Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Vĩnh biệt tác giả “Biệt ly”!

Vĩnh biệt tác giả “Biệt ly”!
Theo tin từ Hà Nội, Dzoãn Mẫn, một nhạc sĩ cựu trào thuộc thế hệ tiên phong của Tân nhạc Việt Nam đã ra đi ngày 13-4-2007, thọ 89 tuổi. Báo chí Việt Nam, không hiểu sao, rất “kiệm lời” trong dịp này: tính đến 17-4, mới chỉ có “Tuổi Trẻ Online” và "Lao Động" đưa tin...
Nhạc sĩ Dzoãn Mẫn sinh năm 1919 tại Hà Nội trong một gia đình không theo nghề nhạc, thân phụ ông là viên chức đường sắt ở ga Hàng Cỏ. Tuy nhiên, do biết chơi đàn bầu và ưa thích nhạc dân tộc, cha của Dzoãn Mẫn đã hướng con chơi một số nhạc cụ dân tộc khi còn nhỏ. Lớn lên, Dzoãn Mẫn tự học qua sách vở âm nhạc Pháp, và có theo học một nhạc trưởng Pháp về phối khí, hòa âm. Vì vậy, ông có một căn bản nhất định về nhạc lý, đủ để làm nghề nhạc công trước khi trở thành nhạc sĩ sáng tác.
Nhạc sĩ Dzoãn Mẫn (1943)
Thời kỳ đầu của Tân nhạc Việt Nam, nhạc “Tây”, đặc biệt là nhạc Pháp đã có ảnh hưởng lớn đến nhiều nhạc sĩ Việt Nam. Dozãn Mẫn cùng nằm trong số đó: cùng Văn Chung, Lê Yên, Phạm Ngữ..., ông lập nhóm TRICEA để cùng sáng tác và học hỏi âm nhạc. (TRICEA được giải thích là “3 chữ C và 3 chữ A, viết tắt từ tiếng Pháp “Collection Des Chants Composés Par Des Artistes Annamites Associés”, nghĩa là "tuyển chọn các tác phẩm âm nhạc của nhóm người viết nhạc Annam". Qua các hồi tưởng đương thời, chúng ta được biết rằng TRICEA đã chịu tác động lớn của các giọng ca thời danh như nữ danh ca da đen Josephine Baker hoặc nam ca sĩ Ý Tino Rossi, để có những sáng tác đầu tay, đồng thời cũng là những nhạc phẩm đầu tiên của Tân nhạc Việt Nam, như “Bóng ai qua thêm” (Văn Chung), “Bẽ bàng” (Lê Yên), v.v... Doãn Mẫn thì có ca khúc đầu tiên “Tiếng hát đêm thu” vào năm 1937 (lời Văn Chung)), sau đó là “Gió thu” (cùng năm), rồi “Một buổi chiều thu” (1939) và đặc biệt, tác phẩm để đời “Biệt ly” (1939).
Trong một dịp trao đổi, nhạc sĩ Phạm Duy (cùng thời với Dzoãn Mẫn) - người rất thích phân loại các ca khúc - đã liệt nhạc Dzoãn Mẫn vào loại "nhạc tình sông nước" với "Cô lái đò", "Biệt ly"... Cũng theo Phạm Duy (trong biên khảo "Lược sử Tân nhạc Việt Nam"), "Dzoãn Mẫn mới là người thành công nhất trong nhóm TRICEA [...] Trong số những bản như "Sao hoa chóng tàn", "Biệt ly", "Cô lái thuyền", "Tiếng hát đêm thu", "Một hình bóng", "Một buổi chiều mơ", "Gió xa khơi", "Nhạc chiều", "Trở lại cùng anh"... tối thiểu cũng có ba bài mà trong suốt mấy mươi năm liền, không lúc nào là không được thu thanh vào băng nhạc, phóng thanh trên các đài vô tuyến, hay hát trong phòng trà, các nhà hàng khiêu vũ".
Được biết, trong sự nghiệp sáng tác, Dzoãn Mẫn có chừng 50 ca khúc. Tuy nhiên, nhắc đến ông, chúng ta nhớ ngay đến "Biệt ly": thậm chí, có thể nói rằng đa số người yêu nhạc chỉ biết cái tên Dzoãn Mẫn qua "Biệt ly". Nói về bài ca này, nhạc sĩ Phạm Duy từng nhận xét: "Lãng mạn tính trong ca khúc Dzoãn Mẫn nổi nhẹ lên trong bài "Biệt ly", vì đã có "lá heo may" len lén thổi vào ca khúc rồi [...] Nét nhạc hoàn toàn Tây phương nhưng khéo xếp đoạn, khởi sự bằng các nốt trầm rồi bay vút lên nốt cao nhất (anacrouse) để sẽ trở về câu nhạc chủ đạo lúc đầu. Bài "Biệt ly" được hát dài dài trong suốt nửa thế kỷ nay".
Ca khúc nổi tiếng ấy đã ra đời như thế nào?
Cách đây chừng hơn 10 năm, người viết những dòng này có dịp điện đàm chừng 15-20 phút với nhạc sĩ Dozãn Mẫn ở Việt Nam. Lúc đó, dù tuổi đã cao và sức khỏe cũng sút kém (như ông nói), nhưng giọng ông vẫn còn mạnh. Nhạc sĩ cho biết một vài chi tiết về hoàn cảnh thai nghén "Biệt ly" như sau:
"Riêng về "Biệt ly", tôi cũng đã có dịp phát biểu trên báo chí, hai ba lần gì đó... Tôi làm bài ấy vào hồi 1939. Lúc ấy, nhà tôi ở gần ga Hà Nội nên tôi hay được chứng kiến những cảnh chia ly, tiễn biệt. Lại thêm hoàn cảnh thế giới lúc ấy diễn ra Đại chiến lần thứ hai, người Pháp họ tuyển mộ lính thợ qua Pháp, đông lắm. Ở cảng Hải Phòng, ngày nào cũng có bao người đưa tiễn nhau đi. Nhờ những cảm hứng ấy, tôi làm ra được bài "Biệt ly". Bài này, may mà khi ra đời, do những cảm hứng thực sự, nên cũng được khán giả người ta ưa thich và tán thưởng.
- Nhạc sĩ làm bài ấy trong bao lâu?
- Nhanh lắm, chỉ mất một giờ đồng hồ thôi...
- Một giờ đồng hồ cho một ca khúc tuyệt diệu như thế?
- Anh cũng biết đấy, đối với nhạc sĩ như chúng tôi, điều này đâu có khó. Cái khó là phải có được cảm hứng chân thành, thực thụ. Lắm khi mình muốn làm một bài nào đó, mà không nổi, cũng chỉ vì không có cảm xúc thực. Như "Biệt ly", tôi đã định làm từ mấy năm trước đó mà đến khi ấy mới được."
Cũng như đa số các tác phẩm trữ tình khác, ở miền Bắc, những năm chiến tranh đã không có chỗ cho "Biệt ly" và sau 1975, ca khúc này cũng chỉ được vinh danh một cách chính thức trong chương trình "Nửa thế kỷ tân nhạc Việt Nam" (năm 1994), qua giọng hát "xuất thần" của Cẩm Vân. Nhiều bài báo trong nước đã để ý đến một cảnh tượng cảm động: nhạc sĩ Dzoãn Mẫn run run ôm bó hoa cùng Cẩm Vân sau khi chị hát "Biệt ly" (tấm hình này, về sau được đăng trên tờ tạp chí "Âm nhạc" - số đặc biệt - của Hội Nhạc sĩ Việt Nam). Nhưng lòng người còn lắm chông gai: nhận xét về chương trình "Nửa thế kỷ... ", đã có kẻ xì xào, phàn nàn rằng "những nhạc sĩ kháng chiến hẳn hoi, có thành tựu đáng kể trong ca khúc cách mạng như... Dzoãn Mẫn, sao không chọn những bài ca mới của các anh mà lục lại những bài xưa cũ...?"
Ít có thông tin cụ thể gì về hoạt động âm nhạc của Dzoãn Mẫn sau năm 1945. Căn cứ vào lời "phê bình" nói trên, có thể giả thiết ông đã tham gia kháng chiến từ đầu đến cuối. Về sau, Dzoãn Mẫn làm việc tại Trường Âm nhạc Việt Nam, rồi làm trưởng phòng Giáo vụ Nhạc viện Hà Nội chừng 20 năm. Trong 40 năm ròng, nhạc sĩ đã thôi sáng tác vì lý do "bận rộn công tác quản lý": theo thổ lộ của Doãn Mẫn với báo chí, ông "phải đi lo cả việc... học viên có con nhỏ không ăn được thì phải làm thế nào, chỗ ăn, ở, nhà vệ sinh bẩn thỉu thì làm sao".
Ngoài "Biệt ly", không mấy khi những thế hệ về sau được nghe những ca khúc khác của Dzoãn Mẫn, trước và sau thời điểm 1945. Trả lời câu hỏi về các sáng tác cũ, nhạc sĩ cho biết (vẫn trong buổi điện đàm trên): “Có, tôi làm nhiều lắm. Bây giờ người ta đã bắt đầu hát lại rồi đấy. Hãng băng đĩa DIHAVINA (của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, phố Lý Thái Tổ) có cho ra một băng mang tên "Biệt ly" và cả một tập nhạc nữa của tôi”.
Vì ngưỡng mộ "Biệt ly", tôi đã cậy cục nhờ người ở Việt Nam mua bằng được cuộn băng cát-xét ấy. Trong đó, thời kỳ 1939-1944, ngoài “Biệt ly”, Dzoãn Mẫn được chọn 5 ca khúc “Phương trời xa” (1940-41), “Hương cố nhân” (1941), “Nhạc chiều” (1942), “Gió xa khơi” (1953) và “Nhắn người chiến sĩ” (1944). Cũng qua băng, chúng ta được biết ở ngưỡng “thất thập”, người nhạc sĩ trở lại sáng tác, đa phần ông phổ thơ của các tác giả ít có tiếng. Tuy nhiên, công bằng mà nói, có lẽ không ca khúc nào của Dzoãn Mẫn gần đạt “tầm” của “Biệt ly”!
Lịch sử văn nghệ đã biết đến không ít trường hợp, khi tên tuổi người nghệ sĩ được lưu lại với đời chỉ bằng một tác phẩm nổi bật của họ - có lẽ Dzoãn Mẫn và "Biệt ly" cũng nằm trong số đó. Xin được mượn ý câu nói của một nhà phê bình khi đánh giá bài thơ "Tống biệt hành" của Thâm Tâm và "Ông đồ" của Vũ Đình Liên, để ứng với Dzoãn Mẫn: "Nếu phải chọn 10 nhạc sĩ tiền phong lớn nhất của Việt Nam, có thể sẽ không có tên Dzoãn Mẫn ở đó. Nhưng chắc chắn "Biệt ly" sẽ phải có mặt trong số 10 ca khúc "tiền chiến" hay nhất, được yêu thích nhất và có tác động lâu dài, sâu sắc nhất đến người yêu nhạc!"
Và bây giờ, xin vĩnh biệt ông... “Chiếc lá trôi theo heo may...”
BIỆT LY
Ca khúc nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất của nhạc sĩ Dzoãn Mẫn, được sáng tác từ cảm hứng của những cuộc chia ly tại ga Hàng Cỏ, đặc biệt, là của những lính thợ và lính chiến phải rời quê hương sang "phục vụ nước mẹ Đại Pháp". Bài ca cũng là một tác phẩm lớn thuộc dòng những sáng tác về đề tài ly biệt đương thời, như "Anh khóa" (Á Nam Trần Tuấn Khải), "Những bóng người trên sân ga" (Nguyễn Bính), "Tống biệt hành" (Thâm Tâm)...
Biệt ly - Thu Hà
Những tình khúc vượt thời gian - Biệt ly
Biệt ly
Nhớ nhung từ đây
Chiếc lá rơi theo heo may
Người về có hay?
Biệt ly
Sóng trên dòng sông
Ôi còi tàu như xé đôi lòng
Và mây trôi, nước trôi ngày thắm trôi cùng lướt trôi
Mấy phút bên nhau rồi thôi
Đến khi bóng em mờ khuất
Người về u buồn khắp trời
Người đi xa với ngàn nhớ mong
Mấy phút bên nhau rồi thôi
Dáng em sống trong hồn tôi
Xa cách ta còn tìm thấy đâu ngày vui
Biệt ly
Ước bao đường tơ
Réo rắt trong muôn hương mơ
Thanh chiều tiễn đưa
Biệt ly
Ước mong hoàng hôn
Êm đềm về ru ấm tâm hồn
Người yêu đương cách xa đành sống vui cùng gió sương!
Dzoãn Mẫn, 1939
H.Linh 
http://nhipcauthegioi.hu/

1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...