Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Nhạc cụ cổ truyền Việt Nam - Đàn Tỳ Bà

 Nhạc cụ cổ truyền Việt Nam - Đàn Tỳ Bà

Đàn Tỳ Bà là tên gọi một nhạc cụ dây gẩy của người phương Đông, qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa khác nhau tùy theo từng vùng hoặc từng quốc gia. Tỳ Bà đã xuất hiện rất sớm ở Trung Hoa với tên gọi PiPa, ở Nhật Bản là Biwa, ở Triều Tiên là Bipa.
Tỳ Bà lần đầu tiên được nêu danh trong lịch sử Việt Nam, khi ông Lê Tắc ghi trong An Nam Chí Lược tên dàn tiểu nhạc dùng ngoài cung đình nhà Trần. Đàn Tỳ Bà của Việt Nam là dạng rất cổ xưa của đàn PiPa, vốn từ Ba Tư dưới dạng đàn Barbat theo con đường tơ lụa vào Trung Hoa.
Đàn Barbat – Ba Tư.
Đàn Tỳ Bà có từ thời Trung Hoa cổ đại, theo một số ghi chép là khoảng hơn 2000 năm lịch sử. Tỳ Bà đã du nhập sang nước Việt từ rất sớm. Bằng chứng là hình chạm các nhạc công trên tảng đá vuông dùng làm chân cột chùa Phật Tích, Bắc Ninh, có chạm hình đàn Tỳ Bà giữa hai nhạc công dùng ống Sênh, và ống Tiêu thổi dọc. Trong khi đàn tranh có vóc dáng mà không thấy những con nhạn căng dây, đứng giữa hai nhạc công thổi ống Sênh và ống Sáo ngang.
Suốt thời nhà Trần, Tỳ Bà chỉ góp mặt trong dàn Tiểu nhạc dùng trong dân gian.
Đời nhà Lê, khi Lương Đăng quy định nhạc cung đình theo mẫu nhà Minh, Tỳ Bà có mặt trong dàn Đường Hạ Chi Nhạc. Nhưng quy định của Lương Đăng không được ai tán thành cả. Nguyễn Trãi đã dâng biểu để tâu với vua vì sao ông đã từ chức không ở trong Ban lo việc quy định Nhạc Triều Đình, nêu những cái sai của Lương Đăng. Những đại thần am hiểu âm nhạc như Lương Thế Vinh, Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, đều không tán thành những qui chế do Lương Đăng bày ra. Vì vậy Tỳ Bà ở trong dàn Đường Hạ Chi Nhạc nhưng không được xuất hiện chính thức.
Nhưng đến đời Hồng Đức (1470-1497), ba vị đại thần nói trên chế ra hai đội Đồng Văn và Nhã Nhạc để đàn và hát trong cung đình. Đàn Tỳ Bà và đàn Tranh đều có trong hai đội ấy. Nhưng các Vị Đại thần không muốn giữ tên Tranh hay Tỳ Bà là tên Trung Hoa, nên đặt cho Tỳ Bà tên Tứ Huyền Cầm (đàn 4 dây) còn đàn Tranh lúc ấy có 15 dây mang tên là Thập Ngũ Huyền Cầm.
Sau đó, có một sự thay đổi rất lớn từ đời Quang Hưng (1578) hai đội Đồng Văn, Nhã Nhạc chỉ còn được dùng trong các lễ lớn như Tế Giao, Tế Miếu, Đại triều. Trong các dịp khác, lần lần Đồng Văn, Nhã Nhạc bị đội Giáo Phường trong dân gian thay thế. Tỳ Bà bị bỏ quên trong khi đàn Tranh được sung vào Đội Giáo Phường, góp mặt với đàn Đáy, đàn Trường Cùng (làm bằng cây tre dài 3, 4 thước ta, do một bà lão nghệ nhân gõ để giữ nhịp), có Trống Yêu Cổ, có loại địch quản mà tên gọi thông thường là Quyển Thúy. Có đào nương vừa ca vừa gõ Phách có cả Sênh Tiền. Khi đàn trong cung điện gọi là đi hát Cửa Quyền (tiền thân của Ca Trù) thì đội Giáo Phường có rất nhiều nhạc công đàn Cầm, tức là loại đàn dây, trong đó có đàn Tranh 15 dây. Và còn nhiều Trống to, Trống nhỏ, Ống Địch, Hải Loa…
Cuối đời nhà Lê, có một thay đổi lớn: đàn Tranh không còn có mặt trong dàn nhạc triều đình mà thay bằng Tỳ Bà góp mặt với đàn Nguyệt (lúc đó tên là đàn Song Vận), đàn Tam, đàn Nhị, có hai ống Sáo, một Trống Bản, một Tam Âm La và một Sênh Tiền.
Sau chiến thắng Kỷ Dậu, Vua Quang Trung gửi một phái đoàn sứ giả sang chầu Vua Càn Long. Vua nhà Thanh phong cho Vua Quang Trung tước An Nam Quốc Vương, người Trung Quốc gọi dàn nhạc đi theo là An Nam Quốc Nhạc. Khâm Định Đại Thanh Hội Điển Sự Lệ ghi lại nhiều chi tiết về 9 loại nhạc nước ngoài có mặt tại triều đình nhà Thanh gọi là Cửu Tấu.
Nguyễn Ánh tức vị Hoàng Đế năm 1802 lấy niên hiệu là Gia Long, đặt quốc hiệu là Việt Nam, từ năm 1802 người Trung Hoa đổi tên An Nam Quốc Nhạc lại thành Việt Nam Quốc Nhạc.
Nhà Nguyễn chấn chỉnh nhạc cung đình. Lập Dàn Đại Nhạc gồm Kèn, Trống là chính. Và Dàn Nhã Nhạc cũng gọi là Tiểu Nhạc hay Ti Trúc Tế Nhạc, vì dàn nhạc gồm những nhạc khí mắc dây tơ và cây sáo trúc. Tỳ Bà có mặt trong dàn nhạc cung đình còn đàn Tranh lại được trọng dụng trong dân gian và trở thành một nhạc khí quan trọng của nhạc thính phòng. Đàn Tranh, đàn Nguyệt, đàn Nhị, đàn Tam và đàn Tỳ Bà trở thành ban Ngũ Tuyệt của ca nhạc thính phòng Huế (tiền thân của Ca Huế).
Đàn Tỳ Bà được chế tác bằng gỗ ngô đồng. Cần đàn và thùng đàn liền nhau có dáng như hình quả lê bổ đôi. Mặt đàn bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Phía mặt cuối thân đàn có một bộ phận để mắc dây gọi là ngựa đàn. Đầu đàn (hoặc thủ đàn) cong có chạm khắc rất cầu kỳ, khi là hình chữ thọ, khi là hình con dơi. Nơi đầu đàn gắn bốn trục gỗ để lên dây.
Toàn bộ chiều dài của thân đàn có số đo từ 94 – 100 cm. Phần cần đàn có gắn 4 miếng ngà voi cong vòm lên gọi là Tứ Thiên Vương. Tám phím chính làm bằng tre hoặc gỗ gắn ở phần mặt đàn cho các cao độ khác nhau. Thuở xưa dây đàn se bằng tơ tằm rồi đem vuốt sáp ong cho mịn, hoặc sử dụng gân bò, ngày nay người ta thay dây tơ bằng dây nilon hoặc thép.
Đàn Tỳ Bà có bốn dây lên theo 2 quãng 4, mỗi quãng 4 cách nhau một quãng 2: Đô – Fa – Sol – Đô1 hoặc Sol -Đô1 – Rê1 – Sol1. Khi chơi đàn nghệ nhân gẩy đàn bằng miếng đồi mồi hoặc miếng nhựa.
Theo cách tính và quan niệm của người Trung Hoa, đàn Tỳ Bà dài 36 thốn (đơn vị đo), số 3 tượng trưng cho Thiên-Địa-Nhân, số 5 tượng trưng cho Ngũ Hành, 4 dây tượng trưng cho4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Màu âm đàn Tỳ Bà trong sáng, vui tươi, thể hiện tính chất tươi sáng và trữ tình. Màu âm hơi giống đàn Nguyệt nhưng có phần hơi đanh và khô hơn, nhất là ở những khoảng âm cao.
Tầm âm của đàn Tỳ Bà là 3 quãng tám: từ Ðô lên Ðô3 (c lên c3).
Kỹ thuật diễn tấu của đàn Tỳ Bà có nhiều ngón giống như đàn Nguyệt: ngồi thấp, xếp chân trên chiếu. Ngồi thẳng trên ghế, đàn được đặt gần như thẳng đứng.
Kỹ thuật tay phải: Tay phải gảy đàn, cách sử dụng móng tay để đàn có nhiều kỹ thuật phức tạp nhưng sinh động.
Kỹ thuật tay trái: Kỹ thuật tay trái của đàn Tỳ Bà có các ngón nhấn, ngón vuốt, ngón mổ, bấm hợp âm, đặc biệt đàn Tỳ Bà có lối đánh song thinh (song thanh): 2 đồng âm ở hai dây khác nhau.
Ngón phi: ngón phi của đàn Tỳ Bà có thể đánh trên cả 4 dây hoặc phi trên từng cặp dây (dây1+2; dây 2+3 và 3+4) hoặc phi trên từng dây 1 hoặc 4 dễ dàng hơn.
