Từ ngày 24 đến 26 tháng 6 năm 2016, tại
Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Lý luận phê bình
văn học lần thứ IV “Văn học 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển”. Tham dự Hội
nghị có 181 đại biểu đến từ nhiều địa phương, đại diện nhiều thế hệ nhà văn.
Ban Tổ chức đã nhận được 74 tham luận thuộc các hội đồng Lý luận phê bình, Văn
xuôi, Thơ và Dịch thuật văn học. Chương trình Hội nghị Lý luận phê bình văn học
lần thứ IV có nhiều cải tiến về tổ chức, nhiều nội dung mới được dư luận xã hội
đặc biệt quan tâm.
Xin trân trọng giới thiệu dưới đây bài viết của
nhà văn Bùi Việt Thắng về mối quan hệ giữa văn hóa và văn học được xác định như
một chủ đề cơ bản của Hội nghị.
Trong Diễn văn khai mạc, nhà thơ Hữu Thỉnh,
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định: “Bản thân chủ đề Hội nghị đã mang
tính tổng kết. Nhưng đây không phải là Hội nghị tổng kết toàn bộ đời sống văn học
30 năm qua, mà là sự nhìn lại diện mạo, khuynh hướng, tính chất, đặc điểm và những
dấu ấn của một tiến trình văn học qua góc nhìn của lý luận phê bình. Do đó, một
nhu cầu cốt yếu đặt ra là phải có cái nhìn khái quát, toàn cục và đồng bộ, đánh
giá đúng sự thật nhằm chỉ ra những thành tựu của đổi mới văn học với những cống
hiến của nó vào đời sống tinh thần của đất nước dưới góc nhìn văn hóa học”. Những
cuộc trao đổi sôi nổi tại các Hội đồng chuyên môn (Văn xuôi, Thơ, Lí luận phê
bình, Dịch thuật văn học) của ngày làm việc đầu tiên đã tạo đà và không khí cho
ngày thảo luận chung với nhiều tham luận xoay quanh chủ đề “văn hóa là nền tảng
của phát triển văn học”.
Đổi mới văn học không chấp nhận thái độ khước
từ truyền thống văn hóa dân tộc xưa và nay. Đây chính là vấn đề khai thác nhân
tố “nội sinh”. Giới lý luận văn học đã có những nỗ lực cao để hệ thống hóa những
quan niệmn văn học thời trung đại. Từ lẻ tẻ đến tập trung, từ bộ phận đến tổng
thể, từng bước chúng ta đã có những cứ liệu đáng tin cậy để xây dựng một hệ
tiêu chí quan niệm văn học có tính đặc thù Việt Nam. Nhà văn Phương Lựu trong
tham luận của mình Một thành tựu đổi mới quan trọng: Nghiên cứu di sản lý
luận văn học dân tộc xưa nay đã thuyết phục cử tọa khi chứng minh được
“Như thế, hệthống quan niệm văn học trung đại Việt Nam được xác lập chủ yếu từ
sau Đổi mới, đã có ý nghĩa đánh dấu trên con đường nghiên cứu di sản lý luận
văn học thời trung đại”. Ở đây cái nhìn biện chứng đã giúp nhà lý luận nhận thức
được một tất yếu “Cho nên một thành tựu đổi mới rất quan trọng là đã từ đường lối
văn nghệ của Đảng mở rộng ra di sản lý luận văn học của dân tộc từ thời trung đại
đến cả thế kỷ XX”. Nhà văn đã nhận thức được sâu sắc Di sản lịch sử và độ
lùi thời gian (tham luận của nhà văn Trầm Hương) trong tiến trình sáng tạo.
Không ai có thể sửa chữa được lịch sử nhưng rất cần thiết nhận thức sự thật lịch
sử trên nền cảm hứng về tương lai.
THÀNH TỰU ĐỔI MỚI VĂN HỌC TRONG BỐI CẢNH HỘI
NHẬP VĂN HÓA TOÀN CẦU
Trong một thế giới phẳng như ngày nay không một
dân tộc nào có thể phát triển nếu bảo thủ, đóng cửa, từ chối giao lưu, hội nhập.
Đổi mới và phát triển văn học gắn với hội nhập văn hóa như một quy luật tất yếu
và sống còn. Nhiều tham luận trong Hội nghị bàn bạc khá sâu và thấu đáo về những
con đường tiếp biến lý luận phương Tây và cách thức đồng hóa để đưa văn học Việt
Nam tiến dần vào quỹ đạo khu vực và thế giới. Tham luận của nhà văn Trần Hoài
Anh Tiếp nhận lý thuyết phương Tây–Thành tựu của lý luận, phê bình văn học
thời kỳ đổi mới nhận được nhiều sự đồng tình của cử tọa.
Nhưng cũng có nhiều
tiếng nói phê phán thái độ “ăn xổi ở thì” khi tiếp nhận lý luận phương Tây, ứng
dụng máy móc, thiếu sự chọn lọc cẩn trọng trong quá trình vận dụng. Nhiều tham
luận bàn sâu về vai trò của dịch thuật văn học như cách mở ra một cánh cửa lớn
thông thương Việt Nam với thế giới đa chiều. Tình trạng thiếu và yếu của dịch
thuật cũng được Hội nghị thẳng thắn nêu ra và đồng lòng hiến kế để xây dựng một
nền dịch thuật văn học ngày càng đủ sức mạnh tăng thêm nội lực của văn học Việt
Nam khi thu hút được ngày càng nhiều tinh hoa văn hóa nhân loại.
VĂN HÓA NHÀ VĂN VÀ SỰ PHÁT TRIỂN VĂN HỌC
Nhà văn là chủ thể của văn học. Một nền văn học lớn trụ vững trên một nền văn
hóa lớn. Một nhà văn lớn đồng thời là một nhà văn hóa lớn. Nền văn học Việt Nam
thời hiện đại đượcn kiến tạo bởi nhiều thế hệ nhà văn mà căn cốt văn hóa không
đồng đều bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Trong Báo cáo Đề dẫn Để
có cái nhìn toàn diện về văn học thời kỳ đổi mới do nhà văn Phan Trọng Thưởng
trình bày đã xác quyết về đội ngũ nhà văn hiện nay “Phần lớn họ đều sinh và trưởng
thành trong đổi mới và cùng đổi mới. Khác với lớp nhà văn
đi trước, họ được hấp thu những tư tưởng mới, thừa hưởng thành quả sáng tạo, được
đào luyện trong môi trường thực tiễn đổi mới, được đối mặt với những vấn đề của
đời sống xã hội và công chúng đương đại (...). Có thể xem họ là một trong số những
chủ nhân đích thực của văn học thời kỳ đổi mới”. Tuy nhiên phải tỉnh táo nhìn
nhận trong đó có một số nhà văn chưa đầy đủ ý thức tích lũy, rèn dũa vốn liếng
và bản lĩnh văn hóa nên những bột phát năng khiếu bản năng ban đầu về sau không
còn là động lực thúc đẩy sáng tác dài lâu. Thiếu căn cốt văn hóa nhà văn sẽ
không đi được dài lâu trên con đường thiên lý văn học.
NHỮNG VẤN ĐỀ “MỞ” TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA.
Thành công của bất kỳ cuộc hội thảo khoa học
nào, theo chúng tôi, cũng chính là phần “mở” của nó quy định phương hướng phát
triển trong tương lai gần và xa của sự vật. Trong những tham luận/Ý kiến phát
biểu tại Hội nghị đã phát lộ những vấn đề rất “mở” từ góc nhìn văn hóa. Trước hết,
đó là vấn đề văn hóa phê bình (Có lẽ đây chính là chỗ “thiếu” và “yếu”
nhất của phê bình văn học hiện nay)–vì đội ngũ mỏng, vì xa rời sáng tác và vì
vô số lý do khác nên phê bình dễ bị rơi vào tình trạng chủ quan, nóng vội, phiến
diện, hẹp hòi, cực đoan,... tất cả tạo nên một ứng xử chưa đúng và đẹp trong
văn giới. Người ta nói biết lắng nghe người khác là một năng lực không phải có
sẵn mà là do rèn luyện ở mỗi người. Hình như đang có “bức vách” ngăn cách giữa
sáng tác và phê bình cần thiết phải dỡ bỏ. Vấn đề giải phóng, năng lực của
đội ngũ sáng tác cũng được Hội nghị quan tâm. Nói cách khác đó là vấn đề tự do
sáng tác. Nhà văn Hồ Sỹ Vịnh trong tham luận Tự do sáng tạo của nhà văn và
tư duy đổi mới đã nhấn mạnh đến nguyên tắc “Dân chủ hóa sự lãnh đạo văn
hóa là điều kiện của tự do sáng tạo”. Nhưng đồng thời nhà văn trong quá trình
sáng tác đều nhận thức được “Tự do là tất yếu” và “tất yếu là đạo đức”.
Một vấn đề khác được Hội nghị quan tâm là tinh
thần hòa giải, hòa hợp dân tộc trong thực tế sáng tác văn học hiện nay.
Tham luận của nhà văn Văn Chinh Vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc qua các
nhân vật phía bên kia trong một tiểu thuyết viết về chiến tranh gần đây nhận
được sự đồng tình của cử tọa. Đất nước thống nhất đã hơn 40 năm, dân tộc Việt
Nam đều là con Rồng cháu Tiên, vì thế hòa giải, hòa hợp là một tinh thần tối
cao dựa trên nguyên tắc Chân-Thiện-Mỹ. Hội nghị cũng đã lắng nghe rất nhiều ý kiến
trái chiều nhau trên tinh thần tôn trọng quyền của cá nhân trong nhận thức đời
sống và văn học.
Nhưng dẫu cho có một “mỹ học của cái khác”
thì như nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định trong bản Tổng
kết Hội nghị: Nếu có “mỹ học của cái khác” nhưng nếu nó thoát khỏi Chân Thiện Mỹ
thì liệu “cái khác” ấy có giá trị gì? Quyền lợi dân tộc là tối thượng, phụng sự
quyền lợi dân tộc là sứ mệnh của nhà văn. Hội nghị có sự đồng thuận, đồng tình
cao trước tham luận của nhà văn Đặng Hiển Số phận của dân tộc và nhân dân
vẫn phải là mối quan tâm hàng đầu của văn học.
Văn hóa và đạo đức của nhà văn thiết nghĩ
chính là trong tinh thần công dân và trách nhiệm xã hội cao cả này. Một nền văn
học có văn hóa - đạo đức là một nền văn học hướng về nhân dân cần lao và vĩ đại.
Nguyên lý này đánh tan những băn khoăn đây đó “hướng về đâu văn học?”.
Bùi Việt Thắng
Bài in trên báo Văn hóa ra ngày 27/6/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét