Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

Hoa muộn - Nơi mùa xuân đi qua

Hoa muộn - Nơi mùa xuân đi qua

Vũ trụ này không có bắt đầu và không có kết thúc. Hay nói đúng hơn, con người không biết nó bắt đầu từ đâu và sẽ đi về nơi nào. Chỉ thấy các mùa cứ nối tiếp trôi qua, tuần hoàn đều đặn như lưu thông máu. Nếu nó “tắc nghẽn” ở đâu đó, e vũ trụ sẽ tới ngày tận thế.
Thành ra, người ta cứ thấy mùa xuân đến rồi đi, ba tháng vội vàng. thế nhưng, chí ít ta cũng có lý do để chờ đợi, bởi mùa xuân sẽ lại về. Như trẻ con cứ mong hoài đến Tết, người trẻ tuổi mong đến chiều thứ bảy. Chỉ có đời người lại không thể mong đến mùa xuân lần thứ hai.
Xuân đang đến nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.
(Vội vàng - Xuân Diệu)
Xuân xanh sẽ qua, tuổi trẻ, tình yêu sẽ trở thành hoài niệm. Người ta chỉ mong hạnh phúc ở kiếp này chứ cần mơ tưởng gì “chim liền cánh, cây liền cành” ở kiếp sau. Vậy nên, buồn cho ai khi mùa xuân qua rồi vẫn ngơ ngác, bơ vơ...
Có lẽ vì thế, đọc Hoa muộn của Phan Thị Vàng Anh, người ta cũng “bâng khuâng mơ hồ buồn” vì cái cảm giác “mai nở rồi mà vẫn không thành Tết”. Dòng thời gian cứ chảy, câu chuyện cũng nương theo, mạch sự kiện đều đặn đi qua những ngày cuối năm nhộn nhịp, rồi Tết hiu quạnh trong lòng người và những đóa mai nở muộn, cố bung mình đặc kịt hết cây mà vẫn không thấy xuân... Con người vì thế cũng phải trôi theo, dù muốn níu lại, dù muốn dừng chân.
Hoa muộn và thời gian:
Hoa muộn đạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn mini của tạp chí Thế giới mới năm 1994. Đúng tinh thần tên gọi “truyện ngắn mini”, Hoa muộn cũng nhỏ bé, gãy gọn, đặt vừa vặn lên hai mặt giấy A4. Đọc một loáng là hết chuyện, cũng nhanh chóng như cái khúc thời gian “gần cuối năm” đến “hết Tết” mà câu chuyện đã kể.
Tác giả của nó, Phan Thị Vàng Anh, là cây bút trẻ một thời được chú ý bởi một số truyện ngắn Khi người ta trẻ, Kịch câm, Yêu… Nằm trong mạch văn của dòng truyện ngắn 1975- 2005, truyện của Vàng Anh đều có cốt truyện rõ ràng và thời gian của điều được kể thường trùng với thời gian của truyện kể. Tức đây là kiểu truyện có cốt truyện tự sự có thời gian biên niên. Các sự kiện cứ diễn biến theo tuần tự logic nhân quả, khớp nhau trên cả hai trục thời gian lịch biểu và thời gian trần thuật. Hoa muộn cũng được xây dựng với tính chất thời gian như vậy.
Truyện ngắn thường đặt người đọc vào ngay giữa dòng chảy cuộc sống, trên một khúc sông nào đấy của đời người rồi đẩy ta đi tiếp: “Những vườn xung quanh, mai đã bắt đầu trụi lá”. Không gian mở ra là những vườn mai xung quanh, song cũng đã định vị thời gian cho những gì sắp diễn ra: “mai”, “đã bắt đầu”… Để rồi không gian sẽ thu về vườn mai còn rậm rịt lá nhà cô Hạc, không gian ngừng lại ở đó, chỉ có thời gian vẫn chảy, để rồi đối lập nghiệt ngã thời gian vũ trụ với thời gian đời người, nhất là người phụ nữ.
Truyện rất ngắn, các sự kiện cũng mỏng và giản dị. Ta có thể thấy chuỗi liên tục các “blốc” sự kiện (tức các đoạn tự sự cấu trúc nên văn bản tác phẩm) theo cách đánh số thứ tự của chính tác giả trong truyện:
1/ Gần cuối năm - Vườn mai nhà Hạc vẫn rậm rịt lá.
