Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

Trăng trong thơ của hai thi nhân kiệt xuất nhất thời Đường

Trăng trong thơ của hai 
thi nhân kiệt xuất nhất thời Đường

Từ xưa, ánh trăng trung thu luôn là chủ đề bất tận của các thi nhân để bày tỏ những nỗi niềm vui buồn, những tháng năm thăng trầm, nỗi nhớ quê hương và ước nguyện cuộc sống. Lý Bạch, Đỗ Phủ, hai thi nhân xuất chúng của văn học Trung Hoa, đã có những áng thơ bất hủ về ánh trăng.
Trăng trong thơ của Lý Bạch
Lý Bạch (701-762 SCN) là một nhà thơ lớn vào triều đại nhà Đường. Ông được xem là “Thi Tiên” trong lịch sử văn học Trung Hoa.
Từ lúc còn nhỏ, ông đã đam mê đọc sách. Mới 10 tuổi, ông đã thông thuộc rất nhiều kinh thi, kinh thư Nho học.
Ở tuổi đôi mươi, ông đã đi ngao du sơn thủy, đến năm 742 được Hoàng đế Đường Huyền Tông (1) đưa vào cung dạy học và sáng tác thơ ca.
Một ngày kia, nhà vua cùng ái phi Dương Quý Phi (2) tản bộ trong vườn hoa. Cao hứng trước vẻ đẹp của người và hoa, vua Đường Huyền Tông bèn sai người gọi Lý Bạch đến để làm thơ.
Lý Bạch đến, say khướt đến mức đứng không vững trước mặt hoàng đế. Người thông tri được lệnh xối nước vào mặt ông, khiến Lý Bạch tỉnh ra đôi chút. Ông cầm bút và chẳng mấy khó khăn viết ra một bài thơ thật hoàn mỹ thanh tao khiến vua Đường Huyền Tông rất hài lòng và ấn tượng trước tài năng của Lý Bạch. Từ đó về sau, cứ vào dịp hội hè mở tiệc, nhà vua lại mời gọi Lý Bạch đến để ngâm thơ.
Lý Bạch đến, say khướt đến mức đứng không vững 
trước mặt hoàng đế. Người thông tri được lệnh xối nước 
vào mặt ông, khiến Lý Bạch tỉnh ra đôi chút. (Ảnh: Wikipedia)
Một lần khi Lý Bạch say rượu và giày của ông bị bẩn, vua Đường Huyền Tông đã ra lệnh cho Cao thái giám lau giày của ông. Cao thái giám lúc đó là người có ảnh hưởng rất lớn trong cung đình và ông ta chỉ hầu hạ cho hoàng đế nên cảm thấy bị xúc phạm nặng nề vì phải làm công việc tầm thường như việc lau giày cho Lý Bạch. Tuy nhiên, ông buộc phải làm theo lệnh hoàng đế.
Người thái giám đã trả thù bằng việc cố tình tạo ra bất hòa giữa Lý Bạch và Dương Quý Phi. Ông ta đã tâu với Quý Phi về một trong những bài thơ của Lý Bạch là có ẩn ý chê bai Dương Quý Phi. Tin vào lời thái giám, Dương Quý Phi đã nổi giận với Lý Bạch. Thái giám và Quý Phi đã thuyết phục hoàng đế để Lý Bạch trong cung điện là không thích hợp. Cuối cùng Lý Bạch đã được lệnh rời khỏi hoàng cung vào năm 743 SCN.
Sau khi rời khỏi hoàng cung, Lý Bạch đi ngao du và tiếp tục sáng tác thơ. Người ta nói ông đã trở thành một đạo sĩ. Vào một ngày mùa thu một năm sau, ông gặp một thi nhân của thời đại, Đỗ Phủ. Ngưỡng mộ tài năng văn chương của nhau, hai người nhanh chóng trở thành bạn tốt.
Khi làm thơ, Lý Bạch bày tỏ sự thán phục trước tạo hóa thiên nhiên, lòng yêu nước, và nỗi buồn trong trái tim mình. Hầu hết các bài thơ của ông miêu tả con người như bị lạc lõng, cô đơn và khao khát kết nối với ánh trăng. Hình ảnh ánh trăng trong thơ Lý Bạch xuất hiện dày đặc, đến nỗi người đời sau cứ mỗi khi nhắc đến Lý thì lại nhớ đến trăng, mỗi khi nhìn thấy trăng thì nhớ ra Lý. Viết về trăng hay nhất chính là Lý Bạch vậy. 
Dưới đây là hai bài thơ nổi tiếng mà ông đã viết về trăng:
Hầu hết các bài thơ của ông miêu tả con người như 
bị lạc lõng, cô đơn và khao khát kết nối với ánh trăng. 
(Ảnh: Kiyoka Chu/ The Epoch Times)
Bài 1: Nguyệt hạ độc chước
Hoa gian nhất hồ tửu,
Độc chước vô tương thân.
Cử bôi yêu minh nguyệt,
Đối ảnh thành tam nhân.
Nguyệt ký bất giải ẩm,
Ảnh đồ tùy ngã thân.
Tạm bạn nguyệt tương ảnh,
Hành lạc tu cập xuân.
Ngã ca nguyệt bồi hồi,
Ngã vũ ảnh linh loạn.
Tỉnh thì đồng giao hoan,
Túy hậu các phân tán.
Vĩnh kết vô tình du,
Tương kỳ mạc Vân Hán.
Dịch nghĩa:
Một mình uống rượu dưới trăng
Trong đám hoa với một bình rượu
Uống một mình không có ai làm bạn
Nâng ly mời với trăng sáng
Cùng với bóng nữa là thành ba người
Trăng đã không biết uống rượu
Bóng chỉ biết đi theo mình
Tạm làm bạn với trăng và bóng
Hưởng niềm vui cho kịp với ngày xuân
Ta hát trăng có vẻ bồi hồi không muốn đi
Ta múa bóng có vẻ quay cuồng mê loạn
Lúc tỉnh cùng nhau vui đùa
Sau khi say thì phân tán mỗi một nơi
Vĩnh viễn kết chặt mối giao du vô tình này
Cùng nhau ước hẹn lên trên Thiên hà gặp lại
Bình thơ:
Lý Bạch viết ra cảnh tượng kỳ lạ độc đáo, lấy bóng trăng làm bạn, uống say mà ca hát. Nhà thơ lấy trăng sáng, thậm chí lấy cả bóng ảnh của mình mà làm bạn trò chuyện, cùng nhau uống rượu, hát ca, nhảy múa. Mặc dù trăng không biết uống, bóng chỉ theo thân, vẫn chẳng ngại lấy trăng trên cao và bóng hình làm tri kỷ.
Lý Bạch viết ra cảnh tượng kỳ lạ độc đáo, lấy bóng trăng 
làm bạn, uống say mà ca hát. (Ảnh: Secretchina)
Bài 2: Tĩnh Dạ Tứ
Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.
Dịch nghĩa:
Nỗi nhớ trong đêm vắng
Đầu tường trăng sáng soi,
Ngỡ là sương trên mặt đất.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.
Bình thơ:
“Tĩnh dạ tư” là một bài thơ nhuốm đầy u hoài. Thuở nhỏ, Lý Bạch thường lên đỉnh núi Nga Mi ở quê nhà ngắm trăng. Từ năm 25 tuổi, ông lên đường ngao du sơn thủy, rời xa quê nhà cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay chưa từng một lần trở lại. Vì vậy, cứ mỗi lần ngắm mảnh trăng trong treo trên bầu trời, Lý Bạch lại nhớ quê hương da diết. 
“Tĩnh dạ tư” ngập tràn một màu hoài niệm, ngập tràn ánh trăng. Trăng soi tỏ khắp cả bài thơ, trên trời, dưới đất đến đầu giường, trăng soi cả vào lòng thi nhân, chiếu lên nỗi niềm tha hương của người khách tang hải nhớ quê mà chẳng thể trở về.
