Thứ Tư, 9 tháng 12, 2020

Đọc “Lỡ chuyến đò chiều” của Hồ Bê

Đọc "Lỡ chuyến đò chiều" của Hồ Bê

Tác giả Hồ Bê có nickname Ben oh. Anh sinh trưởng tại Huế. Có thể nói sông Hương núi Ngự đã góp phần hun đúc nên hồn thơ anh. Vì thế thơ anh bao giờ cũng đầy ắp tình Huế. Tuổi Quý tỵ của anh cũng bôn ba góc bể chân trời nên có cuộc sống từng trải. Đi qua những thăng trầm dâu bể để lại nhiều chiêm nghiệm trong thơ. Năm 1991 cuộc đời anh rẽ sang hướng khác khi phải xa Huế để định cư tại Hoa Kỳ nên vì thế thơ anh chất chứa nỗi niềm với Huế, chứa chan tình đời, tình người.

Tháng 8/2020 anh đã xuất bản tập thơ đầu tay có tựa đề: “Chút Gì Với Huế”. Nay anh tiếp tục xuất bản tập thơ thứ hai “Lỡ Chuyến Đò Chiều” trong quý IV năm 2020. Do tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp trên thế giới, chưa thể nối lại đường bay nên anh chưa trở về quê nhà để ra mắt tập thơ thứ nhất “Chút Gì Với Huế” được. Anh dự kiến khi tình hình dịch covid được không chế, anh sẽ trở về ra mắt hai tập thơ và giao lưu với bạn đọc tại quê nhà.

Thơ của tác giả Hồ Bê đã chiếm được cảm tình của người đọc khi anh đăng tải lần lượt từng bài trên trang facebook của anh và của các câu lạc bộ thơ. Được nghệ sĩ ưu tú Phong Thủy, nghệ sĩ Mạnh Hùng,… đã chắp cánh cho thơ anh đi vào lòng người. Đặc biệt thơ anh đã được nhiều nhạc sĩ tìm thấy sự đồng cảm với những dòng tâm tình của anh đã phổ nhạc rất nhiều nhạc phẩm trữ tình sâu lắng. Có thể kể ra đây: nhạc sĩ Nguyễn Xuân Mai với các bài: Giận hờn; Thương nhớ mẹ; Thương nhớ anh. Nhạc sĩ Võ Phương Anh Lợi với các bài: Duyên Tình; Mẹ hiền ơi!; chờ em qua sông; “Nhớ em chiều ni”. Nhạc sĩ Lê Thiên Nhã với các bài: Chuyện tình trong tranh; Thương nhớ anh. Nhạc sĩ Hoàng Hạc Nguyễn với bài: Giận hờn; Năm tháng buồn; Phận người đàn bà. Nhạc sĩ Phạm Văn Thành với bài: Đêm buồn tình lẻ; Khi mô anh về? Nhạc Sĩ Quách Ngọc Hiếu với bài: Huế bây chừ. Nhạc sĩ Phạm Minh Hương với bài Giỗ Cha. Nhạc sĩ Nhật Thu với bài: Thân cò là mẹ; Nỗi buồn ai biết; Nỗi nhớ trăng lên; Buồn trong mắt mẹ. Nhạc sĩ Trần Thúy Nga với bài Cuộc tình phai. Lê Văn Thật với bài Mười năm không gặp. Nhạc sĩ Lê Phước Long với bài Tình yêu trong tôi. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Quý với bài Màu hoa tím... Một số bản nhạc được các ca sĩ nổi tiếng thể hiện như ca sĩ Lê Minh Trung, ca sĩ Trần Trung Nghĩa, ca sĩ Quang Vinh…đã làm rung động hàng ngàn khán thính giả. Anh cũng tỏ ra am hiểu về âm nhạc nên có những bài thơ anh sáng tác rồi phổ nhạc luôn như bài: “Huế bây chừ”; “Kể lại chuyện chúng mình” là những bài hát có giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng đậm chất Huế.
Như vậy đến với nghệ thuật thi ca, anh đã có những thành công đáng ghi nhận. Thành công nối tiếp thành công, sự yêu mến của độc giả là nguồn động lực để anh sáng tác tập thơ thứ hai: Lỡ Chuyến Đò Chiều.
Tập thơ này, phần I gồm có 60 bài thơ, phần II là những nhạc phẩm mà các nhạc sĩ đã phổ từ thơ của tác giả Hồ Bê. Thơ anh viết nhiều thể loại: lục bát, và các thể thơ khác, nhiều nhất là thơ tự do. Đó là những dòng cảm xúc chân thành được ghi lại một cách tự nhiên. Dường như anh không chú trọng làm thơ nên không mấy trau chuốt về ngôn từ và kỷ thuật. Anh chỉ mượn câu chữ để chuyển tải cảm xúc và những dòng tâm sự của anh mang dáng dấp trữ tình hay tự sự đều chan chứa ân tình và đầy tính chân thực nên dễ đi vào lòng người. Ngôn ngữ sử dụng bình dị, dể hiểu gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày của con người xứ Huế. Thơ anh khi thâm trầm sâu lắng, có chút triết luận nhẹ nhàng, khi sôi nổi nhiệt thành, khi ngọt ngào lãng mạn. Anh gửi gắm vào thơ nỗi niềm tâm sự và những chiêm nghiệm cuộc đời, nhân tình thế thái… Anh dành những vần thơ rất đỗi chân thành khi viết về mẹ. Thơ cho mẹ bao giờ cũng xúc động, chạm đến trái tim bạn đọc. Anh nói về công ơn sinh thành dưỡng dục của song thân của một tấm lòng của người con hiếu nghĩa.
“Sớm hôm buôn bán tảo tần
Trên vai đôi thúng nửa phần gánh con”
- “Ơn sinh dưỡng dục đồng hành
Đôi vai của mẹ trưởng thành đời con”
(Nhớ mẹ)
Anh viết về xứ Huế với nỗi nhớ niềm thương da diết đến nao lòng. Nhất là những khi bão lũ thiên tai, ở nơi xa anh cũng quặn lòng thương Huế.
- “Tháng mười da diết Huế trong tôi
Mưa qua đầu ngõ đến thượng nguồn
Huế có làm chi trời giận dữ
Trời mưa như thác đổ sông Hương”
(Huế mưa)
Tâm hồn thi nhân của anh rất nhạy cảm trước những vấn đề của cuộc sống vì vậy với cảm hứng tự sự có xen trữ tình đã phản ánh kịp thời qua các bài thơ: “Tiếc thương các anh” (Những người hi sinh ở thủy điện Rào Trăng 3), “Nữ Nhi - bài thơ gửi tặng ca sĩ Thủy Tiên”, “Hiếu nghĩa còn đâu?” “Đôi nạng gỗ”, “Covid tại hiện”…
Trong tập thơ này, mảng thơ về tình yêu chiếm khá nhiều với đủ cung bậc: thương nhớ, giận hờn, dang dở chia xa…
“Nếu người dạo ấy vẫn còn mơ
Lời thề trăng cũ chẳng phai mờ
Vẫn mãi chờ anh đêm bóng nguyệt
Xao xuyến trong lòng viết nên thơ”
(Trăng và em)
Anh mượn vầng trăng để ký thác nỗi niềm là hình thức tả cảnh ngụ tình. Anh dùng ngoại cảnh để phô diễn tâm cảnh.
“Trăng sầu lẻ bóng những chơi vơi
Chia cả tình ta cuối góc trời”
Chia khuya canh vắng buồn hưu quạnh
Chia cả đau thương cuối phận đời”
(Đoạn trường)
Tình yêu chân chính luôn hướng đến hạnh phúc trọn vẹn nhưng đâu phải bao giờ cũng đều như ý. Tình yêu vẫn luôn tồn tại song hành với những ngọt ngào và đắng chát. Đôi khi ngỡ tưởng hạnh phúc trong tầm tay nhưng cuối cùng tình yêu lại không đơm hoa kết trái. Thời gian thì vẫn cứ vô tình trôi đi, mặc con người có hạnh phúc hay không?
“Những ngày mưa nắng đã trôi mau
Tôi muốn tìm em phút giây đầu
Ráng giữ bên nhau tròn hạnh phúc
Ngờ đâu dang dở mãi xa nhau”
(Phận đàn bà)
Thi nhân đối diện với nỗi buồn, thôi đành hẹn kiếp sau:
“Đêm dài nắm chặt với niềm đau
U buồn mắt đọng hạt mưa ngâu
Ai quên chiếc gối đêm thuyền vắng
Nhân thế vương sầu hẹn kiếp sau”
(Phận đàn bà)
Nhưng kỷ niệm của một thuở thiếu thời vẫn luôn canh cánh bên lòng để người thơ mang nặng ân tình. Quê hương, Tình yêu, gia đình, người thân bạn bè… đều hiện diện trong thơ anh. Tất cả là nguồn cảm hứng dạt dào cho thi tứ của Hồ Bê. Tập thơ Lỡ chuyến đò chiều” với sáu mươi bài thơ đầy ắp tình đời, tình người, có tình yêu hiện diện mang âm diệu mênh mang, thoáng chút bâng khuâng và nao nao buồn.
Như chúng ta đã biết thi ca đòi hỏi rất cao ở năng khiếu, sự lao động nghệ thuật và sáng tạo không ngừng. Thơ là sự chắt lọc những rung cảm trong cuộc sống để chuyển tải vào ngôn từ và nhạc điệu. Thơ hội đủ ba yếu tố chính là cảm xúc, ngôn từ và kỷ thuật một cách hài hòa cân đối. Nếu quá chú trọng đến trau chuốt ngôn từ và kỷ thuật hơn là diễn tả cảm xúc thì cũng chưa hẳn dễ đi vào lòng người. Điều quan trọng nhất vẫn là những dòng cảm xúc chân thành, sâu lắng. Giá trị thẩm mỹ vẫn là ở trái tim, ở tâm hồn. Có những bài thơ đọc lên đã thấy hay nhưng cũng có những bài cần đọc kỹ hơn để vui buồn cùng tác giả. Tuy vậy, chúng tôi vẫn mong anh thi vị hóa ngôn ngữ của cuộc sống đời thường và chú trọng hơn nữa về tính nhạc trong thơ để đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của độc giả.
Chúng ta trân trọng những đóng góp của anh cho thi ca đương đại. Câu chữ của anh gửi đến bạn đọc là những tâm tình cho cuộc sống tinh thần thêm phong phú. Đó là những rung cảm của một tâm hồn thiết tha yêu đời, yêu cuộc sống. Hãy đến với “Lỡ chuyến đò chiều” để khám phá vẻ đẹp của tập thơ.
 

Sài gòn, ngày 23/10/2020 

Hoàng Thị Bích Hà

Theo https://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...