Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

Tín hiệu thẩm mỹ "Hoa" trong một số nhạc phẩm tiêu biểu về Đà Lạt

Tín hiệu thẩm mỹ "Hoa" trong 
một số nhạc phẩm tiêu biểu về Đà Lạt

1.   Mở đầu

Đà Lạt vào đông se sắt và gợi cuốn làm tim ta càng dễ xao động khi vô tình chạm phải một giai điệu thân quen. Không ồn ào hiện đại, không cổ kính rêu phong, Đà Lạt vẫn dễ dàng ám vào lòng bất kể ai từng qua. Nơi đó có những con người nồng hậu nhẹ nhàng sống lẩn quất trong sương; có những triền đồi da diết vàng sắc dã quỳ; có những cung đường nhuốm hồng mai anh đào độ xuân về... và có cả những bản tình ca đẹp như chính Đà Lạt vậy. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chọn nhắc đến 5 ca khúc trong rất nhiều bài hát hay về Đà Lạt: Đà Lạt hoàng hôn; Đà Lạt lập đông; Ai lên xứ hoa đào; Thương về miền đất lạnh Má hồng Đà Lạt.
Thanh Tuyền - ĐÀ LẠT HOÀNG HÔN
Đà Lạt Lập Đông - Tấn Minh
Ai Lên Xứ Hoa Đào - Phương Anh
Thương Về Miền Đất Lạnh - Diễm Thùy
Má Hồng Đà Lạt - Cẩm Ly

Nói đến Đà Lạt là nói đến một thành phố xinh đẹp với hàng tá mỹ từ như: thành phố mờ sương; thành phố trên cao; thành phố ngàn hoa… Và hiển nhiên là Đà Lạt đẹp thật. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng một tiết trời riêng biệt, khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm làm nên thiên đường của các loài hoa. Hoa ở Đà Lạt vô cùng phong phú về màu sắc và chủng loại, cùng với nét độc đáo về địa hình trùng điệp núi đồi tạo nên một thành phố hoa không đâu có được. Bởi vậy khi các nhà sáng tạo nghệ thuật viết về Đà Lạt, cảm hứng chủ đạo cũng không nằm ngoài thế giới tự nhiên tươi đẹp ấy. Qua các ca khúc viết về Đà Lạt, người nghe có thể hình dung một bức tranh sinh động và đa dạng về thế giới tự nhiên. Và trong vô vàn các tín hiệu về tự nhiên ấy, tín hiệu “Hoa” là một tín hiệu đặc biệt, không chỉ vì số lượng tần suất cao mà còn ở nét đặc sắc trong sự hình thành ý nghĩa khái quát của một tín hiệu vừa có nét chung phổ quát của mọi vùng miền, thậm chí có tính quốc tế, đồng thời lại mang dấu ấn riêng không thể lẫn vào đâu được của thành phố Đà Lạt.
2. Nội dung
2.1. Các dạng kết hợp của Hoa và biến thể Hoa trong ngữ cảnh:
Thực tế khảo sát cho thấy tín hiệu Hoa và biến thể của Hoa có tần số xuất hiện trong 5 ca khúc trên như sau:

Tín hiệu và biến thể

Số lần

Tỷ lệ (%)

Hoa

5

20

Tên hoa

10

40

Hoa rừng

1

4

Hoa vàng

2

8

Đường hoa

2

8

Màu hoa

2

8

Hoa bướm

1

4

Bướm hoa

1

4

Cành hoa

1

4

Tổng

25

100

Bảng: Tần số xuất hiện của tín hiệu Hoa và biến thể Hoa
Tổng số lần xuất hiện của tín hiệu Hoa cùng với các biến thể của Hoa là 25 lần. Trong đó biến thể tên các các loài hoa chiếm một tỷ lệ khá lớn (10 lần), chiếm 40%, hoa đào (8 lần), hoa hoàng lan (1 lần), hoa tigôn (1 lần). Các biến thể khác miêu tả đơn vị như rừng hoa, đường hoa, cành hoa và miêu tả màu sắc của hoa.
Có thể khái quát thành mô hình các kết hợp của Hoa/ biến thể Hoa như sau:
2.1.1. Kết cấu: X + như/ tựa + Y
Trong đó: X là các từ, cụm từ được so sánh, từ so sánh như hoặc tựa, giống, Y là Hoa/ Biến thể của Hoa.
“màu hoa đào như môi hồng người mình yêu” (Ai lên xứ hoa đào)
“Đẹp như tigôn vừa nở” (Má hồng Đà Lạt)
Trong cấu trúc này, các đối tượng được so sánh với hoa rất đa dạng, phong phú. Hoa là sự vật thuộc trường nghĩa thiên nhiên. Những gì đẹp của tạo hóa, của con người đều được so sánh với hoa, đó là thành phố Đà Lạt, là cô em má hồng, là môi hồng người mình yêu...
2.1.2. Kết cấu: Hoa/ Biến thể + X
Trong đó: X là các từ, cụm từ miêu tả đặc điểm, tính chất của Hoa
Kết cấu: Hoa/ Biến thể của Hoa + X miêu tả đặc điểm, tính chất của Hoa
“Gập ghềnh suối đá, lá chen hoa đẹp tươi” (Thương về miền đất lạnh)
Trong kết cấu này, Hoa/ biến thể Hoa giữ vai trò là chủ ngữ của câu. Hoa là vật thể của tự nhiên, mang những vẻ đẹp tươi tắn, rực rỡ của tự nhiên. Tính từ được dùng là tính từ miêu tả tính chất của hoa: đẹp tươi. Ở Đà Lạt, hoa nở nhiều và đẹp tươi quanh năm. Sắc hoa tràn ngập phố hường, bao phủ các triền đồi tạo nên một bức tranh khổng lồ tuyệt đẹp.
2.1.3. Kết cấu: Hoa/ Biến thể + X miêu tả trạng thái, hoạt động của Hoa       
“Đà Lạt lập đông hoa vàng vừa mới nở” (Đà Lạt lập đông)           
“Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai” (Ai lên xứ hoa đào)
“Khi hoa anh đào nở đường lên phố xưa” (Thương về miền đất lạnh)
Vẫn đóng vai trò là chủ ngữ của câu, hoa có những hoạt động, trạng thái về sinh trưởng, phát triển giống như bao loài thực vật khác: mọc, nở, tàn. Bên cạnh đó, động từ “bay” và “theo” trong kết cấu “hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai” lột tả sức quyến rũ đầy ma lực của thành phố hoa đối với lữ khách thập phương. Vẻ đẹp khác biệt của hoa và người nơi đây khắc chạm vào tâm hồn, lưu thành kỷ niệm đối với mỗi người đi qua, hình ảnh thành phố hoa không còn là cảnh sắc hiện thực nữa mà trở thành màu hoa, xứ hoa đào mơ mộng của chốn Thiên thai.
2.1.4. Kết cấu: X + Hoa/ Biến thể
Trong đó: X là động từ, cụm động từ, Hoa/ biến thể của Hoa đóng vai trò là bổ ngữ cho động từ.
“Nhặt hoa thấy buồn lòng không bến bờ” (Đà Lạt hoàng hôn)
“Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai” (Ai lên xứ hoa đào)
“Ðường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa” (Ai lên xứ hoa đào)
“Ta còn chờ em một giấc mơ hoàng lan” (Đà Lạt lập đông)
“Em nói cùng ta giấc mơ một loài hoa” (Đà Lạt lập đông)
Các động từ kết hợp với Hoa/ biến thể của Hoa chủ yếu gắn liền với tâm trạng, tình cảm nâng niu, trân trọng của nhân vật trữ tình như nhặt, nhìn, mơ.
Như vậy, trong kết cấu Hoa + X miêu tả đặc điểm, tính chất, hoạt động của hoa, chủ yếu Hoa kết hợp với các tính từ chỉ màu sắc và các động từ. Hoa giữ vai trò là thành phần chính của câu (chủ ngữ) là đối tượng được nói đến, trung tâm của sự chú ý. Với kết cấu này tác giả đã miêu tả được những đặc điểm cơ bản của hoa về màu sắc cũng như các trạng thái của hoa: nở, tàn, bay…Ngược lại, kết cấu X + Hoa, Hoa không còn giữ chức vụ chính trong câu, tuy nhiên tín hiệu Hoa có tác dụng bổ sung ý nghĩa cho các hành động đi kèm của chủ thể thực hiện hành động, hoặc gắn liền với tâm trạng của đối tượng như: nhớ, chờ, mơ ước… Kết cấu phổ biến nhất là X + như + Y. Điểm đặc biệt của cấu trúc là toàn bộ đối tượng được quan niệm là đẹp đều được so sánh với vẻ đẹp của Hoa. Hoa không giữ vai trò chủ ngữ trong câu, nhưng tín hiệu Hoa vẫn là trung tâm của sự chú ý. Những gì đẹp nhất trong quan niệm của nhân vật trữ tình đều được thể hiện qua hình tượng Hoa.
2.2. Ý nghĩa thẩm mỹ của tín hiệu “Hoa” trong các nhạc phẩm viết về Đà Lạt
Hoa là nguồn cảm hứng bất tận của con người. Hoa tượng trưng cho cái đẹp, bởi vậy những gì tinh túy nhất của trời đất và con người đều được so sánh với hoa. Hoa hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày thường để chúng ta chiêm ngưỡng làm tôn thêm vẻ đẹp của cuộc sống muôn màu.
Hoa được “Từ điển Tiếng Việt”, NXB Đà Nẵng, năm 2009 định nghĩa:
(1) dt: Cơ quan sinh sản hữu tính của cây hạt kín, thường có màu sắc và hương thơm (hoa bưởi, ra hoa kết trái)
(2) Cây trồng lấy hoa làm cảnh (trồng mấy luống hoa, chậu hoa, bồn hoa)
(3) Vật có hình đẹp, tựa như bông hoa (hoa lửa, hoa điểm mười)
(4) Đơn vị đo khối lượng, bằng một phần mười lạng (ba lạng hai hoa)
(5) Hình hoa trang trí trên các vật
(6) Dạng chữ đặc biệt, to hơn chữ thường, thường ở chữ cái đầu câu và đầu danh từ riêng (đầu câu phải viết hoa)
Có thể thấy rõ, trong các nhạc phẩm kể trên, Hoa được dùng với ý nghĩa từ điển thuần túy rất ít, phần lớn tín hiệu Hoa khi kết hợp với ngữ cảnh cụ thể, phát sinh thêm một lớp ý nghĩa mới trên cơ sở ý nghĩa thứ nhất của hoa trong từ điển nói trên. Lớp ý nghĩa mới này chịu ảnh hưởng sâu sắc từ quan niệm của các tác giả nói riêng và của xã hội nói chung. Ở Đà Lạt hoa nở bốn mùa, với đủ hương sắc của các loài hoa, Hoa trở thành tiêu biểu cho những gì đẹp nhất, tinh túy nhất của trời đất. Người ta thường so sánh hoa với cái đẹp “đẹp như hoa, tươi như hoa”. Hoa cũng là biểu tượng của niềm tin, tình yêu. Trong 5 nhạc phẩm khảo sát, có 24/25 tín hiệu hoa và biến thể hoa (chiếm 96%) được sử dụng như những tín hiệu thẩm mỹ bởi ý nghĩa khái quát trong ngữ cảnh giao tiếp của nó.
2.2.1. Hoa biểu tượng cho cái đẹp
Tín hiệu thẩm mỹ hoa biểu trưng cho cái đẹp chủ yếu xuất hiện trong các cấu trúc so sánh với 4/25 lần, chiếm 16% và cấu trúc bổ ngữ cho các động từ thể hiện tình cảm nâng niu, trân trọng đối với hoa. Qua đó cho thấy trong quan niệm của các tác giả nói riêng và người Việt nói chung, hoa là biểu tượng cho cái đẹp. Những gì đẹp đẽ, đáng yêu, đáng trân quý trong đời sống đều lần lượt được đặt cạnh hoa nhằm làm nổi bật vẻ đẹp của cả hai đối tượng: hoa Đà Lạt và đối tượng được so sánh: giấc mơ, kỷ niệm, má hồng, thành phố…
Ta còn chờ em một giấc mơ hoàng lan
… Em nói cùng ta giấc mơ một loài hoa. (Đà Lạt lập đông)
Đặc biệt được nhắc đến là vẻ đẹp của hoa gắn với những giấc mơ, kỷ niệm. Quả thực với bất kể ai từng đặt chân tới Đà Lạt đều không thể thoát khỏi những kỷ niệm quyện níu lẫn những mơ tưởng cứ lẩn quất trong tâm hồn cho dù đã chia xa. Nơi đây có những thứ rất riêng, rất lạ mà nơi khác không thể nào có được. Con người, cảnh sắc, không gian lẫn thời gian đều mang trong nó nhiều dư âm ám gợi. Một ngày ở Đà Lạt có thể trải qua đủ thời tiết của bốn mùa; giữa phố núi ngàn thông reo, hoa đua nở; lại bắt gặp những con người nồng hậu hiếu khách và dịu dàng như cảnh sắc phố núi… liệu ai có thể dễ quên? Chính bởi vậy, Đà Lạt trở nên đẹp, trở thành những giấc mơ đẹp, những kỷ niệm đẹp cho những ai biết trân quý cái đẹp.
2.2.2. Hoa biểu tượng cho người con gái, cho nữ tính
Xuất phát từ đặc điểm bản thể: vẻ đẹp mong manh, yếu ớt, có thì, hoa là biểu trưng cho cái đẹp mang bản tính nữ, cho những người con gái. Ý nghĩa biểu trưng này không mới lạ vì ta có thể dễ dàng bắt gặp trong ca dao: “Ra về ủ dột nét hoa - Bước đi một bước ruột rà quặn đau” hay “Tuổi vừa mười chín, đôi mươi - Mặt hoa mày liễu tựa người thần tiên” trong “Truyện Kiều”… Cái đáng nói ở đây chính là ở nét nghĩa gợi lên được nét đẹp riêng của người con gái Đà Lạt.
“Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai” (Ai lên xứ hoa đào)
Qua lớp ý nghĩa thẩm mỹ này, một đặc trưng đáng yêu của các thiếu nữ Đà Lạt đã được bộc lộ rõ nét qua cách nói hết sức tinh tế: đôi má hồng. Chẳng rõ nguồn cơn vì đâu má của các cô gái Đà Lạt lại luôn luôn hồng trông rất quyến rũ! Có thể vì trên cao nên đón nhiều nắng; lại cũng có thể đó là phản ứng của thân nhiệt trước sự kết hợp giữa ánh nắng chiếu vào cái se lạnh… Chỉ biết đây là một đặc điểm thú vị không lặp lại ở bất kỳ đâu và cực kỳ dễ thương. Cứ hình dung giữa không gian rất tình của thành phố sương mờ, bắt gặp một thiếu nữ có đôi má ửng hồng, đôi mắt long lanh đang cười rạng rỡ ẩn hiện trong các khóm hoa liệu rằng có du khách nào cầm lòng được không? Đó là một trong những ma lực níu giữ lòng người của Đà Lạt mộng mơ.
2.2.3. Hoa biểu tượng cho thời gian.
Thơ ca xưa nay dùng hoa để nói về thời gian là một thủ pháp quen thuộc. Hình ảnh hoa đào trong thơ Thôi Hộ “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” và “hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” (Truyện Kiều) của Nguyễn Du đều nói lên sự thay đổi của thực tại trước thời gian qua sự đối lập giữa cái bất biến và cái biến suy. Trong những bài hát kể trên, các tín hiệu hoa mang ý nghĩa thời gian không còn mang tính ước lệ mà khá chân thực, gần gũi với cảm nhận của người nghe.
“Đà Lạt lập đông hoa vàng vừa mới nở” (Đà Lạt lập đông)
“Khi hoa anh đào nở đường lên phố xưa” (Thương về miền đất lạnh)
Hoa vàng/ anh đào nở là một hình ảnh ẩn dụ chỉ mốc thời gian làm khơi dậy nỗi nhớ của nhân vật trữ tình. Đặt trong ngữ cảnh bài hát cho thấy, nhân vật trữ tình từng có nhiều kỷ niệm đẹp với “em” ở thành phố ấy tại thời điểm loài hoa ấy nở. Con tạo xoay vần, giờ đây một lần nữa mùa hoa quay lại, duy chỉ có em “quên hẹn ước năm nao”. Sự vắng mặt của “em” gợi lên trong chàng trai bao hoài niệm, câu hỏi “em bây giờ lẽ nào” được cất lên liên tục đủ cho thấy sự ray rứt, tiếc nuối nhưng không thôi hy vọng của chàng trai. Cứ thế, chàng trai lần tìm qua “con dốc xưa” mong nhìn thấy “cánh hoa vàng năm ấy” với đầy ắp tình “thương nhớ” em và hy vọng.
2.2.4. Hoa biểu tượng cho không gian
Danh xưng thành phố ngàn hoa chỉ dành riêng cho Đà Lạt bởi vậy ý nghĩa thẩm mỹ cho tín hiệu hoa viết về nơi đây cũng mang một lớp nghĩa vô cùng mới mẻ: biểu tượng cho không gian
“Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa” (Ai lên xứ hoa đào)
Không gian “hoa đào”, “đường hoa” vừa gọi được địa danh vừa gợi lên không gian bạt ngàn hoa. Đây đều là những cảm nhận chân thật cho bất kỳ ai khi đặt chân tới thành phố ngàn hoa. Hoa đâu đâu cũng có, hoa ngập tràn lối đi, hoa hiện diện trong đời sống và len lỏi vào tâm trí con người từ khi nào không hay. Không chỉ phong phú chủng loại, đa dạng màu sắc mà Đà Lạt còn nổi tiếng bởi nhiều loài hoa đặc trưng như: mai anh đào, mimosa, cẩm tú cầu… là những loài hoa chỉ riêng có nơi đây. Bởi vậy hoa ở đây có đủ cơ sở cho lớp nghĩa biểu trưng không gian, đồng thời qua đó giúp tác giả gợi lên được không gian mong muốn, góp phần lý giải cho sức hấp dẫn bất tận của thành phố Đà Lạt trong lòng du khách nói riêng và người yêu Đà Lạt nói chung.   
3. Kết luận
Khảo sát trên cho thấy, số lượng tín hiệu thẩm mỹ trong các nhạc phẩm về Đà Lạt có tần suất khá cao là tín hiệu hoa với cả ý nghĩa phổ quát nhân loại lẫn ý nghĩa địa phương độc đáo trong sự khái quát nghệ thuật. Bằng phương pháp nghiên cứu tín hiệu thẩm mỹ, xem xét tín hiệu như một yếu tố trong chỉnh thể hệ thống với các tín hiệu trong cùng ngữ đoạn, đặt trong hệ thống cảm xúc của nhân vật trữ tình, trong ngữ cảnh rộng của thông điệp, với sự chi phối của các yếu tố không- thời gian, tự nhiên, xã hội,…, tín hiệu hoa mang ý nghĩa biểu trưng nghệ thuật phổ quát là hiện thân của cái đẹp. Song, ở những ngữ cảnh khác nhau, ý nghĩa đó có nhiều biến thể: biểu trưng cho nữ tính, thời gian và đặc biệt là cho không gian. Ý nghĩa này mang tính đặc trưng riêng cho thành phố Đà Lạt.
Giữa muôn vàn tín hiệu thẩm mỹ của thiên nhiên Đà Lạt đẹp mộng mơ, các nghệ sĩ đã chọn lấy vẻ đẹp của hoa làm cơ sở cho cảm xúc, cho ý tưởng nghệ thuật của mình. Các tác giả đã kế thừa quan niệm của dân tộc đồng thời mở rộng, sáng tạo ngôn ngữ để lọc ra những ca từ hay trong nhạc phẩm của mình. Kết quả chúng ta đã có những bài hát dành riêng cho Đà Lạt rất đáng tự hào và  đẹp như chính thành phố hoa vậy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Mai Thị Kiều Phượng (2008), Tín hiệu thẩm mỹ trong ngôn ngữ văn học, Nxb Khoa học Xã hội
2. Đỗ Hữu Châu (2003), Cơ sở ngữ dụng học, Tập1, Nxb Giáo Dục
3. Lê Thị Tuyết Hạnh (1990), Một số tín hiệu thẩm mỹ trong thơ tình Xuân Quỳnh, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội.         
24/3/2020
Tăng Thị Nguyệt Nga
Theo http://ukh.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...