguyễn Trãi. Đường Nguyễn Hoàng xưa
nay mang tên đường Ngô Gia Tự. Đường Hoàng Tử Cảnh đổi tên thành đường Lý Tự Trọng.
Chỉ có chợ Đầm, chợ Mới là vẫn vậy. Những sạp hàng vẫn ngổn ngang bày đủ món
hàng quen thuộc ở một vùng ven biển sẵn tôm, cá... Tôi tìm về ngôi nhà cũ của
bác Đạo ở chân núi Đá Chẹt, tìm lên Hương Sơn Tự... Gia đình bác Đạo cũng đã
chuyển đi vùng kinh tế mới Cổ Chi. Chị Thi đã là cô hiệu phó của một trường phổ
thông cơ sở ở Suối Dầu. Sư cô Oanh trụ trì chùa Hưng Nguyên cũng đã sang Tokyo
lập chùa, tụng kinh niệm Phật.
Cái muôn thuở của Nha Trang
tôi gặp lại ở đây là những gốc cây xà cừ cổ thụ có u, có khúc trên các con đường
rợp bóng áo trắng học trò trước cửa trường Huyền Trân và trường Võ Tánh. Đó còn
là những con sóng biển sớm chiều vỗ vào bờ cát. Đám trẻ nít và người dân Nha
Trang vẫn giữ thói quen đổ ra biển vào mỗi buổi sáng.
Tôi đi vơ vẩn trong lòng
thành phố như đang thức tỉnh hồi sinh. Chỉ có những cửa hàng bách hóa, cửa hàng
ăn uống của nhà nước thì ở đâu cũng giống hệt nhau. Những dãy nhà với những
gian bán hàng có ô cửa vuông, bên trong là các cô gái bán hàng trao cho khách từng
tô phở, từng ly cà phê và dăm ba điếu thuốc lá lẻ... Trên các con đường, các quán
xá vỉa hè những quán cà phê cóc, quán bán vé số kèm theo bán lẻ thuốc lá, bán
xăng nhưng phải bán lén, bán chui sợ bị bắt...
Tôi còn tìm về xóm nhà lá,
nơi mẹ tôi đã thuê ở trong những ngày cha tôi bị bắt đưa đi học tập, cải tạo ở
trại Ngân Điền. Một vài người bạn đồng lứa với tôi nay đã là chủ gia đình. Họ
có chồng có con buôn bán lẹt xẹt ngoài chợ xép gần nhà, chẳng nhận ra tôi. Xóm
“nhà lá” trên đường Nguyễn Thiện Thuật, theo cách gọi của những người từng ngụ
cư trong xóm cũng đã có nhiều đổi thay. Xưa kia đây vốn là bãi đất hoang, nơi
chó ỉa, xả rác hàng ngày. Một số người nghèo không nhà cửa, một số thương phế
binh từ các nơi tìm về kiếm kế sinh nhai. Mỗi gia đình chiếm một khoảnh dựng
nhà, dựng chòi che mưa nắng. Ngày trước, chẳng chính quyền nào dám đụng vào đám
thương phế binh... Lâu dần nên xóm, nên phố. Vài năm trở lại đây, thành phố quy
hoạch lại, những ngôi nhà của dân đều phải di dời chuyển tới những chung cư mới
xây, khu định cư mới... Xóm “nhà lá” được nhà nước phân lô, xây nhà cấp bốn, phân
cho cán bộ, công chức. Con đường chạy ngang qua trước cửa nhà tôi ngày trước vốn
nhỏ hẹp, lầy lội sau những cơn mưa nay đã được mở rộng, trải nhựa, lát vỉa hè.
Một phần của xóm “lá nhà binh” nằm ở phía bên kia đường, nhiều gia đình cũng đã
thay tên đổi chủ. Những chủ nhà mới là cán bộ, công chức ở tứ xứ về đây mua đất
mua nhà, xây lên những ngôi nhà cao 3, 4 tầng. Có nhà đất rộng xây 7, 8 tầng
cho thuê làm khách sạn, nhà nghỉ. Căn nhà xưa cũ của cha mẹ tôi nằm sát bên đường
đã bị san phẳng, không để lại dấu tích. Bây giờ, chỗ ấy người ta trồng cây
xanh, đặt ghế đá dành cho người đi bộ. Tôi như kẻ xa lạ ngơ ngác nhìn những người
cán bộ, công nhân viên đi làm về phóng xe máy, đi xe đạp lướt qua với dáng vẻ vội
vã, tất bật. Tôi ngồi ở chiếc ghế đá ngay trên nền nhà cũ. Ngôi nhà nơi tôi từng
sống là một căn nhà gỗ, bề ngang hẹp, bề dài chạy thẳng ra hướng bãi rác, có
nhiều phòng được ngăn cách bằng tấm gỗ ép. Mái nhà được lợp bằng tôn Mỹ, trần
thấp. Mặt trước ngôi nhà sát với con đường xây gạch. Mặt sau của ngôi nhà tường
vách được thưng bằng tôn, gỗ ván đứng vững trên những trụ bê tông.
Tiệm may đồ của mẹ nằm ở
gian ngoài, có một bộ salon gỗ dành cho khách đến may quần áo. Cạnh đấy là chiếc
máy may hiệu Sinco. Gian kế là phòng ngủ, phòng bếp rộng rãi vừa để nấu nướng vừa
kê chiếc bàn ăn hình tròn, còn có chỗ phơi quần áo ngoài hiên.
Cha tôi ngày về Nha Trang đi
làm công cho một tiệm quay roneo, đánh máy trên phố. Mẹ tôi, một thời gian sau
không làm nghề may vá thuê nữa mà chuyển sang buôn bán dưa cà ở chợ Đầm.
Sau ngày cả gia đình ly tán
vào 30 tháng Tư năm 1975, mẹ con tôi phải về sống nhờ ở nhà bác Đạo. Ngày bác Đạo
bán nhà đi kinh tế mới, mẹ con tôi thêm một lần dời nhà. Sư cô Oanh đã cho ở nhờ
trong gian nhà kho ở chùa Hưng Sơn, gần chân núi Sạn.
Bao năm rồi tôi vẫn không
quên ngày đầu tiên được gặp mặt bà nội. Bữa ấy, mẹ tôi đi bán hàng ngoài chợ.
Tôi đang tha thẩn với con chó vàng của nhà chùa Sư cô Oanh dẫn theo một bà già
lạ lẫm, đeo chiếc tay nải màu nâu. Sư cô đến gần bên tôi và bảo:
- Bông này! Đây là bà nội
con, từ ngoài Bắc vô tìm con đó.
Tôi mở to đôi mắt nhìn người
đàn bà xa lạ nhưng không hề cảm thấy e sợ. Bà ôm tôi vào lòng và bảo:
- Cháu bà đây ư? Đúng là con
thằng Đệ rồi...! Ôi, cháu tôi xinh quá.
Tôi ngoan ngoãn ngồi yên
trong vòng tay của bà nội.
Bà nội mở chiếc tay nải lấy
ra đưa cho tôi phong kẹo mè xửng và bảo:
- Quà ông ngoại ngoài Huế gửi
cho con...
Tôi cầm phong kẹo mè xửng
trong tay, không ăn. Bà nội lại lấy ra cho tôi tấm bánh đa vừng và tự tay bẻ ra
cho tôi một miếng. Sư cô Oanh đã trở lên chùa. Tôi ăn hết nửa tấm bánh đa vừng
và thiếp ngủ trong vòng tay bà tôi tự khi nào không biết.
Từ ngày có bà nội sống trong
nhà, tôi có được chỗ dựa tinh thần, không còn lo sợ bị mẹ tôi la mắng. Mẹ tôi
hàng ngày đi chợ cũng yên tâm không lo phải để tôi ở nhà một mình.
Suốt ngày tôi quanh quẩn bên
bà. Tôi theo bà đi chợ xép gần nhà mua rau, thịt, cá, đậu; ngồi coi bà đong rượu
cho khách…
Bà nội tôi có nghề nấu rượu
gạo. Từ ngày có bà, mẹ tôi không còn phải đi mua cất rượu gạo của mấy người nấu
rượu lậu ở Ba Làng nữa. Gian nhà bếp phía sau trở thành nơi nấu rượu. Để tránh
người ngoài nhòm ngó, bà tôi quây bếp ra một ô riêng, che kín bằng những tấm
cót. Rượu chỉ nấu vào ban đêm, tảng sáng mẻ rượu nấu xong được đóng kín trong
những can nhựa, giao cho mẹ tôi đem bán ngoài chợ Đầm. Bà tôi để lại một ít bán
cất cho mấy tiệm bán lẻ, một vài can bà tôi giấu trong nhà bán cho khách quen.
Tôi không biết bà tôi có thuật gì, dùng loại men đặc biệt nào… Chỉ biết rằng rượu
của bà nấu nhiều người đến mua, có khi không có rượu để bán. Cùng với việc nấu
rượu, bà tôi nhờ người mua về cặp heo con, giống của Mỹ. Gian bếp phía sau nhà
được cơi nới mở rộng, thêm mấy tấm ghi sắt, tấm tôn, gia đình tôi có một chuồng
heo. Lũ heo Mỹ được ăn no, lớn nhanh như thổi.
Trong một bữa cơm chiều, ngắm
nghía cặp heo lớn phổng phao, bà tôi vui vẻ bảo.
“- Khi nào bán heo, có tiền.
Cả nhà ta đi thăm cha con”.
Bà nội vào ở với gia đình
tôi đã được hơn chín tháng. Mẹ tôi vẫn chưa xin được giấy phép để đưa bà đi
thăm cha. Trong một lá thư gửi về, cha tôi cũng khuyên mẹ chưa nên để cho bà nội
và tôi đi thăm cha. Nghe bảo chỗ ở của cha cũng chưa ổn định. Sức khỏe cha tôi
vẫn ổn, ông được người ta sắp xếp cho công việc nhàn nhã. Trong một tấm ảnh đen
trắng gửi về cho gia đình, tôi nhận ra cha tôi đứng cạnh một người đàn ông, tuổi
đã cao. Hai người đang cầm cuốc trồng khoai lang hay cây sắn gì đó. Trong một tấm
ảnh khác, cha tôi đang ngồi trên cỗ xe ngựa đi chợ, tôi còn đọc được cả một câu
khẩu hiệu treo bên đường. “Toàn dân tích cực hăng hái tham gia phòng trào hợp
tác hoà nông nghiệp”.
Tuổi thơ của tôi lặng lẽ
trôi đi, sống những ngày vui vẻ bên cạnh bà nội và mẹ. Trên tấm phản gỗ rộng kê
ở góc nhà cạnh cửa sổ ngó mặt ra khoảng vườn phía sau chùa. Vào những đêm hè oi
bức, bà cầm cây quạt nan phe phẩy xua đi nóng bức và đàn muỗi đói vo ve từ
ngoài vườn bay vào. Bà quạt cho tôi ngủ, miệng bỏm bẻm nhai trầu thuốc. Lâu lâu
bà nhổ nước trầu vào chiếc ống nhổ bằng đồng để ở góc phản. Tôi lơ mơ trong giấc
ngủ, ghé đầu lên đùi bà nội, cảm nhận rõ mùi cau trầu, mùi thuốc lào, mùi mồ
hôi quyện vào quần áo của bà. Một tay bà xoa nhẹ lên lưng tôi, thỉnh thoảng thấy
tôi quậy cựa, khó ngủ bà dỗ:
“- Cháu yêu, ngủ ngoan, mai
sớm đi chợ bà mua quà cho nhé!”.
Món quà ở chợ của bà tôi
cũng đơn giản. Khi thì vài củ khoai lang, bắp ngô luộc, có hôm bà mua bánh bèo,
bánh hỏi, tảng bánh đúc to tướng về cả nhà ngồi chấm tương. Đi chợ, bà cầm theo
cái rổ, không quên tấm vỉ cói to đúng bằng miệng rổ. Rau cỏ, thịt cá, quà bánh
mua ở chợ bà cho hết vào rổ đậy kín bằng tấm vỉ cói. Hàng xóm chả ai biết được
nhà tôi hôm ấy ăn gì.
Mỗi lần bà tôi đi chợ về,
tôi lại hỏi gióng: "- Bà ơi, chừng nào đi thăm cha… ?"- Bà nội vừa nhặt
rau vừa ậm ừ trả lời: "- Sắp đi rồi con… Con phải ngoan, học giỏi để báo
công với bố mày!". "- Bữa nay con được điểm 10, bà ạ!". Tôi
khoe. Tôi lại chạy ra hỏi mẹ: "- Chừng nào đi hả mẹ?". Mẹ tôi chiều ấy
có vẻ không vui, gầm gừ quát, tay bà vẫn không quên nhặt từng đồng tiền lẻ cũ
nát đổ ra từ trong chiếc giỏ sau buổi đi chợ về. "- Trẻ con biết gì mà hỏi.
Đi ra ngoài chơi cho tôi nhờ!".
Tôi giận mẹ, ứa nước mắt, chạy
ra dưới gốc cây đại trước sân nhà, khóc. Tôi nghe được cả tiếng bà nội trách mẹ:
"- Nó là con nít, nhớ cha… Sao con trách con...!".