2/ Không ai nhặt lá - Tết không có mai.
3/ Hết Tết - bà cụ nhặt lá cho mai nở - Hạc cùng anh bạn đi dạo ngắm hoa.
Trình tự logic của các sự kiện theo một điểm tiến nhất định chính là niên biểu của truyện. Và ở đây, nó được dựng lên theo dòng chảy thực tế. Thời gian trần thuật cũng tự nhiên tuân theo, không xáo trộn, chỉ có đoạn ngoái lại để nhắc về “những chú nhỏ” đi qua vườn mai và những mùa xuân đời Hạc trong blốc sự kiện thứ nhất. Sự tái hiện những sự kiện đã qua cũng ngắn ngủi, điểm, lướt: từ “mấy năm nay” không ai nhặt lá mai cho Hạc, đến cụ thể “Tuyến lấy vợ, Nhật xuất cảnh, Chức cách đây mấy hôm thấy chạy xe vèo vèo ngoài ngã ba, chở một đứa con gái bé như cái kẹo…”, rồi quay lại xa hơn đến “những chú nhỏ năm xưa” thoảng qua đời Hạc, để lại một vài dấu vết, một vài kỷ niệm trong nhà, trong vườn, trong trí nhớ của mọi người. Những sự kiện xảy lặp: “những chú nhỏ… tay lăm lăm kéo, đứng chông chênh trên cái ghế gỗ, hay khom lưng giữa những tán mai già, nhặt lá… Hạc lúc tựa gốc mít, lúc đi quanh “chú nhỏ”, nói chuyện “ngụ ngôn”, đôi khi buồn cười, thấy hình như đã nói những câu như thế này, cũng trong tiếng chổi lạt xạt quét vườn, vào năm ngoái, với người năm ngoái. Rồi về, nấn ná ở cổng, hẹn tết nhớ đến coi hoa nở, à trước tết chứ, đến để còn chở đi chợ…”, giờ thấy xa xôi như đã qua từ lâu lắm.
Vậy trong blốc sự kiện 1, thời gian có sự trở ngược về phía trước trong ký ức của nhân vật:
 Năm xưa Cách đây mấy hôm; Mấy năm nay Cuối năm
(Hiện tại) (Quá khứ) (Quá khứ xa hơn)
Theo logic trần thuật, sự kiện đầu tiên phải là sự kiện cách xa nhất. Nhưng ở đây chỉ là những yếu tố gợi nhắc trong kiểu quay ngược theo lý thuyết thời gian tự sự. Nó không can thiệp rõ vào cấu trúc thời gian của truyện. Sự hoài niệm về những ngày xưa trẻ trung, nhiều người theo đuổi của Hạc là những góc, đoạn trong ý thức, tâm trạng, mạch nghĩ suy của nhân vật, nó như đối lập với thực tại “vườn mai rậm rịt lá” mà chẳng có ai đến nhặt. Ngoái lại những mùa mai đã qua, chỉ nghe ngậm ngùi: “Người vô duyên, không giữ được ai quá một năm!”.
Trên nền thời gian chính của truyện, các sự kiện diễn tiến trong hiện tại, tính từ thời điểm phát ngôn- thời gian kể của người kể chuyện. Vậy mà chẳng có từ “đang” hay “sẽ” nào, chỉ có 5 từ “đã”, cái nào cũng trôi qua, giật mình:
“mai đã bắt đầu trụi lá”
“mấy năm nay đã chẳng có ai đến nhặt lá mai cho Hạc…”
“năm nay mình đã bao nhiêu tuổi…”
Và rất nhiều từ chỉ thời gian cụ thể: “gần cuối năm”, “năm nay”, “28 Tết”, “mồng 1, mồng 2”, “Hết Tết!”, “bây giờ”…; hoặc mơ hồ hơn một chút “một chiều kia”, “khi mình còn trẻ”… Ngay cái tên truyện, Hoa muộn, cũng là dấu hiệu của thời gân, gợi cảm giác trễ tràng, hoang vắng.
Cấu trúc thời gian của truyện vì thế cũng rõ ràng và tuần tự. Trước Tết, Tết, rồi hết Tết, mùa xuân đi qua không đợi ai, kể cả những bông hoa trọn đời chỉ dành ân tình cho một mùa duy nhất. Hình như cái khoảnh khắc chuyển mùa, chuyển năm không gây nổi sự xáo động. Sự bận rộn của mọi người đã bỏ mặc vườn mai còn rậm rịt lá, không bung nổi mình để khai mãn những bông hoa, cũng như cái nhát gừng, trễ nải, lẻ loi pha chút cay đắng trong lời nói, suy nghĩ của Hạc cứ vụt qua trên những câu rất ngắn, trên nhịp thời gian gãy gọn. Tác giả đặt ra những mốc thời gian cụ thể, tạo không khí rất thực cho truyện, gần gũi với nhịp sống mọi người, và cũng qua đấy, người đọc nhận ra mùa xuân đi qua thật nhanh và chìm khuất trong lòng người mỗi lúc một cô đơn và trống trải.
Điểm nhìn trần thuật:
Người trần thuật trong Hoa muộn ở ngôi thứ ba, không tham gia ngôi hành động nào trong truyện. Lẩn khuất dưới câu kể lại thấy hiện lên những cảm giác, nghĩ suy, hồi tưởng, cách miêu tả, cả những câu trả lời không biết của ai… “Bên ấy chưa nhặt lá à?”. “Chưa ai nhặt lá mai cả”. “Nở quá đi chứ”, “Ờ, đúng rồi…”. “Họ không biết nói gì, nghiêm trang như giám khảo Hội hoa xuân”… Kiểu người trần thuật “biết hết” vốn không còn mới mẻ nhưng ở đây, tác giả cũng khéo léo hơn khi cứ dần di chuyển điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật đến lúc hòa trộn thành đôi mắt của nhân vật, nhìn cuộc đời, mùa xuân và từng sự kiện diễn ra với cảm giác của một cô gái có lẽ đã quá lứa lỡ thì: Miêu tả Hạc và cảm xúc bên trong như sự nhập thân “Hạc (…) đôi khi buồn cười, thấy hình như đã nói những câu như thế này, cũng trong tiếng chổi lạt xạt quét vườn, vào năm ngoái, với người năm ngoái”. Cách viết “Ờ, đúng rồi…”, “à, trước Tết chứ…”, cứ vu vơ như thể là dòng suy nghĩ của Hạc, lời của Hạc, mà cũng có khi chính là lời kể của người trần thuật “biết hết”. Cả cách miêu tả “anh ta lù khù, tay khư khư cái mũ vàng như củ nghệ, chậm chạp, mãi mới cởi được xăng đan để vào nhà” như cũng đồng tình với cái cau mày của Hạc: “Khi mình còn trẻ, cỡ này đừng hòng bò đến gần!”.
Lời thoại trực tiếp và lời thoại gián tiếp hòa trộn trong một ngữ điệu, truyện vì thế cũng như tuôn ra từ tâm sự của nhân vật. Sự hội tụ điểm nhìn của người kể chuyện- nhân vật và kể cả độc giả biểu hiện xu hướng hiện đại hóa, định vị tọa độ “tại đây- bây giờ” cho tất cả sự kiện trong truyện. Đây cũng chính là một đặc điểm của truyện ngắn có cốt truyện sự kiện biên niên. Truyện và chuyện vì thế đều là những kết cấu không khép kín, đang trôi trên trục thời gian hiện tại. Hoa muộn chỉ có hiện tại dang dở, quá khứ đã trôi về phía xa lăng lắc.
Và… nơi mùa xuân đi qua:
Mùa xuân ở miền Nam đặc trưng bởi hoa mai. Cứ cuối năm, người ta lại nhặt lá để mai nở đúng vào dịp Tết. “Những vườn xung quanh, mai đã bắt đầu trụi lá”. Chỉ có vườn mai nhà cô Hạc như thể bị bỏ rơi, vẫn còn dày đặc lá. Yếu tố đưa đẩy này xuất hiện làm nguyên nhân cho một chuỗi hồi ức lướt qua từng dấu vết còn đọng trên chiếc ghế, trại gà, vườn mai, cả âm thanh quét lá lạt xạt như cũng đánh thức một thực tại giật mình “Ờ, đúng rồi, mấy năm nay đã chẳng có ai đến nhặt lá mai cho Hạc…”.
Người ta đã mặc kệ vườn mai để vùi vào những bận rộn của ngày giáp Tết. Thế là mồng 1, mồng 2... không có mai. Tết như ngày chủ nhật có tiếng pháo, Hạc nghĩ. Thực tại trống trải lấp đầy lòng Hạc. Mùa xuân đến, mọi người vẫn hồ hởi, mai vườn nhà khác vẫn nở đẹp, chỉ có lòng Hạc buồn rũ rượi, chỉ có vườn mai nhà Hạc xanh một màu quạnh hiu. Mùa xuân đất trời vẫn tuần hoàn, xuân đời người lại một đi không trở lại. Tuổi xuân đi, tình yêu cũng theo hết. “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ...” (Trịnh Công Sơn). Quy luật bình thường của cuộc đời, với Hạc, lại ngậm ngùi đến thế.
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa một mình
(Ca dao)
Rồi mai cũng nở, sau ngày Tết. Những ngày vui qua mau, mọi người tiếc nuối trở về với đời sống thường nhật hằng ngày. Giờ đây, mai mới nở muộn, nhờ bàn tay bà cụ và bởi lòng “tội nghiệp”. Một “chú nhỏ” mới xuất hiện, “lù khù” và “chậm chạp” tô đậm thêm sự chua chát của Hạc. “Hai người khoanh tay bước, chỉ có tiếng lá mai lạt xạt dưới chân, họ vẫn không biết nói gì, nghiêm trang như giám khảo Hội hoa xuân… Và nắng chiều tắt dần, như một dải voan cũ vắt trên ngọn cây, nhợt nhạt…”. Xuất hiện trở lại cái âm thanh “lạt xạt” của lá vườn, nhưng lần này chỉ có tiếng lá, không có tiếng nói, tiếng cười, những chuyện “ngụ ngôn”… Chỉ có chiều muộn, khẽ khàng vắt qua, chầm chậm buồn. Có lẽ, nếu Hạc có đọc Kinh Thi (Trung Quốc), biết đâu cô sẽ nhớ đến bài thơ Phiếu hữu mai và đồng cảm ngậm ngùi với người đồng cảnh, cô gái Trung Quốc xưa cũng cảm thấy tuổi xuân qua mỗi lúc một nhanh như quả mai chín rồi rụng, lúc đầu còn thưa thớt, sau dồn dập như trút.
Cây mai rụng
Quả bảy trên cành
Ấy ai là kẻ cầu mình
Tính sao cho kịp ngày lành hỡi ai
Cây mai rụng
Trên cành quả ba
Hỡi ai là kẻ cầu ta
Tính sao cho kịp ắt là ngày mai.
Cây mai rụng
Nghiêng giỏ nhặt mai
Cầu ta ai đó hỡi ai
Tính sao cho kịp một lời bảo nhau.
(Tản Đà dịch)
Truyện ngắn mini có dung lượng ngôn từ hạn hẹp nhưng không đồng nghĩa với “ngắn” về nội dung. Khoảng thời gian ngắn ngủi để kể chuyện khiến người kể phải nỗ lực tìm cách thể hiện. Hoa muộn của Phan Thị Vàng Anh cũng tìm được cách xử lý riêng qua cấu trúc câu ngắn, nhịp câu gọn, nhanh và sự thống nhất các điểm nhìn cũng như chuỗi thời gian sự kiện. Điều ấy làm cho đời sống bên trong tác phẩm gắn với thực tại, với đời sống bên ngoài, hòa vào dòng chảy đời thực, tuy không phải để khuấy động điều gì, nhưng như một giai điệu buồn, âm thầm, ngậm ngùi, cho một đời người, cho một mùa hoa. Trong truyện ngắn, tác giả đan xen kể và tả. Có những câu miêu tả gọn mà súc tích cao, đôi khi còn hàm chứa chất thơ và tâm trạng, gợi cảm giác mênh mang.
Cuối truyện là một câu miêu tả giàu cảm xúc, thả ra như một tiếng thở dài miên man. “Và nắng chiều tắt dần, như một dải voan cũ vắt trên ngọn cây, nhợt nhạt...”
Nơi mùa xuân đi qua...
Không ai có can đảm để cô đơn, dẫu cố tự nhủ như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Hãy cứ vui như mọi ngày. Dù chiều nay không ai qua đây, hỏi thăm tôi một lời, vẫn yên chờ đêm tới. Dù lòng ta như con đường dài vắng người…” (Hãy cứ vui như mọi ngày).
Mùa xuân 2007
Nguyễn Phương Khánh
Theo https://cnx.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...