Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Ca Huế xưa và nay

Ca Huế xưa và nay
Huế - theo dòng chảy của thời gian, đã trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử; âm nhạc Huế cũng không nằm ngoài “luồng” của dòng chảy đó.
Ca Huế từng là thú chơi tao nhã của các hoàng thân và quan chức trong triều đình Huế. Từ trái qua phải: Ưng Dung, Tôn Thất Văn, Ưng Biều, Ngô Phò, Trần Quang Soạn, Hoàng Yến- Ảnh: internet
Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, nền âm nhạc cổ truyền Huế tồn tại hai dòng: dân gian và bác học. Tuy khác nhau về đặc điểm, tính chất, hệ thống bài bản, không gian diễn xướng... nhưng hai dòng âm nhạc này luôn tác động qua lại, gắn bó, thâm nhập, thúc đẩy lẫn nhau. Do ảnh hưởng đặc điểm lịch sử văn hóa Việt Nam, dòng âm nhạc bác học được chia thành hai bộ phận: Âm nhạc cung đình (gồm hệ thống bài bản khí nhạc gắn liền với các tổ chức dàn nhạc được biến đổi qua các thời kỳ; đến triều Nguyễn chỉ còn lại dàn Đại nhạc và Tấu nhạc), bộ phận thứ hai là ca Huế (với hệ thống bài bản có cấu trúc chặt chẽ, đòi hỏi kỹ năng diễn tiếu điêu luyện của ca công và nhạc công), có xuất xứ từ âm nhạc cung đình nên mang phong cách sang trọng, tao nhã, nhưng cũng đậm đà phong vị dân gian. Đây là bộ phận âm nhạc đặc sắc, có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, không chỉ bởi sự in đậm bản sắc Huế, mà còn mang dấu ấn “hội tụ và lan tỏa” trong lịch sử âm nhạc dân tộc.
Ca Huế (với những cách thức diễn xướng phong phú, xử lý sắc thái tinh tế...) được hình thành trên hai điệu thức chính là điệu Bắc (hơi khác) và điệu Nam, cùng một hệ thống “hơi”, biểu hiện từng loại sắc thái như hơi dưng, hơi đảo, hơi thiền, hơi ai, hơi thương... tạo phong cách đặc trưng. Theo phần lớn các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu trước đây cũng như hiện nay cho rằng: điệu Bắc có tính chất vui tươi, linh hoạt, trong sáng, trang trọng, điệu Nam thì buồn thương, bi ai..., và người Huế ít khi gọi là điệu Bắc hay Nam, mà thường gọi là các bài bản khách và Nam. Theo họ, điệu Bắc cả ba miền đều có, nhưng điệu Nam hơi Ai chỉ riêng Huế mới có.
Theo bước chân Nam tiến của các lưu dân, ca nhạc Huế cũng có xu hướng truyền bá mạnh mẽ về phía Nam, tiếp nhận một số ảnh hưởng của Champa, Ấn Độ... kết hợp với cội nguồn văn hóa Thăng Long, làm nảy sinh thêm một số hình thức âm nhạc khác như đàn Quảng ở Nam Trung Bộ, đờn ca tài tử ở Nam Bộ... Nỗi nhớ quê cha đất Tổ, cộng với cuộc sống khổ cực, làm cho nỗi buồn thêm da diết thể hiện rõ trong âm nhạc chất mềm mại, dịu dàng, sầu bi, có phần u tối, phải chăng đó là lý do để người ta đặt thêm một loại hơi gọi là hơi Ai?
Ngoài ra, còn có loại hơi dưng (là loại hơi trung gian giữa Bắc và Nam) như cầu nối giữa vui và buồn - đây cũng chỉ là một cách biến đổi sắc thái... hoặc cách xử lý tác phẩm kiểu âm nhạc phương Tây như từ Ai sang Oán... nhưng trên cơ sở vẫn là một điệu. Tính chất đặc trưng trong ca Huế là trữ tình sâu lắng, người xứ Huế gọi là “thâm trầm” - cái thâm trầm đầy vẻ tế nhị, tao nhã và trong sáng, gợi những nỗi niềm...
Ca Huế tính phòng hôm nay - Ảnh: Nghệ thuật Ca Huế
Chúng ta thấy rằng âm nhạc Huế mang dấu vết rất rõ đặc tính giọng nói Huế, không thể không nhiễm sâu yếu tố Chăm. Yếu tố văn hóa Việt mờ nhạt của Thuận Hóa xưa, hòa với văn hóa Champa, khi văn hóa Việt trỗi dậy, bổ sung thêm những nét mới, sẽ hình thành những sắc thái mới, là hệ quả của sự giao hòa Chiêm - Việt; và, trên cơ sở một hệ thống tiếng nói mới - hệ tiếng Huế, tạo màu sắc đặc trưng, khu biệt. Âm nhạc Huế có quan hệ rõ với giọng nói “cạn” và “hẹp” của Huế. Người ta căn cứ theo địa danh Huế (Thuận Hóa trước đây) mà đặt tên cho ca nhạc cổ là ca Huế. Theo cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị: “Ca mà gọi ca Huế vì thanh âm người Huế hiện với điệu ca này, mà phía Bắc xứ Huế như Quảng Trị, Quảng Bình cũng ca được, còn từ Linh Giang dĩ Bắc, Hải Vân quan dĩ Nam, đều có người ca, mà ca giỏi thế nào, cũng có hơi trạy bẹ…”.
Khi nói “ca” một bản Nam ai hay cổ bản, tức là người ca phải ca một bài có giai điệu và lời ca hoàn toàn đầy đủ và chính xác, còn nếu như nói “hát”, thì người ca chỉ cần đưa hơi “ai” hoặc hơi “khách” để diễn tả bất cứ một lời thơ nào!
Theo một số nhà nghiên cứu, ca Huế bắt đầu từ hát cửa quyền trong cung vua, phủ chúa (khác với lối hát Ả Đào, phát sinh từ dân gian, từ hát cửa đình, rồi vào chốn cung đình), từ “cung trung chi nhạc - một loại nhạc thính phòng trong cung thất của vua và mẹ vua Nguyễn” (Trần Văn Khê - Lối ca Huế và lối nhạc tài tử). Đó là thời kỳ có những bước chuyển mình từ lối hát cung đình, dần dần được dân gian hóa trở lại để thành ca nhạc Huế… và tác động trở lại đối với âm nhạc cung đình.
Trường hợp 10 bản Tàu được gọi là 10 bản Ngự, được các nhạc công trong ban Ngự âm nhạc của triều đình nhà Nguyễn tấu trong các cuộc tế lễ và các dịp khác của vua chúa, “thực ra, đó là những bài bản vay mượn từ ca nhạc Huế và được cung đình hóa” (Nguyễn Viêm - Lịch sử âm nhạc dân gian cổ truyền Việt Nam) - hệ quả của quá trình “tinh chế” vốn âm nhạc dân gian.
Từ lối thưởng thức kiểu thính phòng trong tư dinh của giới đại gia, khoa bảng, thành được trình diễn trong một không gian nhỏ, đầm ấm, gần gũi, có thể là một phòng khách, với đôi ba chén trà, ly rượu… người biểu diễn và thưởng thức ngồi cạnh nhau như tri âm, tri kỷ; trong không gian như vậy, tất cả như ngưng đọng khi, con người và âm nhạc hòa quyện nhau trong mùi trầm hương phảng phất, hư hư thực thực, nhất là vào những đêm khuya, những điệu ca được cất lên như mê hoặc, có sức diễn tả cao, thâm trầm, da diết, làm say đắm lòng người… Dần dần, không gian diễn xướng được mở rộng, chan hòa vào các sinh hoạt văn nghệ dân gian, từ những căn phòng ngào ngạt trầm hương, ca Huế ra với dòng Hương bàng bạc ánh trăng, sương đêm phủ nhẹ trên mái chèo cùng với giọng ca thổn thức, tiếng đàn nỉ non, thao thiết trong làn gió nhẹ, làm cho tri âm, tri kỷ không muốn rời nhau… Sự kết hợp hài hòa của hai luồng giao thoa đó đã làm cho ca Huế có một phong vị đặc biệt, “không những thỏa mãn được yêu cầu thẩm mỹ của giới quý tộc phong lưu, các sĩ phu phong kiến (ngày trước), mà còn được quần chúng nhân dân (lao động) hâm mộ nâng niu…” (GS Tô Vũ - Sức sống của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam). Mối tương quan giữa ca Huế và âm nhạc dân gian - nhất là lý Huế, chỉ có tính cách tương đối chứ không phải rạch ròi, nếu người nghe không “sành điệu” thì phân biệt đâu là ca Huế, đâu là dân ca. Yếu tố quan trọng khác đã tạo ra mối quan hệ mật thiết giữa âm nhạc dân gian và ca Huế (cũng như âm nhạc cung đình) là chính các nhạc công, ca công chuyên nghiệp hầu hết là nghệ nhân tài hoa, trưởng thành từ dòng âm nhạc dân gian - bên cạnh đó, đội ngũ nghệ nhân dân gian là một lực lượng hùng hậu làm phong phú và nuôi dưỡng ca Huế; có thể nói: ca Huế là nhịp cầu nối giữa cung đình và dân gian. Duy các điệu ca khởi điểm như thế nào thì vẫn chưa có xác nhận chắc chắn, chỉ đoán chừng từ đời Hiếu Minh (chúa nhà Nguyễn về hệ 7, Quốc công Nguyễn Phúc Chu là ông chúa Thượng Văn), “thời kỳ này có ban nhạc phủ, triều đình có nhạc phủ, tao nhơn, mặc khách ở tri hạ tất phải hưởng ứng mà thành ra ca khúc, ca chương…” (cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị).
Mặc dầu sinh trưởng trong khuôn vàng thước ngọc, ca Huế vẫn không hoàn toàn bị ràng buộc bởi những khuôn khổ, quy tắc nghiêm ngặt của âm nhạc bác học, mà vẫn thể hiện tính sinh động, mềm dẻo (tương đối) của nó khi ở thính phòng cũng như khi lên sân khấu sau này. Ca Huế đem lại cho người nghe những cảm xúc êm dịu, khỏe đẹp, trong sáng, tạo nên sự đồng cảm của con người, ca ngợi quê hương, đất nước. Theo GS-TS Trần Văn Khê, ca Huế với những giọng ca tuyệt vời của các nghệ nhân “khi thì êm dịu như hương thơm tỏa ra từ một bông hoa, khi thì xót xa như giọng người đang khóc, khi thì uể oải như những cái nhìn nào đó của người đàn bà trong những đêm hè oi ả, khi thì vui vẻ - trường hợp này cũng họa hoằn thôi; giống như tiếng lao xao của bầy chim trong mùa xuân… đã thấm vào thể xác và tâm hồn bạn, đã len vào trong mạch máu của bạn, làm cho khắp người bạn phải rùng mình, khoái trá…”. Như thế, cũng đủ biết sự sâu lắng, trữ tình của ca Huế làm rung động, cuốn hút người nghe sâu sắc như thế nào!
