Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Đời hoa thầm kín

Đời hoa thầm kín 
(Hồi ký Ng Thị Nga My, bi kịch 
và chuyện tình Trịnh Công Sơn)
    Sau nhiều chục năm giữ riêng cho mình hãnh diện, đồng thời thảm kịch, Nguyễn Thị Nga My, người con gái thứ ba trong một gia đình có tới 4 chị em (*) mà, dung nhan của họ, như bốn huyền thoại nhan sắc một thời vàng-mười, giữa rêu phong, cổ tích Huế - Ðã ngậm ngùi, nhìn lại đời mình, trong hồi ký “Ðời Hoa Thầm Kín” (ÐHTK).
ÐHTK dầy gần 200 trang khổ lớn, nhiều ảnh màu, gồm ba tuyển tập. Tuy nhiên, người đọc cũng có thể hiểu là 3 đoạn đời của một trong 4 người con gái họ Nguyễn, nức tiếng nhan sắc một thời của đất Thần Kinh.
Tuy không phải là một nhà văn chuyên nghiệp, nhưng ngay tự những dòng chữ đầu tiên của hồi ký, tuyển tập thứ nhất, tựa đề “Những cô gái Huế đất Thần Kinh xưa,” Nguyễn Thị Nga My đã cho thấy khả năng mô tả một cách linh động những nét đẹp, không chỉ của các cô gái Huế cách đây trên dưới nửa thế kỷ mà, tác giả còn đi sâu vào những góc khuất kín của truyền thống con gái Huế nề nếp, trước mọi biến động của thời thế, xã hội – Dù cho họ là những người con gái mà, chỉ cần nghe tới tên của họ, giới thanh niên, trí thức đã nôn nao thổn thức trông, đợi…
Tôi không biết giai đoạn này có phải là giai đoạn giàu có hạnh phúc và, hãnh diện nhất, một đời thiếu nữ của tác giả? Nhưng, hiển nhiên đó là những năm tháng mà, mỗi bước đường của cô là một lẵng hoa chào đón, reo vui cùng tiếng chim, tiếng khánh thánh thót hân hoan, dẫn đường.
Ðó là những năm tháng mà sự thành đạt trên lộ trình học vấn, tỷ lệ thuận với nhan sắc của người con gái, như một biểu tượng dung nhan trời đất dành riêng cho cố đô khói-sương-lãng-mạn-nghiêm-cẩn.
Ðó cũng là thời gian, Nguyễn Thị Nga My, như bất cứ người nữ nào, dù ở hoàn cảnh hay điều kiện nào, cũng đều được quyền vẽ riêng cho mình một “vương quốc tương lai.” Nơi người nữ sẽ lên ngồi nữ hoàng hạnh phúc… Cô gìn giữ phẩm hạnh đời mình, cho một tương lai mà (cũng như mọi người) cô tin, vốn trong tầm với…
Nhưng, giữa khi Nguyễn Thị Nga My thấu hiểu những gì Thượng Ðế đã ưu ái, hào phóng dành riêng cho cô, từ một nhan sắc (đáng mơ ước của nhiều người) và, một sở học căn bản, một vốn ngoại ngữ đủ sức tung cánh không chỉ trời Ðông mà, cả trời Tây nữa thì, những dự báo bất thường về những cơn lốc xoáy hủy diệt tàn khốc, có thể ví với những trận sóng thần, đã manh nha ở cuối đường. Ðó là một kỷ niệm đẹp như một tiếng thở dài của quá khứ in sâu, khi cô từ chối lời “xin một đứa con” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi họ tình cờ gặp nhau ở Ðà Lạt, 1969.
Ký ức liên quan tới gặp gỡ vừa kể, đến nay vẫn còn như một câu hỏi, chỉ định mệnh hàm hỗn mới có thể trả lời cho Nga My, được cô viết lại nơi Tuyển Tập Hai, tựa đề “Một kỷ niệm về Trịnh Công Sơn.”.
Ở tâm bão của kỷ niệm đẹp nhưng không đủ sức bay lên tầng trời cao rộng, Nga My viết:
“Một tuần tại Ðà Lạt qua rất nhanh, đáng lẽ ngày nghỉ phép của tôi đã qua hết, nhưng S. năn nỉ tôi ở lại thêm. Vậy cho nên, thay vì về lại Nha Trang để lấy máy bay về lại Saigon theo kỳ hạn (tôi đã mua vé máy bay khứ hồi), tôi phải đánh điện về SCAG (một chi nhánh của tòa Ðại Sứ Mỹ) xin nghỉ thêm một tuần lễ nữa, lấy lý do là bị bệnh. S. đề nghị tôi sẽ theo xe hơi của Khiêm (chồng Phùng Thăng) về lại Saigon sau này. Vì ở Ðà Lạt lâu thêm, tôi có cơ hội gặp một người anh bà con xa bên ngoại. Anh đã lớn tuổi, về hưu, một mình, cô đơn trong một ngôi nhà nhỏ, có một khu vườn khá rộng, không được chăm sóc kỹ, nhưng nên thơ với cái cổng bằng tre đơn sơ. Trong vườn, tôi thấy mấy giàn su le và vài giàn đậu ngự, có mấy chú gà và một, hai cô gà mái đẻ trứng nữa. Tánh anh rất nghệ sĩ, thường thích làm thơ và ngâm thơ. Nhưng anh ngâm thơ quá dở cộng thêm điệu bộ, lối ngâm ngớ ngẩn làm ai cũng bật cười. Anh và S. rất hợp nhau, anh Thuần của tôi cũng bị lôi cuốn ngay khi gặp S. lần đầu và hai người không biết nói chuyện gì mà trông hợp lắm. Tôi thì bận rộn nấu cái món mà tôi gọi là Soupe Bouillabaisse nhưng thật ra chỉ có ít rau cải, su le, cà rốt, khoai tây và vài con cá nhỏ. Tôi nấu thêm một món chè đậu ngự. Anh Th. đãi S. món dưa chua làm bằng cọng của bông cải trắng (chou-fleur) và món cá kho đặc biệt của anh. Tôi thấy S. ăn cá kho ngon miệng lắm, còn món chè đậu ngự của tôi thì S. chỉ ăn một, hai muỗng cà phê mặc dù tôi nài ép. Ðàn ông uống rượu thường không thích ăn ngọt, S. không gầy sao được vì dù soupe có bổ khỏe cũng không ăn bao nhiêu. Buổi tối hôm đó, trời lạnh và khuya quá, nên S., Thao và tôi phải ngủ lại nhà anh Thuần. Trên lầu, trong một phòng dư, chỉ có một cái giường. S. nằm giữa, Thao một bên và tôi một bên. Tôi có một cái chăn riêng. Tuổi trẻ rất dễ thích nghi, nên dù không có quần áo ngủ để thay và phải mặc quần ban ngay, tôi vẫn ngủ ngon giấc. Nửa đêm tôi chợt tỉnh giấc và có lẽ S. cũng không ngủ được, tôi nghe S. hỏi: ‘M có thể thể cho S. một đứa con không?’ Tôi sợ quá, sợ chú Thao nghe thì kỳ quá, nên tôi vội trả lời vắn tắt: ‘My còn trinh trắng, tại sao lại cho S.?!’ Sau đó tôi nhớ hai đứa không nói thêm nữa và tôi ngủ thiếp đi khi nào không biết. Tôi nghĩ lời cầu xin của S. chân thành, chứ không phải là một câu nói ham muốn tầm thường…”(ÐHTK, tr. 80, 81, 82).
(*) Ba người kia là Trà My, Kiều My vai chị và, Diệm My, em gái của Nga My.
Nguyễn Thị Nga My, ‘hồng nhan đa truân’?
Ngày ấy
Kỷ niệm như một vết son buồn thời thiếu nữ, của Nguyễn Thị Nga My, một lần nữa thức giấc trong tác giả, nhiều chục năm sau, ở xứ người, khi Nga My gặp lại Trịnh Công Sơn ở Montreal, Canada:
“Tôi vẫn tiếc là khi từ giã Saigon vào tháng 4, 1975, tôi đã không mang theo tập nhạc mà S. đã dành tặng cho tôi để thỉnh thoảng tôi hát lại những bài hát mà tôi vẫn thường yêu thích! Có một dạo, ở Montreal, chị KM của tôi có nói: ‘Cô Tâm, em gái Sơn, thường hỏi thăm em và khi nào em qua đây chơi thì cho cô ấy biết, cô có ý tìm em.’ Vào một buổi tối cuối hè 1992, khi chúng tôi (bạn trai của tôi và tôi) trở về nhà thì nghe máy thâu âm giọng nói quen thuộc của S.: ‘NM nhớ gọi cho S. ở số phone… Chúc NM hạnh phúc!’ Tôi rất vui mừng khi nghe được giọng nói quen thuộc của S. Tôi tự hỏi: ‘Có lẽ S. hết giận mình rồi, S. đã trở lại vui vẻ?’ Người bạn trai của tôi rất ái mộ nhạc của TCS; và chúng tôi đi thăm S. ngay vào sáng ngày mai. Gặp lại S., tôi thấy S. ốm và già đi nhiều (…).
“Ở Montreal, S. có một người bạn rất thân là anh Ngô Văn Tao. Họ có thể xem như hình với bóng. Có phải chăng sự tương đồng đó là do sự trùng hợp của hai tâm hồn đồng điệu, họ đã gặp gỡ nhau trong tình người và tình đời?! Anh Quế rủ S. và tôi đi bờ hồ ở một nơi xa vắng. Chiều trưa hôm đó, mặt hồ thật đẹp và phẳng lặng. Nước hồ trong mát, anh Quế và tôi bơi lội thỏa thích, còn S. chỉ ngồi trên bờ hồ đọc sách, vai lại khoác một chiếc áo len. S. vẫn say mê đọc sách, cũng như ngày nào ở Ðà Lạt. Có lần S. đem hai cuốn sách đến cho tôi và nói: ‘Nếu NM không đọc hai cuốn sách này thì xem như mất nửa đời người!’ Ðó là cuốn Udomo, một vòng hoa cho người cách mạng (Peter Abrahams) và Alexis Zorba, con người chịu chơi (Nhà văn Hy Lạp Níkos Kazantzákis)…” (ÐHTK, tr. 93 & 94)
Ở một đoạn khác, cũng từ hồi ức những ngày Nga My gặp lại người nhạc sĩ từng ngỏ ý xin cô một đứa con, lúc hai người đều còn khá trẻ, Nga My viết:
“…Ở Montreal, tôi gặp lại Khánh Ly cũng từ Mỹ qua thăm S. Khánh Ly bao giờ cũng có mái tóc dài mượt mặc dù sau này chị đã lớn tuổi. Trong một bữa trưa tại phòng ăn nhà Tâm (em gái TCS), KL nói với mọi người:
‘- Mai thường hay nói với chồng Mai là Mai luôn luôn yêu anh S.
‘Tôi nghĩ Khánh Ly nói yêu có nghĩa là thương như yêu cha mẹ, yêu thầy cô, yêu bạn bè. Còn tôi thường hay nói yêu là tình yêu giữa trai gái hay là một cái gì tượng trưng và tổng quát như tình yêu quê hương, tình yêu bạn bè, tình yêu nhân loại v.v… mà tình yêu hay giữ kín, còn tình thương thì dễ dàng công bố v.v… Khánh Ly nói tiếp:
‘- Anh S. không bao giờ chạy theo ai mà chỉ có các cô chạy theo anh S. mà thôi.
“Tôi vụt miệng nói:
‘-Thế cũng không phải, vì có một lần ở Ðà Lạt, S. đã trách My là: ‘Nếu My thương S. hơn thì My đã đi xuống phố cho S. bắt gặp; S. đã tìm My khắp nơi mà không tìm ra My!’
“Tôi thấy vẻ ngỡ ngàng trên nét mặt của S., S. lộ vẻ lung túng như gợi lại dĩ vãng và S. nhìn tôi nói:
“- Moa quên mất!
“Tôi không nhìn vào phản ứng của những người khác sau câu nói của tôi vì tôi đang để ý đến S., hình như không nghe ai phát biểu một ý kiến gì! (ÐHTK, tr. 102, 103)
Tà áo tím - Hà Thanh
Khép lại tuyển tập phần thứ hai trong ÐHTK, tác giả cho biết:
“Sau khi S. mất, tôi được bạn bè cho biết họ đã hỏi S. trong những năm cuối đời khi S. đau nặng, họ muốn biết rõ bài nào S. viết cho ai. Họ mới biết cô thì được xem như gió, cô thì nắng, cô thì tóc, cô thì dòng sông, cô thì nụ hồng, cô thì bống, cô thì mùa thu, v.v… Tôi được xem như gió và hoa vàng. Bài đầu tiên ‘Tạ Ơn’ S. đã viết, ‘Em ra đi như một thoáng gió thầm, để lại đây thành phố không hồn.’ Có lẽ là gió, nên tình này thoảng qua rất mau và đó là tình vu vơ, sao ta lại muộn phiền chứ! Còn gọi là ‘Hoa Vàng’ vì tôi đã lớn tuổi, xem như 27, 28, gần 30 tuổi rồi, chứ gì!” (ÐHTK, tr. 111)
Tuy nhiên, thực tế đời thường lại không nâng niu giai nhân, người được ví như “gió,” như “hoa vàng” giữa quảng trời âm nhạc tài hoa Trịnh Công Sơn – – Mà, bản chất đố kỵ của định mệnh tàn khốc, đã hiện nguyên dạng ngạ quỷ, giáng những đòn thù tưa máu xuống đời “gió,” đời “hoa”! Phải chăng, đó là màn cuối của bi kịch một kiếp “hồng nhan đa truân”? Ðấy là nội dung của Tuyển tập phần ba, tựa đề “Cánh Hoa Trước Gió” của hồi ký Nguyễn Thị Nga My.
Ở tuyển tập phần thứ ba này, tác giả đã phân thân từ “một trong bốn huyền thoại nhan sắc, một thời vàng-mười, giữa rêu phong, cổ tích Huế,” thành nhân vật tên Sao – kể lại những cảnh đời địa ngục của mình. Những kể lại, ở trên và, rất xa tưởng tượng của người đọc. Tôi không nghĩ mình nên ghi lại ở đây, dù chỉ là tóm tắt! Tôi muốn dành quyền cho độc giả bước cùng tác giả, đi lần xuống, từng tầng địa ngục trần gian. Mà, nơi địa tầng cuối cùng, là nỗi xót xa khi Nga My cho thấy, chẳng những cô bị “tật nguyền” thể chất mà, còn bị “tật nguyền” cả tinh thần nữa.
Tôi chỉ xin ghi lại ở đây, những dòng chữ cuối của tuyển tập phần thứ ba, “Cánh hoa trước gió,” cũng là những dòng chữ cuối của Hồi Ký ÐHTK, như tiếng kêu thương của một loài chim quý, hay tiếng rụng vô thanh của âm bản một cánh hoa đời, kiếp:
“…Tưởng cũng nên nêu lên ở đây, vào mùa Xuân năm 1993, khi Sao được 52 tuổi, nàng bị một tai nạn lớn ở đầu (do sự vô ý của một người bạn đang tập đánh mạnh quả đấm vào bao cát) làm nàng bị méo mặt mày, trở nên già nua và sức khỏe bị yếu hẳn lại. Bạn bè trông vào và không nhận ra được nàng vì nàng đã thay đổi quá nhiều. Vì não bộ là trung tâm của sự sống, Sao không còn được khỏe mạnh và vui vẻ như xưa, nàng chỉ muốn yên tĩnh một mình và xa lánh những nơi phồn hoa đô hội. Có lẽ cũng vì tai nạn đó mà nàng không còn muốn tiếp tục đi chung đường với Như?!
“Sao chạnh nghĩ tới thân phận mỏng manh của những người con gái bạc phước, như bèo dạt, hoa trôi… Kiếp sống ngắn ngủi của đời người…Nàng khẽ ngâm mấy câu thơ của Ðinh Hùng:
Những cánh hoa này rất mỏng manh
Ngay mai cho gió cuốn xa cành
Và ngày mai nữa, ‘anh’ đi dạo
Sẽ gặp hồn tôi trên cỏ xanh.
(Garden Grove, Tháng Bảy, 2014).
Kiếp nhân sinh
Nguồn:DUTULE’s Blog
Theo http://kontumquetoi.com/



1 nhận xét:

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách

Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao - trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em anh...