Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Vài suy nghĩ về cái tựa “Tát cạn đời sông”, thi phẩm mới nhất của nhà thơ Phan Xuân Sinh

Vài suy nghĩ về cái tựa “Tát cạn đời sông”,
thi phẩm mới nhất của nhà thơ  Phan Xuân Sinh
Vào những ngày đầu tháng Ba, năm 2013, nhà thơ Phan Xuân Sinh lại cho chào đời tác phẩm thứ sáu của anh với cái tựa rất lạ, thi tập “Tát Cạn Đời Sông”. Giải thích về điều này, trong phần “Thay Lời Tựa”, tác giả viết: “Tát Cạn Đời Sông”, những bài thơ được hình thành từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, thời gian chiến đấu trực diện với chiến trường, thời gian bị thương nằm điều trị tại Tổng Y Viện Duy Tân – Đà Nẵng, Tát Cạn Đời Sông còn mang một ý nghĩa nói lên một phần của đời sống, theo từng giai đoạn, nhưng chung quy cũng chỉ chạy theo những hoài bảo không đâu, những ước mơ không thật, những cuộc tình viễn vông. Thế nhưng suốt cả một đời người cứ còm lưng, vắt cạn tim óc, vẫn không làm gì được. Sông vẫn đầy, nước vẫn chảy, người vẫn xa xôi diệu vợi.”
Qua đó, người đọc biết được dụng ý của tác giả khi chọn cho thi tập của mình với cái tựa không lãng mạn chút nào nhưng nó bao quát cả một cuộc sống  cùng ước mơ trải dài cả một đời người từ lúc còn tuổi hoa niên đến ngoài “lục thập nhi nhĩ thuân” của hôm nay, những suy tư , trăn trở của tác giả qua mỗi đoạn đời còn đó như mới ngày nào! Chẳng hạn qua mấy vần thơ trong “bài ca thất chí”, người đọc bắt gặp nỗi niềm của một người lính trẻ mới vào đời chưa kịp lập chiến công thì đã vội vã chia tay đơn vị với vết thương chiến tranh để lại trên thân thể suốt đời và rồi người yêu cũng chẳng còn mà tình người chung quanh dường như cũng mịt mù xa tít chốn nào! Nỗi ray rứt triền miên ấy được tác giả ghi lại ở đoạn cuối bài thơ, làm người đọc dễ cảm thông với anh giữa cảnh đời hiểm nguy bất trắc, giữa tình đời bạc bẽo ấy mà rồi lòng nào mà không khỏi vương mang đôi chút não lòng:
“đời ta ai hiểu được?
ray rứt nát tâm can
tình đi như trốn chạy
người đi như biệt tăm”
ngày rời Tổng Y Viện Duy Tân
(15 tháng 7 năm 1972)
Nhưng có lẽ cái mới trong thi phẩm này của Phan Xuân Sinh chính là cái âm hưởng cũ của những vần thơ cũ. Ngược thời gian, chúng ta thử đọc lại bài “tiếc thầm”anh sáng tác cũng vào những ngày tháng Bảy năm 1972, lúc nằm bịnh viện Duy Tân, nó diễn tả nỗi chua xót của những ngày hò hẹn, những đợi mong một bóng hình để rồi thất vọng ê chề:
mấy chục năm tiếc số phần
yêu em thì đã nằm trong hình hài
mấy chục năm tiếc con thuyền
thả trôi theo những cơ duyên bồng bềnh
mấy chục năm tiếc cho mình
hụt hơi theo những cuộc tình dở dang
mấy chục năm tiếc chỗ ngồi
chờ ai đến muộn bồi hồi nhớ thương
em đi bỏ quên con đường
bỏ ta ngồi lại vấn vương bên lòng
(Tổng Y Viện Duy Tân, 02.7.1972)
Dường như nhà thơ Phan Xuân Sinh, lúc tuổi hoa niên, vốn có mặt trên cõi đời này là để được gặp những người con gái đẹp và để được nhìn hình bóng giai nhân như bài thơ khá cũ, cách nay tròn 40 năm, bài thơ “nhìn em” mà chừng như âm vang trong cõi lòng của tuổi đôi mươi ấy mãi mãi dạt dào:
“ta đứng bên nầy, em bên kia chải tóc
mặt ngẫng lên đôi mắt khép mơ màng”
để ta biết yêu là thế thế
chút thẹn, chút ghen, chút giận, chút hờn
để ta phải liệu hồn mà tránh né
khi nhìn em phải cân nặng thiệt hơn.” 
(1973)
Dòng đời của mỗi người nào cũng có những khoảng đời đáng nhớ, đáng suy gẫm và với Phan Xuân Sinh, chính cái thời khắc quan trọng nhất của người lính trẻ khi nằm dưỡng thương nơi bịnh viện Duy Tân, có lẽ là một vết tích khó phai mờ. Nhưng với cái tai biến tối quan trọng như trời sụp đổ ấy, đối với Phan Xuân Sinh còn lại những gì, đó mới là điều đáng để người đọc lưu ý. Phải chăng, đó chính là những cảm xúc rất mạnh của một trái tim đang yêu đời và muốn sống trọn một đời đáng sống của chính tác giả bị cắt lìa khỏi đời sống. Và chính những cảm xúc rất mạnh ấy cùng với cách diễn đạt bình dị, tự nhiên như hơi thở, như lời nói, như trái tim đang rung đập từ bên trong lồng ngực của chính tác giả một cách chân thành đã kéo theo cái cảm xúc rất mạnh từ phía người đọc. Những câu thơ trong các bài thơ “ước mơ của một người bỏ cuộc”,“khúc ca lạc dương” mà anh làm nơi quân y viện những ngày tháng của năm 1972 ấy, cùng những vần thơ trong bài “đứng trên bến đò Cẩm Hà” viết trước lúc bị thương là những hơi thở rất thiết tha của tác giả khi nghĩ ngợi về mình, về tha nhân, về bạn và thù, về tuổi trẻ, về những người lính, về chiến tranh, về quê hương như một lời tâm tình rất gần gũi mà đầy tình người mà vô cùng cảm động.
Qua một vài vần thơ cũ vừa dẫn, mà tôi nghĩ đó chính là cái cũ làm nên cái mới trong thi phẩm“Tát Cạn Đời Sông”.Ngoài ra, qua những trang sách của tác giả, khiến cho người đọc liên tưởng dường như Phan Xuân Sinh rất thích ví dòng đời như một dòng sông, có lúc êm đềm, có lúc sóng to gió lớn, có lúc nước sông đầy, có khi nước cạn và rồi anh đắm mình bơi lội trên dòng sông ấy mãi miết, bất tận kể cả có lúc anh “bơi trên dòng nước ngược”.(*) Nhưng khi một“đời sông” được “tát cạn”, thì có nghĩa mọi sự thực đều được tác giả tỏ bày ra hết trước mắt người đọc; lúc bấy giờ, người đọc sẽ không còn phải phân vân đâu là sự thực, đâu là hư cấu trong trước tác, mà chỉ còn lại là tấm lòng thành thực của tác giả muốn chia sẻ cùng mọi người cùng với các cảm xúc thật của chính mình.
Và theo thiển ý của một người đọc nhà quê già như tôi, tôi nghĩ rằng “Tát Cạn Đời Sông”, tự nó đã có một đời sống thiêng liêng của nó, hay hoặc dở, giá trị hoặc không giá trị, tất thảy đều vô nghĩa đồi với nó. Ở đó chỉ có cảm xúc rất thật và tha thiết của tác giả về những ngày qua của một dòng đời cùng cách diễn đạt, chọn chữ, chọn vần rất Phan Xuân Sinh mà không cần đến bất cứ sự phân tích chi li nào của những nhà phê bình văn học. Vả lại, làm sao có ai có thể cắt nghĩa được cái đẹp của những vần thơ!.
(*) Tên một tập truyện của Phan Xuân Sinh
 Lương Thư Trung
Theo http://thatsonchaudoc.com/

1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...