Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

Hồ Tây - Nàng Tây Thi diễm kiều của đất Thăng Long trong thơ Cao Bá Quát

Hồ Tây - Nàng Tây Thi diễm kiều
của đất Thăng Long trong thơ Cao Bá Quát

Sách Tây Hồ chí có viết: “Thăng Long là thánh địa của phương Bắc, mà Tây Hồ là một thắng cảnh của Thăng Long”. Tây Hồ thực sự là nguồn cảm hứng vô tận của tao nhân mặc khách. Từ xưa tới nay đã có không biết bao nhiêu áng thơ văn, ca khúc...viết về Hồ Tây. Thi nhân Thái Thuận đời Lê sơ từng viết:
Bắc khuyết vô thư can thế dự
Tây Hồ hữu nguyệt cấp thi bần
(Không cần phải dâng thư lên cửa Bắc - Trung Quốc để cầu cạnh sự nổi tiếng ở đời vì đã có trang ở Tây Hồ làm nguồn cảm hứng cho thi hứng vốn nghèo nàn).
Đến với Hà Nội ai chẳng đắm say với một Hồ Gươm nên thơ mà chính nhà thơ Hy Lạp Ludemit đã ví đó là “lẵng hoa xinh đẹp giữa lòng thành phố”. Và không hề kém cạnh, một cảnh đẹp nổi tiếng khác của thủ đô trong xúc cảm của Cao Bá Quát là một nàng Tây Thi diễm kiều trong sử sách xa xưa. Nơi đây đã từng chứng kiến cuộc gặp gỡ thú vị giữa vua Minh Mạng và cậu bé Cao hiếu động, tinh nghịch nhưng rất đỗi thông minh. Đó chính là địa danh Hồ Tây.
Vẻ đẹp Tây Hồ là cảm hứng trong túi thơ Thánh Quát. Sống ở đất Hà thành bao năm qua nhưng khi đứng trước Hồ Tây, con người bản địa ấy vẫn thốt lên trước vẻ đẹp kiều diễm của “người con gái Tây Hồ”:
Lòng xuân nghiêng ngả không tự kìm giữ nổi
Hồ Tây kia đúng một nàng Tây Thi
Nét mày nở nang là khi sóng vừa lặng
Dây lưng uốn lượn là lúc cỏ đương xanh
Hồ Tây qua thưởng lãm của Cao Bá Quát mang một vẻ đẹp xuân thì của Tây Thi - người con gái sắc nước hương trời sống ở nước Việt, đẹp nổi tiếng thời Xuân Thu, Trung Quốc. Ở Trung Quốc có nhiều hồ tên Tây Hồ, nhưng đẹp nhất có khoảng 8 cái. Tây Hồ ở phía Tây thành phố Hàng Châu tỉnh Chiết Giang còn có tên Tiền Đường hồ, Kim Ngưu hồ. Tô Thức đời Tống có câu thơ: “Dục bả Tây hồ tỉ Tây Tử” (Muốn đem Tây hồ sánh với Tây Tử), nhân đó về sau Tây hồ có tên là Tây Tử. Tây Tử tức là Tây Thi. Cao Bá Quát mượn tứ thơ này để nói về Tây Hồ ở thành Thăng Long. Nếu như Tô Thức chỉ dừng lại ở ý định muốn so sánh vẻ đẹp của Tây hồ với vẻ đẹp của Tây Thi thì Cao Bá Quát đã không ngần ngại viết nên những lời khen ngợi có cánh dành cho cảnh đẹp của quê hương đất nước. Tây Hồ vì thế mà mang một vẻ đẹp hấp dẫn khiến con người say mê bởi Tây hồ thực sự là người con gái mang vẻ đẹp thanh tú với “nét mặt nở nang”, vẻ đẹp gợi tình, quyến rũ với “dây lưng uốn lượn” khiến lòng người “nghiêng ngả không tự kiềm giữ nổi”.
Và đây là một bài thơ khác viết về Tây Hồ của thi sĩ:
Khói cửa Đông thấy từ cửa Bắc
Lâu đài một nửa lút bầu không.
Giá trời cho suối Nga Mi nữa,
Chung ánh tà dương với núi Nùng...
Tây hồ vốn đã xinh đẹp, nên thơ càng lộng lẫy hơn, hấp dẫn hơn nếu như có thêm sự xuất hiện của suối Nga Mi duyên dáng bên cạnh núi Nùng - tức núi Long Đỗ trong thành Thăng Long. Đó là mong ước không thể thực hiện được nhưng chính mong ước đó lại là tình cảm mến yêu của Cúc Đường dành cho Tây Hồ - người đẹp Tây Thi.
Bằng cách nói hóm hỉnh, Cao Bá Quát còn muốn sắp xếp lại tạo vật ở hồ Tây theo cách nhìn, cách nghĩ của mình: “San bằng mé đông, thành quách càng hữu tình” và hồ Tây sẽ càng đẹp hơn, lãng mạn hơn, đặc sắc hơn nếu có thêm sự xuất hiện của động Tiên Lữ ở Thái Nguyên:
Ai có thể chuyển giúp ta cả một góc động này
Về đặt bên Hồ Tây, giữa hai gò Châu Long và Phượng Chủy.
Theo thuyết phong thủy ngày xưa, Hồ Tây là kiểu đất “Phượng Hoàng uống nước” nên còn gọi là kiểu đất “Mỏ phượng” hay Phượng Chủy. Hồ Tây không chỉ đẹp ở thế đất hùng thiêng, nhuốm màu huyền thoại mà còn mang nét đặc sắc không lẫn vào đâu được bởi nơi đây hội tụ nền văn hóa Thăng Long với đền, đình, chùa, miếu và cả những làng nghề ven Hồ Tây. Trong Tám bài tứ tuyệt chơi hồ Tây - bài 1, Cao Bá Quát đã nhắc đến thanh âm tiếng chày - một âm thanh quen thuộc của đời sống lao động xưa:
Tiếng chày khua rộn vẻ xuân
Gò hang lớp lớp góp phần xinh tươi
Đất qua ngày tháng sầu vơi
Sông hồ trời tặng riêng người thế gian
Tiếng chày chính là tiếng chày gỗ giã bột gió để làm giấy bản và tiếng chày đá đập vải khi giặt vải để nhuộm. Đó là thanh âm quen thuộc của hai làng nghề truyền thống quanh Hồ Tây: nghề làm giấy bản và nghề nhuộm vải thâm. Tây Hồ đâu chỉ đẹp ở cảnh mà còn ở sắc thần sôi động của đời sống sinh hoạt sản xuất. Thi nhân đã thu lại âm thanh rộn rã, bình dân của tiếng chày vào trong một không gian đất trời sông nước hữu tình. “Thi trung hữu nhạc” chính là đây! “Thi trung hữu hình” cũng chính là đây! “Thi trung hữu tình” cũng vì thế mà lan tỏa!
Từ bao đời nay Hồ Tây vẫn như nàng Tây Thi yêu kiều như thuở còn giặt lụa ở Trữ Nha. Hồ Tây - một góc thiên nhiên của Thăng Long đã làm nên một Thăng Long - Hà Nội nên thơ và gần gũi. Thi nhân họ Cao khi xưa đã cất lời cảm tạ trời đất “Sông hồ trời tặng riêng người thế gian” trong nguồn thi hứng dạt dào của mình. Hôm nay, bao khúc ca, vần thơ vẫn tiếp nối nguồn cảm hứng ấy. Tôi bỗng nhớ đến những khúc nhạc êm dịu trong bài hát “Hà Nội mùa thu” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:... Chiều thu Hồ Tây, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi. Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời.... Hồ Tây giữa đất Thăng Long xưa - Hà Nội, ngày nay đã và đang là khu vực có hệ thống di sản, di tích đậm đặc làm nên một Hà Nội cổ kính giữa dòng chảy hiện đại của thế kỷ XXI. “Nàng Tây Thi” kiều diễm ấy vẫn ngày đêm bung tỏa sắc hương, mãi là niềm tự hào của người dân thủ đô nói riêng, người dân cả nước nói chung.
Tháng 6/2019
Lê Thị Vân Bình
Theo http://tapchinhatrang.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu: Lão “Chõe Bò” Nhà văn Đỗ Xuân Thu vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Ông sinh năm 19...