Sự tích hợp nghệ thuật
trong Thơ mới 1932 - 1945
Những năm đầu thế kỷ XX, các trào lưu văn học phương Tây ảnh
hưởng vào văn học Việt Nam rất mạnh mẽ. Lịch sử văn học Trung đại Việt
Nam là lịch sử của tiến trình tiếp biến văn hóa, văn học của các nước trong khu
vực, đặc biệt là của nền văn minh Trung Hoa, theo cách riêng của người Việt
Nam. Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, văn học Trung đại Việt Nam có nhiều biến
động, đủ để chuẩn bị cho một sự giao thoa mới, trở thành động lực nội sinh để
tiếp biến các yếu tố ngoại nhập từ văn học phương Tây, trong tư thế hoàn toàn
chủ động.
Thơ mới ra đời như một sự tích hợp nghệ thuật độc đáo những ảnh
hưởng nghệ thuật của văn học nước ngoài (nhất là văn học Pháp và văn học Trung
Hoa) trên cơ sở văn học truyền thống và nền văn học dân tộc Việt Nam.
Ra đời đầu thế kỷ XX, nhưng Thơ mới hầu như được sáng tác
theo mô hình, quỹ đạo của chủ nghĩa lãng mạn Pháp thế kỷ XIX. Trong khi đó,
đương thời, đầu thế kỷ XX ở phương Tây, chủ nghĩa tượng trưng đã lan rộng và
chuyển dần sang chủ nghĩa siêu thực. Các nhà Thơ mới chủ yếu sáng tác đậm nét
theo trường phái lãng mạn Pháp. Người đầu tiên chịu ảnh hưởng sâu sắc trường
phái lãng mạn Pháp là Thế Lữ. Theo giáo sư Phan Cự Đệ, trong thơ Thế Lữ buổi đầu,
đã có những ảnh hưởng của tản văn Chateaubriand và tiếp đến, trong thơ Huy
Thông với những cảm quan lịch sử hùng tráng theo kiểu Victor Hugo. Về sau, từ
Xuân Diệu trở đi, Thơ mới chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thơ tượng trưng
Baudelaire, Verlaine, Rimbaud, Mallarmé... Yếu tố tượng trưng còn ảnh hưởng
sâu sắc đến thơ Huy Cận, Chế Lan Viên, Bích Khê, Hàn Mặc Tử... Nói cách
khác, trong thơ của các nhà Thơ mới Việt Nam 1932-1945, có ít nhất là một đến
hai nhà thơ hiện đại Pháp hiện diện, tùy theo từng yếu tố đậm nhạt của các trường
phái, khuynh hướng, chủ nghĩa khác nhau mà họ chịu ảnh hưởng, tiếp thu một cách
chủ động, tự giác và sáng tạo. Chủ nghĩa tượng trưng quan niệm nghệ thuật không
phải phản ánh thế giới thực tại, thế giới của hiện tượng mà là một thế giới
siêu tưởng, một thế giới mơ hồ của sự tương hợp giữa ánh sáng, sắc màu, âm
thanh, mùi hương và nhạc điệu. Thơ tượng trưng được chủ thể cảm nhận bằng sự
tương hợp giữa các giác quan. Chủ thể tiếp nhận thơ tượng trưng cùng một lúc có
thể nghe mùi hương, ngửi màu sắc và nhìn thấy cả
âm thanh như trường hợp các bài thơ: Đi giữa đường thơm (Huy Cận), Huyền
diệu, Nguyệt cầm (Xuân Diệu), Chơi giữa mùa trăng (Hàn Mặc Tử), Màu
thời gian (Đoàn Phú Tứ), Nhạc, Đồ mi hoa, Hiện hình (Bích
Khê)... Các nhà tượng trưng xem thế giới hữu hình chỉ là hình ảnh, là cái bóng,
là biểu trưng cho một thế giới mà ta không thấy được. Họ quan niệm chính cái
không nhìn thấy đó mới là bản thể của thế giới. Nhà thơ nhận thức thế giới bằng
trực giác, bởi chỉ có trực giác mới nắm bắt được cái đằng sau, vô hình; mới
nhìn được thế giới đích thực mà ta không nhìn thấy. Vì vậy, thơ - giờ đây đã có
sự tích hợp, thăng hoa, từ nhiều yếu tố, nhiều trạng thái. Nhà thơ, cùng lúc,
phân thân và hội tụ các năng lực thế giới bên trong và thế giới bên ngoài để bừng
tỉnh trong không gian, thời gian, trong tiềm thức, vô thức, trực giác, trực cảm,
trong ấn tượng, tượng trưng... để làm nên những “niềm kinh dị”, những
vô nghĩa lý nhưng hợp lý, những khả giải và bất khả giải trong thơ. Đến đây, có
thể nói, Thơ mới Việt Nam 1932-1945 đã có cuộc giao thoa, hội ngộ
tân kỳ để làm nên những từ trường thơ, những hệ hình thơ hiện đại, độc đáo...
Cùng với lãng mạn và tượng trưng, trào lưu siêu thực đầu
thế kỷ cũng đã lan tỏa vào Thơ mới. Yếu tố siêu thực đã bắt đầu ảnh hưởng đến
các sáng tác của Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích khê, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng
và nhóm Xuân Thu Nhã Tập về sau. “Rõ ràng là không phải ngẫu nhiên mà cái nhạc
điệu buồn buồn thầm kín trong “Tiếng hát mùa thu” và “Mưa rơi dìu dịu trên
thành phố” của Verlaine lại vào được trong thơ Huy Cận, Lưu Trọng Lư. Cũng
không phải ngẫu nhiên mà “Núi xa”, “Gửi hương cho gió” của Xuân Diệu lại phảng
phất tâm trạng của Baudelaire trong “Chim hải âu” (1). Hoài Thanh - Hoài
Chân trong Thi nhân Việt Nam cũng đã nhận xét: “Ảnh hưởng Pháp
trong thơ Việt đến Xuân Diệu là cực điểm..... Huy Cận cũng chịu ảnh hưởng thơ
Pháp, gần đây, nhất là Verlaine” (2) và Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử “Cả
hai đều chịu rất nặng ảnh hưởng Baudelaire và qua Baudelaire ảnh hưởng nhà văn
Mỹ Edgar Poe, tác giả “Chuyện lạ”. Có khác chăng là Chế Lan Viên đã đi từ Baudelaire,
Edgar Poe đến thơ Đường, mà Hàn Mặc Tử đã đi ngược lại từ thơ Đường đến
Baudelaire, Edgar Poe và đi thêm một đoạn nữa cho gặp Thánh Kinh của đạo Thiên
Chúa” (3).
Phải nói rằng Thơ mới 1932 - 1945 là một sự tích hợp nghệ thuật
kỳ diệu, độc đáo trong lịch sử văn học Việt Nam và nó đã đi trọn hành trình thi
ca trước lúc hạ cánh để chuyển sang bước ngoặt mới khi lịch sử đã sang trang. Một
thế kỷ thi ca Pháp với những đỉnh thơ lừng danh như: Lamartine, V.Hugo,
Chateaubriand, Baudelaire, Verlaine, Valéry, Mallarmé... đã được các nhà Thơ mới
thâu tóm, tiếp biến trong vòng mười ba năm! “Hơn một trăm năm của thơ Pháp với
những trường phái lãng mạn, Thi Sơn, tượng trưng, siêu thực... mà chỉ thu gọn
vào có mười ba năm của phong trào Thơ mới” (4). Thâu tóm, chắt lọc tinh
hoa thơ Pháp, nhào nặn quyện hòa với “hồn cũ Thịnh Đường” và ca dao, hát nói...
để tạo nên một nền thơ với các đặc trưng thi pháp chưa từng có trước đó, mở đường
cho tiến trình thơ hiện đại Việt Nam.
Dòng chủ đạo trong Thơ mới ắt hẳn là thơ Pháp, nhưng dấu ấn
Đường thi vẫn để lại trong Thơ mới khá đậm nét với thi liệu ngôn từ, điển tích,
điển cố và nhất là tính chất hài âm trong lối thơ bảy chữ của Xuân Diệu, Huy Cận,
Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Leiba, Thái Can... và âm hưởng Đường thi cứ vang vọng
trong những bài thơ hành của Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính.
“Sau Leiba, Thái Can, thơ Đường còn để lại dấu vết ở Thâm Tâm, Vân Đài, Lưu Trọng
Lư, Huy Cận, Lưu Kỳ Linh, Phan Khắc Khoan, Vũ Hoàng Chương... (5). Bề dày
văn học trung đại với mười thế kỷ, trong đó, thơ Đường được tôn vinh hàng đầu, ảnh
hưởng của nó đã ngấm sâu vào máu thịt của biết bao thế hệ trí thức Việt Nam qua
các thời kỳ lịch sử. Không khó khăn gì để có thể nhận diện và kết luận những nhận
định trên. Điều quan trọng là, các thi sĩ Thơ mới đã tích hợp, chuyển hóa nhưng
không hòa tan, không rập khuôn thụ động; trái lại, có sáng tạo mới mẻ, tinh vi,
biến nó thành giá trị, chất lượng mới. Những ví dụ sau đây là một trong vô số
những ví dụ: “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ
ngàn hàng.” thì không chỉ có một mà nhiều biện pháp nghệ thuật tinh vi: ẩn
dụ, hoán dụ, nhân hóa, khác xa với một tầng ẩn dụ trong thơ Đường và thơ Trung
đại.
