Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Đâu phải bởi mùa thu - Bài thơ “Yên tĩnh” của Giáng Vân

Đâu phải bởi mùa thu
Bài thơ “Yên tĩnh” của Giáng Vân 
(Nguồn: thica.net)
Mặt trời trưa đã quá đỉnh đầu
Vách đá chắn ngang điều muốn nói

Em ru gì cho đá núi

Đá núi trụi trần vết tạc của thời gian

Em ru gì cho dòng sông

Dòng sông chẳng khi nào ngừng lặng
Sóng cuộn lên nỗi khát khao vô bờ
Sóng rất biết nơi mình đi và đến

Em ru gì cho anh
Mặt trời linh thiêng mặt trời giông tố

Đã mệt mỏi rồi đã bao nỗi âu lo

Trên gương mặt anh hằn lên nỗi khổ

Khiến câu hát cất lên bỗng tắt nửa chừng

Em yêu anh như yêu cuộc đời cực nhọc
Có tuổi thơ em buồn bã dịu dàng
Sáng lung linh vầng ánh sáng thiên thần
Niềm hạnh phúc muôn đời có thật
Xin đừng trách em nhiều
Cũng xin đừng day dứt
Cây lá có rơi nhiều xin đừng hỏi mùa thu
Lặng nghe anh
Yên tĩnh – lời ru
Đâu phải bởi mùa thu - Phú Quang - Ngọc Tân

TÌNH YÊU CÓ LÝ LẼ RIÊNG
Ít ai biết rằng, “Đâu phải bởi mùa thu” – một trong những ca khúc về mùa thu hay nhất của nhạc sĩ Phú Quang từng bị “tuýt còi” 10 năm trời trước khi được chính thức đưa ra biểu diễn.
Mùa thu Hà Nội – lãng mạn và đầy chất thơ đã in dấu trong không biết bao nhiêu tác phẩm thi ca và tình khúc của các nhạc sĩ. Trong kho tàng ca khúc kếch sù lên đến vài trăm ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang, những bài hát về mùa thu vẫn đẹp hơn hết, luôn để lại những ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người yêu nhạc.
Phú Quang từng tâm sự, ông có một nguyên tắc bất dịch là không bao giờ sáng tác theo đơn đặt hàng, ông sáng tác đơn giản chỉ vì “thích và thấy cần phải viết”, vì xuất phát từ những rung động, xúc cảm của bản thân, từ những trải nghiệm cuộc đời, từ những tình yêu có thật và cả ảo tưởng… Bởi thế mà mỗi tác phẩm của ông đều gắn với một hoàn cảnh, một tâm trạng nhất định, không ca khúc nào giống ca khúc nào.
Là một người có biệt tài về phổ nhạc cho thơ, rất nhiều bài thơ được khoác lên mình một “giai điệu” khác khi thành ca từ của Phú Quang. Ông không phổ nguyên bài mà thường chọn những ý hay nhất, tinh túy nhất của bài thơ để viết nhạc. Và xuất phát từ những ý thơ trong bài thơ “Yên tĩnh” của nhà thơ Giáng Vân, nhạc sĩ Phú Quang đã sáng tác nên một bản tình ca bất hủ mang tên “Đâu phải bởi mùa thu”.
Ca khúc được nhạc sĩ sáng tác năm 1976, viết cho người tình đầu tiên ở Sài Gòn, đã vượt biên năm 1977. Nếu như với nhà thơ Giáng Vân, bài thơ kể về tâm trạng một người vợ ở hậu phương khắc khoải về người chồng nơi biên cương thì câu chuyện của nhạc sĩ Phú Quang lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Thông điệp mà Phú Quang tự gửi tới mình và cả những ai đang yêu, đã yêu và chia ly qua “Đâu phải bởi mùa thu” là: “Đừng nghĩ chia li là do lỗi của một người. Tình yêu có lý lẽ riêng của nó. Có thể lỗi ở cả hai người, cũng có thể không bởi tại ai mà chỉ do hoàn cảnh, số phận xô đẩy. Đừng buồn bã, giày vò nhau vì những chia xa…”.
Mùa thu đẹp nhưng buồn, những chiếc lá vàng rơi xuống là biểu tượng của mùa thu nhưng có đôi khi lá vàng rơi cũng chẳng phải do mùa thu, mùa nào cũng có cái niềm riêng, thế nên mới có “Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu”. Phú Quang là vậy, trong nỗi buồn sâu lắng vẫn ánh lên niềm tin yêu trong cuộc sống, thúc giục người ta cố gắng kiếm tìm những khoảng trống trong tâm hồn để lấp đầy nó bằng niềm tin mãnh liệt.
Hồ Gươm vào thu. Ảnh: vtv.vn
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, hành trình của những ca từ lãng mạn, âm thanh khắc khoải như một món quà dành cho người, cho đời ấy phải trải qua một hành trình dài tới 10 năm mới được chính thức đến gần với công chúng.
Nhạc sĩ Phú Quang kể, vào thời điểm ra đời, ca khúc này từng bị đặt nghi vấn bởi những ca từ “đầy ẩn ý”: “câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng, thôi đừng hát ru… thôi đừng day dứt…, lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu”. “Đâu phải bởi mùa thu” từng bị đem ra mổ xẻ tại 3 cuộc họp vì cho rằng mùa thu ở đây là ám chỉ cách mạng, với những lời buồn bã, dã đám…
“Sau cuộc họp, tôi có nói đùa với các anh ấy như thế này, tôi thương các anh quá, phí mất 3 ngày trời và cả ngân sách của dân chỉ để bàn một chuyện không đâu. Nếu các anh cứ nói là mùa thu đồng nghĩa cách mạng, ai chê mùa thu thì anh bảo chê cách mạng. Nhưng các anh đã nhầm vì cách mạng chỉ sinh ra vào mùa thu, chứ không phải là cách mạng sinh ra mùa thu. Và nếu nói mùa thu là cách mạng thì tôi phải được khen thưởng mới đúng vì tôi bênh cách mạng đến thế là cùng: “lá rơi xuống rồi mà vẫn không phải bởi mùa thu”…
Tôi còn nhớ, 7 năm sau khi tôi viết biết hát, một hôm có anh bạn chỉ huy tính tình rất tốt, thật thà nói nhỏ với tôi. Phú Quang này, hôm nay mình đã rất can đảm… Hỏi có chuyện gì mà rất can đảm, thì anh ấy bảo: Mình đã cho dựng bài “Đâu phải bởi mùa thu” của cậu cho anh em biểu diễn!. Tôi chỉ buồn cười về cái sự ngây ngô của anh bạn, nhưng cũng không thể trách được bởi đó là thực tế của một thời kì ấu trĩ nên khó tránh khỏi có những hiểu lầm”, nhạc sĩ Phú Quang hài hước kể lại.
10 năm sau ngày ra đời, “Đâu phải bởi mùa thu” mới được chính thức giới thiệu đến công chúng. Đến hôm nay, trải qua những thăng trầm thời gian, những giai điệu mượt mà, sâu lắng của “Đâu phải bởi mùa thu” đã trở thành một trong những tình khúc bất hủ của nhạc sĩ Phú Quang.
dongnhacxua
Theo http://kontumquetoi.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...