Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Ca sĩ Anh Ngọc và những giọng ca vàng nhạc tiền chiến

Ca sĩ Anh Ngọc và những 
giọng ca vàng nhạc tiền chiến
Ca sĩ Anh Ngọc tên thật là Từ Ngọc Toản, sinh năm 1925 tại Hà Đông. Ông trưởng thành tại Hà Nội và từng theo học các trường Thăng Long, Puginier và Louis Pasteur ở đây. Khi còn rất trẻ, ông đã yêu thích ca hát mặc dù sinh trưởng trong một gia đình rất cổ…
Trong số 8 người con trong gia đình gồm 1 chị và 7 anh em trai, chỉ có ông và người em là Từ Ngọc Long (hiện đã mất ở Việt Nam) đi theo con đường văn nghệ và trở thành những ca sĩ tên tuổi. Riêng Anh Ngọc có thời gian theo học nhạc lý với nhạc sĩ Tạ Phước và đàn với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và tình cờ bước vào con đường ca hát, khởi đầu từ những năm sau Đệ Nhị Thế Chiến.
 Em đến thăm anh một chiều mưa - Anh Ngọc 
Năm 1947, ông vào Huế thăm một người anh làm việc ở đây và lưu lại Huế hơn 1 năm. Trong thời gian này ông được nữ ca sĩ Minh Trang mời hát trên đài phát thanh Huế.
Năm 1949 Anh Ngọc vào Sài Gòn để khởi đầu cộng tác với đài phát thanh Pháp Á. Sau đó, ông lần lượt được mời hát trong chương trình ca nhạc của Đài Phát thanh Quân Đội (thuộc Nha Chiến tranh Tâm lý), Đài phát thanh Sài Gòn, đài Mẹ Việt Nam, Đài Tiếng Nói Tự Do và Đài Truyền hình Việt Nam.
 Thiên thai - Văn Cao - Anh Ngọc 
Với đài Sài Gòn, ông còn giữ vai trò xướng ngôn viên, cùng một lúc phụ trách một chương trình ca nhạc lấy tên là “Tiếng Nhạc Tâm Tình” từ đầu thập niên 60 cho đến năm 75. “Tiếng Nhạc Tâm Tình”, từng được nhà văn Mai Thảo nhận xét là “Một chương trình được yêu mến, đợi chờ và tán thưởng nhất trong nhiều năm”, được sự cộng tác của các giọng ca sáng chói của nền tân nhạc Việt Nam ở trong thời kỳ vàng son như Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Hà Thanh, vv…cùng sự phụ hoạ của một ban nhạc đàn dây gồm những nhạc sĩ tên tuổi.
Một số những nhạc phẩm ghi âm trong thời gian này đã được Anh Ngọc phục hồi bằng kỹ thuật digital để đưa vào 2 CD do ông thực hiện là Trở Về Dĩ Vãng và Một Thời Để Nhớ.
Đến năm 1954, sau khi hiệp định Geneve ký kết, với làn sóng di cư ồ ạt vào Nam, phong trào tân nhạc ở miền Nam có một sự bùng phát rất mạnh. Có thể coi đó là thời kỳ vàng son của nền tân nhạc. Cùng thời kỳ này có những chương trình phụ diễn tân nhạc tại các rạp chiếu bóng cùng những đại nhạc hội mà Anh Ngọc có một thời gian đứng ra tổ chức với số khán giả tham dự rất đông đảo.
Và cũng từ đó trở đi, tiếng hát của Anh Ngọc đã trở thành một trong những tiếng hát được ưa thích nhất do “Ngoài việc truyền đạt lời hát một cách rõ ràng và chuẩn xác, còn sử dụng cách luyến láy cũng như phân đoạn câu hát để nói lên ý nghĩa của bài hát, hay nói đúng hơn là những ý nghĩa chứa đựng trong bài hát”, như nhận định của nhà khảo cứu âm nhạc người Mỹ, Jason Gibbs, cũng là một quản thủ thư viện ở San Francisco.
Mặc dù được mọi người công nhận là một danh ca, nhưng điều không ai ngờ ca hát không phải là nghề chính của Anh Ngọc, như ông cho biết:“Thực ra ca nhạc đâu phải là nghề của tôi. Nhiều người không biết đến chuyện đó, nên cho là tôi suốt đời hoạt động ca nhạc. Nhưng thực ra không phải. Điều đó người ta không nghĩ ra, tôi cũng không muốn nói đến. Thực ra tôi không phải là một người ca sĩ nhà nghề, đi hát chỉ là chuyện phụ thêm thôi”.
Tuy không coi ca hát như phương tiện sinh sống, nhưng ông lại được nhiều nhạc sĩ nổi danh, trong số có Vũ Thành và Phạm Đình Chương, đánh giá là một giọng hát rất nhà nghề. Công việc chính của Anh Ngọc từ sau khi vào Sài Gòn là nhân viên của Sở Thông Tin Hoa Kỳ, từ năm 49 cho đến khi ông được gọi động viên vào đầu thập niên 1960.