Hoặc từ: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng
sử nhân sầu” (Hoàng hạc lâu - Thôi Hiệu) đến: “Lòng quê dợn dợn
vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà ” thì cả một trời cách biệt
về tâm trạng, nỗi niềm và ngôn từ nghệ thuật. Hai nỗi “tư hương” của hai thi
nhân, hai thời đại có khoảng cách về chất và lượng rất rõ. Hoặc ai biết tự bao
giờ, ngôn từ Việt lại có thể dung nạp được kiểu tư duy “Đã nghe rét mướt luồn
trong gió”, hoặc “Hơn một loài hoa đã rụng cành” của Xuân Diệu. “Hơn
một lần chàng đã gởi cho trăng/ Nỗi hiu quạnh của hồn buồn không cớ” của
Huy Cận. Cái cấu trúc văn phạm Pháp: Plus... que đã vào ngôn từ Việt
một cách quý phái và đài các làm sao. Những tiêu đề như “Đây thôn Vĩ Dạ” của
Hàn Mặc Tử, “Đây mùa thu tới” của Xuân Diệu có gì liên quan đến Voici,
C’est... trong tiếng Pháp không? Dĩ nhiên là có. Hoặc “Yêu là chết trong lòng một
ít” có liên quan gì với kiểu “Partir! C’est la mort un peu...”
của thơ Pháp? Câu trả lời là có. Nhưng cái quan trọng là mượn, vay, nhưng
đã thế, thay bằng cảm quan Việt, ngữ điệu Việt và ngôn từ Việt. Đấy
là điểm làm nên giá trị của các nhà Thơ mới...
Các nhà Thơ mới chỉ có thể cởi bỏ cái khuôn mẫu gò bó của Đường
luật, còn phần hồn cốt Đường thi cứ phảng phất mãi trong Thơ mới: “Hồn cũ
Thịnh Đường muôn nẻo sáng/ Ta ghì hư ảnh chút mà thôi” (Vũ Hoàng Chương).
Mặt khác, thơ tượng trưng Pháp cũng có những nét gần gũi với thơ Đường về tính
hàm súc, gợi cảm, kín đáo, thâm trầm và chuộng nhạc tính. Chỉ có khác ở chỗ:
“Thơ Đường chưa đi sâu vào cái tôi, chưa đi sâu vào thế giới cảm giác như Thơ mới” (6).
Cho nên Thơ mới dung hợp được cả thơ lãng mạn - tượng trưng của phương Tây lẫn
phương Đông như nhận định của giáo sư Phan Cự Đệ trong Văn học lãng mạn Việt
Nam 1930 - 1945: “Thơ lãng mạn Việt Nam không những chỉ chịu ảnh hưởng thơ ca
lãng mạn và tượng trưng Pháp, mà còn tiếp thu truyền thống thơ ca Trung Quốc” (7).
Tiếp nhận thi ca nước ngoài, các nhà Thơ mới có lối diễn đạt
thơ phù hợp với điệu tâm hồn dân tộc. Các thể loại thơ ca dân tộc quen thuộc (lục
bát, hát nói, ca dao, vè...) được họ vận dụng, khai thác và nâng lên một trình
độ nghệ thuật mới. Ngoài ra, các nhà Thơ mới còn biết cách học tập và kế thừa
truyền thống thơ Nôm dân tộc của những thế kỷ trước một cách sáng tạo, để
làm giàu thêm cho Thơ mới 1932-1945. “Các nhà Thơ mới đã thực hiện một bước tổng
hợp quan trọng giữa tinh hoa của văn hóa Đông Tây với truyền thống văn học dân
tộc, do đó đã đẩy thi ca Việt Nam tiến nhanh trên con đường hiện đại hóa. Các
nhà Thơ mới đã biết tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài để bồi bổ thêm
cho truyền thống cũ của dân tộc” (8). Sự tổng hợp mà chúng tôi muốn lưu ý ở đây
là tổng hợp toàn diện, trên tất cả các cấp độ của hình thức và nội dung.
Có thể nói rằng “Phong trào Thơ mới là một cuộc đánh giá lại
các thể thơ cũ, tiếp thu những cái tốt đẹp của truyền thống cũ, đồng thời học tập
một cách sáng tạo thơ ca nước ngoài, nhất là Pháp” (9). Đối với thi ca
truyền thống cũ, Thơ mới đã gạn lọc và kế thừa lối thơ năm chữ, thơ bảy chữ,
thơ lục bát và đặc biệt là lối thơ tám chữ được Thơ mới tiếp biến từ hát nói,
ca trù mà ra.
Hầu hết các nhà nghiên cứu đều thừa nhận Thơ mới nằm trong
văn mạch dân tộc, bởi lẽ: Thơ mới đã tích hợp tinh hoa nghệ thuật của thơ Pháp,
thơ Đường trên nền tảng thi ca truyền thống dân tộc. Trong Thơ mới, như Hoài
Thanh đã nhận xét, có ba dòng thơ: Dòng Pháp, dòng Đường và dòng Việt, “Đó là
ba dòng thơ đã đi song song trong mười năm qua. Cố nhiên trong sự thực ba dòng ấy
không có cách biệt rõ ràng như thế. Nếu ta nghĩ đến những dòng sông thì đó là
những dòng sông nước tràn bờ và luôn luôn giao hoán với nhau” (10).
Trong Thơ mới 1932 - 1945 có yếu tố lãng mạn - tượng trưng của
thi ca phương Tây thế kỷ XIX và lãng mạn - tượng trưng phương Đông của truyền
thống thơ Đường Trung Hoa cùng hòa quyện với ca dao, dân ca và thơ ca “quốc
âm”, thơ Trung đại Việt Nam của những thế kỷ trước. Trong đó, “chính
sự ảnh hưởng của phương Tây đã thúc đẩy ý thức cá nhân lên một tầm cao mới, một
chất lượng mới. Đó cũng là quá trình tiếp biến văn hóa đạt nhiều thành tựu xuất
sắc. Thuộc loại hình thơ ca lãng mạn, Thơ mới coi cái tôi cá nhân như điểm tựa
nhìn ra thế giới, trở thành một nguyên tắc cắt nghĩa và lý giải thế giới” (11).
Thơ mới - sự tích hợp nghệ thuật thật đa dạng, phong phú, nơi
quy tụ nhiều tài thơ với những đỉnh thơ chói lòa, những thi phẩm bất hủ, những
tên tuổi vang bóng ngay từ điểm xuất phát như: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc
Tử, Huy Cận... Thơ mới - cuộc tiếp biến và tích hợp nghệ thuật kỳ diệu, độc
đáo, sáng tạo vào bậc nhất trong tiến trình thơ Việt Nam. Chính vì thế, Hoài
Thanh trong Thi nhân Việt Nam đã khẳng định: “Tôi quyết rằng trong lịch
sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại
này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như
Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn
Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan
Viên, và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu” (12). Thơ mới - sự
bùng nổ của cái tôi cá nhân hiện đại, kéo theo sự bùng nổ của ngôn từ nghệ thuật
đã làm nên bước phát triển mới của thơ Việt Nam và mở ra thời kỳ hiện đại chủ nghĩa
trong thơ Việt cho đến ngày nay.
Chú thích:
(1) Phan Cự Đệ (1997), Văn học lãng mạn Việt Nam 1930
- 1945, NXBGD, Hà Nội, tr.197.(2) Hoài Thanh, Hoài Chân (tái bản 1993), Thi nhân
Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, tr. 30.(3) Hoài Thanh, Hoài Chân (tái bản 1993), Thi nhân
Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, tr. 31.(4) Phan Cự Đệ (1997), Văn học lãng mạn Việt Nam 1930
- 1945, NXBGD, Hà Nội, tr. 41.(5) Trần Đình Sử, Nguyễn Hữu Sơn, Trần Nho
Thìn... (1997), Vấn đề con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, tr. 200.(6) Phan Cự Đệ (1997), Văn học lãng mạn Việt Nam 1930
- 1945, NXBGD, Hà Nội, tr.205.(7) Phan Cự Đệ (1997), Văn học lãng mạn Việt Nam 1930
- 1945, NXBGD, Hà Nội, tr. 202.(8) Phan Cự Đệ (1997), Văn học lãng mạn Việt Nam 1930
- 1945, NXBGD, Hà Nội, tr. 215.(9) Phan Cự Đệ (1997), Văn học lãng mạn Việt Nam 1930
- 1945, NXBGD, Hà Nội, tr. 144.(10) Hoài Thanh, Hoài Chân (tái bản 1993), Thi nhân
Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, tr. 35.(11) Nguyễn Đăng Điệp (2002), Giọng điệu trong thơ trữ tình, NXB Văn học, Hà Nội,
tr. 200.(12) Hoài Thanh, Hoài Chân (tái bản 1993), Thi nhân
Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, tr. 29.
8/12/2012
Trần Thế Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét