Lễ hội cầu mùa của đồng bào Nùng, Lạng Sơn
Cầu mùa là một trong những lễ hội đặc sắc của dân tộc Nùng (Lạng
Sơn), được tổ chức với ý nghĩa cầu cho mùa màng bội thu, làm ăn no đủ, người
người khỏe mạnh.
Ở Lạng Sơn người Nùng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu các
dân tộc của tỉnh. Bản thân dân tộc Nùng được chia thành nhiều nhóm địa phương với
tên gọi thường gắn liền với địa danh nơi di cư hoặc trang phục: Nùng Cháo, Nùng
An, Nùng Phàn Slình, Nùng Cúm cọt, Nùng Inh, Nùng Hua lài… Chính vì vậy, phong
tục tập quán của họ rất phong phú và đa dạng. Trong đó phải kể đến lễ hội cầu
mùa.
Theo phong tục, cứ đến ngày chính hội, bà con dân bản lại chuẩn
bị các lễ vật để dâng cúng các vị thần linh và thổ công thành hoàng. Mâm lễ vật
trong đó không thể thiếu gà luộc, các loại bánh như: khẩu sli, bánh khảo, pẻng
khô (bánh bỏng)… Đây chính là sản phẩm của những bàn tay lao động, những món ăn
đậm đà hương vị quê hương.
Chủ lễ thực hiện các nghi thức khấn lễ.
Chính giờ lành, Pú-mo – người chủ lễ đại diện cho cộng đồng
dân bản thắp nén hương thơm, dâng rượu và thực hiện các nghi thức khấn lễ, cầu
cho năm mới “làm gì cũng được, ước gì cũng nên, mùa màng bội thu, trâu bò đầy
chuồng, lộc phúc muôn nơi”…
Đặc biệt, nghi lễ được thực hiện để Thành hoàng tiếp nhận
thông qua 3 lần xin tén (xin âm dương) của chủ lễ: lần 1 mời Thành hoàng về hưởng
lễ vật do con cháu dâng lên; lần 2 Thành hoàng đồng ý phù hộ cho dân làng được
1 năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi; lần 3 thể hiện
sau khi Thành hoàng “quang lâm giá đáo, hưởng lộc” và đã về trời.
Múa kỳ lân trong lễ cầu mùa.
Sau các nghi thức cúng lễ thành kính, kỳ lân vào múa hội
trong tiếng nhạc rộn ràng cùng những câu lượn, câu si, câu then hòa ngây ngất,
mời gọi khắp nẻo đường. Những màn múa vui bằng các trò khỉ (lòng ná lình), vượn
người (lò hán), đười ươi (báo đông) cho đến các bài võ cổ truyền dân tộc bắt mắt
người xem, tôn lên tinh thần thượng võ.
Bên cạnh đó, những trò chơi như: tung còn, đẩy gậy, kéo co,
chơi yến. Ngoài ra đồng bào còn hát cho nhau những câu sli slong hàu (tức là
hai mình) của người Nùng Phàn Xình trong những ngày hội cầu mùa; chơi trò “lảy
cỏ” (trò chơi chuyện)… tất cả tạo nên những âm thanh rộn rã, tiếng cười vui náo
nhiệt hòa trong chén rượu men lá ngây ngất làm cho không khí ngày hội thêm tưng
bừng.
Trong không khí rộn ràng, nô nức của ngày xuân, hình ảnh con
kỳ lân (kỳ lằn) của đồng bào xứ Lạng xuất hiện để cầu chúc năm mới may mắn,
bình yên cho dân bản. Đó còn là một biểu tượng sinh động của mùa xuân, một nét
đắc sắc, riêng có của xứ Lạng.
Thầy cúng làm các nghi lễ cúng thần Rừng
Lễ cúng Thần rừng của người Nùng ở Hà Giang
TH-Cinet-DTV
Cúng Thần rừng là một lễ thức dân gian mang tính cộng đồng đặc
sắc của người Nùng ở Hà Giang, được tổ chức nhằm cầu chúc một năm mới mưa thuận,
gió hòa, mùa màng bội thu…
Trong ý thức người Nùng ở Hoàng Su Phì, rừng cấm là nơi thần
rừng cư ngụ và để có cuộc sống no đủ, gia đình được khỏe mạnh, không đau ốm thì
dân làng không được phép xâm phạm vào nơi ở của thần rừng, không được chặt cây,
lấy củi, săn bắt thú… hàng năm, vào tháng hai hoặc tháng tháng ba âm lịch, người
Nùng ở khắp các thôn bản trong huyện lại cùng nhau tổ chức Lễ cúng rừng.
Để chuẩn bị cho lễ cúng Thần rừng, trước đó khoảng 1 ngày,
các hộ gia đình trong toàn xã cử một người nam giới mang theo đồ lễ đến khu rừng
cấm để đóng góp. Trong các vật phẩm thì có một số lễ vật không thể thiếu được
đó là: Một con trâu (cứ 3 năm thì cúng một lần), một con lợn từ 50kg trở lên, 4
con gà trống, rượu và cơm xôi đỏ để làm lễ cúng. Ngoài ra, còn có hương, tiền,
bạc được làm từ giấy rơm hoặc giấy dó. Các lễ vật được bày trên 4 đàn lễ gồm:
Đàn lễ cúng Hoàng Vần Thùng và 3 đàn lễ cúng các cận thần của Hoàng Vần Thùng
là ông Tí Táo, ông Bảo, ông Liều.
Chỉ có đàn ông mới được phép tham gia lễ cúng rừng
Thầy cúng tiến hành tuần tự các bài cúng đối với từng lễ vật dâng
lên thần rừng và tổ tiên, báo cáo thần rừng từng lễ vật dâng thần, xin thần rừng
làm chứng. Nội dung của phần cúng này là mời thần rừng về dự lễ cúng, liệt kê
những lễ vật mà dân làng dâng lên và mong các vị thần đón nhận. Bài cúng kết
thúc cũng là lúc thần rừng và các vị thần đã tề tựu đầy đủ và chấp nhận những lễ
vật mà dân làng dâng lên. Bài cúng thể hiện lòng biết ơn thần linh đã che chở
cho dân làng, hàm ý mong thần rừng phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hòa, để
mọi người có sức khỏe dồi dào, cửa nhà êm ấm, làm ăn phát đạt.
Sau khi tiến hành các nghi thức cúng mang tính bắt buộc như:
Nhập đàn, cầu phúc, cầu lộc, nhận lễ sống, nhận lễ chín, tiễn Thần rừng xa giá
về Cản Nhủng thì số lễ vật sẽ được dành một ít để chế biến làm đồ lễ và làm thức
ăn sau khi tế lễ, số còn lại được chia đều thành các phần nhỏ cho mỗi gia đình
một ít, sau khi nhận số thịt này, mọi người đem về làm lễ vật để tiếp tục cúng
thần nông tại khoảng sân bằng ngay trước gian giữa của miếu thờ. Toàn bộ số lễ
vật còn lại được chế biến và ăn uống ngay tại khu rừng cấm.
Cúng xong, dân làng tiến hành chặt thịt để nấu ăn ngay tại rừng.
Tiếp đến Phần hội diễn ra, trong đó không thể thiếu được điệu
múa ngựa – điệu múa mang đậm màu sắc tín ngưỡng của dân tộc Nùng. Cùng với ý
nghĩa muốn dâng lên Hoàng Vần Thùng những đồ dùng, dụng cụ và phương tiện sinh
hoạt hàng ngày thì với những động tác uốn lượn mềm dẻo linh hoạt, hòa trong tiếng
nhạc chuông rộn rã cho thấy sự điêu luyện trong nghệ thuật trình diễn và tính độc
đáo của các đạo cụ của người Nùng. Qua đó, khiến cho lễ hội cúng rừng trở lên
sinh động nhưng không kém phần huyền bí giữa một không gian chốn rừng thiêng mà
hàng ngày vốn âm thầm tĩnh lặng.
Trước khi ra về, tất cả mọi người tham gia lễ cúng đều đến vái
tạ trước bài vị Hoàng Vần Thùng để thể hiện sự tôn kính đối với những bậc tiền
nhân.
Nghi thức cúng Thần rừng của người Nùng ở Hoàng Su Phì đã thể
hiện những nét văn hóa độc đáo riêng, tạo nên sự đa dạng trong kho tàng văn hóa
các dân tộc Việt Nam nói chung và của tỉnh Hà Giang nói riêng mà chúng ta cần
phải giữ gìn. Thông qua Lễ cúng Thần rừng cũng làm cho nhận thức của người dân
về vấn đề bảo vệ rừng và nguồn nước được tốt hơn. Bên cạnh đó xét về khía cạnh
lịch sử thì Lễ cúng thần rừng chính là kho tài liệu quý báu về tinh thần gắn kết
cộng đồng của các tộc họ người Nùng trước một thiên nhiên bao la rộng lớn mà
cũng đầy rẫy những bất trắc khó khăn luôn rình rập.
Người Nùng tổ chức Lễ khao tổ vào dịp tân gia hoặc vào những
ngày lễ lớn của gia đình trong năm.
Lễ khao tổ của người Nùng, Bắc Giang
TH-Cinet-DTV
Lễ khao tổ là dịp để người Nùng ôn lại nét đẹp trong phong tục
của dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ nhớ tới cội nguồn của gia đình, dòng họ, đồng
thời thể hiện tính nhân văn, tính cộng đồng…
Người Nùng ở Bắc Giang tổ chức lễ khao tổ vào bất cứ tháng
nào trong năm, tuy nhiên vào dịp cuối năm, khi Tết đến xuân về, công việc đồng
áng đã xong xuôi là thời điểm thích hợp nhất để làm lễ. Lễ khao tổ có thể tổ chức
vào dịp tân gia hoặc vào những ngày lễ lớn của gia đình trong năm.
Buổi lễ khao tổ được diễn ra trọn vẹn trong một ngày, thành
phần không thể thiếu là pháp sư, họ sẽ giúp gia chủ chủ trì buổi lễ. Trước khi
vào nghi lễ chính, pháp sư cúng để mời thầy thánh của mình về chứng giám buổi lễ.
Sau đó, pháp sư tiếp tục thực hiện các bài cúng để mời tổ tiên của gia chủ. Thường
lễ khao tổ sẽ mời tổ tiên chín đời của gia chủ gồm cả nội, ngoại. Trong quá
trình đi mời tổ tiên pháp sư sẽ thực hiện một cuộc trò chuyện dài với tổ tiên của
gia chủ từ đời thứ nhất tới đời thứ chín, pháp sư phải trình bày đầy đủ và khéo
léo để làm sao mời được đầy đủ chín đời tổ tiên của gia chủ về dự lễ.
Hành trình của pháp sư đi mời tổ tiên cũng như một đội quân
hùng hậu, có ngựa, kiếm, giáo mác và ấn. Muốn vượt qua những chặng đường gian
nan đòi hỏi sự cao tay của người pháp sư qua những bài cúng của mình. Trong khi
cúng mời tổ tiên, pháp sư cầm một giá gạo trong có đựng chiếc áo của gia chủ,
điều này để các cụ tổ tiên nhận được chính xác vía của con cháu và về tham dự
buổi lễ.
Buổi lễ trở nên tấp nập và phần chuẩn bị đầy đủ hơn khi pháp
sư mời được tổ tiên về tới gia đình của gia chủ. Đến phần này, con cháu trong
gia đình phải lập một bàn thờ tổ tiên, bàn thờ được dựng lên có năm cây bói
(cây lau) cột xung quanh, được che bằng một tấm vải trắng, tượng trưng cho việc
con cháu đã chuẩn bị một buồng khách trang trọng dành cho tổ tiên của mình.
Bên trên bàn thờ vẫn là bát hương, rượu và cơm nếp được gói
thành gói riêng. Chiếc bàn này dành cho tổ tiên chín đời nội của gia chủ. Phía
dưới bàn là một mâm dành cho người dẫn đường chỉ lối cho tổ tiên vào nhà.
Hai mâm bên dưới là mâm nội ngoại của gia chủ, được trải trên
tàu chuối, phía bên trái là mâm bên ngoại, bên phải là mâm bên nội và mâm của mụ
sinh, mâm nào cũng có rượu và cơm nếp.
Lễ khao tổ như một bữa tiệc cuối năm vui vẻ, ấm cúng,
thể hiện
tình đoàn kết, gắn bó giữa người với người.
Phía bên ngoài có một mâm dành cho người canh gác để buổi lễ
được diễn ra an toàn, ngoài sân một mâm che ô dành cho những khách vãng lai tới
xem buổi lễ. Lúc này pháp sư tiếp tục cúng để báo cáo lại với tổ tiên con cháu
đã đặt mâm đúng vị trí không phạm tới tổ tiên, mọi vị trí đều đã được tẩy uế sạch
sẽ, mời tổ tiên về nhận lễ.
Sau đó là lễ trao sinh tức là mời tổ tiên nhận lễ con cháu
dâng, lễ này gồm gà, lợn sống, được tiến hành ở hai không gian trong nhà và
ngoài sân, song song với việc cúng của pháp sư con cháu ở ngoài sân chuẩn bị
hành lễ cắt tiết gà, lợn.
Những người được chọn để hành lễ đã được kiêng cữ vài ngày
trước khi buổi lễ diễn ra. Khi pháp sư thực hiện nghi lễ cúi đầu tức là xin tổ
tiên nhận lễ, sau đó ra hiệu cho con cháu bên ngoài hành lễ. Trong quá trình
cúng lễ pháp sư kể lại quá trình chín đời dòng họ sinh sống đặc biệt là của gia
chủ làm lễ. Điều đó giúp giáo dục con cháu nhớ và biết ơn tổ tiên mình.
Khi mời tổ tiên dùng lễ chín gồm gà luộc, pháp sư sẽ dùng lời
lẽ trong bài cúng của mình để mong tổ tiên hiểu tấm lòng con cháu. Lúc này pháp
sư đứng lên thực hiện nghi lễ, gia chủ đứng phía sau để rót rượu mời tổ tiên.
Sau những lời thỉnh cầu với tổ tiên pháp sư làm lễ tiễn tổ
tiên. Nghi lễ tiễn gồm một con gà tượng trưng cho quà đi đường về của tổ tiên.
Khi con gà được tung ra bên ngoài sân là tổ tiên cũng đã lên đường hành trình
đi về. Nghi lễ tiễn tổ tiên kết thúc là lúc lễ sống mới được mang xuống bếp chế
biến.
Đặc biệt trong buổi lễ khao tổ gia chủ không chỉ mời anh em
trong họ mà có thể mời những người khách thân thiết của gia đình đến. Nó như một
bữa tiệc cuối năm vui vẻ, ấm cúng, thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa người với
người. Mọi người cùng hàn huyên câu chuyện của năm cũ, chia sẻ bàn bạc những dự
định của năm mới… Cũng chính vì vậy, lễ khao tổ của người Nùng vẫn luôn được
dân tộc Nùng coi trọng và gìn giữ như một giá trị quý báu.
Mâm cỗ ngày Tết của bà con dân tộc Nùng.
Phong tục rửa bàn thờ đón giao thừa
của người Nùng, Cao Bằng
TH-CinetDTV
Phong tục rửa bàn thờ đón giao thừa, cúng tổ tiên trong những
ngày Tết được người Nùng ở Cao Bằng gìn giữ và coi trọng. Điều đó không chỉ
mang yếu tố tâm linh kính trọng ông bà, tổ tiên mà còn mang những giá trị văn
hoá dân tộc đặc trưng.
Ở xã Phúc Sen (Quảng Uyên), 100% hộ gia đình là dân tộc Nùng
An sinh sống. Người Nùng nơi đây đón giao thừa với những phong tục rất đặc
trưng và độc đáo, trong đó, có phong tục cổ truyền xông, rửa bàn thờ gia tiên
trước thời khắc chuyển giao sang năm mới.
Từ chiều ba mươi Tết, không khí tấp nập, nhộn nhịp đón mừng tất
niên đã tràn ngập khắp các xóm, làng của người Nùng. Trên bàn thờ tổ tiên của
các gia đình, những mâm cỗ đầy đủ hơn, tươm tất hơn để đón thời khắc chuyển
giao giữa năm cũ và năm mới trong sự sung túc, an vui đã sẵn sàng.
Đối với người Nùng, giao thừa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Đó không chỉ là thời khắc đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mà
còn là dịp để con cháu thể hiện tấm lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên, những
đáng bậc tiền nhân sinh thành ra mình. Đúng thời khắc giao thừa, người trụ cột
chính trong gia đình sẽ thắp một nén nhang lên bàn thờ tổ tiên để báo hiệu thời
khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đã đến. Những lễ vật như thịt gà, thịt
lợn, xôi ngũ sắc sẽ được dọn lên bàn thờ để mời tổ tiên tới hưởng lộc cùng con
cháu.
Mỗi dịp Tết đến, người Nùng đun nước lá bưởi thơm để rửa bát
hương, xông bàn thờ và đồ lễ thắp hương đón năm mới.
Tiếp đó là lễ xông hơi để “rửa ban thờ”. Trước khi hạ bát
hương từ bàn thờ xuống để lau, rửa, chủ nhà thắp hương báo với ông bà, tổ tiên,
sau đó dồn toàn bộ số chân hương và tro cũ gói vào một bọc giấy cất cao lên
hàng rào gần nhà rồi cắm 3 nén hương lên trên bọc giấy. Nước dùng để lau, rửa
bát hương được đun ấm từ lá bưởi thơm rồi phơi khô bát hương, khi bát hương đã
khô, chủ nhà cắt giấy bản thành vòng tròn cho vào dưới đáy bát hương để lót và
đặt tro mịn vào bát hương. Tiếp đó, dùng khăn sạch lau dọn toàn bộ khu vực xung
quanh bàn thờ để chuyển đặt bát hương về vị trí cũ rồi xếp bánh kẹo, hoa quả,
bánh chưng…, lên thắp hương và thắp hương liên tục không để tắt. Từ tối ba mươi
Tết đến hết ngày mùng ba, mùng bốn Tết, trên bàn thờ luôn luôn đặt một con gà
trống đã được làm thịt để thắp hương; hằng ngày cúng cơm 2 bữa liên tục cho đến
khi hoá vàng.
Rửa bàn thờ là phong tục có từ rất lâu của người Nùng nơi
đây. Họ qua niệm khi xông, hơi tỏa ra từ chậu nước chứa lá thơm sẽ làm cho bàn
thờ gia tiên thơm tho hơn, dễ chịu hơn. Những cái xấu của năm cũ sẽ trôi đi,
đón một năm mới trong sạch đẹp, an khang hơn. Làm xong lễ “rửa bàn thờ” bà con
đi tới từng gia đình để chúc tết, xông nhà. Chúc cho nhau năm mới sức khỏe, an
khang và thịnh vượng.
Mỗi dân tộc đều có những phong tục đón giao thừa riêng, đón
xuân riêng, nhưng đối với đồng bào Nùng thì đây có lẽ phong tục độc đáo nhất
ngày xuân chỉ ở nơi đây mới có. Đó là phong tục
văn hóa ngày tết hay và độc đáo nên cần được gìn giữ và bảo tồn.
văn hóa ngày tết hay và độc đáo nên cần được gìn giữ và bảo tồn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét