Say đắm “Hội xoè” dân tộc Thái
Cinet
“Không xoè không vui, không xoè cây lúa không trổ bông, không
xoè cây ngô không ra bắp, không xoè trai gái không thành đôi” – câu dân ca Thái
từ ngàn xưa đã khẳng định vị thế điệu xoè trong đời sống người dân Thái đất
này. Từ những cuộc vui nhỏ của gia đình như lễ mừng nhà mới, đám cưới, hỏi, cho
đến những lễ hội lớn của bản làng như hội rằm tháng Giêng, tết xíp xí, lễ hội
hái hoa ban, lễ mừng cơm mới… khó có thể vắng bóng điệu xoè hoà nhịp cùng lời
ca, tiếng khắp trong thanh âm rộn ràng, tha thiết của những khèn bè, trống,
chiêng, tằng bẳng, mắc hính…
Không đơn giản chỉ là những điệu múa trong các cuộc vui mà mỗi
một động tác, một dáng đi, dáng đứng, một cách xếp đội hình, cách chuyển động đều
là những cung bậc, sắc thái khác nhau mà điệu xoè mang theo. Đó là tình yêu cuộc
sống, tình cảm nam nữ, khát vọng trong lao động, chiến đấu, sản xuất… được người
Thái bao đời nay gửi gắm vào từng điệu xoè.
Khi ta lẫn vào vòng xòe mới cảm nhận được sự quyến rũ khó lường
của xòe tay cầm tay quyện tròn xung quanh đống lửa hồng rực sáng. Có xòe Mường,
xòe Tày, múa xòe của mỗi dân tộc đều có nét độc đáo riêng. Truyền thống xòe
Thái nổi bật hơn, trầm bổng hơn, bởi có nhạc xòe bằng khèn bè trống mõ với ống
nứa, gõ vào nhau tạo ra những âm thanh làm nhạc nền cho người múa. Xòe Thái có
khăn đỏ dài quàng qua cổ, tô điểm thêm bộ áo váy đẹp và rất riêng. Xòe Thái
không gian nhỏ mà khuôn múa lớn, có không gian thu hút tới cả trăm, ngàn người
tham gia, gọi là “đại xòe”.
Văn hóa Thái còn gìn giữ được sáu điệu xòe cổ, điệu “khắm
khen” tức điệu nắm tay nhau vòng tròn, biểu hiện cho tình đoàn kết các dân tộc
anh em trong cộng đồng người Việt, điệu “khấm khăn mời lẩu” tức nâng khăn mời
rượu tỏ lòng yêu quý và mến khách, điệu “phá xí” tức bỏ bốn, tượng trưng cho bốn
phương trời đất, sự đoàn kết trao đổi, tình cảm của con người, điệu “đổn hôn” Tức
tiến, lùi và nhào ra phía trước, lùi về sau thể hiện việc dẫu trời đất có giông
bão, sóng gió nhưng tình cảm con người với con người luôn gắn chặt bên nhau, điệu
“nhôm khăn” tức tung khăn thể hiện niềm vui mùa lúa thắng lợi, xây nhà mới,
sinh con thêm cháu, cưới xin… điệu “ỏm lọm tốp mư” vòng tròn cổ tay thể hiện sự
vui mừng gặp gỡ, bịn rịn khi chia tay nhau sau mỗi cuộc xòe.
Xòe Thái có sự nhịp nhàng uyển chuyển của đôi chân theo nhịp
khèn, trống rộn rã đến lúc cuồng nhiệt, múa xòe làm cho người lạ bỗng thành
quen, ngồi trên nhà sàn uống rượu vừa múa xòe nghe hát dân ca thì cảm giác rất
thư thái tuyệt vời.
Múa xòe của các thiếu nữ xinh đẹp trắng hồng tựa như hoa ban
nở, xòe say trong men rượu nếp, mọi người vừa nắm tay nhau xòe quanh đống lửa,
vừa rót cho nhau chén rượu. Múa xoè đã tạo nên một văn hóa, phong tục xòe truyền
thống trường tồn và không thể thiếu trong cuộc sống của cộng đồng dân tộc Thái.
Khua luống – thứ âm thanh gần gũi
của người Thái, Đắk Nông
TH-Cinet-DTV
Vào những dịp Lễ, Tết, ở thôn Đắk Thanh, xã Nam Xuân (Krông
Nô, Đăk Nông), âm thanh rộn ràng, náo nức của tiếng chày khua luống hòa trong
tiếng trống chiêng của đồng bào Thái lại vang lên.
Khua luống trống, chiêng ở thôn Đắk Thanh không biết có từ
bao giờ, nhưng theo những người già kể lại thì nó có từ thời rất xa xưa và được
bắt nguồn từ việc giã gạo mà nên hễ là người Thái biết cầm chày giã gạo thì đều
biết khua luống, đặc biệt là con gái Thái. Dần theo thời gian, khua luống trở
thành loại hình nghệ thuật đặc sắc, thành nhạc hồn của bản Thái…
Cái luống là hình máng dài, nơi dùng để giã tách hạt lúa ra
khỏi bông lúa. Luống được làm từ những cây gỗ to, thẳng, cắt thành khúc tùy
theo kích thước của luống, thường có chiều dài 3 m và đường kính khoảng 80cm,
được đẽo bớt ruột. Còn chày thì chọn những cây hoặc cành nhỏ, chắc thịt làm
chày để khi giã tiếng chày vang xa.
Người khua luống thường là phụ nữ và phải có ít nhất 7 người
trở lên, trong đó 1 người giã nhịp còn những người còn lại thì khua. Khi có nhiều
người cùng đứng giã chung một cối gạo thì mọi người phải biết cách giữ đều nhịp,
tránh cho chày va đập vào nhau. Cứ thế qua thời gian, người phụ nữ Thái khua
chày thành điệu, thành bài, trở thành nét văn hóa nghệ thuật truyền thống của
dân tộc Thái.
Đặc biệt, khua luống thường kết hợp với trống, chiêng. Khi
các thành viên khác khua luống thì cần có 1 người đánh trống và 1 người đánh
chiêng. Khác với chiêng của đồng bào Tây Nguyên, chiêng của người Thái được
đánh bằng dùi, khi biểu diễn 4 cái chiêng được treo lên và chỉ cần 1 người
đánh. Sự kết hợp giữa khua luống và trống, chiêng tạo nên những âm thanh vui nhộn,
có nhịp điệu rõ ràng, thường là nhịp chẵn 2/4 hoặc 4/2.
Với những thanh âm vui nhộn, nên khua luống của người Thái
thường được tổ chức trong những dịp vui như lễ rước dâu, đám cưới, hay khi tết
đến xuân về, sự kiện văn hóa của địa phương. Người ta có thể đứng chung lại và
khua luống một cách ngẫu hứng, có sự điều khiển của một người cầm chày đứng ở đầu
luống. Vai trò của người đầu luống là gõ chày giữ cho nhịp điệu chung của cuộc
chơi được đều đặn thống nhất.
Khua luống được chia thành nhiều điệu như chào khách, mừng cưới,
mừng lúa mới… Tiếng khua luống thường hòa với chiêng, trống và nhảy sạp làm cho
không khí lễ hội, cưới hỏi… thêm vui tươi, náo nức như thúc giục, mời gọi mọi
người tham gia.
Khua luống đã trở thành nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc
Thái. Mỗi khi nhịp chày khua luống vang lên là bàn chân người ta lại muốn bước,
cái bụng người ta lại muốn theo đến nơi có lễ hội, đến nơi vui chơi hay chỉ để nhìn
mặt ai đó lần cuối. Âm thanh phát ra từ mỗi điệu khua luống không có được cái
luyến láy, bổng trầm của những loại nhạc cụ hiện đại, bởi khua luống vốn đơn giản
như chính tâm hồn những người sáng tạo và biểu diễn nó, vậy mà bao đời nay nó
dường như đã trở thành thứ keo dính tình cảm, gắn kết mọi người thành một khối
cộng đồng thống nhất của tình bạn, tình thương, tình yêu; nó mang ý nghĩa về một
cuộc sống no đủ, hạnh phúc…
Cho dù cuộc sống ngày càng đổi thay theo hướng hiện đại,
nhưng những người Thái ở thôn Đắk Thanh nói riêng và xã Nam Xuân nói chung vẫn
luôn có ý thức lưu giữ, bảo tồn, phát huy nét đẹp của nghệ thuật khua luống trống
chiêng, không để bị mai một, quên lãng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét