Thứ Ba, 1 tháng 12, 2020

"Thăng Long thành hoài cổ" - Bài thơ tuyệt bút của Bà Huyện Thanh Quan

"Thăng Long thành hoài cổ"
Bài thơ tuyệt bút của Bà Huyện Thanh Quan

Từ xưa đến nay, người Quảng Bình và Hà Tĩnh coi đèo Ngang như bức thành chung, tình người giao lưu với câu ca: "Đèo Ngang hai mái chân vân/ Nửa về Hà Tĩnh nửa ái ân Quảng Bình".
Hai bên đường lên xuống đèo có những vạt lúa, nương khoai, cây hoa màu chen với cây phi lao che những mái nhà lúp xúp. Đèo cũng một thời là nơi quân Trịnh bố trí đồn lũy trong cuộc chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh "Đàng ngoài" và "Đàng trong", để lại những địa danh, truyền thuyết trong dân gian.
Còn rõ đến ngày nay là "Hoành Sơn Quan", một cửa quan xây bằng đá từ thời vua Minh Mạng (1820-1840) đặt theo hướng ngang lên núi xuống biển. Con đèo cùng với Hoành Sơn Quan từng là đầu đề cho các vị danh nhân, thần tướng đã đặt chân tới đây như Lý Thường Kiệt, Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Lê Quý Đôn v.v... ngẫu hứng thi đàn, có nhiều bài thơ vịnh cảnh đèo liền với khe suối, cây cỏ, nhưng được truyền tụng nổi tiếng là bài thơ "Thăng Long thành hoài cổ" của Bà Huyện Thanh Quan.
Bà Huyện tên gốc là Nguyễn Thị Hinh, sinh ở Nghi Tàm, quận Tây Hồ, từ nhỏ đã nổi tiếng văn thơ, làm cho giới thi nhân ở Thăng Long hâm mộ, nhất là thể loại thơ Đường luật. Bà là người có đức hạnh, học vấn xuất chúng, đã có những bài viết tỏ rõ nỗi buồn thấy cảnh Thăng Long từ khi vua nhà Nguyễn trị vì chỉ chăm xây dựng, tu bổ kinh thành Huế, bỏ những đền đài ở Thăng Long phong rêu, đổ gãy... Tiêu biểu như bài "Thăng Long thành hoài cổ" dưới đây:
"Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đó người đây luống đoạn trường!".
Hai câu mở đầu của bài thơ nêu vấn đề về thế thời và lời oán trách: "Tạo hóa gây chi cuộc hý trướng/ Đến nay thắm thoắt mấy tinh sương...". Lời trách tạo hóa sinh ra cho con người bao nỗi khổ đau, sinh ra cuộc sống với vũ trụ lại xui nên những cuộc tranh giành đẫm máu! Đời người và xã hội đi vào cảnh có rồi không, không lại có. Cái đẹp của hôm qua và hôm nay đã thành cái xấu ngày mai, thành giấc chiêm bao! Bà Huyện Thanh Quan coi thời ở Thăng Long như thời vàng son mà câu tâm sự hoài cổ kín đáo tạo nên đặc điểm trong bài thơ Đường luật nổi tiếng của bà.
Bà giữ gìn trân trọng sự tốt đẹp của lịch sử, coi đó là thiêng liêng với người quân tử, mượn lời trách tạo hóa mà lên án triều đình nhà Nguyễn đã để bao công trình kiến trúc, cũng là di tích văn hóa của kinh thành Thăng Long hoang tàn để dời đô vào Huế, xây một cõi quyền uy ăn chơi bậc nhất thế gian lúc bấy giờ khiến dân tình ai oán! Đi trên thành xưa mà lòng Bà Huyện quặn đau: "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương...". Cảnh hoang tàn vẽ lên sự sầu bi của thành cổ Thăng Long. Sống trong thời đó, tác giả càng chạnh lòng khi nghĩ tới chuyện xưa: "Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/ Nước còn cau mặt với tang thương...".
Hai câu luận tỏ rõ thái độ mãnh liệt, các từ đá/ nước thể hiện lòng con người: "trơ gan, cau mặt", cũng là sự tố cáo triều Nguyễn thời bấy giờ... Sự đổi thay của thành cũ hướng tới chủ đề: "Ngàn năm gương cũ soi kim cổ/ Cảnh đấy người đây luống đoạn trường...!". Mấy câu này mang tính ẩn dụ, soi gương cũ, từ soi được nhân cách hóa nhằm đi sâu váo ý nhà Nguyễn đã tàn phá Thăng Long, chuyện cũ đã qua rồi mà không thể xóa nhòa. Bài thơ làm cho giới nho sĩ ở Bắc Hà sửng sốt và lan tới giới văn thần ở kinh đô Huế.
Bà Nguyễn Thị Hinh đã theo chồng vào kinh đô Huế, giữ chức "Cung trung giáo tập", dạy các cung tần mỹ nữ, được vua Minh Mạng cùng hoàng gia tin dùng, quý mến. Đang thanh thản với nghề dạy học trong cung thì một tai họa coi như "án văn chương" xẩy đến. Một người tên là Nguyễn Thị Đào dâng đơn lên quan huyện về việc bị người chồng khinh rẻ, bạc đãi, xin được ly dị. Đang lúc quan huyện  đi vắng, bà huyện xem đơn, thông cảm nỗi niềm oan ức của người phụ nữ nên với tài thi phú sẵn có bà phê vào đơn 4 câu thơ: "Phó cho con Nguyễn Thị Đào/ Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai?/ Chữ rằng: Xuân bất tái lai/ Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già".
Mấy câu thơ phê vào đơn với ý tứ làm vui nhưng người chồng đem kiện quan trên, cho rằng quan huyện đã ăn của đút lót, phê đơn chia rẽ gia đình mình, hậu quả dẫn đến ông huyện bị cách chức khi vừa mới được thăng "Viên ngoại lang". Quan hệ giữa hoàng gia với gia đình ông huyện và bà Hinh bị rạn nứt. Một thời gian sau, năm 1847 ông huyện mất ở tuổi 44 vào triều vua Thiệu Trị (1841 - 1847), lòng bà Hinh càng trở nên dửng dưng với cung triều, viện cớ sức yếu, chồng mất, bà xin từ chức "Cung trung giáo tập". Cuộc sắp xếp để trở về Thăng Long được chuẩn bị, bà gửi 4 đứa con trở về Nghi Tâm trước và một mình trở về quê nhà.
Trên đường về quê, Bà Huyện Thanh Quan càng nhìn cảnh vật càng xót xa như khắc vào tâm trí cảnh trời, non, nước bao la, trùng điệp nơi đèo Ngang này mà riêng lòng mình càng đơn độc trống trải trong chiều tà của thiên nhiên cũng như chiều tà của cuộc đời.
Những câu thơ chắt lọc từ khối óc, tim gan của nữ sĩ, đặc biệt những câu thực, câu luận, những tứ đối từng cặp câu thơ khó có bài thơ nào đạt đến như vậy...!.
13/4/2012
Nguyễn Văn Hiệp
Theo https://baoquangbinh.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...