Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Trương Nam Chi: Nỗi buồn trong như pha lê

Trương Nam Chi: Nỗi buồn trong như pha lê 
Hơn một năm rồi tôi chưa đọc Trương Nam Chi, có lẽ từ sau tập Dốc Thiêng của chị ra đời hồi giữa năm ngoái đến nay, cũng không biết nhà thơ này đang cày bừa hay gieo trồng gặt hái được những gì trên cánh đồng thơ của chị nữa. Hôm rồi, bất ngờ nhận được tập thơ mới mang tên “Nỗi buồn pha lê” của Trương Nam Chi rất đẹp còn thơm mùi mực, vừa được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Đọc Nỗi buồn pha lê, suy ngẫm giữa Trương Nam Chi trong tập Dốc Thiêng như trong trẻo, nồng nàn, xao động, tự do, lãng mạn cùng Trương Nam Chi của Nỗi Buồn Pha Lê lặng lẽ, nhẹ nhàng, sâu lắng đằm thắm hơn trên cung bậc thời gian.
Hình như Trương Nam Chi sinh ra và lớn lên ở vùng quê ca dao, dân ca hay chị bước chân vào cánh đồng thơ trên bệ phóng lục bát mà cuộc đời gắn liền với hàng trăm bài thơ lục bát viết về làng quê và thân phận con người. Thơ Trương Nam Chi ưu tư suy tưởng, thấm đẫm tình quê, tình đời, âu yếm đến da diết, nhả hết tơ lòng dệt nên những thi ảnh huyền diệu, ngôn ngữ thơ giàu hình tượng, giản dị rất đời thường mà lung linh.
Lúa xanh làm khổ cánh cò
Qua sông ngoái lại bến đò lạc nhau
Nén lòng vội vã bước mau
Kẻo giông kéo đến làm đau gió đồng

(Về Tiền Giang)
http://www.lucbat.com/fckeditor/editor/images/spacer.gif
Không hiểu sao con người sinh ra ở làng, đi xa từ thuở bé thơ, quê xa lắc xa lơ, đã ở thành phố hàng mấy chục năm rồi mà Trương Nam Chi vẫn cứ tâm tưởng nhớ nông thôn da diết, bồn chồn. Dòng sông, cánh đồng, con đò, bờ kênh… trong thơ Trương Nam Chi thấp thoáng bóng những nàng tiên hiện về nguyên vẹn chân quê:
Con đường đất tiễn người đi
Ruộng nương nứt nẻ mấy khi nhớ về
Phố đông lẫn khuất câu thề
Tiếng quê thảng thốt vỉa hè phồn hoa.

(Tiếng quê)
Viết về nông dân, nông thôn, ngòi bút của Trương Nam Chi nhảy múa như một họa sĩ tài hoa chuyên vẽ tranh thủy mạc và các bức thi họa ấy hiển hiện ra cái chân thiện mỹ và nhân văn lãng mạn lay động đến tâm thức của người đọc. Câu chữ trong thơ của chị không gân guốc, cao siêu, không cần giảng giải mà sức lan tỏa bay xa thấm đẫm tình đời.
Cái hôm ngọn gió đi rong
Vắt trên vạt nắng đường cong hững hờ.

(Nỗi niềm mây trắng)
Một Trương Nam Chi dung dị trên cánh đồng thơ đã thả hồn vào câu chữ một cách đằm thắm, gieo vào tâm trí người yêu thơ nỗi nhớ nhung lưu luyến, đầy quyến rũ.
Con gà trống nhớ xóm thôn
Nghe trong tiếng gáy vắng hồn lũy tre

(Tha hương)
Song, lại có một Trương Nam Chi ưu tư, rong ruổi trong cuộc hành trình, nhạy cảm trong khắc khoải vui buồn.
Hoa rơi để lại nhụy tàn
Người rơi nước mắt tôi tràn nỗi đau
Phím đàn gảy lệch lòng nhau
Đền thiêng nghiêng đổ còn đâu cõi thờ

(Xót xa)
Hình tượng người mẹ và người lính hy sinh ở đảo Gạc Ma năm 1988, Trương Nam Chi đã hòa quyện vào trong thâm tâm của mẹ để chiêm nghiệm nỗi đau mất mát mà chỉ có tấm lòng của người mẹ mới trằn trọc, thao thức chịu đựng đến thắt ruột gan. Nhà thơ đã chạm vào tâm thức sâu xa của nhân sinh sâu sắc của tình mẹ:
Con ơi giàn mướp hàng cau
Cũng buồn vắng bóng con lâu chưa về
Con nay đã vẹn lời thề
Máu hòa sóng biển vỗ về Gạc Ma
Và :
Đêm nay mẹ nén nỗi đau

Lắng trong tiếng gió biết đâu… con về
(Lòng mẹ)
Viết về cuộc sống lứa đôi của tuổi trẻ giận thương, gần xa và chia li của những mối tình tươi trẻ, những bộc bạch tâm tư cũng đủ thấy một Trương Nam Chi trải nghiệm mà không dằn vặt xót xa, âu cũng là duyên phận…
Con đò chung thủy bến sông
Khó neo được mối tình không bến bờ

(Suy ngẫm)
Hay :
Biết rằng mình đã người dưng
Thì thôi xem nhé chưa từng gặp nhau
Em về chưng cất niềm đau
Lạ chưa! Kỷ niệm giấu đâu cũng thừa.

(Lạ chưa!)
Với Trương Nam Chi, có lần chị tâm sự rằng: Thơ lục bát như hương vị của cuộc đời, cứ ngọt lịm, lắng đọng đến tận cùng tâm can. Thơ lục bát là mối tình đầu của chị khi bước chân vào con đường thi ca. Cho nên, thơ lục bát với chị là người bạn tâm giao. Làm thơ lục bát không khó nhưng để có bài thơ lục bát hay đi theo năm tháng, và sống mãi cùng bạn đọc thì cực khó, và không nhiều người làm được điều ấy. Trương Nam Chi đã có những câu thơ, bài thơ đạt đến đỉnh cao của lục bát, vương vấn trong tâm can sâu xa của người đọc và có tầm ảnh hưởng sâu rộng.
Ừ, thì buồn buốt mùa đông
Ừ, thì buồn thấu cánh đồng cô đơn
Ư, thì nắng quái chập chờn
Ừ, thì giông tố vuốt vờn bao phen

(Nỗi buồn pha lê)
Trong cuộc sống hiện tại đa dạng và phong phú, nhiều lúc cuộc đời phải chấp nhận giông tố phũ phàng, để vượt qua nghiệt ngã của định mệnh. Song, nỗi buồn trong như pha lê của nhà thơ đã được Trương Nam Chi lượng hóa kéo nó về chốn ân tình
Cho em được nắm bàn tay
Đời người dễ có mấy ai hiểu mình
Tri âm chẳng lụy bóng hình
Mai xa còn tấm chân tình sao quên

(Tri âm)
Qua đó, cũng đủ cho ta thấy một Trương Nam Chi bản lĩnh tư tin làm nên bản sắc riêng cho tiếng thơ của chị, đọng lại trong tâm tưởng người đọc một cách đồng cảm, hàm súc mà sức hấp dẫn ngôn ngữ thi vị như thầy phù thủy đang rung lên cung bậc âm thanh sâu lắng, đĩnh đạc trên văn đàn thi ca ngày nay.
TP. HCM, 9/2014
Nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh
BỚ HỒN CON CHỮ…
VÀI CẢM NHẬN KHI ĐỌC 
“NỖI BUỒN PHA LÊ” – THƠ TRƯƠNG NAM CHI
   Những lúc bứt thoát được những hệ lụy cuộc sống, tôi chỉ thích được lang thang lên mạng, mong bắt gặp một câu thơ, một dòng văn nào đó gần gũi với tâm trạng để ru dỗ mình bằng những phút giây đồng điệu.
   Sự đồng điệu chẳng dễ gì gặp gỡ trong hiện thực quá ư chộn rộn chuyện cơm áo gạo tiền. Thường những lúc vậy, tôi hay lêu bêu vào trang giới thiệu tác phẩm mới của Tủ sách Văn Tuyển, một trang mạng thuần túy văn học (vantuyensaigon.net).
   Và rồi chiều nay… bắt gặp ở đây một thi phẩm mới toanh, mang cái tựa đề nhè nhẹ miên man: Nỗi Buồn Pha Lê, của Nhà thơ Trương Nam Chi. 
   Tên của Người, tên của thi phẩm và thể thơ Lục Bát, gần như cùng một lúc xui giục cú kích chuột.
   Vốn rất thích thơ Lục Bát, một dạng thức thi ca hoàn toàn Việt, là của người Việt, và hầu như chưa bị tác động, biến đổi gì nhiều trong dòng chảy thi ca đang ngồn ngộn tiếp nhận nhiều trào lưu thơ hiện đại, nên cái quốc hồn quốc túy luôn chảy xiết trong lòng câu thơ Lục Bát từ xa xưa cho đến bây giờ. Dù rất nhiều nhà thơ từ thế hệ này sang thế hệ khác trên thi đàn Việt, dày công vận dụng thi tài của mình để cải cách, nâng cao tính nghệ thuật cho thứ ngôn ngữ trực quan, giao tiếp nhưng mang đầy âm điệu, nhạc tính rất riêng biệt của người Việt. Dẫu vậy, trước bao nhiêu biến tấu tài hoa của bao thế hệ thi nhân, thể thơ sáu - tám vẫn giữ được nguyên vẹn hình hài vốn có của nó, vẫn là thứ phương tiện gần gũi thân quen để người làm thơ chuyển tải tâm cảm đến với người yêu thơ, từ Tâm đến Cảnh.
    Dĩ nhiên, với những lợi thế ấy, thơ Lục Bát đã được nhiều, rất nhiều nhà thơ chạm vào nên cũng dễ bị “bình dân hóa”, sáo mòn, cũ kĩ… nếu nhà thơ không bị rù quyến thật sự để gởi gắm hết hồn vía và luôn làm mới nó.
   Trở lại với tập Nỗi Buồn Pha Lê, từ cú kích chuột đầu tiên, dòng đầu tiên, trang đầu tiên của Nỗi Buồn Pha Lê, tôi hơi bị giật mình:
Bớ
Hồn con chữ
Bơ vơ
Về đây
Xích lại
Cho thơ gieo vần…
(Gọi hồn)
  Mới ghé vào, mới đặt nửa bàn chân vào cõi thơ của Trương Nam Chi, là chạm ngay một lối cấu trúc khá đặc biệt, mới mẻ và một cảm giác khắc khoải thống thiết của người đang cầu hồn, cái hồn vía chữ nghĩa. 
Phải thừa nhận rằng cái hồn vía chữ nghĩa trong thế giới thơ hôm nay đang bị loãng tan mờ nhạt, bởi sự xâm thực của đời sống lệch nghiêng về phía quá thực dụng.
   Sự tâm cảm giữa một người viết và một người đọc, có lẽ là cốt lõi thành công hay thất bại của một thi phẩm. Và tôi, người đọc. 
Người đọc thì bao giờ cũng muốn tìm thấy cái cảm xúc thật, trong mong muốn, ước ao tìm thấy phần hồn qua xác chữ. Sự đồng cảm ấy cũng đã xúi giục tôi bước đi tiếp đến tận cùng 99 bài thơ trong Nỗi Buồn Pha Lê.
   Đọc từ đầu đến cuối, rồi lại đọc… và… đọc, tôi đọc đến lần thứ ba và không thể không viết vài dòng cảm nhận khi tìm thấy cho mình một khoảng lặng đầy suy tư:
  Trong bài Chiếc Lá, viết theo dạng thơ tứ tuyệt, chỉ bốn câu, bằng dung lượng của một bài hài cú, cũng đầy đủ yếu tố chiêm nghiệm và giải quyết rốt ráo tâm ý và tâm cảnh:
CHIẾC LÁ
Ước là chiếc lá
Đong đưa
Mặc trời sáng
Nắng
Chiều mưa
Cũng đành…
Tháng ngày lấy biếc
Làm
Xanh
Lấy sương
Giữ
Nét long lanh
Dâng
Đời.
  Hay những nét phác họa chân dung rất lạc quan của Trương Nam Chi trong Cời lửa có thể trở thành một bài học cần thiết cho những người không dám trút bỏ thân phận nỗi buồn pha lê, trong veo, trắng ngần và dễ vỡ:
U buồn thổn thức
Gọi tên
Người đem xâu chuỗi
Phơi
Trên tro tàn
Mình tôi lóng ngóng
Cời than
Khơi lên đốm lửa
Dập tan muộn phiền.
(Cời lửa)

   Dung dị, mộc mạc nếu không nói là rất đơn giản trong sử dụng ngôn ngữ, vậy mà câu thơ đã nói hết, nói bằng hết, nỗi buồn sâu thẳm của tác giả trong hình ảnh rất đơn độc u uất một người, một mình ngồi cời than. Lan man trong trầm tư liên tưởng hình ảnh, tôi cũng bị rơi vào một không gian hun hút cô độc đến kì lạ. 
    Và cũng chính trong bức tranh tưởng chừng rệu rã ấy lại ẩn chứa bản lĩnh vượt thắng “…khơi lên đốm lửa/ dập tan muộn phiền…” của bậc trí giả.
http://www.lucbat.com/fckeditor/editor/images/spacer.gif
   Tôi không biết tiểu sử, không biết cuộc sống của Trương Nam Chi, nhưng qua tập thơ này, tôi cảm nhận chị phải trải qua nhiều thăng trầm trong đời thực mới nhận thức được cái chân lý bất biến là vô ưu, để cân bằng được nội tâm với khách thể.
Nhà thơ cũng đi trước cuộc đời mình một bước, vượt qua được cảm tính thông thường của một nữ nhân, khi xác thực sự hiện hữu chỉ là giai đoạn phù phiếm trong vòng chuỗi sinh diệt như một người đã đắc đạo:
Ơ này! Nhan sắc gió mây
Có nghe tiếng gọi cỏ cây đang chờ
(Nhan sắc)
   Hay trong Gánh buồn, Trương Nam Chi đã viết:
Gánh buồn ngúng nguẩy rong chơi
Vẩn vơ thiên hạ buông lời quàng xiên…
Gánh buồn xốc lại xiêm y
Kẻo bụi oan trái lắm khi bám vào…
   Tôi càng đọc, càng thấy thích thú với cung cách thể hiện tâm ý của chị qua vần thơ sáu - tám tưởng chừng như đã quá cũ kĩ sáo mòn. Mỗi vần thơ như một lời độc thoại với nội tâm, với cuộc đời bằng thứ ngôn ngữ trực quan, không màu mè, không bóng lộn như rất nhiều người làm thơ khác. Có lẽ chính sự đơn giản, mộc mạc trong câu chữ, sự cách tân ngắt câu, lật dòng mang hơi hướm của dạng hình “thơ thị giác” đã tạo nên phong cách riêng biệt và thành công trong cuộc chơi gọi hồn cho xác của Nhà thơ Trương Nam Chi.
Huế, tháng 10/2014
Nhà thơ Nguyên Quân

 Theo http://lucbat.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...