Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Thầy giáo, bạn văn

Thầy giáo, bạn văn
Một buổi sáng nắng nhẹ, trời trong. Anh giáo trẻ dáng dỏng cao bước vào lớp đệ tứ, khẽ hất ngược mái tóc ra sau rồi nhìn các cô cậu học trò :
“Hôm nay trời thật đẹp! Ngồi trong phòng mà học thì phí phạm. Nếu các anh chị đồng ý, tôi sẽ xin thầy giám học, dẫn cả lớp đi du ngoạn, tìm nơi nào yên tĩnh vừa vui chơi vừa giảng bài, được không? ”
 “ Đồng ý ! ”
“ Hoan hô!”
“ Hoan hô thầy !”
Cả lớp nhao nhao phấn khích. Những khuôn mặt rạng rỡ, hớn hở reo mừng. Và chỉ mấy phút sau, cả lớp ào ra sân trường như bầy ong vỡ tổ.
Vì buổi sáng hôm đó anh giáo còn có hai giờ Việt văn ở lớp đệ thất nên cả hai lớp cùng được đi.  
Sau một hồi bàn bạc lựa chọn giữa chùa Thiên Tôn trên Bình Tường và điện Tây Sơn ở thôn Kiên Mỹ, thì điện Tây Sơn - nay là Bảo Tàng Quang  Trung - được chọn.
 Mấy chục người, kẻ xe đạp, người xe máy... háo hức cùng nối đuôi nhau đi... du học.
  Đến nơi, sau một hồi chạy nhảy đùa giỡn trên những bãi cỏ mởn xanh ngập nắng, tràn lan hoa dại, cơ man lũ cào cào châu chấu bay tung tóe, mọi người mới chịu ngồi lại thành mấy hàng dưới bóng cây me cổ thụ cạnh điện thờ.
Gió mát, đượm ngát hương đồng nội. Chúng tôi lặng yên nghe anh giáo ngâm giảng kiều.
 Tôi ngồi, len lén nhìn P. Cô bé lớp đệ thất có làn da sáng, đôi mắt to đen chăm chú nghe thầy giảng, thỉnh thoảng lại thích thú dõi theo những chiếc lá me vàng nhỏ xíu đang xoắn tít rơi trong không khí. Thi thoảng bắt gặp tia nhìn của tôi,  P. cúi mặt, đôi má ửng hồng. Còn tôi, cảm nhận như cô nghe được trái tim mình đang đập lên rộn rã.
Đó là một buổi sáng thật hiếm hoi của thời đi học. Nó trở thành một kỷ niệm không thể nào quên.
Hình ảnh anh giáo mãi theo tôi rất nhiều năm tháng. Có lúc một mình, có lúc đan  xen  với dáng ngồi e ấp của P. và mái tóc dài của nàng bay bay trong gió.
Rồi tang thương biến đổi, thuở thanh bình của năm tháng ấy không còn và chiến cuộc leo thang, chúng tôi như bầy ong tán loạn, mỗi người tứ tán một phương và không còn gặp lại. 
Là học sinh giỏi văn, có lẽ anh giáo đã kỳ vọng tôi sẽ theo nghiệp văn chương, thế nhưng khi ra nước ngoài tôi lại theo một lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Mãi gần bốn mươi năm sau, như một nhu cầu nội tâm thôi thúc tôi mới cầm lấy bút. Thoạt đầu tôi chỉ gửi bài cho các tạp chí ở nước ngoài, về sau mới gửi đăng trong nước, chủ yếu là tạp chí Văn của Hội nhà văn tp HCM.
Một hôm nhận được số báo biếu có đăng truyện ngắn của mình từ Sài Gòn gửi qua, tôi thấy tác giả của một truyện ngắn, cả tên lẫn họ đều trùng với anh giáo: Huỳnh Kim Bửu, nhưng đó có phải là anh giáo ngày xưa của tôi không?
Trùng tên, trùng họ là chuyện thường. Thế nhưng lòng tôi không tránh khỏi một nỗi bồi hồi xúc động...
Những kỷ niệm ngày xưa sống dậy.
Chuyện cũ đã 40 năm, gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng kỷ niệm về chuyến du học ấy như chưa bao giờ phai mờ trong ký ức. Hình ảnh các bạn nô đùa, P... ngồi e thẹn, và những lần đi ngang nhà tôi nàng khẽ che nghiêng vành nón... bước chân lúng túng vội vàng vì biết ánh mắt của tôi đang đuổi nhìn theo.
Đặng Tấn  Tới, Mang Viên Long, 
Huỳnh Kim Bửu, Trương Văn Dân
Trường chúng tôi thuở ấy là một ngôi trường nhỏ, chỉ có bốn cấp lớp thất lục ngũ tứ.  Năm đó tôi học đệ tứ và anh giáo cũng vừa mới về, phụ trách môn Việt văn để thay ông giáo già đạo mạo và nghiêm khắc. Sự xuất hiện của anh như có mang theo một luồng gió mới. Buổi học lúc nào cũng hấp dẫn và sinh động.
Tuổi của anh giáo không lớn hơn chúng tôi là bao, nên lũ “lớp lớn” chúng tôi chỉ gọi “thầy” lúc ở trường, còn ra khỏi lớp, chúng tôi thường gọi là “anh giáo”. Trong thâm tâm chúng tôi vừa muốn tỏ lòng thân mật vừa cũng không muốn gắn cho “anh” cái mác quá đạo mạo, cổ kính của một “ông giáo” già. Còn anh, tuy vai “thầy” mà vẫn xem chúng tôi như một bầy em nhỏ, tinh nghịch.
 Sau chuyến “du học”, chúng tôi càng thân nhau.
 Sống ở một thị trấn miền trung du, “đi dăm phút đã về chốn cũ”, các trò giải trí ban đêm chẳng có gì nhiều nên những buổi tối lũ bạn chúng tôi chỉ dạo lên dạo xuống dọc QL19,  cũng là phố chính.
 Chưa đầy nửa giờ đã được mấy vòng!
Chán! Vài thằng ghé tiệm bida. Có đứa đi đánh ping pong; Còn tôi thì về nhà đọc sách hay thỉnh thoảng ghé thăm anh giáo, lúc ấy chưa lập gia đình và đang ở trọ trong một gia đình nằm cuối thị trấn.
Tôi thường mượn sách của anh về đọc.
Một buổi tối, tôi tình cờ bắt gặp tờ giấy nhỏ nằm giữa trang sách của anh. Đó là một bài thơ viết về buổi chiều đến thăm một người con gái. Giọng thơ tâm tình, nhỏ nhẹ hồi tưởng lúc hai người trò chuyện dưới ánh nắng, anh nhìn nàng cúi đầu e thẹn, tay mân mê chiếc lá vú sữa hai màu..  Phía dưới bài thơ có mấy lời ghi tặng H.  Thằng bé lém lỉnh là tôi lúc đó sướng rên lên, nhưng cố giữ bí mật.
Cơ hội đến chừng hai tháng sau!
Trong một đề luận văn “viết về người chị”, tôi viết về chị Hiền. Dĩ nhiên H. có thể là  Hồng, Hương, Hoa, Hạnh... nhưng tên thầy là Bửu mà bút danh Hữu Biền thì có gì nữa mà hồ nghi!
Tôi tả chị Hiền xinh đẹp, đoan trang, đang quen một anh giáo ở xa. Quê thầy ở thị trấn Bình Định, còn nơi dạy là Phú Phong, quê tôi, hai nơi cách nhau chừng 40 km. Tôi không quên trích mấy câu thơ thầy viết tặng H. Đêm đêm chị học bài, đọc sách hay chong đèn may vá. Có đoạn ví von chị với T.T.KH... nhắc lại cảnh ngồi đan áo như trong một bài thơ.
  Hôm trả bài thầy chẳng những không giận mà còn phê  “Viết khá, có năng khiếu..”.
 Bài luận ấy được thầy khen hay. Sau đó thầy đọc cho cả lớp nghe, chẳng những cho lớp đệ tứ  mà còn cho các lớp mà thầy phụ trách môn Việt văn. Từ đó tôi được cả trường biết...
 Điều làm tôi sung sướng là trong lớp đệ thất còn có P. Em chắc đã nghe những lời thầy khen tặng về tôi.
Sau lần đó, lúc gặp riêng thầy chỉ nói khẽ: “TVD nghịch lắm!”. Tôi nghe thầy trách yêu, chỉ cười cười. Mãi sau thầy mới nói: “Bài luận em viết hay, nhưng ví chị Hiền ngồi đan áo như T.T.K.H. là không đúng!” Tôi mở to mắt nhìn thầy.“ Chị Hiền rất hạnh phúc vì đan áo cho người yêu, còn T.T.K.H. là người đàn bà bất hạnh, bị giam cầm trong lễ giáo”.
Thấy tôi chú ý thầy còn giảng thêm về truyện ngắn “Anh phải sống” của Khái Hưng và nhắc đến đoạn văn làm người đọc quặn lòng:
 “- Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!... Không!... Anh phải sống!
Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ.”
Thầy nói đây là một truyện ngắn hay và cảm động thế nhưng câu chuyện kể chưa thật! Thấy tôi ngơ ngác thầy nói : “Trước khi buông tay, người đàn bà và chồng còn có những đối thoại rất dài dòng. Trong tình huống thập tử nhất sinh người ta nói câu ngắn, nhát gừng... chứ không dài dòng văn tự như tác giả viết”. Sau đó thầy lấy quyển “Những lỗi thông thường trong thuật viết văn” của... Nguyễn Văn Hầu đưa tôi mượn: “D. về đọc đi, trong này còn có nhiều phân tích rất thú vị.”
Có lẽ đó là quyển sách  khá “nặng ký” đối với một thằng bé mới học đệ tứ, nhưng thầy nói trong sách có nhiều điều bổ ích nên tôi đã cố gắng đọc và thuở đó chắc cũng tiếp thu được ít điều.
 Bằng cách ấy nên tôi không xem văn chỉ là một môn học trong lớp mà còn là một phương tiện để khám phá tâm hồn và cuộc sống
Tôi vẫn thường đến thăm, mỗi lần đều được thầy tiếp tục cho mượn sách. Phần lớn là tiểu thuyết. Nhưng có lẽ  “Những lỗi thông thường ...” là quyển sách vỡ lòng làm nền giúp tôi trong việc viết lách nhiều năm sau này.
   Thuở chớm biết yêu với những rung động, thổn thức đầu đời, tôi cũng tập tễnh làm thơ. Bài thơ “Vết buồn” và  bài “Phương trời màu vàng” viết tặng P. được mấy bạn giỏi văn trong lớp:  PTN, DBK và ĐPP... chia sẻ.  Bài thơ ấy rồi cũng đến tai thầy... “D. thương P. hả, để anh làm mai cho..”. Nhưng tôi chỉ lém lỉnh và phá phách cho... vui chứ thực ra là... nhát gái: Không dám viết thư để anh giáo trao giùm (mà nói thế chứ thầy dám trao không?). Tuy vậy trong tâm tôi biết là P. cũng có cảm tình với mình, có thể “tình trong như đã ... mặt ngoài còn e..” ; nhưng cả hai thuở ấy hãy còn quá trẻ! 
Thời gian ấy tôi ít có dịp về nước. Hai ba năm tôi mới về thăm nhà một lần, mà nếu về cũng chỉ quanh quẩn ở Sài Gòn. Mãi sau mới có dịp về Quy Nhơn, hỏi thăm các em.. mới biết thầy đã nghỉ dạy và hiện làm ở Hội Chữ Thập Đỏ.
Gặp lại nhau... mừng mừng tủi tủi. Chúng tôi nhắc lại kỷ niệm xưa, rồi cùng bàn chuyện văn chương. Nếu khi thấy tên trên tạp chí Văn tôi còn hồ nghi HKB có phải là thầy thì thầy đã biết người dịch các truyện ngắn của Dino Buzzati từ nguyên tác tiếng Ý chính là tôi.
Từ đó chúng tôi còn trở thành bạn văn của nhau. Thầy khuyên tôi nên dành thời gian viết lách và đừng vì bất cứ lý do gì mà từ bỏ văn chương.
Như vậy là trí nhớ và cảm nhận ngày xưa đã không hề đánh lừa tôi! Tình yêu văn chương đã theo thầy suốt cuộc đời và ngọn lửa ấy không bao giờ tắt. Bao nhiêu năm trôi qua, dĩ nhiên không sao nhớ hết những lời thầy giảng, nhưng niềm đam mê chữ nghĩa mà thầy đã truyền vào tôi thì không hề phai lãng.
Sau này có dịp gặp lại những người bạn cũ, khi nhắc đến thầy, họ còn nói là suốt những năm đứng lớp, thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy về đạo lý làm người. Ai cũng mến vì tâm hồn thầy thật giản dị và trong sáng.
 Tôi nghĩ, cuộc đời một người dạy học có nhiều học trò quý mến mình là một điều hạnh phúc. Và có lẽ chẳng có phần thưởng nào cao quý hơn mà thầy đã nhận được.
Ở Ý, từ năm 2002,  tôi và một nhóm bạn có lập một “Quỹ Tương Trợ Người Việt tại Ý”, mục đích từ thiện, hướng về quê hương. Tôi và Elena đã nhờ thầy đại diện cho Quỹ để liên lạc với hội Khuyến Học Bình Định nhằm cấp phát học bỗng cho các trẻ em nghèo, hiếu học trong tỉnh. Nhiều năm liền thầy đã nhiệt tình đảm nhận công việc, kể cả việc xây cất một trường học tại Tây Sơn bị hư hại vì bão lũ.
Năm 2007, khi chuẩn bị về Việt Nam, tôi có ý định in một tập truyện ngắn mà không biết hỏi ai. Thầy nói dễ mà, rồi sốt sắng giới thiệu tôi với Đào Hiếu là một nhà văn đồng hương Bình Định hiện đang làm biên tập viên cho nhà xuất bản Trẻ. Thế là tập truyện “Hành Trang Ngày trở lại” ra đời.
In sách xong tôi về lại Ý, rất bất ngờ khi được thầy thông báo là tác phẩm đầu tay của tôi đã được đón nhận tốt, được giới thiệu trên đài phát thanh VN và “Mỗi ngày một quyển sách” của VTV1. Thầy nói khi thấy chương trình phát sóng trên VTV1 đã gọi điện  báo cho bạn bè và văn hữu cùng xem.
Năm sau đó tôi có ghé thăm thầy ở Quy Nhơn. Chuyện vãn một lát tôi có hỏi thầy về P. Nhưng thầy nói không biết. Chỉ nghe là hình như cô ấy đã lấy chồng và lên sống ở vùng cao. Nhưng chắc chẳng có gì chính xác sau chừng ấy năm chiến tranh loạn lạc.
Đang trò chuyện thì thấy cô Mận, vợ thầy, mang ấm nước sôi lên châm trà. Bắt gặp ánh mắt đa tình của thầy âu yếm nhìn vợ như ngầm nói cảm ơn, tôi chợt nhớ chuyện ngày xưa nên buột miệng : “ Những mối tình đầu thật lãng mạng nhưng hiếm khi đi đến hôn nhân phải không thầy?”. Thầy gật gù nhưng chẳng nói gì. Ánh mắt thầy như mơ màng hồi tưởng thuở còn trai trẻ. Mãi đến lúc bắt tay từ giã thầy mới nói nhỏ : “ Ngày xưa D. yêu người con gái có nét đẹp Tây Phương.... còn bây giờ thì lấy một cô Tây Phương chính hiệu... và rất mừng cho D. là cô dâu người Ý này rất hoà đồng, rất “xứ nẫu” và có tâm hồn rất Việt nam. Xin chúc mừng.”
Vậy đó....Với thầy Bửu, tôi luôn tôn kính và ngưỡng mộ nhưng giữa chúng tôi không có sự cách biệt. Tình anh em thân thiết khi ở gần, chuyện chữ nghĩa kết nối lúc ở xa.
Nếu sự đồng cảm văn chương là sự chia sẻ về tính cách và tâm hồn thì tôi nghĩ nó gắn kết con người còn hơn máu thịt. Vì anh em trong gia đình tuy cùng cha mẹ sinh ra nhưng chưa chắc về nhân sinh quan và những chiêm nghiệm, suy tư về cuộc sống,... đã có cảm thông thật sự.
Tánh tình hồn hậu, cả đời thầy Bửu chỉ dạy, đọc và viết. Thầy giao tiếp rộng, quen biết nhiều mà ai cũng đều yêu mến. Hình như thầy không biết giận hờn hay tranh hơn thua với bất kỳ ai.
Sống vô tư, thầy luôn giữ tâm hồn trong sáng, thanh thoát trong tư tưởng, sống đạm bạc như một chân tu giữa đời thường.
Với tôi, thầy là người có nhân cách lớn. Thanh cao mà bình dị.
Đã viết về 2 quyển sách của thầy : “Nơi con sông Côn chảy qua” và “Trong như tiếng hạc bay qua”..[i]. nhưng hôm nay tôi thấy vẫn còn chưa đủ. Tôi còn muốn viết thêm về kỷ niệm với thầy như một sẻ chia và an ủi. Ý muốn ấy được thôi thúc vì lúc này thầy đang yếu và buồn phiền vì mang trọng bệnh.
Văn chương của Thầy Bửu dường như chỉ xuất phát từ một tâm hồn thuần chất Việt: chỉ rung cảm trước những hình ảnh thân quen đã hằn sâu trong tâm tưởng. Đó là tâm hồn của người nghệ sĩ Phương Đông, của quê hương làng mạc, của ruộng đồng cây cỏ. Chỉ cần đọc những trang văn đầy hứng khởi, chan chứa tình người tình quê ấy, người đọc cũng dễ dàng cảm nhận được. Tình yêu quê hương của thầy thật đáng trân trọng, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện đại đang lấn lướt và xoá nhoà bản sắc.
Trong cảm nhận văn chương... thầy có xu hướng viết về những nét văn hoá mộc mạc, được lưu giữ trong lòng nhân gian. Trong thời buổi hiện thời, các bài viết đó vang lên, tựa như tiếng sáo diều trong vắt, tiếng độc huyền cầm réo rắt, rõ từng âm thanh một, nổi lên trên tiếng ồn ào của một dàn đồng ca bát nháo.
   Nỗi hoài nhớ của thầy hướng về những nét đẹp. Và đó là di sản tinh thần quý báu còn lại sau nhiều biến động kinh hoàng.
Trong hầu hết những trang sách thầy viết như nhân nha kể chuyện: chuyện làng, chuyện quê hương đất nước, chuyện về những cái gần gũi và nhỏ bé nhưng hàm chứa những giá trị văn hóa lâu đời đã trầm sâu thành vô thức của dân tộc, tạo nên bản sắc Việt được lưu giữ từ ngàn năm của những thời xưa cũ.
Ngoài hai tập tản văn thầy còn xuất bản một tập thơ: “Mùa Thu biết thở ra hương” nhưng tôi ít đọc thơ nên không dám lạm bàn. Chỉ thấy rõ tâm hồn nhạy cảm của thầy khi lướt qua những câu thơ với giọng điệu tâm tình, nhỏ nhẹ, hiền hoà, viết về  thời gian, ký ức… gửi gắm ước mơ về một ngày mai tươi sáng.
Lần giở tập thơ, cũng như văn, tôi bắt gặp những câu thơ giàu hình ảnh và hình tượng văn hóa, thiên nhiên, con người Việt; tìm thấy nhiều đoản khúc mang nhịp điệu chậm rãi như giọt mưa, tiếng gió... với một âm hưởng u hoài. Đó là tình yêu và hoài niệm được thầy giữ gìn bằng ngôn ngữ thi ca.
Trong thời đại hiện nay, những lo toan cơm áo và hàng hoá tiêu dùng đang bứng con người ra khỏi những hoài niệm riêng tư thì những bài viết của thầy như muốn kéo người đọc về với nhịp sống bình yên, nhìn lại chiếc chõng tre, ngắm mái đình làng, nghe dòng sông chảy và ngước mắt lên cao nhìn những cánh hạc bay...bầu bạn cùng những trang viết đầy cảm xúc, tình quê.
 ...Vừa viết đến đây thì tôi bàng hoàng nghe tin thầy nhập viện. Cấp cứu. Phòng cách ly. Trong giòng nước mắt tôi cầu mong thầy vượt qua những hiểm nghèo để còn được đến thăm thầy, nắm lấy bàn tay và nhìn ánh mắt hiền hậu của thầy, để trao đổi và học hỏi nhiều điều từ vốn kiến thức rất uyên bác về văn hoá Việt.
[i]http://vannghesongcuulong.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19524
 Sài Gòn 15.1.2013
 Nguồn: Chuyên Mục Sống và Viết, 
tập san văn học nghệ thuật Quán Văn
Trương Văn Dân
Theo http://www.vanchuongviet.org/




1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...