Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Mơ hoa - Mối tình đầu chưa kịp ngỏ

Nhạc sĩ Hoàng Giác với giấc “Mơ Hoa”
Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn các ca khúc “Mơ Hoa”, “Ngày Về”, “Lỡ Cung Đàn”, “Quê Hương” của Nhạc sĩ Hoàng Giác.
Nhạc sĩ Hoàng Giác là một nhạc sĩ và ca sĩ của dòng Nhạc Tiền Chiến nổi tiếng của nền Tân Nhạc Việt Nam. Ông sinh năm 1924. Quê gốc của ông ở làng Chèm, nay thuộc xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Cha của ông là một người chơi đàn bầu rất hay nhưng lại đam mê môn quyền anh và từng giữ chức Chủ Tịch Liên Đoàn Quyền Anh Bắc Kỳ. Bản thân NS Hoàng Giác cũng là người say mê thể thao. Thuở nhỏ ông học ở trường Bưởi. Từ khi còn là học sinh, ông đã tìm tòi học hỏi âm nhạc theo các tài liệu sáng tác cũng như hòa thanh của Pháp. Năm 1945 ông viết ca khúc đầu tay“Mơ Hoa”.
Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn các ca khúc “Mơ Hoa”, “Ngày Về”, “Lỡ Cung Đàn”, “Quê Hương” của Nhạc sĩ Hoàng Giác.
Nhạc sĩ Hoàng Giác năm 1949
Nhạc sĩ Hoàng Giác là một nhạc sĩ và ca sĩ của dòng Nhạc Tiền Chiến nổi tiếng của nền Tân Nhạc Việt Nam. Ông sinh năm 1924. Quê gốc của ông ở làng Chèm, nay thuộc xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Cha của ông là một người chơi đàn bầu rất hay nhưng lại đam mê môn quyền anh và từng giữ chức Chủ Tịch Liên Đoàn Quyền Anh Bắc Kỳ. Bản thân NS Hoàng Giác cũng là người say mê thể thao.
Thuở nhỏ ông học ở trường Bưởi. Từ khi còn là học sinh, ông đã tìm tòi học hỏi âm nhạc theo các tài liệu sáng tác cũng như hòa thanh của Pháp. Năm 1945 ông viết ca khúc đầu tay“Mơ Hoa”.
Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, NS Hoàng Giác cùng gia đình tản cư lên chiến khu Việt Bắc. Cuối năm 1946, ông sáng tác bài hát “Ngày Về” khi còn là một đội viên trong đoàn tuyên truyền được trở về thăm gia đình sau những chuyến đi công tác. Theo NS Hoàng Giác, đây chính là ca khúc ông ưng ý nhất. Bài này đã được nhiều ca sĩ thu âm nổi bật là Ngọc Bảo, Ái Vân, Mai Hoa, Anh Thơ…
Năm 1948, NS Hoàng Giác trở lại Hà Nội, và khi đó ông cũng là một ca sĩ được nhiều người yêu mến.
Ông sáng tác không nhiều, chỉ khoảng 20 ca khúc. Trong số đó, có những bài hát nổi tiếng và vượt thời gian như “Mơ Hoa”, “Ngày Về”, “Lỡ Cung Đàn,… Ông khiêm tốn: “Tôi sáng tác không nhiều và so với các nhạc sĩ cùng thời thì đóng góp của tôi cho nền âm nhạc nước nhà không được bao nhiêu.”
NS Hoàng Giác chuyên sử dụng nhạc cụ Guitar Hawaii, và từng là giảng viên guitar nhiều năm tại “Trường Sư Phạm Nhạc – Họa Trung Ương” và “Trường Âm Nhạc Dân Lập”.
Ông lập gia đình với bà Kim Châu vào năm 1951. Từ khoảng nửa sau thập niên 1960, gia đình ông phải sống trong cơ cực bởi Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam Việt Nam sử dụng tác phẩm “Ngày Về” của ông để làm nhạc hiệu cho chương trình “Chiêu Hồi”. Hai ông bà có người con trai là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.
Dưới đây mình có bài:
Nhạc sĩ Hoàng Giác: Hơn 60 năm một giấc “Mơ Hoa”
Cùng với 10 clips tổng hợp các ca khúc “Mơ Hoa”, “Ngày Về”, “Lỡ Cung Đàn”, “Quê Hương” do các ca sĩ xưa và nay diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn.
Túy Phượng
(Theo Wikipedia)

Nhạc sĩ Hoàng Giác.
Nhạc sĩ Hoàng Giác: Hơn 60 năm một giấc “Mơ Hoa”
(Đỗ Anh Vũ – Thiên Anh)
“Tan giấc mơ hoa/ bóng người khuất xa/ đôi đường từ đây/ ai bước đi không hẹn ngày/ người tuy xa cách/ nhưng lòng ta khắc ghi/ bên đèn một bóng/ tháng ngày chờ mong…” Ai đã từng một lần nghe đến giai điệu mượt mà đầy thơ mộng ấy hẳn sẽ không thể nào cưỡng lại sự hấp dẫn ma mị của nó.
Nỗi buồn phảng phất với những lời ca mượt như nhung đã làm say đắm rất nhiều thế hệ người yêu nhạc Việt Nam hơn 60 năm năm qua. Và đằng sau giấc mơ đẹp đó là một mối tình đầy lãng mạn của nhạc sĩ tài hoa Hoàng Giác và thiếu nữ Hà Nội nổi tiếng một thời, bà Kim Châu hoa khôi phố Quán Thánh. Giờ đây khi tuổi đời đã xấp xỉ 90, hai ông bà vẫn nhìn nhau với ánh mắt say đắm lòng người khiến cho không ít người phải ghen tỵ.
Mơ hoa - Mối tình đầu chưa kịp ngỏ
Nhạc sĩ Hoàng Giác cùng tuổi và học chung một lớp ở trường Bưởi với cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, nhạc sĩ Dzoãn Mẫn… Cụ thân sinh ra ông là một người chơi đàn bầu rất hay, nhưng lại ham mê môn quyền anh và từng giữ chức Chủ tịch Liên đoàn quyền anh Bắc Kỳ. Vì vậy cũng không có gì lạ khi thời trẻ, nhậc sĩ Hoàng Giác rất say mê các môn thể thao. Cùng lúc đó cậu học sinh trường Bưởi cũng bắt đầu học chơi nhạc. Đầu năm 1945, khi mới 21 tuổi, ông viết bài hát đầu tiên và đây cũng là bài hát được nhiều người biết đến, yêu thích nhất trong những sáng tác của ông – bài Mơ hoa. Bài hát này ông viết để tặng cho mối tình đầu của mình, một bóng hồng đã nhiều năm ông thầm thương mến.
Chia sẻ với chúng tôi ông cho biết: “Năm 1945, tôi vừa tốt nghiệp trường Bưởi, ở gần nhà tôi có một thiếu nữ trong Hà Đông ra, cô ấy mới 16 tuổi. Dáng người cô thon nhẹ, tóc dài. Chúng tôi gặp gỡ, trao đổi và có những tình cảm quyến luyến như những chàng trai cô gái mới lớn khác. Nhìn cô, tôi liên tưởng ngay đến các cô ở làng hoa Ngọc Hà mà sáng sáng tôi hay gặp trên đường đi học. Thế là tôi mơ ước viết một bài hát để tặng cô ấy, tất nhiên, trong lòng đã mang một giấc mơ. Thế à “Mơ hoa” ra đời và là bản nhạc đầu tay trong cuộc đời sáng tác của tôi”.
Những rung động đầu đời trong trẻo đã dẫn lối cho ông vào đề một cách rất tự nhiên “Cô hái hoa tươi, hãy dừng bước chân/ Trên đường thầm xa, tôi nhắn cô em đôi lời/ Lòng không lưu luyến, sao đành cô lãng quên/Quên người gặp gỡ, trong một chiều mơ”. Thế nhưng điều ít ai ngờ là khi nhạc sĩ Hoàng Giác chưa bao giờ có dịp bày tỏ lòng mình. Và chàng sinh viên lãng tử ấy đã gửi gắm tất cả lòng mình vào bài hát đầu tay của mình. Những tưởng khi ca khúc Mơ Hoa được hoàn thành, chàng lãng tử Hoàng Giác sẽ có trọn trái tim người trong mộng thì cô gái kia đã trở về Hà Đông và kết hôn với một người đàn ông ở làng lụa Vạn Phúc. Giấc “mơ hoa” ấy của nhạc sĩ Hoàng Giác bất thành nhưng ông đã đặt những dấu ấn đầu tiên của mình trên con đường âm nhạc. Và có lẽ chính ông cũng không thể ngờ rằng ca khúc đầu tay ấy của mình lại là chiếc cầu nối đưa ông đến với tình yêu và hạnh phúc đích thực của đời mình.
60 năm và mối tình bất tử
Nhạc sĩ Hoàng Giác không chỉ là một nhạc sĩ tài hoa mà ông sở hữu một chất giọng rất ấm áp và truyền cảm. Bởi thế nên có một cô gái chỉ sau vài lần theo bố mẹ đến dự những buổi trình diễn ca nhạc tại Nhà Hát Lớn đã thấy tâm hồn mình rung động và thầm ao ước chàng nhạc sĩ tài hoa kia là ý trung nhân của mình. Người con gái ấy có tên Kim Châu, người được xem là một trong những “giai nhân bậc nhất đất kinh kì” bấy giờ. Thiếu nữ Kim Châu ở cùng với cha mẹ trong một ngôi biệt thự nhỏ trên đường Quán Thánh, trong một mái nhà lề nếp gia phong và là niềm mơ ước của không ít những tài tử, thương nhân…một thời. Cách Mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ, nhạc sĩ Hoàng Giác hăng hái tham gia. Trong tuần lễ Vàng ở hà Nội, Hoàng Giác đã đăng đàn diễn thuyết, tài ăn nói của chàng đã thu về nhiều thắng lợi cho ngân sách của chính phủ non trẻ. Đứng lẫn trong đám đông lắng nghe chàng diễn thuyết có “giai nhân đường Quán Thánh”. Cô đã lặng lẽ tháo tất cả vòng, xuyến bỏ vào thùng ủng hộ Cách Mạng. Vậy là thêm một lần nữa trái tim tiểu thư Kim Châu lại rung lên vì nhạc sĩ Hoàng Giác. Thế nhưng chàng nhạc sĩ tài hoa kia nào có biết được những thổn thức của trái tim Kim Châu.
Bà Kim Châu và Nhạc sĩ Hoàng Giác thời trẻ
Nhạc sĩ Hoàng Giác và phu nhân Kim Châu
Và như một định mệnh, năm 1951, sau sáu năm kể từ những rung động đầu tiên trong tâm hồn trong trắng, thanh khiết của “giai nhân đường Quán Thánh” một cơ duyên đã đến với nàng, khi song thân của nhạc sĩ Hoàng Giác cậy nhờ mai mối đi hỏi tiểu thư Kim Châu về cho con trai họ. Nhắc đến đây, nhạc sĩ Hoàng Giác khẽ nhìn vợ mỉm cười, ông chia sẻ “Tất cả chỉ có thể là định mệnh, bởi vì lúc ấy, tiểu thư Kim Châu là mơ ước của biết bao người, tôi nào có ngờ trong trái tim bà ấy có hình bóng của tôi. Ông trời đã nhìn thấu nỗi lòng của bà Kim Châu nên đã se duyên cho tôi và bà ấy”. Lời cầu hôn của nhạc sĩ Hoàng Giác lúc ấy với tiểu thư Kim Châu đã khiến cho cả Hà Nội xôn xao và làm tan nát trái tim của không ít chàng trai. Thậm chí còn có người can ngăn bố mẹ nàng không nên gả con cho “thằng nghệ sĩ nghèo rớt mồng tơi”.
Thế nhưng chỉ có nàng Kim Châu là hiểu rõ nội tình và hân hoan chấp nhận lời cầu hôn. Tình yêu và đám cưới của họ đã làm rung động cả mảnh đất kinh kì. Bà Kim Châu bảo bà khi đó rất hạnh phúc vì đã gặp được người trong mộng. Còn nhạc sỹ Hoàng Giác kể lại cho đến tận trước ngày đưa nàng về dinh ông vẫn không tin được hạnh phúc lại tìm đến với mình tuyệt vời đến thế. Đám cưới của đôi tài tử giai nhân ấy diễn ra khi ông khi ông 29 tuổi còn bà vừa tròn 19 tuổi.
Long đong Ngày về
Thế nhưng vẫn chưa hết những thăng trầm trong cuộc tình đẹp như mơ của hai ông bà, 15 năm sau ngày cưới những ca từ tuyệt đẹp của tuyệt phẩm “Ngày về”: Tung cánh chim tìm về tổ ấm/Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm/Nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi/Luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh/Tha thiết mong tìm về bạn cũ/Nhưng cánh chim mịt mùng bạt gió/Vắng tiếng chim xanh ngày vui hót tung mây/Mờ khuất xa xôi nghìn phương… bài hát mà nhạc sỹ Hoàng Giác ưng ý nhất lại chính là ca khúc mang đến cho ông nhiều giông bão trong cuộc đời. Bài hát với những giai điệu thao thiết của nó như thấm vào tâm hồn người nghe một tình yêu thiết tha quê hương xứ sở, nó miên man, hoài niệm và dặt dìu, nó tưới mát cho sự cằn khô của những người xa quê trong ngày trở lại. Số phận của ca khúc này trong lịch sử âm nhạc Việt Nam cũng thật lắm thăng trầm. Sau khi được một số ca sĩ hát ở ngoài Bắc, vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, rất ngẫu nhiên, giai điệu của Ngày về được chính phủ Việt Nam cộng hòa chọn làm nhạc hiệu cho chương trình Chiêu hồi.
Tai họa ập xuống mái nhà nhỏ của ông bà tình cờ nhưng đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của họ. Sự trớ trêu của số phận đã biến bà Hoàng Giác đã từ vai trò một người vợ yếu đuối, thành người lo toan chuyện cơm áo, chạy vạy nuôi cả gia đình! Bà kể, trong suốt thời gian đằng đẵng ấy, đã có không biết bao thức trắng, cúi xuống chiếc máy may cũ kỹ, cầm lên những que đan sờn tróc… để may vá, đan thuê cho người… Thời gian ấy, để cứu sống chồng con, bà cũng không từ bất cứ công việc gì, kể cả những việc chỉ đem lại cho bà một lợi tức bèo bọt, như phết hồ dán bao nylon… Nhưng bóng đêm ấy cuối cùng cũng đi qua. Chính bản thân giai điệu không thể cưỡng nổi của Ngày về đã tìm được ngày trở lại đích thực cho mình. Sau năm 1975, bài Ngày về mới được hát trở lại ở ngoài Bắc với nhiều giọng ca nổi tiếng như tài tử Ngọc Bảo, Cao Minh, Lê Dung, Ngọc Tân… nhưng Hoàng Giác ưng ý nhất vẫn là giọng hát Mai Hoa. Và nó trở thành một trong những bản nhạc được yêu thích nhất của dòng nhạc tiền chiến vang bóng một thời của nền tân nhạc Việt Nam.
Như vậy đã hơn 60 năm đã đi qua, hai ông bà đã trải qua rất nhiều thăng trầm cuộc sống nhưng hình như tình cảm ngày đầu ấy chưa hề phai nhạt. Ở tuổi gần chín mươi ông bà vẫn xưng hô với nhau là anh em như thủa ban đầu. Khi đến thăm ông bà tôi đã thật sự cảm động khi nghe giọng bà nhẹ nhàng: “Em lấy cho anh cái áo tiếp khách nhé”. Ông trả lời từ tốn” “Ừ, em lấy cho anh cái áo sơ mi kẻ sọc trắng hồi sáng ấy”. Còn vợ ông, tiểu thư Kim Châu ngày nào vẫn nói về ông với nguyên vẹn sự yêu thương và tự hào: “Ông nhà tôi hóm lắm cô ạ, có hôm đi tập thể dục về ông khoe hôm nay vừa được dự buổi hòa nhạc các tác phẩm của mình. Hóa ra ông ấy đi bộ và chợt nghe nhà ai đó mở các bài Ngày về, Mơ hoa, Lỡ cung đàn… ông dừng lại nghe chăm chú rồi cảm thấy rất vui”. Tôi chưa thấy một cặp vợ chồng già nào xưng hô anh em và nói chuyện với nhau tình tứ, lịch lãm như thế bao giờ.
Chia tay chúng tôi nhạc sĩ Hoàng Giác không khỏi bùi ngùi, ông tâm sự: “Tôi sáng tác không nhiều và so với các nhạc sĩ cùng thời thì đóng góp của tôi cho nền âm nhạc nước nhà không được bao nhiêu. Bây giờ già rồi, cũng không làm được gì nhiều nữa. Vì yêu nghệ thuật và nhớ âm nhạc nên dạy guitar cho thêm vui tuổi già. Phương châm sống của tôi lúc này là: sức khỏe trên hết! Nhạc sĩ nào có được vài bài hát mà mọi người yêu thích là hạnh phúc lắm rồi!…”. Ông nói chậm rãi, rồi nhấp chén nước. Căn phòng chợt im lặng. Ông trở về với những hoàn cảnh, cảm xúc khi viết các bài hát của mình. Đó là một phần cuộc sống của người nghệ sĩ già khá trầm lặng này. Có lẽ ông đang tiếc nuối một điều gì đó?… Nhưng chỉ cần hai tuyệt phẩm Mơ hoa và Ngày về thì lịch sử tân nhạc Việt Nam chắc chắn mãi mãi ghi dấu tên ông.
 Lỡ Cung Đàn – Ca sĩ Sĩ Phú
Lỡ Cung Đàn – Ca sĩ Châu Hà
Lỡ Cung Đàn – Ca sĩ Thu Hà
Ngày Về – Ca sĩ Thanh Long
Ngày Về – Ca sĩ Khánh Ly
Ngày Về – Mai Loan:
Mơ Hoa – Tài tử Ngọc Bảo
Mơ Hoa – Ca sĩ Vân Khánh
Mơ Hoa & Quỳnh Hương
Ca sĩ Trần Thái Hòa – Ca sĩ Ý Lan
Quê Hương – Ca sĩ Hà Thanh
Theo http://dotchuoinon.com/




1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...