Thứ Năm, 17 tháng 12, 2020

Ảnh hưởng của thơ Đường đối với thơ lãng mạn Việt Nam 1932-1945

Ảnh hưởng của thơ Đường đối với 
thơ lãng mạn Việt Nam 1932-1945

Nguyễn Công Thanh Dung, sinh năm 1984, quê quán Thạnh Mỹ, Ninh Quang, Ninh Hòa, Khánh Hòa. Cử nhân Ngữ Văn. Hiện là biên tập viên Nhà xuất bản. Bài viết này được báo cáo trước Hội nghị Khoa học Ngữ văn các trường ĐH các tỉnh phía Nam tháng 3 năm 2005 và được đăng trên Tạp chí Khoa học Xã hội của Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ số 8 (84) - 2005
I. NHÌN CHUNG VỀ MỐI QUAN HỆ GIAO LƯU, ẢNH HƯỞNG:
Về ảnh hưởng của thơ ca đời Đường đối với thơ ca Việt Nam nói chung, xưa nay ít nhiều đã được các nhà nghiên cứu văn chương đề cập đến. Trong phạm vi bài viết nhỏ này, tôi chỉ xin mạn phép trình bày vài nét ảnh hưởng của một thời đại thi ca nổi tiếng thế giới (thơ Đường 618-907) đối với thơ lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1932-1945, và chỉ đề cập sự ảnh hưởng của nó ở vài nhà thơ nổi tiếng mà thôi.         
Các nhà nghiên cứu đã thừa nhận do điều kiện hoàn cảnh địa lý - lịch sử của hai nước mà hai dân tộc Việt - Trung từ lâu đã có mối quan hệ giao lưu, ảnh hưởng, tiếp biến văn hóa (acculturation) rất sâu sắc. Riêng trong lĩnh vực văn học, văn học Việt Nam có thể nói là chịu ảnh hưởng khá nặng nề của văn hóa Hán và văn học Trung Quốc không chỉ trong khoảng nghìn năm của chế độ phong kiến Việt Nam mà ngay khi văn hóa, văn minh, văn học phương Tây với những tư tưởng và ý thức hệ của nó được du nhập vào Việt Nam, được các nhà Nho có tư tưởng “Duy tân” và các trí thức “Tây học” Việt Nam nhiệt tình đón nhận thì lúc này văn hóa, văn học Trung Quốc, trong đó có thơ Đường vẫn còn đủ sức để ảnh hưởng, chi phối, tác động đến, kể cả hôm nay cũng vậy. Văn học Việt Nam giai đoạn 1932-1945 cũng không nằm ngoài quy luật trên.
Nói đến thơ Trung Quốc, chủ yếu là nói đến thơ Đường. Đó là thời đại hoàng kim của thơ ca Trung Quốc. Nhưng cần lưu ý là không phải các bài thơ của các tác giả đời Đường cũng đều sáng tác theo thể Đường luật. Vì thế cần phân biệt hai khái niệm thơ Đường và thơ Đường luật. Thơ Đường luật là khái niệm để gọi các bài thơ được sáng tác theo các thể thơ với những quy định niêm luật vần đối chặt chẽ mà những quy định này được đặt ra vào đời Đường (tứ tuyệt, bát cú, bài luật theo lối ngũ ngôn hoặc thất ngôn); còn thơ Đường là khái niệm để chỉ các bài thơ của các tác giả sống, sáng tác trong khoảng gần 300 năm dưới thời nhà Đường (618-907) và những bài thơ đó được sáng tác theo thể Cổ phong (cổ thể) hay thể Đường luật (cận thể, kim thể) hoặc Từ khúc và Nhạc phủ. Trong khoảng 48.900 bài thơ Đường ấy, các nhà nghiên cứu lâu nay thường chia ra làm 4 phái chính: Phái biên tái với đề tài chủ yếu là cuộc sống, nỗi niềm người lính nơi biên ải và cõi lòng người chinh phụ nơi quê nhà với phòng không chiếc bóng. Những đại biểu xuất sắc của phái này có thể kể ra như Vương Hàn, Vương Chi Hoán, Vương Xương Linh, Cao Thích, Sầm Tham…; Phái điền viên với đề tài chủ yếu là cuộc sống ẩn dật nơi thôn dã hay nơi thâm sơn cùng cốc nhàn dật, thanh đạm mà những đại biểu xuất sắc là ẩn sĩ phong lưu Mạnh Hạo Nhiên, vị thi Phật Vương Duy…; Phái lãng mạn với những vần thơ phóng khoáng hồn nhiên bay bổng, những ước mơ cháy bỏng táo bạo để đối lập lại hiện thực xã hội đen tối, bất như ý mà đại biểu xuất sắc là vị thi Tiên Lý Bạch…; Phái hiện thực với đề tài chủ yếu là thể hiện hiện thực cuộc sống khốn cùng, cuộc đời đầy dẫy những bất công ngang trái, nỗi niềm của con người trước tai ương chiến tranh v.v... mà những đại biểu xuất sắc là vị thi Thánh Đỗ Phủ, nhà thơ hiện thực vĩ đại Bạch Cư Dị… và còn vài trường phái thơ khác tuy có thành tựu nhưng ít nổi tiếng.
Trên đây là đôi nét có tính khái quát nhất về thơ Đường. Còn thơ lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1932-1945 thì sao?
Các nhà nghiên cứu thống nhất rằng, bước sang thế kỷ XX, văn học Việt Nam chuyển sang phạm trù khác, tư duy nghệ thuật khác, mà phạm trù văn học và tư duy nghệ thuật này hoàn toàn khác với văn học trước đó: văn học trung đại. Đây là thời kỳ diễn ra quá trình hiện đại hoá văn học. Quá trình này diễn ra chưa đầy nửa thế kỷ nhưng lại có một nhịp độ phát triển mau lẹ, nói như  nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã nói trong Nhà văn hiện đại là “ở nước ta, một năm đã có thể như  ba mươi năm của người”. Nếu ở chặng đường từ đầu thế kỷ XX đến 1930, 1932 là chặng đường đầu tiên có nhiệm vụ đặt nền cho công cuộc hiện đại hóa văn học mà GS. Trần Đình Hượu gọi đây là văn học giai đoạn giao thời, thì sang chặng đường 1932-1945 công cuộc hiện đại hoá này đã hoàn thiện. Nguyên nhân sâu xa là lúc này xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi nên dẫn đến những biến đổi sâu sắc trong tâm lý và ý thức hệ. Mặt khác lúc này ta có điều kiện  vượt ra ngoài giới hạn của khu vực để tiếp xúc với văn hoá, văn minh của phương Tây, của thế giới hiện đại. Đó là tiền đề tạo điều kiện cho văn học mau chóng thoát khỏi hệ thống thi pháp trung đại, để chuyển sang một hệ thống thi pháp mới. Văn học Việt Nam giai đoạn 1932-1945 đã làm được điều kỳ diệu ấy, đã cách tân một cách toàn diện và sâu sắc nhất. Trong đó thành tựu nổi bật công đầu là thuộc về các tác giả của dòng văn học lãng mạn, mà đáng kể nhất là các nhà thơ của phong trào thơ Mới. Chỉ với một thời gian rất ngắn chưa đầy 10 năm, nếu tính từ ngày bài thơ Mới đầu tiên trình giữa làng văn đăng trên báo Phụ nữ tân văn số 122, ngày 10 tháng 3 năm 1932, bài Tình già của Phan Khôi (thì lập tức có cuộc tranh luận nổ ra gay gắt giữa thơ cũ và thơ mới) đến năm 1941, nhà phê bình Hoài Thanh đã có thể lựa được trong số hàng chục nghìn bài của hàng trăm nhà thơ để chọn ra 169 bài thơ xuất sắc của 44 tác giả với nhiều phong cách khác nhau, trong đó có nhiều tác phẩm của những tác giả sẽ sống mãi với thời gian! Nếu so sánh thơ Đường gần 300 năm có 48.000 bài thơ hay của gần 2300 tác giả với thơ Mới gần 10 năm có 169 bài thơ hay của 44 tác giả thì về mặt tỷ lệ, sự thành tựu thơ ca của ta không phải là nhỏ. Tuy thơ Mới thể hiện những cái rất mới về bút pháp, hệ thống thi pháp, tư duy nghệ thuật, về cách cảm nhưng nó vẫn là nguồn mạch thơ với dòng chảy không hề gián đoạn từ xưa đến nay, vì thế ít nhiều dòng thơ này cũng đã kế thừa và phát triển, cách tân những thành tựu thơ ca quá khứ của cha ông, ít nhiều chịu ảnh hưởng thành tựu của nền thơ Đường nổi tiếng thế giới. Thế thì thơ Mới đã chịu ảnh hưởng của thơ Đường như thế nào? Vấn đề vừa nêu sẽ được lý giải ở phần tiếp theo.
II. VÀI ẢNH HƯỞNG CỦA THƠ ĐƯỜNG ĐỐI VỚI THƠ CỦA MỘT SỐ NHÀ  THƠ LÃNG MẠN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1932 -1945:
1) Ảnh hưởng của thơ Đường với thơ Xuân Diệu:
Nhắc đến thơ Mới là nhắc đến Xuân Diệu “nhà thơ Mới nhất trong các nhà thơ Mới” (Hoài Thanh).
Thế nhưng, trong cái hiện đại, cái mới vẫn còn cái hoài cổ, cái xưa. Có thể nói chính hai yếu tố đó đã hòa quyện vào nhau để hồn thơ, chất thơ của chàng thi sĩ họ Ngô trở nên độc đáo, hấp dẫn tuổi trẻ, được sự hoan nghênh của tuổi trẻ “đã có những thiếu niên, thiếu nữ hoan nghênh tôi…” như Xuân Diệu từng phát biểu.
Ảnh hưởng của thơ Đường đối với thơ Xuân Diệu rất phong phú, đa dạng, mang một cá tính sáng tạo rất riêng của Xuân Diệu. Chẳng hạn trong cảnh mùa thu rất quen của Việt Nam, chỉ Xuân Diệu mới để ý đến: “những luồng run rẩy rung rinh lá” cùng cái “cành biếc run run chân ý nhi”. Nghe đàn dưới trăng thu, chỉ Xuân Diệu mới thấy “lung linh bóng sáng bỗng rung mình” và mới có cái xôn xao gửi trong mấy hàng chữ lạ lùng này:
“Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời
Đàn ghê như nước lạnh, trời ơi
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người”
(Nguyệt cầm)
Rõ ràng, với những câu thơ vừa trích, người đọc nhận thấy rằng mùa thu là đề tài muôn thuở của thi ca, và khi viết những dòng thơ trên ít nhiều Xuân Diệu nhớ đến bài Tỳ bà hành nổi tiếng của Bạch Cư Dị khi miêu tả tiếng đàn của người kỹ nữ trên bến Tầm Dương trong đêm trăng, lúc ấy cung đàn vừa bặt tiếng tơ thì cả chủ lẫn khách đều im lặng vô ngôn, ngay cả thiên nhiên cũng cảm nhận tiếng đàn huyền diệu ấy “một vầng trăng trong vắt dòng sông”. Mùa thu là khởi nguồn cảm hứng cho thi nhân, từ các nhà thơ nổi tiếng bên Trung Quốc đời Đường như Lý Bạch, Đỗ Phủ, đến các nhà thơ Việt Nam như Nguyễn Khuyến (Thu ẩm, Thu điếu, Thu vịnh), Lưu Trọng Lư (Tiếng thu), hay Bích Khê “Ô hay! buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông”. Tất cả đều để lại những tác phẩm độc đáo về mùa thu. Anh hưởng ở đây của Xuân Diệu và của các nhà thơ Việt Nam đối với thơ Đường là đề tài. Đ ề tài đó tuy cũ nhưng mới, tuy quen nhưng lạ. Cũ và quen như đã trình bày ở trên bởi lẽ đó là đề tài muôn thuở trong thi ca, còn mới và lạ là do các nhà thơ đã cách tân, sáng tạo, biến cái chung thành cái riêng của mình mà Xuân Diệu là một điển hình:
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới, mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng”
(Đây mùa thu tới)
Mùa thu in dấu khắp nơi và hồn thu thấm sâu trong từng cảnh vật với nét đẹp buồn tàn phai, nhuốm màu thê lương. Đầu đề bài thơ là “Đây mùa thu tới”, đầu đề ấy như một bức thông điệp thông báo cho người đọc mùa thu đã về. Vì thế nên mở đầu bài thơ, Xuân Diệu tả cảnh rặng liễu buồn lúc tàn thu. Rặng liễu là hình ảnh ước lệ, thường gặp trong thơ văn xưa để chỉ nỗi buồn chia ly. Tuy Xuân Diệu dùng hình ảnh này có vẻ sách vở một chút nhưng lại hoàn toàn sáng tạo với sự liên tưởng độc đáo, thể hiện một nhãn quan tinh tế. Trong khí thu se lạnh, gió thu hiu hắt và không gian thu nhuốm vẻ buồn đìu hiu, rặng liễu đang nghiêng mình đứng chịu tang. Một dáng vẻ buồn như chịu đựng, như chấp nhận tang tóc, thê lương! Liễu rủ, lá buông dài mà Xuân Diệu liên tưởng rồi so sánh với mái tóc buồn của người cô phụ đang chịu tang chồng. Càng buồn hơn là lá liễu rủ buông xuống dưới cơn mưa làm nhà thơ ngỡ như có hàng ngàn giọt lệ nhỏ từ cõi lòng tang tóc của người cô phụ. Chính cảm xúc chân thành và cảm quan tinh tế cùng với bút pháp lãng mạn đã giúp nhà thơ phá vỡ tính ước lệ, sáo mòn của hình ảnh liễu trong thơ văn xưa, để đem lại cho nó một dáng vẻ cụ thể và một linh hồn mang nặng nỗi sầu muộn của con người. Điều đó cũng có nghĩa là Xuân Diệu đã phát hiện nét đẹp lúc tàn thu thông qua dáng liễu rũ buồn dưới cơn mưa.
Nếu ở hai câu thơ trên nhịp thơ chậm và lơi, thì hai câu thơ tiếp theo của khổ thơ này, nhịp thơ như gấp rút hẳn lên, nghe như một tiếng trầm trồ, một tiếng reo, thầm báo cho người đọc biết mùa thu đã đến với một  nỗi ngạc nhiên bất chợt:
“Đây mùa thu tới, mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.”
Điều lưu ý là khác với bút pháp miêu tả  mùa thu trong thơ xưa, mùa thu chính là cái cớ để các nhà thơ cũ tức cảnh, gởi gắm nỗi niềm; còn ở đây, bản thân mùa thu buồn chính là đối tượng để chàng thi sĩ lãng mạn nhìn ngắm, chiêm ngưỡng và rung động trước một vẻ đẹp của thiên nhiên. Vì thế, nhìn lá rụng, lá úa, Xuân Diệu lại thấy như là một sắc áo đẹp của mùa thu khoác lên vạn vật. Chỉ cần mấy câu thơ  ấy thôi cũng đủ cho người đọc thấy bút lực tài hoa của Xuân Diệu.
Bút lực tài hoa ấy không chỉ dừng lại ở đấy, bút lực đó còn giúp cho nhà thơ phát hiện ra nét độc đáo, thú vị của cảnh đồng quê Việt Nam:
“Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng  cánh phân vân”
(Thơ duyên)
Cũng là áng mây, cũng là cánh cò thường gặp trong thơ xưa nhưng dưới ngòi bút của Xuân Diệu lại đầy sáng tạo, độc đáo, mới mẻ. Nếu trong thơ xưa khi miêu tả mây mùa thu thường là “mây đùn cửa ải xa” như Đỗ Phủ hay mây đang trôi nhàn nhã “cô vân độc khứ nhàn” như Lý Bạch miêu tả, thì ở đây, mây của Xuân Diệu lại “bay gấp gấp” với vẻ hối hả nhưng chẳng biết về đâu, đi đâu? Cũng là cánh cò, nhưng  cánh cò của Vương Bột thì đang cô đơn cùng bay với ráng chiều vừa sa xuống:
“Lạc hà dữ cô lộ tề phi
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”
(Đằng Vương Các tự)
còn cánh cò của Xuân Diệu lại là cánh cò đang “phân vân”, ngập ngừng, lưỡng lự, nửa muốn đậu, nửa muốn bay và nếu bay thì không biết bay cao hay  thấp, gần hay xa? Các nhà phê bình xưa nay đều khen hết lời về hai câu thơ đầy sáng tạo, độc đáo, tinh tế này của Xuân Diệu.
Qua những dẫn chứng vừa nêu, có thể khẳng định, Xuân Diệu đã đem lại cho dòng thơ lãng mạn một sức hấp dẫn nồng nàn, mãnh liệt, sục sôi với một bút lực tài hoa, với cách dùng từ ngữ chính xác, sáng tạo, giàu hình ảnh và gợi cảm. Đúng là “Xuân Diệu đã gửi trong  thơ của người một chút hương xưa của đất nước” như nhà phê bình Hoài Thanh đã nhận xét. Cái “chút hương xưa” ấy phải chăng đó chính là phong vị thơ truyền thống phương Đông trong đó có phong vị Đường thi đã  ảnh hưởng sâu đậm trong hồn thơ của “nhà thơ Mới nhất trong các nhà thơ Mới” lúc bấy giờ?
2. Anh hưởng thơ Đường với thơ Huy Cận:
“Khác với  Xuân Diệu, Huy Cận vừa bước vào  làng thơ đã được người ta dành ngay cho một chỗ yên ổn” (Hoài Thanh). Thật diễm phúc biết nhường nào!
Có được điều đó bởi lẽ do hồn thơ của Huy Cận “đã có hồi người ta tưởng muốn làm thơ hay phải là người hay khóc và thi nhân mỗi lần cầm bút là một lần phải “nâng khăn lau mắt lệ”. Nhưng buồn mãi cũng chán. Trên Tao Đàn Việt Nam bỗng  phe phẩy một ngọn gió yêu đời, tuy không thổi tan những đám mây sầu, u ám, song cũng mấy lần ngân lên những tiếng reo vui… Phải tinh lắm  mới thấy lòng mình như thế giữa thế giới ồ ạt, cái rộn rịp của cuộc đời hàng ngày” (Hoài Thanh). Đây có lẽ là một điều Huy Cận đã học được qua thơ Pháp. Nhưng với tài quan sát được rèn luyện trong bối cảnh mới, Huy Cận đã làm một việc táo bạo là tìm về những cảnh xưa. Người nói cùng ta nỗi buồn nơi quán chật đèo cao, nỗi buồn của sông dài, trời rộng, nỗi buồn  của người lữ thứ dừng ngựa trên non… Người đã gọi dậy cái hồn buồn của Đông Á, người đã khơi lại cái mạch sầu mấy nghìn năm vẫn ngấm ngầm trong cõi đất này. Huy Cận triền miên trong cảnh xưa, trò chuyện với người xưa, luôn luôn đi về trên con đường thời gian vô tận. Những con đường về quá khứ đi càng xa, càng cô tịch tứ bề càng vắng lặng, mênh mông. Có lẽ thi nhân trong cuộc viễn du đã có lần nhác thấy cái xa thẳm của thời gian và không gian, có lẽ người đã nghe trong hồn  hơi gió lạnh buốt từ vô cùng đưa đến. Một Pascal hay một Huygo trong lúc đó sẽ rùng mình, sẽ hốt hoảng. Với cái điềm đạm của người phương Đông, Huy Cận chỉ lặng lẽ buồn:
“Một chiếc linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu”
Đọc hai câu thơ ấy, ta nhớ lại cái buồn của một thi nhân khác, Trần Tử Ngang ngàn năm trước, cũng đã có một cuộc viễn du tương tự như thế trong bài Đăng U Châu đài ca:                            
“Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất tri lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên chi thế hạ”
(Ai người trước đã qua?
Ai người sau chưa đến?
Nghĩ trời đất vô cùng
Một mình tuôn giọt lệ)
(Võ Liêm Sơn dịch)
Cái buồn của Huy Cận không chỉ dừng lại ở đó mà còn trải dài, trải rộng sâu thẳm trong không gian, như vươn tới một miền quê viễn xứ:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
(Tràng giang)
Không gian nghệ thuật trong khổ thơ mở ra đến chân trời xa lơ xa lắc, do thế nỗi buồn của tác giả cũng vô tận. Bằng một sự quan sát tinh tế và sử dụng ngôn ngữ chắt lọc, Huy Cận đã vẽ lên một cảnh tượng thiên nhiên kỳ vỹ trong buổi hoàng hôn. Những đám mây bạc trắng xóa, hết lớp này đến lớp khác, từ trên cao dồn tụ lại, đùn lại nơi ngọn núi. Những lớp mây ấy lung linh, rực sáng trong ánh nắng chiều thật đẹp. Dưới bầu trời mênh mông kia, nơi ngọn núi xa xăm ấy, có một cánh chim nhỏ nhoi, đơn độc, đang nghiêng cánh dưới ánh nắng chiều vừa sa xuống. Buổi chiều đã buồn, cánh chim chiều nơi bầu trời mênh mông càng làm cho buổi chiều buồn thêm và lẻ loi hơn. Huy Cận đã từng phát biểu rằng từ “đùn” được sử dụng trong câu thơ “lớp lớp mây cao đùn núi bạc” là ông mượn từ bài thơ “Thu hứng“ của Đỗ Phủ “Mặt đất mây đùn cửa ải xa”. Và có lẽ hình ảnh chim nghiêng cánh dưới ánh chiều vừa sa xuống trong khổ thơ cũng là tứ, là ý mà Huy Cận chịu ảnh hưởng của Vương Bột đời Đường trong bài “Đằng Vương Các tự”: “Lạc hà dữ cô lộ tề phi”(ráng chiều sa xuống cùng với cánh cò đơn chiếc đang bay). Hình ảnh  mây, núi, chim trời và ánh chiều tà được kết hợp trong hai câu thơ đã tạo nên một phong vị cổ điển. Người ta thường nói thơ của Huy Cận mang âm hưởng phong vị thơ Đường có lẽ cũng bắt nguồn từ chỗ này đây. Hình ảnh thiên nhiên ấy đã gợi cho Huy Cận một nỗi nhớ quê cồn cào da diết. Điều cần nói thêm là nhà thơ với tâm hồn đang cô đơn, ngắm nhìn vũ trụ bao la, lặng lẽ rồi cảm nhận cái vĩnh viễn vô cùng của không gian, thời gian. Thời gian vô hạn vô cùng, không gian mênh mông vô tận, còn kiếp người thì hữu hạn. Chính cảnh ấy, tình ấy đã gợi cho nhà thơ viết nên hai câu cuối tuyệt tác:
“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Huy Cận thường phàn nàn rằng hai chữ “dợn dợn” trong câu thơ của ông là điệp từ nhưng khi in lại thành “dờn dợn”. “Dờn dợn” là một từ láy giảm nhẹ sắc thái nghĩa. Ý thơ của Huy Cận không phải thế. “Dợn” là nổi lên, cuộn lên như sóng. Lúc dòng thủy triều lên hay xuống, con nước chảy xiết, cuộn lên như sóng. Lòng nhớ quê của tác giả cũng y như thế. Có điều như nhiều nhà nghiên cứu đã nói, khi viết hai câu thơ này, Huy cận đã mượn tứ và ý từ hai câu kết của nhà thơ Thôi Hiệu đời Đường trong bài “Hoàng Hạc lâu” nổi tiếng, nổi tiếng đến nỗi khi vị thi Tiên Lý Bạch đến thăm danh thắng này không thể cất bút đề thơ được nữa, bởi “Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu”:
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.”
Nhà thơ Tản Đà đã dịch:
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.”
Câu thơ mang một nỗi nhớ thiết tha, một nỗi buồn sâu lắng  của Thôi Hiệu trong buổi chiều tà nơi đất khách nhớ về quê hương. Có điều, thi nhân đời Đường ngày xưa nhìn khói sóng trên sông mới nhớ quê tức là còn có cái để bám víu mà nhớ. Ngày nay, với Huy Cận, dù không có khói hoàng hôn trên sông, tức không có chỗ bám víu nhưng nhà thơ vẫn cứ nhớ nhà, vẫn cứ buồn. Điều đó chứng tỏ chàng thi sĩ lãng mạn Việt Nam buồn hơn, sầu hơn thi nhân đời Đường ngày xưa! Nỗi buồn nhớ quê hương ấy tràn ngập tâm hồn của kẻ tha hương trong buổi hoàng hôn. Nó cắt cứa, xoáy mạnh và cuồn cuộn đến da diết trong tâm hồn nhà thơ. Một nỗi buồn sông núi, biểu hiện tình yêu quê hương sâu đậm đến nhường nào!
Chỉ với bốn câu thơ như vừa nêu, Huy Cận đã cho người đọc thấy rõ  hồn thơ của mình, một hồn thơ hiện đại nhưng đậm chất cổ xưa, một trí thức Tây học nhưng mang đậm phong vị thơ Đường.
3. Ảnh hưởng thơ Đường với thơ Quách Tấn: 
“Đêm đã khuya, tôi ngồi một mình xem thơ Quách Tấn. Ngoài kia có lẽ trăng sáng lắm. Nhưng trời về thu, khí trời lạnh lạnh, cửa sổ trên bàn viết đóng kín. Ngọn nến trên bàn tỏa ra một bầu ánh sáng chỉ đủ sáng chỗ tôi ngồi. Chung quanh tối cả. Tối và im. Một thứ im lặng dày đặc. Trong ấy có muôn ngàn thứ tiếng ta không nghe. Lúc này chính là lúc xem thơ xưa. Tôi lắng lòng tôi để đón một sứ giả đời Đường, đời Tống. Đời Đường mới có cái âm u ấy”. Có lẽ những lời nhận xét của Hoài Thanh đã làm cho người đọc thấy rõ hồn thơ của Quách Tấn. Điều này thể hiện rất rõ ở bài thơ: ”Đêm thu nghe quạ kêu”:
“Từ Ô Y hạng rủ rê sang
Bóng lẫn đêm thâu bỗng rộn ràng
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng,
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng
Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi
Tình hoang mang gợi tứ hoang mang…”
Đọc kỹ bài thơ, đặc biệt là ba từ đầu tiên “Ô Y hạng” làm ta liên tưởng tới một bài thơ cổ của Lưu Vũ Tích đời Đường:
Ô Y hạng
“Chu Tước kiều biên dã thảo hoa
Ô Y hạng khẩu tịch dương tà
Cựu thời Vương, Tạ đường tiền yến
Phi nhập tầm thường bách tính gia”
(Cỏ hoa dại bên cầu Chu Tước
Ngõ Ô Y lướt thướt nắng tà
En lầu Vương, Tạ xưa xa
Bây giờ bay đậu vào nhà thường dân”)
(Đinh Ngọc Vũ dịch)
Một câu hỏi được đặt ra ở đây, tại sao tác giả lại nghĩ rằng quạ “từ Ô Y hạng rủ rê sang”?. Trong khi bài “Ô Y hạng” không hề nói đến quạ. Theo Quách Tấn thì “tôi dùng điển Ô Y trong bài “Đêm thu nghe quạ kêu” không phải vì vô ý hoặc dốt điển, mà chính vì có sở do”. Cái sở do kia phải chăng do bài thơ “Ô Y hạng” ám ảnh và chi phối suy tư của ông?
Để rồi đến bốn câu thơ thượng giải:
“Từ Ô Y hạng rủ rê sang
Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng”
Lời thơ hay, cảnh thu đẹp. Nhưng khi đọc kỹ và suy ngẫm khiến  ta liên tưởng đến một bài thơ đời Đường. Đó là bài “Phong Kiều dạ bạc“ của Trương Kế:
“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”
(Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến, sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn).
(Ngô Tất Tố dịch)
Từ một câu thơ đầu trong bài “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế “nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên” đã được Quách Tấn khéo léo phát triển thành bốn câu thơ cuối của bài.
Với hai từ “ô đề” ta được hai câu:
“Từ Ô Y hạng rủ rê sang
Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng”
Ba từ “sương mãn thiên” đã được phát triển thành câu thứ ba:
“Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng”
Hai từ “nguyệt lạc” đã được phát triển thành câu thứ tư:
“Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng”
Rồi đến hai câu luận:
“Bồn chồn thương kẻ nương song bạc
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng?”
Chính Hoài Thanh nhận xét “ta có thể lơ đãng không thấy rõ sương trên bến Phong Kiều, trăng trên dòng Xích Bích. Không thấy cả cái giếng sầu rụng. Nhưng sắc vàng kia! Cái sắc vàng trong giây phút chiếu sáng cả trời thơ!” Hai câu thơ ấy lại gợi cho ta nghĩ đến một bài thơ cổ khác có liên quan đến tiếng quạ kêu. Đó là bài “Ô dạ đề” của Lý Bạch:
“Hoàng vân thành biên ô dục thê
Quy phi “á, á” chi thượng đề
Cơ trung chức cẩm Tần Xuyên nữ
Bích sa như yên cách song ngữ
Đình hoa trướng nhiên tư vãn nhân
Độc túc cô phòng lệ như vũ”
(Mây vàng tiếng quạ bên thành
Nó bay tìm ngủ trên cành nó kêu
Tần Xuyên cô gái buồng thêu
Song sa khói toả như khơi chuyện ngoài
Dừng thoi buồn bã nhớ ai
Phòng không gối chiếc, giọt dài tuôn mưa)
(Tản Đà dịch)
Như vậy, ý của hai câu thơ  trên của Quách Tấn giống như ý tưởng ba câu cuối trong bài thơ của Lý Bạch. Dù rằng về cách biểu đạt thì Lý Bạch sử dụng phương thức kể, còn Quách Tấn lại sử dụng phương thức cảm, song ý thơ vẫn tương tự nhau.
Cái ý tưởng này còn được Quách Tấn sử dụng một lần nữa sát hơn, đó là hai câu cuối trong bài “Đêm tình”:
“Phòng không thương kẻ ngồi nương triện
Tình gửi mây xa lệ ngập ngừng”
Dồn lại, ta thấy ý tưởng trong bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” của Quách Tấn đã bắt nguồn lần lượt từ ba bài thơ nổi tiếng đời Đường. Từ đó thấy rằng lời nhận xét của Hoài Thanh về hồn thơ Quách Tấn như đã nêu ở trên là hoàn toàn chính xác.
4. Ảnh hưởng thơ Đường với thơ Thâm Tâm:
“Thơ thất ngôn của ta bây giờ thực có khác thơ thất ngôn cổ phong. Nhưng trong “Tống biệt hành” lại thấy sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ. Điệu thơ gấp, lời thơ gắt. Câu thơ gân guốc, rắn rỏi. Không mềm mại uyển  chuyển như phần nhiều thơ bây giờ. Nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại” (Hoài Thanh). Thâm Tâm nổi tiếng bởi “Tống biệt hành” và chính “Tống biệt hành” đã cho người đọc thấy thơ Đường đã ảnh hưởng như thế nào  đối với Thâm Tâm.
Đề tài tống biệt là một đề tài cũ, thường gặp trong thơ văn xưa ở Trung Quốc hay ở Việt Nam. Hầu như những nhà thơ nổi tiếng đều có những bài thơ hay về đề tài này như Lý Bạch, Đỗ Phủ (Trung Quốc), Nguyễn Du, Cao Bá Quát (Việt Nam) chẳng hạn.
Hành là một thể thơ cổ có trước đời Đường. Nó là một dạng của thơ cổ phong trường thiên với lối viết tự do, phóng túng, không hạn chế về số chữ trong câu, số câu trong bài và cũng không gò bó nghiêm ngặt về niêm, luật, vần, đối. Trong văn học Trung Quốc, chúng ta hay gặp những bài thơ viết theo thể hành như “Lệ nhân hành”, “Binh xa hành” (Đỗ Phủ), “Tỳ bà hành” (Bạch Cư Dị). Ở Việt Nam cũng có những bài hành nổi tiếng như “Sở kiến hành” (Nguyễn Du), “Đoản sa hành” (Cao Bá Quát). Riêng trong thơ ca lãng mạn, một số nhà thơ hay viết thể này như Thâm Tâm, Nguyễn Bính… và các bài hành thường sử dụng để diễn tả một tâm trạng bi phẫn, bi hùng như “Tống biệt hành”, “Trường can hành” (Thâm Tâm), “Vọng nhân hành”, “Hành phương Nam” (Nguyễn Bính)… Với một đề tài cũ, một thể thơ cổ như trên, nhưng tại sao từ khi ra đời đến nay, bài hành của Thâm Tâm lại hấp dẫn bao thế hệ người đọc?
Như thi đề của nó, “Tống biệt hành” là lời của người đưa tiễn, của tác giả đối với người ra đi, với “ly khách”. Vì thế, tình cảm trong bài thơ là tình cảm, là nỗi lòng của người đưa tiễn đối với người ra đi. Và thông qua tình cảm ấy người đọc sẽ hiểu thêm về nỗi lòng, tâm trạng của ly khách. Bài thơ có hai đoạn thơ và bốn câu thơ sẽ đề cập là bốn câu thơ nằm ở đầu bài thơ. Các nhà phê bình thơ xưa và nay đều thống nhất rằng đây là bốn câu thơ hay nhất trong toàn bài và đây cũng là những vần thơ mang âm hưởng thơ Đường. Bài thơ ‘Tống biệt hành” nổi tiếng cũng nhờ sức gợi, sức lay động của bốn câu thơ này. Bốn câu thơ thể hiện tâm trạng luyến lưu xao xuyến của người đưa tiễn trong buổi chia tay:
“Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”
Một số bạn cũ của Thâm Tâm cho biết, ông làm bài thơ này để tiễn một người bạn đi lên chiến khu thực hiện chí lớn. Gần đây chính người được tặng bài thơ cũng xác nhận điều này trong hồi ký của ông, và ông còn có một bài thơ với nhan đề là “Gửi Thâm Tâm” cùng lời chú thích “người đã vì ta mà viết bài hành Tống biệt”. Người ra đi, ly khách trong bài thơ là ông Phạm Quang Hoà (Đại tá Quân đội NDVN nay đã nghỉ hưu tại Hà Nội) và buổi tiễn đưa ấy, theo ông Hoà, ngoài người ra đi còn có ba người đưa tiễn là ba nhà thơ: Thâm Tâm, Trần Huyền Trân và Nguyễn Bính. Buổi tiễn đưa ấy diễn ra vào khoảng cuối hè năm 1939, và hôm ấy mỗi người tặng ly khách một bài thơ. Nguyễn Bính viết bài Chia tay, Trần Huyền Trân viết bài Tiễn đưa và Thâm Tâm viết Tống biệt hành (dựa theo Thế Anh, Góp thêm một vài tư liệu xung quanh bài “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, Tạp chí Văn, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, số 5/2000, tr.91-93). Những bài thơ ấy đều hay nhưng bài thơ “Tống biệt hành” của Thâm Tâm lại nổi tiếng hơn cả. Bài thơ là nỗi lòng của người đưa tiễn đối với ly khách và qua nỗi lòng đó, người đọc sẽ hiểu rõ hơn về tâm trạng của ly khách. Trong bài thơ, “ly khách” buồn chiều hôm trước, buồn sáng hôm nay. Nhưng vì chí lớn nên ly khách vẫn quyết tâm ra đi và cố làm ra vẻ dửng dưng trong buổi chia tay: “ một giã gia đình một dửng dưng”… “ ly khách! ly khách! con đường nhỏ/ Chí nhớn chưa về bàn tay không/ Thì không bao giờ nói trở lại/ Ba năm mẹ già cũng đừng mong”. Câu thơ “Chí nhớn chưa về bàn tay không/ Thì không  bao giờ nói trở lại” nghe như một lời thề, một sự quyết tâm mà mỗi lần đọc câu thơ này, chúng ta lại nhớ đến lời thề của tráng sĩ Kinh Kha ngày xưa khi vượt dòng sông Dịch, từ biệt Thái tử Đan nước Yên để qua đất Tần hành thích Tần Thủy Hoàng đế: “Gió đìu hiu, sông Dịch lạnh lùng ghê/ Tráng sĩ một đi không trở về”. Nước sông hôm ấy lạnh thật! Lạnh đến nỗi mà cả nghìn năm sau vẫn còn thấy lạnh. Cái cảm giác này đã được Lạc Tân Vương, một trong tứ kiệt thời Sơ Đường cảm nhận rồi thốt lên trong bài “Dịch thủy tồng biệt”
Điều lưu ý là không gian tiễn đưa trong bài thơ này không phải là dòng sông ly biệt, dòng sông chia tay như chúng ta thường gặp trong thơ văn cổ. Dòng sông trong thơ văn xưa thường là biểu tượng của nơi đưa tiễn. Một Thái tử nước Yên tiễn Kinh Kha trên dòng Dịch Thủy để sau này Lạc Tân Vương khi đi qua dòng sông này, nhớ lại chuyện xưa đã viết nên tuyệt tác “Dịch Thủy tống biệt”; Một Lý Bạch tiễn Mạnh Hạo Nhiên về Quảng Lăng cũng bên dòng Trường Giang từ nơi phía tây lầu Hoàng Hạc “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”… Ở đây như đã nói, buổi tiễn đưa ấy không diễn ra nơi dòng sông: “ta không đưa qua sông” nhưng lại “có tiếng sóng ở trong lòng”. Tiếng sóng ở đây là tiếng sóng lòng, là tình cảm, là nỗi đau của người đưa tiễn đối với ly khách. Vì là tiếng sóng lòng nên dòng sông ở đây chỉ là dòng sông tâm tưởng.
Tống biệt là đề tài xưa, hành là thể thơ cổ nhưng qua bài thơ này Thâm Tâm đã có sự đổi mới, cách tân, sáng tạo. Hình ảnh tiếng sóng trong lòng và hoàng hôn trong mắt có thể xem là hai hình ảnh độc sáng. Cũng là buổi tiễn đưa nhưng không có dòng sông ly biệt để gợi không khí bi hùng mà chỉ có nỗi buồn man mác, bâng khuâng. Cũng là buổi chiều ly biệt nhưng không có nắng vàng nhớ nhung mà chỉ có nắng không thắm, không vàng vọt. Chút nắng hoàng hôn ấy đủ để xâm chiếm cõi lòng và đọng lại trong đôi mắt của kẻ ở, người đi. Chính sự cách tân về hình ảnh, về cách diễn đạt ấy cùng với sự kết hợp hài hoà các biện pháp tu từ mà cả bài thơ cũng như bốn câu thơ mở đầu đã tăng thêm cảm xúc cho người đọc. Ở đây, do hoàn cảnh lịch sử của thời đại, Thâm Tâm không thể nói rõ tiễn đưa ai và ly khách ra đi để làm gì mà chỉ biểu lộ lòng yêu nước sâu kín của mình qua tình cảm ngưỡng vọng đối với người bạn ra đi vì nghĩa lớn. Đó là điều giúp ta hiểu tại sao khi bình bài thơ này trong ‘Thi nhân Việt Nam” Hoài Thanh đã xem bài thơ “đượm chút bâng khuâng, khó hiểu của thời đại”. Cái đượm chút bâng khuâng đấy phải chăng do âm hưởng thơ Đường bao trùm toàn bài thơ, đặc biệt là bốn câu thơ đầu?
III. KẾT LUẬN:
Như đã trình bày, có thể khẳng định rằng thơ Đường đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà thơ lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1932-1945. Tuy sự ảnh hưởng ở mỗi nhà thơ mỗi khác nhau  nhưng sự ảnh hưởng đó đã tạo ra một dấu ấn rất riêng, tạo ra những phong cách thơ khác nhau làm đa dạng, phong phú vườn thơ lãng mạn Việt Nam “Huống chi trong hàng thanh niên chịu ảnh hưởng thơ văn Pháp nhiều người lại quay về thơ Đường. Thanh thế thơ Đường ở nước ta xưa nay bao giờ cũng lớn. Nhưng vì cái học khoa cử, những bài thơ kiệt tác ngâm đi giảng lại hoài đã gần thành vô nghĩa. Nó chỉ là cái máy đe đúc ra hàng vạn thí sinh cùng hàng vạn bài thơ cổ. Đến khi khoa cử bỏ, chữ Nho không còn là một con đường tiến thân. Song thiếu niên Tây học cũng có người thích xem sách Nho. Họ chỉ cốt tìm một nguồn sống tinh thần. Họ đi tới thơ Đường với một tấm lòng trong sạch và mới mẻ, điều kiện cần thiết để hiểu thơ. Cho nên, dầu dốt nát, dầu nghĩa câu, nghĩa chữ lắm khi họ rất mờ, họ đã hiểu thơ Đường hơn nhiều tay khoa bảng”. Xin mượn lời của Hoài Thanh, nhà phê bình văn học nổi tiếng của thế kỷ XX để kết thúc bài viết nhỏ này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Trần Trọng San (biên soạn), Thơ Đường, 2 quyển, Bắc Đẩu, SG tái bản lần thứ 3, 1972.
2. Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, HN, tái bản, 1998.
3. Trương Chính, Nguyễn Khắc Phi, Văn học Trung Quốc, tập 1, NXB GD, HN, 1987.
4. Hoài Yên, Thấy gì khi đọc bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” của Quách Tấn, Tạp chí Hán  Nôm - Viện Nghiên cứu Hán Nôm, số 3/2001, tr.63-69.
5. Thế Anh, Góp thêm một vài tư liệu xung quanh bài “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, Tạp chí Văn - Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, số 5/2000, tr. 91-93. 
Nguyễn Công Thanh Dung
Theo http://www.ninhhoatoday.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...