Thứ Năm, 3 tháng 12, 2020

“Hành trình về phương Đông” - Một sứ mệnh thiêng liêng

"Hành trình về phương Đông"
Một sứ mệnh thiêng liêng

Cuộc hành trình của 11 nhà khoa học Tây phương về Phương Đông, mà Baird T. Spalding đã kể lại trong cuốn “Hành trình về Phương Đông” của ông, là một sứ mệnh thiêng liêng. Bản thân cuốn sách là một thông điệp gửi tới nhân loại ngày nay: nền văn minh duy vật đã sai lầm, Chúa không chết, đã đến lúc con người phải trở về với những giá trị đích thực của cuộc sống - những giá trị tâm linh và tôn giáo - trước khi quá muộn!.
“Chỉ trong đau khổ, nhục nhã ê chề, con người mới chịu học… Chỉ khi bị khổ sở, bị đàn áp, tự do bị chà đạp, con người mới quay về với niềm hy vọng cuối cùng là đức tin.” Lời nói ấy của Sadeih Babu trong “Hành trình về Phương Đông” đã đi vào lòng tôi như những lời an ủi của một người tri âm tri kỷ khi tôi gặp những nghịch cảnh cay đắng.
Đó là năm 1992, năm tôi phải trầm mình xuống để chịu đựng những mất mát to lớn cả về tài sản lẫn tinh thần, cắn răng im lặng để nhìn rõ khuôn mặt đê tiện của những kẻ phản bội mang danh trí thức. Trong sâu thẳm buồn phiền và thất vọng, tôi trở về với Đức tin Thiên Chúa giáo - một tôn giáo tôi được dạy dỗ từ thủa vỡ lòng (1) - như một con thuyền tơi tả vì giông bão phải tìm nơi trú ẩn.
Nói là trở về, nhưng thực ra đây là lần đầu trong đời tôi được mặc khải bởi ánh sáng Thiên Chúa, thông qua những bài giảng về Kinh Thánh tại một lớp học trong Tòa Giám mục Hà Nội (2). Chính trong giai đoạn này - giai đoạn say mê học hỏi và nghiên cứu tôn giáo - tôi bất ngờ gặp cuốn “Hành trình về Phương Đông” (Journey to the East) của Spalding, bản dịch của Nguyên Phong, như một cơ duyên kỳ lạ trong đời.
Vâng, đó là một cơ duyên kỳ lạ, dường như một sự sắp đặt của Chúa, vì nó đến với tôi đúng vào lúc tôi đang hướng mọi suy nghĩ vào việc trả lời một loạt câu hỏi dằn vặt bấy lâu nay: Tại sao cuộc sống có nhiều điều vô lý, bất công và xấu xa đến thế? Sự xấu xa nằm trong bản chất con người hay do hoàn cảnh môi trường tạo nên? Cuộc sống có ý nghĩa không? Nếu có thì ý nghĩa đó là gì? Con người nên hành động thế nào khi phải đối diện với cái xấu, cái ác?…
“Hành trình về Phương Đông” đã đánh trúng vào những thắc mắc đó. Tôi đọc liền một mạch trong một ngày, choáng váng vì thích thú, cảm thấy đất dưới chân mình rung chuyển, thế giới quan cũ sụp đổ tan tành, một thế giới mới rộng lớn hơn, cao cả hơn mở ra trước mắt…
Tại sao lại có một hành trình kỳ lạ của 11 nhà khoa học danh giá của Tây phương về Phương Đông đúng vào lúc nền văn minh kỹ trị Tây phương đạt đến tầm cao tột đỉnh? Tại sao lại phải tìm kiếm các Chân sư Đông phương đúng vào lúc nền văn minh khoa học Tây phương đang ngạo nghễ đắc thắng?
Linh tính nhắc bảo tôi rằng những sự kiện này diễn ra không phải ngẫu nhiên, kể cả việc cuốn sách đến với tôi đúng vào lúc tôi thất vọng nhất. Rõ ràng có một chủ ý nào đó của Thượng đế trong việc này. Dường như đây là sự khởi đầu cho một cuộc tái khởi động não trạng của chính mình và có lẽ của toàn nhân loại, chuẩn bị cho một cuộc hành trình trở về với Sự Thật.