Ngón nhấn: các phím đàn gắn cách nhau không xa lắm, mỗi phím lại không cao như đàn Nguyệt nên các loại ngón nhấn (nhấn, nhấn luyến lên, nhấn láy…) đều có những hạn chế, thường chỉ nhấn từ nửa cung đến một cung liền bậc, hiệu quả ngón nhấn tốt nhất là khoảng âm trầm và một phần khoảng âm giữa.
Ngón vuốt: được sử dụng nhiều ở đàn Tỳ Bà, trong các tác phẩm cổ truyền ngón vuốt được sử dụng nhiều như ngón nhấn của đàn Nguyệt. Ký hiệu ngón vuốt không vê dùng gạch chéo nối giữa hai nốt. Vuốt có vê dùng gạch chéo nối giữa hai nốt đồng thời gạch hai gạch chéo ở nốt nhạc có đuôi, nếu nốt nhạc không có đuôi thì gạch hai gạch chéo ở trên hoặc ở dưới nốt.
a)- Vuốt xuống: là cách vuốt dây của tay trái trong khi tay phải không gảy, không vê, không phi, âm thanh các ngón vuốt xuống phát ra nhỏ, yếu nhưng không thể dùng trong hòa tấu. Do vậy các âm vuốt thường xen kẽ với các âm gảy, vê hay phi để có thể thừa hưởng dư âm của các âm ấy.
b)- Vuốt nhiều dây: có thể vuốt hai, ba dây một lúc trong khi tay phải gảy, vê hay phi, kỹ thuật nầy ít sử dụng trong diễn tấu nhạc cổ truyền.
Ngón chụp: tay trái ngón 1 bấm vào một cung phím, tay phải gảy dây, khi âm thanh vừa phát ra, ngón 2 hoặc 3 bấm mạnh vào cung phím khác (thường là liền bậc cao hoặc thấp) âm thanh từ cung phím nầy vang lên mà không phải gảy đàn. Âm luyến nghe được do một phần của dây đàn còn chấn động, một phần do ngón tay mổ vào cung phím tạo thêm chấn động. Âm luyến nghe yếu nhưng mềm mại, ở những thế bấm cao âm luyến nghe kém vang nên ít được sử dụng. (Ký hiệu ngón chụp: dùng dấu luyến giữa các nốt nhạc).
Ngón mổ: gần giống như ngón luyến, nhưng tay phải không gảy dây mà ngón tay trái cứ mổ vào các cung phím để phát ra âm thanh, âm thanh ngón mổ nghe nhỏ, yếu và có màu âm riêng biệt. Không nên sử dụng ngón mổ trong bản nhạc có tốc độ nhanh và trong hòa tấu vì hiệu quả ngón mổ nghe rất nhỏ. Ký hiệu ngón mổ ghi như dấu hỏi đặt trên nốt nhạc.
Ngón vỗ: một ngón tay đang bấm trong khi ngón khác vỗ lên dây đàn.
Chồng âm, hợp âm: Đàn Tỳ Bà có thể cách đánh chồng âm dễ dàng và hiệu quả nhất là sử dụng bằng miếng gảy, khi đánh chồng âm, hợp âm có thể đánh bằng móng tay hoặc phím gảy trên 4 dây, hai hoặc ba dây không khó khăn và giữ tính chất đệm trong hòa tấu. Ðiểm độc đáo nhất của đàn Tỳ Bà là đánh hợp âm rãi, kỹ thuật đánh hợp âm rãi của đàn Tỳ Bà có hiệu quả đặc biệt và độc đáo như tiếng Á của đàn tranh.
Ở Việt Nam đàn Tỳ Bà có mặt trong các dàn nhạc: Nhã nhạc cung đình Huế, Lễ nhạc Phật giáo, Lễ nhạc Cao Đài, Đờn Ca Tài Tử, Phường Bát Âm, Cải Lương  Dàn nhạc dân tộc tổng hợp.
Mặc dù đàn Tỳ Bà có xuất xứ từ các nước khác, nhưng qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa và trở thành cây đàn của Việt Nam, thể hiện sâu sắc những bản nhạc mang phong cách của dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực khí nhạc. Ngày nay số người biết sử dụng Tỳ Bà theo phong cách truyền thống Việt Nam chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Dưới đây mình có các bài:
– Những loại Đàn Tì Bà
– Tại sao gọi là đàn Tỳ Bà

– Đàn Tỳ Bà

Cùng với 22 clips tổng hợp độc tấu, hòa tấu Đàn Tỳ Bà do các nghệ nhân ưu tú trên thế giới diễn tấu với các nhạc cụ độc đáo của dân tộc họ để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Túy Phượng
(Theo Wikipedia)
Hát & độc tấu Chikuzen Biwa (筑前琵琶, 
Trúc tiền tì bà)Kyokumi Tashiro, 
Chikuzen Biwa “Funa Benkei”
Hát & độc tấu Nishiki Biwa (錦琵琶, 
Cẩm tì bà)  KUMADA KAHORI 
 Nasuno Yoichi
Độc tấu Gagaku Biwa 
Gakubiwa (雅楽琵琶 楽琵琶)
Độc tấu Gagaku Biwa 
(雅楽 琵琶秘曲〈啄木〉~平安末期の
琵琶譜『三五要録』にもとづく再現~)
Độc tấu Bipa (Korean)
Song tấu Bipa – Korean classical music
Khám phá Đàn Tỳ Bà (Pipa)
Liu Fang (Lưu Phương) 
Độc tấu Tỳ Bà (Pipa)
Độc tấu Tỳ Bà (Pipa)
Thần Thoại Đàn Nhị & Tỳ Bà
Song tấu Tỳ Bà (Pipa): 
Dehai Liu & Lingling Yu
Độc tấu Tỳ Bà (Pipa)

Độc tấu đàn Barbat – Ba Tư
(Barbat of Maestro Behroozinia – In the Realm of Solitude)
Độc tấu đàn Barbat – Ba Tư 
(Ali Sajjadi Solo Barbat (Oud) – Bayat-e Rajeh)
Hòa tấu đàn Barbat – Ba Tư 
(Senavazieh Tar , Oud , Tonbak)
Làn Điệu Việt – Đàn Tỳ Bà
Song tấu Tỳ Bà & Đàn Tranh 
 Liu Fang (Lưu Phương & Hải Phượng
Nhớ Huế – Hòa tấu đàn Tỳ Bà
Hòa tấu Tỳ Bà – Văn Còn
Tỳ Bà – Vọng cổ 1 & 2 – Văn Còn
Tỳ Bà – Phi vân điệp khúc – Văn Còn
Độc tấu đàn tỳ bà: LUYỆN NĂM CUNG
 Độc Tấu Đàn Tỳ Bà – Thập Diện Mai Phục
Hòa tấu Đàn Tranh & Tỳ Bà  
TÒ VÒ – Thu Thủy & Thùy Chi
Vĩnh Tuấn & Thanh Thúy song tấu 
Tỳ Bà & Tranh – Lưu Thủy & Kim Tiền
Vĩnh Tuấn & Thanh Thúy 
song tấu Tỳ Bà & Tranh – Hành Vân
Vĩnh Tuấn & Thanh Thúy 
song tấu Tỳ Bà & Tranh
Vĩnh Tuấn & Thanh Thúy 
song tấu Tỳ Bà & Tranh – Cổ Bản
Theo http://dotchuoinon.com/




1 nhận xét:

  Chùm thơ của Lưu Lãng Khách 15 Tháng Hai, 2023 Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao – trên trời cao/ Chim non ca vang n...