Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

Ám ảnh những mùa yêu trong thơ Hoàng Quý

Ám ảnh những mùa yêu trong thơ Hoàng Quý

Nhà thơ Hoàng Quý (Bà Rịa-Vũng Tàu) vừa ra mắt tập thơ Ngang qua cánh đồng, in lần thứ ba. Một tập thơ dày gần 500 trang in, nhưng có sức hút đối với người đọc từ đầu đến cuối…
* Như bước chân của thiên nhiên
Bạn thơ Hồ Ngạc Ngữ tóm lược về tác giả: “Hoàng Quý cũng là một công dân của thời đại mình, chịu chung những số phận thăng trầm của lịch sử. Anh cầm súng khi đất nước có chiến tranh; anh lên rừng để sưu tầm văn học dân gian, xuống biển để làm kinh tế khi đất nước hòa bình…”.
Bước chân Hoàng Quý đã đi khắp đất nước, với tư cách là người lính thiếu sinh quân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư chế tạo máy và là một người nghệ sĩ hát rong... Song điều đáng quý là hồn thơ anh sớm vượt ra ngoài bản ngã, thấm rất sâu và bay rất xa bằng tất cả đam mê dành cho thi ca. Ngay từ năm 16 tuổi, Hoàng Quý đã có những dòng thơ rất khác lạ xác định phong cách và thiên hướng sáng tác riêng của mình.
Tập thơ Ngang qua cánh đồng là tầng tầng lớp lớp những giấc mơ, những kỷ niệm, sự tượng hình lẫn cả chất cuồng nhiệt của một trái tim tràn đầy cảm xúc và tình yêu. Có thể nói Hoàng Quý đã yêu đến tận cùng những mùa yêu của tạo hóa, thiên nhiên, con người. Đọc thơ Hoàng Quý mà bỗng nhiên thấy khát chính là vì chìm vào cơn say không cưỡng lại được: “Em ơi! Cái bụng anh thèm nói lời yêu sao không thấy em đâu - Cái ruột cái gan anh đang gào hoài hơi trên ống sáo” (Ngẫu hứng qua Mường). Hoặc bài học tình yêu tưởng rằng giản đơn mà muôn đời không lý giải được:
Tôi tìm mãi vòng trời anh vẫy cánh
Tìm mãi cái đường bay anh mường tượng trong thơ
Con ong trước lúc lấy được một phần nghìn gram phấn hoa về gieo giọt mật
Nó phải vòng vo đo đếm trăm lần rồi mới lao đi
Mà cái hướng nó bay, cái vệt nó lao trong trời hun hút ấy
Thiếu gì những quạ đen và chim cắt rình chờ…
(Hãy biết yêu rồi hãy đau)
Hoàng Quý cũng là người yêu đến cùng những mùa, đó là sự vận động của cuộc sống, thời gian, của tư tưởng, của chính anh... Cảm thức mùa và sự giao mùa xuất hiện nhiều lần trong tập Ngang qua cánh đồng: “Ai hát khúc du ca mùa đông - Cô xót cả bầu trời cám dỗ” (Du ca mùa đông); “Đặt em bên mùa xuân - Xuân lây thơm - Xuân luân hồi miên viễn” (Bên mùa xuân); “Như sen, em nở hết mùa mình - Ta cuối hạ - Ta tàn thu trước mặt” (Bài thơ cuối hạ)…
Song mùa thu chính là thời khắc tiêu biểu cho tình yêu lớn lao mà Hoàng Quý dành cho cuộc đời với rất nhiều bài thơ: Viết khi chưa mùa thu, Đi gặp mùa thu, Giã biệt mùa thu, Hà Nội thu rồi khoe mắt lá răm, Lời tạ mùa thu, Chợt thu...
Hoàng Quý nói về mùa thu bằng ngôn ngữ cảm xúc chắt ra từ đáy tim:
Sao cứ nhớ vu vơ như chưa từng được nhớ
Trang thơ xanh. Và những cánh đồng chiều
Càng đọc càng thấy mình nhẹ dạ
Sự cả tin thường xót xa nhiều
(Trước mùa thu)
* Lắng đọng những mùa yêu
Những cung bậc cảm xúc và nỗi hoài cảm trong thơ Hoàng Quý gắn liền với không gian, thời gian, mặc dù trong thơ đó là vô định và vô hạn định. Bởi trí tưởng tượng và nét thơ tài hoa cứ bật lên như quy luật sinh trưởng của đất đai, của mùa màng, của tình yêu mà không bị giới hạn bởi bất cứ điều gì. Nhà thơ yêu cánh đồng trong tâm tưởng, một cánh đồng ngang qua đời người mà vĩnh cửu - đó cũng là những khoảnh khắc, những điều thoáng qua, vô thường mà miên viễn:
Tôi đã đến đã gieo trồng và vun xới
Trên thửa ruộng tôi, trên cánh đồng đời
Tôi đã ngắm đã tìm và đắm đuối
Trong hoang mang những Cánh - Đồng - Người
(Tự khúc)
Và có một tình yêu bền bỉ, gắn bó, đồng hành cùng Hoàng Quý suốt đời, vừa mang tính tất yếu vừa mang tính tâm linh làm nên tâm hồn nghệ sĩ, đó là tình yêu ngôn ngữ tiếng Việt trí tuệ, hình tượng… Người đọc không thể cắt nghĩa được ngôn ngữ thơ của Ngang qua cánh đồng được tác giả viết trong trạng thái nào - song nhà thơ Trịnh Thanh Sơn cho rằng Hoàng Quý: “Lúc nào cũng có thể thăng hoa như người say, hơn cả người say, say thơ và say nhạc…”. Lao động sáng tạo của nhà thơ Hoàng Quý là hết sức nghiêm túc, để có được những dòng thơ ngẫu hứng và say đắm:
… Đã thích nhau thì cứ gì đến hội mới trèo cầu đi cõng vợ
Không có cầu, thích, thì anh lội ào qua thác lũ tìm em
(Ngẫu hứng qua Mường)
Đối thoại trắng là một trường ca được Hoàng Quý chăm chút qua hàng chục năm, đã từng được nhà thơ đọc tại Văn miếu Quốc tử giám - Hà Nội trong Ngày Thơ Việt Nam năm 2009.
… Ta chỉ tặng em quà - một nụ hoa bé tí
Nụ hoa có phần cánh là thủy chung còn phần kia máu rỏ
Tích tụ lần hồi tự Tổ tiên ta
Giờ, ta dâng em lau nước mắt
Mong nguôi đớn đau em đêm trở dạ một mình
Và che chắn những ngày đông thấu ruột
Thổi từ bao cuộc chiến chinh…
Đối thoại trắng nói riêng, Ngang qua cánh đồng nói chung là một bản tình ca ngợi ca tiếng Việt đẹp đẽ, tinh tế đến mê hoặc; một bản hòa ca với hai chữ Nhân Dân viết hoa… và cũng là một kết tinh rất đẹp của hồn thơ Hoàng Quý.
19/3/2020
Trần Thu Hằng
Theo http://www.baodongnai.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...