Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Về bài thơ "Thuyền tình" của Thúy Nguyễn

Về bài thơ "Thuyền tình" của Thúy Nguyễn 
(Trong tập thơ "Cổng làng" - NXB Hội Nhà văn - 2014)
THUYỀN TÌNH
Thúy Nguyễn
Anh như con thuyền nhỏ
Khua dòng nước êm xuôi
Hai cánh chèo tuy mỏi
Miệt mài chẳng dừng trôi...
Sông sâu đi muôn nơi
Thủy triều dâng đầy vơi
Em hóa thành con gió
Đẩy thuyền anh dễ trôi
Con thuyền anh, anh ơi!
Dẫu hành trình đây đó
Vẫn buồm căng lộng gió
Em nâng cánh buồm anh
Thuyền thơ anh long lanh
Cho lòng em xao động
Tình ta như gió lộng
Sống bên nhau êm đềm...

Thuộc mạch thơ "tình yêu trao nhau trí tuệ và nâng cánh cho nhau", "Thuyền tình" (tr.87, tập thơ “Cổng làng”) bộc lộ khá rõ nét ý tưởng tuyệt vời đó - ý tưởng mà ít gặp ở những bài thơ về tình yêu.Đó là ý tưởng chung, cơ bản. Bài thơ mang ý tưởng song trùng, nên còn có ý tưởng "quan hệ giữa thơ ca và tình yêu".Đối tượng cảm xúc của thơ ca rất phong phú; song, tình yêu là đối tượng nổi trội, phổ biến của thi ca. Chả thế mà bất cứ ai làm thơ cũng có thơ tình yêu; hoặc khi yêu, dù là người không biết làm thơ, cũng ghép vần thành "thơ" để gửi tặng người tình của mình. Ngược lại, khi tình yêu được thơ ca rung động và tôn vinh, đến lượt mình, tình yêu lại làm cho thơ ca bay bổng và sáng giá - "Thuyền thơ anh long lanh/Cho lòng em xao động" là vậy!
Ý tưởng song trùng trong thơ Thúy Nguyễn là một trong những nét độc gặp trong thơ chị.
Có ai đó đó còn cảm nhận thêm ý tưởng phồn ái của bài thơ, đó là đôi tình nhân hỗ trợ nhau, tạo cho nhau ngất ngây-hạnh phúc thật sự trong một cuộc hoan tình. Có lẽ, đó cũng không phải là cảm nhận suy diễn. Và như vậy, bài thơ có tam trùng, chứ không chỉ song trùng ý tưởng!
Hình tượng con thuyền anh được diễn biến qua bốn khổ thơ.
Khổ đầu:
Anh như con thuyền nhỏ
Khua dòng nước êm xuôi
Hai cánh chèo tuy mỏi
Miệt mài chẳng dừng trôi...
Đó là hoàn cảnh thuyền anh: Cô đơn, nhỏ nhoi, mệt mỏi dẫu là anh miệt mài khua dòng nước êm xuôi.
Khổ hai:
Sông sâu đi muôn nơi
Thủy triều dâng đầy vơi
Em hóa thành con gió
Đẩy thuyền anh dễ trôi
Trong hoàn cảnh ấy của anh, em xuất hiện như là người đồng hành cùng anh, và nhất là, em nâng đỡ anh như là người trợ thủ đắc lực: Em hóa thành con gió/Đẩy thuyền anh dễ trôi.
Khổ ba:
Con thuyền anh, anh ơi!
Dẫu hành trình đây đó
Vẫn buồm căng lộng gió
Em nâng cánh buồm anh
Không chỉ "đẩy thuyền anh dễ trôi", mà cao hơn nữa, là để thuyền anh đi nhanh hơn, nên em “Em nâng cánh buồm anh” – em làm cái công việc lớn lao hơn cả trợ giúp, đó là nâng anh lên tới đỉnh cao cuộc đời; nâng chúng ta lên đỉnh cao cuộc tình.
Khổ cuối cùng:
Thuyền thơ anh long lanh
Cho lòng em xao động
Tình ta như gió lộng
Sống bên nhau êm đềm...
Đến đây, xuất hiện tinh thần tương hỗ mang tính tác động biện chứng của tình yêu và cũng chính là ý tưởng “chốt “ của bài thơ: Em nâng cánh buồm anh để thuyền thơ anh bay bổng long lanh. Đến lượt mình, thuyền thơ anh lại tác động trở lại em, để “Cho lòng em xao động”, rồi đi đến đích cuối của tình yêu là anh và em ”Sống bên nhau êm đềm...”.
Thi từ thi ngữ của ”Thuyền tình” rất thành công. Những ngôn từ cảm tả được chọn lọc rất đắc địa và phù hợp với hoàn cảnh miêu tả - như "thuyền", "mái chèo", "dòng nước", "thủy triều", gió, "buồm"…Cũng như vậy đối với những ngôn từ cảm niệm như "long lanh", "xao động", "tình ta", "êm đềm"…cũng rất phù hợp và đắc địa.
Thể loại thơ khổ dòng năm chữ như giọng nói tâm tình thầm thì, nhỏ nhẹ của đôi tình nhân - có lẽ đó là một trong những lý do để bài thơ được phổ nhạc, âm điệu dịu dàng, ngọt ngào và gợi cảm - bài thơ được nhạc sĩ Lê Tiến Hoành phổ nhạc rất thành công.
Các bài thơ "Chân trời sáng" (tr.40), "Ánh sáng tình yêu" (tr.46) cũng chứa đựng ý tưởng "tình yêu trao nhau trí tuệ và nâng cánh cho nhau" tương tự như bài thơ "Thuyền tình".
Cảm ơn nữ thi sĩ Thúy Nguyễn và trân trọng giới thiệu cùng độc giả!
 Theo http://www.tho.com.vn/

1 nhận xét:

  Chùm thơ của Lưu Lãng Khách Ngoài kia xuân đang qua rồi sao!/ Thềm hoa hanh hao – trên trời cao/ Chim non ca vang như ngày nào/ Bên em a...