Cứ mỗi lần ngắm mảnh trăng trong treo trên bầu trời, 
Lý Bạch lại nhớ quê hương da diết. (Ảnh: Wikipedia)
Những bài thơ về trăng của Đỗ Phủ
Cùng với Lý Bạch, Đỗ Phủ (712-770 SCN) là một nhà thơ Trung Quốc kiệt xuất của triều đại nhà Đường. Ông được nhiều nhà phê bình văn học tôn vinh là nhà thơ Trung Quốc vĩ đại nhất mọi thời đại.
Sinh ra trong một gia đình học thuật, Đỗ Phủ đã thể hiện tài năng thơ phú của mình từ khi còn rất trẻ. Cùng với việc nằm lòng nhiều bài thơ nổi tiếng của thời đại, năm 7 tuổi ông đã biết sáng tác thơ. Ông cũng thọ nhận một nền giáo dục Nho giáo truyền thống.
Sau khi thất bại trong kỳ thi triều đình năm 735 SCN. Đỗ Phủ bắt đầu đi ngao du khắp đất nước và trở thành một nhà thơ nổi tiếng. Trong cuộc hành trình của mình, ông gặp gỡ những nhà thơ của thời kỳ này, trong đó có Lý Bạch vào năm 744 SCN.
Sau một thời gian ngắn quan tâm đến Đạo giáo qua những chuyến đi với Lý Bạch, Đỗ Phủ trở về thủ đô Trường An, và một lần nữa tập trung vào Khổng giáo.
Trong nhiều năm, dù ông không đảm nhiệm vị trí chính thức nào nhưng Đỗ Phủ được các vị quan lớn trong triều rất coi trọng. Dù vậy ông đã thất bại trong lần thứ hai tham dự kỳ thi của triều đình.
Đỗ Phủ lập gia đình vào năm 752 và có năm người con, ba con trai và hai con gái. Ông mắc bệnh phổi năm 754 và phải chống chọi với bệnh tật trong suốt phần đời còn lại của mình.
Từ năm 755 đến năm 763, xảy ra sự biến An Lộc Sơn khiến đất nước Trung Quốc rơi vào cảnh hỗn loạn. Đỗ Phủ và gia đình ông sống trong cảnh nghèo đói, phải dựa vào sự giúp đỡ từ bạn bè.
Chân dung nhà thơ Đỗ Phủ. (Ảnh: Wikipedia)
Từ năm 765-766, ông và gia đình thường phải di chuyển, nhưng họ không đi xa được bởi bệnh tật của Đỗ Phủ. Cuối cùng, Họ dừng lại ở Quỳ Châu (hiện nay là Bạch Đế, Trùng Khánh) trong hai năm cho tới tận cuối mùa đông năm 766.
Bác Mậu Lâm, một tổng trấn của địa phương nơi Đỗ Phủ cư ngụ, đã giúp đỡ ông về tài chính và trao cho Đỗ Phủ một chức quan thư ký không chính thức. Trong thời gian này, Đỗ Phủ đã viết khoảng 400 bài thơ, đây là thời kỳ sáng tác đỉnh cao cuối cùng của ông. Hai năm sau, Bác Mậu Lâm qua đời và Đỗ Phủ và gia đình của ông lại phải di chuyển một lần nữa.
Năm 770, Đỗ Phủ qua đời ở tuổi 59 ở vùng đông nam Trung Quốc, trên một chiếc thuyền rách nát. Đỗ Phủ được biết đến như một người hiếu thảo, tình cảm, rộng lượng, tín nghĩa, trung thành và yêu nước.
Khác với ánh trăng trong thơ Lý Bạch thường đậm chất lãng mạn, trăng trong thơ Đỗ Phủ đậm chất hiện thực cuộc sống. Từ hai bài thơ về trăng dưới đây, chúng ta có thể cảm nhận được niềm khao khát an bình và tình yêu của ông dành cho gia đình.
Khác với ánh trăng trong thơ Lý Bạch thường đậm chất 
lãng mạn, trăng trong thơ Đỗ Phủ đậm chất hiện thực 
cuộc sống. (Ảnh: Epoch Times)
Bài 1: Nguyệt dạ
Kim dạ Phu Châu nguyệt,
Khuê trung chỉ độc khan.
Dao liên tiểu nhi nữ,
Vị giải ức Trường An.
Hương vụ vân hoàn thấp,
Thanh huy ngọc tý hàn.
Hà thì ỷ hư hoảng,
Song chiếu lệ ngân can?
Dịch nghĩa:
Đêm trăng
Vầng trăng ở Phu Châu đêm nay
Trong phòng khuê chỉ một người đứng nhìn
Ở xa thương cho con gái bé bỏng
Chưa hiểu nỗi nhớ Trường An
Sương thơm làm ướt mái tóc mai
Ánh trăng trong sáng làm giá lạnh cánh tay ngọc
Bao giờ được tựa bên màn mỏng
Để trăng chiếu cả đôi ta cho ngấn lệ ráo khô?
Bình thơ:
Đỗ Phủ làm bài này trong mùa thu năm 756, tại Trường An đang bị quân An Lộc Sơn chiếm giữ, vợ con lúc đó đang ngụ tại Phu Châu
Bài thơ nhắc đến trăng trong chỉ câu đầu, mà ánh trăng bàng bạc cả nguyên bài. Bài thơ thẩm đậm tình cảm của Đỗ Phủ dành cho người vợ và con gái đang ở xa và mong ước một ngày cả gia đình được đoàn tụ.
Đỗ Phủ làm bài này trong mùa thu năm 756, tại Trường An 
đang bị quân An Lộc Sơn chiếm giữ, vợ con lúc đó đang 
ngụ tại Phu Châu. (Ảnh: Wikipedia)
Bài 2: Nguyệt dạ ức xá đệ
Thú cổ đoạn nhân hành,
Thu biên nhất nhạn thanh.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Hữu đệ giai phân tán,
Vô gia vấn tử sinh.
Ký thư trường bất đạt,
Huống nãi vị hưu binh.
Dịch nghĩa:
Đêm trăng nhớ người em
Tiếng trống nơi đồn thú vang lên, không còn ai dám qua lại,
Một tiếng nhạn kêu ở chốn biên thùy mùa thu.
Từ đêm nay trở đi, sương móc rơi trắng xóa,
Trăng vẫn sáng tại quê nhà.
Có các em trai, nhưng đều ly tán,
Không còn nhà để mà hỏi thăm chúng còn sống hay đã chết.
Gửi thư về, nhưng thư thường không tới nơi,
Huống chi chiến tranh vẫn còn chưa thôi.
Bình thơ:
Đỗ Phủ viết bài thơ này năm 759, lúc đó loạn An Sử đang bước vào giai đoạn khốc liệt, cuộc sống của nhân dân Trung Quốc vô cùng lầm than, cảnh người ly tán xảy ra khắp nơi. Bài thơ thể hiện đậm chất hiện thực khốc liệt lúc bấy giờ: thể hiện sự căng thẳng, nỗi sợ hãi bao trùm trong chiến tranh hỗn loạn, sự ly tán, mất liên lạc giữa những người thân trong gia đình.
Ghi chú:
(1). Hoàng đế Đường Huyền Tông (685-762 sau Công nguyên), tức Đường Minh Hoàng là vị vua thứ bảy của triều đại nhà Đường. Tên của ông là Lý Long Cơ và ông là vị Hoàng Đế tại vị lâu nhất trong lịch sử nhà Đường trong vòng 43 năm (712-756). Với đường lối cai trị sắc bén, ông được cho là đã mang lại đỉnh cao cho nền văn hóa và sức mạnh của Trung Hoa cổ xưa.
(2). Dương Quý Phi còn gọi là Dương Ngọc Hoàn (719-756 sau Công nguyên). Trong suốt những năm cuối đời của Đường Minh Hoàng, Dương Quý Phi trở thành người được Hoàng Đế sủng ái nhất. Bà còn được biết đến như một trong Tứ Đại Mỹ Nhân của Trung Quốc cổ đại (Từ “Quý phi” được dùng để chỉ người có vị trí cao nhất trong các cung phi của Vua chỉ sau Hoàng hậu).
10/9/2020
Nam Minh
Theo https://www.ntdvn.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...