Đàn Bầu - Biểu tượng đặc sắc và
độc đáo của tâm hồn Việt
Thế Văn
Cây đàn bầu Việt Nam từ lâu đã là “Ông hoàng” trong “bộ tộc”
nhạc cụ cổ truyền dân tộc, mà ngày nay được hoàn thiện hơn để cùng với sự nâng
cao hơn hẳn về nghệ thuật biểu diễn, đã trở thành một đại diện tiêu biểu của đặc
sắc văn hóa Việt Nam trong hội nhập thế giới.
Tiếng đàn bầu Việt Nam từ xa xưa đến bây giờ và mai sau nữa,
với sức lay động sâu xa, quyến rũ lòng người, được người Việt Nam ta say mê đặc
biệt. Còn với người nước ngoài lâu nay, tiếng đàn bầu Việt Nam ở đâu cũng gây ấn
tượng mạnh vì sự độc đáo của cây đàn một dây có âm sắc tuyệt đẹp, có thể chơi cả
dân ca, nhạc phẩm mang hồn Việt lẫn nhạc phẩm các xứ sở trên thế giới, truyền cảm
lạ lùng.
“Âm bồi” tuyệt đẹp hay tiếng lòng người
Đàn bầu, ngay cái tên đàn đã là thuần Việt, lấy cái bầu đàn
làm bằng vỏ quả bầu khô vườn nhà nông nào cũng sẵn, để đặt cho cây đàn dân dã
lâu đời đơn sơ thế mà độc đáo. Chứ còn cách gọi chữ nghĩa bác học – “độc huyền
cầm” – như có người mách rằng đó là do có tài liệu lâu đời bên Trung Quốc chép,
thì xa lạ với dân ta, vì nó chỉ nói được là “đàn một dây”.
Thật ra, theo các nhà nghiên cứu, “đàn một dây” thì ở nhiều
dân tộc cũng có, cũng chơi từ xưa lắm. Chẳng hạn, không kể Hy Lạp cổ đại có đàn
1 dây chỉ để định chuẩn thang âm (pythagore), thì châu Phi có đàn 1 dây dùng
que cây rừng ngắt trụi lá có thoa chất ma sát mà cạ vào dây thành tiếng.
Ấn Độ có đàn Gopi Yantra 1 dây căng giữa, 1 đầu tre và 1 miếng
da có 2 thanh tre cặp 2 bên, một tay gẩy, một tay bóp 2 thanh tre tạo cung bậc,
chủ yếu phụ họa theo những bài hát của những người hành khất thuộc dân tộc
Peul. Nhật Bản có đàn Ichigenkin, 1 dây tơ, một tay dùng các móng đeo vào ngón
để gẩy, tay kia chặn dây và vuốt trên dây bằng 1 miếng ngà.
Ở gần ta, Trung Quốc có đàn “nhất huyền cầm”, 1 dây tơ, cũng
một tay dùng ngón gẩy, tay kia chặn dây tạo âm thanh cao thấp. Campuchia có đàn
Sadev, 1 dây căng trên 1 cần đàn giữa 2 trục, cần đàn có 1 bầu gắn vào 1 đầu của
đàn, bầu áp vào người, cũng một tay gẩy bằng ngón, tay kia nhấn trên dây.
Đàn bầu Việt Nam, nếu chỉ có nét lạ cổ sơ là 1 dây, có cái bầu
đàn là vỏ bầu khô, hộp đàn bằng tre, nứa, vầu, bương hay gỗ; gẩy bằng ngón tay,
móng hay que gẩy, phát ra âm thanh do va chạm trực tiếp, 1 lần, tức là “âm thực”,
thì dẫu có cách tân, hoàn thiện đến mấy về cấu tạo với các vật liệu mới, chẳng
bao giờ được coi là nhạc cụ độc đáo, kỳ diệu, tiêu biểu Việt Nam như thế giới
đã ghi nhận.
Đàn bầu Việt Nam đặc sắc chính là do một sáng tạo, một phát
hiện, có thể nói ở mức phát kiến của ông cha ta, ấy là cách gẩy đàn tạo ra “âm
bồi”, tức là dây rung do que gẩy ngay tức thì chạm lần nữa vào cườm bàn tay hoặc
cạnh ngón tay, để phát ra thứ âm thanh kỳ lạ và mê hoặc không nhạc cụ nào trên
đời hơn được.
Tiếng đàn bầu vì thế không còn là tiếng ngân rung của âm thực,
với âm sắc dễ nhận ra của dây tơ, dây thép, inox hoặc nilon mà đã biến ảo, để rất
gần với giọng người. Nó là giọng hát của người đã được mượt hóa và ngọt hóa, để
ngân lên các cung bậc sâu thẳm và phong phú vô cùng tận của tâm hồn người,
nhưng lại ẩn đi phần ngữ nghĩa của lời ca, vì thế càng đa nghĩa, và gần gũi với
thưởng ngoạn của bạn bè thế giới.
Do đặc sắc của âm bồi riêng có ở đàn bầu, nên từng có nghệ sĩ
lúc cao hứng, thử chút tạp kỹ trên đàn bầu, khiến đàn cất lên gần giống các giọng
miền Bắc, miền Trung, miền Nam, giọng nam, giọng nữ…
NSND Xuân Hoạch với cây đàn bầu
tự chế diễn cảnh hát xẩm ngày
xưa.
“Ông hoàng Bầu” và hành trình cùng đất nước
Cây đàn violon được ngợi ca là “Nữ hoàng” trong vô vàn nhạc cụ
phương Tây, cả khi solo hay đứng trong dàn nhạc thính phòng, giao hưởng. Chính
vì nó có ưu thế trội vượt là gần với giọng người, bên cạnh các tính năng riêng
khác nữa.
Cây đàn bầu “nói tiếng người” của Việt Nam, từ lâu đã là “Ông
hoàng” trong “bộ tộc” nhạc cụ cổ truyền dân tộc, mà ngày nay được hoàn thiện
hơn lên để cùng với sự nâng cao hơn hẳn về nghệ thuật biểu diễn, trở thành một
đại diện tiêu biểu của đặc sắc văn hóa Việt Nam trong hội nhập thế giới.
Thuở hàn vi, cây đàn bầu đơn sơ làm bạn với bác xẩm mù ở góc
chợ quê, trên manh chiếu cũ. Bác xẩm đầu gối đè giữ hộp đàn tre, dây tơ ngân
lên tiếng thở than cho kiếp dân quê đói nghèo lam lũ – những “Làn thảm” của
chèo, “Bèo dạt mây trôi” của quan họ, “Nam ai” xứ Huế… Và vị ngọt ngào của những
điệu hát ru, những lời tình tứ ý nhị “Hoa thơm bướm lượn”. Lại cả khi vui nhộn
yêu đời với “Trống cơm”, “Con gà rừng”…
Ai cũng mê tiếng đàn bầu, nên các bác xẩm mù trở thành “nhạc
sư” dân dã của trẻ em và trai tráng các làng quê. Trai làng sau một ngày vất vả
cày bừa, tối đến mượn tiếng đàn bầu mà trải lòng mình dưới ánh trăng suông, khiến
ai nghe cũng thấy mủi lòng. Chả thế, các nhà có con gái lớn mới dặn con “Đàn bầu
ai gẩy nấy nghe. Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”!
Khi “Ông hoàng” đã có được vị thế đáng nể trong cộng đồng,
thì trên hành trình chinh phục con tim có thêm các “cận vệ” dân gian tháp tùng,
mà gắn bó, hòa đồng hơn cả là đàn tranh, sáo trúc. Bộ ba hòa tấu này tạo ra âm
hưởng hòa quyện giầu âm sắc, đằm thắm, khúc chiết, tao nhã mà bay bổng, có sức
quyến rũ đặc biệt.
Đàn bầu – tranh – sáo được làng xã và các nhà giàu mời gọi tiếp
rước khi có đám, để cho cuộc lễ lạt chúc tụng rượu thịt thêm tưng bừng và có ý
vị văn hóa.
Khi chúng ta có các trường âm nhạc và các đoàn nghệ thuật
chuyên nghiệp, thì “Ông hoàng Bầu” có uy thế mới với sức chinh phục mới. Cây
đàn bầu đẹp dáng, thân gỗ bóng vecni, có khi trang trí họa tiết khảm xà cừ, bầu
tiện gỗ. Chỉ sự độc đáo vốn có của đàn bầu ông cha để lại thì không cách gì
thay đổi được. Đó là âm bồi đẹp lạ lùng, và hệ thống âm (nốt) luôn luôn nằm
trên các vị trí cố định: Chính giữa (1/2) chiều dài dây đàn – rồi 1/3,1/4, 1/5,
1/6, 1/7, 1/8. Kỹ thuật chơi đàn cũng phong phú hơn, đáng kể là sáng tạo thêm
que gẩy ngắn, cách gẩy 2 chiều, nhanh hơn, nhất là có thể “vê dây” (trémolo).
Nghệ thuật biểu diễn nâng cao hơn hẳn, ở trình độ chuyên nghiệp, với nhiều nghệ
sĩ đàn bầu điêu luyện.
Một thời kháng chiến, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng
bào cả nước, bộ đội các chiến trường đã từng say mê tiếng đàn bầu Mạnh Thắng, Đức
Nhuận… với những “Ru con” Nam Bộ, “Hoa thơm bướm lượn” Quan họ Bắc Ninh, những
tình khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Hà Nội – Huế – Sài Gòn”…
Và chinh phục nhất là độc tấu đàn bầu có dàn nhạc cụ dân tộc
làm nền: “Vì miền Nam”, “Vũ khúc Tây Nguyên”… Nghệ sĩ Mạnh Thắng sáng chế que gẩy
ngắn, đưa thiết bị khuếch đại âm thanh vào đàn bầu, và là người đầu tiên đưa
đàn bầu đi trình diễn quốc tế, mang về giải thưởng cao quí cho Việt Nam. Sau
đó, với que gẩy ngắn, nghệ sĩ ưu tú Đức Nhuận phát minh kỹ thuật vê dây, cùng
cách chơi tạo ra bồi âm kép.
Cây đàn bầu xếp gọn trong ba lô, hành quân dọc Trường Sơn,
làm bạn tâm tình cùng chiến sĩ. Đó là công lao của nhạc sĩ Phan Chí Thanh, người
đã cải tiến đàn bầu thành nhiều loại. Ông mang ra trận loại “Đàn bầu du kích”,
thân đàn là những ống tre xếp lồng vào nhau cho gọn, gắn cuộn dây cảm ứng, thêm
1 đài bán dẫn nhỏ, biểu diễn cho bộ đội nghe.
Cựu Tổng thống Bush gẩy đàn bầu
trong dịp APEC Hà Nội 2006
“Cây đàn bầu thật giống con người Việt Nam”
“Ông hoàng Bầu” từ lâu đã có mặt thường xuyên và được ngưỡng
mộ trên toàn “vương quốc” âm nhạc nước ta. Bầu đệm cho ngâm thơ, bầu trong dàn
nhạc lễ hội, trong các canh hát dân ca, quan họ, trong dàn nhạc tài tử, cải
lương, chèo, tuồng. Đặc sắc và mê hồn nhất là bầu solo với dàn đệm phong phú đa
sắc của “bộ tộc” nhạc cụ cổ truyền…
Gần đây đàn bầu được mời gọi và có vị trí riêng, góp tiếng
đàn ngọt ngào mà sang trọng, trong cả nhạc bác học phương Tây – hợp xướng –
thính phòng, giao hưởng… Nay các đoàn ca nhạc Việt Nam đi các nước, trong đoàn
sứ giả nhạc cụ và tiết mục, “Ông hoàng Bầu” bao giờ cũng là Chánh sứ.
Cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha có những ca khúc ngợi ca cây
đàn Guitar thân thiết và đặc sắc của mình mà cả thế giới ưa chuộng. Việt Nam có
bài hát ca ngợi đàn bầu – “Tiếng đàn bầu” (nhạc Nguyễn Đình Phúc, lời thơ Lữ
Giang): Tiếng đàn bầu của ta / Cung thanh là tiếng mẹ / Cung trầm là giọng cha…
Và người nước ngoài nghe đàn bầu mà hình dung ra cốt cách Việt
Nam. Như nhà thơ Pháp Meray, viết trong sách “Học đàn bầu” của NSƯT Thanh Tâm
và Trần Quốc Lộc: Cây đàn bầu thật giống con người Việt Nam. Nghèo của mà giàu
lòng. Giản dị mà thanh cao. Đơn sơ mà phong phú.(*)
NS Duy Thịnh
Đàn bầu – Nội dung chi tiết
(trích)
Các điểm nút trên Ðàn Bầu:
Ðàn Bầu không có phím nên điểm nút được coi như cung phím của
Ðàn Bầu. Chiều dài của dây đàn là đoạn AB, điểm O ở chính giữa. Nếu lên dây đàn
theo giọng Ðô thì khi gảy và chạm tay vào điểm O này (điểm nút) âm thanh phát
ra sẽ là âm Ðô 1 lần lượt từ O đến A ta có:
* Ðiểm nút 1 (AB/3) âm bội là Sol 1
* Ðiểm nút 2 (AB/4) âm bội là Ðô 2
* Ðiểm nút 3 và 3′ (AB/5) âm bội là Mi 2
* Ðiểm nút 4 (AB/6) âm bội là Sol2
* Ðiểm nút 5 (AB/7) âm bội là Si b2
* Ðiểm nút 6 (AB/8) âm bội là Ðô 3
* Ðiểm nút 2 (AB/4) âm bội là Ðô 2
* Ðiểm nút 3 và 3′ (AB/5) âm bội là Mi 2
* Ðiểm nút 4 (AB/6) âm bội là Sol2
* Ðiểm nút 5 (AB/7) âm bội là Si b2
* Ðiểm nút 6 (AB/8) âm bội là Ðô 3
Có thể đánh vào điểm nút 7 (AB/9) có âm bội Rê, điểm nút 8
(AB/10) để có âm bội Mi…..Nhưng không cần thiết vì đánh vào những nút đó, tay dễ
bị vướng vào loa bầu, nghệ nhân có thể đánh vào điểm nút 6 rồi uốn căng vòi đàn
để đạt những âm cao hơn âm bội ở điểm nút 6. Từ O đến B cũng có các điểm nút lần
lượt đối xứng với các điểm nút từ O đến A nhưng ít khi dùng tới.
Màu âm, tầm âm:
Tiếng Ðàn Bầu rất đẹp vì âm thanh phát ra toàn là âm bồi, tiếng
đàn mềm mại, ngọt ngào, lắng sâu vào tình cảm của con người. Tầm âm: Ðàn Bầu rộng
5 quãng tám từ La-2 đến Sol3 (a-2 đến g3). Sử dụng âm bồi nên màu âm của Ðàn Bầu
ngọt ngào, quyến rũ. Âm lượng của Ðàn bầu nhỏ để phục vụ được nhiều người người
ta đã khuyếch đại âm thanh bằng cách điện tử hóa và đã đạt được thành công là
âm thanh Ðàn Bầu vang to mà vẫn giữ được màu âm độc đáo.
Tính chất âm thanh và hệ thống định âm của Ðàn Bầu:
Cùng trên cây Ðàn Bầu, không phải chỉ có một lối phát âm như
các nhạc cụ khác mà có 2 lối phát âm đó là: thực âm và bội âm như sau:
Thực âm: phương pháp cấu tạo âm thanh đã có ngay từ đầu
khi sáng chế ra cây đàn, khi vòi đàn ở vị trí tự nhiên, tay phải ta gảy que chạm
vào dây ở bất cứ điểm nào trên dây, âm thanh được phát ra chính là âm thanh mà
ta đã định ban đầu khi mắc dây và lên dây. Sau đó cũng như vậy ta thay đổi các
vị trí của vòi đàn, nắn vòi rồi gảy dây tại bất kỳ điểm nào thì ta lại được các
cao độ khác nhau tương ứng với vị trí của vòi đàn (hay độ căng giãn của dây
đàn). Như vậy cao độ của âm thanh chỉ thay đổi khi thay đổi vị trí vòi đàn và vị
trí gảy dây đàn mà không hề ảnh hưởng tới âm thanh phát ra, phương pháp cấu tạo
âm thanh thực âm không tận dụng được các vị trí khác nhau trên dây đàn để tạo
ra các cao độ khác nhau nên có phương pháp tạo âm thanh là bồi âm.
Bồi âm: người biểu diễn dùng tay mặt tì nhẹ vào một điểm
quy định nào đó (những điểm nút của dây) rồi gảy nhẹ vào dây, khi dây phát ra
âm thanh thì tay phải kịp thời nhấc lên, âm thanh phát ra là bồi âm. Cứ lần lượt
như vậy nghệ sĩ biểu diễn sẽ gảy các vị trí quy định khác nhau trên dây và được
các cao độ khác nhau theo quy luật nhất định của luật âm thanh là bồi âm, và tiếp
tục sử dụng tay trái thay đổi vị trí của vòi (cần đàn) ta được cả một hệ thống
âm thanh đó là âm vực của Ðàn Bầu.
Âm bồi thứ hai: các nghệ nhân đã tạo ra âm bội thứ hai
mà không gảy đàn thêm cũng không uốn vòi đàn. Gảy vào một điểm nút nào đó, âm
thanh phát ra, khi tiếng đàn còn ngân nghệ nhân dùng cạnh bàn tay đưa nhanh chạm
nhẹ vào điểm nút khác để có được âm dự định rồi nhấc tay ra ngay. Màu âm của tiếng
đàn thứ hai này trong sáng, bay nhưng hơi mảnh, gây cảm giác bâng khuâng, xa
xôi.
Cách ghi âm bồi thứ hai: trước hết ghi nốt nhạc phải gảy
với độ ngân quy định, tiếp theo dùng dấu luyến bắt sang một nốt khác, nốt này
là âm bội thứ hai (cũng cần ghi theo độ ngân quy định). Trên đầu nốt nhạc có một
dấu tròn nhỏ.
Kỹ thuật diễn tấu:
Tư thế ngồi và cách gảy đàn: Ngồi: đàn được đặt trên giá
cao ngang tầm tay, người đàn ngồi trên ghế. Ðứng: đàn được đặt trên giá cao và
nghệ nhân đàn với tư thế đứng. Kỹ thuật diễn tấu của Ðàn Bầu là sự kết hợp hài
hòa và chặt chẽ giữa kỹ thuật của hai bàn tay của người nghệ sĩ.
Kỹ thuật tay phải: tay phải hơi khum lại, ngón trỏ và
ngón cái khép lại và kẹp một chiếc que gảy. Khi gảy bàn tay mở ngược lên, lòng
tay hướng lên trên, cạnh bàn tay tì nhẹ lên dây đàn đúng vào vị trí các phím
đàn. Sau khi gảy dây: bằng sự va chạm giữa dây đàn và que gảy sẽ tạo nên một âm
thanh, ngay khi đó bàn tay phải nhanh chóng nhấc ngay lên. Vị trí nốt trên Ðàn
Bầu có thể được đánh dấu nhưng vì dây đàn được mắc cao hơn thân đàn và chéo góc
nên độ chính xác không bằng các đàn có ngăn phím hẳn hoi. Như vậy người nghệ sĩ
Ðàn Bầu phải kết hợp cả mắt và tai nghe nữa, nhất là khi diễn tấu tác phẩm có tốc
độ nhanh thì nhất thiết phải có sự kết hợp hài hòa và chính xác. Một điều nữa
tay phải còn phải điều chỉnh độ mạnh, nhẹ, âm thanh cứng hay mềm (đó là sự điều
tiết cường độ và sắc thái của tiếng đàn). Gảy âm tự nhiên: là cách đàn không sử
dụng âm bồi, nghệ nhân khi gảy vào dây (ở bất cứ điểm nào trên dây mà muốn cho
âm thanh không bị rè, ta nên gảy sát về phía quả Bầu) đồng thời tay trái uốn
cong vòi đàn (động tác nhanh, dứt khoát, chính xác tiếng đàn mới đẹp, tránh âm
thanh kêu nhõng nhẽo) để có âm thanh như ý muốn.
Ngón vê: là kỹ thuật gảy hai chiều (hất lên và gảy xuống)
bằng que gảy, thường thực hiện ở những âm ngân dài, Vê diễn tả tình cảm vui
tươi, phấn khởi.
Kỹ thuật tay trái: Tất cả kỹ xảo của bàn tay trái chủ yếu
dồn vào sử dụng sao cho thật khéo léo và nhuần nhuyễn chiếc cần đàn (vòi đàn),
tay trái định âm bằng kỹ thuật sử dụng vòi đàn (cần đàn) làm cho dây đàn chùng
xuống hay căng lên theo ý muốn.
Ngón luyến: khi gảy xong một tiếng đàn, không gảy thêm
mà dùng bàn tay trái kéo vòi đàn (cần đàn) lên hoặc xuống tạo ra các nốt khác
nhau gọi là luyến.
Ngón nhấn: là khi gảy một tiếng đàn, đồng thời cùng một
lúc dùng bàn tay trái chủ yếu là ngón tay cái và ngón trỏ ép sao cho cần đàn từ
vị trí bình thường đổ ra (nhấn ra theo hướng tay trái) với mục đích làm căng
dây đàn tới mức độ nhất định để tạo ra các âm cao độ khác theo ý muốn hoặc
không có ở phím đàn trên dây. Ngón nhấn sử dụng trên đàn để định âm các quãng 2
thứ, quãng 2 Trưởng, quãng 3 Trưởng, quãng 3 thứ, quãng 4 đúng so với nốt cố định
của điểm đàn (khi nhấn ra chỉ đến quãng 4).
Ngón chùng: (nhấn vào) ngược lại ngón nhấn là ngón
chùng, là khi gảy xong một tiếng đàn, dùng bàn tay trái, chủ yếu là lực ngón trỏ
và các ngón khác uốn vòi (cần đàn) nhấn vào theo hướng tay mặt cho dây chùng lại
với mục đích tạo những âm có cao độ thấp hơn âm vừa gảy mà không thực hiện bằng
điểm nút. Ví dụ gảy âm Sol1 ở điểm nút 1 rồi muốn có âm thấp hơn là Fa1, Mi1,
Rê1 : nghệ nhân uốn vòi đàn cho chùng dây xuống để các âm đó vang lên. Ðây là
điểm độc đáo nhất chỉ có ở Ðàn Bầu và Ðàn Ðáy là có thể tạo ra được các âm có
cao độ thấp hơn so với âm trên phím đàn tạo ra, ngay các nhạc cụ cổ điển và hiện
đại quốc tế cũng ít có trường hợp này. Nghệ nhân có thể đánh ngón chùng xuống
3. 4 cung. Ngón chùng sử dụng trên các Ðàn Bầu có vòi đàn và dây đàn có sức đàn
hồi tốt, có thể đánh được từ quãng 8 trở lại, nhưng đa số là chùng xuống quãng
5 so với nốt trên phím.
Ngón rung: là khi tay phải gảy dây, các ngón tay trái
rung nhẹ với vòi đàn, làm âm thanh phát ra như làn sóng cao thấp hơn âm chính một
chút không đáng kể. Kỹ thuật ngón rung là sử dụng cả ngón nhấn và chùng trên
vòi (cần đàn) với tốc độ rất nhanh (có thể tạo hiệu quả tương đối giống như
“vibrato” của các nhạc cụ dây khác). Rung làm tiếng đàn ấm áp, mềm mại, đầy đặn
và tùy loại rung mà tạo ra phong cách diễn tấu các Hơi Bắc, Hơi Nam…Ngón rung
thường chỉ nhấn và chùng quãng 2 (ít khi quãng 3) so với nốt chính được tạo ra ở
trên phím đàn (nốt chính phải có độ ngân tương đối dài).
Ngón giật: sau khi gảy một âm, sử dụng kỹ thuật nhấn
nhanh làm âm thanh thứ hai phát ra đột ngột, gây ấn tượng khẩn trương, sửng sốt,
thường giật từ âm thấp lên âm cao.
Ngón vỗ: còn gọi là đập, dùng ngón tay trái đập nhẹ,
nhanh và dứt khoát vào vòi đàn làm âm thanh phát ra đứt đoạn nghe như những tiếng
nấc, có thể vỗ vào 3 lần trên một âm, thường là những âm ngân dài để diễn tả
tình cảm đau khổ, uất ức, nghẹn ngào. Ngón vỗ chỉ sử dụng âm thanh ở điểm nút
O, như vậy ngón tay mới rảnh để vỗ.
Trả lờiXóađặt vé máy bay eva air
gia ve may bay eva di my
korean air
đại lý bán vé máy bay đi mỹ
mua vé máy bay đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngau Hung Du Lich
Kien Thuc Du Lich