Thật vậy, phải trở về với Sự Thật, bởi Sự Thật vẫn ở đó tự ngàn xưa. Sự Thật không rời bỏ chúng ta. Chính chúng ta đã vô minh và kiêu ngạo để chối bỏ nó, ruồng bỏ nó, bác bỏ nó, đánh mất nó - nền văn minh kỹ trị thay vì đưa chúng ta tới tiến bộ, đã biến chúng ta thành một lũ vô cảm và ngạo mạn như thế đấy.
Theo đuổi luồng suy nghĩ ấy, tôi bất giác nhận ra rằng không phải ngẫu nhiên “Hành trình về Phương Đông” xuất hiện. Nó ra đời với một sứ mệnh cao cả là lay động và đánh thức nhân loại: con người hãy tỉnh lại để nhận ra Sự Thật trước khi quá muộn!
Bạn chỉ có thể đồng ý với nhận định ở trên nếu bạn có cùng cảm nhận như tôi rằng não trạng của con người ngày nay đã đạt tới tình trạng điên rồ! Nhà nhân học người Pháp André Bourguignon đã cảnh báo điều đó trong một tác phẩm nổi tiếng của ông: “L’Homme Fou” (Con người điên rồ).
“Hành trình về Phương Đông” cảnh báo sớm hơn, ngay từ năm 1924, khi phiên bản đầu tiên của cuốn sách này ra đời tại Ấn Độ, bởi Nhà xuất bản Adyar.
Sẽ là kém may mắn nếu không đọc “Hành trình về Phương Đông”. Sẽ là vô cảm nếu không giật mình trước những gợi mở trong sách. Và sẽ là dại dột nếu không chia sẻ những nghĩa lý sâu sắc trong đó với người khác, bởi nghĩa lý ấy giúp chúng ta điều chỉnh lại chính bản thân mình và góp phần điều chỉnh lại toàn bộ xã hội loài người.
Tôi từng chia sẻ những suy nghĩ của bản thân về cuốn sách này với anh em, bạn bè, nhưng có lẽ bây giờ mới là thời điểm thích hợp nhất để làm công việc đó, vì NXB Văn hóa Thông tin vừa cho ra mắt ấn bản đặc biệt, phiên bản đầy đủ nhất của “Hành trình về Phương Đông”, một cuốn sách đồ sộ với 772 trang, trình bầy ấn loát rất trang trọng, đẹp mắt, đóng bìa cứng chắc chắn.
Hình thức sang trọng này hoàn toàn xứng đáng với nội dung sâu sắc bên trong. Đọc nhanh vài đoạn, vài chương, lướt qua toàn cục, tôi vui mừng ngạc nhiên khi thấy thần tượng của mình, Chúa Jesus, xuất hiện trong rất nhiều trang của cuốn sách như một Chân sư vĩ đại nhất trong các Chân sư.
Không vui mừng ngạc nhiên sao được nếu biết rằng 10 năm trước đây người ta còn e ngại như thế nào khi nhắc đến Chúa: Năm 2004, tôi gửi tới Nhà xuất bản Trẻ bản dịch cuốn “Phương trình của Chúa” (God’s Equation) của Amir Aczel. Nhà xuất bản nhanh chóng đồng ý, nhưng cho biết Cục xuất bản đòi phải thay đổi tiêu đề, vì họ e ngại chữ “Chúa”. Tôi rất thất vọng, nhưng vì muốn sách sớm đến tay độc giả nên đành chấp nhận làm một việc kém văn hóa - chữa lại tiêu đề sách thành “Câu chuyện về Phương trình thâu tóm cả vũ trụ” (3).
Vậy mà 10 năm sau, ấn bản đặc biệt và đầy đủ nhất của “Hành trình về Phương Đông” đã ra mắt, trong đó Chúa Jesus được nhắc đến hầu như trong toàn bộ cuốn sách với một lòng tôn kính đặc biệt. Đó chẳng phải một bước “đại nhảy vọt” về văn hóa của những người làm công tác xuất bản hay sao? Làm sao không vui mừng ngạc nhiên khi đọc những dòng sau đây ngay trong Lời Tựa:
“Các bậc Chân sư thừa nhận rằng Đức Phật chỉ ra con đường Khai Sáng, nhưng họ lại tuyên bố một cách rõ ràng rằng Đấng Christ là sự Khai Sáng, hay một trạng thái nhận thức mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm - ánh sáng Đấng Christ của mỗi cá nhân; chính vì vậy, cũng là ánh sáng của mỗi đứa trẻ được sinh ra trong thế giới này” (Baird T. Spalding).
Vì thế hôm nay, không phải với tư cách một tín đồ Thiên Chúa giáo, mà với tư cách một con người - một người bình thường biết rung động và tôn thờ vẻ đẹp của cái Thiện, của Đạo, của Chân lý - tôi muốn bày tỏ và chia sẻ những kỷ niệm, ấn tượng và suy nghĩ xung quanh cuốn sách kỳ lạ này: “Hành trình về Phương Đông” của Baird Spalding.


Thật kỳ lạ, cuốn “Hành trình về Phương Đông” đầu tiên đến tay tôi lại là một cuốn sách được in lậu, kiểu in tipo, chữ to, không có tên nhà xuất bản, bà vợ tôi mua được ở Chùa Quán sứ Hà Nội. Vậy mà ngay lập tức, tôi coi đó là một cuốn sách gối đầu giường, một thứ nhập môn triết học Đông-Tây, nhập môn Thần học-Tâm linh, một thứ giáo khoa thư đánh đổ tất cả mọi hệ thống lý thuyết khoa học, triết học và bao nhiêu túi khôn khác mà tôi đã được nạp và bị nạp vào đầu trong bao nhiều năm trước đó. Xem thế đủ biết rằng mọi chuyện đều có cơ duyên. Mặc dù hiện nay “Hành trình về Phương Đông” đã chính thức được xuất bản ở Việt Nam, nhưng tôi quả quyết rằng không phải ai cũng có duyên hội ngộ với cuốn sách này.
Suốt từ đó đến nay, đã 22 năm trôi qua, nhưng chưa bao giờ tôi ngừng suy nghĩ về nó. Đơn giản vì nó là một trong những cuốn sách hay nhất về một chủ đề hấp dẫn nhất đối với con người. Tôi đã đem nó ra để trao đổi trò chuyện với rất nhiều người, thậm chí dùng nó như một phép thử để đánh giá xu hướng tư duy của người đối diện.
Khoảng 1993-1994, tôi gặp một anh bạn trên một phố Hà Nội, một đạo diễn điện ảnh khá nổi tiếng. Anh ta khoe với tôi vừa ký được một hợp đồng làm phim với một đài truyền hình ở Anh. Hợp đồng khá béo bở, nhưng anh ta chưa nghĩ ra được đề tài gì cho thích hợp. Như có thần linh xui khiến, tôi lập tức khuyên anh ta nên làm phim về chủ đề tâm linh, vì chủ đề này được cả thế giới quan tâm. Để thuyết phục, tôi cho anh ta mượn 2 cuốn sách quý: “Hành trình về Phương Đông” của Spalding và “Đức Chúa Trời có thật không” của một Cha trợ lý của Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng. Ngoài ra tôi còn viết một tiểu luận ngẫu hứng về chủ đề tâm linh và gửi cho anh ta như một tài liệu bổ sung. Anh ta thích những tài liệu đó đến mức bắt vợ con ngồi nghe anh ta đọc nhiều đoạn. Cuối cùng anh ta quyết định làm cuốn phim mới với tên gọi “Một cõi tâm linh”. Trong phim sử dụng khá nhiều tư tưởng trong các tài liệu của tôi. Đến nay anh ta vẫn chưa trả tôi 2 cuốn sách quý. Nếu gặp, tôi sẽ phải đòi lại, vì đó là một kỷ niệm không thể nào quên.
Vài năm sau, lúc vừa mới chân ướt chân ráo đến Úc, tôi lại mang “Hành trình về Phương Đông” ra để chia sẻ với anh em bạn bè ở đây như một chủ đề tâm đắc nhất. Một người nói vỗ vào mặt tôi: “Ồ, tưởng cái gì chứ cuốn sách ấy thì đã được thu vào băng cassette bán đầy ở ngoài chợ…”. Có nghĩa là đối với người này, cuốn sách ấy cũng chỉ như mấy thứ hàng tạp hóa mà thôi. Tôi thất vọng, và học được bài học rằng con người vốn đa tạp, nhiều chiều. Chiều kích của “Hành trình về Phương Đông” có lẽ chỉ thích hợp với những tâm hồn giàu tư tưởng, giàu cảm xúc tâm linh, không thích hợp với những đầu óc thực dụng, hưởng thụ cuộc đời theo cách cân đong đo đếm. Nước Úc rộng quá, dân số ít quá, người Việt lại càng ít, vì thế xác suất để gặp một người đồng cảm về “Hành trình về Phương Đông” lại càng thấp.
Nhưng càng hiếm càng quý. Rốt cuộc tôi cũng gặp được một người như thế: anh Vũ Quang Cảnh, một nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng ở Sydney. Anh có những tác phẩm được triển lãm buộc người xem phải đăm chiêu suy nghĩ. Tôi thích nhất bức “con sói ngửa mặt lên trời hú lên tiếng hú vọng về cội nguồn”. Con sói là biểu tượng của hoang dã, tự do, tự nhiên. Xa xa là thành phố Sydney với những cao ốc chọc trời, biểu tượng của con người với những bó buộc chặt hẹp, phản tự nhiên. Cái gì thuộc về tự nhiên phải trả về tự nhiên… Tôi hiểu tâm tư của tác giả và rất trân trọng cảm xúc sâu xa của anh. Còn anh, thấy tôi mê “Hành trình về Phương Đông” quá, anh liền tặng tôi cuốn sách đó do nhà xuất bản Người Việt tái bản năm 1989. Từ đó đến nay dễ thường tôi đã đọc đi đọc lại cuốn này tới gần chục lần, đánh dấu, ghi chép bên lề chi chít, và xếp nó vào tủ sách bên cạnh những cuốn thần học, triết học và Đạo học thiêng liêng nhất.
Năm 2003, con rể tôi sang Úc chữa bệnh, một ca bệnh khá hiểm nghèo. Trong lúc lo lắng, bi quan, tôi không biết làm gì hơn là đưa cuốn sách mà tôi cho là đáng đọc nhất cho con tôi đọc, vừa để lấp thì giờ trống trải, vừa hy vọng biết đâu đấy, tư tưởng và những phép lạ trong sách có thể giúp con tôi chữa lành bệnh. Tôi mừng rỡ khi thấy con tôi cũng say mê cuốn sách y như tôi, thậm chí còn hơn tôi, vì đến nay anh chàng thuộc vanh vách nhiều đoạn trong đó. Phải mê lắm, thấm lắm mới thuộc được như thế. Tôi nghĩ đó là điềm lành, rất lành. Còn gì lành hơn đức tin - niềm tin mạnh mẽ vào sự hiện hữu của Đấng Toàn Thiện, Toàn Trí, Toàn Năng luôn luôn thương xót và cứu độ loài người. Chẳng phải Chúa Jesus từng nói với những người được Chúa chữa lành bệnh rằng “đức tin của con đã cứu con” đó ư? Chẳng phải Chúa Jesus đã nhắc chúng ta rằng “Điều này con người không làm nổi, nhưng Chúa có thể làm mọi sự” đó ư?
“Nếu bạn tin vào Chúa mà Chúa không tồn tại thì bạn cũng chẳng mất gì. Nhưng nếu bạn tin vào Chúa mà Chúa tồn tại thì bạn sẽ được tất cả”, đó là canh bạc mà Blaise Pascal, một trong những nhà hiền triết sâu sắc nhất, cha đẻ của Lý thuyết Xác suất, đánh cược với người đời. Chẳng phải Pascal là người khôn ngoan nhất đó sao?
Ván bài đánh cược của Pascal tỏ ra đặc biệt hiệu nghiệm trong việc chữa bệnh, nhất là những ca bệnh hiểm nghèo, những ca bệnh được can thiệp bởi các phép lạ. Thật vậy, y khoa là mảnh đất chứng kiến nhiều phép lạ nhất.
Bản thân tôi được chứng kiến ít nhất hai trường hợp bệnh nhân được chữa lành nhờ phép lạ. Đó là hai trường hợp bệnh nhân của cụ “Trưởng Cần” ở Ngọc Hà. Có một thời những người nghiên cứu việc chữa bệnh của cụ “Trưởng Cần” bị khép vào tội mê tín dị đoan. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Đằng sau những kẻ lường gạt, vẫn có những vị thánh làm phép lạ. Những vị thánh này có sứ mạng gì với nhân thế, chỉ có Chúa biết. Ngay từ hồi ấy, khoảng 1974, khi biết chuyện cụ Trưởng Cần, tôi đã suy ngẫm rất nhiều về một câu nói chí lý của Pierre Simon Laplace: “Cái ta biết thì quá ít ỏi, cái ta không biết thì mênh mông”. Tôi bắt đầu vỡ ra rằng thói tự phụ khoa học là một trong những biểu hiện vô minh nhất và lố bịch nhất của con người. Chỉ có sự khiêm tốn mới mong học hỏi được những điều tốt đẹp. Hơn bất cứ cuốn sách nào khác, “Hành trình về Phương Đông” liên tục nhắc nhở ta điều đó. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những ai mắc bệnh “hoang tưởng trí thức”, “hoang tưởng giáo sư”, “hoang tưởng tiến sĩ”, “hoang tưởng nhà nghiên cứu”, “hoang tưởng học giả”,… Những người mắc bệnh đáng thương này có thể chẳng thèm đếm xỉa đến ngay cả Einstein khi ông nhắc nhở: “Đừng coi trí tuệ là chúa; nó có sức mạnh cơ bắp, nhưng phi nhân tính”. Trong khi đó, 11 nhà khoa học trong đoàn hành trình về Phương Đông là những nhà khoa học chân chính đáng kính, bởi họ đã bất chấp phẩm tước khoa học danh giá để lắng nghe bài học đầu tiên quan trọng nhất - bài học khiêm tốn, điều kiện tiên quyết để học những bài học khác.
“Đúng thế, tôi đã học hỏi rất nhiều và điều đầu tiên tôi học được là sự khiêm tốn. Chỉ có sự khiêm tốn mới giúp ta học hỏi thêm những điều mới lạ. Các bạn hãy nhìn ly nước trên tay tôi đây, nếu tôi tiếp tục rót thêm thì nước sẽ tràn ra ngoài. Trừ khi tôi đổ bớt nước trong ly đi thì tôi mới rót thêm nước vào được. Kiến thức cũng thế, chỉ khi ta khiêm tốn gạt bỏ những thành kiến có sẵn ta mới tiếp nhận thêm được những điều mới lạ” (Lawrence Keymakers)
“Này các bạn, cái lý trí tự cao tự đại của con người không có ích gì cả. Chỉ khi nào họ đạt đến trạng thái tĩnh lặng của tâm hồn họ mới ý thức được các luật huyền bí của vũ trụ và sự nhỏ bé của con người. Khi tách khỏi trạng thái u mê của lý trí họ mới ý thức được sự an lạc tuyệt vời khi hòa nhập với Thượng đế” (Sudeih Babu).
Ôi, con người có biết mình tầm thường nhỏ bé không nhỉ?
Trong Thiên Chúa giáo, đức khiêm tốn là đòi hỏi đầu tiên để tiếp thu lời Chúa. Bản thân Chúa Jesus là hình ảnh tiêu biểu của đức khiêm tốn. Ngài xuất thân trong một gia đình nghèo hèn, Cha nuôi là một thợ mộc, bản thân Ngài trước khi đi rao giảng cũng là một thợ mộc. Ngài từng cầu nguyện với Chúa Cha trên trời, trong đó tự nhận mình là kẻ bé mọn: “Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho kẻ khôn ngoan và kẻ thông thái biết, mà đã tỏ ra cho kẻ bé mọn” (Mt 11:25).
Nhưng người đời không mấy ai chịu làm kẻ bé mọn. Họ thích mình to lớn, vĩ đại, oai phong, quan trọng, danh giá. Tôi đã chứng kiến những “nhà khoa học” đau đớn vì không được phong “giáo sư”, những nghệ sĩ đau đớn vì không được phong “nghệ sĩ ưu tú”. Sao họ khổ như vậy nhỉ? Sao họ chịu nhục như vậy nhỉ? Những người này chắc chắn không bao giờ đọc “Hành trình về Phương Đông”, và nếu đọc cũng chẳng hiểu gì. Đối với họ, làm gì có Thượng đế, chỉ có con người bằng xương bằng thịt thôi. Và xương thịt ấy hơn kém nhau ở danh lợi, bổng lộc, địa vị, phẩm tước, phẩm hàm. Nếu họ hơn người, họ đắc chí - đắc chí tiểu nhân. Nếu họ kém người, họ đau khổ, buồn bã, thất vọng. Họ rất đáng thương, bởi họ không có cái may mắn lớn nhất ở đời là sự giác ngộ. Họ không hiểu con người là gì.
Ngược lại, bác sĩ Bandyo trong “Hành trình về Phương Đông” là một hình ảnh tiêu biểu của người trí thức chân chính. Câu chuyện của ông thật cảm động. Ông là cựu giám đốc bệnh viện Calcutta, một giáo sư đại học nổi tiếng về khoa giải phẫu, một trong những bác học Ấn Độ được đề nghị trao Giải Nobel Y học. Ông vốn là một nhà khoa học thuần túy, không tin vào bất cứ cái gì mang tính huyền bí, phi khoa học, nhưng là một nhà khoa học giàu lòng nhân từ, không chịu bó tay trước bất cứ một ca bệnh hiểm nghèo nào mà ông có trách nhiệm cứu chữa. Dường như Chúa muốn ông trở thành một biểu tượng của đức tin nên đã đẩy ông tới chỗ phải đối mặt với một ca bệnh lạ lùng chưa từng biết. Ông bất lực, đau khổ, bế tắc,… nhưng đúng vào lúc tuyệt vọng nhất thì Đức Mẹ Maria xuất hiện. Trong con mắt của tác giả “Hành trình về Phương Đông”, Đức Mẹ cũng có thể là Đức Quan Thế Âm Bồ Tát của Phật giáo, hoặc Đức Avalokiteshvara của Ấn giáo. Nhưng dù gọi Ngài bằng tên gọi gì, Ngài vẫn là “biểu hiện cho lòng Từ bi, Bác ái, luôn luôn đáp lại những lời cầu xin của chúng sanh”.
Một giáo sư sốt ruột muốn biết số phận của bệnh nhân đó ra sao, bác sĩ Bandyo trả lời một cách dứt khoát: “Còn sao nữa khi Đức Mẹ hành động thì có bệnh gì mà không khỏi…”.
Đó là điều những người không có đức tin sẽ không bao giờ hiểu. Nhưng tôi hiểu, vì ít nhiều tôi cũng đã có những trải nghiệm cá nhân về những phép lạ mà khoa học không thể giải thích, và nhất là vì tôi tin Chúa. Đối với tôi, Chúa Jesus giống như một người Cha thương con, chỉ muốn cho con cái khôn ngoan, vì thế Người chỉ nói sự thật, sự thật, và sự thật. Dại dột thay những đứa con không biết nghe lời. May mắn thay những đứa con biết lắng nghe những lời dạy bảo chí tình. Trường hợp của bác sĩ Bandyo rất dễ hiểu đối với những ai đã thấm nhuần lời Chúa: “Việc ấy con người không làm nổi, nhưng Chúa có thể làm mọi sự” (Mt 19:26).
Sau biến cố ấy, bác sĩ Bandyo đã từ chức, lui về ẩn cư tại một làng nhỏ ở Rishikesh để săn sóc sức khỏe cho dân chúng tại đây. Ông biến thành một người hoàn toàn khác, một người xa lánh với bả vinh hoa và hiến dâng trọn vẹn cho sự nghiệp cứu đời. Đó là ý Chúa.
Tôi muốn kể ra đây nhiều chuyện hay khác, nhiều triết lý quý giá khác trong “Hành trình về Phương Đông”, nhưng như thế thì có lẽ phải chép cả quyển sách ra đây, bởi gần như trang nào, chương mục nào cũng có ý hay. Hiếm có một cuốn sách nào như thế.
Vì thế, khi gấp sách lại, tôi bắt đầu đặt câu hỏi: Baird Spalding thực ra là ai? Dịch giả Nguyên Phong thực ra là ai? Linh tính bảo tôi rằng không chỉ tác giả là một nhân vật lạ lùng, mà dịch giả Nguyên Phong cũng lạ lùng. Cả hai nhân vật này ắt hẳn phải có những kinh nghiệm lạ lùng về tâm linh đáng để cho chúng ta học hỏi.
Ấn bản đặc biệt và đầy đủ nhất của “Hành trình về Phương Đông” do NXB Văn hóa Thông tin vừa xuất bản đã cung cấp cho chúng ta câu trả lời về Spalding. Xin chân thành cảm ơn NXB Văn hóa Thông tin và dịch giả AnleBooks vì cuốn sách bổ ích này.
Còn Nguyên Phong?
Thú thật, tôi đặc biệt muốn biết Nguyên Phong là ai, như thế nào, làm sao anh có thể viết ra những câu chữ hay đến thế, sâu sắc đến thế, mặc dù anh đóng vai trò khiêm tốn của một dịch giả. Tôi nói với mọi người: Nguyên Phong quá giỏi, chắc chắn phải là một người xuất sắc, có hiểu biết văn hóa cao, đặc biệt là hiểu biết thần học  tâm linh. Trông thấy cái đẹp mà không xúc động, trông thấy người tài mà không biết nghiêng mình kính cẩn, ấy là đồ vứt đi. Nguyên Phong là một người tài để tôi phải nghiêng mình kính nể, khâm phục.
Rốt cuộc, thông tin về con người đặc biệt này đến với tôi qua bài báo “Một làn gió tinh khôi” của nhà văn Phan Lạc Tiếp, trên trang mạng Thiên lý Bửu Tòa.
Tôi rất cảm động khi đọc bài báo này. Xin nhấn mạnh rằng bài báo rất hay, không những nó vẽ lại quang cảnh sinh hoạt của người Việt ở Mỹ sau biến cố 1975 một cách rất sinh động, mà còn mô tả chân dung Nguyên Phong một cách rõ nét, giúp tôi giải mã được những gì tôi thắc mắc về anh, và thậm chí còn làm tôi quý trọng và khâm phục anh hơn. Tôi rất mừng vì ấn tượng của tôi về Nguyên Phong là hoàn toàn chính xác. Xin chân thành cảm ơn nhà văn Phan Lạc Tiếp.
Tôi định trích vài đoạn về Nguyên Phong từ bài báo đó vào đây, nhưng cảm thấy không ổn, vì như thế sẽ làm hỏng bài báo của tác giả. Tôi hiểu những gì tác giả bài báo muốn nói. Các phần của bài báo có liên kết hữu cơ với nhau. Trích đoạn này bỏ đoạn khác sẽ làm hỏng ý của tác giả. Vậy tốt nhất là giới thiệu bài báo đó với mọi người. Vâng, nếu bạn là một người say mê “Hành trình về Phương Đông” như tôi, nếu bạn có ấn tượng mạnh về Nguyên Phong như tôi, xin bạn bấm vào link dưới đây. Biết đâu, đó là cơ duyên để những tư tưởng đẹp gặp nhau?
http://www.thienlybuutoa.org/Misc/MotLanGioTinhKhoi.htm
Tôi chỉ nói thêm chút xíu thay cho lời kết (một chút xíu quan trọng):
Nếu bạn đọc bài báo của tác giả Phan Lạc Tiếp, xin bạn chú ý đến chi tiết Nguyên Phong gặp cuốn sách “Journey to the East” như thế nào. Ba lần gặp, ba lần cuốn sách đó rơi xuống đất, ba lần Nguyên Phong phải nhặt cuốn sách đó lên để cất nó vào giá sách của thư viện. Rõ ràng có một phép lạ nào đó đã tác động buộc Nguyên Phong phải để mắt đến cuốn sách đó, để bị cuốn sách đó hút hồn, để dịch nó ra cho độc giả Việt Nam, để an ủi những người đang đau khổ, để thắp lên ánh sáng cho những người đang tìm đường dấn bước về tương lai, và để làm được rất nhiều việc khác nữa mà chính Nguyên Phong không lường trước được…
Sự kiện kỳ lạ nói trên củng cố cho nhận định của tôi trong bài viết này, rằng “Hành trình về Phương Đông” là một cuốn sách có sứ mệnh đặc biệt, một sứ mệnh cao cả, thiêng liêng - dường như một thông điệp của Chúa gửi đến con người trong xã hội hiện đại.
Chú thích:

(1): Từ 1950 đến 1954, tôi học cấp I tại các trường công giáo ở Hà Nội: Institution Sainte Marie (phố Hai Bà Trưng), Institution Puginier (phố Lý Thường Kiệt). Thầy cô giáo là các Soeurs, các Frères. Học sinh được học Kinh Bổn, dự lễ Nhà thờ trong trường.
(2): Lớp học do Soeur Anna Tâm thuộc Tu Viên Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội giảng dạy, trong một căn phòng bên trong Tòa Giám mục. Lớp học có 12 học viên, tôi được cử làm lớp trưởng, thường phải thay mặt học viên trả lời những câu hỏi khó do giảng viên đặt ra.
(3): Đã công bố trên PVHg’s Home dưới tiêu đề “Phương trình của Chúa”.
Sydney 22/10/2014
PVHg
Theo https://viethungpham.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...