Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Ca khúc vượt thời gian

Ca khúc vượt thời gian
Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn các ca khúc “Mộng Chiều Xuân”, “Trở Về Bến Mơ”, “Khúc Nhạc Tương Tư”, “Lời Hẹn Xưa”, “Bến Đàn Xuân”, “Chờ Một Kiếp Mai”, “Đôi Chim Giang Hồ”, “Thuở Trăng Về” của Nhạc sĩ Ngọc Bích.
Nhạc sĩ Ngọc Bích tên thật là Nguyễn Ngọc Bích, sinh năm 1924 tại Hà Nội (1924 – 2001). Cha của ông là bác sĩ thú y Nguyễn Huy Bằng, một người có tài sử dụng nhiều nhạc cụ cổ truyền như đàn Bầu, đàn Tam Thập Lục, đàn Tỳ Bà… Từ năm 10 tuổi ông đã tỏ ra những năng khiếu về âm nhạc, ông bắt đầu học về ký âm pháp với thầy Nguyễn Văn Thông cùng Đỗ Thế Phiệt, Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Văn Ngạc, Nguyễn Hiền, và Tu Mi Đỗ Mạnh Cường.
Sau khi tốt nghiệp tiểu học, ông đậu vào trường Bưởi. Cùng năm đó, ông tham dự đơn ca ở Nhà Hát Lớn Hà Nội, chương trình ca nhạc giữa các màn kịch, do nhạc sĩ Thẩm Oánh đặc trách. Ông còn được nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ hướng dẫn.
Nhạc sĩ Ngọc Bích
Năm 1940, ông có qua trình diễn tại Côn Minh, Trung Quốc. Năm 1942, ông chơi đàn với ban nhạc tại vũ trường TaKara ở khu phố Khâm Thiên, vốn là vũ trường khiêu vũ đầu tiên chơi nhạc sống tại Hà Nội.
Khoảng năm 1942, khi vừa vào năm thứ hai, ông rời trường Bưởi để quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc. Năm 1943, ông lại cùng một ban nhạc lớn sang biểu diễn tại Côn Minh cho lực lượng Đồng Minh.
Ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở liên khu 3, cùng bạn học là nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Theo lời kể của nhạc sĩ Phạm Duy, trong thời gian ở Lào Kai, ông có cùng Ngọc Bích hát tại quán Biên Thùy và còn tiếp tục đi cùng nhau vài năm sau đó.
Nhạc sĩ Ngọc Bích bắt đầu sáng tác từ năm 1947, khởi sự với các bản tình ca viết theo nhịp swing và blues mới lạ. Trong những năm đầu của thập niên 1950, một vài nhạc phẩm của ông được rất nhiều người ưa thích khi phát trên Đài Phát Thanh Hà Nội như các bài “Hương Tình”, “Trở Về Bến Mơ”… qua giọng hát của ca sĩ Tâm Vấn. Đồng thời trong thời gian đó các ca khúc của ông cũng nổi tiếng qua giọng hát của ca sĩ Anh Ngọc.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp là khoảng thời gian ông sáng tác mạnh mẽ với những ca khúc như: “Khúc Nhạc Chiều Mơ”, “Thiếu Nữ Trên Mây Ngàn” (Bông Hoa Rừng), “Lời Hẹn Xưa”, “Con Đò Đưa Xác”, “Thuở Trăng Về”, “Đêm Trăng Xưa”, “Bến Đàn Xuân”, “Đôi Chim Giang Hồ”, “Dưới Trăng Thề”.
Đặc biệt, ông là người sử dụng đầu tiên nhịp điệu swing hay blues trong các bài phục vụ kháng chiến như: “Say Chiến Công”, “Bà Già Giết Giặc”. Năm 1949, ông rời bỏ kháng chiến và trở về Hà Nội.
Năm 1954, ông vào miền Nam Việt Nam. Ban đầu ông làm việc tại các nhà hàng có ca nhạc, sau đó ông nhập ngũ và làm việc tại Đài Phát Thanh Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông tiếp tục sáng tác và hoạt động âm nhạc tại các đài Pháp Á, Sài Gòn, đài Tiếng Nói Quốc Gia Việt Nam và trên sân khấu đại nhạc hội ở các rạp chiếu bóng.
Khi ông Ngô Đình Diệm đòi phế truất vua Bảo Đại, cũng như đa số những thanh niên có cảm tình với ông Ngô Đình Diệm, Ngọc Bích soạn bài “Vè Bảo Đại”. Sau khi ông Ngô Đình Diệm lên làm Tổng Thống thì Ngọc Bích cùng nhà văn Thanh Nam đã sửa lại lời bài “Vè Bảo Đại” thành bài “Suy Tôn Ngô Tổng Thống”.
Năm 1975, nhạc sĩ Ngọc Bích rời Việt Nam và định cư tại Hoa Kỳ. Tại đây ông tham gia nhóm AVT hải ngoại của nghệ sĩ Lữ Liên cùng Vũ Huyến. Sau đó ban AVT cùng Thúy Liễu, vợ của nghệ sĩ Lữ Liên, thành lập ban thoại kịch Gió Nam, đã cùng đoàn nghệ sĩ của Hoàng Thi Thơ qua châu Âu trình diễn từ năm 1976. Sau đó họ cùng biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới.
Năm 1988, khi nhạc sĩ Nguyễn Hiền đến Hoa Kỳ thì Ngọc Bích và Nguyễn Hiền cùng một vài người bạn lập ra ban Saigon Band chơi nhạc giúp vui cho mọi người ở Little Saigon, Westminster, California.
Theo lời nhạc sĩ Nguyễn Hiền, sĩ nhạc Ngọc Bích rất thận trọng trong lĩnh vực sáng tác, chú ý nhiều về cách sử dụng các âm trình, cung bậc, tránh tối đa những quãng mang tính cách phương Tây. Nhạc sĩ Ngọc Bích luôn cố giữ bản sắc Việt Nam trong nhạc của mình, sợ mình làm nhạc có khuynh hướng Tây phương. Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn nhận xét: “Nhạc của Ngọc Bích biểu tượng cho tuổi trẻ thành thị một thời, cái thời ông gọi là “chiến chinh” nhưng “ngát hương thanh bình” (Trở Về Bến Mơ)
Nhạc sĩ Ngọc Bích còn là một ca sĩ và khi đi hát ông dùng tên Kim Ngọc. Ông lập gia đình với ca sĩ Lệ Nga và họ có một người con trai tên là Kim Ngọc.
Nhạc sĩ Ngọc Bích qua đời ngày 15 tháng 10 năm 2001 vì nhồi máu cơ tim, tại thành phố Los Angeles, bang California, Hoa Kỳ, một tuần sau khi đến dự đám tang của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.
Dưới đây mình có các bài:
– Ngọc Bích Và Tôi
– Tạp ghi Quỳnh Giao: Nhịp xe hoàng hôn
Cùng với 20 clips tổng hợp các ca khúc “Mộng Chiều Xuân”, “Trở Về Bến Mơ”, “Khúc Nhạc Tương Tư”, “Lời Hẹn Xưa”,
“Bến Đàn Xuân”, “Chờ Một Kiếp Mai”, “Đôi Chim Giang Hồ”, “Thuở Trăng Về”, do các ca sĩ xưa và nay diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn.
Túy Phượng
(Theo Wikipedia)

 Nhạc sĩ Phạm Duy
Ngọc Bích Và Tôi
Phạm Duy
Thế là lại thêm một người bạn nhạc sĩ nữa ra đi: chỉ trong vòng hai tuần lễ, Hoàng Thi Thơ và Ngọc Bích rủ nhau cưỡi hạc về trời. Trong đám người cùng thời và cùng chung kiếp ca nhân với tôi, chỉ còn lại thấp thoáng vài ba ngôi sao trên vùng trời âm nhạc. Sao đã già và đã mờ cả rồi… nhưng cũng vẫn là những ngôi sao !
Ðối với tôi, Hoàng Thi Thơ không có nhiều kỷ niệm riêng nhưng với Ngọc Bích thì chúng tôi có cả một thời gian ba năm sống gần nhau, chia cơm, sẻ áo, ngủ chung, tắm chung… và nhất là cùng chung đem tiếng đàn giọng hát tươi trẻ của mình vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi chúng tôi mới vừa ngoài hai mươi tuổi.
Tôi không biết nhiều về Ngọc Bích khi nhạc của anh xuất hiện tại Hà Nội, vì tôi đang sống tại Moncay, Hưng Yên, Bắc Giang hoặc đi theo một gánh hát rong từ Bắc vào Nam. Trong những năm đầu của thập niên 50, vài ba nhạc phẩm của anh đã được rất nhiều người ưa thích khi được phóng đi trên Ðài Phát Thanh Hà Nội như các bài Hương Tình, Trở Về Bến Mơ v.v… qua giọng ca Tâm Vấn. Thanh niên Hà Nội ưa nhạc Ngọc Bích vì tính chất jazz của nó, đa số soạn theo nhịp swing rất mới mẻ so với những ca khúc khác. Vào lúc Tân Nhạc vừa phát triển, có ba ca sĩ thành danh vì chuyên hát nhạc của ba soạn giả : danh ca Minh Trang với nhạc Dương Thiệu Tước, nữ ca sĩ Thái Thanh với nhạc Phạm Duy còn tài tử Anh Ngọc, vì chuyên hát nhạc Ngọc Bích mà được nhiều người biết tới. Nhạc mang tính chất lãng mạn của Ngọc Bích lúc đó có phần ngang ngửa với nhạc Ðoàn Chuẩn, Từ Linh…
Không là bạn với nhau trước đó, nhưng khi cuộc kháng chiến toàn quốc xẩy ra vào tháng chạp năm 1946 thì Ngọc Bích là một nhạc sĩ đi theo tôi trên rất nhiều chặng đường. Trong chặng thứ nhất là chặng Nam Bộ Kháng Chiến thì không có Ngọc Bích. Trong chặng thứ nhì, khi tôi cùng Ðoàn Văn Nghệ Giải Phóng đi từ Sơn Tây theo dọc đường sắt lên tới Lào Kai thì Ngọc Bích đã là một đoàn viên không chính thức của đoàn rồi. Nghĩa là anh ta có lộ trình riêng, nhưng cũng vẫn chỉ là con đường bộ như của chúng tôi, ven theo dòng Sông Hồng, từ miền trung du đi lên miền thượng du. Ngọc Bích sống độc lập và thỉnh thoảng mới tới hát chung với đoàn Giải Phóng.
Nhưng khi tôi ở lại Lào Kai với Văn Cao thì Ngọc Bích cũng ở lại đó luôn. Và anh đã hát cùng với tôi tại một cái quán có cái tên đích thực là quán BIÊN THÙY vốn là nơi tôi soạn ra bài Bên Cầu Biên Giới. Ngọc Bích cũng soạn ra những bài hát kháng chiến hay những bản nhạc tình và vào lúc đó hay về sau, anh thường nhờ tôi giúp một tay trong việc sửa lời hay soạn lời, ví dụ những bài như Bà Già Giết Giặc, Giấc Mơ Ngàn v.v… Thêm vào các loại nhạc ra đời tại vùng kháng chiến như dân ca mới, hành khúc, nhạc cảnh, tiểu nhạc kịch… bây giờ với Ngọc Bích, nhạc kháng chiến có những bài soạn theo nhạc jazz của Hoa Kỳ.
Tôi ở lại Lào Kai với Văn Cao trong ít lâu rồi lại vác ba lô ra đi. Ngọc Bích cũng đi theo tôi ngay. Anh ta cùng đi với tôi trên chặng đường kháng chiến thứ ba từ Lào Kai qua Bắc Kạn, đi chặng thứ tư từ Bắc Kạn ghé Thái Nguyên rồi qua vùng Cao-Bắc-Lạng, đi chặng thứ năm từ Lạng Sơn về Chợ Ðại Cống Thần và đi chặng thứ sáu từ Khu III vào Thanh-Nghệ-Tĩnh. Trong chặng đi thứ bẩy là chặng Bình-Trị- Thiên thì không có Ngọc Bích nhưng lại có em gái của anh tên là Kim Khanh cùng đi với tôi.
Trong chặng Cao-Bắc-Lạng, khi tôi và Ngọc Bích gia nhập đoàn Văn Nghệ Kháng Chiến Khu 12 (vùng Cao-Bắc-Lạng) của Hoàng Cầm thì gần đây nhà thơ này đã viết trong cuốn Văn Suôi (nxb Văn Học, Hà Nội 1998) về chúng tôi vào lúc đó như sau :
… Vào một buổi chiều cuối thu 1947. Trên đường đê sông máng đi từ đập Tháp Huống có ba người, một quàng ghi ta, một đeo accordeon, một cầm clarinette, ngơ ngác hỏi thăm chỗ đóng quân của Ðội Văn nghệ tuyên truyền khu 12. Ðó là anh Phạm Duy, Ngọc Bích, Ngọc Hiền, đang tìm về với đội văn nghệ của Hoàng Cầm.
. . . . . . . Có thể nói chúng tôi là Ðội Văn công đầu tiên của Quân Ðội, gồm mười một anh chị em, ba nữ tám nam kể cả một cậu y tá, với túi thuốc nghèo nàn cứ khăng khăng xin với ông Lê Quảng Ba, chỉ huy trưởng quân khu, được đi theo đội văn nghệ để trông nom sức khoẻ cho mọi người. Ðoàn chúng tôi nay đây mai đó, đến với từng trung đội, đại đội Vệ quốc quân, dân quân, du kích khắp bốn tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Ninh, Lạng Sơn để biểu diễn đủ loại kịch ngắn, kịch cương, ngâm thơ, hát tốp ca, đơn ca, múa vài ba điệu dân dã đã học được của đồng bào miền xuôi, miền ngược. . . . .
Hồi đầu ấy, những “tiết mục” rất xoàng xĩnh, thậm chí có khi ngô nghê nữa, mà sao các anh nông dân mặc áo lính còn chưa đọc thông viết thạo lại say sưa thưởng thức đến thế! Nửa đêm nay tiểu đội A đi phục kích ư? Trung đội C đi quấy rối địch ư? Chập tối họ vẫn được nghe ngâm thơ sang sảng…
Ðêm liên hoan, bạn ơi, đêm liên hoan
Ðầu nhấp nhô như sóng biển ngang tàng
Tôi muốn thét cho vỡ tung lồng ngực
Vì say sưa tình thân thiết Vệ quốc đoàn.
(Ðêm Liên Hoan, thơ H.C)
Nhiều khi họ lại “đồng cá” luôn theo đội văn nghệ:
Ðường ta ta cứ đi
Nhà ta ta cứ xây
Ruộng ta ta cứ cầy
Ðợi ngày…
Say sưa, họ còn vỗ tay theo điệu hát:
Ngày mai ta tiến lên
Diệt tan quân Pháp kia Cười vui ta hát câu tự do…
(Nhạc Tuổi Xanh — PD)
Khi chúng tôi là đội viên thực thụ của đoàn văn nghệ kháng chiến thì xẩy ra những giao tranh với quân đội Pháp tại vùng biên giới và kết quả là những chiến thắng đầu tiên của quân kháng chiến. Ngọc Bích và tôi đều soạn ra những bài hát xưng tụng những chiến công này. Ngọc Bích có soạn một bài về chiến thắng Sông Lô. Tôi thì soạn một bài cho chiến thắng đường số 7… nhưng về sau tôi hoàn toàn quên nó và chính Ngọc Bích còn nhớ lại và hát cho tôi nghe. Ðó là bài Bông Lau:
Bông Lau, Bông Lau rừng xanh pha máu
Hương thơm sơn khê toàn dân nhớ đến
Khi quân ta tiến ra như phong ba oán thù
Và quân Pháp một đi không về…
. . . . . . . Ðoàn quân hát vang từ miền chiến chinh về
Thân hiên ngang, nhuộm đầy máu me…
Bài Ðường Lạng Sơn tôi soạn khi còn đi hát với Ngọc Bích thì có một đoạn máu me quá cho nên tôi phải sửa lại:
Một ngày mai cánh tay ta
Vụt đầu rơi máu tuôn ra
Rừng cây núi đỏ như sắc cờ…
đổi là:
Từ đâu xa, xa gánh đưa đưa
Mầu áo chàm líu lo câu vui đùa.
Ðời đang như chiếc áo thơm tho
Chợ chiều tan trong khói lam mơ
Sầu đem tới bản thôn tít mù…
Trái ngược với tôi, trong kháng chiến, Ngọc Bích soạn những bài hát vui cho Vệ Quốc Quân như bài Bộ Ðội Tập Bò trong đó anh khuyên họ hạ mông xuống không thì đạn tông vào đít ! Ngoài ra còn những bài như Anh Nghiện Súng và bài Say Chiến Công. Trong bài Say Chiến Công Ngọc Bích đưa ra chuyện ba anh bộ đội thi đua lập chiến công và chia nhau mỗi người hát một đoạn. Tôi phục Ngọc Bích vì dám đem một điệu nhạc Mỹ vào một bài hát kháng chiến. Ðó là điệu swing. Do đó bài hát có một hành điệu rất vui:
Hợp Ca:
Hôm nay chúng tôi say
Say vì tiêu diệt một đồn Tây
Hôm nay chúng tôi say
Say vì súng, say vì đạn, say vì chiến công…
Ðơn ca 1: Tôi bắt được một khẩu Thompson và một đôi giầy…
Ðơn ca 2: Tôi 5 lựu đạn và một F.M…
Ðơn ca 3: Còn tôi đen quá, vớ được một sơ mi rách vai…
Nhưng phải nói là bài Bà Già Giết Giặc của Ngọc Bích mới là bài được dân chúng ưa thích nhất. Trong bài này, Ngọc Bích kể chuyện khi Quân Pháp tới đóng tại một làng kia thì có một bà già phải nấu cơm cho chúng ăn. Bà già bèn cho thuốc độc vào nồi cơm khiến cho giặc chết hết. Bài hát — nói như Hoàng Cầm — tuy ngô nghê, nhưng lại có tác dụng tuyên truyền đối với đa số dân quê. Về sau, danh từ “bà già giết giặc” trở thành một “thành ngữ” dùng để gọi phái nữ vào tuổi trung niên.
Tinh thần lạc quan của Ngọc Bích còn nổi bật khi, trong kháng chiến, anh phổ nhạc một bài thơ yết hậu (của vô danh) kể chuyện phòng the của một đôi vợ chồng:
Vợ:
Vai năm thước rộng để làm chi?
Mà cứ ăn no lại ngủ khì
Mình ơi trở dậy chiều em tí
Ði!
Chồng:
Suốt ngày bận rộn việc văn bài
Mỏi cả xương sườn mỏi cả vai
Chuyện ấy đêm nay đành gác lại
Mai
Vợ:
Văn bài gì cái chuyện lông bông
Mình ráng chiều em kiếm chút bồng
Cứ hẹn đêm mai rồi lại mốt
Không
Chồng:
Ngủ chung lắm chuyện bực mình sao
Mình muốn yên thân nó cứ gào
Ừ thì muốn chết ông cho chết
Nào!
Ngày đất nước bị phân chia, Ngọc Bích vào sinh sống tại Saigon nghĩa là sau tôi chừng một vài năm. Anh ta làm việc tại nhiều tiệm ăn có ca nhạc như tiệm HÒA BÌNH ở trước Chợ Bến Thành chẳng hạn, và khi bị gọi đi lính thì được vào phục vụ tại Ðài Phát Thanh Quân Ðội.
Khi ông Ngô Ðình Diệm đòi truất phế ông Bảo Ðại thì, cũng như đa số những thanh niên có cảm tình với nhà Ngô, Ngọc Bích soạn bài Vè Bảo Ðại:
Vẻ vè ve cái vè Bảo Ðại
Là quân ăn hại
Theo gót thực dân…
Tích cực hơn nữa, cùng với văn sĩ Thanh Nam, anh còn soạn ra bài Suy Tôn Ngô Thủ Tướng. Về sau, khi ông Diệm thành công thì bài này mới trở thành bài Suy Tôn Ngô Tổng Thốngvới một sửa đổi nho nhỏ trong lời ca:
Ai bao năm từng lê gót nơi quê người
sửa lại là :
Ai bao năm từng in gót nơi quê người.
Những năm 50-60 phải là thời kỳ tốt đẹp nhất của Tân Nhạc. Trong hàng vạn ca khúc hay, có những bài của Ngọc Bích như:
Hương Tình
Mộng Chiều Xuân
Mơ Về Sông Hương
Khúc Nhạc Chiều Mơ
Trở Về Bến Mơ
Hồn Theo Gió
Mừng Xuân
Bến Ðàn Xuân
Nhớ Xuân
Xuân Nhớ Chiến Sĩ
Bến Nhạc Lòng
Bản Ðàn Xưa
Khúc Nhạc Tương Tư
Con Ðò Ðưa Xác (lời Nguyễn Văn Ðức)
Giấc Mơ Ngàn
Thiếu Nữ Trên Ngàn (hay là Bông Hoa Rừng)
Thuở Trăng Về
Ðôi Chim Giang Hồ
Nhịp Xe Hoàng Hôn
Lời Hẹn Xưa
Dưới Trăng Thề
Ðêm Trăng Xưa
Thu Về
Tiếng Hát Bình Minh
Nắng Mới
Ðón Gió Mới…
Sáng tác gần đây nhất của Ngọc Bích, soạn ra tại hải ngoại vào năm 1981, là bài Khát Vọng Tình Thương…
Nếu chỉ tạm phân tích sơ sơ về sự nghiệp âm nhạc thì Ngọc Bích là một nhạc sĩ của mơ mộng, của nhớ nhung… vì đa số soạn phẩm của anh là những giấc mơ, những cơn mộng, những niềm nhung nhớ:
Ngày nào một giấc mơ
Ðây những đêm trăng mờ ai ngóng chờ…
(Trở Về Bến Mơ)
Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung
Người yêu thoáng qua trong giấc mộng…
(Mộng Chiều Xuân)
Cho nhắn về miền Trung
Tìm cuộc sống ước mơ trong cõi mộng
(Mơ Về Sông Hương)
Chiều nay nhớ về phía xa mờ. . . . .
Nhìn người em thẫn thờ
Vừa tàn một giấc mơ…
(Khúc Nhạc Chiều Mơ)
Ngồi bên em dưới trăng mơ màng
Lòng ngây ngất nhịp mấy cung đàn…
(Hương Tình)
Toàn là nhạc buồn, dù tiết tấu nhanh hay chậm, theo điệu blues hay điệu swing, nhạc Ngọc Bích ở thành phố trong thời bình không vui như nhạc ở đồng quê trong thời kháng chiến. Có thể cuộc đời của Ngọc Bích đóng khung trong phòng trà, đời thường không sung túc lắm, đời tình nhiều vất vả, gia đình thì vắng bóng, bạn bè thì vắng xa, cuối cùng anh đắm mình vào ma túy… Soạn nhạc cho mùa Xuân mà cũng không phải là nhạc vui:
Lênh đênh theo gió hồn về đâu
Chơi vơi trong khúc nhạc vương sầu
Mùa Xuân đến mơ dáng em về
Nụ cười đê mê bên làn tóc thề
Mình mang thương nhớ trôi về đâu?
(Bến Ðàn Xuân)
Chiều nay trời sao u ám
Lá xanh buồn muốn tàn
Nhớ Xuân từ biệt đi hơi sớm
Bầy chim dường như ngơ ngác
Buông lời ai oán
Tiếc cho Xuân vừa qua
Khắp muôn loài ca Xuân…
(Nhớ Xuân)
Ngọc Bích là người nằm trong Phòng Tâm Lý Chiến của Quân Ðội, thế mà khi phải soạn bài hát mùa Xuân cho chiến sĩ, thì đó cũng chỉ là nhạc buồn mà thôi:
Chim ca mừng mùa Xuần sang
Nghe gió Xuân lòng nhớ mong chàng
Xuân đến vui với hoa
Riêng có em sót sa
Nhìn về phường trời xa….
(Xuân Nhớ Chiến Sĩ)
Thản hoặc, có lúc nhớ lại những ngày xa xưa, Ngọc Bích muốn bước lại những bước giang hồ:
Lờ lững đôi chim giang hồ bay
Về phía chân trời xa khuất mây
Mờ xa cánh chim vẫn tung bay
Vào nơi mênh mông mây gió chiều nay
(Ðôi Chim Giang Hồ)
… để được trở về núi rừng Việt Bắc, gặp lại người sơn nữ xa xưa (1) qua những bài:
Nhà em ở tận nẻo xa
Có cây bên suối có nhà sàn bương
Quanh co độ mấy thôi đường
Men rừng, men núi, men nương men đồi
Làng em ở một khoảng trời
Gió lùa hiu mát, mây trôi êm đềm.
Hôm xưa anh đến nhà em
Thấy đôi mắt đẹp anh thèm muốn xin
Môi em nở nụ cười duyên
Thân em thoáng hiện, dáng hiền tình yêu..
(Thiếu Nữ Trên Ngàn hay Bông Hoa Rừng)
Chiều nắng Thu chìm trong rừng
Ngưng đây nghe gió theo mây vàng
Lãng du lên mấy cung đàn
Thời chinh chiến trôi ngày tháng bên suối ngàn…
(Giấc Mơ Ngàn)
Trong vài chục năm qua, nhạc của Ngọc Bích được rất nhiều ca sĩ hát trên sân khấu, trong phòng trà và thu băng. Tôi còn giữ được khá nhiều cassettes có nhạc của Ngọc Bích, không những qua các giọng ca của Anh Ngọc, Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Kim Tước, Mộc Lan… mà còn có những bài do Lan Ngọc, Mai Lệ Huyền hát… Kể cả một bài do ca sĩ Yến Vĩ (2), đố ai có được nhiều tài liệu về nhạc sĩ Ngọc Bích như tôi. Có dịp, tôi sẽ tới một Ðài Phát Thanh nào đó để cùng thính giả tưởng nhớ Ngọc Bích.
Nếu nhạc của Ngọc Bích đã có một thời oanh liệt thì vào cuối 60 qua những năm 70, nhạc của anh sẽ không còn nổi bật lắm khi cuộc sống ở miền Nam càng ngày càng trở nên sôi động. Ðối với tuổi trẻ Việt Nam mà số phận đã an bài: đã là người thanh niên thì phải đi vào cuộc chiến, những bản Tân Nhạc mới không còn mang tính chất lãng mạn thuần túy như xưa, không thương mây khóc gió, không mơ mộng hão huyền mà phải nói lên được những phi lý của cuộc đời: một ngày đi làm lính, một ngày đi đảo chính, một ngày cho ngòi viết, một ngày đi mà giết… hỡi ôi thân phận làm người thân phận làm người.
Dù Ngọc Bích có thay đổi chủ đề với những bài hát sinh động hơn trước như Tiếng Hát Bình Minh, Nắng Mới, Ðón Gió Mới… nhưng con người vốn dĩ hiền lành, ít nói, thích sống cô đơn như Ngọc Bích, không thể vác đàn “xuống đường” như những nhạc sĩ trẻ hơn anh được. Anh có kêu gọi: ánh sáng lên xa xa nơi phương trời, hát vang lời chào mừng ngày mai tới… trong những bài hát về nắng kể trên, nhưng ánh sáng nào, ngày mai nào, có ai mà nhìn thấy được, kể cả Ngọc Bích ?
Thế rồi tới lúc một số rất đông người Việt Nam, hơn các bậc cha ông của mình, biết được vinh nhục của cuộc sống lưu vong. Người nghệ sĩ, bén nhậy hơn ai hết, biết rõ được mùi ngọt bùi hay cay đắng của cuộc đời lưu xứ. Cho nên có người còn sáng tác được, có người im lặng luôn.
Ngọc Bích, khi tới Mỹ, cùng với Vũ Huyến trở thành hai ca sĩ trong bộ ba AVT. Cùng với Lữ Liên, họ được mời đi hát nhiều nơi trên đất Mỹ. Họ còn được tham gia vào đoàn văn nghệ Hoàng Thi Thơ, đi lưu diễn Châu Âu, Châu Phi… Ðó là chưa kể, với khả năng đánh bass, kéo accordeon, đánh keybord, Ngọc Bích luôn luôn có “show” để có tiền thù lao, đủ nuôi sống anh chàng nghệ sĩ trường kỳ độc thân này. Dù đã đi học nghề với một trợ cấp của chính phủ, nhưng sau khi tốt nghiệp và được gọi đi làm thì Ngọc Bích… “làm thinh”. Những năm tháng trước đây, Ngọc Bích có lòng ưu ái cùng nhạc sĩ Nguyễn Hiền, bác sĩ Phạm Gia Cổn và vài bạn nữa, thành lập một ban nhạc tài tử lấy tên là Saigon Band tới hòa nhạc giúp vui cho người già ở trong Quận Cam (Orange County) và được mọi người rất hoan nghênh.
Ngoài ra anh hoàn toàn được sống nhàn nhã để có những thú vui riêng của mình. Trong nhà anh, không có trang hoàng gì cả nhưng có treo lủng lẳng hàng trăm cái sườn xe đạp mà anh mua được ở những garage sale. Nhà anh còn là nơi tụ họp của Sĩ Phú, Vũ Huyến và dăm ba người bạn thích đi mây về gió. Tôi chưa kịp gia nhập nhóm phi công này thì họ đã bay theo khói về trời.
Ngọc Bích sẽ trở thành tro bụi khi gia đình làm lễ hỏa táng anh tại lò thiêu ở nghĩa địa Bolsa/Beach. Còn lại trong lòng mọi người là những bài hát vang lừng một thời đó. Còn lại trong tôi là rất nhiều kỷ niệm đẹp với người bạn đồng hành, không thân mà cũng không sơ nhưng chắc chắn là không dửng dưng, không xa lạ.
Vẫy chào từ biệt, Ngọc Bích!
(October 2001 – Phạm Duy)
(1) Trong thực tế, khi ở Lạng Sơn, tôi và Ngọc Bích đều có những bạn gái người Tày. Phải đọc bài viết của Hoàng Cầm (mà tôi đã nêu ra trong đoạn trên) thì mới biết tên của những sơn nữ đó…
(2) Ai còn nhớ tới cô ca sĩ khả ái này?
(Nguồn: Tập San Thi Văn)
Ca sĩ Quỳnh Giao.
Tạp ghi Quỳnh Giao: Nhịp xe hoàng hôn
(Quỳnh Giao)
Trước năm 1945, một số đông nhạc sĩ gia nhập công cuộc kháng chiến chống Pháp đã cống hiến cho chúng ta một kho tàng âm nhạc dồi dào và phong phú. Những tác phẩm họ viết không chỉ thuần túy chính trị mà lạ thay lại có cả ca khúc trữ tình…! Họ là lớp người còn trẻ, chỉ mới vượt qua tuổi đôi mươi, tâm hồn còn trong sáng lành mạnh và dĩ nhiên là vô cùng lãng mạn.
Lớn tuổi nhất là Canh Thân, sinh năm 1920, còn lại những Phạm Duy sinh năm 1921, Văn Cao sinh 1923 cùng năm với Nguyễn Hiền. Trong lớp tác giả ấy, sinh năm 1924, Ngọc Bích là người nhỏ tuổi hơn cả… (Theo như một tài liệu khác thì Ngọc Bích sinh năm 1925, cha là một vị bác sĩ thú y lại là người có tài sử dụng nhiều nhạc cụ cổ truyền như đàn bầu, tranh và tỳ bà…)
Từ năm lên mười, Ngọc Bích đã tỏ ra có năng khiếu về nhạc và theo học ký âm Pháp với thầy Nguyễn Văn Thông cùng với lớp bạn trẻ thời đó là Ðỗ Thế Phiệt (anh họ), Nguyễn Hiền, và Tu My (tác giả ca khúc duy nhất, như một độc chiêu tuyệt vời là bài Tan Tác).
Ngọc Bích khởi sự sáng tác nhạc từ năm 1947, bắt đầu bằng những bản tình ca. Ðặc biệt là ông viết theo tiết điệu Âu Mỹ mới lạ, như Swing và Blues. Cho đến bây giờ, ca khúc Hương Tình viết theo điệu Swing nghe lại vẫn thấy mới. Nữ ca sĩ Tâm Vấn là người nổi tiếng với “Hương Tình”, bà hát đúng điệu, nhí nhảnh trong tiếng hát và nhún nhẩy trong cách thể hiện vì bài hát nhiều nhịp chõi syncope.
Vào đầu thập niên 50, những ca khúc lãng mạn của Ngọc Bích chinh phục thính giả qua giọng hát Anh Ngọc và trở thành nổi tiếng như Khúc Nhạc Chiều Mơ, Trở Về Bến Mơ, Khúc Nhạc Tương Tư…
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp là những năm ông sáng tác mạnh nhất. Các ca khúc như Lời Hẹn Xưa, Ðôi Chim Giang Hồ, Thuở Trăng Về, Bông Hoa Rừng, Bến Ðàn Xuân, Giấc Mơ Ngàn, Mộng Chiều Xuân đã được viết trong giai đoạn ấy. Ðó là chưa kể đến một số tác phẩm vui tươi viết cho thanh niên và có tính cách chiến dịch như Ðón Gió Mới, Bà Già Giết Giặc, Say Chiến Công… Những ca khúc này được chính tác giả thường xuyên hát ở quán Biên Thùy ở Lào Kai, khi cùng Phạm Duy tham gia kháng chiến ở Liên Khu 3, và vài năm sau đó…
Về nhạc thuật, gần như Ngọc Bích là người đầu tiên làm mới nền tân nhạc ở thời kỳ phôi thai.
Khi các nhạc sĩ khác còn dùng những hợp âm căn bản (accord parfait) như quãng 3, quãng 5, và quãng 7 sensible, thì Ngọc Bích đã dùng quãng 6 giảm, quãng 4 tăng, quãng 5 giảm, và quãng 7 thứ…
Xin quý vị cứ nghe ngay từ câu đầu của ca khúc Trở Về Bến Mơ:
Ngày nào một giấc mơ…
Ðâu những đêm trăng mờ ai ngóng chờ…
Hoặc những câu của Khúc Nhạc Chiều Mơ như:
Về đâu hỡi bầy lũ chim rừng…
Ngừng đây nhắn gửi lời nhờ nhung…
Những câu nhạc tương tự về lối dùng hợp âm lạ tai và rất Âu Mỹ có thể nghe thấy trong hầu hết các ca khúc Ngọc Bích trước năm 54, trừ một bài đặc biệt ông viết khi đã di cư vào Nam…
Năm 1954, Ngọc Bích di cư vào Nam, ông làm việc cho các nhà hàng có ca nhạc, sau đó bị động viên đi lính và làm việc tại đài phát thanh q uân đội. Ông tiếp tục sáng tác và hoạt động âm nhạc tại các đài phát thanh và trên các sân khấu phụ diễn tân nhạc của các rạp chiếu bóng. Ðôi khi ông còn đóng kịch và chuyên về các vai hề. Ông diễn xuất rất tự nhiên.
Khi ông Ngô Ðình Diệm về nước, truất phế Vua Bảo Ðại, cũng như đa số thanh niên có cảm tình với ông Diệm, Ngọc Bích viết bài hát “Vè Bảo Ðại”. Khi ông Diệm lên làm tổng thống, Ngọc Bích đưa “Vè Bảo Ðại” nhờ nhà văn Thanh Nam (lúc đó làm việc chung ở đài quân đội) viết lại lời ca. Ca khúc “Suy Tôn Ngô Tổng Thống” ra đời…
Ca khúc có tiết điệu quân hành, và lời ca giản dị và dễ nhớ, kể lại công trạng ông Diệm:
Ai bao năm từng lê gót nơi quê người,
Cứu đất nước thề tranh đấu cho Tự Do…
Nghe người lớn kể lại thì ông Diệm có mời Ngọc Bích và Thanh Nam vào Dinh Ðộc Lập tưởng thưởng. Hỏi muốn đặc ân gì thì Thanh Nam xin được giải ngũ để dành thì giờ viết văn, lúc đó ông đang sáng tác rất đều và có nhiều tiểu thuyết đăng nhật trình. Ngọc Bích chỉ xin được thăng cấp trong quân đội mà thôi!
Ngọc Bích cũng có một ca khúc đặc biệt hoàn toàn viết theo âm hưởng cổ nhạc miền Trung là Mơ Về Sông Hương. Bài này rất “Huế”, có nét nhạc lãng đãng với nhiều quãng âm (arpèges) rộng rãi tả cảnh sông nước bao la. Nhạc của bài được dùng làm nhạc đề cuốn phim mà người viết được xem từ ngày bé nên chẳng còn nhớ tên phim(!)Chỉ mang máng nhớ là chuyện phim đả kích thói mê tín dị đoan của người dân quê, bị những thầy pháp, thầy cúng lợi dụng… Ðáng tiếc là bài ca có giá trị này không mấy được phổ biến dù rằng chúng ta không có nhiều bài ca về Huế.
Từng biết ông từ khi còn bé, chẳng bao giờ thấy ông ăn diện dỏm dáng như người ta thường nghĩ về giới nghệ sĩ. Ông luôn luôn bình dị, ít nói nhưng vui tính. Lúc mới di cư ông sống nghèo nàn, về sau mới khá hơn. Vị hôn phối của ông, theo trí nhớ người viết thì rất đẹp, tên cô là Lệ Nga. Sau này không còn ở với ông nữa.
Vào thập niên 70 Ngọc Bích có sáng tác một ca khúc mà người viết rất yêu thích, sau Ðôi Chim Giang Hồ và Giấc Mơ Ngàn, đó là bài Nhịp Xe Hoàng Hôn. Ca khúc có tiết điệu nhịp nhàng của loại nhạc trong những phim cao bồi, lời ca tả sự trở về mái ấm sau một ngày làm việc, với bữa cơm đầm ấm trong gia đình…
Năm 1975, Ngọc Bích rời Việt Nam và định cư tại California, Hoa Kỳ. Tại đây ông tham gia nhóm AVT hải ngoại của nghệ sĩ Lữ Liên cùng Vũ Huyến (đã mất). Sau đó ban AVT cùng nghệ sĩ Thúy Liễu (vợ của Lữ Liên) thành lập ban thoại kịch Gió Nam đã cùng đoàn nghệ sĩ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đi lưu diễn Âu Châu và nhiều nơi khác…
Năm 1988, khi nhạc sĩ Nguyễn Hiền (đã mất) đến Hoa Kỳ, hai nhạc sĩ lão thành Ngọc Bích và Nguyễn Hiền đã cùng vài người bạn thành lập ban “Saigon Band” chơi nhạc giúp vui cho các hội đoàn ở vùng “tiểu Saigon” miền Nam Cali… Ngày nay, ít ai nhớ đến hay nhắc tới hoạt động dễ thương ấy của hai người nghệ sĩ có chân tài.
Những lần gặp gỡ, ông thường hỏi người viết còn nhớ lời từ hai bài hát mà ông không nhớ hết lời là Thuở Trăng Về và Nhịp Xe Hoàng Hôn. Thú thật với ông là mình cũng yêu hai bài hát ấy và chưa tìm được lời để hát trong một dĩa nhạc của mình, còn về phần nhạc thì ghi ra rất dễ, ông tỏ vẻ cảm động…
Cuối đời ông, Ngọc Bích sống rất cô đơn, dạy nhạc lý và đàn keyboard sống qua ngày… Ngọc Bích mất ngày 15 Tháng Mười năm 2001 tại Los Angeles vì bệnh tim.
Ðám tang của ông được cử hành sau đám tang nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ mười ngày. Tại Peek Family, người viết bài và thân mẫu tham dự tang lễ buồn bã và vắng vẻ với nghệ sĩ Lữ Liên (hiện đang ở trong nursing home), nhạc sư Nghiêm Phú Phi (vừa qua đời cách đây mấy tháng), nhạc sĩ vĩ cầm Nguyễn Ðức Lưu, Mai Hương, Tuấn Khanh, và khoảng 10 người thân thuộc trong gia đình.
Ông để lại cho đời những ca khúc Việt Nam biểu tượng cho một thời thanh bình ngát hương, một thời lãng mạn của tuổi trẻ lên đường. Và một thời mà tình yêu được biểu tỏ ấp úng, kín đáo và vô cùng thơ mộng…
(Hy vọng một ngày nào đó có bạn sẽ sưu tầm được lời nhạc hoặc bản ghi âm của “Nhịp Xe Hoàng Hôn”. Bài này xưa kia tôi có nghe ông Anh Ngọc hát nhiều lần trên đài phát thanh).
Mộng Chiều Xuân – Ca sĩ Khánh Ly
Mộng Chiều Xuân – Ca sĩ Ý Lan
Liên khúc Mộng Chiều Xuân & 
Sài Gòn Đẹp Lắm – Ca sĩ Như Quỳnh
Mộng Chiều Xuân – Ca sĩ 
Ninh Cát Loan Châu
Trở Về Bến Mơ – Ca sĩ Sĩ Phú 
(thu âm trước 1975)
Trở Về Bến Mơ – Ca sĩ Lệ Thu 
(thu âm trước 1975)
Trở Về Bến Mơ – Ca sĩ Julie Quang 
& Trần Thái Hòa
Khúc Nhạc Tương Tư – Ca sĩ Sĩ Phú 
(thu âm trước 1975)
Khúc Nhạc Tương Tư – Ca sĩ Ngọc Long 
(thu âm trước 1975)
Khúc Nhạc Tương Tư – Ca sĩ Khánh Ly
Bến Đàn Xuân – Ca sĩ Hà Thanh
Bến Đàn Xuân – Ca sĩ Nhã Phương
Chờ Một Kiếp Mai – Ca sĩ Khánh Ly
Chờ Một Kiếp Mai – Ca sĩ Thanh Lan
Chờ Một Kiếp Mai – Ca sĩ Trầm Tấn
Lời Hẹn Xưa – Ca sĩ Duy Trác
Lời Hẹn Xưa – Ca sĩ Mai Lệ Huyền:
Lời Hẹn Xưa – Ca sĩ Lệ Thu:
Đôi Chim Giang Hồ – Ca sĩ 
Sĩ Phú & Duy Trác
Thuở Trăng Về – Ca sĩ Duy Trác
Theo
 http://dotchuoinon.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...