Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

Con cò - Một biểu tượng nghệ thuật của thơ ca từ dân gian đến hiện đại

Con cò - Một biểu tượng nghệ thuật
của thơ ca từ dân gian đến hiện đại

Cho đến nay, chưa thấy ai đưa ra thống kê về số lượng và tần suất xuất lần hiện hình ảnh của con cò trong thơ ca Việt Nam từ dân gian đến hiện đại. Chưa, và chắn chắn sẽ không có, vì không ai đủ sức để làm nổi. Nhưng điều mà ai cũng có thể nhận ra là con cò (hay cánh cò) đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật mang đậm hồn Việt trong thơ ca từ dân gian đến hiện đại.

Cùng với cây đa, lũy tre, bến nước, con đò, mái đình, cây cầu, dòng sông, cái yếm, chiếc khăn…, con cò đã trở thành biểu tượng xuất hiện rất nhiều trong ca dao, qua đó, phản ánh cuộc sống thanh bình cũng như tình cảm phong phú và mãnh liệt của người dân nước ta. Biểu tượng con cò trong ca dao là biểu tượng của cái đẹp. Người nông dân Việt Nam rất gần gũi và gắn bó với con cò. Nhìn đàn cò trắng bay trên cánh đồng bát ngát, lòng người cảm thấy phơi phới lạ thường, quên hết nỗi nhọc nhằn sau một ngày làm việc. Tuy thân hình mảnh khảnh, chân cao, cổ dài, nhưng với bộ lông trắng ẩn chứa một vẻ đẹp thanh thoát nên người dân làng quê nhận thấy ở đó có những nét tương đồng, gần gũi với mình, thân phận mình. Sự tương đồng ở chỗ lớn lên giữa nhiều gian nan, phải mưu sinh cơ cực với cảnh “Trời mưa quả dưa vẹo vọ/ Con ốc nằm co/ Con tôm đánh đá/ Con cò kiếm ăn” mà vẫn giữ được cốt cách trong sạch, thanh cao. Trong tình yêu đôi lứa, cánh cò đã gợi lên nỗi nhớ nhung của bao đôi trai gái:
Một đàn cò trắng bay quanh
Cho loan nhớ phượng cho mình nhớ ta
Mình nhớ ta như cà nhớ muối
Ta nhớ mình như Cuội nhớ Trăng
Có khi hình ảnh đàn cò trắng được mượn để làm biểu tượng để nói về nghĩa tình, về sự đoàn tụ, sum họp trong gia đình:
Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về
Cò về thăm quán cùng quê
Thăm cha, thăm mẹ, cò về thăm anh...
Cũng có khi con cò được mượn để phê phán những hiện tượng đáng trách như “Cái cò là cái cò quăm/ Mày hay đánh vợ, mày nằm với ai/ Có đánh thì đánh sớm mai/ Chớ đánh chập tối chẳng ai cho nằm!”, hay như “Con cò lấp lé bụi tre/ Sao cò lại muốn lăm le vợ người/ Vào đây ta hát đôi lời/ Để cho cò hiểu sự đời , ở ăn”, nhưng đa phần đây là con vật được mượn để nói về những điều tốt đẹp của cuộc sống. Đằng sau các lũy tre làng, từ thế hệ này đến thế hệ khác, có bao khúc hát ru con của người mẹ đã êm đềm cất lên, trong đó hình ảnh con cò hiền lành đã hiện ra đưa trẻ thơ vào giấc ngủ, như:
À ơi! Cái cò là cái cò con
Mẹ đi xúc tép, để con ở nhà
Mẹ đi lặn lội đồng xa
Mẹ sà chân xuống, phải mà con lươn
Ông kia có cái thuyền buồm
Chở vào rừng rậm xem lươn bắt cò
Ông kia chống gậy lò dò
Con lươn thụt xuống, con cò bay lên
Nói chung trong ca dao dân gian, con cò là một biểu tượng nghệ thuật xuất hiện trong nhiều hoàn cảnh, có khi đó là hình ảnh rụt rè rất đáng yêu của một cô nơi thôn dã trước trước cảnh hội hè: “Con cò trắng toát như bông/ Muốn nghe hát đúm mà không chịu vào/ Nghĩ gì, cò đậu cành cao/ Nghiêng nghiêng, nghé nghé nửa chào nửa e/ Xuống đây cho ta nhắn nhe/ Đừng đứng trên ấy gãy tre của làng”; có khi đó là lời thở than của một thân phận rơi vào hoàn cảnh éo le như: “Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao/ Ông ơi ông vớt tôi nao/ Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng/ Có xáo thì xáo nước trong/ Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”. Tuy nhiên, có nội dung khá đậm nét, rất dễ nhận ra là, ở nhiều câu ca dao, hình ảnh con cò đã được hóa thân để nói lên những đức tính tốt của người phụ nữ Việt Nam, suốt đời chịu thương, chịu khó lo cho chồng, cho con. Chẳng hạn:
Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng
Vất vả, “lặn lội thân cò” với bao lo toan kiếm ra miếng ăn, cái mặc. Thế nhưng họ không hề than vãn, cả một đời chỉ mong mọi việc được êm thắm, mong ước cho đàn con trưởng thành:
Cò tôi bay lả bay la
Bay từ cửa tổ bay ra cánh đồng
Cha mẹ sinh đẻ tay không
Cho nên bay khắp tây đông kiếm mồi
Trước là nuôi cái thân tôi
Sau nuôi đàn trẻ nên đời cò con.
Một mai khôn lớn vuông tròn
Rủ nhau bay khắp nước non xa gần
Nhiều lúc, tình thương, sự lo lắng của cò mẹ qua ca dao, khi đọc ta không tránh khỏi bồi hồi mặc dù mọi chuyện diễn ra trong khung cảnh yên bình:
Mặt trời lặn xuống bờ ao
Có con cò mẹ bay vào bay ra
Cò con đi học đường xa
Thẩn thơ chỗ nọ la cà chỗ kia
Đi đâu mà chẳng chịu về
Cơm canh mẹ đợi còn gì là ngon.
“Con cò” trong ca dao là biểu tượng đẹp và gần gũi. Cũng chính cái biểu tượng đẹp đậm chất truyền thống ấy đã tiếp tục xuất hiện, chắp cánh cho các nhà thơ ca Việt Nam ở những giai đoạn sau đó. Trong phần thơ Nôm của Nguyễn Trãi, trong bài “Ngôn chí số 20”, hình ảnh con cò đã  hiện lên thật gần gũi, thân thương qua hai câu:
Cò nằm, hạc lẩn nên bầu bạn
Ủ ấp cùng ta làm cái con
Đoàn Thị Điểm trong bản dịch tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn sang thơ Nôm, đã đặt hình ảnh con cò trong một bức tranh đầy sắc màu của làng quê:
Trông bến nam bãi che mặt nước
Cỏ biếc um dâu mướt màu xanh
Nhà thôn mấy xóm chông chênh
Một đàn cò đậu trước ghềnh chiều hôm...
Từ cuối thế kỷ XIX về sau, trong thơ ca Việt Nam hình ảnh con cò xuất hiện ngày càng nhiều song có lẽ bài thơ được người đọc luôn nhắc đến là bài “Thương vợ” của nhà thơ Trần Tế Xương. Đây là một bài thơ tiêu biểu mượn thân cò để nói lên thân phận của một người phụ nữ, và qua đó với giọng thơ hóm hỉnh, tác giả đã bày tỏ tấm lòng yêu thương, kính trọng của ông đối với người vợ tần tảo hy sinh suốt một đời vì chồng, vì con, vì gia đình;
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa, dám quảng công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không
Sau Trần Tế Xương, bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên cũng là bài rất được chú ý. Thông qua lời ru của người mẹ, bài thơ đã gợi lên bao tình cảm xúc động. Không chỉ có những hình ảnh ngọt ngào từ câu ca “Con cò bay la/ Con cò bay lả/ Con cò Cổng Phủ/ Con cò Đồng Đăng...”, mà ở đó còn ẩn chứa những lo toan cho đoạn đường đời phía trước mà ngày mai con mình sẽ dấn bước:
Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân
Con chưa biết con cò con vạc
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân
Cùng với “Thương vợ”, bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên là bài thơ hay trong thơ ca Việt Nam. Chỉ là một khúc hát ru à ơi về con cò bên chiếc nôi đưa nhưng Chế Lan Viên đã nói lên bao điều thiêng của tấm lòng của mẹ:
À ơi!
Một con cò thôi
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi
Ngủ đi, ngủ đi!
Cho cánh cò, cánh vạc
Cho cả sắc trời
Đến hát
Quanh nôi
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh cũng có một bài thơ mang tên “Con cò” và bài thơ được khai thác ở khía cạnh người lính ra chiến trường nơi biên giới nhớ về hình ảnh người vợ đang ngồi thêu từng đường chỉ bên bức tranh có hình ảnh chú cò đang bay lượn với “vãn hội cấy chiêm/con cò bay lên/nhằm khung thêu nền vải rất mềm”. Bài thơ rất gợi bởi những câu:
Biên giới anh lên chưa lặng súng
những cánh cò mềm đậu cứ oằn nghiêng
khói cay xè cánh mũi
lá tre bay
giấc ngủ trùng triềng
chao ôi, câu ca thân cò lặn lội
cò bay đến khung thêu mà vặn hỏi
em chọn chỉ mà gì
đồng đang cấy chiêm, nôi trẻ ngủ
và ụ súng đắp dày lá cỏ
có như là khung thêu
Về những đoạn thơ, những câu thơ lẻ mà những nhà thơ Việt Nam hiện đại mượn hình ảnh con cò, cánh cò để nói về quê hương đất nước có rất nhiều, khó mà kể hết. Nếu trong bài thơ “Trên đường thiên lý”, Tố Hữu mượn cánh có để bày tỏ niềm tự hào trước “Quê hương ta nghe phấp phới trong lòng/Đôi cánh cò trắng vẫy mênh mông” thì Lưu Quang Vũ trong bài thơ “Tiếng Việt”, cánh cò đã hiện lên với nỗi nhớ mênh mang “Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm/ Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về”.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, “thơ ca cũng lên đường đánh giặc” và hình ảnh những chú cò trắng cũng đã xuất hiện rất nhiều trong các bài thơ. Chẳng hạn như trong bài thơ “Mùa đánh Mỹ”, nhà thơ Nguyễn Mỹ đã viết:
Những cậu sáo đen, những nàng cò trắng
Theo đường cày mổ bắt giun, sâu
Chúng nấp cả vào chân người cày ruộng
Khi lũ quạ sắt kia đến bắn phá trên đầu
Còn đây là một đoạn trong bài thơ “Bài hát ru em bé trên đường chạy giặc” của nhà thơ Xuân Quỳnh:
Ngủ đi nào hãy nằm mơ
Thấy con cá lội, cánh cò trắng bay
Quả cây chín ở cành cây
Mưa xuân suối mát đang đầy mênh mông

Thật ít có biểu tượng nghệ thuật nào xuất hiện nhiều trong thơ ca Việt Nam từ dân gian cho đến hiện đại như hình ảnh con cò. Đó là một biểu tượng mang dấu ấn truyền thống đầy nhân bản, một biểu tượng đẹp tạo nên bức tranh đẹp của đất nước như Nguyễn Đình Thi từng viết trong trường ca “Bài thơ Hắc Hải”:

Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu...
3/12/2020
Nguyễn Huấn
Theo http://tapchinhatrang.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...