Trong thời gian quân ngũ, Anh Ngọc phục vụ trong ngành Chiến tranh tâm lý, trong vai trò xướng ngôn viên tại Đài Phát thanh Quân Đội. Sau khi giải ngũ, ông làm việc cho đài Tiếng Nói Tự Do, vừa là xướng ngôn viên, vừa tham gia những chương trình ca nhạc phát thanh.
Sau biến cố tháng 4 năm 1975, ông kẹt lại Việt Nam và không tham gia vào bất cứ sinh hoạt ca nhạc nào mặc dù nhiều lần được nhắc nhở.
Năm 1990, Anh Ngọc sang Mỹ theo diện đoàn tụ. Ba năm đầu ông cư ngụ ở Quận Cam. Từ năm 1993, ông cùng gia đình về cư ngụ tại thành phốBurke, tiểu bang Virginia cho đến nay. Tại đây ông không tham gia vào những sinh hoạt văn nghệ mặc dù nhận được rất nhiều lời mời vì không muốn được nhắc nhở nhiều.
Nhưng ngược lại, thỉnh thoảng ông vẫn nhận lời xuất hiện trong những chương trình tổ chức tại các tiểu bang khác. Tuy nhiên, một khi nhận lời ông đã cân nhắc rất kỹ lưỡng: “Với những chương trình họ mời tôi, tôi phải xem như thế nào, coi chương trình tôi có thích hay không. Thí dụ như những buổi trình đầu năm nay được họ tổ chức ở những địa điểm rất là sang trọng. Điều thứ hai là ban nhạc rất lớn, ban nhạc thính phòng chừng hai ba chục cái đàn. Ba nữa, thí dụ những nhạc phẩm phải là những nhạc phẩm chọn lọc, những loại nhạc thính phòng tiền chiến chẳng hạn vì nó thích hợp với tôi thì tôi mới nhận lời. Chứ không phải bất cứ buổi hát nào cũng nhận lời’.
Trong khung cảnh êm đềm nơi ông cư ngụ, Anh Ngọc hiện chỉ biết tìm vui trong cuộc sống gia đình, bỏ lại sau lưng những hoạt động ca nhạc mà ông đeo đuổi trên 50 năm qua, mặc dù chưa bao giờ nhận mình là một ca sĩ nhà nghề…
 Thiên thai - Văn Cao - Anh Ngọc 
Thêm vào đó ông vẫn tỏ ra say mê với thú giải trí là nhiếp ảnh và du lịch đó đây. Cách đây không lâu vào thứ Năm hàng tuần, Anh Ngọc vẫn thường sinh hoạt với một số bạn hữu gồm những người bạn nhạc sĩ thân thiết như Nguyễn Túc, Nhật Bằng, Văn Phụng, vv trong nhóm được gọi bằng một cái tên thân mật là “Club Du Jeudi”, do cố nhạc sĩ Văn Phụng đặt, “Nhưng bây giờ thì anh Phụng anh ấy mất rồi. Còn Nhật Bằng là người thứ Năm nào cũng đến cũng mới mất. Nó cứ thưa dần đi… Hồi này tôi cũng lười đi lắm. Hai nữa gần đây có cháu ngoại thành ra tôi phải trông nó để cho cháu nó đi làm thành ra cũng bận”.
Giờ đây, Anh Ngọc đã quay lưng lại với sân khấu, với ánh đèn màu trong một tâm trạng bình yên, không chút ưu tư khi nghĩ đến lúc bỏ lại một thời để nhớ và một đời ca hát của ông: “Bây giờ trời cho mình sống đến đâu, mình biết như vậy thôi, đừng đòi hỏi nhiều gì cả, thế thôi”. Ông còn nhấn mạnh về quan niệm của mình về cái chết một cách thản nhiên, nếu không muốn nói là sẵn sàng chấp nhận, vì đối với ông, sống được đến 80 tuổi đã là một sự ưu đãi của Thượng Đế:” Chết thì ai chả chết. Việc gì phải sợ chuyện đó. Đó là chuyện đương nhiên rồi. Không có ai có thể tồn tại mãi được. Còn cái chuyện chết thì mình coi như là đi về thôi chứ có gì đâu. Tại sao lại phải sợ cái chuyện đó? Ai sợ cũng không được nữa ! Khi nào cái chết nó đến thì anh cứ chấp nhận cái chuyện đó, thế thôi!.”
Dù Anh Ngọc đã giã từ sân khấu ngoài đời, nhưng trên sân khấu tình cảm của những người yêu nhạc là tâm hồn và trái tim, hình ảnh nhiều phong độ của một tài tử, như ông từng được báo chí Sài Gòn đề cập tới cùng với một tiếng hát có đầy đủ những yếu tố cần thiết nhất sẽ khó có thể phai mờ với thời gian..
 Theo http://kontumquetoi.com/

1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...