Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Những chuồn chuồn ớt

Những chuồn chuồn ớt
1. Về quê nhà sau bảy năm rong ruổi, bạn bè lác đác còn mấy người, nhắc chuyện ngày xưa còn bé.
"ngày xưa còn bé" của chúng tôi có bốn người ấn tượng nhất: Thầy hiệu trưởng Đặng Vũ, cô giáo Hòang Lan và hai người bạn học. Hai người bạn điều hành mọi chuyện buồn vui của chúng tôi thời trung học đê nhất cấp. Thứ nhất, lớp trưởng to như hộ pháp, chúng tôi gọi là kingkong. Còn lại là Chị Hai, chị cũng có nick, nhưng chị mất rồi, trong cơn bạo bệnh khi còn ở miền núi. "nick" của chị xin trả lại cho đời.
Chị Hai thủ lĩnh hơn mười tiểu thư, trong số bốn mươi hai người của lớp Đệ thất 2, trường Duy Tân đầu những năm sáu mươi. Đứa nào cũng được chị giải đáp mọi thứ; từ gỡ rối tơ lòng, đến nữ công gia chánh, kể cả chuyện: Thằng đó hả, lần sau cứ nói chị, chị..."bẻ cổ" nó!
Tiểu thư thứ nhất: Thuần, cô "Bắc kỳ nho nhỏ" mắt xanh, to tròn như mắt trẻ lên ba. Hồi đó có bài hát "sến" thời trang; chúng tôi hét cả ngày: "Mắt em màu trùng dương"; có thằng phá bĩnh: Mắt em màu "thùng" dương. Thuần ức lắm.
Nhưng giận nhất là "những vần thơ của quỷ", thơ tỏ tình kiểu chôm chỉa , ăn cắp bản quyền: "Mắt em là một dòng sông , thuyền anh bơi lội trong dòng mắt em" , rồi: "Ai bảo em là giai nhân, cho đời anh đau khổ, ai bảo em ngồi bên cửa sổ, cho vương vấn nợ thi nhân.."; còn diễn đạt thêm cho lâm li: "Hãy như chiếc sao băng băng mãi, để lòng buồn , buồn mãi không thôi..". Có "chú" dọa: Không iu được Thuần, thề suốt đời chẳng iu ai, rồi chấm ba dấu than(!) to đùng. Về văn, tôi đã đọc nhiều áng văn lá cải , nhưng chưa có đọan nào đạt bằng: "Thuần ơi, xin hình mà Thuần không cho, tôi vẫn có ; lấy mũi cléopâtre, gắn với môi Brigitte Bardot.. cùng với mắt Sophia Loren ( hai tài tử xinê đó)là có chân dung Thuần. May mà bạn tôi không nịnh thêm, gắn cặp giò hoa hậu Brazil.., để cô Bắc kỳ nho nhỏ lớp tôi...
Nghiệt là, mấy bức thư đến tay Thuần là do bọn tôi lừa Chị Hai.. Chị ơi! chị đưa giúp em quyển vở cho Thuần, "nó" mượn mà em quên. Chị ơi chị, trả giúp em quyển sách....Trong sách , vở có thư, và chị Hai lãnh đủ.
Thuần "mét" chị Hai, chị triệu tập quần hùng. Trên tay chị là tập chứng từ gây án có vần điệu, có tình tiết và tòan những lời "có cánh". Chị Hai quát:" Từ nay , đưa nào còn quấy rầy "nó', tao.. bẻ cổ.
Cuối năm đó, Thuần theo bố chuyển công tác, về Sài gòn.
Vào học Văn Khoa, ngày đầu tiên tôi và Hai Hùng ngồi sau Thuần ba hàng ghế. Sợ lầm người, hai đứa chờ giờ ra chơi,lén nhìn vào tập vở : L- T -Thuần , đúng "nàng".
Nhưng, bao năm rồi, vẫn còn sợ chị Hai "bẻ cổ", đành "oong poong phi nan", gọi là chấm hết.
2. Chị Hai! Phải cho "tụi nó" một trận, đó là phát biểu của tiểu thư thứ hai: Thị Như; Thị đang ức chuyện hôm qua.
Chuyện hôm qua là: Từ trường về đến cuối đường có hai mươi bảy cốt điện, mười lăm cây me tây và tám cây phượng vĩ. Cây nào cũng có chữ " Như + Thành", có chỗ còn thêm trái tim rỉ máu..Thành cũng là thành viên của lớp, hiền lành. Cứ "thằng nào" đi trước viết, Thành đi sau xóa, mướt cả mồ hôi. Gần bốn mươi năm chưa tìm ra thủ phạm.
Và cũng gần bốn mươi năm , khi tôi còn ngồi ở công đường. Cửa xịch mở, không gõ. Một mệnh phụ nặng đô, kính cận trễ mắt, ngồi phịch xuống salon, không chờ mời. Tôi hoảng, "dân oan" khiếu kiện chăng?
Thưa chị..., thưa bà cần gì?
- Cần việc làm cho thằng này! "Thằng này" là cậu SV mới tốt nghiệp, xin việc làm chỗ nào cũng "hết biên chế', đang đứng rụt rè bên của Quan.
May quá , tôi nhận ra - A! Bà Như
Hỏi: Con ai; đáp :con tui; Hỏi: ba nó?; Đáp: Một trong đám mấy "Ông"
Tôi mướt mồ hôi, nhưng Như nói lại: "ba nó , màn một cảnh một, mất rồi; bây giờ đang màn hai cảnh hai". Thế là đủ, dù có hết tôi cũng dành một biên chế cho bạn bè tôi. Và "thằng nhỏ" đi làm.
Nhớ ngày xưa, Như mang con cá bự chảng đến nhà tôi. Sẵn máu nghịch, tôi đùa: "Anh không thích ăn cá, em mang về". Như nổi điên quát:"ba bảo mang cho Bác Khánh, không phải cho...mày! ". Ba tôi và ba Như là đôi bạn già, chiều chiều nhâm nhi ly rượu thuốc.
3. Tiểu thư thứ ba: Diệu.
Chị tôi bảo: Con gái thầy chị, vào lớp Thất hai của mày. Tiếng Thầy ngày ấy cao quý quá; con của Thầy mà là tiểu thư, chừng ấy thôi cũng đủ cho tôi nao nao ngày khai giảng.
Thầy Khánh điểm danh.. và tôi nhìn, đừng ai cười: đắm đuối. Trời đất,"nàng" nhìn lại và : lạy chúa, nàng ...cười. Bạn là sinh viên mới tốt nghiệp , lãnh first salary, tháng lương đầu? Hãy nhân cảm giác sung sướng lên tám mươi mốt lần, nghĩa là chín nhân với chín.
Thánh nhân nói đúng: Đàn ông( dù là đàn ông con nít)thích chơi những trò mạo hiểm; và họ chọn phái nữ( dù "nữ" đang còn ôm búp bê"). "Chàng qua chiều ấy , qua chiều khác, đếm mãi đường đi vạn dặm đường". Chắc bố mẹ chẳng hiểu: sao từ lúc vào trung học, thiếu gia nhà mình ba tháng lại xin tiền mua lốp xe đạp. Nhưng đạp xe qua nhà nàng, chúng tôi chỉ " nhìn hoa vàng với bướm vàng, thế thôi". Ông cụ ngồi đọc báo trên ban công nhìn xuống. Có uống mật gấu, chúng tôi cũng không dám vào Tử cấm Thành, dưới mắt hòang thượng anh minh!
Lớp tôi có sáu tên tội đồ, nhưng ức nhất là lớp bạn cũng có "lũ bốn tên" dám "mê" Diệu.Có lúc cũng chỏang nhau, nhưng chả hề gì, giò gà choai chỉ gây cho nhau những vết xước , chỉ bôi thuốc đỏ cũng lành.
Và, câu chuyện cũng đến chị Hai. Chị triệu bọn tôi lại, dõng dạc: Đứa nào "thương" con Diệu, giơ tay lên. Một, hai, ba..hiền như ông Thuần cũng từ từ.... Chị lại dọng dạc : Đứa nào "ghét" nó, bỏ tay xuống. Thế là: thấp mưu thua trí đàn bà!. Từ cửa sổ, khúc khích tiếng cười: Diệu.
Chị Hai kết luận: Đứa nào còn quấy rầy "nó", tao ..bẻ cổ.
Năm kia "bà Diệu" cùng chồng về họp "lớp tôi", U năm mươi lăm . Trong hơi ấm rượu chát Bordeaux, "bà" dõng dạc hỏi: "Ngày xưa có ông nào iu tui không hả?". Lạy trời, may mà quán đèn mờ, không ai thấy mấy đứa trong đám ông lão chúng tôi : đỏ mặt.
Các tiểu thư lớp tôi vậy đó, sẽ còn tiếp những bức tranh sau. Còn bây giờ tôi tóm tắt: Các tiểu thư như cái phong vũ biểu, báo mưa gió buồn vui của lớp tôi. "Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao trời gió, bay vừa trời quang". Nhưng là chuồn chuồn ớt.
Chúng tôi cố tập ăn cay, nhưng không đứa nào thành công. Con trai tỉnh lẻ mà, hiền lắm!.
4. Chị tôi giặt áo vườn sau. Học về quăng vội cặp lên chiếc võng gai, tôi gọi: Chị Ba ơi, Chị Ba! - Gì thế! chị tôi ngừng tay.
- Con "bé" Thu Quỳnh, "nó" hỏi em - thưởng thức "mùi đời" chưa; mùi đời là gì hở chị?
Chị Ba tôi trợn mắt, cầm cán chổi : - Con nít ranh , nói bậy. Tôi hỏang, chạy vào nhà.
Sau mới biết, "mùi đời" của mấy dì là bánh tráng mắm ruốc. Bánh tráng dày nướng giòn, quẹt mắm ruốc, có ớt cay, me chua, đường ngòn ngọt, có vị béo thơm của mè... Mấy dì gọi "mùi đời" cũng đúng.
Hội Mùi đời của mấy dì có Chị Hai, Diệu, Cô Hai Mỹ cương, Thị Như, Mai Ngọc, Mai Tuyết, Huệ Phương và Thu Quỳnh. Thu Quỳnh nhỏ nhắn, má đỏ, môi hồng... Tôi có tô vẽ thêm tí sắc màu, mong được cảm thông; với tôi bạn bè đều đẹp.
Thu Quỳnh vui tính, dễ gần; và người gần Thu Quỳnh nhất, có lẽ là ông Năm Quỳnh. Ông Năm nhiều lần chở Thu Quỳnh lang thang ngọai thành, không biết có mời nhau bánh tráng nướng để nhớ vị ớt cay.... Nhưng "thương" nhất là phát biểu của Thu Quỳnh."...Sau này tui sẽ đưa các ông vào ...Văn học sử..."
Nhưng người mơ được vào văn học sử sớm nhất là ...tôi. Sau hàng lọat bài tập làm văn điểm bốn , điểm năm , thỉnh thỏang cô giáo phê: ..."câu què - lạc đề - tối nghĩa..", tôi được "con Tám" nhờ chỉa được câu thơ của Chế Lan Viên , khi tả cảnh Tháp Chàm: - "Bên cửa Tháp ngóng trông người Chiêm nữ ;Ta vẩn vơ nhìn không khí bâng khuâng..."Từ đó hồn tôi bay bổng, viễn mơ!
Mơ được bệnh phong như Hàn Mạc Tử, mơ được ...thổ huyết như Đặng Thế Phong để có Giọt mưa thu; mơ được chết trên bục giảng Đại học Văn Khoa khi đang sang sảng bình thơ như thi sĩ Đông Hồ..., để có những áng văn... và nổi tiếng. Tôi nhớ ông Duyên Anh cũng mơ như vậy , và ông nổi tiếng.
Chị tôi bảo - Khỏe như mày, may ra mơ bệnh ...ghẻ ruồi.
Mà tôi bị bệnh thật, bệnh thương hàn, hồi đó gọi là ban bạch, bố mẹ khổ sở cứu tôi thóat chết.
Sau hai mươi ngày, mặt còn tái xanh, tôi liêu xiêu đi học. Vừa bước vào lớp, "con bé" Huệ Phương với "đôi mắt hình viên đạn" bước ra: - Nè! ông "tán" tui đi, tán cho tui ngả đi, tui cho ông ...ba trăm ngày, chứ không phải ba mươi ngày như ông nổ..."
Chết tôi rồi! thế là hôm tụ tập nhà ông Hòang cận, đùa nhau nói xấu chị em ...Đứa đòi tán bà nọ, đứa đòi chinh phục cô kia...Sao vậy hở trời! anh hùng Lương Sơn Bạt cắt máu ăn thề, nay để lộ chuyện cơ mật quốc gia. Tôi thề sẽ cắt đứt quan hệ với cánh đàn ông có máu ...bà tám.
"Viên đạn" bắn tôi té ngay cửa lớp; cô giáo gọi xích lô đưa tôi về. Mẹ khóc: -Chắc nó ăn phải cái gì!Tôi không dám khai "ăn đạn" mà thều thào ..."Ăn bún !". Ban bạch vừa khỏi mà ...trúng thực , " phát ách" là chết ngay , các cụ bảo thế. Mẹ khóc nhiều hơn , nhất là khi ở nhà thương thí , ông bác sĩ nói tiếng tây : c'est fini - Hết rồi.
Bố đưa tôi về , nhờ bạn , Thầy thuốc bắc Sinh Thành Đường cho uống "Tinh xà đởm" -mật rắn tinh . Tôi được cứu.
Hồi tỉnh, mấy ...dì chuồn chuồn ớt đến thăm. Huệ Phương đứng xa nhất, nhìn tôi chăm chú. Mắt đẹp tôi đã thấy nhiều , nhưng vừa đẹp vừa cay chỉ có Huệ Phương. Bạn bè hỏi thăm tíu tít, tôi xấu hổ không dám mở miệng, lấy bút viết vào lòng tay: ..." Thầy thuốc không cho ...nói!". Dì Huệ Phương cười, tôi nhìn lén; má lúm đồng tiền, xinh lắm!
Bạn bè ra về, Huệ Phương nán lại, nói nhỏ vào tai tôi: - Con bé Hồng, nó..."mét". Thôi chết rồi! em gái thằng Hòang cận, hôm đó tôi đuổi nó ra, bảo đừng nghe...chuyện người lớn. Tôi thấy "nó" như đang cười trêu tức tôi, nó thương chị Huệ lắm..
5. Tôi khỏi bệnh vào đầu hè, ít nhất cũng không ngượng với "đôi mắt hình viên đạn" trong ba tháng. Bọn tôi lang thang đồng quê; nhiều nhất là con sông Dinh uốn khúc sau trường. Sông cạn, mùa này lội qua chỉ đến gối. Bọn tôi tha hồ làm bẫy cát bắt cá bống. Có lúc bắt trùn đất làm mồi câu rạm. Những con rạm béo nướng vàng, cùng gió đồng quyện thơm mùi khói. Bôn ba đó đây, tôi đã ăn nhiều của lạ; song, chưa có món nào ngon bằng rạm nướng và bờ sông Dinh tuổi nhỏ.
Có lần lội qua sông, vào rẫy nhà ông bạn Tư Mẫn, bẻ bắp, gom rơm nướng giữa đồng, thơm lắm...Tuổi thơ tốt bụng, bắp nướng cộng với me chua, ổi chát, xòai chấm mắm đường...chẳng hề gì...
Nhưng dòng sông êm đềm bỗng dưng có chuyện.
Chị Hai bảo:- Chiều về nước lớn, "đứa" nào biết bơi thì qua sông, không thì ở lại. Cô Hai Mỹ Cương và "dì" Năm Liên hưởng ứng ..." Đứa nào mà không biết bơi... Tám Châu hùa theo ..." đứa nào không biết bơi...? Tôi chột dạ - Thằng không biết bơi là ...tôi.(sau này mới biết ...lão Tám Châu cho đến gìa cũng chưa bơi được)
Mà nước sông lớn thật, tôi nghe tiếng cá quẫy mừng , còn tôi...
Nhưng không sao, ở đời, hơn nhau là chuyện "thông minh nhất nam tử".. Tôi vờ đi trả dao vào chòi rẫy, rồi trượt ngả..., trật gân chân; rồi nhăn mặt ..chân thấp chân cao.. - Chết rồi! lát nữa làm sao ...bơi về! Tôi nhăn mặt than thở
Tôi biết tỏng; Lớp trưởng KingKong của tôi đủ sức cõng tôi bơi qua sông dù con nước lớn. Không ai để thương binh nằm lại giữa chiến trường.
Chiều về nước lớn thật, nhưng từ gối, nước chỉ lên đến bụng. Bạn bè tôi qua sông, vừa lội vừa té nước vui đùa. Còn tôi, vừa lội sông, vừa ...nhắc.
Uất chuyện mình, tôi bắt chuồn chuồn cho cắn rốn , để biết ...bơi , nghe người ta nói vậy. Chuồn chuồn cắn sưng vù ,làm độc, đau rát nửa tháng mới lành. Đời tôi cứ khổ vì chuồn chuồn. Mà vẫn chưa bơi được , đến tận giờ.
6. Hai Hùng học hành thành đạt trở về, cùng với chuyên gia kỹ thuật hàng không Năm Quỳnh mở cửa hàng sửa xe đạp ven đường , lúc rảnh tôi cũng tham gia. Năm Quỳnh tuyên bố - Sửa xe đạp lúc này còn khó hơn sửa... máy bay. Vì bù loong và con tán thông cảm nhau, mở ...sai số cho nhau hàng milimét, nhất là được bùn đất quê hương tô điểm,rỉ sét, có khi mở ốc bằng búa tạ.
-"Mấy anh ơi, sửa giúp em cái đùm", một giọng nữ ngọt ngào.
- Hư "moay ơ" hả ( sửa xe đạp mà còn tương tiếng tây)Hai Hùng nhanh nhẹn đáp lời thượng đế. Ừ để đó , nhanh thôi.
"Nhanh thôi " mà hết một giờ chưa xong.
" Chị Hai ơi! gặp trúng mấy ông mới học sửa xe " Nó tru tréo gọi chị từ bên kia đường . "Phải đừng sửa , dẫn bộ giờ đã về đến nhà ".
"Chị nó" từ bên kia đường bước sang quát : " Con ranh , đừng hỗn, bạn chị đó". A! bà Năm Liên, một chuồn chuồn ...ớt có thứ hạng.
-"Mấy ông đi đông đi tây , tưởng làm nên tích sự gì, ai dè làm chuyện cỏn con, vá ruột xe ... đạp"
Chứ bà làm chuyện lớn là chuyện gì? tôi hỏi .
-"Vá ruột ...xe tải ...ở Mỹ ".
Tân Mỹ, vùng xa, cách thành phố tôi hai mươi cây số.
7. Tôi kết thúc hồi ức về những tiểu thư chuồn chuồn ớt, không phải với một ...dì chuồn chuồn, mà một bạn gái cho đến nay chúng tôi vẫn nhắc đến với lòng mến yêu và kính trọng: Lan.
Tôi chọn thời khắc nửa đêm để viết về Lan, để tưởng như ngòai kia có bóng người đang nhìn từng trang tôi viết...Bởi Lan hiểu rõ, tôi là đứa có quá nhiều sai sót trong đời.
Kính trọng vì trong khi bọn tôi mãi rong chơi để thầy cô phiền muộn, thì Lan chăm chỉ học.Kính trọng vì Lan nhắc nhỡ khi chúng tôi trêu chọc nhau quá mức.Kính trọng vì mỗi khi có đứa quậy phá , bị thầy Hiệu trưởng Đặng Vũ gọi lên, bọn tôi nằn nì : Lan ơi ! lên ...xin cho nó, và bao giờ cũng thành công.Lúc được tha về , bọn tôi nhận được từ Lan nụ cười thông cảm, nhưng ánh mắt như trách phạt.Nói thật, một họa sĩ sẽ thành danh nếu vẽ được đôi mắt ấy. Ánh mắt của người mẹ không bao giờ có đứa con hư.
Lan giữ sổ đầu bài , sổ điểm, lũ chúng tôi đùa nghịch có lúc đem giấu.Những lúc như vậy, Lan đứng vòng tay trước ngực, ngước nhìn thinh không, yên lặng. Có một dáng đứng như vậy, tôi bắt gặp lần thứ hai trong đời. Đó là hình ảnh thầy Thích Thanh Châu đứng trên tầng cao của trường đại học, áo cà sa vàng phần phật bay trong gió, giữa bầu trời xanh . Còn chúng tôi, hì hục quần nhau với khói cay, gạch đá... cùng những tiếng la hét tục lụy trần ai. Với dáng đứng đó, bao giờ bọn quậy phá chúng tôi cũng là những kẻ ăn năn.
Mỗi lần thầy cô hỏi: Em nào giải được bài? Không bao giờ là Lan; chỉ khi nào cả lớp không có ai, Lan nhìn quanh một lượt mới chầm chậm giơ tay, cùng với mắt nhìn như trách móc:...Các bạn... lừơi quá.
Lan ngồi ở đầu bàn thứ nhất, cùng với Diệu. Không biết mấy ông bạn, có ai nói thật chuyện này.Còn tôi, mỗi khi bị dò bài, không thuộc; tôi nhìn xuống.Bao giờ cũng thấy tập vở của Lan, như vô tình để ngược. Mắt sáng tuổi nhỏ, tôi thong thả trả bài.
Khi tôi lưu lạc trở về, Hai Hùng đã đi xa, không nhớ ai đã trao lại tôi xấp hình, nhờ trao lại Hai Hùng, hình họp lớp dịp Tết ở nhà chị Phượng. Tôi nhớ nét chữ tròn, của Lan: "Phải gặp nhau một lần, chớ Hùng, trước khi Hùng đi học". Trong hình, Lan mặc áo dài trắng học trò.
Nghe kể lại: Giờ phút cuối cùng của Lan, bạn trai chỉ còn Hai Thuần và Năm Quỳnh. Lan cầm tay hai bạn, cười buồn: "Các bạn ở lại nha, Lan đã bắt đầu thấy chết dần , từ đôi chân...!"
Ngồi điểm lại;bạn bè giờ đã đủ quân số để họp lớp dưới trăng sao. Lớp trưởng kingkong, Lan, thủ khoa Trung Định, họa sĩ Thái Yên Chu, chị Hai, Tư mẫn, Hoa, Hòang, Trương Khang ...chắc đang chờ bọn tôi, để ngày càng đông vui.
Ở đó... tôi sẽ cảm nhận từ ánh mắt Lan: Các bạn ơi, hãy yên lặng để hạnh phúc, vì đây là cõi của người.
Lê Tường Dung.
Theo http://www.bhk4.net/

1 nhận xét:

  Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao – trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em a...