Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

Ngọc An, thế giới thi ca trữ tình trong mùa thu diễm ảo của cuộc đời

Ngọc An, thế giới thi ca trữ tình 
trong mùa thu diễm ảo của cuộc đời

Đối với đa số những kẻ bước vào tuổi trung niên thì quả thật khó làm một bài thơ tình mặn mà xúc cảm. Có lẽ những rung động của con tim trong tuổi hoa niên hay trong tuổi thanh xuân của họ bị rơi rụng ít nhiều trên những nẻo đường đời mà họ đã trải qua. Lại nữa, gánh mưu sinh hay gánh hệ lụy làm tâm hồn họ mất sự tươi mát, làm trái tim của họ chai lì không còn mẫn cảm nữa.
Song có một điều lạ lẫm: khi đọc một vài bài thơ của Ngọc An in trong “Tuyển Tập Thơ Mùa Tình Yêu” do cơ sở Cảo Thơm thực hiện vào mùa Xuân 2000, tôi ngạc nhiên một cách kỳ thú: Thơ chị vẫn ăm ắp rung động, vẫn dạt dào tình ý, vẫn bát ngát men hương nồng đượm say sưa. Dường như chị sinh ra để làm loại thơ này Tuy không ướt sũng cảm tính như thơ tình yêu của của T.T.Kh, lại cũng không như loại thơ trữ tình rất dễ thương về phương diện nhân sinh quan của nữ sĩ Thu Hồng (1) thời tiền chiến, nhưng tình ý chân thành và đôn hậu trong thơ của chị cũng đã ghi nhiều dấu ấn đậm đà trong tâm hồn khách thưởng ngoạn không quá dễ dãi mà cũng không quá khó tánh.
Khuynh hướng thi ca, Ngọc An đã xác định ở bài “Màu Thời Gian” trong thi tập “Tiếng Thơ Là Những Đường Tơ Của Lòng”.
Người làm thơ để giải sầu thế sự,
Em làm thơ vắt cả máu tim mình.
Đem niềm đau từ thuở tuổi sơ sinh,
Gởi hết cả đời mình theo giấy mực.
Em đã viết với những điều rất thực,
Với ước mơ sâu kín của riêng mình.
Với tình yêu trong trắng thuở nguyên trinh,
Thuyền định mệnh đã vô tình đưa đẩy. (trang 85)
Vào một buổi sáng chớm hạ, tôi nhận được một bưu kiện kết xù do Ngọc An gửi tặng gọi là món quà văn chương gồm có: 1 tuyển tập thơ văn “Rừng Thu Xưa Vẫn Nhớ” (1998), 2 thi tập “Tiếng Thơ Là Những Đường Tơ Của Lòng” (1997), “Từ Miền Biển Sóng” (2000), 2 tuyển tập thơ văn gồm của nhiều tác giả trong đó có thơ của Ngọc An như “Hoa Vàng” (2003), “Nam Phong” (2005). Và đặc biệt là tập thơ của Ngọc An được phổ nhạc. Mỗi một tác phẩm là một công trình rực rỡ về hình thức: ruột được trình bày khoáng đãng, sáng sủa và đầy hình ảnh văn gia thi sĩ ở Bắc California và hình ảnh những văn hữu thi hữu từ bốn phương trời xa xăm đến viếng Thung Lũng Hoa Vàng. Còn bìa được tráng giấy láng bóng như vóc lãnh, vóc sa-teng và được trang hoàng bằng những tranh ảnh với màu sắc cực kỳ ngoạn mục. Nhìn những bìa sách, tôi có cảm tưởng màu sắc của trăm hồng nghìn tía lộng lẫy trong hoa viên ngự uyển nào về tụ họp để mở hội quần phương trong ánh thiều quang tươi sáng. Càng đặc biệt là quyển “Ngàn Năm Mây Trắng” (2002) gồm những bài thơ di cảo của cố thi sĩ Yên Bình, người bạn đồng tâm đồng điệu của Ngọc An và gồm thơ hoài niệm của chị cùng các bài thơ ai điếu của các tác giả khác. Đọc qua tác phẩm này, tôi liên tưởng đến giai thoại đẹp đẽ và u buồn hồi 38 năm trước. Số là thi sĩ Đông Hồ thất lộc vào năm 1969. Vợ của ông là nữ sĩ Mộng Tuyết (2) gom hết di cảo của ông để cho in thành những quyển: “Úc Viên Thi Thoại”, “Bội Lan Hành”, “Hương Gây Mùi Nhớ”, “Dòng Cổ Nguyệt”, “Đăng Đàn”, “Thiên Địa Gian”... Đó là những nén nhang tưởng niệm đấng trượng phu của bà quả phụ tài hoa kia. Cũng vậy, sau khi nữ sĩ Louise de Vilmorin từ trần, cứ mỗi tuần người tình muôn thuở của bà là đại văn hào André Malraux vào nghĩa trang thăm mộ bà và đặt trên mộ một bó hoa hồng đỏ thắm gọi là kỷ niệm mối tình say đắm của cả hai có sợi dây văn chương nối kết...
Tôi chưa hề được diện kiến Ngọc An, chỉ được ngắm chân dung chị qua nhiều tấm ảnh, đặc biệt là hai tấm ảnh in trên bìa trước và trên bìa sau quyển “Từ Miền Biển Sóng”. Ở tấm ảnh in trên bìa trước, chị có mái tóc cắt ngắn chải bảy ba như mái tóc Nữ Thần Điện Ảnh Greta Garbo vào thập niên 30 của Thế Kỷ 20. Chị mặc áo ngắn tay và chiếc maxi jupe màu đen đứng bên ghềnh đá ven biển gợn sóng màu xanh thẳm. Nét mặt chị buồn bã đăm chiêu. Ở tấm ảnh in trên bìa sau, chị có mái tóc rối rắm một cách nghệ thuật. Chị mặc áo hở cổ màu đen nổi hình tròn màu lam ngọc, khoác bên ngoài chiếc áo veste màu đỏ của hoa phượng vỹ, hoa vông đồng. Cặp môi chị tô son màu hồng ngọc rực rỡ. Miệng chị vẫn khép kín nụ cười. Dưới đôi chân mày cong cong như viền trăng mỏng, cặp mắt của chị cũng lộ vẻ đằm chiêu, như chìm đắm vào giấc mộng xa xăm, như không còn liên hệ với thực tại trong cuộc sống. Đây là chân dung của một nhà thơ nữ kiều diễm không tuổi tác và cũng có thể là người đẹp gợi hứng cho các thi nhân (une inspiratrice) như bà Récamier dưới triều đại Hoàng Đế Na-phá-luân Đệ Nhất. Vậy xin các bạn hãy đọc thơ tình yêu của Ngọc An để trong một giây phút nào đó, chúng ta có thể sống lại cái thời trẻ trung với trái tim mơn mởn tinh khôi. Đây bài “Giọt Nước Mắt Em” trong “Tuyển Tập Thơ Mùa Tình Yêu”:
Em đã khóc... một chiều bên gối nhỏ
Mưa ngoài kia như nặng hạt ru mềm
Gió ngoài kia như cất tiếng ru đêm
Chia nỗi nhớ mây dâng sầu ảm đạm...
Em đã khóc... vòm trời nghiêng sắc xám
Bão điên cuồng như dừng bước phiêu du
Hoa Phong Lan thẹn mặt với sương mù
Sao Bắc Đẩu cũng sa dòng lệ nhỏ...
Em hãy khóc cho thành nghiêng quách đổ
Giọt sầu em là bão tố đời anh
Lệ em rơi là mầm mống xây thành
Cơn thác nổi trong tim anh từ đó (trang 7)
Khi Em Hỏi
Rồi một hôm tình cờ anh đến hỏi
Em là ai, từ đâu đến nơi đây?
Và tìm hiểu về em thêm chút nữa,
Cuộc tình riêng ngang trái tự bao ngày.
Em vội vã gom hồng lên bếp lửa
Gọi tim về nhen nhúm chuyện ngày xưa
Ôi! Chóng quá thời gian trôi lặng lẽ
Hai mươi năm đau xót mấy cho vừa.
(trong thi tập “Tiếng Thơ Là Những Đường Tơ Của Lòng”, trang 111)
Lời thơ lẫn ý thơ sao mà sáng loáng như pha lê, trong vắt như dải suối mà kẻ vãn cảnh có thể nhìn suốt đáy để thấy những hòn cuội xinh xinh, những cụm rong mềm mại. Thơ của Ngọc An đơn giản, lưu loát, nhạc thơ êm như mộng, dịu như nhung. Ý thơ không thần bí, không ngoắc ngoéo, rối reng. Ngôn từ không kiêu sa, không nhiều ngữ pháp diêm dúa, không có những cụm từ (groupe de mots) phức tạp. Có người sẽ bảo thơ như thế này không đặc sắc, như một tời giấy trắng, như một tấm lụa bạch trơn, cần phải vẽ, phải thêu một chút gì đó cho mặt giấy, mặt lụa thêm phần ý nhị, thêm phân sinh sắc hơn. Tôi thiết nghĩ không cần. Cái đơn giản, cái trơn nhẵn của ngôn từ có thể làm hiển lộ cái chân tình và bộc lộ niềm tha thiết của tác giả hơn, nhất là ở những bài thơ lục bát, chẳng hạn như bài “Bâng Khuâng Nỗi Nhớ” trong thi tập “Tiếng Thơ Là Những Đường Tơ Của Lòng”. Đọc bài thơ này, chúng ta có thể liên tưởng đến giọng điệu trong thơ lục bát của nhà thơ nữ Hằng Phương (3) vào thời tiền chiến.
Bỗng dưng lòng cảm thấy buồn,
Nhớ quê, nhớ phố, nhớ nguồn, nhớ sông.
Nhớ trời phương cũ mênh mông,
Bao nhiêu kỷ niệm sầu chong ngọn đèn.
Nhớ bàn tay ấm thân quen,
Nhớ lần tiễn biệt bạn hiền năm xưa.
Sài Gòn sớm nắng chiều mưa,
Đường khuya phố nhỏ, chân khua nhịp buồn.
Chuyện đời ôm giấc cô miên,
Người đi còn lại ưu phiền trong tim.
Tháng ngày in dấu chân chim,
Buồn theo nỗi nhớ chìm vào hư không!
Mộng xưa chôn chặt trong lòng,
Người đi biền biệt vời trông bóng hình.
Đêm nay trời, nước lặng thinh,
Bâng khuâng nỗi nhớ riêng mình ai hay!
(trang 96)
Bài “Biển Vắng Thì Thầm” trong “Tuyển Tập Thơ Mùa Tình Yêu” vẫn là bài thơ tình yêu. Ở đây, tác giả không cần nhìn sâu vào nội giới và vào tình cảm của mình. Chị hiểu tâm tình mình bắng một trực giác kỳ diệu giữa khung cảnh giá lạnh bên bờ biển:
Biển vắng tiếng thì thầm
Cội thông già im lặng
Xa rồi... tình trăm năm
Còn đây bờ môi mặn...
Lá còn đâu ấp ủ
Cây mùa đông trơ cành
Biết tìm đâu người cũ
Giữa tinh cầu mong manh!
Vẫn giọt nắng thủy tinh
Xuôi thuyền xa bến đổ
Lữ khách vẫn vô tình
Đạp vỡ lá vàng khô...
Người con gái đợi chờ
Đã chín mùa đông phong
Chín mùa hoa mai nở
Xuân sắc nhạt môi hồng.
Còn gì nữa... người ơi!
Biển tương tư rã rời
Vết tình in trên cát
Sóng xô bờ cuốn trôi... (trang 8)
Qua các đoạn trích dẫn của hai bài thơ trên, chúng ta đã thấy gì trong thi ca của Ngọc An? Có phải thơ của chị đầy hình ảnh, được kiến trúc bằng những nét tạo hình hay không? Thơ mà thiếu hình ảnh, âm thanh, hương vị, hoặc những gì khơi dậy xúc giác, tình cảm chúng ta tức là thiếu những cái va chạm vào năm giác quan và cõi nội giới chúng ta thì chúng không còn là thơ nói riêng, không còn là văn chương nói chung. Nữ tiến sĩ Helen Keller bị mù mắt, bị câm điếc từ thuở nhỏ, nhưng bà vẫn viết văn được. Dù thế giới màu sắc và hình ảnh cùng thế giới âm thanh đóng chặt cánh cửa đối với bà, tách rời bà với thế gian, xô dẩy bà vào cõi tối tăm im lặng suốt đời. Tuy nhiên, còn xúc giác của bà vẫn mở rộng để bà viết những bài tùy bút đẹp tuyệt vời khi bà sờ đến những cánh hồng êm dịu, những giò huệ mảnh mai, những lượn sóng lăn tăn mát rượi trong dòng suối. Và còn khứu giác nữa chi. Mũi bà có thể tiếp nhận những mùi hương của cỏ cây, hoa lá, gió biển v.v... đem lại cho bà biết bao cảm hứng phong phú để bà viết văn. Như thế, xúc giác và khứu giác của bà chẳng những tạo cho bà trở thành một bậc vĩ nhân trong công cuộc tìm ra lẽ sống mầu nhiệm, mà còn giúp bà trở thành một hiện tượng rực rỡ trong lãnh vực văn chương. Vậy thì những nhà thơ của chúng ta hãy còn tiếp xúc với thế giới màu sắc, hình dáng, âm nhạc, tiếng động, hương vị thì lẽ nào chúng ta chỉ biết sáng tác những câu thơ khô khan, chữ nghĩa vô vị vô hồn như cái thây ma khô đét, như gỗ đá vô tri hay sao?. Thơ mà thiếu những cái va chạm vào giác quan người đọc là loại trái cây thiếu sinh tố, là thứ lá héo úa mất hết lục diệp tố. Ở thơ Ngọc An, chúng ta thường bắt gặp những hình ảnh rất thơ, những nét tạo hình nhịp nhàng và hài hòa trong thiên nhiên: nào mưa rơi giọt mềm, bóng đêm đen, hoa phong lan, sao Bắc Đẩu, nào cảnh biển vắng, cội thông già, cây mùa đông trụi lá, nào nắng thủy tinh, lối đi trải lá vàng khô, nào vết tình in trên cát, cuộn sống tràn trên cát... Như thế, ai mà dám bảo Ngọc An là thợ thơ? Ai mà dám bảo chị không tìm bắt được ngôn ngữ riêng biệt của thơ? Xin đọc bài “Đêm Mơ” trong thi tập “Từ Miền Biển Sóng”:
Hồn em là cả trời mơ mộng
Dẫu biết ngàn năm mây vẫn bay
Dâu bể trần ai trong cõi tạm
Vững lòng tin tưởng ở ngày mai.
Anh đến lòng em cơn bão dậy
Quỳnh tương em cạn chén tình say
Thiên thu mật ngọt như huyền thoại
Xao xuyến lòng này anh có hay?
Anh là ảo mộng giữa mùa đông
Nửa kiếp phù sinh vướng bận lòng
Gom cả tình anh vào giấc ngủ
Mơ thuyền cặp bến một dòng sông... (trang 110)
Đây là hình ảnh nửa hư nửa thực, chập chờn phiêu diễu mà chúng ta thường gặp trong cõi thi ca thời tiền chiến. Chúng được Lưu Trọng Lư sử dụng để đưa thơ mình vào một cõi riêng biệt trong thi giới. Bài thơ này của Ngọc An dù không hoàn toàn ảnh hưởng thơ ông ta, nhưng được phản ảnh một vài mảnh vụn lấp lánh trong một vài câu rải rác ở đâu đó. Cũng như nhà thơ họ Lưu, chị đưa bài thơ này vào cõi mộng cơn say trong cuộc tình của mình. Xin đọc thêm bài “Tâm Sự Với Xuân 2000” trong thi tập “Từ Miền Biển Sóng”:
Nắng đã hồng thêm con phố lạnh
Lung linh từng đợt gió heo may
Mình ta lạc bước khung trời vắng
Xác lá bên đường lất phất bay...
Xác lá như hồn thu vấn vương
Chiêm bao mộng mị cõi vô thường
Bóng dài nghiêng đổ trên hè lạ
Chỉ một mình ta giữa phố phường!
Nắng đã lui dần vào cõi tịch
Trả nhân gian màu xám âm u
Bàn tay níu vội thời gian lại
Chân bước mà nghe sóng dập vùi...
Biển ở quê hương biển có hay
Từng cơn xao động trái tim này
Lòng thuyền muôn thuở không dời đổi
Chia sớt cùng ta chút đắng cay! (trang 47)
Cuộc tình nào nếu không có nụ cười thì cũng có giọt nước mắt. Nụ cười là nguyên nhân tạo nên những bài Nhạc Thiều Ca (les Hymnes). Còn giọt nước mắt khơi thần trí sáng tạo của thi nhân để hình thành những bản Trữ Tình Ca (les Odes). Toàn bộ thi ca của Ngọc An không thiếu Trử Tình Ca đâu. Chị yêu say đắm như trôi lênh đênh trong men rượu nồng ngát say sưa để rồi quên thực tại, quên bóng tối dĩ vãng sau lưng, quên viễn ảnh tương lai cuối chân trời xa thẳm trước mắt. Xin đọc bài “Sóng Tình” trong thi tập “Tiếng Thơ Là Những Đường Tơ Của Lòng”:
Một sớm mai thức dậy
Không giống như mọi ngày
Hoa nở rộ trong tim
Hoa cười trong ánh mắt
Ta yêu anh thật rồi
Bởi lòng ta se sắt
Nhớ người yêu xa xôi
Để ta mòn mỏi đợi
Ngày đầu mới gặp nhau
Ngỡ như trong tiền kiếp
Quen nhau tự thuở nào
Thương nhau tình thắm thiết! (trang 113)
Giọt lệ không tạo cho Ngọc An sáng tác những khúc bi ca (les poèmes saturniens). Bi ca vốn là loại thơ để tác giả nhìn sâu vào đời sống, vào các tấn bi kịch trong cuộc đời. Chúng ta hãy đọc bài thơ “La Déesse du Soleil Couchant” (“Nữ Thần Tà Dương”) của nữ sĩ Renée Vivien. Bài thơ này tả cái đẹp chết chóc với sắc thái cường điệu. Đây là bài bi ca đúng hơn bài trữ tình.
Tóc em giống lá thu
Hỡi Nữ thần của chiều hôm, của những phế tích, của buổi tối
Máu buổi hoàng hôn là màu đỏ của mủ triều thiên của em
Em chọn vùng đầm lầy tù đọng làm tấm gương soi.
Mùi hoa huệ héo tàn và mùi cành cây ung thối
Bốc hơi từ tấm áo với những làn xếp biếng trễ của em; đôi mắt em
Theo dõi một cách uể oải những cơn mơ mộng xanh xao
Trong giọng nói hãy còn vọng tiếng thổn thức của những cuộc vĩnh biệt (4).
Giọt lệ chỉ khơi dậy cho Ngọc An nỗi buồn cô quạnh, những bài ca trữ tình. Xin đọc bài “Hải Âu” trong thi tập “Từ Miền Biển Sóng”.
Tản mác về đâu những áng thơ
Thời gian như huyệt lạnh sương mờ
Cố tâm nung nấu trong tiềm thức
Gợi nhớ riêng mình một ước mơ...
Ước mơ một kiếp là chim biển
Tung cánh Hải Âu khắp mọi miền
Côn đảo xa vời, đồng cát mịn
Chẳng nghe tâm não nặng ưu phiền.
Em sẽ đùa trăng trong bóng đêm
Rong chơi mỗi buổi nắng chiều lên
Dang tay ôm cả khung trời rộng
Nghe gió vi vu tiếng gọi thầm
Người yêu bé nhỏ của ta ơi!
Ta nhớ thương em suốt một đời
Dù kẻ chân mây người góc biển
Thuyền tình mang mãi chẳng hề vơi.
Em ước em là chim Hải Âu
Bao la tung cánh giữa ưu sầu
Cơ duyên tao ngộ người yêu cũ
Anh hỡi... bây giờ anh ở đâu? (các trang 106, 107)
Vết thương trong tim tác giả không nhức nhối lan rộng, nhưng mà sâu sắc dằng dai. Nhà thơ than vãn nhưng không rên rĩ, gào thét. Chị biết tiết chế tình cảm khi đối diện với cuộc tình đã mất, với niềm hạnh phúc đã phôi pha. Thơ như thế mới gây xao xuyến rất lâu trong lòng người đọc. Đây là bài “Tình Biển” cũng trong thi tập “Từ Miền Biển Sóng”.
Hỏi lòng đã thấy đủ chưa?
Ba mươi năm chẵn có thừa đắng cay
Chữ tình vượt khỏi tầm tay
Xuân xanh theo với tháng ngày rong rêu
Bụi tình bám vết chân kiêu
Nụ hôn gửi gió một chiều thu sang
Biển tương tư, biển ngỡ ngàng
Để thuyền tách bến lỡ làng duyên nhau
Thuyền đi đâu, thuyền về đâu?
Biển sâu lặng lẽ niềm đau mong chờ
Biển hờn biển giận vu vơ
Đẩy cơn sóng dữ xa bờ cát trôi
Biển bao la, biển ngậm ngùi
Chỉ thuyền mới biết một đời biển đau
Thuyền lênh đênh giữa biển sầu
Đêm đêm biển hát ngàn câu vỗ về
Ai đi xin nhớ lời thề
Một thời gặp gỡ đam mê nửa vời
Gởi theo sóng nước trùng khơi
Tình yêu nồng thắm bên trời ly hương.
(trang 64)
Sau đây là bài “Xuân Lẻ Bạn” khóc người tình thiên cổ trong thi tập “Ngàn Năm Mây Trắng”. Nhà thơ không thắp nén nhang trên bàn thờ hay trước mộ người quá cố mà chỉ thắp nén tâm hương trong nỗi hoài niệm thiết tha của mình. Ở đây, nhà thơ cố mường tượng cái thế giới bên kia cõi sống mà vong linh của người bạn lòng của mình đang lạc lõng trong đó. Bài thơ không vang vọng tiếng nức nở huyên náo, tiếng sụt sùi bi ai. Đó chỉ là những giòng lệ âm thầm trong cõi tịch liêu của một góc đời sâu kín:
Người ở đó bên kia vùng đất lạ
Có đón chờ mùa xuân đến hay không?
Có giai nhân má thắm với môi hồng
Để ấp ủ tình quân đêm giá lạnh.
Người ở đó một thiên đường bất hạnh
Lặng lẽ buồn biết than thở cùng ai
Đón xuân sang nơi thế giới lạc loài
Ru điệp khúc cùng sương khuya tẻ nhạt
Người ở đó côn trùng vang khúc hát
Điệu bi ai trong cõi sống vô thường
Để xuân này lòng mang nặng sầu thương
Xuân lẻ bạn, người ơi... người có hiểu???
(trang 99)
Ngọc An không chỉ thu hẹp thơ của mình vào tình yêu đôi lứa dù trong thứ tình yêu ấy, chị quẫy lộn như con lý ngư gặp nước trong mát của đầm sâu ao rộng, như chim én nhào lộn trong bầu trời cao rộng tràn ngập nắng xuân tươi. Tuy nhiên, tình yêu của chị lại thăng hoa lên một cung bậc cao hơn, lan rộng trong một lãnh vực có ý nghĩa đẹp hơn hay trong một không gian bao la hơn. Đó là tình yêu hướng về mẹ cha, tổ quốc, chính nghĩa. Đó cũng là tiếng thơ thời đại mà những nhà thơ vong gia khứ quốc nào một khi định cư trên một đất nước mới cũng xem như là một sứ mạng, một điểm tựa tinh thần để khơi nguồn cảm hứng đang tràn ngập tâm hồn của mình. Ngọc An đâu thể chỉ yêu đương sa đà, đâu thể chỉ đắm đuối trong nỗi đam mê thần tượng tình yêu đôi lứa của mình. Dù sao khi tìm cách dung thân trên đất nước mới, vết thương lòng của chị và vết thương tổ quốc chưa hẳn lành lặn. Ác mộng thời chiến tranh để chống Cộng cứu nước và ác mộng trong những ngày sông dưới chế độ Cộng Sản làm sao hết ám ảnh chị được? Cho nên tâm sự u hoài của Ngọc An được ký thác vào thi tập “Ngàn Năm Mây Trắng”.
Khởi đầu những bài thơ nhớ nước thương nhà là những bài thơ tìm về dĩ vãng gồm có thời hoa niên và tuổi thanh xuân của Ngọc An. Khoảng thời gian ấy được các thi nhân, văn gia dùng rất nhiều sáo ngữ thời đại nào là tuổi hoa, tuổi hồng, tuổi ngọc, tuổi ô mai, thuở dậy thì v.v... Nhưng giờ đây độc giả kiều bào đã vào tuổi trung niên, đã thu mình vào mùa thu cuộc đời trên đất khách rồi thì chẳng những họ không thấy những ngôn từ ấy rổng sáo nữa; mà trái lại chúng trở nên thân thương đối với tấm lòng hoài niệm của họ. Chúng gợi nên một chặng đời mộng ảo mơ hoa vô cùng kỳ thú của mình.
Chiều trở lại trên con đường tuổi ngọc
Tôi quay về một dĩ vãng mờ xa
Hình ảnh ngôi trường, tà áo thướt tha
Hàng phượng đỏ ven đường tươi nắng ấm...
Trong hoài niệm hiện về từ xa thẳm
Của một thời thơ dại sống hồn nhiên
Bên thầy cô, sách vở, lũ bạn hiền
Tôi có cả mưa xuân và nắng hạ...
(“Một Dĩ Vãng”, trang 163)
Đường về kỷ niệm đâu phải chỉ ngừng lại ở ngôi trường lớp học mà ở quê hương của tác giả. Đó là Vũng Tàu, một thành phố du lịch danh tiếng, một thị trấn hoa lệ bên bờ Nam Hải của đất nước Nam Kỳ Lục Tỉnh. Không gian nơi đó bao la khoáng đạt dễ mở rộng nội giới những kẻ mang sẵn nòi thơ, đưa cảm khái bát ngát và cảm hứng lai láng vào tâm hồn họ.
Vũng Tàu biển sóng vây quanh
Em về tìm lại ngày xanh tuổi hồng
Bao nhiêu năm cuộc phiêu bồng
Quê hương vời vợi đau lòng đỗ quyên
Rì rào gió cát hàn huyên
Từ em cất bước truân chuyên dập dồn
Rặng dừa rũ bóng hoài mong
Mà người đi mãi cánh hồng bay xa...
Thôi đành dấu mộng hải hà
Thuyền neo bến đợi trăng tà quạnh hiu
Bao nhiêu hạnh phúc chắt chiu
Đào Nguyên một thuở Nguyễn Lưu lạc đường!
Ai về gối mộng tơ vương
Ai đi biền biệt một phương ngóng chờ
Con đường kỷ niệm ngẩn ngơ
Tương lai, hiện tại, thẫn thờ... chiêm bao...
(“Biển Nhớ”, trang 146)
Từ niềm nhớ thương cố hương Vũng Tàu, tâm hồn tác giả bay xa hơn để đến những địa danh mà chị đã đến viếng thăm hay chỉ biết qua sách vở hay qua lời đồn đãi. Nhưng dù thì dù, tất cả địa danh ấy đều nằm trong non sông tổ quốc chúng ta mà nơi xứ lạ quê người tác giả luôn ấp ủ một niềm thương mến luôn tươi thắm đậm đà.
Sáng hôm nay nghe gió về lành lạnh
Thu đã chuyển mùa, anh có biết không?
Mây lang thang, hồn trĩu nặng nhớ mong
Nắng dìu dịu, lòng em buồn man mác...
Em bỗng nhớ mùa Thu xưa Đà Lạt
Mây Lam Viên mờ ảo phủ rừng thông
Mi-mô-sa từng hạt lệ rưng rưng
Bên hồ biếc, xôn xao cơn sóng gợn.
Em chưa có mùa Thu sông Hương núi Ngự
Huế mơ màng ôm cung điện nghìn xưa
Huế của ai... sao nhiều nắng lắm mưa
Em ao ước được một lần hạnh ngộ!
Em nghe nói: trời mùa Thu Hà Nội
Heo may về từng đợt gió buồn hiu
Lá vàng rơi trên đường phố cô liêu
Hồ Lãng Bạc, dấu tích xưa huyền sử...
Thế là đã hơn mười Thu cô lữ
Lá quê người sắc vàng đỏ mênh mang
Nhưng trong em, bao kỷ niệm úa vàng
Niềm cố quốc... quê hương xa vời vợi...
Anh biết đó, em vẫn hằng mong đợi
Một mùa Thu... ta nhặt lá vàng rơi!
(“Dấu Chân Thu”, trang 145)
Dù Đà Lạt có đôi lần tác giả thăm viếng, dù Huế và Hà Nội có nhiều lần chị mơ tưởng, nhưng đó là những hình bóng xa xăm hay những hình bóng trong cõi mường tượng mà thôi. Tuy nhiên, mấy nhịp cầu tre, mấy nhánh sông trên mảnh đất miền phù sa Sông Cửu vẫn là những hình ảnh gần gũi với tâm tình chị hơn. Dù là những hình ảnh tầm thường, nhưng vẫn ghi biết bao dấu ấn kỷ niệm yêu dấu và nhất là hình ảnh song thân của chị trong trái tim của chị. Chị nhân cách hóa con sông cái như người mẹ hiền (sông Mẹ). Còn những nhánh sông phụ lưu, chi lưu là đàn con. Tuy nhiên, tác giả còn ví những dòng sông (sông cái lẫn rạch con) là những dòng sữa của Đất Mẹ nuôi dưỡng những đứa con của Tổ Quốc thân yêu nữa. Một bài thơ mà hàm chứa nhiều ẩn dụ lớn lao như vậy vẫn là một bài thơ sản sinh từ thần trí sáng tạo tuyệt vời. Nhưng những nhịp cầu tre thì tượng trưng cho cái gì đây?. Tác giả dù không nói ra, nhưng chị đã mở cho chúng ta những dòng liên tưởng đến những niềm cảm thông nối liền những tâm hồn hòa hợp và đồng điệu với nhau, những niềm gắn bó da diết giữa những tình người đồng chủng đồng hương với nhau. Xin đọc “Mấy Nhịp Cầu Tre Mấy Nhánh Sông” trong thi tập “Từ Miền Biển Sóng”:
Có ai còn nhớ dòng sông Mẹ
Sinh trưởng đàn con nay lớn khôn
Chắp cánh đoạn trường nơi đất lạ
Quê nhà Mẹ khóc tạ dòng sông...
Ra đi con Mẹ có vui gì
Giọt lệ tuôn tràn phút biệt ly
Đau xót nghẹn ngào chân bước vội
Âm vang nhạc khúc biệt kinh kỳ...
Mấy nhịp cầu tre mấy nhánh sông
Như dòng sữa ngọt Mẹ nuôi con
Nặng tình sông núi bao xa cách
Thao thức từng đêm nát cõi lòng!
Nửa mảnh trăng buồn như vấn vương
Chim Quyên khóc bạn buổi lên đường
Dòng sông tức tưởi đau lòng nước
Mấy nhịp tình sầu biệt cố hương... (trang26)
Ở các đoạn sau của bài thơ “Mấy Nhịp Cầu Tre Mấy Nhánh Sông” hình như tác giả không chỉ tự than vãn hoàn cảnh bất lực của mình vì chị nghĩ rằng mình không làm được cái gì cho quê hương trong cảnh quốc phá gia vong. Hình như chị nhắn nhủ những người cựu chiến binh, những kẻ nuôi bền lửa thiêng ái quốc hãy góp tay góp sức vào đại cuộc. Xin đọc tiếp:
Phong sương đã nhuộm trôi màu tóc
Tuyết lạnh trời Tây bạc mắt môi
Ý chí quật cường không thể mất
Nhưng... cao niên kề một bên rồi!
Còn đâu anh dũng hiên ngang ấy
Góp mặt sa trường lướt gió mây
Vượt sóng trùng dương cơn bão tố
Còn đây... những dòng lệ đêm ngày!
Thôi rồi một mảnh tàn y
Súng gươm trả lại, oai nghi trao người
Hai lăm năm, chẳng nụ cười
Hồn thiêng sông núi, đất trời chứng minh
Đàn con vì kế mưu sinh
Vì hờn non nước điêu linh một thời
Ra đi góp gió phương trời
Mong ngày trở lại rạng ngời quê hương
Hai lăm năm, khóc đoạn trường
Mộng cao chí cả như sương dật dờ
Gửi hồn vào những vần thơ
Niềm riêng canh cánh đợi chờ bình minh
Soi gương chợt thấy bóng hình
Da nhăn tóc bạc giật mình Mẹ ơi...
(trang 27)
Nỗi niềm nhớ nước nhớ quê có thể hiện diện qua địa danh, hình ảnh trong bài thơ “Dòng Tâm Sự Nhỏ” trong thi tập “Thơ Là Những Đường Tơ Của Lòng”. Tâm sự hoài hương vẫn là tâm sự chung cho kiều bào. Nó tầm thường, phổ thông, nhưng mà nó gìn vàng giữ ngọc cho những con người còn thương tưởng tới cố quốc, không vì bã lợi danh ở hải ngoại mà mất gốc mất rễ. Bài thơ hoài hương càng có nhiều hình ảnh quê hương càng chứng tỏ tâm tình hoài vọng của tác giả càng tha thiết, càng thắm đượm và thâm thúy biết ngần nào! Niềm yêu quê làm cho tác giả thấy địa danh nào cũng đẹp, hình ảnh nào cũng nên thơ cả. Chị cố tình gọt sạch gai góc của xã hội phiền phức tại các địa danh ấy, chỉ giữ lại cái gì có khía cạnh tích cực và tốt đẹp trong tâm khảm của mình mà thôi.
Quê ta đó phía bên kia bờ biển,
Thái bình dương nay xa cách nghìn trùng
Ôi! Vũng Tàu nỗi nhớ thật mênh mông,
Những thành phố, đồng bằng và sông núi...
Ta ra đi với bao niềm hờn tủi,
Bởi quê hương đang nặng dưới gông xiềng.
Và Tự Do tiếng gọi quá thiêng liêng,
Mang ta tới nơi chân trời xa lạ.
Mảnh hành lý đầy thương yêu nỗi nhớ
Người ra đi tung đôi cánh thênh thang.
Bỏ lại sau lưng những lũy tre làng,
Con phố cũ, đường trơn màu đất đỏ.
Nhớ Đà Nẵng, Nha Trang chiều lộng gió,
Huế Cố Đô với thành quách rêu phong
Đà Lạt mờ sương che phủ đồi thông,
Cần Thơ đó, bến Ninh Kiều sóng gợn.
Phố biển Vũng Tàu, một thời mới lớn,
Dấu chân xưa trên cát có còn chăng?
Những dòng sông êm ả tắm màu trăng,
Con đò nhỏ khua chèo trên bến cạn.
Và tất cả nhạt nhòa trong ánh sáng,
Hòn Ngọc Viễn Đông sắc thắm Sài Gòn
Thủ đô một thời tình nghĩa sắt son,
Bao chiến sĩ vì quê hương nằm xuống.
Ta nhớ rõ như in trong tâm tưởng,
Những con đường, dãy phố, những dòng sông.
Những cái tên quen thuộc đến nằm lòng,
Từ Bình Triệu chạy dài vô Chợ Lớn.
Dinh Độc Lập, nhà thờ Đức Bà, Bưu Điện,
Chợ Bến Thành, Cầu Muối, chợ Bình Tây...
Chùa Vĩnh Nghiêm vươn tháp nhọn, ai xây?
Lăng Ông đó, những mùa xuân hái lộc!
Bao thương nhớ lòng ta thêm thổn thức,
Những dấu yêu, kỷ niệm một thời xa.
Việt Nam ơi! Hỡi đất tổ quê nhà,
Xin trang trọng gửi dòng tâm sự nhỏ.
(các trang 37, 38, 39)
Tổ quốc giang sơn là một vấn đề to rộng. Chúng ta yêu nó qua hồn thiêng Mẹ Tổ Quốc, qua anh linh các đấng tiền nhân đã đành. Nhưng cái ràng buộc chúng ta ngoài mảnh đất cố hương còn có gia đình chúng ta. Hai đấng sinh thành của chúng ta mới là hai mãnh lực mầu nhiệm để chúng ta gắn bó với cố quốc.
Cũng như bao nhiêu nhà thơ nữ nặng óc gia đình khác, cũng như bao nhiêu đứa con thương mến mẹ cha mà phải chịu cảnh lạc loài khác, Ngọc An vẫn không quên song thân của mình dù ở một phương trời hải ngoại chị bận bịu với cuộc mưu sinh phức tạp để đạt thành quả tốt đẹp đi nữa. Có tình yêu thương sâu sắc đối với cha mẹ, chị mới vững chải bước vào đời, mới giữ niềm tin yêu trong cuộc sống. Có tình yêu thắm đượm của người tình anh dũng, tâm hồn chị mới tràn ngập hoài cảm, ngòi bút chị mới nở hoa. Trong những tác phẩm thi ca của Ngọc An, hình cha bóng mẹ hiện diện rất nhiều. Mẹ cha chẳng những đã khơi nguồn cảm hứng tràn trề cho thơ chị mà còn là một ám ảnh không nguôi đối với chị. Cho nên trong thơ, khi chị viết chữ Cha hay chữ Mẹ thì hai chữ đầu (chữ C và chữ M) đều là chữ hoa.
Bài thơ “Hãy Vì Tôi” trong thi tập “Rừng Thu Xưa Vẫn Nhớ” nói lên niềm hoài vọng của tác giả đối với nghiêm phụ của mình, trong bài có hai đoạn nhắc tới từ mẫu của mình. Ý thơ đơn giản, tình thương yêu của chị đối với song thân chị bao giờ cũng đơn giản, cũng hồn nhiên, nhưng rất nồng đượm, rất chân thành. Bài thơ của kẻ nào đó dù có vụng về thô tháp cách mấy, nhưng bản chất chân thành của nó vẫn đưa thơ đi sâu vào tâm hồn độc giả một cách dễ dàng, trơn ngọt:
Nếu có dịp ghé qua vùng biển mặn
Hãy vì tôi, xin đôi phút dừng chân
Thăm giùm Cha tôi, tuổi sắp cửu tuần
Thăm giùm Mẹ, mộ phần nơi hoang lạnh...
Cha của tôi... tóc phủ màu sương trắng
Một thân gầy lặng lẽ sống cô liêu
Vì non sông người vẫn chắt chiu
Ôm hoài bão dẫu da mồi tóc bạc!
Đường đấu tranh trên nẻo đời luân lạc
Bước công danh sáng tỏ một phương trời
Bao đêm rồi con thao thức Cha ơi!
Mong tuổi thọ của Cha dài thêm nữa...
Người hãy vì tôi nhóm lên bếp lửa
Nấu nước pha trà đôi chén mời Cha
Con gái không về trong dạ xót xa
Ngụm trà nóng cho lòng Cha ấm lại!
Đồng cát trắng đã từng đêm khắc khoải
Ôm nỗi sầu, Mẹ hát khúc thiên thu
Mẹ đã về trong thế giới hoang vu
Con xa vắng để mộ phần lạnh lẽo...
Tha thứ cho con đường xa vạn nẻo
Giải Ngân Hà cách trở tháng ngày qua
Hãy vì tôi, vì tình bạn chúng ta
Đốt hộ tôi những tuần nhang trên mộ!
Hồn mẹ tôi sẽ linh thiêng phù hộ
Hương nhang thơm quyện đến cõi trời Tây
Cho chúng ta duyên tao ngộ một ngày
Trên đất khách pháo hoa bừng nở rộ...
(các trang 70, 71)
Nhưng rồi cha tác giả cũng chết theo người bạn trăm năm của mình. Đó là vào tháng sáu, nhưng tác giả không nói rõ năm nào, tháng sáu dương lịch hay tháng sáu âm lịch? Nhưng chắc chắn lúc đó trên đất nước Miền Nam Việt Nam, mùa mưa dầm đã vào sâu. Nhưng cũng tháng sáu ấy, cũng không rõ vào năm nào, người tình chiến sĩ của chị đã vùi thân vào lòng đất lạnh. Hai cái tháng sáu thống khổ đã ghi vào cõi hoài niệm nhà thơ nữ Ngọc An, nên chị chiêu niệm anh linh họ về trong phút hồi tưởng bi thương của chị.
Xin đọc bài “Tháng Sáu Ta Buồn Tim Tái Tê” trong thi tập “Từ Miền Biển Sóng”.
Năm nào tháng sáu ta rong chơi
Ánh nắng chiều nghiêng dưới mặt trời
Đuổi bướm vờn quanh hàng dậu tím
Thả diều theo ngọn gió chơi vơi...
Lần lửa bao mùa Xuân nở hoa
Mấy đông trở giấc đọng sương pha
Thả trôi mơ mộng vào hư ảo
Ôm chuỗi ngày buồn lẫn xót xa!
Tháng sáu nào mưa bão ngút ngàn
Tiễn người chiến sĩ vượt quan san
Đưa người yêu mến vào lòng đất
Ta đã một thời lệ chứa chan...
Tháng sáu này ta đếm tủi hờn
Cha vào huyệt lạnh với cô đơn
Hôm nào bên cửa Cha còn đứng
Vẫy vẫy tay chào để tiễn con!
Tháng sáu con buồn tim tái tê
Còn đâu Cha đứng đón con về
Âm dương cách biệt rồi Cha nhỉ?
Vĩnh viễn ôm sầu trong giấc mê...
Con thấy Cha từ trong bóng đêm
Bạc phơ mái tóc, ngủ êm đềm
Giấc ngủ ngàn năm không trở dậy
Cho con chua xót nghẹn ngào thêm!
Từ đây cho đến cuối đời con
Một bóng đơn côi giữa xứ người
Con khóc khi đời dâng bão tố
Con cười... nhưng giọt lệ đầy vơi...
(các trang 33, 34)
Trót yêu quê hương khốn khó, trót không thể cho tâm tình hòa điệu với cuộc sống trên xứ sở định cư, dĩ nhiên những nhà thơ luôn mơ một ngày về vinh quang khi đất nước dựng lại ngọn cờ xưa. Nhưng giấc mơ ấy, họ thầm biết chỉ mãi mãi là giấc mơ. Và dù ngọn cờ xưa có tìm lại trên cố quốc chăng nữa, nhưng chắc gì họ còn sống sót để trở về nhìn lại nó vẫy lộng trong bầu mây tạnh trời trong. Song họ vẫn tiếp tục mơ. Tâm trạng đó là tâm trạng chung của kiều bào nặng tình nghĩa, trong đó có tâm trạng của nhà thơ nữ Ngọc An. Xin đọc bài thơ “Sẽ Có Ngày” trong thi tập “Từ Miền Biển Sóng”:
Sẽ có một ngày ta trở lại
Núi sông hùng vĩ mượt màu xanh
Dòng thác reo vui mừng khách lạ
Hoa Xuân đua nở rộ trên cành
Sẽ có một ngày tay siết tay
Mừng mừng tủi tủi rượu, thơ, say
Tàn đêm thức trắng niềm tâm sự
Thân phận ly hương những tháng ngày!
Sẽ có một ngày ta với ta
Đồi cao vang dậy khúc hoan ca
Chim muông cầm thú cùng vui hót
Chào đón mùa xuân đẹp thái hòa...
Sẽ có một ngày bao chiến binh
Trở về đất Mẹ giữa bình minh
Thuyền xưa bến cũ dang tay đợi
Lệ đá rưng rưng khóc chuyện tình...
Chuyện tình của những kẻ ly hương
Quên mất mùa Xuân chốn dặm trường
Bỏ ngõ tim hồng nơi xứ lạnh
Nhìn nhau bỡ ngỡ, tóc pha sương!
Sẽ có một ngày con của Mẹ
Tìm về dòng máu chảy trong tim
Thiết tha nguồn cội bao ngăn cách
Dựng lại non sông kiến thái bình...
(trang 23)
Trong cõi thi ca, nữ sĩ Ngọc An có hai khuôn mặt: khuôn mặt của một người tình nhu mì âu yếm thường tâm sự với người yêu của bằng lời mềm mỏng, gắn bó. Đó là những lời thoát thai từ tấm lòng tha thiết và bền sắt tươi son. Khi hạnh phúc, chị không reo vang tưng bừng tở mở, không ba hoa với ngọn trào lòng lai láng của mình. Khi đau khổ, chị không bù lu bù loa, tru tréo như Nguyễn thị Hoàng, không dảy đành đạch như Túy Hồng, không khinh bạc kiêu kỳ như Linh Bảo (bên văn xuôi). Chị chỉ than thỉ một cách dịu dàng. Tiếng thở dài của chị mỏng nhẹ, ngắn ngủi, nhưng dễ thấm sâu vào lòng người.
Khuôn mặt thứ hai của chị trong thi ca là khuôn của một người phụ nữ gắn bó với tổ quốc quê hương và chính nghĩa. Chị không nguyền rủa, không đả kích trắng trợn chế độ đương thời ở quê nhà, không hằn học với những kẻ làm đất nước điêu đứng lầm than. Chị vẫn giữ thái độ điềm đạm rất thục nữ và rất thùy mị khi viết những bài thơ cho quê hương, cho những người vị quốc vong thân, cho những kẻ gánh vác hệ lụy sau cuộc đổi đời trên đất nước.
Sáng tác thơ chị không cần gò gẫm, cứ để cho mạch thơ tuôn tràn lưu loát như chất mật ong ngọt ngào rót vào chén sứ mỏng tanh. Chị không gọt tỉa trau chuốt ngôn từ một cách tỉ mỉ như người sành điệu gọt tỉa củ thủy tiên thành hình trân cầm thụy thú trong dịp Tết. Chị cũng không cần thoa son đánh phấn cho ngôn từ, không cần chạm trổ những ngữ pháp tân kỳ. Có vậy tình cảm trong thơ được hồn nhiên chân thực. Bởi đó chúng ta không lấy làm lạ tại sao thơ chị thật truyền cảm.
Chú thích:
(1) Thu Hồng là nhà thơ nữ thời tiền chiến, vốn là một tôn nữ đất Thần Kinh. Bà là tác giả thi tập “Sóng Thơ”. Bà mất tích trong thời chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh. Sau đây là đoạn thơ tiêu biểu của bà trong thi tập “Sóng Lòng”:
Mầm chán nản chớ len vào niên thiếu
Chớ len vào sớm quá tội em mà!
Em như nghe thời ấy vẫn còn xa,
Em chậm chậm để mong còn xa mãi;
Hãy là hoa, xin khoan là trái,
Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua.
(2) Mộng Tuyết là nhà thơ nữ đất Hà Tiên, là vợ của thi sĩ Đông Hồ. Bà đoạt giải văn chương do nhóm Tự Lực Văn Đoàn chủ trương vào năm 1939 qua thi tập “Phấn Hương Rừng”. Vào năm 1960, bà cho xuất quyển tiểu thuyết “Nàng Ái Cơ Trong Chậu Úp” qua bút hiệu Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội. Vào năm 1972, bà cho xuất bản thêm thi tập “Gầy Hoa Cúc”.
(3) Hằng Phương là con gái nhà chí sĩ Sở Cuồng Lê Dư và là vợ phê bình gia Vũ Ngọc Phan. Bà cùng 3 nữ sĩ Vân Đài, Mộng Tuyết và Anh Thơ cho xuất bản chung quyển hợp tuyển thi ca “Hương Xuân”. Vào thời tiền chiến, các nhà thơ nữ như Hằng Phương, Vân Đài, Mộng Tuyết, Anh Thơ, được Hoài Thanh và Hoài Chân đưa vào quyển biên khảo “Thi Nhân Việt Nam”. Về sau ít lâu còn xuất hiện thêm Ngân Giang và Mộng Sơn. Sáu nữ sĩ này vào thời kỳ Đệ nhất Cộng Hòa tại Miền Nam Việt Nam được Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng đưa vào quyển biên khảo “Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến”. Sau đây là bài thơ tiêu biểu “Lòng Quê” của Hằng Phương trang tặng Vũ Ngọc Phan đã đăng trên tạp chí Hà Nội Tân Văn:
Xưa kia em ở bên trời,
Ngây thơ chưa rõ cuộc đời là chi.
Mặc cho ngày tháng trôi đi,
Tóc mây nào biết có khi bạc đầu.
Chim non ở chốn rừng sâu,
Quanh mình chỉ thấy một màu xanh xanh.
Bình minh buổi ấy gặp anh,
Rủ em ra chốn thị thành xa khơi
Yêu anh em hóa yêu đời,
Theo anh chắp cánh tung trời bay cao.
Anh đưa em đến vườn đào,
Màu tươi sắc thắm em nào dám chê.
Nhưng em luống nặng hồn quê,
Nhớ thương cảnh cũ bốn bề núi non.
Nhớ nơi làng xóm con con,
Nhớ hương cây quế chon von trên đồi.
Bạn xưa, nhớ yến tha mồi,
Cành xưa, em đỗ những ngay còn thơ...
Đường xa, ngoảnh lại ngẩn ngơ,
Trông theo mây trắng thẫn thờ mắt xanh.
(4) Đây là bài thơ của nữ sĩ Renée Vivien tặng người đẹp Eva Palmer, một phụ nữ trí thức ưa khảo cứu văn minh Hy-lạp. Nàng có mái tóc hung hung đỏ như sắc mây hoàng hôn, thường gợi hứng cho các thi nhân vào Thời Đại Mỹ Lệ (la Belle Époque, tức là vào thập niên 10 của Thế kỷ 20). Cho nên thời nhân gọi nàng là “Nữ Thần Tà Dương”.
Tes cheveux sont pareils aux feuillages d'automne
Déesse du couchant, des ruines, du soir!
Le sang du crépuscule est ta rouge couronne,
Tu choisis les marais stagnants pour ton miroir.
L'odeur des lys fanés et des branches pourries
S'exhale de ta robe aux plis lassés; tes yeux
Suivent avec langueur de pâles rêveries;
Dans ta voix pleure encor (e) le sanglot des adieux.
Hồ Trường An
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...