Chế Lan Viên có hai câu thơ so sánh rất thú vị về hai hình
tượng mà từ trước đến nay, nhiều người thường liên hệ sóng đôi với nhau: thi
ca và người đẹp “Thơ hay như người đẹp - Ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng”. Bản
chất hai câu thơ trên bao hàm việc đề cao giá trị, vẻ đẹp của thi ca và thị
hiếu của người tiếp nhận. Thơ hay cũng như thiếu nữ đẹp thời nào cũng có,
không nhiều thì ít, ở nơi này hoặc nơi khác... do nhiều tố chất tạo nên. Thơ
hay và thiếu nữ đẹp, theo tôi hiểu là rất đa dạng chứ không phải chỉ đồng dạng
(uniform). Thưởng thức và chiêm ngưỡng chúng là tùy ở con mắt đa tình và gout
thẩm mỹ của từng người, miễn là chúng phải có thuộc tính đẹp và hay; phải lấp
lánh màu sắc và trí tuệ, tức chúng phải đẹp và lạ ở vẻ ngoài trong sự hài hòa với phẩm hạnh và tư tưởng mỹ học ở bên trong.
Thơ hay là thơ nói được cái vi diệu nhất của cuộc sống và tình cảm con người,
nó khiến người ta phải cảm xúc, suy tư và chiêm nghiệm để sống tốt hơn, có ý
nghĩa hơn, nhân bản hơn. Nhà thơ Lê Đạt cũng đã nói: “Thơ là một cố gắng về mỹ
học, cũng là một cố gắng về đạo đức học” (Thư Eiffel, Sông Hương, số 3-1998).
Hơn bất kỳ một thể loại nghệ thuật nào khác, thơ có quyền năng và sức mạnh ấy.
Và mỗi nhà thơ, bằng tài năng của mình, bao giờ cũng cố gắng vươn lên tầm của
nhà tư tưởng, nhà mỹ học, đạo đức học... Như vậy, thơ hay, tự nó không giới hạn
ở phạm vi nào về hình thức và nội dung. Nó mở ra và sáng tạo mới không ngừng
về hình thức biểu hiện và kiểu tư duy, miễn là phải hay, phải độc đáo, hấp dẫn.
Điều đó được lịch sử thi ca của các dân tộc minh chứng một cách thuyết phục.
Ở Việt Nam ta, từ văn chương bình dân đến văn chương bác học, trải qua các thời
kỳ, giai đoạn đều có thơ hay, có tác giả nổi bật. Mãn Giác thiền sư, Không Lộ
thiền sư, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn
Gia Thiều, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần
Tế Xương... cùng với những trang thơ lấp lánh tài năng sống mãi trong lòng
dân tộc. Thơ họ là tiếng nói về mình, về thân phận con người, về thời đại một
cách nghệ thuật, qua đó, hiện lên nỗi niềm tri âm, đồng cảm với chung quanh một
cách sâu sắc.
Đến thời kỳ hiện đại, lại xuất hiện những thế hệ nhà thơ tài danh mà tác phẩm
của họ là thước đo cho những hằng số lịch sử - thi ca mới mẻ. Từ Tản Đà Nguyễn
Khắc Hiếu - người được Hoài Thanh gọi là cái gạch nối của hai thời đại thi ca
đến Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Tuấn Khải, Huỳnh Thúc Kháng... là cả
một tiến trình tiệm biến và tích hợp những phẩm chất thơ theo khuynh hướng
dân chu, hiện đại để dẫn đến một “cuộc cách mạng trong thơ ca” giai đoạn 1930-1945 mà đỉnh cao là Phong trào Thơ mới lãng mạn với sự
xuất hiện của cái tôi cá nhân (individu) tự do và thành thật. Hàng loạt thi
nhân xuất sắc góp mặt trên thi đàn: Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Huy
Cận, Bích Khê, Nguyễn Bính... Mỗi người làm nên một phong cách thơ, một “con
mắt thơ” độc đáo. Phong trào thơ này trước khi hạ cánh, nó đã kịp tạo ra các
khuynh hướng mới với quan niệm và khát khao sáng tạo táo bạo, dù hệ quả thơ
không đủ sức để minh định cho những tuyên ngôn tân kỳ: Xuân Thu Nhã Tập,
Dạ Đài... Vậy là, thơ ca tự nó phải điều chỉnh những so le với chính nó
và với lịch sử - xã hội, nếu nó muốn tồn tại có ích và hợp qui luật. Giờ đây,
thơ ca cách mạng nhanh chóng chiến lĩnh thi đàn và trở thành giá trị tinh thần
lớn lao của thời đại - mà người đặt nền móng cho kiểu tư duy thơ này chính là
nhà thơ Hồ Chí Minh, Tố Hữu và... Suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của
dân tộc, nền thơ ca cách mạng được hình thành bởi những nhà thơ kiểu mới: nhà
thơ - chiến sĩ.
Các thế hệ nhà thơ trong kháng chiến chống Pháp, tiếp đến là các thế hệ nhà
thơ trong kháng chiến chống Mỹ đã thực sự tạo thành lực lượng đông vui và làm
nên thi pháp đặc sắc của thời đại mà trước đó, chưa từng có. Thơ họ mới mẻ về
ngôn từ, đa dạng về giọng điệu, phong phú, bề bộn về hiện thực cuộc sống... Rồi
đến giai đoạn hòa bình thống nhất Đất nước từ 1975 đến nay, thơ Việt lại làm
một cuộc hành trình mới với sự cộng sinh của nhiều phong cách thơ, nhiều thi
pháp thơ phát sinh, tân kỳ. Các nhà thơ thời chống Mỹ giờ đây chiếm lĩnh thi
đàn. Họ chín lại và có những bứt phá trong sáng tạo. Những yếu tố ổn định bên
cạnh những yếu tố mới không lặp lại trong tư duy thơ của các nhà thơ này đã
làm cho thơ Việt đương đại khởi sắc và tiến những bước dài. Đó là trường hợp
của Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Hoàng Hưng, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm
Tiến Duật, Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Thu Bồn, Bùi Minh Quốc... Rồi
bắc qua thế hệ thơ trưởng thành trong hòa bình, họ lại tìm cho mình tiếng nói
riêng đầy bản lĩnh và độc đáo: Nguyễn Khắc Thạch, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng
Trần Cương, Phùng Khắc Bắc, Dư Thị Hoàn, Mai Văn Phấn, Đoàn Thị Lam Luyến, Phạm
Thị Ngọc Liên... Và gần đây, dư luận quan tâm đến các cây bút trẻ: Nguyễn Quyến,
Văn Cầm Hải, Vy Thùy Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Lê Thị Mỹ Ý...
Thơ của các cây bút trẻ này có cái táo bạo, dữ dội trong thể nghiệm, luôn tìm
cái mới, dù không phải lúc nào họ cũng thành công. Chúng tôi muốn kể đến trường
hợp các nhà thơ lớp trước như: Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng... Những tác
giả này có nhiều trăn trở về nghề, về thơ trong giai đoạn sau 1975. Những trải
nghiệm và kiếm tìm của họ trong thơ được nhiều người quan tâm ca ngợi, nhưng
cũng không ít người chưa thừa nhận sự đổi mới thi ca của họ, nói theo đúng nội
hàm của nhóm từ này. Nhưng dù gì, những cố gắng về mỹ học thơ của họ cũng để
lại cho thế hệ trẻ những bài học kinh nghiệm bổ ích.
Chúng tôi muốn lướt qua tiến trình thơ Việt như trên là để khẳng định lại một
điều rằng thơ hay và nhà thơ xuất sắc thời nào cũng có. Và giá trị của thơ, của
từng nhà thơ là độc đáo, không thay thế, không thể phủ định, bất luận họ thể
hiện tâm trạng, hiện thực, cảm xúc gì và với một hình thức ngôn từ như thế
nào. Điều đó cũng có nghĩa là, chúng tôi quan niệm thơ hay là thơ trong một
hình thức nhất định, nói được tình cảm, cuộc sống trong quan hệ với cõi đời,
kiếp người khiến người ta xúc động, yêu thương, vui buồn và đau khổ... Hồn
thơ, tứ thơ... là quan trọng hơn cả. Hình thức nào cũng được, miễn là nó hài
hòa và chuyển tải tư tưởng tốt nhất mới là cái đích của nhà thơ. Chế Lan Viên
rất sâu khi viết: Anh đắn
đo chi câu ngắn với câu dài Mưa Bắc
lòng hay Nam lòng cũng thế Hoa
sen tím, hoa sen hồng đều là em đấy cả Và buồn
lau hay buồn sậy cũng buồn thôi (Đàng
nào cũng vậy)
Nghĩa là làm sao bên sau những câu thơ là tinh túy của chữ nghĩa, của hồn
thơ: “Câu hay ư? Là câu không còn chữ nữa - Lửa cháy lên rồi, chỉ còn có
lửa”. Thơ hay là thơ hồn cốt, là sự thăng hoa của cảm xúc và tâm trạng,
của những vui buồn, ân nghĩa quanh đời.
2. Vậy một câu hỏi đặt ra là làm sao để có thơ hay? Và làm sao để có,
ngày càng nhiều, thơ hay? Dù ai có hô hào là cách tân, hiện đại, là thi pháp
mới đến đâu... mà không có thơ hay thì mọi sự tuyên ngôn cũng trở thành vô
nghĩa, cũng chỉ là sự bất lực trước ảo tưởng của chính mình theo phép thắng lợi
tinh thần mà thôi.
Tôi muốn liên hệ đến thơ trên các tạp chí các tỉnh miền Trung mà tôi có đọc
được: như Tạp chí Sông Hương, Hồng Lĩnh, Xứ Thanh, Sông Lam, Nhật Lệ và Cửa
Việt. Vì sao số lượng thơ đăng tải trên các tạp chí này với chỉ số lớn
mà vẫn vắng thiếu thơ hay, nói đúng hơn, ít có những bài thơ neo được trong
lòng độc giả rộng rãi kiểu: Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, Nguyệt
Cầm của Xuân Diệu, Ngậm Ngùi của Huy Cận và...
Điều này do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, mà theo tôi, chủ quan là
nhiều hơn. Nhớ hồi nhóm Xuân Thu Nhã Tập hoặc Dạ Đài..., các
thành viên đều nồng nhiệt tuyên ngôn và tiên phong sáng tạo, nhưng rốt cuộc,
chỉ có một vài bài được người đọc biết đến, chứ không phải là hay nhất, ví
như Buồn xưa của Nguyễn Xuân Sanh, Màu thời gian của Đoàn
Phú Tứ... Như thế, mới thấy thể loại thơ là vô cùng khó khăn và là thách thức
lớn đối với người sáng tạo. Có người cả đời theo đuổi nghiệp thơ, nhưng có được
mấy bài thơ hay; có người trong một khoảnh khắc xuất thần nào đó, lại để cho
đời những bài thơ nổi tiếng. Nhiều người bàn đến yếu tố lóe sáng của trực
giác, trực cảm; sự mách bảo của tiềm thức, vô thức... Điều này, đúng một phần,
nhưng người làm thơ, nếu quả cứ chờ sự lóe sáng và sự mách bảo ấy thì biết
bao giờ mới có được thơ hay. Ở đây, phải thực sự khách quan, dựa vào tài năng
và sự lao động nghệ thuật của nhà thơ là chủ yếu. Không ai thay nhà thơ để
làm được việc này.
Thơ trên 6 tạp chí của các tỉnh Bắc miền Trung, công bằng mà nói, không sút
kém so với cả nước, đặc biệt, so với trung ương. Các nhà thơ tại chỗ phải nói
là hùng hậu và sáng giá, nhưng để tập hợp thơ hay của từng tạp chí làm thành
một tuyển thì quả là khó. Điều này, theo tôi, có mấy nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, và chủ yếu, là tính địa phương của tờ tạp chí quy định. Tạp chí,
bên cạnh việc phản ánh đời sống sáng tạo và học thuật có tính phát hiện phổ
quát và mới mẻ, lại phải tuân thủ việc phản ánh và sáng tạo có “tính địa
phương, vùng”. Do vậy, một số sản phẩm và một số tác giả chưa đạt trình độ
cao cũng có thể chấp nhận mà không phải theo “chuẩn mực” như trung ương. Tính
nâng đỡ, phát hiện và động viên, bồi dưỡng các cây bút trẻ mới vào nghề còn
diễn ra phổ biến ở các tạp chí này.
Thứ hai, là bản thân người viết cũng chưa thật tìm tòi, lao động một cách công
phu, chưa chịu khó phát hiện vấn đề, suy tư, lật trở vấn đề để tìm cách thể
hiện chúng tốt nhất. Bên cạnh ấy, tạp chí còn phải chịu “sức ép” từ phía các
nhà thơ tên tuổi. Họ thường dành thơ hay của mình cho các tạp chí, tờ báo lớn,
sang trọng cấp trung ương, họa hoằn lắm mới gửi cho địa phương một số bài
không phải là đỉnh.
Thứ ba, phụ thuộc rất nhiều, nếu không muốn nói là quyết định để có thơ hay,
lại ở chính người biên tập thơ. Người biên tập thơ có tài, nhạy cảm bao giờ
cũng là bà đỡ cho mọi tài năng văn chương, cho mọi tìm tòi, đổi mới thực sự,
mà có khi nhiều năm sau, sự phát hiện của người biên tập mới được thừa nhận. Ở
ta, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên là một trong những người tiên cảm như
thế.
Đối với các hiện tượng mới lạ, táo bạo lại phải cần có các nhà biên tập dũng
cảm, bảo vệ và chịu trách nhiệm trước chữ ký biên tập của mình thì mới có được
thơ hay. (nói theo nghĩa có đổi mới, lạ - mà mới lạ quá bao giờ cũng bị dị ứng
của không ít độc giả quen tư duy theo nếp cũ, quy tắc cũ).
Thứ tư, là vai trò và bản lĩnh của Tổng Biên tập - người quyết định và chịu
trách nhiệm cao nhất và cuối cùng của Tạp chí. Muốn vậy, Tổng biên tập phải
là người dày kinh nghiệm và có tầm nhìn chiến lược, có văn hóa sâu rộng - nhất
là trong lĩnh vực lý luận văn chương. Chân dung Tổng biên tập bao giờ cũng
quyết định chân dung của tạp chí và thu hút sự cộng tác của nhiều nhà văn,
nhà thơ, nhà nghiên cứu. Thực tiễn cho thấy, Tổng biên tập nào cấp tiến, đổi
mới và có tầm tư tưởng học thuật cao thì những người cộng tác có tên tuổi, tầm
cỡ sẽ tâm huyết ủng hộ ngày càng đông. Và cùng với sự cộng tác ấy là những
tác phẩm có giá trị, có vấn đề, khơi động những trao đổi mang tính lý luận và
sáng tạo sôi nổi, bổ ích.
Điều cuối cùng, không phải là tất cả và phổ biến, theo tôi, là ở cơ chế hoạt
động và thẩm quyền cho một tạp chí địa phương. Phải thật sự tạo điều kiện cho
các tạp chí hoạt động nghệ thật đích thực trong khuôn khổ của tự do báo chí
và tự do sáng tạo theo đúng chủ trương và luật định, nhằm phục vụ nhân dân,
phục vụ bạn đọc tốt nhất. Phải bảo đảm và khuyến khích sự tìm tòi, đổi mới và
tranh luận dân chủ để tìm ra chân lý, tìm ra cái mới trong lý luận, phê bình
và sáng tác, tránh những áp đặt theo thiên kiến riêng của một vài cá nhân có
chức quyền. Thực tế cho thấy, không khí dân chủ và cởi mở trong hoạt động văn
nghệ những thập niên qua của Đảng và Nhà nước ta đã thúc đẩy nền văn học tiến
lên một tầm mới, phát hiện nhiều tài năng và đặc biệt là xuất hiện những tác
phẩm có giá trị có thể sánh vai với các nền văn học thế giới với cách thể hiện
mới, hiện đại. Nhưng không phải không còn một số nơi, một số trường hợp có sự
thiếu tôn trọng và nặng nề đối với công tác này. Sự thiếu trao đổi, tìm ra
cái đúng - vì nghệ thuật có tính đa nghĩa, hàm súc, biểu trưng, khó nắm bắt bản
chất nội hàm của chúng - sẽ dấn đến sự áp đặt và mệnh lệnh, làm cho tờ tạp
chí e ngại và thiếu tự tin trong hoạt động của mình (dĩ nhiên là chúng ta phải
thực hiện những góp ý và yêu cầu đúng, có tác dụng định hướng sáng tạo và
phát triển chất lượng của tạp chí).
Trên đây là những suy nghĩ tản mạn của chúng tôi trong Festival thơ Huế lần
này. Chúng tôi hy vọng từ diễn đàn này, chúng ta, những người tận tâm, tận lực
vì văn học nghệ thuật sẽ có tiếng nói dân chủ, thực sự tâm huyết, có sự đồng
điệu, tri âm của tình thi hữu vì một khát vọng chân chính, vì cái hay và cái
đẹp đích thực, làm sáng giá, sáng danh cho thi ca Việt Nam trong hiện tại và
lâu dài. Huế, tháng 5-2004
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét