Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

Những bức tranh quê trong văn xuôi Võ Hồng

Những bức tranh quê 
trong văn xuôi Võ Hồng

Nói đến những nhà văn tiêu biểu của miền Trung nửa sau của thế kỷ 20, không ai có thể không nói đến Võ Hồng, và khi nói đến Võ Hồng không ai lại không nói đến những trang văn giàu hình ảnh, bàng bạc viết về các làng quê  ở miền Trung. Trong cuộc đời hoạt động văn học của mình, Võ Hồng đã xuất bản trên 30 cuốn sách gồm 8 tiểu thuyết và truyện dài, số còn lại là các tập truyện ngắn, vài tập thơ và một số tập bút ký, tùy bút cùng những bài phê bình, khảo cứu... Tác phẩm Võ Hồng viết về nhiều đề tài khác nhau: về thân phận con người trong chiến tranh, về tình yêu, về học đường và cả đề tài dành cho thiếu nhi… Nhưng dù ở đề tài nào trong văn xuôi của ông, bóng dáng, hình ảnh của các làng quê hay hình ảnh của người dân quê ở vùng đất miền Trung vẫn hiện lên, tạo thành một dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc.
Sinh năm 1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, Võ Hồng còn có các bút danh khác là Ngân Sơn, Võ An Thạch, Võ Tri Thủy... Thời còn bé, ông sống ở quê nhà, học tại trường trường huyện, sau  ra Quy Nhơn học một thời gian rồi chuyển ra Hà Nội học. Những năm kháng chiến chống Pháp, Võ Hồng tham gia công tác Bình dân học vụ tại địa phương của mình,  đến năm 1954, ông đưa vợ con về quê vợ ở Đà Lạt để sinh sống. Năm 1956, từ Đà Lạt ông lại chuyển cả gia đình xuống Nha Trang để dạy học. Đến 1957, khi người vợ qua đời, ông ở vậy “với cảnh gà trống nuôi con”, vừa chăm lo cho 3 đứa con, vừa dạy học và sáng tác. Tuy phải rời xa quê nhà nhưng mảnh đất nuôi dưỡng mình trong suốt những năm ấu thơ với xóm, với làng, với những người dân quê hiền lành, thật thà đã trở thành mạch nguồn chắp cánh cho sáng tác của Võ Hồng đồng thời cũng là lý do vì sao hình ảnh quê nhà luôn in đậm nét trong các tác phẩm văn xuôi của ông.
Trong truyện vừa Hoài cố nhân - tác phẩm in trong tập truyện cùng tên của Võ Hồng (NXB Ban Mai in và phát hành năm 1959), tuy nội dung đề cập đến câu chuyện tình của hai người bạn tác giả là Lý và Xuân, nhưng khi đọc, bức tranh làng quê được tác giả khắc họa rất tỉ mỉ, sống động. Đó là hình ảnh của ngôi trường Phủ -“một cái trường bằng ngói ở mỏm đầu núi. Muốn lên đến trường phải trèo một cái dốc dựng đứng. Người chọn địa điểm này để cất trường ý chừng đã quan niệm rằng trường giáo phải ở một nơi thật thanh tịnh, cách biệt hẳn với sự sinh hoạt của mọi người xung quanh” và ở đó học trò là những người mà “đa số là lũ trẻ góp nhặt ở năm, bảy làng lân cận. Nhiều anh từ nhỏ đến giờ cha mẹ bắt chuyên môn chăn bò, các anh đến trường đem theo sự u mê (danh từ thầy giáo dùng để mắng chúng tôi) và sự bướng bỉnh. Nhưng rất phong phú về trò chơi: u mê, lên đồng, nhảy lò cò, đánh mạng, đánh đáo. Có nhiều chị chuyên môn đi hái củi đến nỗi tóc cháy vàng hoe. Đi học, họ làm như đi củi, mang theo muối vò chung với lá é để giờ ra chơi chạy vào bụi bờ bứt lá dang chấm muối ngồi ăn. Một số khác vốn quen với ruộng rẫy nên mỗi khi người ta dỡ khoai, đào sắn thì họ chạy tới cả đoàn để mót, để xin. Những củ khoai lang sống nhỏ bằng ngón tay út được nhai giòn tan và nuốt ngon lành. Chúng tôi ngây thơ hơn cứ nhìn rồi bắt chước lần lần. Ngây thơ thật, vì tuy là lớp Đồng Ấu song bạn của chúng tôi có nhiều anh tuổi có đến hai mươi và lực lưỡng thì y như những nhà nông thực thụ. Đến giờ ra chơi, họ vật tay suýt làm gãy cả chân bàn. Chúng tôi thành kính nhìn những bắp thịt nổi cuồn cuộn ở cánh tay, ở cổ, nhìn màu đỏ hừng hực ở mặt, ở vành tai và ở tròng mắt. Sự quê mùa còn đọc được ở quần áo nữa. Quần thì vừa ngắn vừa chật. Áo cũng vậy. Quần áo toàn bằng vải to thế mà mẹ mua cũng không đủ nên thường may ghép đến hai màu. Nhiều khi áo xanh mà hai túi trắng. Có lúc cả áo trắng mà một tay áo lại màu xanh. Đi học thì cột một mo cơm, kèm đùm mắm…”.
Để khắc họa được bức tranh trên ngoài vốn sống, ngoài việc trực tiếp chiêm nghiệm, nếu không có tài và không có tình cảm vô bờ bến đối với quê nhà, thật khó mà viết được. Nếu ở Hoài cố nhân, hình ảnh những vùng đất, con người ở làng quê được tạo dựng lại thông qua ký ức gắn liền với chuyện trường lớp thì trong Người về đầu non bức tranh ấy được mở rộng, thể hiện đa dạng hơn. Thông qua những kỷ niệm với người bác, nhân vật tôi trong truyện đã đưa người đọc hết tình tiết này đến tình tiết khác tại một vùng quê dưới thời Pháp chiếm đóng. Từ cảnh “những con đường âm u cây lá trong vườn, ra cái bến nhỏ để cùng nhìn xuống dòng sông” cho đến những phiên chợ quê, những ngày gặt lúa khi mùa vụ đến hay cảnh bà con  cùng tập trung về quây quần bên nhau trong những ngày giỗ chạp… tất cả dưới ngòi bút của Võ Hồng hiện lên lung linh.
Tiểu thuyết Hoa bươm bướm và Như cánh chim bay, tuy là 2 tác phẩm viết về đề tài kháng chiến nhưng ở đó đầy ắp những trang, những đoạn tác giả nói về làng quê, về cảnh sinh hoạt của người dân quê trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp. Nào là chuyện tòng quân đánh giặc ngoại xâm, tăng gia sản xuất để chống đói hay cảnh làng trên, xóm dưới rủ nhau đi học bình dân để xóa mù chữ… đều được miêu tả sống động.
Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên Tạp chí Văn số 299 ra ngày 1/9/1972, Võ Hồng đã viết: “Nếp sống của quê tôi chưa hề được nhà văn nào nhắc đến... Thế hệ của chúng tôi bị chiến tranh tàn phá quá nhiều, một số lớn đã chết, những nếp sống cũ lần lượt bị xóa đi, thay thế bằng nếp sống mới. Tôi nghĩ rằng nếu tôi dâng trọn cả cuộc đời của tôi để dựng lại cái dĩ vãng đó cũng vẫn còn chưa đủ... Vậy viết về những kỷ niệm dĩ vãng tôi nhằm vào việc lấp một cái hố trống. Tôi muốn các thế hệ đàn em có dịp để thiết tha gắn bó với quê hương hơn”. Đoạn văn trên phần nào cho ta thấy, viết về làng quê, về những kỷ niệm máu thịt được hun đúc từ thời thơ ấu với Võ Hồng đó không chỉ là cách bộc bạch tấm lòng yêu quê hương mà còn là sự hướng về nguồn cội, là việc làm giúp “các thế hệ đàn em có dịp để thiết tha gắn bó với quê hương hơn”. Thật khó trích dẫn hết những đoạn văn miêu tả cảnh làng quê ở vùng đất Phú Yên - quê nhà của tác giả nói riêng và miền Trung nói chung trong văn xuôi Võ Hồng. Vì ngoài các tiểu thuyết, truyện dài, ở truyện ngắn của ông điều này xuất hiện rất nhiều, có khi thông qua hồi ức của nhân vật, có khi được miêu tả trực tiếp theo tiến trình phát triển của nhân vật. Đặc biệt, những bức tranh làng quê dưới ngòi bút của Võ Hồng luôn là bức tranh động. Ở đó nếp sinh hoạt của con người, cảm xúc, tâm trạng của con người luôn gắn liền với cảnh vật, với thiên nhiên. Chẳng hạn trong truyện ngắn Lễ cúng trường, có đoạn tác giả viết: Thật đẹp là những ngày nắng đầu mùa. Nắng vàng nhẹ, không khí trong suốt khiến cảnh vật sáng tưng bừng. Đứng ở bến đò Thiện Đức có thể nhìn thấy rõ bầy bò lội qua bến đò Gạch cách đó hai cây số. Bờ tre ở Hội phú, rặng dương liễu ở Mằng lăng hiện lên thành một dải xanh ngăn ngắt và dãy núi cát ở mãi Vùng Lấm toàn một màu vàng rất nhạt, sáng óng ánh dưới ánh mặt trời…”. Còn đây là khung cảnh gắn liền với tâm trạng một người mẹ quê  chờ đợi đứa con trai xa nhà trong truyện ngắn Bên Đập Đồng Cháy: “Mỗi tháng trông đợi dài bằng năm. Cây xoan trước cổng nở hoa vào lúc nó ra đi bây giờ lại nở hoa. Phải một kỳ nở hoa nữa thì nó về. Con tu hú báo hiệu mùa múi giẻ chín. Phải một kỳ tu hú kêu nữa thì nó về. Cây ổi xá lị nó xin giống ở Đồng Tròn về trồng năm kia, năm nay đã ra được hai trái. Sang năm nó về thì ổi sẽ chín đầy cành. Tha hồ nó mừng”. Và đây nữa, một đoạn văn trong truyện Mùa hoa soan, cho ta thấy cảnh vật làng quê được tác giả miêu tả gắn liền với biến đổi cảm xúc của một nhân vật là cô giáo Liên khi bực tức về một người học trò: “Trong khi ấy, để quên sự bực bội, nàng lắng nghe tiếng gió reo vi vút ở giữa những chòm phi lao bên kia đường. Hàng bông giấy mọc ở trụ cổng nhà ai kia nở ra những chùm hoa đỏ tươi. Màu hoa đỏ yêu đời tưng bừng điểm rải rác giữa nền lá xanh giúp nàng vui vui trở lại. Mùi tanh nhạt pha vị mặn của gió biển ở ngoài khơi thổi vào, cái cảm giác mát lành lạnh của nước như quạt nhẹ vào đến tận tâm hồn…”.
Ai đã từng đọc truyện ngắn Ngày xuân êm đềm của Võ Hồng, chắc chắn sẽ khó quên những đoạn văn rất hay nói về ngày Tết ở miền Trung. Dưới đây là đoạn ông miêu tả cái không khí bận rộn nhưng nô nức khi năm mới sắp về ở một vùng quê: “Cùng với sự phát triển của dãy cúc vạn thọ, cái Tết như cũng lớn dần. Manh nha từ đầu tháng Mười một với những cơn mưa nhẹ, mưa gieo cải, cái Tết thấp thoáng mơ hồ với những rò cải, ngò, xà lách, tàn ô nằm vuông vắn ở hầu hết mọi sân nhà. Cái Tết lớn lần lên với những bụi hoa vạn thọ, cúc đại đóa, thược dược phát chồi sum suê và bắt đầu ra nụ. Càng đi sâu vào ngày tháng, cái Tết càng hiện rõ thêm, in dấu vết trên mọi cảnh mọi vật và mọi hoạt động của con người. Chữ Tết được nhắc đi nhắc lại một cách thân mến êm đềm trong mọi trường hợp sinh hoạt ở gia đình. Cha nói: "Mấy dây dưa leo chắc ra trái không kịp Tết. Bậy quá. Bị mưa làm thúi giống gieo kỳ trước". Mẹ nói: "Thằng Ba coi chừng mấy con gà thiến. Để qua nhà lão Dần chó cắn chết thì nghỉ ăn Tết đó nghe?" Ở lớp học bạn khoe với nhau: "Tết này tao được đi thăm cô tao ở Phước Lãnh... Bà ngoại vừa gởi cho mẹ tao một trái bí đao to để làm mứt Tết." Ở ngoài đường, chữ Tết len lỏi trong những câu chuyện: "Chợ Tết mà ế quá, tháng Chạp thiếu, hăm Chín lấy làm Ba mươi, chạy Tết cũng mệt... Tết năm nay ở Phú Mỹ có bài chòi..."
Thôn Quảng Đức đa số làm nghề gốm và buôn vôi thế mà sự sinh hoạt cũng hối hả theo cái đà của ngày Tết cứ sừng sững đến gần. Đồ gốm sản xuất ra, chở đò dọc đem bán ở các chợ xa: chợ Đèo, chợ Đồng dài, chợ Gò chai, chợ Gành, chợ Thứ... tiếng ốc tù-và của chủ đò thúc khách quá giang chuyển hàng cho gấp xuống đò vang lên trong đêm khuya. Càng gần Tết sự mua bán càng hối hả rộn rịp nên chợ nào cũng vãn chậm. Đò xuôi chở khách về cũng mãi khuya mới tới bến. Bến đò thành ra ồn ào rộn rịp suốt đêm. Những cây đèn chai làm bằng một đoạn tre trong tẩm dầu, cháy rực sáng cả bực sông, in ngược bóng xuống nước rung rinh, lóe đỏ cả một vùng.
Trên con đường đi xuyên qua xóm, những dáng người gánh gồng vội vã đi chập choạng theo ngọn đèn chai cầm lắc lư dưới tay. Đèn chai ở đây là một cái đèn dầu nhỏ được một nửa cái chai ụp lên để chắn gió. Tiếng chuyện trò lanh lảnh vang trong đêm, hối hả theo bước chân chuyển từ đầu xóm sang cuối xóm. Trong đêm tối mà mọi vật như xóa nhòa hết cả hình nét để tan vào bóng đen, mà mọi sinh vật đều như mỏi mệt, tiếng nói chuyện tỉnh táo rõ ràng dường giữ đủ cả sắc cạnh. Ở dưới bước chân, bóng người in đen được phóng đại ra, nằm trải xuống mặt đường, nằm vắt qua bờ rào, chập chờn di chuyển theo bước đi…”.
Võ Hồng qua đời vào năm 2013 và tác phẩm của ông để lại thuộc nhiều thể loại, nhiều đề tài. Tuy văn chương của ông không khai thác những khía cạnh gay cấn, eo le của cuộc sống, không gây nên những cuộc tranh luận nhưng khá lôi cuốn người đọc qua lối viết nhẹ nhàng, súc tích, giàu hình ảnh, đặc biệt là những trang viết về làng quê. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người gọi Võ Hồng là Sơn Nam hay Bình Nguyên Lộc của miền Trung. Thiên nhiên, phong cảnh ở làng quê, nếp sống của người dân quê được miêu tả với một bút pháp linh hoạt của Võ Hồng không chỉ đã, đang mà chắc chắn sẽ là bài học đối với nhiều thế hệ cầm bút.
Tháng 7/2019
Trương Minh Thúy
Theo http://tapchinhatrang.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...