Ca Huế là sản phẩm của Huế, mang đặc thù sắc thái địa phương nhưng “không phải là một thứ âm nhạc địa phương” (GS. Tô Vũ - đd) và theo ông Văn Lang: “Ca nhạc Huế là một loại âm nhạc mang tính bác học có một lịch sử từ xa xưa, và có lúc đã từng đóng vai trò quốc nhạc… được sử dụng phổ biến ở các tỉnh phía Bắc cũng như phía Nam.” Theo lịch sử chúng ta thấy rất rõ hiện tượng âm nhạc Huế thâm nhập, ảnh hưởng trở lại cội nguồn phía Bắc (Sân khấu chèo: Vở Tuần ty đào Huế sử dụng nguyên xi điệu Hành vân, Lí dao duyên của Huế, và trong sáu hệ thống của chèo, có hệ thống hơi Huế…) đồng thời, theo bước chân Nam tiến của những lưu dân khai hoang lập đất, của các binh lính mở mang bờ cõi… tạo nên ảnh hưởng không nhỏ đối với âm nhạc Nam Trung Bộ (Tuồng: Nam ai, Nam bình… hoặc khai thác các điệu Lí Huế trong các kịch bài chòi…) ở Nam Bộ (Tài tử: Tứ đại, Phú lục… Cải lương: Lưu Thủy, Kim tiền… hoặc các nhạc công ở ban nhạc Tài Tử hòa nhạc Huế…). Sự ảnh hưởng của ca nhạc Huế đối với hai miền có ví trí quan trọng trong việc hình thành nhiều thể loại kịch hát dân tộc, đây là “một hiện tượng vô cùng hiếm thấy, ví như một cái gốc lớn đã nảy sinh nhiều cành là xanh tươi mà mỗi cành có một vẻ đẹp riêng… đó không phải là một điều vinh hạnh hay sao?” (Văn Lang - Ca Huế và ca kịch Huế).
Ca Huế là một trong ba thể loại ca nhạc thính phòng của Việt Nam có nguồn gốc hình thành và phát triển lâu đời, có giá trị nghệ thuật cao, là tài sản chung của dân tộc; có giá trị giáo dục về mọi mặt như tư tưởng thẩm mỹ, tình cảm cũng như nhân cách. Muốn nghe và hiểu sâu về ca Huế đòi hỏi phải có nghệ thuật thưởng thức: đó là sự hiểu biết về nguồn gốc, môi trường diễn xướng, một ít kỹ thuật ca và đàn Huế, cảm  nhận được màu sắc, sắc thái trong điệu và “hơi” của ca Huế…
Hiện nay không gian diễn xướng tại các tư gia (hay gọi là ca Salon) hầu như không còn. Chỉ còn lại không gian ca Huế ở du thuyền trên sông Hương, như một món quà, món ăn tinh thần đối với du khách khi đến Huế. Việc xã hội hóa ca Huế - nhằm đem lại lợi nhuận về kinh tế, ít nhiều làm mất đi giá trị thẩm mỹ vốn có - bởi ca Huế chỉ tồn tại có giá trị đích thực khi nó ở trong một không gian, hoặc môi trường diễn xướng đặc hữu của nó. Hầu hết, thế hệ trẻ không biết (hoặc biết một cách mơ hồ) về cái hay, cái đẹp của ca Huế, quay lưng với âm nhạc cổ truyền nói chung, ca Huế nói riêng, tìm đến âm nhạc phương Tây với suy nghĩ như thế mới là hiện đại, là thời thượng… những người làm nghệ thuật cổ truyền cũng bị xem là lạc hậu, cổ hủ… Theo ông Văn Lang, đây là sự “mất gốc đáng hổ thẹn”. Tất nhiên chúng ta cũng không thể bảo thủ, khư khư cho rằng chỉ có nền âm nhạc của chúng ta mới là tuyệt vời, nhưng nếu bảo thủ, hay vứt bỏ những gì thuần túy của dân tộc, để tiến đến văn minh vong bản là tự đưa mình đến diệt vong.
Ở Huế, được sự quan tâm của các ban ngành liên quan, ca Huế bắt đầu có sự “hồi sinh”. Hai trung tâm đào tạo chuyên nghiệp là Học viện Âm nhạc Huế và Trường Văn hóa nghệ thuật Huế cũng đã quan tâm, vực dậy bộ môn ca Huế.
Học viện Âm nhạc đã mở lớp đàn ca Huế được gần hai năm nay, Trường Văn hóa nghệ thuật từ trước đến nay vẫn mở lớp dạy ca Huế. Hai trung tâm biểu diễn về âm nhạc truyền thống Huế là đoàn ca kịch và Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cũng luôn chú trọng đến loại hình này. Nhưng tất cả vẫn chưa chú ý đến chất lượng. Hai trung tâm cũng chỉ chú trọng đến việc phục vụ du khách bằng cách xen vào hát mới, hoặc sử dụng các loại hình âm nhạc dân gian, còn ca Huế (theo một số quan điểm của những người có chuyên môn cũng như các ca sỹ thì: Ca Huế khó hát, đa phần là buồn, không phù hợp, không thể ép du khách nghe…) thì chỉ còn xuất hiện khi biểu diễn các vở diễn lớn, hoặc tại các hội diễn. Sinh viên tại các trường và ca sỹ hát ca Huế, đa phần đều có suy nghĩ là học (hát hay) một vài làn điệu chỉ để đi hát, phục vụ cho việc mưu sinh là chính; mô hình đào tạo chính quy ở các trường nghệ thuật có những hạn chế như quá chú trọng đến kiến thức đại cương trên cơ sở khung đào tạo của Bộ Giáo dục vốn có khối lượng lớn so với kiến thức chuyên môn nên các thế hệ nhạc công, ca sĩ chưa có sự vượt trội, chỉ đều đều, ngang bằng về chuyên môn; cũng như chưa tạo ra được môi trường thực tế để các em có thể học hỏi thử sức… Còn một số thì thiếu tâm huyết, thiếu bản lĩnh, lạm dụng danh nghĩa làm cho nghệ thuật không còn ý nghĩa cao đẹp. Mặc dù vậy, giá trị nghệ thuật của ca Huế sẽ vẫn còn mãi với thời gian.
Nên chăng để ca Huế trở về vị trí và đúng với giá trị đích thực của nó, chúng ta cần phải có những hành động cụ thể, thiết thực như đầu tư, sưu tầm, kí âm toàn bộ các bài bản để lưu giữ cho thế hệ sau; Tăng cường mời các nghệ nhân truyền nghề cho các nhạc công, ca sĩ để nâng cao chất lượng ca Huế; Thường xuyên tổ chức các Hội thảo để trau dồi, học hỏi cũng như tìm biện pháp khắc phục. Đồng thời có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ các nghệ nhân để họ có điều kiện truyền dạy vốn cổ cho các em tốt hơn. Bên cạnh đó, việc quảng bá ca Huế trên các phương tiện thông tin đại chúng cần phải có kế hoạch cụ thể. Mặt khác, cần kết hợp bảo vệ không gian văn hóa, môi trường cảnh quan của Huế.
Trong đời sống hội nhập đầy năng động, những giá trị nghệ thuật mới nảy sinh từ bên trong cũng như bên ngoài luôn được cập nhật và tiếp nhận. Chính vì thế, các cơ quan hữu quan nên quan tâm và có biện pháp khắc phục những hiện tượng quá sùng bái các sản phẩm nghệ thuật xa rời, thị hiếu tầm thường mà ngoảnh mặt với nền văn hóa truyền thống tốt đẹp, lành mạnh của dân tộc. Đó là điều mà chúng ta cần nhận thức đúng để suy ngẫm, mà tự hào với vốn nghệ thuật cổ truyền của cha ông để lại, trong đó có ca Huế đang cần phát huy hơn nữa, phục vụ sâu rộng và làm phong phú những giá trị tinh thần truyền thống trong xã hội đương đại.
Cuối cùng, xin nhắc lại lời của cố nhạc sư Nguyễn Hữu Ba: “Âm nhạc Việt Nam xưa nay đã bị ngoại lai ba lần mà lần nào cũng chỉ phớt qua một lúc, rồi lại trở về với màu sắc đất nước, bản tính dân tộc. Đó là nhờ sức sống mãnh liệt, một tinh thần căn bản sâu rộng, tiềm ẩn trong lòng đất, trong ý dân và luôn thúc đẩy toàn dân sống để tiến, vững tiến trên bản năng bản sắc của mình”.
 Dương Bích Hà
Theo http://vannghehue.vn/

1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...