Thứ Tư, 2 tháng 12, 2020

Huy Cận - Sự khắc khoải không gian

Huy Cận - Sự khắc khoải không gian

Van lạy không gian xóa những ngày
Hàn Mặc Tử
Huy Cận - 21 tuổi, khi Lửa thiêng ra đời
Các nhà nghiên cứu Lửa thiêng trước đây thường ít lưu ý đến bài thơ Trình bày (và Thân thể) mở đầu thi phẩm. Hẳn vì họ cảm thấy cái khí vị tôn giáo ở đấy có phần xa lạ với giọng điệu chung của tập. Nhưng lẽ nào chính sự dường như lạc điệu ấy lại không làm cho độc giả cảm nhận sự độc lập của bài thơ đối với phần còn lại của tác phẩm như chìa khóa đối với ổ khóa? Huyền thoại về Con người, do ăn Quả cấm tri thức, bị đuổi khỏi Thiên đường đã được Huy Cận sử dụng như là một ẩn dụ nghệ thuật để Trình bày động lực sáng tạo và cấu trúc không gian nghệ thuật của Lửa thiêng.
Nhân loại, trong lịch sử của mình, đã trải qua một giai đoạn, có thể gọi là "giai đoạn thiên đường". Thuở ấy, con người sống hạnh phúc trong sự hòa đồng với thiên nhiên và đồng loại. Không chỉ sống kề cận trực tiếp với thiên nhiên, con người còn cảm thấy mình là một phần hữu cơ của cỏ cây, muông thú trong cái cơ thể thiên nhiên kỳ vĩ. Cái nhìn hòa đồng đó đã để lại trong huyền thoại phương Tây những con nhân sư, người cá, thần Dionysos chân dê... hoặc các kiểu người - thú, người - cây trong các hội hóa trang trung đại, còn ở Việt Nam, cư dân chủ yếu sống bằng hái lượm và trồng trọt, là những mẹ Mộc, bà Dâu, và Ỷ La... và rất nhiều thần cây đa, mà cây gạo, cú cáo cây đề. Ở Lửa thiêng, dấu vết của thứ tư duy cổ sơ ấy vẫn còn đậm đà trong cái nhìn Thân thể: Bàn tay hoa nở, cây chân, gió mây trong miệng thở...
Nếm Quả tri thức, lần đầu tiên con người thức nhận ra mình là một con người, nghĩa là như một cá thể: biết xấu hổ về tình trạng như tự nhiên của mình; còn Ađam, bằng hành động che thân bỗng biết mình khác Eva. Như vậy, con người vừa tách được mình ra khỏi thiên nhiên và đồng loại thì lập tức nó trở thành kẻ mất thiên đường, tức mất sự an bằng nội tâm, trở nên cô đơn trên trần thế, cô đơn giữa đồng loại: “Nhưng cô độc đã thầm ghi trên trán, Lòng lạc loài ngay từ thuở sơ sinh”.
Sống ở cõi đời đầy chông gai (... chân muôn dấu rỗ; thủng gai đời...) con người không nguôi nuối tiếc cái "Thiên đường đã mất" (“Lòng tôi đây trọn một đời thương nhớ"). Trái tim đau luôn luôn có nhu cầu Trình bày, nhu cầu dâng hiến cho đời thứ ngọc đau buồn kết tinh từ nước mắt, mơ mộng và tình yêu cho vợi bớt cô đơn.
Tình trạng của con người, kẻ mất thiên đường cũng là tình trạng của cái tôi Việt Nam trong giai đoạn Thơ Mới. Vừa thoát khỏi bào thai cái ta làng xã cổ truyền ngàn năm trong cuộc trở dạ hơn thế kỷ, cái tôi thị dân hiện đại, sau những phần chấn ban đầu (khởi nghĩa Yên Bái năm 1930), đã rơi ngay vào sự cô đơn. Diện mạo tương lai mờ mịt, hiện tại thì bất ổn, cái tôi lãng mạn lộn ngược quá khứ làm tương lai, bởi vậy, nó luôn luôn nhớ tiếc quá khứ như một cái gì bình ổn, hạnh phục và đẹp đẽ. Một phản ứng vô thức đối với thực tại bấy giờ.
Huy Cận, thi sĩ, nghiệm sinh ý tưởng triết học đó bằng không gian. Không gian Lửa thiêng là sự hóa thân của Thiên đường, của sự hòa đồng nguyên thủy thuở xưa. Đó là không gian mang tính chất vĩnh viễn, và là đối tượng để con người chiêm nghiệm và chiêm ngưỡng. Là trời xưa như một quá khứ ("Đại bàng vỗ cánh muôn năm trước, Ai biết trời xưa rộng mấy khơi"), là cõi biếc mênh mông ("Tê mê cõi biếc bến bờ là đâu"), là trên cao chơi vơi (chở hồn lên tận chơi vơi), là nơi xa biếc tượng trưng cho Chân, Thiện, Mỹ tồn tại ở trên cao đối lập với tất cả những cái giả dối, mỏng manh dưới thấp, ở cõi đời ("Cõi đời cúi mặt quên xa biếc"). Như vậy là ở đây, huyền thoại thiên đường còn mang một chức năng khác: yếu tố tổ chức không gian theo trục dọc: trên - dưới, cao - thấp, đẹp - xấu, vô biên - hữu hạn... Trong thang bậc giá trị này con người sống ở dưới thấp, trong cô đơn ("Hiu hắt đầy tôi giữa xứ hờ") và không nguôi quên sự ám ảnh của không gian ở trên cao.
Bởi thế, Trông lên, với Huy Cận, không chỉ là một động tác trữ tình thuần túy thủ pháp, mà là một thái độ nghệ thuật nhằm chiêm ngưỡng không gian như là một lý tưởng thẩm mỹ. Tâm trạng nhớ không gian, buồn bã không gian, sầu không gian... tràn ngập khắp Lửa thiêng. Thậm chí, con người còn hứng không gian, mang không gian vào trong bản thân mình để rồi trải mình với không gian. Đó là những động thái khác nhau của Hồn xa Huy Cận.
Không gian Lửa thiêng là không gian trung đại truyền thống, là trời xưa mà con người, kẻ ngồi thương ở dưới trần ấy, không còn là đại bàng vỗ cánh muôn năm trước, tức con người siêu cá thể đồng nhất mình với vũ trụ, một tiểu vũ trụ. Cá nhân lãng mạn nhỏ nhoi không ôm trùm nổi không gian vũ trụ, chỉ biết nhìn nó bằng một cái nhìn đô đếm kiểu phương Tây. Bởi thế, không gian lớn của Lửa thiêng cũng còn tự phân hóa thành những khuôn mặt trần thế (căn phòng, con đường, mảnh vườn, dòng sông...) gần gũi, thân mật cho vừa tầm trò chuyện, tình tự, để chính từ đó Huy Cận lại chìm sâu vào cảm thức mênh mông với không gian.
Không gian trần thế của Huy Cận nghiêng về không gian tự nhiên, mà ở đây tượng trang là không gian nông thôn với cảnh sông, hồ, đường làng, vườn tược... Ông ít viết về thanh phố, mà có viết thì thành phố thường gây cho nhà thơ cảm giác bối rối, lo âu, buồn nản của cái chết (Chết, Nhạc sầu). Ngược lại, phong cảnh khoáng dã của đồng nội mang lại cho nhà thơ sự thư thái, trấn an được tâm hồn cô đơn của con người.
Vườn trong thơ Lửa thiêng gợi nhớ đến vườn Địa đàng, nơi con người buộc phải từ bỏ thì nay họ tìm lại nó ở trong những mảnh vườn thực tại. Hơn nữa, trong truyền thống thơ phương Đông trung đại, vườn vẫn là nơi con người tìm về để sống một cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên (thú điền viên), ẩn trốn mọi sự chướng tai gai mắt của cuộc đời. Mảnh vườn hoang sơ mọc đầy cây trinh nữ trong Ngậm ngùi là nơ con người được mơ mộng, yêu và ngủ trong lời ru âu yếm để tiếp tục được mộng mơ.
