Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

Bức tranh làng cảnh Việt Nam trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến

Bức tranh làng cảnh Việt Nam
trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến

1. MỞ ĐẦU
Lịch sử văn học Việt Nam ghi nhận thơ văn Nguyễn Khuyến là thành tựu cuối cùng của nền văn học trung đại, bởi ông là một nhà thơ cổ điển cuối cùng viết dưới ảnh hưởng của ý thức hệ phong kiến bằng thứ văn tự vuông, cũng là nhà thơ lớn, chứng nhận thời kỳ cáo chung của nền tự chủ phong kiến.
Cho đến nay với công sức sưu tầm nghiên cứu của nhiều thế hệ, khối lượng thơ văn Nguyễn Khuyến ngày càng được phát hiện thêm nhiều. Với khối lượng phong phú đồ sộ đó “Nguyễn Khuyến - nhà thơ” (theo đánh giá của Nguyễn Huệ Chi) đã nổi lên như một hiện tượng đa nghĩa khiến cho nhiều kiến giải về ông cần được suy nghĩ lại. Và nhìn chung ở góc độ nào, sáng tác của Nguyễn Khuyến cũng có thể trở thành những điều luận bàn lý thú và vô cùng hấp dẫn. Thơ văn Nguyễn Khuyến vừa kế thừa những tinh hoa của văn học truyền thống, vừa có sự đột biến mới mẻ. Cách nhìn nhận, biểu đạt phù hợp với hoàn cảnh thời đại, mạnh dạn gạn lọc hệ thống quan niệm tư duy nghệ thuật cổ, hướng tới cảm xúc chân thực của cuộc sống, với âm hưởng nhịp điệu của đời sống bình thường dân dã, khỏe khắn, trong lành.
Mảng thơ về làng cảnh của Nguyễn Khuyến quả là bước phát triển đột biến so với sự phát triển của văn học trung đại. Phạm trù thẩm mỹ về cái cao cả đã nhường chỗ cho những vui buồn sướng khổ có thực, bắt nguồn từ những cảnh đời bình dị nhất. Những hiện tượng xưa nay vốn xa lạ với phạm vi quan tâm của các nhà Nho hành đạo bỗng ùa vào tràn đầy trong thơ. Nguyễn Khuyến sống với đời sống của người nông dân quê ông và ông viết về cuộc đời họ. Bên cạnh một nhà thơ trào phúng nhiều người đã nói đến một Nguyễn Khuyến - Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam. Có thể coi đây là một phương diện làm nên sự bất tử của Nguyễn Khuyến và đây cũng là một phương diện thể hiện lòng yêu nước, yêu dân thắm thiết theo kiểu Nguyễn Khuyến.
Nghiên cứu về vấn đề này trong thơ Nguyễn Khuyến cũng không còn là một vấn đề mới mẻ, song nói như Nguyễn Văn Huyền “cánh cửa đài thơ Nguyễn Khuyến dường như vẫn còn hé mở, cứ mỗi lần hé, thêm một lần sửng sốt”.
Trong không khí một hội nghị khoa học lớn về Nguyễn Khuyến và những lễ kỷ niệm trọng thể ngày sinh, ngày mất của nhà thơ, chúng tôi với lòng trân trọng và sự say mê một thi sĩ tiền bối, qua những tác phẩm tuyệt vời của ông, muốn góp một tiếng nói, để phần nào tái hiện bức tranh làng cảnh Việt Nam trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến, từ đó góp phần xác định vị trí của Nguyễn Khuyến trong quá trình phát triển của lịch sử văn hóa Việt Nam ở mảng đề tài thôn dã.
2. BỨC TRANH LÀNG CẢNH VIỆT NAM TRONG THƠ NÔM NGUYỄN KHUYẾN
Là một trong hai tác giả đã chuyển thơ Nôm Đường luật từ văn học trung đại sang văn học cận đại, ở Nguyễn Khuyến tầm khái quát của thơ Nôm vừa được mở rộng vừa được nâng cao hơn. Chức năng phản ánh xã hội của thơ Nôm không chỉ dừng ở mức “trữ tình thế sự”, “tư duy thế sự” mà còn vươn tới chỗ phản ánh xã hội với những chi tiết hiện thực sinh động phong phú. Vì thế trong thơ
Nôm Đường luật người ta nói đến một xã hội thực dân phong kiến ở thành thị trong thơ Tú Xương và ở nông thôn trong Nguyễn Khuyến với nhiều hạng người, nhiều màu sắc sinh động.
Nguyễn Lộc cho rằng: “Làm nên giá trị thơ văn Nguyễn Khuyến là toàn bộ những sáng tác của ông, chữ Hán cũng như chữ Nôm, trữ tình cũng như trào phúng. Dấu hiệu gắn bó nhà thơ với cuộc đời là tâm trạng day dứt cũng như nụ cười chua chát của ông. Nhưng làm nên cái độc đáo của riêng nhà thơ thì chủ yếu là những vần thơ viết về con người, cảnh vật thiên nhiên, phong tục tập quán. Về phương diện này không một nhà thơ nào đương thời viết được bằng ông. Trước đó trong lịch sử Việt Nam cũng chưa ai viết được như ông”.
Quả thật! Nói đến Nguyễn Khuyến người ta nói đến “Một nhà thơ của dân tình làng cảnh Việt Nam”. Chúng ta ai mà không có một quê hương làng cảnh, ai mà không yêu một làng cảnh quê hương mình. Một quê hương làng cảnh có cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp, có cuộc sống sinh động của con người. Điều kỳ lạ là nông thôn Việt Nam đã tồn tại hàng nghìn năm đã xuất hiện trong thơ ca nhiều thế hệ nhà thơ nhưng một lần nữa như được phát hiện qua thơ Yên Đổ ở góc độ không ngờ. Muốn làm một ẩn sĩ, muốn chìm vào tĩnh lặng Nguyễn Khuyến tìm về với thế giới làng quê. Chính nơi đây ông lại có dịp phát hiện hồn văn hóa dân tộc sức sống dân tộc còn tiềm tàng sau lũy tre làng… và chúng ta hiểu thêm một phạm trù không gian đặc sắc mang phong cách Nguyễn Khuyến. Nguyễn Khuyến đã gắn hồn thơ của mình với quê hương làng cảnh vùng Hà Nam cũ, đất Bình Lục ngàn xưa. Một nông thôn gắn bó máu thịt với nhà thơ đã thực sự hiện ra trong thơ Yên Đổ. Bức tranh quê được Nguyễn Khuyến vẽ lên với hai mảng rõ rệt. Cảnh vật của đất trời, cuộc sống con người với những phong tục tập quán nơi thôn dã.
2.1. Cảnh vật làng quê
Theo thống kê của TS Lã Nhâm Thìn, trong số trên 80 bài thơ Nôm của Nguyễn Khuyến thì có trên chục bài có đề tài, chủ đề thiên nhiên. Trong văn học trung đại thiên nhiên thường là những mảng tường để treo những bức tranh cuộc sống và tâm trạng của tác giả. Thiên nhiên luôn là thiên nhiên tâm trạng, ít khi là thiên nhiên khách quan thuần túy. Khác với các nhà thơ cổ Nguyễn Khuyến hướng về thiên nhiên để cho tâm hồn mình xao động trước vẻ đẹp nguyên sơ thanh khiết của đời sống cỏ cây. Mảng thơ thiên nhiên chiếm vị trí quan trọng trong sáng tác của Yên đổ. Ở đề tài thiên nhiên ông chủ yếu là nhà thơ trữ tình. Ông đi vào thiên nhiên để thể hiện niềm yêu mến sự tuyệt mỹ của thiên nhiên, thể hiện năng lực cảm nhận rất mực tinh tế của mình trước vẻ đẹp thiên nhiên.
Cụ Tam Nguyên Yên Đổ có cả một chùm thơ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Tất nhiên không phải bài nào cũng tuyệt tác, toàn bích nhưng vẫn không thể lẫn vào đâu được, những nét chấm phá đặc sắc, tiêu biểu cho từng mùa, từng tiết của cảnh sắc quê hương.
Mùa xuân đã từng thức dậy ở Nguyễn Khuyến nguồn thi hứng dồi đào. Trong sáng tác của ông lượng thơ xuân viết bằng chữ Nôm cũng đáng kể: Khai bút, chợ Đồng, Nguyên Đán ngẫu vịnh, Ngày xuân dặn các con… Đó chưa kể đến một số lượng khá nhiều câu đối mừng Xuân, đón Tết mà trong bài viết chúng tôi không có ý đi sâu tìm hiểu.
Những tưởng ẩn mình trong cuộc sống dân dã xa lánh thời cuộc nhưng thực ra tâm hồn nhà thơ vẫn thầm kín rung lên những rung động của cuộc sống. Vượt qua tính chất những bài thơ đề vịnh thiên nhiên đơn thuần, thơ xuân của Nguyễn Khuyến nhất là thơ Nôm còn có những đổi mới đáng kể trong phương thức tư duy nghệ thuật. Nó không phải chỉ có ý nghĩa xã hội sâu sắc mà còn là những bức tranh xuân vừa chân thực, sinh động vừa đậm màu sắc và phong vị làng quê.
Trong một năm có lẽ mùa hè là mùa ít chất thơ nhất bởi sự tàn khốc của thiên nhiên, nhưng dù là ở đề tài ít chất thơ nhất những vần thơ của Nguyễn Khuyến vẫn có thể so sánh với bất cứ bài thơ vịnh mùa hè nào của những nhà thơ trước sau và đồng thời, với những câu thơ đã mang được cái hồn đất Việt.
Ở thi ca cổ điển Việt Nam cũng như thơ trữ tình phương Đông thời trung đại người ta cảm nhận trong đó nhịp đập của thời gian. Vẻ đẹp của thiên nhiên theo sự biến chuyển của thời gian đã đi vào thơ một cách tình tứ mà đậm đà, chân thành mà thơ mộng. Là thi sĩ của cảnh quê, của các mùa ở nông thôn, Nguyễn Khuyến làm nhiều bài thơ về mùa xuân, mùa hạ và cả mùa đông nhưng nhiều hơn vẫn là những bài thơ vịnh cảnh thu. Với không gian bàng bạc, nhè nhẹ, đượm chút u hoài, hơi thu se sắt thấm tận tâm can, vạn vật chớm tàn phai nhưng lại đẹp đến nao lòng. Cái cảnh man mác trời mây đã trở thành nguồn cảm hứng cho bao thế hệ thi sĩ. Xuân Diệu đã từng khẳng định “Nguyễn Khuyến nổi tiếng nhất trong văn học Việt nam là về thơ Nôm mà trong thơ Nôm của Nguyễn Khuyến nức danh nhất là ba bài thơ thu”. Bên cạnh những chiếc lá ngô đồng rụng, tiếng chày đập vải công thức xa lạ trong thơ thu chữ Hán, ba bài thơ Nôm hiện ra như một đối tượng tuyệt vời. Trong quá trình cảm thụ văn chương qua các thời đại, không phải lúc nào mọi người cũng hiểu giống nhau, nhưng ở chùm thơ đã được truyền tụng hàng trăm năm nay và dù phân tích cách nào các nhà nghiên cứu đến thống nhất với nhau ở một điểm: Đây là chùm thơ điển hình nhất cho mùa thu Việt Nam vùng đồng bằng Bắc Bộ. Có thể nói Nguyễn Khuyến chính là nhà thơ đầu tiên tái tạo mùa thu bằng chính màu sắc quê hương mình.
Từ những cảnh vật bình thường quen thuộc dưới con mắt tinh tế của nhà thơ những chi tiết đặc trưng mang tính khái quát, điển hình đã được chắt lọc đi vào thơ, tô đẹp thêm cho vẻ đẹp thiên nhiên trong từng khoảng thời gian mà mang đậm sắc thái của dân tộc.
Không chỉ thần tình trong nét vẽ cảnh bốn mùa, thiên nhiên làng cảnh trong thơ Nôm Nguyễn Khuyến thật phong phú đa dạng. Nguyễn Khuyến đã từng đi thăm nhiều danh lam thắng cảnh như “Chợ Tây Hồ” thăm “Chợ Chùa Thầy”, “Chơi núi non nước”, “Núi An Lão” và biết bao danh lam thắng cảnh đã được đưa vào thơ. Dưới con mắt của nhà thơ mỗi ngọn núi, dòng sông quê hương đều trở thành những vật sống có tinh thần tình cảm. Đó là những cảnh quen thuộc ta thường gặp trên đất nước quê hương mình.
Nguyễn Khuyến đã phát hiện ra vẻ đẹp chất thơ ở những cảnh vật bình thường mà giản dị. Những cảnh thiên nhiên, hình ảnh thôn trang dưới ngòi bút tuyệt vời của thi sĩ Yên Đổ đã hiện lên một cách thân yêu trìu mến. Lũy tre nơi thôn xóm, chiếc ao nhỏ, bờ giậu thưa, những mái tranh thấp le te, Núi Đọi, chợ Sài Sơn… những bức tranh quen thuộc ấy đã được thu gọn vào những lời thơ bình dị, ghi lại những nét sâu sắc và tế nhị trong tình yêu thiên nhiên và thôn trang của Tam Nguyên Yên Đổ. Cảnh vật trong con mắt nhà thơ thật sống động và gợi cảm. Nhà thơ thường thả tâm hồn mình theo những âm thanh, màu sắc, dáng vẻ của tạo vật, cuộc sống rồi từ đó tạo ra những tứ thơ hài hoà, say sưa trong trẻo, khắc họa những đường nét giản dị nhưng đậm đà phong vị của dân tộc.
Trong thơ Nguyễn Khuyến không chỉ có cái đẹp thanh tao, tinh tế mà còn ngồn ngộn những cảnh đời trần thân thuộc. Đọc thơ Nguyễn Khuyến chúng ta bắt gặp vô số những chuyện cỏn con bên cạnh những vấn đề trọng đại. Thử hỏi, có thơ của nhà thơ nào nhất là trong các nhà thơ cổ điển lại có nhiều hình bóng con vật đến thế, và điều đặc biệt ở đây đều là những con vật gần gũi với người nông dân nhất là người nông dân đồng chiêm trũng. Theo thống kê của Nguyễn Văn Huyền có tới trên sáu mươi con vật khác nhau trong thơ Nguyễn Khuyến. Trong bức tranh Nôm về làng cảnh có con đom đóm “lập lòe trong đêm sâu”, có con cá vượt khóm rau lên mặt nước, có tiếng cuốc kêu khắc khoải “năm canh sáu khắc đêm hè vắng”, có ‘bóng cò ngoài lũy nhấp nhô”, có “trâu già cọ gốc phì hơi nắng”, chó nhỏ bên ao cắn bóng người, rồi con dế, con muỗi ngày hè, cái tôm, cái tép trong mùa lụt…. Đó chính là những âm thanh thân thuộc, những hình bóng sinh động trong những bức tranh thơ về cảnh thực đời quê đầm ấm tình quê dân dã.
Rõ ràng nhà thơ không chỉ miêu tả thiên nhiên một cách khách quan cũng không phủ lấp những tình cảm riêng tư của mình vào đó. Ông đã mở rộng tâm hồn đón nhận thiên nhiên, giao hòa với thiên nhiên. Bởi tự lòng nhà thơ không chỉ rung lên những tình cảm riêng tư mà còn cộng hưởng với mọi âm thanh trầm bổng của cảnh sắc. Có phải khi Nguyễn Khuyến trở về với làng quê là tìm về với sự thanh thản của cõi lòng? Cảnh vật nông thôn, cảnh đời nơi thôn dã, nơi quê hương bùn lầy nước đọng có gì xa lạ với nhà thơ “Mười năm gió bụi trở lại nhà”, thứ ánh sáng kỳ diệu nào đã soi tỏ cho đôi “mắt nhòa” ấy nhìn cảnh, nhìn người tinh tế sâu xa đầy khám phá, có sức rung động lòng người đến thế. Cảm xúc rung động đó chỉ có thể là kết quả của một đời sống gắn bó với sinh hoạt hằng ngày ở nông thôn, cao hơn nữa là biểu hiện của lòng yêu quê hương đất nước. Nhưng không thể phủ nhận những cảm xúc rung động đó của nhà thơ bắt nguồn từ một quan niệm thẩm mỹ có phần khác với quan niệm thẩm mỹ của người dân bình thường trong thơ ca dân gian, lại cũng có phần khác với cảm xúc về cái đẹp của tạo vật của thiên nhiên nhất là của làng cảnh Việt Nam trong thơ Nôm bác học. Điều này chúng tôi sẽ đề cập thêm ở phần sau.
2.2. Đời sống thôn dân
Nguyễn Khuyến là người viết nhiều về làng cảnh Việt Nam. Từ góc độ phản ánh hiện thực xã hội có thể thấy thơ Nôm Nguyễn Khuyến là bức tranh toàn cảnh và chân thực về nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Hơn người khi tả cảnh, Nguyễn Khuyến cũng hơn người khi diễn tình. Theo TS Trần Ngọc Vương “Với cảnh và người, Nguyễn Khuyến đã không thiên vị bên nào. Thơ Nôm Nguyễn Khuyến viết về quê mình cũng phần nhiều mang tính thời sự. Đó là thời sự về công ăn việc làm, về đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong làng, ngoài xóm. Trong thơ ông chẳng thiếu gì nỗi gian truân của nghề nông và người làm ruộng. Nào là Năm mất mùa I, năm mất mùa II, nước lụt Hà Nam, Than nghèo, Than nợ…”.
Đọc thơ Nguyễn Khuyến thấy có vị cái vị mặn mòi của mồ hôi, cay đắng của cơ cực và sự bộn bề bức bối của công việc đầu tắt mặt tối quanh năm. Là một ông quan lừng danh khoa bảng khi “trở về vườn Bùi chốn cũ” Nguyễn Khuyến đã như hóa thân thành ông Tam dân dã, như bất cứ một chú Tư, anh Bảy nào đó ở làng Và, xứ Sơn Nam Hạ, chung chia những vui buồn của làng xóm. Nhà thơ mở rộng tâm hồn để những âm thanh của cuộc đời lam lũ ùa ập vào mình, vào thơ. Nhập thân thực sự với cuộc sống bình dân, lam lũ vất vả ngược xuôi… ông dồn tất cả những tình cảm chân thành tha thiết của mình vào những vần thơ giàn giụa nắng gió, nhọc nhằn của vùng đồng chiêm trũng. Thơ ông bộc lộ sự am hiểu đến tận chân tơ kẽ tóc về đời sống, công việc của người dân chân lấm tay bùn.
Đói nghèo cộng thêm áp lực lịch sử dữ dội tất nhiên dẫn đến những đảo lộn và tha hóa đối với cuộc sống và con người. Không đi sâu vào thơ trào phúng, nhưng ở chừng mực ta thấy Nguyễn Khuyến chia sẻ tình cảm với người dân quê ông. Nghèo nhưng biết tự trọng, quê mùa nhưng thanh sạch và biết lễ nghĩa. Điều đó giúp chúng ta hiểu tại sao một nhà thơ thâm trầm và tinh tế, tác giả của những bài thơ Thu, chùa Đọi… lại có những vần thơ ngoa ngoắt đến như “Đĩ cầu Nôm”.
Nguyễn Khuyến cũng giống như Hồ Xuân Hương trước đó và Tú Xương cùng thời có thể tìm thấy thơ ở những chỗ tưởng như không có thơ. Con mắt tinh nhạy của ông bắt gặp và ghi nhận được những cái hay, mặt phải, mặt trái của kiếp người qua những diễn biến hàng ngày. Đó là một vốn quý của văn học cổ điển Việt Nam.
Tuy xuất thân từ một dòng họ có truyền thống khoa bảng, nhưng từ nhỏ gắn bó với quê hương đồng chiêm trũng nghèo khó, gần gũi, am hiểu đời sống và công việc đồng áng của người nông dân. Vì vậy thật dễ hiểu tại sao khi từ quan bỏ đất kinh kỳ về lại vườn Bùi, ông lại dễ dàng hòa nhập như thế, sống như một lão nông nơi thôn dã.
Tình cảm với quê hương làng xóm trước sau như một, luôn dạt dào trong thơ cụ Tam Nguyên. Có thể nói thơ Nguyễn Khuyến về làng quê đa diện phong phú lắm. Các nhà dân tộc học bấy giờ và mai sau vẫn có thể tìm thấy trong thơ Nguyễn Khuyến những nét cô đọng về những phong tục làng xã một thời đã qua.
Từ cách ăn mặc của người dân quê “thắt lưng bó que xắn váy quai cồng” đến kiểu phục sức “búi tóc củ hành, quần buông lá tọa”. Các nhà nghiên cứu cũng nói nhiều đến những bài thơ trong đó Nguyễn Khuyến kể lại những hình thức sinh hoạt có tính chất văn hóa tinh thần ở nông thôn: Cảnh các ông lên lão 50, cảnh dựng nhà mới, khai bút đón xuân… Những bài thơ này có sức diễn tả không khí màu sắc âm thanh của cuộc sống văn hóa độc đáo ở nông thôn rõ nét và tưởng chính xác đến lạ lùng. Ta có thể hiểu tại sao Nguyễn Khuyến viết nhiều câu đối mừng cưới hay phúng viếng đám làng. Chẳng phải đơn thuần mượn cớ để trổ tài chữ nghĩa văn chương. Trong lúc phong tục cổ truyền của nhân dân còn nhờ nhiều vào câu đối để nói những tình cảm, ý nghĩ của mình vào các dịp giao tiếp với nhau, cưới xin, ma chay, mừng thọ, cất nhà… thì cụ đại Nho Tam Nguyên Yên Đổ là một nhà văn của quần chúng đã đặt văn nói hộ mọi người. Những dịp làm câu đối ấy thường là những giây phút để ông “hòa - đồng - sống”, tức là tự thể hiện mình trọn vẹn trong đời sống văn hóa thường ngày ở làng quê. Tình nghĩa ấy đằm thắm lại hồn thơ ông, ru ông hòa nhập vào cảnh sống nghĩa tình trong xóm ngoài làng.*
Đọc thơ Nôm Nguyễn Khuyến, ta thấy nhà thơ không chỉ dành tình cảm hết sức sâu nặng và nồng thắm cho vợ con, bạn bè mà vẫn với tình cảm thân thiết ấy ông đã dành cho những người nghèo khó quê mình. Thơ Nguyễn Khuyến về làng quê đã quý, cái tình người trong thơ ông càng đáng quý. Gắn nhập với đời sống bình dân xa dần những giáo lý phong kiến nhưng thơ Nguyễn Khuyến trở về với những giá trị nhân bản Việt Nam trọn vẹn nghĩa tình.
Bức tranh quê Yên Đổ mà nét chủ yếu là ảm đạm, đói khổ thật ra chưa phải hoàn toàn mới lạ trong đời thực. Cảnh đời ấy đã kéo dài truyền kiếp trong trường kỳ lịch sử chế độ phong kiến, nhất là trong những giai đoạn suy vi của chế độ ấy (thế kỷ XVIII - XIX). Văn học dân gian đã than thở nhiều, cũng không ít nghệ sĩ cám cảnh cho nó theo truyền thống nhân đạo chủ nghĩa. Tuy nhiên thời Nguyễn Khuyến đã có tác giả nào miêu tả cuộc sống với tất cả chiều sâu và chiều rộng như Nguyễn Khuyến. Hầu như những bài thơ viết về cảnh vật và đời sống ở nông thôn bao giờ Nguyễn Khuyến cũng trang trải lòng mình với nỗi buồn vui của quê hương. Biểu hiện gắn bó mật thiết với làng cảnh đồng thời cũng nói lên một chuyển biến về quan điểm một nhà Nho. Từ cuộc sống đau thương dữ dội của thời đại bão táp Nguyễn Khuyến mở rộng cánh cửa tâm hồn ra với đời. Việc đón nhận những âm thanh vang vọng của cuộc sống, con người, đã đưa ông lên đến đỉnh cao của chủ nghĩa nhân bản. Tinh thần nhân bản ấy không hề tách rời khỏi cuộc sống lao động và quan niệm đúng đắn về lao động mà ta đã thấy trong văn học dân gian. Tinh thần nhân bản ấy lại càng cao và phong phú khi nó gắn nhập phần nào với tinh thần yêu nước trong thơ Nguyễn Khuyến mà ta sẽ nói tới khi có dịp.
III. KẾT LUẬN
Trước Nguyễn Khuyến nông thôn chủ yếu hiện lên trong thơ kẻ sĩ nhất là trong thơ những nhà thơ ẩn dật như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Làng cảnh và những nét sinh hoạt có được đưa vào trong thơ thì cũng không phải là mục đích miêu tả chính. Đó chủ yếu là những vần thơ “ngôn chí” “tải đạo” mà thôi. Đến Nguyễn Khuyến, đời sống nông thôn, phong cảnh nơi thôn dã đã trở thành đối tượng miêu tả cụ thể. Tham dự vào trung tâm cuộc sống dân dã nơi quê hương, Nguyễn Khuyến thấu hiểu và thông cảm với cuộc sống lao động vất vả một nắng hai sương của người nông dân. Ẩn trong những vần thơ Nôm giản dị của Nguyễn Khuyến là hương vị, và hơi thở của cuộc sống làng quê. Nông thôn Việt Nam trong thơ Yên Đổ hiện lên với đầy đủ những âm thanh và màu sắc đặc trưng từ ngàn đời, độc đáo, gần gũi thân quen mà đẹp đẽ đến diệu kỳ. Đó là một bức tranh đa diện, đa sắc từ khóm trúc, bờ tre, ao cá, luống cải, vườn cà đến cuộc sống bình dị thường ngày với nạn cho vay nặng lãi, nạn thuế quan tây, nạn lụt lội…Tình làng nghĩa xóm nồng hậu cùng những hội hè, giỗ tết, đình đám chốn đình trung. Ngòi bút tài hoa của Nguyễn Khuyến đã khám phá và mang lại cho người đọc những dư âm thú vị, cái kỳ thú của những sự việc bình thường vẫn diễn ra trong cuộc sống thường ngày. Với những đóng góp độc đáo, mảng thơ Nôm làng cảnh đã mang đến cho thơ Nguyễn Khuyến một sắc diện mới. Cùng với Tú Xương, Nguyễn Khuyến là gạch nối đầu tiên giữa văn học trung đại và văn học hiện đại.
Ngô Thanh Dung
Theo http://phamngochien.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...