Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

Mùa thu - Nguồn thi hứng của thơ ca đất Việt

Mùa thu
Nguồn thi hứng của thơ ca đất Việt

Thiên nhiên bốn mùa hoa lá thay màu luôn là đề tài muôn thuở của thi ca Việt Nam từ cổ chí kim, được các nhà thơ cảm nhận với những sắc thái riêng, tạo nên những bức tranh đặc sắc về quê hương Việt Nam. Nét chấm phá độc đáo và thơ mộng nhất, không thể không nhắc tới là sắc thu. 

Trong bộ tranh tứ bình thì mùa thu vốn được coi là mùa của văn chương, mùa khơi nguồn cảm hứng cho biết bao tứ thơ trác tuyệt, mùa làm ngơ ngẩn, bối rối biết bao trái tim thi sĩ. Vậy tại sao trong thơ ca, hình ảnh mùa thu lại xuất hiện nhiều đến thế? Và vì sao mùa thu lại trở thành “mùa cổ điển”, trở thành “nàng thơ” của các thi nhân? Trong bộ tranh tứ bình thì mùa thu vốn được coi là mùa của văn chương, mùa khơi nguồn cảm hứng cho biết bao tứ thơ trác tuyệt, mùa làm ngơ ngẩn, bối rối biết bao trái tim thi sĩ. Vậy tại sao trong thơ ca, hình ảnh mùa thu lại xuất hiện nhiều đến thế? Và vì sao mùa thu lại trở thành “mùa cổ điển”, trở thành “nàng thơ” của các thi nhân?
Mùa thu - vẻ đẹp thiên nhiên
Mùa thu với vẻ đẹp thơ mộng diễm tình “Mộng từ ngọn gió, cánh hoa mộng đi, mộng từ tiếng nhạn về én đi mà mộng lại, mộng từ bông sen tàn tạ trong đầm mà mộng lên, mộng từ sắc ố quan hà mà mộng xuống” được con người ưu ái nhất. Cảm hứng về mùa thu cũng đã trở thành nguồn thi hứng muôn đời của thơ ca Việt Nam từ xưa tới nay.
Tín hiệu báo thu về là màu nắng vàng ươm, gió thu mơn man, trời thu cao xanh, hồ thu trong vắt, rừng thu chuyển sắc, lá thu xào xạc, hương thu nồng nàn, sương thu mờ ảo, mưa thu buồn vương… Có thể nói không giấy mực nào đủ để ca ngợi hết vẻ đẹp của mùa thu, mùa của thi ca, mùa của tình yêu, mùa của cảm xúc thi vị, lãng mạn ngập tràn. Cũng bởi thu đẹp mê hồn mà đã đi vào thơ, vào nhạc, vào tranh… Mùa thu thiên nhiên vốn đã đẹp, dưới đôi mắt của thi nhân, qua tâm hồn nghệ sĩ, mùa thu lại càng đẹp, đẹp đến nao lòng. Nàng thu nhẹ bước vào thơ ca, dệt nên những bức tranh thu diễm lệ. Khắp thiên nhiên đất trời, đâu đâu cũng nhuốm màu thu: thu ở màu trời, màu đất, màu hoa lá, màu cỏ cây, màu không gian và cả màu thời gian tím ngắt nữa.
Mùa thu - Mùa của những sự kiện lịch sử lớn lao
Mùa thu ban tặng cho con người nhiều thi hứng dạt dào là bởi vẻ đẹp mê hồn, mơ màng nơi trần thế, mà có lẽ chẳng mùa nào sánh kịp bằng sự quyến rũ của mùa thu. Nhưng dường như còn một lí do nào đó, rất khó gọi tên để mùa thu trở thành “mùa cổ điển” là “nàng thơ” của văn chương? Có phải là ngẫu nhiên không khi những sự kiện lớn của đất nước, của Hà Nội đều chọn mùa thu? Mùa thu cách mạng (19/8), mùa thu độc lập (2/9), mùa thu khai trường (5/9), mùa thu của ngày giải phóng thủ đô (10/10)…
Mùa thu không chỉ đẹp mà còn là mùa của khí thế hào hùng, gắn với những trang sử vẻ vang, những mốc son chói lọi, những chiến công vang dội. Bởi thế, mỗi độ thu về, người dân Việt Nam không chỉ nao lòng, bâng khuâng trước những biến chuyển tinh vi của đất trời, trước những hương sắc ngọt ngào mà còn mang niềm tự hào, niềm kiêu hãnh cùng đất nước.
Mùa thu trong tâm thức sáng tạo của thi nhân
Trong thời Trung đại, thiên nhiên là nơi để các thi nhân tìm về như là sự “lánh đục về trong”, thể hiện khí tiết thanh cao lúc gặp buổi thời thế nhiễu nhương, vận nước đen tối. Do đó, thiên nhiên vừa là nguồn thi hứng, vừa là nơi gửi gắm tâm trạng, nỗi niềm. Tiếp đến là các thi sĩ trong phong trào Thơ mới, thơ hiện đại với tâm thức sáng tạo hướng ra bên ngoài, khám phá và miêu tả biết bao vẻ đẹp dung dị, gần gũi của thiên nhiên cuộc sống diễn ra xung quanh mình với lối tả chân thực. Nền văn học dân tộc bước đầu hiện đại hóa với nhiều cách tân, sáng tạo, phá vỡ cách viết chịu ảnh hưởng của lối Đường luật. Từ đây, trong khoảng 30 năm đầu thế kỷ XX, cảm xúc về mùa thu có nhiều điểm mới, gắn với thời thế, thân phận, gắn với những cách tân trong đổi mới cảm xúc và hình thức nghệ thuật thơ.
Mùa thu Hà Nội - Lắng động những khúc tình ca
Trong tâm thức sáng tạo của thi nhân, mùa thu đẹp nhưng thường gợi buồn - nỗi buồn khó gọi thành tên, nỗi buồn cũng khó lí giải thành lời “Bỗng dưng trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Mùa thu - nỗi buồn dường như là định mệnh. Vậy nên, khi nói đến thu người ta mường tượng ngay đến “cảnh trí tiêu điều, lá rơi hoa rụng, gió thổi thê lương, chim chóc kêu thê thiết, côn trùng khóc rỉ rả, người nhớ người, người nhớ cảnh, lòng sầu ảm đạm day dứt khôn nguôi”.
Cảm hứng về mùa thu đã trở thành nguồn thi hứng muôn đời của thơ ca Việt Nam từ xưa tới nay. Cái khoảnh khắc diệu kì của thiên nhiên đất trời mùa thu đã lưu dấu trong nhiều trang viết của các thi hào thi bá lỗi lạc, góp phần làm phong phú và sâu sắc cho nhiều thi phẩm Việt Nam.
3/8/2016
Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Theo http://langvietonline.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...