Nét độc đáo của hình tượng con đường và dòng sông trong Lửa thiêng là chúng không phát triển tuyến tính, mà dường như bị giới hạn bởi một biên giới vô hình nào đó, để trở thành một không gian tĩnh. Con đường ở đây chỉ là một khúc "đường thơm", nơi con người đến để thả hồn mơ. Dòng sông ở đây chỉ là một khúc sông, một đoạn sông phẳng lặng được nhìn ra từ một bến đò, một bãi bờ nào đó.
Không gian trần thế của Lửa thiêng bao giờ cũng có tính nước đôi, Một mặt, đó là tính chất vĩnh cửu, vô hạn, mặt khác, bao giờ cũng có những giới hạn, bởi chúng được nhìn bằng cái nhìn định hướng.
Tràng giang là một bài thơ về không gian, chứa đầy không gian. Nhà thơ mô tả cái mênh mông của không gian bằng những vật thể nhỏ như một cành củi, cồn nhỏ lơ thơ, những đám bèo dạt trên mặt nước... bởi lẽ, chúng dễ chuyên chở cảm giác cô đơn, rợn ngợp của con người. "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà", câu thơ được gọi ý trực tiếp từ hai câu kết trong bản dịch Hoàng Hạc lâu của Tản Đà: "Quê hương khuất bóng hoàng hôn, Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai", và vẫn thường được ca ngợi là hay hơn Tản Đà ở sự "không khói". Nỗi nhớ quê hương thường trực trong lòng đến nỗi không cần đến sự gợi nhắc. Nhưng đây là câu kết của bài thơ nói về không gian, nên nhớ nhà ở đây chính là nhớ không gian. Dĩ nhiên, không gian tượng trưng: "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài".
Lửa thiêng là một không gian mở; giữa con người và không gian luôn luôn có sự tương giao. Mỗi sự thay đổi của thiên nhiên bên ngoài đều gây nên sự thay đổi tương ứng trong con người ("Ý mùa cũng rộn trong thân mới"). Con người cũng luôn luôn mở rộng lòng để đón chờ giao tiếp: cửa thì mở ("Đây cửa mộng lòng em, anh hãy mở"), lòng thì chẳng rào ("Tiếng mùa về gọi lòng em dậy, Lơ đãng lòng tôi chẳng kịp rào"). Thậm chí không gian cư trú của con người cũng luôn để ngỏ: giường kề cửa sổ, mùng không che ("Giường bên cửa sổ, cây đưa mát/ Không chịu mùng che để ngó trời")...
Nhớ không gian, giao tiếp không gian và khát vọng cao nhất của chủ thể trữ tình trong thơ Huy Cận là chiếm lĩnh không gian như một đối tượng thẩm mỹ. Khi đó con người trở thành không gian và không gian trở thành con người, không còn sự phân biệt chủ thể - khách thể nữa: trạng thái mà con người siêu cá thể trung đại đạt được với tư cách là tiểu vũ trụ hoặc trạng thái hòa đồng nguyên thủy cổ xưa. Trong trạng thái này con người cá thể, cá nhân thị dân, cái tôi Thơ Mới rũ được tâm trạng cô đơn, cảm giác bất lực, sự không hòa hợp với ngoại cảnh. Huy Cận đã tìm ra được những con đường kinh nghiệm nội tâm để chiếm lĩnh không gian: nước, mơ mộng và tình yêu.
Huy Cận hay làm và làm thay thơ mưa. Với thi sĩ, mưa là vật môi giới cho nội tâm và ngoại cảnh gặp gỡ. Giữa vô thể và hữu thể, mưa là một khiếm thể, một thể không định hình, đang chuyển hóa.
Mưa buông một tấm màn xám phủ lên mọi vật, xóa nhòa không gian, làm mất không gian. Thực ra, chỉ mất đi cái không - gian - nhìn - thấy, còn không gian - nghe - thấy thì được gia tăng:
"Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la...
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn (...)
Rơi rơi... dìu dịu rơi rơi...
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ..."
(Buồn đêm mưa)
Chính âm thanh đều đều của những giọt mưa đã làm phương tiện để chuyển hóa không gian thành tâm hồn và không gian được nội tâm hóa, không còn phân biệt giữa cái tôi và phi tôi nữa. Đó là "hạnh phúc hòa đồng".
Sau Cách mạng tháng Tám, cái tôi trữ tình của Huy Cận thay đổi: nhà thơ vẫn làm thơ mưa (Mưa xuân trên biển) nhưng mưa lúc này chỉ là phương tiện để tác giả bày tỏ sự hòa hợp của mình với ngoại cảnh là cuộc đời mới. Thơ đã vợi đi chất nội tâm đậm đà của Lửa thiêng.
Những biến thể khác của mưa là mây và mù. Đó cũng là những khiếm thể có chức năng môi giới cho sự nhất thể hóa chủ thể và khách thể trong thơ Huy Cận ("Bỗng dưng buồn bã không gian/ Mây bay lũng thấp giăng màn âm u" hoặc: "Hoàng hôn mù xuống nặng/ Gió sông buồn, em ơi!"). Ngoài ra, trong Lửa thiêng còn rất nhiều những từ liên quan đến mưa, đến nước như suối ("Đã chảy về đâu những suối xưa"), sông ("Thuyền đi, sông nước ưu phiền"), biển ("Hồn cô đơn như đảo rời dặm biển"), sương ("Sương sầu gieo xuống vai")... Thơ Huy Cận có những câu đẫm nước:
"Sông mát tràn xuân nước đậm bờ".
hoặc có những đoạn thơ có rất nhiều từ gợi đến nước trực tiếp hoặc gián tiếp:
"Sang đêm thuyền đã xa rồi
Người ra cửa biển, nghe hơi lạnh buồn.
Canh khuya tạnh văng bên cồn
Trăng phơi đầu bãi, nước dồn mênh mang"
(Thuyền đi)
Một tập thơ có tựa đề là Lửa thiêng mà lại đẫm nước như vậy hẳn không khỏi không gây nên những băn khoăn trong lòng bạn đọc? Nhưng khi ngọn lửa của khát vọng được hợp nhất bốc lên cao, dường như muốn thiêu đốt tất cả, thì theo "ngũ hành tương khắc" chỉ có nước và những thể đồng tính với nước là có khả năng làm nguội dịu, nguôi quên được một hiện thực cay đắng: thế giới bị chia cắt.
Một phương tiện khác để đạt được sự chiếm lĩnh không gian, đó là mơ mộng. Theo triết học Ấn Độ, con người có ba trạng thái: tỉnh thức (jàgrat), mơ mộng (svapna) và ngủ không mơ (sushypti). Cuộc sống là sự liên tục từ trạng thái này sang trạng thái khác, và giữa chúng không có một biên giới "hành chính" cố định. Mơ mộng được phương Đông coi như một thế giới khác thế giới thực tại, một không gian khác không gian thực tại. Mơ mộng là sự mở rộng không gian, hay hợp nhất không gian nội tâm với không gian vũ trụ. Lửa thiêng rất nhiều mơ mộng, đó là một thế giới mộng mơ.
Mơ mộng lên một thế giới khác ở trên cao như là một lý tưởng thẩm mỹ. đó là nét mới của thơ Huy Cận. Đỗ Phủ ngày xưa cũng Đăng cao để chiếm lĩnh không gian. Nhưng với nhà thơ đời Đường, đó là một cách để đạt tới sự cảm thông vũ trụ, để có cơ hội hòa nhập cái tôi siêu ngã của mình (tiểu ngã) vào vũ trụ (đại ngã). Nguyễn Khuyến thì "đăng cao" lên núi An Lão để khẳng định sự "không an lão" (cam phận già) của mình. Đó là cốt cách cứng vững của cái tôi siêu cá thể (Đỗ Phủ) và cái tôi tập đoàn (Nguyễn Khuyến) của hai nhà thơ trung, cận đại. So với họ, cái tôi cá nhân của Huy Cận yếu ớt hơn: nó chỉ "đăng cao" bằng sự mơ mộng; nhưng nó cũng hùng mạnh hơn vì nó có thêm một phương tiện mới: đi sâu vào thế giới nội tâm, chiếm lĩnh không gian thực bằng sự đồng hóa nó với nội tâm của mình:
"Chở hồn lên tận chơi vơi
Trăm chèo của Nhạc, muôn lời của Thơ
Quên thân như đã quên giờ
Tê mê cõi biếc bến bờ là đâu"
(Trông lên)
Ngoài ra, mơ mộng cũng là cầu nối giữa lòng với lòng (cũng là không gian với không gian), một sự tìm về với cộng đồng của cá nhân cô đơn, một lối thoát khỏi thực tại nhàm chán.
Đỉnh cao của trạng thái mơ mộng của chủ thể trữ tình ở bài Đi giữa đường thơm. Các yếu tố để mồi mơ mộng là không gian: đường làng vào mùa gặt hái, no đủ; thời gian: buổi trưa, điểm lặng trên hành trình của mặt trời, lúc thời gian đứng im; màu sắc nhạt nhòa: hoa dại; đặc biệt là rất nhiều bóng: "Đất thêu nắng bóng tre dồi bóng phượng" (sau này thơ Huy Cận còn có một loại bóng rất đặc biệt: "Anh là bóng thức của hồn em"). Bóng tuy không còn là vật thực (hình) nữa, nhưng cũng chưa phải là vật ảo... Trong một khung cảnh gợi cảm như vậy, bạn đồng hành lại là người khác giới, mà hành trang thì đã "Giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng", nên chủ thể trữ tình rơi ngay vào trạng thái mơ mộng cao. Con người và sự vật đều ở tình trạng nhòe mình. Khó phân biệt được giữa thực và hư, giữa cái tôi và cái ngoại cảnh. Các giác quan bị mất: phương hướng: "Lên bề cao hay đi xuống bề sâu?"; thời gian: "Một buổi trưa không biết tự thuở nào?" hay là buổi trưa trong ca dao, còn đôi lứa đây là trong cổ tích? Thôi "lòng nhớ rõ làm chi" nữa, hay nói đúng hơn, không thể nhớ rõ được. Đó là trạng thái không phân biệt giữa Trang sinh và Bướm vàng. Trong trạng thái đó trí lặn đi trở thành vô tư, nhường chỗ cho bản năng thức dậy, sống đủ đầy ("Trí vô tư cho da thở hương tình"). Tuy nhiên trí vẫn dai dẳng sống thức:
"Trí bâng quơ thoáng nghĩ nhưng buồn nhiều
Chân hết đường thì lòng cũng hết yêu"
Ra khỏi cảnh trí ấy, con đường thơm ấy, bóng cây lá ấy, mùi hương hoa dại ấy thì cũng hết yêu, hết mơ mộng. Nuối tiếc và muốn kéo dài mơ mộng:
"Chân đang bước bỗng e dè dừng lại
Giữa đường làng thơm mùi hoa dại".
Tình yêu trong Lửa thiêng diễn ra trong không gian chứ không phải trong thời gian. Bởi vậy, mất không gian là mất tình yêu. Điều đó tạo nên sắc thái đặc biệt của thơ tình Huy Cận. Thơ tình Xuân Diệu: tha thiết, sôi nổi, có nhiều yếu tố thanh sắc, mang nặng tính chất hưởng thụ. Với Xuân Diệu, tình yêu là cường độ sống, mà sống, theo nhà thơ, là để chiến thắng sự trôi chảy của thời gian. Còn với Huy Cận, tình yêu chỉ là phương tiện giao nối lòng người để chiếm lĩnh không gian, chiến thắng sự cô đơn, bơ vơ.
Tình yêu Huy Cận như là một thứ tình yêu không đối tượng. tình yêu hòa lẫn với mơ mộng. Anh yêu, nhưng ít sống trong giây phút hiện tại như Xuân Diệu, mà yêu như một sự chắp nối lại những duyên xưa, cho nên bao giờ cũng có tính chất Ngậm ngùi:
"Lòng em nhớ lòng anh từ vạn kỷ,
Gặp hôm nay nhưng đã hẹn ngàn xưa
Yêu giữa đời mà lòng ở trong mơ
Đời rộng quá tình không biên giới nữa"
(Tình tự)
Hạnh phúc sống bên nhau, như:
"Đôi lứa thần tiên suốt một ngày
Em ban hạnh phúc chứa đầy tay"
trong thơ Huy Cận quả thực hiếm hoi và ngắn ngủi. Nhưng cả điều đó cũng chỉ có được nhờ hồi tưởng, trong ký ức:
"Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong
Hôm xưa em đến..."
(Áo trắng)
Lửa thiêng phần nhiều là những tình sầu, tình mất, tình vẩn vơ do sự lệch pha không gian, do sự xa cách trong không gian. Bởi vậy, trong thi phẩm đầy rẫy chia ly, tiễn đưa, cầu, đôi bờ, thuyền, bến đò, đợi chờ, trong nhau, chờ nhau... Những tình cảm đó bàng bạc khắp không gian, giăng mắc khắp không gian:
"Người ở bên trời ta ở đây;
Chờ mong phương nọ, ngóng phương này
Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm,
Vạn lý sầu lên núi tiếp mây"
(Vạn lý tình)
Tâm hồn bị không gian chia cắt, nhưng tâm hồn cũng được không gian hợp nhất, bởi sự tương ứng của không gian:
"Nắng đã xế về bên xứ bạn;
Chiều mưa trên bãi, nước sông đầy"
(Vạn lý tình)
Tình yêu vạn dặm cũng là vạn dặm tình yêu. Tình yêu đã hợp nhất không gian.
Cũng như Baudelaire, Huy Cận hay làm thơ về cái chết. Với ông, cái chết không mang một ý nghĩa triết lý siêu hình nào cả, mà đơn giản chỉ là chuyển sang một không gian khác. Điều đáng kinh sợ nhất của cái chết là không gian đó rất chật chội: "Thân bay nhảy giam trong mồ nhỏ tí", đó là không gian của hư vô "Dăm bảy lòng thương xót đến bên mồ/ Để cho hồn khi sắp xuống hư vô", và chết là sự lẻ chiếc tuyệt đối "Bỏ chung chạ nằm khô một bóng".
Người chết không còn các phương tiện như người sống để khỏa lấp sự cô đơn, bơ vơ: tình yêu, mơ mộng. Chết là vĩnh viễn mất không gian, hay không gian trở thành không gian thuần túy: hư vô.
Nói đến không gian, không thể không nói đến thời gian, bởi vì "Không gian là thời gian trường tồn. Thời gian là không gian đang lần bước" (Uxpenxki). Thời gian trong Lửa thiêng của Huy Cận đã ngưng kết thành không gian, cho nên có thể nói như H.Bergson: thời gian là những hoài niệm.
"Quên thân như đã quên giờ
Tê mê cõi biếc bến bờ là đâu"
(Trông lên)
Chìm sâu vào không gian (quên thân) thì không gian ngừng lại (quên giờ), tức là nó chuyển hóa thành không gian (cõi biếc) có tính chất vĩnh viễn (bến bờ là đâu). Thời gian không xác định được là hiện tại hay là quá khứ: "Một buổi trưa không biết tự thuở nào/ Như buổi trưa hè dịu dịu trong ca dao/ Có cu gáy và bướm vàng nữa chứ"... Sự vật từ xưa đến nay không có gì thay đổi trong thời gian. Đám mây ngày nay nhìn thấy vẫn là đám mây tự thuở hồng hoang, cơn gió vẫn là cơn gió cũ, còn dòng sông thì là nơi dường như ta có thể tắm hai lần.
Chính vì tính chất phi thời gian, hoặc ngoài thời gian đó của cảnh vật, mà thi nhân có thể Trò chuyện với các thi sĩ của nghìn xưa:
"Chiều lại xuống ở bên lầu cô tịch;
Chờ thi nhân đã chết tự ngàn xưa
Nói chuyện cùng - Chiều không nắng, không mưa,
Không sương gió, chỉ có sầu vạn thuở".
Hoặc nói chuyện với Mai sau, vì Huy Cận tin rằng hậu thế cũng chẳng có gì thay đổi nên vẫn có thể hiểu được tâm sự của một người hôm nay:
"Hồn đơn chiếc như đảo rời dặm biển,
Suốt một đời như núi đứng riêng tây,
Lòng chàng xưa chốn nọ với nơi này,
Đây hay đó chỉ dựng chòi cô độc".
Còn chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ thuở huyền thoại, hoặc mối duyên kỳ ngộ Bích Câu trở thành chuyện tình của muôn năm, thành Hồn xa của thi nhân: "Một chiếc linh hồn nhỏ, Mang mang thiên cổ sầu".
Linh hồn của một cá nhân cá thể (Linh hồn nhỏ) phải gánh chịu một cái sầu nghìn năm như là một thứ "tội tổ tông" của con người, quả thật, vừa nặng nề vừa... nhẹ nhõm, bởi vì chính trong mối sầu dài dặc của đồng loại đi trước mà cá nhân thấy bớt cô độc, lẻ loi.
Nếu thời gian là những sắc thái tâm hồn (Kant) thì tâm hồn Huy Cận hòa vào phong cảnh, cảnh vật. Đó là thứ phong cảnh gợi cảm, chứ không nhằm mục đích truyền cảm:
"Nai cao gót lẫn sương mù
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về
Sắc trời trôi dạt dưới khe;
Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng"
(Thu rừng)
Đó là Đẹp xưa:
"Ngập ngừng mép núi quanh co,
Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang...
Vi vu gió hút nẻo vàng;
Một trời thu rộng mấy hàng mây nao".
Trong cảnh sắc đó, bao giờ cũng phảng phất tâm hồn thời gian tự ngàn xưa hiện về trong gió, trong âm thanh, tạo thành hồn cảnh vật:
"Đồn xa quằn quại bóng cờ
Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về"
hoặc:
"Đêm mơ lay ánh trăng tàn
Hồn xưa gửi tiếng thời gian, trống dồn"
(Chiều xưa)
Thời gian và không gian trong Lửa thiêng hòa vào nhau chặt chẽ. Đọc Lửa thiêng, người đọc có cảm giác như vào một Tòa Cổ Tự (tự theo hai nghĩa: Chùa và Chữ), bắt gặp thứ ánh sáng vĩnh cửu. Có thể nói, đó là một thứ "thời - không gian" đặc trưng cho Huy Cận khác biệt với "thời không" trung đại: không gian vĩnh cửu và thời gian vĩnh viễn của nghệ thuật trung đại được nhìn bằng con mắt kỷ hà học và đầu óc phân tích phương Tây. Lửa thiêng là khát vọng khôn nguôi của con người trong sự chiếm lĩnh không gian. Con người với tư cách là một thực thể hữu hạn về mặt thời gian lại luôn có ước mơ trở thành bất tử. Chiếm lĩnh được không gian, trở nên trường tồn như không gian, nghĩa là con người khắc phục được thời gian để đi vào bất tử. Ước mơ tưởng chừng như rồ dại đó lại là một ước mơ rất nhân bản, mà chỉ có con người mới có được. Đó là bi kịch lớn nhất, sâu sắc nhất của nhân loại. Điều này giải thích được vẻ đẹp của Lửa thiêng, âm điệu buồn của nó, một thứ khí quyển của thi phẩm.
Không gian nghệ thuật của Lửa thiêng là nơi hội tụ của những yếu tố trái ngược nhau. Ở đây chúng hòa hợp với nhau để tạo thành một thể thống nhất. Đó là phong cách đặc sắc của Lửa thiêng.
Trước hết, đó là những yếu tố trung đại và hiện đại, phương Đông và phương Tây, lối ăn nói ví von của ca dao, tục ngữ, ngôn ngữ tượng trưng Đường thi và chủ nghĩa tượng trưng của thơ ca Pháp... mà nguồn cội sâu xa của chúng là cái tôi cá thể cảm thấy mình cô đơn, bất lực nên vẫn liếc mắt về cái ta truyền thống của làng xã, công xã nông thôn, như nhìn về một quá khứ tốt đẹp. Các yếu tố này đối lập và thống nhất với nhau trong từng thành phần, từng cấp độ của tác phẩm. Điều đó làm cho Lửa thiêng trở thành một cấu trúc nghệ thuật chặt chẽ, hoàn chỉnh, có quy luật nội tại của nó, chi phối tới tất cả các thành tố của tác phẩm như thể thơ, ngôn ngữ...
Trong Lửa thiêng, Huy Cận sử dụng những thể thơ cũ/ mới theo một tỷ lệ tương đối cân bằng: tám chữ - 18/50, bảy chữ - 17/50, năm chữ - 5/50, bốn chữ - 2/50, sáu tám - 8/50. Trong đó, thể hoàn toàn là sản phẩm của Thơ Mới có thơ tám chữ; thể ít nhiều có cải biên từ truyền thống có thất ngôn, ngũ ngôn, thơ bốn chữ; thể cổ truyền trăm phần trăm có lục bát. Điều đáng lưu ý là chúng đã được thi nhân hoán cải để mang được tính chất không gian của Lửa thiêng. Để đạt được sự cân đối hài hòa, giàu tính bác học, ít chất dân dã, Huy Cận đã xếp các câu thơ của mình thành từng khối chữ (khổ thơ) bốn câu hoặc hai câu. Với thơ lục bát thì ông bẻ ra thành câu đối nhau hoặc câu đối xứng theo nhịp ngắt 3/3 hoặc 4/4...
Ngôn ngữ Lửa thiêng thích dùng từ Hán Việt để có màu sắc trang trọng phù hợp với không khí thi phẩm:
"Nắng hoe rải nhặt hoa trên đất,
Đời dịu vừa như nguyệt nước rằm"
(Học sinh)
Chuyển đổi từ loại (danh từ thành động từ) một cách uyển chuyển: "Hai đứa thần tiên suốt một ngày", hoặc cách dùng từ độc đáo, rắn chắc:
"Ngàn năm sực tỉnh, lê thê
Trên thành son nhạt, chiều tê cúi đầu"
(Chiều xưa)
Tư duy thơ là tư duy lựa chọn, theo trục dọc, trục không gian. Thời gian thơ cũng là thời gian theo trục dọc chứ không phải thời gian kế tiếp, theo trục ngang, bởi thơ luôn luôn là sự quay trở về với chính bản thân nó, phá vỡ tính liên tục của thời gian sự kiện, thời gian kế tiếp của văn xuôi để chắp nối với không gian, với vĩnh cửu. Tư duy Việt Nam cũng thiên về tư duy không gian, nên thơ trữ tình phát triển. Như vậy, Huy Cận với Lửa thiêng đã hội tụ được, cùng một lúc, vào trong bản thân mình, cả hai thế mạnh một của bản thân thơ và một của tư duy Việt Nam. Lửa thiêng vừa đắm mình trong mạch nguồn dân tộc, vừa là một thế giới ngưng kết bởi nó. Một thế giới riêng biệt tồn tại song hành với thế giới thực tại, không đứt rốn, không đối lập, mà song song phản chiếu lẫn nhau. Xuất hiện trong sự giao thoa của những luồng ánh sáng đó là khuôn mặt của Cái đẹp, của sự Thanh lọc...
29/5/2019
Đỗ Lai Thúy
Theo http://vanhoanghean.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...