Hai mươi nhăm năm sau, tôi mới
được đọc những dòng cha tôi viết về cái buổi chiều cha tôi gặp lại bà tôi trong
một tập vở ghi chép của ông. Những dòng ghi chép của cha tôi từ trang 68 đến
trang 76, ở tập sách mang kí hiệu số 5.
Cha tôi viết:
“Vừa đúng 12 năm, y mới gặp
mẹ. Chỉ muốn khóc và ôm lấy mẹ, nhưng y lại xấu hổ với vợ và con gái. Y xấu hổ
cả với cô cán bộ quản giáo đang trực ở nhà khách đang để mắt dõi nhìn y và vợ
con. Nước mắt vẫn chẩy ra. Mẹ y già đi và tiều tụy, tóc bạc từng mảng. Đã có
bao nhiều sợi bạc vì tội lỗi của y gây ra khiến bà phải lo lắng, vất vả. Mẹ y đấy,
có thời từng là cán bộ phụ nữ thôn, đi từng nhà động viên bà con làng xóm có
người thân đi bộ đội. Ngày y đi B, bà cùng với mấy người bạn lên tận đơn vị động
viên, dặn mỗi một điều: “Khổ mấy cũng cố mà chịu con nhé. Đừng nghĩ dại mà đảo
ngũ. Về làng nhục với bà con làng nước”. Tâm thức y chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện
đảo ngũ. Thằng Thắng, thằng Nuôi, thằng Hiển, thằng Thành, thằng Nam, Tý Bẹp…đều
nghĩ vậy. Chẳng thế mà cả bọn từng lấy máu để kí vào tờ đơn ngày nhập ngũ.
Y không thể hiểu nổi, sao mẹ
lại có đủ sức lực để đi bộ cả ngàn cây số vào đây tìm y, chỉ vì một câu nói của
thằng Ca? Mẹ bảo với y: “Mẹ không tin con chết. Con không thể là một đứa đảo
ngũ, đầu hàng giặc… Mẹ nói với thằng Ca vậy, con ơi!”.
Y đắng họng. Mẹ thương y
nhưng mẹ đâu có biết hết được bộ mặt thật của chiến tranh. Chiến tranh là bom đạn.
Là chết chóc. Là những trận bom pháo dội trên đầu. Rừng cây núi đồi bị đảo lộn
trơ cành bật gốc sau những trận B52, pháo bầy hủy diệt cứ điểm. Những căn cứ
pháo ở Đồng Lâm, Từ Hạ, Am Cây Sen, Hòn Vượn, Chóp Nón, 367 mỗi khi nã vào chốt
ở điểm cao 360, Động Tre, Khe Trái, Đức Mẹ…thì thật khủng khiếp. Một tiếng đề
pa nổ đâu đó rất xa, chỉ vài giây sau tiếng đạn bay xé gió trút xuống đầu. Lửa
chớp sáng lòa. Căn hầm chao nghiêng. Đổ sập. Khói bụi mù mịt. Mùi thuốc pháo
tanh hăng phảng phất mùi tỏi lẫn với mùi của tử khí….Chẳng có trang sách nào mô
tả cho y đầy đủ những chuyện thảm khốc đó. Những anh cán bộ đưa quân đi B cũng
chỉ nói được cho đám lính trẻ nghe những điều người ta kể lại và động viên người
lính vào trận bằng những câu khẩu hiệu quen thuộc. Khi vào đến đất lửa Quảng
Bình, Vĩnh Linh, vượt sông Bến Hải tới được Dốc Miếu, Cồn Tiên, Rừng Thông… Lần
đầu tiên, những anh lính tân binh nhìn thấy những vệt khói trắng của B52 đi thả
bom. Được tận mắt nhìn thấy hàng trăm trái bom từ máy bay B57 cày xới đỉnh đèo
Dốc Mèo, A Vao, truyền đơn chiêu hồi máy bay địch thả trắng rừng, lính ta lấy
làm giấy chùi đít. Bom đánh vào binh trạm giấu quân, lều trại, tăng võng bị bom
hất tung, người hy sinh, kẻ bị thương giữa khói bụi.
Những người lính giải phóng
hiểu được sự nghiệt ngã, khốc liệt của chiến tranh. Có nhiều chuyện chẳng giống
chút nào như lời anh cán bộ đưa quân, hay anh cán bộ tuyên huấn trung đoàn xuống
nói chuyện hôm nào.
Mẹ y sẽ không bao giờ hình
dung ra được sẽ có một ngày, y chỉ mặc độc chiếc quần đùi, lết bò lên bãi Mỹ, vừa
bám địch vừa lo kiếm từng bao gạo sấy, lon hộp của lính Mỹ vứt lại để đem về
góp vào nồi cháo của tiểu đội, trung đội ăn cho khỏi đứt bữa. Đại đội bộ binh của
y cả tháng trời bám quanh vùng giáp ranh để giữ đất, vừa kiếm môn thục, môn
vót, măng rừng, bắt từng con ốc đá ăn qua ngày… Sống chết vì câu nói của anh
chính trị viên tiểu đoàn Lê Văn Duy “Dù có thành vượn, thành duộc những người
lính bộ binh KX cũng phải bám giáp ranh, trở về với dân”.
Nhưng mẹ ơi! Nỗi cực khổ của
y nào có thấm gì với nỗi đau của mẹ? Y muốn hét lên như vậy… mà không được. Mẹ
y sẽ không hiểu. Vợ y dù có yêu y cũng không hiểu. Còn con Thủy Tiên, đôi mắt
nó ngây thơ, y càng không thể nào gieo rắc trong lòng nó nỗi buồn. Những khuyết
tật của người lớn, những sai lầm của người lớn. Và cả chuyện vui buồn của y… Trẻ
con vô can. Chúng không hiểu và chưa cần hiểu. Y bất ngờ khi mẹ nói:
“- Con à, gặp được con như
thế này là mẹ mừng rồi. Mẹ có nhắm mắt xuôi tay cũng yên lòng. Biết con trai của
mẹ là người tử tế. Cha con dẫu có chết cũng mát lòng. Giời Phật còn thương nhà
ta”.
Những ngày về làng Lôi, tôi
quen được cụ Sự, một người có họ hàng xa với ông bà nội tôi. Chú Bảo, con trai
cả của cụ Sự cùng tuổi với cha tôi. Theo thứ bậc họ hàng chú Bảo phải gọi cha
tôi bằng anh. Chú có một cô con gái tên Hòa, làm việc ở văn phòng Ủy ban nhân
dân huyện. Chị Hòa hơn tôi bốn tuổi. Gặp nhau vài lần tôi rất có cảm tình với
Hòa. Mỗi khi về làng Lôi tôi về nhà chị Hòa nghỉ lại. Chị Hòa đã có chồng, sinh
được hai cô con gái. Chồng chị lái xe tải Nam Bắc, bị tai nạn mất. Chỗ chị em
gái với nhau, chúng tôi dễ hòa hợp. Lúc rảnh rỗi chị Hòa thường đưa tôi đi chơi
mấy chợ vùng quê, vào làng nghề thủ công xem các mặt hàng mây, tre, dệt lụa, dệt
chiếu. Vùng quê tôi có nhiều làng nổi tiếng với nghề chạm bạc, đan lát. Sau khi
thăm dò thị trường, gửi mẫu mã, tôi thấy các mặt hàng thủ công ở đây có thể xuất
khẩu được. Tôi gợi ý cho chị Hòa, dồn vốn để chị đứng ra làm đầu mối thu gom
hàng thủ công xuất khẩu. Bây giờ, hàng mây tre ở làng Lôi, làng Vàng, làng Mây,
An Xá, đồ mĩ nghệ đã trở thành một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của công ty
Hoa Hồng, thu hút hàng ngàn nhân công lao động nhàn rỗi ở làng quê. Tôi còn mời
thầy vào mở xưởng, dạy thợ cho chị em người làng Lôi theo cha tôi vào xây dựng
khu kinh tế Đồng Tiến mới quanh vùng Đầm Vịt.
Tôi trở thành người thân của
gia đình chị Hòa. Cụ Sự xem tôi như con cháu trong nhà. Cụ đã ngoài tuổi 80
nhưng vẫn còn khỏe mạnh, đi đứng nhanh nhẹn. Ngày còn trai trẻ cụ đi cắt tóc dạo
quanh các làng trong vùng. Vài năm trở lại đây, cụ lấy ngay gốc cây si trước cổng
nhà làm nơi cắt tóc. Cụ biết nhiều chuyện ở làng quê. Anh Bảo ví cụ như một pho
sử sống của làng Lôi. Và cũng qua câu chuyện của cụ dần dà tôi hiểu được cuộc đời
của ông bà nội tôi ngày trước, chuyện của cha tôi ngày bé sống ở làng.
ĐỖ KIM CUÔNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét