Hương ơi! Hương ơi!.
Tôi gọi lên lầu cao và ngước mắt
đợi, một lát sau Hương xuất hiện, hai tay nắm lấy lan can, nghiêng mình ngó xuống,
giọng Hương ngạc nhiên khi phát âm “A“
Có tiếng chân bước xuống lầu, rồi
cánh cửa sắt bật mở, nàng nhìn tôi nửa trách nửa xót khi thấy hình hài và đôi
giày vẹt gót của tôi.
T! T ở đâu về?
Ở Sài Gòn.
Hương nhìn tôi im lặng dẫn tôi
lên lầu, khuôn mặt buồn buồn như lời trách mắng, tôi hiểu những ý nghĩ trong
lòng Hương “Đã hơn nửa đời rồi mà còn lang thang, không biết lang thang đến
bao giờ?“. Căn phòng Hương ở lầu hai, sạch sẽ, tiện nghi như phòng khách
sạn, nhìn cái ba lô và đôi giày của mình mà chột dạ, tôi vội cởi giày, để ba lô
ở cầu thang trước khi vào phòng. Nàng kéo ghế rót nước cho tôi uống, tôi thấy
trên giường có thằng cu tý bụ bẫm đang ngủ say, chưa kịp hỏi thì Hương nói:
Con Ngọc Anh đó, Hương vừa là dì vừa làm mẹ
Ngọc Anh lấy chồng rồi à? Bây giờ ở đâu?
Hai vợ chồng ở trên lầu ba, ngày đi làm chiều tối mới về..
Tôi bước đến giường nhìn thằng
cu, khuôn mặt hài đồng, hai tay tròn trịa ngấn ngắn, ngấn dài, da thịt hồng
thơm, tưởng cuộc đời không còn hình ảnh nào thiên thần hơn trẻ thơ đang ngủ.
Một tổ ấm, một người vợ hiền
và một đứa con, có phải đó là mục đích, là lẽ sống của con người? Cho đến nay
tôi chưa dám tưởng đến, hoặc có chăng thì hình ảnh cũng nằm ở chân mây.
T! T vào rửa mặt cho mát.
Tiếng Hương gọi bên trong
toilette, nàng bước ra từ phòng tắm, khuôn mặt sáng lên, ưu ái. Đúng rồi, không
nhìn gương tôi cũng biết mặt mày mình thế nào! Nắng gió, sương muối dày mấy lớp
trên ấy.
Sạch sẽ xong, tôi bước ra thì
thấy trên bàn có chai rượu nho và hai cái ly thủy tinh, dĩa thịt heo dầm nước mắm,
Hương cười nhẹ:
Uống rượu Hương làm xem có ngon không, nhưng uống ít thôi nhé!
Nàng kéo ghế ngồi cạnh tôi rót
rượu, màu rượu nho tim tím, ánh mắt của Hương một thoáng cũng tím buồn như màu
rượu ấy.
“Hai mươi bốn năm xưa,
từ quê nhà miền biển, gia đình Hương lên Pleiku lập nghiệp, mỗi lần tết đến là
về quê, hình ảnh Hương mặc đầm trắng, thắt nơ đỏ, mái tóc dài đen tuyền như cô
bé trong truyện cổ tích, ngày ấy tôi là thằng bé da ngăm mười tuổi, học lớp ba
trường làng, lần đầu thấy ba của Hương mặc áo quần sọt trắng, cao như ông tây
trắng, nắm tay cô bé nhí nhảnh đi trên đường quê thăm bà con, làng nước, bọn trẻ
chúng tôi đâu có dám làm quen, chỉ đứng xa xa mà nhìn, cảm giác như người nhà
quê gặp người thành phố vậy. Từ đó hình ảnh cô bé lâu lâu lại hiện trong lòng
tôi. Mỗi lần tết sắp đến là tôi trông chờ để được thấy cô bé tên Minh Hương. Rồi
mùa thu 1961, mẹ của Hương đầu quấn khăn tang, bồng bế ba chị em trở về quê.
Sau nầy tôi nghe ba của Hương mất trong một trận đột kích vào quận huyện nào đó
ở Pleiku. Tuổi nhỏ tôi chưa biết nỗi đau mất cha thế nào! Nhưng nhìn Hương cô
bé vui cười như chim mới đây, bây giờ chẳng khác thân cây non sau cơn bão,
trong đôi mắt ngây thơ là sự ngỡ ngàng của nỗi đau vô bờ. Từ đó gia đình Hương
về sinh sống ở quê, mẹ Hương tần tảo mở quán bán tạp hóa cách nhà tôi chừng hai
trăm bước và chúng tôi trở thành đôi bạn nhỏ. Năm ấy Hương học lớp ba, tôi học
lớp nhì ở ngôi trường các soeur dạy, phía sau ngôi giáo đường, nằm giữa cồn cát
đầy nắng và gió biển.
Hương, cô bé có mái tóc dài ngộ
nghĩnh nhất làng, ngại ngùng trong lớp học, nên hay bị bọn trẻ miền quê chọc ghẹo,
chúng hay lấy cỏ gai bỏ lên tóc cô bé, tôi thường bênh vực Hương, đứa nào dám
làm cô bé khóc, nhưng rồi chính tôi là kẻ làm Hương khóc nhiều nhất, khi tôi
khám phá trên đầu Hương có vết sẹo bằng ngón tay út nằm giữa xoáy, thế là mỗi lần
ra chơi, tôi rượt bắt cô bé mặc áo đầm có mái tóc dài để sờ lên vết sẹo ấy cho
đến khi cô bé vang khóc mới chịu tha. Tuổi thơ của chúng tôi êm đềm như dòng
Tam Giang chảy qua làng, như cánh đồng thơm hương lúa có thật nhiều châu chấu
và chuồn chuồn. Năm sau tôi lên lớp nhất, Hương lớp nhì, hai đứa học chung một
phòng dưới sự dạy dỗ của soeur Rosiphar. Gần cuối niên học, bỗng nhiên các bạn
trong lớp kết đôi tôi với Hương, thế là từ hai đứa trẻ chưa có ý niệm
gì trai gái, bỗng nhiên gặp nhau là đỏ mặt, không dám nhìn thẳng vào mặt
nhau, hai đứa đang tuổi nô đùa như vậy, bây giờ như hai người lạ. Và tình cảm e
ấp ấy cứ lớn dần cho đến năm tôi giã từ làng quê lên Huế học ở Trường Hàm-Nghi,
cứ mỗi chiều thứ bảy tôi đạp xe về nhà, trông mong gặp Hương chỉ để nhìn thôi,
hôm sau lên Huế mang theo trong lòng hình ảnh ngày mỗi nhiều hơn.
Năm 1964, sau ba năm về sống ở
quê nhà, mẹ của Hương lại dẫn dắt ba chị em vào Nha-Trang, trước ngày đi Hương
khóc thật nhiều, khóc đến nỗi đôi mắt sưng vù, trong giòng nước mắt ấy tôi tin
có giọt nước mắt Hương dành cho tôi, giọt nước mắt chớm nụ năm Hương mười ba tuổi.
Sáng hôm gia đình Hương lên tàu, tôi không dám xuống bến đưa tiễn, tôi đắp chăn
ngủ vùi khi biết Hương đi rồi, tôi lặng im nhưng một nỗi buồn như gió lạnh len
vào ngực, thế là từ nay không còn gặp Hương trên đường quê yêu dấu nữa.
Mười năm sau, thời chiến chinh
tao loạn, nhà thơ Phạm Tấn Hầu đưa tôi trốn khỏi Huế lên Đà Lạt, đến Nha Trang
trời đã gần khuya, ngày ấy tôi không là du khách, tôi là nhà sư vướng lụy, chạy
trốn thành phố quê hương để tìm chốn nương thân giữa thời loạn. Hình ảnh
Nha Trang ghi đậm vào tâm tôi là bức tượng Kim Phật Tổ sáng ngời trên núi cao,
Ngài tự tại giữa mây xanh, vượt thoát không gian, thời gian với vẻ đẹp vĩnh cửu.
Tối hôm ấy Phạm Tấn Hầu đưa tôi ngủ lại ở Trung Tâm Bụi Đời của anh Huy Hoàng
trên đường Độc Lập. Trung Tâm chỉ còn lại căn gác gỗ và dư âm náo loạn của bọn
trẻ một thời quậy phá. Sáng hôm sau, tôi ôm bình bát từng bước khất thực trên
đường Trần Quý Cáp, xa xa tôi thoáng thấy một thiếu nữ mặc áo dài màu hồng đi
ngược chiều rồi bước vào cửa hiệu thuốc tây số 33, vẫn mái tóc dương liễu ấy, sống
mũi cao ấy, lòng tôi như có cơn gió mạnh thổi qua, bước chân rung rinh, tôi dừng
lại trước cửa hiệu thuốc, khẻ ngước mắt nhìn, đúng là Minh Hương rồi, người bạn
học chung trường với tôi thời thơ ấu. Hương đang cầm trong tay ổ bánh mì, nhìn
ra thấy vị sư ôm bát đứng trước cửa, nàng có vẻ lúng túng, không biết lấy gì
cúng dường cho sư, nàng không nhận ra tôi, tôi mỉm cười bước lui và đi về hướng
biển nơi có ngôi Như Ý Tự và sư Pháp Tâm trụ trì.
Về đến chùa, tôi viết thư cho
Hương nhờ Phạm Tấn Hầu đem đến. Sau giờ ngọ, thọ trai với sư Pháp Tâm xong thì
Hương đến, nàng mặc áo dài trắng, mái tóc đen dài như xưa, chỉ có đôi mắt là
mênh mông, nàng không nhận ra tôi trong chiếc y vàng. Nghẹn ngào khi nhìn đầu
tôi không còn một sợi tóc.
Hương đâu biết... sáng nay bạn của T. đến đưa thư có nói gì
đâu. Vậy T. xuất gia khi nào?
Hỏi xong nước mắt Hương chảy
dài, tôi cố ngăn cảm xúc, giữ sự bình an của người đã thoát đời, im lặng trong
tiếng thổn thức của người bạn mà mười năm qua tôi vẫn nhớ mãi bóng hình. Tôi nhẹ
nhàng hỏi khi Hương lau nước mắt.
Hương này, mẹ Hương, cu Long và Ngọc Anh thế nào?
Mẹ Hương mất rồi, vào Nha Trang mấy năm thì mẹ mất.
Trời! Chẳng lẽ cuộc đời ba chị
em Hương bất hạnh vậy sao! Chưa đầy hai mươi tuổi phụ mẫu đã ra đi, một mình
Hương thay cả cha lẫn mẹ nuôi dưỡng hai em ăn học. Tôi nhìn biển trào dâng trước
mắt, bao la và trùng trùng vô lượng sóng, “đời là bể khổ, nếu đem nước mắt
chúng sinh gom lại thì bằng nước bốn biển trên địa cầu“. Phật đã nói như vậy
và đó là sự thực, nhưng mấy ai vượt qua nổi bể khổ để sang bên kia bờ.
Hương hỏi tôi:
T. này, khi nào lên Đà Lạt?
Ngày mai.
Chiều nay Hương sẽ đến, giờ Hương phải về kẻo bác Hương
trông.
Tôi tiễn Hương ra khỏi cổng
chùa, tóc và áo dài của Hương bay phừng phực trong gió, Hương gầy như cánh vạc,
cánh vạc bay trong bầu trời có nhiều mây đen.
Chiều hôm ấy Hương đến như đã
hẹn, mang cho tôi đủ thứ, nào là kem Hynos có hình ông tây Châu Phi cười trắng
răng, khăn mặt, thuốc cortal có chiếc búa đóng lên đầu trọc để ngừa sương gió
v.v... với một gói bánh để sư độ nhật trên đường, nàng hẹn sáng mai lên bến
xe tiễn tôi đi.
Tôi và Phạm Tấn Hầu hôm sau
lên bến xe rất sớm, tội nghiệp cho Hương, nàng đến thì xe đã chạy rồi, sau nầy
nàng viết thư nói, nàng đi khắp các xe Đà Lạt tìm và đứng đợi, cuối cùng phải
vào bến hỏi thì biết có vài chuyến xuất bến sớm, biết rằng tôi đã rời
Nha Trang, nàng quay về khi trời lên nắng. Và ngày ấy Đà Lạt mở ra trước mắt
tôi một trang đời khác, ngoài sương gió phiêu phiêu giá lạnh, Đà Lạt còn thế giới
của muôn hoa để cho tôi lãng quên bao sự đời mệt mỏi ở quê hương tôi sinh trưởng“.
Hương nâng ly rượu lên nhìn
tôi nói:
Để Hương uống với T. cho vui.
Chúng tôi cụng ly uống cạn,
trong mắt Hương có ánh sáng niềm vui, làm sao giữ niềm vui nầy mãi cho Hương?
Từ trước tới nay, tôi chỉ gieo vào lòng bạn tôi những gì khác chứ không phải niềm
vui, Hương biết điều ấy và không hề trách. Có lẽ chúng tôi đã thuộc về tuổi
thơ, mà tuổi thơ làm sao tìm lại được, cho dù chúng tôi thương nhau như vậy
nhưng mãi mãi vẫn thuộc về quá khứ như cánh diều bay lửng lên trời xanh không
thể cầm giữ trong vòng tay được.
Chai rượu đã lưng lửng, chúng
tôi nhắc lại những ngày cũ, những năm chiến tranh, những năm hòa bình, cả hai đứa
nào có bình yên, mỗi đứa đều có nỗi đau riêng, còn ngày mai đang nằm ở phía trước,
biết thế nào mà hứa hẹn với ngày mai trong cuộc sống đổi thay như mưa nắng nầy.
Tôi đứng lên nói lời chia tay,
Hương níu giữ:
Khoan đã, đợi Hương một chút.
Nàng đi vào trong, lát sau đi
ra đưa tôi bì thư.
Gởi T. cái nầy đi đường.
Tôi biết gì trong bì thư rồi,
thầm cám ơn bạn, tôi đứng lên, nàng lại nói:
Tôi tần ngần, biết Hương chờ đợi,
thế mà tôi không làm được điều ấy, cái điều... ôm lấy cô bé tóc dài, mặc áo đầm
hôn thật lâu và thật sâu.
Cuối cùng nàng nói:
Thôi! T. đi đi!
Tôi bước xuống lầu, Hương theo
sau, rồi cánh cửa sắt khép lại sau lưng tôi, thế là mọi lời nói, mọi cử chỉ đã
nằm trong ký ức, tôi tiếp tục ba lô gió đưa để cho đôi chân dẫn dắt mình đi,
bao thư Hương tặng có một trăm đồng ở trong, số tiền ấy đủ cho tôi ăn uống tùy
thích, đủ để tôi ngủ nhà trọ vài ba đêm khỏi phải làm khách mua vé ngủ gà ngủ vịt
trước bến xe từ đây về Huế.
Hai mươi năm bóng người tù
tìm về cố quận mù u hai hàng
lầu cao ngày đến Nha Trang
trăng vi lô gọi bàng hoàng giọt châu
lệ trời cho chẳng thương đau
có hoa thiên lý sáng ngời tương lai
khóc đi em hát một bài
nghe chừng đức hạnh bước hài về Tây
[Tan Tác]
Sau một đêm nghỉ ngơi tắm rửa
thoải mái ở nhà trọ, sáng sớm tôi đi theo quốc lộ 1 về xóm biển, đứng trên cầu
Bống bắt qua sông Cái Lớn, nhìn nước sông giao thoa với sóng biển vui cười mà
thích, sông Cái bắt nguồn từ núi non xa kia, có lẽ từ núi Chúa nơi nữ thần
Thiên Y A Na giáng sinh và dòng sông dừng lại ở tháp thờ nữ thần trước khi
chan hòa với biển, tôi chợt nhớ hai câu thơ của Alighieri Dante [Ý]
Thành phố tôi sinh ra nằm cạnh biển xanh
nơi sông Po đổ xuống để hòa mình.
Đứng trên cầu Bống mới thấy hết
sức sống yên hòa của thành phố Nha Trang dưới sự che chở của nữ thần Thiên Y
A Na, trước mắt là vòng tay biển bao la xanh, bình minh đang vươn ánh hồng tận
trời mây, ghe thuyền đánh cá vào ra xôn xao trên cửa biển, tiếng cười reo vang
ở khu nhà sàn sát bờ của dân chài khi đón nhận nguồn hải sản từ biển khơi gởi
vào. Phía sau là Tháp Bà sừng sửng ở đồi cao, những cây cổ thụ tưởng chừng cả
ngàn năm tuổi xòe những tàn lọng che nắng mưa trên đỉnh tháp, tôi kính cẩn bước
từng bậc cấp lên đền tháp, ngồi ở cung thành phía trước để chiêm ngưỡng giờ
phút Nữ Thần khỏa thân tắm nắng. Và từ biển xanh thiên thể vĩ đại kia đã xuất
hiện, ánh sáng chiếu lên thân thể Bà như vầng hào quang chói lòa, khói hương của
những tín đồ ban mai đến cầu nguyện từ những ngôi đền phía trong bay lên như dải
lụa xanh huyền hoặc, cảnh vật và không gian quanh đền tịch nhiên, u trầm.
Nữ Thần sinh ra từ mây và bọt biển
Nữ thần có chín mươi bảy chồng
Nổi tiếng nhất là Ngài Thần Cha Pô Yan Anui
Nữ Thần hạ sanh ba mươi tám con gái
Nữ Thần sinh ra cây lúa phù hộ cho những người làm ruộng.
Đó là một đoạn trong khúc ngợi
ca của dân tộc Chiêm Thành. Nữ Thần hóa thân và xuất hiện khắp nơi bằng nhiều
hình ảnh khác nhau. Riêng ở Nha Trang huyền thuyết về Bà được cụ Phan Thanh Giản
ghi lại, dựng bia phía sau tháp, tóm tắt như thế nầy:
“Nữ Thần hiện thân ở
núi Đại An [Núi Chúa còn có tên là Núi Dưa] thành một cô bé gái lạc loài, có
hai vợ chồng già trồng dưa không có con cái, gặp cô bé động lòng thương, bèn nhận
làm nghĩa tử đem về nuôi, cô bé ở với ông bà lão hết mực ngoan hiền. Một hôm
mưa gió bão bùng, Nữ Thần ngồi nhớ cảnh thần tiên bèn lấy đá làm ngọn giả sơn
chơi đỡ buồn, bị ông lão la mắng, gặp lúc cây trầm xuôi theo dòng nước lũ, Nữ
Thần nhập vào và dòng sông cuốn ra biển bắc, lúc ấy thái tử Trung Hoa đang du
thuyền thấy cây gỗ trầm quý bèn vớt lên đem về cung làm cảnh, đêm nọ Nữ Thần hiện
thân thành kiều nữ, thái tử bắt gặp và quyết lòng xin giữ nàng lại làm quý phi,
kiều nữ sống với thái tử sinh hạ được hai con, năm tháng nỗi nhớ quê nhà và
bóng hình cha mẹ nuôi khôn nguôi, Nữ Thần đã cùng hai con nhập lại vào cây trầm
trở về Nha Trang. Nữ Thần giáo hóa cho dân đạo làm người, bày vẻ cho dân cách
khai phá ruộng đồng nương rẫy, đẽo đá làm tượng thờ thần thánh, nhân dân nhờ ơn
Bà được ấm no an lành. Sau đó Nữ Thần bay bổng về cõi trên“
Hiện nay ở núi Đại An vẫn còn
hai ngôi mộ của vợ chồng ông lão trồng dưa.
Huyền thuyết về Nữ Thần là hiện
thực, hiện thực sống động trước mắt tôi với bốn ngôi tháp kỳ công của lòng tin,
quần thể đền tháp ở đây được nhiều vua Chiêm kiến trúc từ thế kỷ thứ bảy đến thế
kỷ mười hai, trải bao biến thiên... Chiêm Thành đã vong quốc, ý nghĩa thần
linh của Bà vẫn sinh động và con người vẫn tín ngưỡng.
Bước vào đền tháp chính, tôi kỳ
lạ đưa tay sờ lên những viên gạch, những chứng nhân thần thánh qua triền miên
thế kỷ vẫn còn đây, khói hương của lòng tin vẫn ngào ngạt trong đền tháp, tượng
Nữ Thần đen tuyền, quyến rũ, xiêm y nhiều màu, nhiều sắc mạnh mẽ hiển hiện ở giữa
đền, Nữ Thần khỏa thân bóng loáng, mười cánh tay cầm kiếm cung binh khí rạng rỡ,
hai bầu vú căng tròn sức sống với những đường nét trầm hương tuyệt mỹ. Nữ Thần
chỉ kín đáo một chiếc khố nhỏ, những đường uốn trên bụng hiển hiện sự hiến dâng
sáng tạo không ngừng. Sử sách ghi lại rằng: Khi quần thể đền tháp xây dựng
xong, nguyên thủy gồm có mười kỳ quan, tượng Nữ Thần được tôn vinh bằng vàng và
châu báu. Năm 781 hải tặc hoành hành vào cướp phá lấy đi tượng Nữ Thần. Năm 918
vua Indravarman IV đúc lại tượng bằng vàng, nhưng yên vị chưa được bao lâu thì
quân Khmer đến cướp mất, đến năm 965 vua Jaya-Indravarman cho lấy đá đẽo tượng
và Nữ Thần đen tuyền mỹ miều mới tồn tại cho đến ngày nay.
Thiên Y A Na, Bà Mẹ bảo vệ xứ
sở, xưa thần dân Chiêm tín ngưỡng như vậy, ngày nay người Việt ở Nha Trang cũng
tín ngưỡng như vậy, niềm tin mãnh liệt ấy đã đem bình yên cho vùng đất hiền hòa
này, dẫu thời chiến Nha Trang vẫn yên ổn, phải chăng nhờ sự che chở của Nữ Thần?.
Vương Kiều
Nguồn: Trích từ Hồi Ký "CHUYỆN ĐỜI TÔI"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét