Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Nhà thơ Trương Nam Chi: Trái tim yếu đuối, đa cảm

Nhà thơ Trương Nam Chi: Trái tim yếu đuối, đa cảm…
   Dáng vẻ thanh tao, gương mặt đôn hậu với nụ cười tươi duyên dáng, tính cách tinh tế, nhà thơ Trương Nam Chi dễ gây được sự tin yêu và thiện cảm với mọi người.
   Tuy đã từng là sĩ quan quân đội (với cấp hàm đại uý), sống trong môi trường được đào luyện khắt khe nhưng Trương Nam Chi có phong cách của một nhà thơ với tâm hồn thật dịu dàng, đầy nữ tính và không kém phần lãng mạn.
  Được thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ của người cha là soạn giả Trương Phú Xuân, người nghệ sĩ đã từng là bộ đội, tham gia nhiều trận đánh ác liệt trong thời kỳ đánh Mỹ, là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc và từ những năm 1971- 1975 là cán bộ phụ trách chương trình phát thanh địch vận của Đài tiếng nói VN, cùng thời và cùng công tác với các nhà thơ Tạ Hữu Yên, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà văn Văn Lê, soạn giả Trần Nam Dân… Nhắc tới ông, người ta không quên những tác phẩm ông viết đã một thời được các ca sĩ gạo cội hát, được phát trên đài khiến nhiều người say mê như “ Vào xuân”,” Bức tranh quê”, “ Cây tre đất Quảng”, “ Nhìn qua khung cửa”, “ Xóm dệt Bảy Hiền”… 
   Sinh ra trong một gia đình gia giáo lại có “gien” nghệ sĩ của người cha nên Trương Nam Chi dù đang bận rộn việc kinh doanh chị vẫn dành riêng một “cõi thơ” cho mình và chọn dòng thơ gần gũi, quen thuộc với dân tộc là “lục bát”, một loại thơ dễ làm, dễ nhớ nhưng khó đạt tầm cao trong đền thiêng thơ.
   Trương Nam Chi không ngại điều đó, chị vẫn lặng lẽ sáng tạo với tất cả sự say mê, sự trải lòng cùng những con chữ để nói lên tấm tình tha thiết của mình với quê hương, với gia đình, bè bạn và tình yêu riêng tư qua gam màu phong phú, nhiều chiều kích đa dạng khiến cho người đọc như chìm lắng vào cõi rất riêng, nhẹ nhàng, bãng lãng, tình nặng nghĩa sâu mà cũng rất say đắm ưu tư.
   Trong suốt 4 tập thơ: Quà tặng tình yêu, Lạc duyên, Dốc thiêng, Nỗi buồn pha lê, hầu hết tác giả dùng lục bát để tỏ bày, ngoài ra cũng có những bài thơ tự do khác để thay đổi nhịp điệu làm cho người đọc bất ngờ.
   Mảng thơ tình thật đầy đặn nhưng người viết bài này thích dòng thơ về quê hương, gia đình, chiến tranh hơn. Có nhiều bài viết về quê hương thật nhẹ nhàng lãng đãng “ Quê em phố cổ Hội An/ Sông Hoài xanh mát nồng nàn nên thơ/ …Thuyền ai ngược  bến ra khơi/ Biết chăng bến cũng đầy vơi nỗi niềm.. (Sông Hoài thương nhớ) hay “… Bếp quê khói tỏa mùi rơm/ Cốm xanh mẹ giã, chiều thơm nắng vàng/ Hồn thu se sẽ ghé ngang/ Mắt ai lúng liếng xốn xang giàn trầu…(Gái quê), Hà Nội là “miền nhớ”, miền chứa đầy kỷ niệm của thời thơ ấu, dù đi đâu về đâu, lòng nữ sĩ vẫn đau đáu nỗi niềm khi nhớ về chốn ấy “Gió Đông về thay gió heo may/ Cái rét ngọt chạm vào ô cửa/ Đêm Hà Nội xưa nay vẫn thế/ Cứ âm thầm lặng lẽ thanh tao…”  Nhớ Hà Nội chưa đủ, tác giả còn có một “miền nhớ” khác, mặc dù miền đó mình đang sống, đang làm thơ “ Mai người về nón lá nghiêng che/ Góc Sài Gòn những cơn mưa bất chợt/ Hương Hoàng lan ướp thơm làn tóc ướt/ Hoài niệm nào chẳng sâu đậm nên thơ…” (Miền nhớ).
   Viết về nỗi đau của các bà mẹ có con đã hy sinh bằng những câu chữ nhẹ nhàng, sâu lắng “Hôm nay con trở lại làng/ Vẫn bông gạo đỏ vẫn hàng lau thưa/ Vẫn là mẹ của ngày xưa/ Chờ con bao vụ chiêm chưa trở về/ Con về men lối bờ đê/ Cờ sao gói trọn lời thề ngày đi…”; “ Cờ sao gói trọn lời thề ngày đi”, câu thơ nhẹ tênh mà sao khiến ta xa xót chạnh lòng, thương người lính trẻ trở về với nắm hài cốt gói gọn trong những lá cờ. Nói về những bà mẹ ở đảo Gạc Ma, từ ngữ không “lên gân”, cũng giọng điệu nhẹ nhàng mà trĩu nặng nỗi nhớ con, nỗi mong chờ con trong vô vọng và tình cảm của xóm làng đầy xúc động “ Bao năm mẹ vẫn chờ con/ Ngọn đèn cha thắp đang còn sáng đây/ Bấc tàn mẹ sẽ lại thay/ Bàn thờ vẫn ấm bàn tay xóm giềng… Đêm nay mẹ nén nỗi đau/ Lắng trong tiếng gió biết đâu… con về”. Còn nhiều câu thơ chứa chan nỗi buồn, vẽ nên cảnh chiến tranh xơ xác hoang tàn, những câu thơ dành cho những người anh, người chú ruột thịt đã ra đi vì đất nước “Chú yên nghỉ dưới hàng cây/ Nhìn lên những áng mây bay cuối trời/ Trẻ trung ánh mắt rạng ngời/ Nụ cười dừng lại giữa thời thanh xuân…” ( Chú tôi), “Chiến tranh, con đường xa tít tắp/ Đạn bom bay khói lửa mịt mù/ Khắp cánh rừng già trơ trụi lá. Anh xa rồi… Xa mãi mùa đông”.    
   Tình thương yêu những người ruột thịt trong gia đình cũng được tác giả bộc bạch trên những trang thơ “ Khi cha chinh chiến miền xa/ Mẹ đi làm vắng ở nhà bà chăm/ Cháu đi học lúc lên năm/ Thương cháu bé bỏng đêm nằm bà ru…” (Bà tôi), bài thơ viết về bà Ngoại khiến tôi nhớ bài thơ “ Bông cau thôi nở”, bài thơ đầu tay của mình cũng viết về bà Ngoại tôi, ngày xưa đã bơi xuồng đưa tôi đi học, hình như người mẹ, người bà nào của chúng ta cũng thương yêu chăm chút cháu con, để cho con mình tròn việc nhà việc nước. Bài thơ vắng cha khiến tôi không khỏi ngậm ngùi thương tiếc (không biết phải vì mình cũng mồ côi cha như tác giả): “ Tóc con dù chớm ngả màu/ Vẫn còn mong được tựa đầu vào cha/ Bàn tay gầy ấm nếp nhà/ Gót mòn cha đã bôn ba dặm đường/ Tuổi xanh gửi lại chiến trường/ Gian lao vất vả không dừng bước chân/ Trả xong hết nợ duyên trần/ Cha đi để lại muôn phần đớn đau…”
     Những câu thơ viết về tình yêu, về nhân tình thế thái cũng lắm đa đoan như cuộc đời tác giả, một tâm hồn đa sầu đa cảm, mong manh và lãng mạn, dào dạt tình thương yêu và mơ ước khôn cùng, đôi lúc cũng không kém cắc cớ, tinh nghịch. Đối với thơ, tác giả tự bạch “ Đời ta dốc đứng đường trơn/ Thơ là chiếc gậy Trường Sơn vượt đèo/ Thơ là dòng suối trong veo/ Tiếng hò khoan nhặt mái chèo nhẹ trôi/ Những khi lòng muốn buông xuôi/ Thơ là tri kỷ, sánh đôi song hành/ Bỏ qua chức tước công danh/ Ta về gỏ cửa cấm thành thơ ca…”(Tự bạch), những câu thơ trong “ Gia vị tình yêu” cho thấy tình yêu đối với người phụ nữ là quan trọng, là vị tha đến dường nào “Cho em ánh mắt nồng nàn/ Là em sẽ đẹp dịu dàng hiền ngoan/ Ngắm em pha chút mơ màng/ Là em quên hết lỡ làng buồn đau/ Lá trầu sẽ thắm duyên cau/ Và em vẫn ước kiếp sau có người..”, “ Bên anh giây phút nồng nàn/ Tình yêu chạm ngõ điạ đàng, nên thơ/ Anh, cơn sóng khát bất ngờ/ Từ đâu trôi dạt tràn bờ bến em” (Hạnh phúc). Cuộc đời đầy hỉ nộ ái ố, hạnh phúc đó rồi cũng buồn đau đó, đem nỗi buồn chưng cất để biến nỗi đau thành chất pha lê trong suốt cũng là một cách biến hóa những u ám trong cõi lòng thành khối trong trẻo cho tâm hồn “ Nỗi buồn mình chị nhen lên/ Một mình canh lửa bốn bên ba bề/ Một mình đốt đến si mê/ Nỗi buồn hóa sắc pha lê em à…” (Nỗi buồn pha lê), buồn thì buồn vậy nhưng những mảnh tình thơ dại ngày xưa đôi lúc vẫn ám ảnh, vẫn nhắc nhớ bỡi cơn mưa “ Chỉ tại cơn mưa chiều/ Nhắc lại điều chưa cũ/ Nên lòng em tự nhủ/ Đã xa rồi… đã xa (Cơn mưa chiều). Sắp lên xe hoa theo chồng mà vẫn còn vấn vương, căn dặn người năm cũ “Thương em nhớ giấu trong lòng/ Mai em theo chồng ra bến đò xa/ Ân tình bao tháng ngày qua/ Nâng niu em giữ làm quà vu qui/ Rượu mừng cạn chạm đáy ly/ Tình mình tan vỡ… còn gì nữa đâu..”. Yêu đương đắm say là vậy nhưng nhiều lúc người thơ cũng có những câu hỏi thật cắc cớ “ Anh có yêu em không/ Khi dưới lớp phấn son là làn da rám nắng/ Và có còn mộng mị/ Nếu nhìn thấy em không có bộ ngực căng tròn/ Thì những lời ca tụng/ “ Bà tiên của anh, công chúa của anh” có còn không?... Anh còn yêu em không/ Nếu một ngày kia/ Thượng đế bỗng nổi trận lôi đình/ Chia em ra thành nhiều mảnh/ Thì ai (trong số các anh) có đủ bản lãnh/ Nhận về mình một mảnh vì yêu? (Câu hỏi cho những người đàn ông).
    Nói về nhân tình thế thái, đôi lúc tác giả thở dài ngao ngán “Có những lúc em thấy đời chật hẹp/ Chen chúc thế nào rồi cũng lại vòng quanh/ Có những lúc em thấy mình bất lực/ Trước muôn vàn thật- giả- trắng-đen…” (Có những lúc) nhưng rồi nhà thơ cũng tự nhủ, cuộc sống trần gian là cõi tạm, cõi của lục dục thất tình “ Sống là ở trọ trần gian/  Ngẫm ra mọi sự đã an bài rồi/Mẹ cho tiếng khóc chào đời/ Cha cho thanh thản nụ cười mà đi”, tác giả muốn đi đâu, đi về nơi thanh tịnh an nhiên, ung dung tự tại đọc kinh niệm Phật, bỏ ngoài tai những ghét ganh tị hiềm, những thật giả trắng đen “ Kiếp người vất vả gian nan/ Cõi sân si, với tham lam ta bà/ Lên chùa niệm Phật Di Đà/ Mong về cực lạc ngôi nhà mộng mơ/ Nhạc trời, chim hót lời thơ/ Thánh hiền là bạn, Nam mô Di đà…”
    Chìm đắm trong dòng thơ lục bát với bao nhiêu cảm xúc buồn vui, tác giả dùng những câu thơ Lục bát khá nhuần nhuyễn có sức gợi mở, để diễn tả tâm trạng, nhà thơ Trương Nam Chi đã trải trên trang giấy bao nỗi niềm riêng tư khiến cho người đọc càng hiểu thêm trái tim yếu đuối, đa cảm của chị.
    Thiết nghĩ, thơ đạt được độ lắng, trong, chân thật và xúc động, chuyển tải được nội dung đến trái tim người đọc là thơ có hồn, cao hơn nữa được gọi là thơ hay. Thơ của nữ sĩ Trương Nam Chi có những bài, những câu đã đạt được điều đó.
TP. Hồ Chí Minh, ngày 22.9.2014
Nhà thơ Kim Quyên
Trương Nam Chi làm chi trong 
tập thơ Lục Bát "Nỗi buồn pha lê" 
Cả ngàn năm tồn tại, thơ Lục Bát như một con thuyền, mang khái niệm tiếp nhận và lưu chuyển. Người bình dân xưa gửi vào con thuyền ấy một chút, chỉ mới một chút tâm tư nhỏ lẻ, bình dị như nông phẩm cũng nhỏ lẻ của họ “Qua đình ngả nón trong đình/ Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”. Chút tâm tình ấy chở bằng Lục Bát là hợp lý và đắc dụng! Nhưng gửi cả một cuộc đời với triết lý về sự xung đột của Tài/ Mệnh vào Lục Bát thì phải kể đến Nguyễn Du, ấy là nói gửi một cách gọn gàng và lưu chuyển thành công. “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa / Buồn trông ngọn nước mới sa/ Mây trôi man mác biết là về đâu” thì không còn là “hàng” manh mún nữa, thành “hàng” có giá trị gia tăng rất cao rồi: Một thân phận người!
Tôi nghĩ, sau cụ Nguyễn có một cuộc đổi mới con thuyền Lục Bát để nó không chỉ chuyên chở được “hàng nội” mà còn đắc dụng lưu chuyển cả “Cái Tôi” triết lý, nhân sinh, trái tim lãng mạn tiếp thu từ nền văn hóa mới phương Tây. Và người thành công là Huy Cận! Hồi những năm 1960 ở Sài Gòn, tôi có viết về “Lục Bát Huy Cận” theo suy nghĩ này, khiến một số nhà thơ hơi khó chịu nhưng rồi thấy êm và có lẽ họ nhận quả đúng có một dòng lục bát mang tên như tôi viết! “Đi rồi, khuất ngựa sau non / Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu / Trơ vơ buồn lọt quán chiều / Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người” và “Tay anh em hãy tựa đầu / Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi” và “Nai cao gót lẫn trong mù / Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về”. Đó là những câu thơ Huy Cận tôi trích vào bài viết năm xưa ấy, có nhấn mạnh hai chữ “nẻo thuộc” và các nhà thơ khi ấy im trước “thương hiệu” Lục Bát Huy Cận!
Từ ấy đến nay, Lục Bát luôn được làm mới. Thường là “chẻ” hai câu thành bốn câu, năm câu nhưng xem ra cũng vẫn rón rén trên “con thuyền ba lá” chứ chưa cho thấy một sự mạnh dạn nào đáng kể. Thật sự chưa có một nhà thơ nào làm lục bát theo kiểu này một cách kiên trì, chỉ lâu lâu đá vào một chút. Là sao? Tuy không phải người bảo thủ nhưng có lúc đọc những câu lục bát “chẻ” này tôi nghĩ… thôi cứ nên 6/ 8, xuống hàng làm chi cho… tốn giấy! Vì nghĩ vậy nên tôi không trích đăng những câu ấy vì sẽ rất mất lòng mà chẳng lợi chi và lợi cho ai! Vả, thơ cũng là một cõi chơi, không ai có thể bắt người ta đi một lối hay không được đi một lối…
Rồi một hôm mới đây thôi, tôi ngẫu nhiên có cuộc gặp “kép” với Trương Nam Chi, vừa gặp người lần đầu lại là lần gặp thơ của người, tập thơ “Nỗi Buồn Pha Lê” ghi mạnh bạo ngoài bìa là thơ Lục Bát. Vốn tin vào chữ nghĩa của các nhà thơ, tôi hiểu nhà thơ đang có quyết tâm, kiên trì thể hiện mình bằng cách làm công việc là… làm mới kiểu thơ này.http://www.lucbat.com/fckeditor/editor/images/spacer.gif
Trương Nam Chi làm chi trong tập lục bát của cô?
Trước hết là “chẻ” câu nhưng không “chẻ” như nhiều người thành 2/4/4/4 mà tôi nói ở trên.
“Nợ nần vắt
Kiệt đời nhau
Nên duyên tiền kiếp
Buông câu
Ú…
Òa!”
Thoát công thức 6/8 để tạo dựng một tiết tấu 3/3/4/2/1/1, có vẻ là phá hơi dữ và cái tiết tấu này không dùng cho mọi bài, ngay sang đoạn thơ khác của cùng bài, nó đã thành 3/2/1/4/2/1/1:
“Trước ta thành
Lũy chắn
… Và
Sau ta biển động
Khó mà
Lội
Sang”
Và cứ thế tiết tấu biến báo khôn lường, chỉ âm hưởng lục bát là còn lại! Cách “chẻ” chữ của Trương Nam Chi là vậy, và cô không phải chỉ có “chẻ” chữ, “chẻ” tiết tấu truyền thống, còn thứ khác nữa: Chẻ ý!
Lục bát truyền thống vốn hao hao như thế này: “Cho em được nắm bàn tay/ Đời người dễ có mấy ai hiểu mình”, và: “Vì đời lắm nỗi/ Bất minh/ Nên tình trong sáng/ Giúp mình vững tâm” đó cũng là thơ Trương Nam Chi - những suy nghĩ rất con gái và rất hiền lành. Nhưng Trương Nam Chi đột nhiên chuyển ý từ sự “vẩn vơ” như vậy sang một sự… tung tẩy:
“Mà/ Sao nước mắt
Hình như…
Hình như máu đỏ
Loang
Từ trong tim”.
Và như thế vẫn còn nhẹ nhàng cái duyên làm mình làm mẩy của người nữ, rất khác những câu này của tác giả:
“Thì
Em cứ việc
Cách tân
Bao nhiêu đau đớn
Cho lần
Rạch
Da
Bao nhiêu lầm lỡ
Xót xa
Hóa thành tiếng khóc
Oan gia lạc
Loài”.
Điều tôi cảm nhận ở đây là những câu không cùng độ dài và được ngắt ý đột ngột kia lại là những mệnh đề, có khi là mệnh đề độc lập! Chẻ ý nhưng khéo léo lắm mới được như vậy!
Tôi nghĩ thơ Lục Bát là một dòng dài bất tận, lâu lâu lại nổi lên những “nhánh” độc đáo làm thành một biểu đồ Dân gian – Nguyễn Du – Huy Cận và tiếp tục sau này. Ở nhánh thứ nhất, lục bát như con thuyền chở theo nông phẩm của nền văn minh lúa nước. Nhánh tiếp theo ai cũng hay là chở một triết lý về kiếp hồng nhan. Nhánh Huy Cận chở nặng cảm xúc, con tim của “cái Tôi” được giải phóng khao khát yêu và cũng bơ vơ… Nhánh hiện tại của nhiều người ra đời trong bối cảnh nền kinh tế hướng về thị trường, nhiều khi cuộc sống bị bê-tông hóa từ chỗ ở đến cả tư duy, cảm xúc. Lục bát hiện đại phải chở cả một khối nặng nề…
Người đọc thơ nào cũng có những tham vọng nhìn thấy những “thương hiệu” mới và tôi nhận ra một Trương Nam Chi trong số những nhà thơ đang đi tìm “thương hiệu” cho dòng lục bát của mình. Là người làm thơ cũng khá lâu nhưng tôi rất sợ lục bát, cả đời tôi có lẽ chỉ được cặp này “Tôi về sầu trắng đôi vai/ Đi như quân tướng trong ngày bại vong” nên chi tôi rất chú ý đến tập thơ của người bạn mới gặp.
    Đổi mới thì nhiều, nhưng có căn cơ và quyết tâm thì hình như Trương Nam Chi đang một mình một cõi. Rất mong cô thành công để cho tôi thỏa lòng mong ước, nhưng rồi sẽ ra sao thì tùy thuộc vào chỗ nhà thơ chỉ làm mới một chút cho vui hay là… Trương Nam Chi, nhà thơ lục bát, tại sao không?.
Long An, Tháng 10/2014 
Nhà thơ Cao Thoại Châu

Theo http://lucbat.com/

1 nhận xét:

  Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao – trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em a...