Việc kết nối và tôn vinh các
giá trị lịch sử,
văn hóa di sản miền Trung*
“Cây văn hóa Quảng Trị”
là chữ dùng của cố GS. Trần Quốc Vượng. Sau khi chia tách tỉnh Bình Trị Thiên
ông mới có điều kiện gắn bó với mảnh đất Quảng Trị đăng trên Cửa Việt số 5
(tháng 10-1994) cùng nhiều bài khảo cứu chuyên sâu khác. Theo đó văn hóa Quảng
Trị có từ thời/Hệ văn hóa sơ sử; Hệ văn hóa Chăm; Các luồng giao lưu kinh tế -
văn hóa bên ngoài như Việt Thường, Hán, Đường, Ấn, Nhật, thế giới Nam Đảo; đặc
biệt là “con đường Xuyên Á” mà Cửa khẩu Lao Bảo - Đường 9 - cảng Cửa Viêt, nay
mở ra thêm Cửa khẩu La Lay nối cảng nước sâu Mỹ Thủy gắn với khu kinh tế Đông
Nam mới được Thủ tướng phê duyệt. Điều đó minh chứng cho con đường 9 nay là
Xuyên Á có dòng chảy bền bỉ từ quá khứ đến tương lai, trong việc kết nối các nước
Việt Nam, Lào, Myanmar, Thái Lan… với khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương.
Tháng 3 vừa qua BBT Cửa Việt đã mở thêm một chuyên mục mới để kết nối và quảng
bá văn hóa các nước trên con đường chiến lược này. Văn hóa Quảng Trị còn có những
mắt xích hữu cơ và nội tại là văn hóa Việt từ truyền thống đến hiện đại, cái mà
hôm nay chúng ta đang bàn là con đường di sản miền Trung. Nghĩa là Quảng Trị có
bề dày về truyền thống lịch sử, có những vỉa tầng văn hóa đa dạng, phong phú.
Song Quảng Trị cũng là mảnh đất chịu nhiều đau thương mất mát, nhất là sự hủy
diệt của chiến tranh, sự chia cắt, ly tán. Năm 1989 tách tỉnh, toàn bộ di tích
lịch sử, văn hóa, tôn giáo, đình chùa miếu mạo; tất cả những di tích trọng điểm
đều bị san thành bình địa, phế tích. Rất may là cội rễ của văn hóa Quảng Trị có
“gốc rất sâu, rễ rất bền”. Cũng theo GS. Trần Quốc Vượng, có những thời
khắc khắc nghiệt nhất của lịch sử, “nó chỉ bị đứt rễ phụ, rụng ít nhiều hoa
lá…” mà thôi. Tôi xin dẫn dụ, dẫn ra một địa chỉ là “Cõi thiêng Thành cổ”.
Năm 1989 tỉnh Quảng Trị được
tái lập, lãnh đạo tỉnh chọn thị xã Đông Hà làm tỉnh lỵ, các cơ quan cấp tỉnh tập
kết ra, nơi ăn chốn ở chồng chéo lên nhau, “màn trời chiếu đất”. Thị xã Quảng
Trị bấy giờ còn tụt hậu hơn, được mệnh danh là chốn “cỏ lau Thành cổ”. Một chiều
đạo diễn Xuân Đàm Giám đốc Sở Văn hóa bảo tôi đưa Đoàn nhạc sĩ vào Thành cổ thực
tế. Sau một vòng quan sát toàn cảnh, tiếp xúc với vài cư dân lác đác trong
Thành, tôi đưa đoàn về trụ sở Tạp chí Cửa Việt. Nhà văn Hoàng Phủ, Tổng thư ký
Hội VHNT tỉnh kiêm Tổng biên tập tạp chí chiêu đãi Đoàn một chầu rượu Kim Long
và hến xúc bánh đa giữa chiều hè đỏ lửa. Và anh chiếm hết diễn đàn, say sưa
truyền đạt, phẫn nộ trước sự bội bạc của con người, nói theo kiểu của anh là
bao nhiêu năm trời việc quy tập, thờ cúng liệt sĩ được khoán trắng cho “bộ nhớ
của lòng đất” trong bút ký “Đêm chong đèn nhớ lại”. Ra về ai cũng ray rứt và 11
giờ đêm hôm ấy, nhạc sĩ Tân Huyền gọi tôi mời đạo diễn Xuân Đàm và một số anh
em trong văn phòng qua nhà khách, ông ôm cây đàn trịnh trọng khai sinh ra ca
khúc “Cỏ non Thành cổ”. Đó là một ca khúc, theo tôi chỉ có một lời (chưa kịp viết
lời 2) và điệp khúc cũng đã láy đi láy lại nhiều lần ca từ “cỏ non Thành cổ,
cỏ non Thành cổ... xin chớ vô tình với người hy sinh trên mảnh đất quê mình…”.
Có thể nói từ con số 0, từ
những tác phẩm manh nha khởi đầu như thế, đến nay trên diễn đàn TCCV đã quảng
bá tôn vinh một khối lượng tác phẩm viết về Thành cổ của VNS Quảng Trị và cả nước
rất đồ sộ. Có thể hình dung, con sóng trước đổ vào đâu thì những con sóng sau đổ
vào đấy! Nhờ thế mà thời gian qua đi, đã để lại cho mảnh đất này rất nhiều tác
phẩm đã được chiêm nghiệm, gạn lọc, khắc sâu vào tâm trí người đọc với đủ cung
bậc cảm xúc. Nó nặng chữ, nặng tình, ám ảnh, triết luận, đa chiều về chiến
tranh mà cái chất huyền thoại, văn hóa tâm linh là một phần không thể thiếu
trong cuộc sống tinh thần của người dân thị xã Quảng Trị nói riêng và văn hóa
Quảng Trị nói chung. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, bổ sung vào kho tàng lịch
sử văn hóa thị xã Quảng Trị, từng là thị xã tỉnh lỵ trên 200 năm tuổi. Nhờ những
nỗ lực trong việc tuyên truyền quảng bá nói trên, di tích Thành cổ nay đã trở
thành một địa chỉ tâm linh gọi là “Cõi thiêng Thành cổ”, và việc đầu tư tôn tạo
di tích đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của cả nước, cõi thiêng Thành cổ có cả
một chuỗi công trình liên hoàn. Đó là tượng đài Âm Dương, nhà trưng bày chứng
tích, tháp chuông, nhà hành lễ, bến thả hoa bờ Nam, bến thả hoa bờ Bắc và tượng
đài chiến thắng…
Song hành với di tích Đất
thiêng Thành cổ, TCCV cũng đã quảng bá, tôn vinh nhiều di tích lịch sử văn hóa
khác xứng tầm với vị thế “Di tích đặc biệt cấp Quốc gia” như Nghĩa trang đường
9, Nghĩa trang Trường Sơn, Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc,
Ái Tử - đất khởi nghiệp của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, Kinh đô kháng chiến Cần
Vương - Tân Sở… Điều đặc biệt tôi muốn nói ở đây là hầu hết các di tích đặc biệt
cấp Quốc gia ở Quảng Trị ngoài “phần xác” từng bước được tôn tạo nâng cấp thì
giới truyền thông và nhân dân nơi có di tích rất quan tâm đến việc chăm lo “phần
hồn” di tích. Từ một nghĩa cử cao đẹp của CCB Lê Bá Dương khi trở lại thăm chiến
trường Quảng Trị, lặng lẽ hái hoa dại, mua hết hoa ở chợ Thị xã chất lên thuyền
thả xuống dòng Thạch Hãn để tưởng nhớ đồng đội yên nghỉ dưới đáy sông, ngay lập
tức chính quyền, nhân dân thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong đã nhân nghĩa cử
này lên để rồi quê hương Quảng Trị có thêm một lễ hội rất riêng của mình là Lễ
hội thả hoa trên sông Thạch Hãn. Ngoài việc tổ chức định kỳ vào đêm 14 âm
lịch hàng tháng, hàng năm Thị xã Quảng Trị chọn Ngày Thương binh Liệt sỹ 27 - 7
để tổ chức đại lễ có quy mô toàn quốc. Nó đã trở thành một sản phẩm
du lịch độc đáo, thu hút khách du lịch đến với thị xã, nhất là “Du lịch
hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”, “Du lịch tâm linh”. Tương tự, lễ
hội “Thống nhất non sông” ở Di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải hay
“Đại giỗ Trường Sơn” ở Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn đều là những lễ hội mới,
lễ hội cách mạng hình thành sau ngày tỉnh nhà lập lại, được các tầng lớp
nhân dân, các tổ chức cơ quan đoàn thể, doanh nghiệp đồng tình hưởng ứng, tạo
được dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè cả nước.
Điều đó chứng tỏ “bản chất của
văn hóa là rất đa dạng”, nó vừa là cái thường ngày, vừa là cái tượng trưng, cái
thăng hoa nếu ta biết cách tổ chức, biến văn hóa thành động lực thúc đẩy sự phồn
vinh, phát triển của xã hội; nó cũng là là tài sản của quốc gia, dân tộc như dầu
mỏ, khí đốt. Để làm được việc đó, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính
trị, trong đó VH-NT có vai trò rất quan trọng vì thiên chức cao quý muôn đời của
nó là bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách…
2- Cần có những giải pháp
tương thích hơn nữa trong việc tôn vinh, kết nối, đầu tư
Vừa trên, tôi đã chỉ ra những
thành tựu ở tờ TCCV trong việc quảng bá, tôn vinh về các giá trị lịch sử, văn
hóa địa phương, nơi tờ báo đứng chân. Nhân kỷ niệm xuất bản 250 số TCCV bộ mới,
Ban biên tập chúng tôi xuất bản Bộ tuyển 4 tập: Thơ - Truyện ngắn - Bút ký
- Người & đất quê hương (N&ĐQH). Tuyển N&ĐQH tuyển chọn những
bài khảo cứu tiêu biểu trên chuyên mục cùng tên là N&ĐQH. Ban Tuyển chọn
phân ra 4 tiểu mục: Non nước Quảng Trị/ Sự kiện lịch sử/ Nhân vật lịch sử và Di
sản văn hóa. Từ không đến có, ở Quảng Trị cái gì cũng bắt tay làm lại từ đầu
nên khó tránh khỏi lỗ hổng, nhất là dòng chảy văn hóa. Ví dụ khi kiểm kê lại
các danh nhân, nhân vật lịch sử vẫn còn thiếu rất nhiều nhân vật. Có nhân danh
Bùi Dục Tài thì chưa có nhiều nhân vật lịch sử khác như Trần Đình Ân, Trần Đình
Túc… dòng họ có thể nói là danh gia vọng tộc gốc Gia Miêu, huyện Hà Trung,
Thanh Hóa có công trạng đặc biệt trong việc theo phò Chúa Tiên Nguyễn Hoàng;
dòng họ có 4 đời làm quan Thượng thư triều Nguyễn đang ở làng Hà Trung, Gio
Linh, Quảng Trị hiện nay. Rồi nhà toán pháp/toán học Nguyễn Hữu Thận; nhà sáng
chế đồng hồ, tàu chạy máy hơi nước Nguyễn Tú. Có nhà cách mạng tiền bối Lê Duẩn,
Lê Thế Hiếu thì chưa có các đồng chí Hoàng Hữu Chấp, Trần Mạnh Quỳ, Trần Hữu Dực,
Trần Quỳnh, Đặng Thí… Có nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba thì chưa có Hoàng Thi Thơ, danh
họa Lê Bá Đảng… ở Triệu Phong và nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa các huyện
thị khác nhất là di sản văn hóa tộc người Vân Kiều và Pa kô. Năm 2016 TCCV đã
có phương án đầu tư chiều sâu chuyên mục N&ĐQH từ 10 - 15 tác giả để bổ
sung vào lỗ hổng trong dòng chảy văn hóa và lịch sử Quảng Trị trước mắt cũng
như lâu dài, nhất là những di tích đang có sự chuẩn bị đệ trình lên Tổ chức
UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Đặt ra vấn đề cần có sự tương thích
trong việc đầu tư tiền của là vấn đề luôn luôn cũ, song không có kinh phí thì
Ban biên tập bất kỳ tờ Tạp chí văn nghệ địa phương nào, dẫu có tài trí, tâm huyết
đến đâu cũng không thể khỏa lấp được quảng trống/lỗ hổng trên.
Di tích lịch sử, văn hóa - rộng
ra là tiềm năng du lịch tỉnh Quảng Trị ta khá đồ sộ. Con số thống kê có 479 di
tích được công nhận cấp tỉnh, 33 di tích, cụm di tích cấp Quốc gia, chủ yếu là
di tích lịch sử cách mạng. Dù có được xếp hạng là cấp quốc gia và đặc biệt quốc
gia như di tích Thành cổ Quảng Trị; Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn;
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Di tích lịch sử quốc gia Đôi bờ Hiền
Lương - Bến Hải dù có muốn đưa vào khai thác thì mãi mãi vẫn không bán vé/thu
tiền được vì là địa chỉ hành hương, tri ân liệt sĩ, ngoại trừ Địa đạo Vịnh Mốc.
Du lịch là ngành không khói, từ không biến thành có cũng là chuyện rất bình thường
ở các tỉnh thành trong cả nước và các quốc gia. Theo tôi cần ưu tiên một, đưa
nhóm sản phẩm Du lịch biển đảo và Du lịch biên mậu - thương mại lên
hàng đầu, trong đó di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc - Cồn
Cỏ - bãi tắm Cửa Việt là những địa chỉ cần xúc tiến đầu tư tương thích. Cồn Cỏ
từng được các chuyên gia quốc tế khảo sát, lập dự án đầu tư nằm trong tam giác
du lịch sinh thái biển với những lợi thế so sánh vô cùng hấp dẫn để phát triển
du lịch sinh thái biển đảo với các sản phẩm, loại hình như tham quan, nghỉ dưỡng,
nghiên cứu, du lịch thể thao, thám hiểm biển, câu cá, khám phá rừng nguyên sinh
trên đảo. Cần có sự đầu tư sâu hơn nữa trong việc quảng bá cụm Du lịch biển đảo
này như tổng hòa của sự bao dung, quật cường, khoan hoà vị tha và nhân bản, nhất
là tinh thần hòa hợp giữa con người với thiên nhiên… những giá trị đang được thế
giới hiện đại hướng đến như kinh nghiệm quảng bá tuyên truyền các giá trị lịch
sử, văn hóa tỉnh ta đã làm trong hơn ¼ thế kỷ qua. Ngoài việc tiếp nối, đề cao
truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông, cần thông tin cho nhân loại biết
rằng, người dân Quảng Trị không những có một năng lực đặc biệt chịu đựng gian
khổ mà còn biết nuôi nấng khát vọng hòa bình một cách kiên trì. Viết về chiến
tranh là viết về hòa bình, lòng nhân đạo, đức khoan dung. Khát vọng vĩnh hằng ở
Lễ hội Di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải là khát vọng thống nhất non sông, là
đoàn tụ chứ không phải vết cắt... Làm tốt điều này sẽ là cơ hội để cụm di tích
Vịnh Mốc - Cồn Cỏ - bãi tắm Cửa Việt có cơ hội được UNESCO xem xét công nhận là
di sản văn hóa đại diện của nhân loại trong tương lai gần. Nhưng trước hết các
cấp chính quyền cần có sự đầu tư tương thích cho Cồn Cỏ, có như thế thì Vịnh Mốc
- Cồn Cỏ - bãi tắm Cửa Việt mới sớm trở thành “con mắt tình ái của nhân loại”.
Việc kết nối, quảng bá, tôn
vinh các giá trị lịch sử, văn hóa khu vực Bắc miền Trung là chủ đề mới có sức hấp
dẫn và thiết thực trong việc liên kết vùng miền. Theo tôi cần có sự phối hợp, kết
nối chặt chẽ hơn nữa giữa Ban biên tập sáu tờ tạp chí để đi đến thống nhất một
kế hoạch chi tiết, hằng năm mỗi tờ tạp chí quảng bá tuyên truyền cái gì cho 5 tỉnh
bạn trong khu vực và luân phiên, ngược lại như thế. Làm tốt điều này tôi tin là
hiệu ứng tuyên truyền, quảng bá và kết nối con đường di sản miền Trung sẽ có hiệu
ứng rất cao.
* Trích Tham luận tại Hội thảo
các Tạp chí Bắc miền Trung tổ chức vào ngày 20/4/2016 do Tạp chí Cửa Việt đăng
cai tổ chức.
Y Thi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét