Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Một người đàn ông và hai người đàn bà

Một người đàn ông và hai người đàn bà
Phải mất một lúc tôi mới nhận ra anh Chủng. Tình cờ tôi đang ngồi uống nước chè ở một quán cóc trong phiên chợ xép phố Bờ Sông, lúc ấy anh đi bán nhang. Anh chở một bó nhang to trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ. Nghe tiếng tôi gọi, anh nhìn tôi rồi cười, trơ ra hàm răng giả có một chiếc bọc vàng tây sáng chóe.
- Chú về hôm nào mà không xuống anh chơi? - Anh Chủng nói to, bỗ bã có ý trách như không thèm để ý tới những người khách nửa quê, nửa tỉnh đang ngồi uống nước, uống rượu ở hàng ghế bên. Ông anh họ tôi là người bán quán, nghe người quen ra vồn vã mời anh Chủng vào xơi chén nước.
- Em mới về… Về giỗ bố em. - Tôi đáp.
- Nhanh nhỉ… Mới đấy mà ông quy tiên đã ngót mười năm. Hèn gì cả anh cả chú đều già đi là phải.
- Chiều mai mời anh lên chơi, uống chén rượu.
- Được. Anh sẽ lên thắp hương cho ông, nhân tiện thăm bà và chú luôn thể. Còn bây giờ cho anh về. Bận lắm, chú cứ trông anh thì biết.
Anh Chủng đi rồi, tôi vẫn còn ngồi trong quán nước trà… Năm ấy, tôi tròn mười bảy tuổi, đã có giấy gọi đi bộ đội. Trong tiểu đội của tôi, anh Chủng là A phó. Gốc anh là cán bộ của Công ty Vệ sinh đi chiến trường bổ sung cho chiến dịch Mậu Thân 1968. Anh được coi là “thủ trưởng của lũ nhóc” chúng tôi vì anh là đảng viên, đã có vợ con lại hơn chúng tôi tới gần hai chục tuổi. Những lúc tức giận vì bị anh quát nạt, phê bình hoặc muốn trêu tức anh “tiểu đội phó đảng viên”, đám lính học trò cứ gọi anh là “Lục” - ám chỉ những người làm nghề đổ thùng trong các nhà vệ sinh công cộng của thành phố. Bây giờ thời buổi văn minh, nhà nào có điều kiện đều làm vệ sinh tự hoại, ít bắt gặp trong thành phố, thị xã những nhà xí công cộng. Và cũng không còn thấy những chiếc xe đổ thùng của Công ty Vệ sinh đi lấy phân đêm. Thủa tôi còn bé, thật khổ cho dân hàng phố phải chịu đựng cái mùi xú uế ấy vào những lúc đêm khuya thanh vắng. Nhưng những người như anh Chủng, anh Gọng là công nhân viên của Công ty Vệ sinh không hề mặc cảm, tự ti với công việc vất vả, bẩn thỉu của mình. Lao động là vinh quang! Anh Chủng bảo vậy. Vả chăng tuy anh có sớm khuya vất vả cực nhọc đẩy chiếc xe phân đi dọc dãy phố dài, hay gánh trên vai hai thùng phân nặng ba bốn chục cân nhưng so với vợ anh ở quê, làm xã viên hợp tác xã, cuộc sống của anh Chủng còn sung túc chán. Anh là công nhân biên chế Nhà nước. Có tem phiếu, có lương và phụ cấp cho con. Cuối năm được họp hành xét bình bầu chiến sỹ thi đua, lao động giỏi, rồi được nhận giấy khen, tặng phẩm. Anh còn khoe với chúng tôi, ngày anh làm đơn đi tuyển công nhân vào Công ty Vệ sinh, lý lịch phải khai đến ba đời. “Ông và cha mẹ tớ đều là bần cố nông, cốt cán cả nên họ mới xét chứ không thì…." Thế thì đám lính học trò trẻ ranh còn thò lò mũi xanh hỗn thật! Chúng tôi đâm sợ anh… Anh Chủng nguyên tắc lắm. Có thể anh cho mình là đảng viên, lại có vợ, lớn tuổi rồi cần gương mẫu. Mà anh gương mẫu thật. Đi gác, thức dậy rất đúng giờ, chăn màn gấp thẳng nếp. Khẩu AK giao cho anh giữ luôn được lau chùi sạch bóng. Còn đám lính trẻ vốn tự cho mình có chút ít chữ nghĩa, dân phố chính gốc, hay coi thường anh Chủng, sẵn sàng vô kỷ luật cắt áo sửa quần cho “săng ly, bó ống”, trễ nải gác đêm và đi họp muộn… Anh Chủng rầu lòng với chúng tôi lắm. Vì những chuyện như vậy mà trung đội, tiểu đội thường mất điểm thi đua…
Sáu tháng trời luyện quân ở Trại Trầm, đi cứu lụt ở Yên Dũng, một đêm kia giữa những ngày đông rét buốt, chúng tôi lên đường vào Nam. Ròng rã bốn tháng trời chúng tôi hành quân trên con đường Trường Sơn muôn vàn khổ ải. Khác với nhiều người lính già có vợ con, nặng gánh gia đình, anh Chủng đã không “B quay” đào ngũ. Anh không hề tỏ ra nao núng, sợ hãi khi vào đến tuyến lửa Khu Tư, bom ném liên hồi và lần đầu tiên được nhìn thấy những pháo đài bay B52 xả trên bầu trời ba vệt khói trắng như sữa cùng với những nấm khói bom rải thảm phía chân trời. Thậm chí, anh còn động viên đám trẻ chúng tôi đừng nản lòng thối chí. Lúc tiểu đoàn tân binh được bàn giao cho chiến trường, anh Chủng cùng chúng tôi được đưa về một đại hội bộ binh, phải trụ bám vùng giáp ranh. Anh em chúng tôi đã nhiều phen nhịn đói, ăn cháo môn vóc, xuống đồng bằng mua gạo và đánh địch, vấp mìn. Có một lần, cả tôi và anh Chủng suýt chết khi sa vào ổ phục kích của một đại đội thám báo ở rừng Hương Trà… Rồi một ngày, anh Chủng bị thương, đi viện. Từ dạo đó tôi không còn gặp anh nữa.
Cho đến ngày bố tôi mất, nghĩa là mười bốn năm sau tôi mới gặp lại anh Chủng trong hoàn cảnh tang gia bối rối. Anh Chủng đã về quê, chuyển ngành, trở lại làm việc ở cơ quan cũ - Công ty Công trình vệ sinh công cộng. Anh trở lại với chiếc xe bò bịt bùng, đêm đêm đi lấy phân ở các nhà vệ sinh công cộng, cơ quan, trường học… Sức khỏe ngày càng yếu, anh Chủng được lãnh đạo Công ty bố trí công việc hành chính, tổ chức cho đến ngày anh về hưu non. Còn tôi, vẫn phiêu bạt ở miền Nam sống bằng nghề dạy học. Thêm chín năm nữa, bây giờ tôi mới có dịp gặp lại anh!
Mới bốn giờ chiều, anh Chủng đã tới nhà tôi ăn giỗ. Hôm nay anh ăn mặc chỉnh tề trong bộ đồ vét tông màu đen, đi giày da, tóc chải bóng mượt trông trẻ ra tới mươi tuổi. Suốt nửa tiếng đồng hồ, anh Chủng say sưa nhắc lại những kỷ niệm cũ thời đi B, kể cho cả nhà tôi nghe chiến công đánh giặc, gùi gạo và cả những ngày anh nằm ở Quân y viện 94. Anh đã chiến đấu vất vả với vết thương và hàm răng cùng với những cơn sốt rét ác tính, tưởng có lúc đã đi đứt. Sức kiệt, anh Chủng được trả về hậu phương.
- Nhưng về đến quê nhà, chán quá chú ạ! - Anh Chủng bảo tôi sau khi nhả ra một dòng khói thuốc lào đục trắng. - Con cái đói khổ nheo nhóc đã đành, ai dè vợ tôi lại phản bội. Tôi vào Nam sáu năm, cô ấy ở nhà tằng tịu với tay trưởng phòng. Lúc tôi về, đứa nhỏ đã được bốn tháng tuổi. Nóng giận, bực bội, tôi đã bế thằng nhỏ lên trả thẳng cho tay trưởng phòng tổ chức huyện ủy… Không nói một lời, tôi bỏ về. - Gương mặt anh tối lại - Lúc ấy tôi đã ngoài bốn mươi tuổi mà còn dại chú ạ! Không thoáng như các chú bây giờ. Tôi nóng. Khi thằng đàn ông nóng nảy, nó trở thành kẻ điên. Trong tôi luôn dấy lên ý nghĩ mình bị kẻ khác làm nhục, bị lừa gạt. Tức tay trưởng phòng đã đành một nhẽ, nhưng giận luôn vợ con. Cô ấy đã phụ tình. Không ngần ngại, tôi viết đơn ly dị.
Câu chuyện đến đây thì bị cắt ngang. Cỗ bàn đã làm xong và đưa lên cúng. Bà con họ hàng nội ngoại kéo đến, tôi xin phép anh thủ trưởng cũ để đi tiếp khách. Và tôi đã dành nửa ngày trời để đi thăm hai người đàn bà.
Vợ anh Chủng bây giờ chẳng phải ai xa lạ mà chính là một cô gái đồng hương, anh đã gặp và làm quen trên tuyến đường vận tải Trường Sơn ở làng Ho ngày trước. Cô thanh niên xung phong thua anh đúng một giáp. Cô trở về làng, được bà con quý mến bầu vào Hội đồng nhân dân của xã. Tám năm liền cô làm chủ tịch, cho đến nhiệm kỳ này cô đã lãnh trách nhiệm bí thư Đảng ủy xã. Cô chủ tịch thương anh Chủng một tay nuôi ba đứa con mọn, hai anh chị bén duyên vợ chồng. Họ có một nếp nhà mái bằng rộng rãi, cô vẫn làm việc ở xã. Anh Chủng nghỉ hưu ở tuổi ngoài năm mươi, về nhà trông nom vườn tược, làm thêm nghề xe nhang bỏ mối cho các bà bán lẻ trên tỉnh. Một cuộc sống tạm gọi là đủ ăn, có chút dư dả của người nông dân. Anh Chủng tự hào với đàn con bốn đứa, kết quả của cả hai cuộc tình. Anh có vẻ khoái khi khoe với tôi đứa cháu ngoại đã được hai tuổi của con gái người vợ trước. Tôi ghé thăm nhà, anh Chủng mừng lắm. Anh bắt gà giết thịt, đãi rượu, đưa tôi đi thăm làng Đồng Mây. Gặp ai, anh không quên giới thiệu tôi một cách trịnh trọng “đồng đội cũ ở chiến trường." Làng Đồng Mây ruộng nửa để cấy lúa, nửa trồng màu. Con gái có nghề thêu đan. Hàng chục năm nay, làng đã kéo điện, đường làng trải nhựa, lát bê tông vào từng ngõ xóm. Trong làng không ai còn bị đói, nhưng người nông dân vẫn chưa thoát khỏi cảnh nghèo. Gia đình anh Chủng thuộc hạng trung lưu, tằn tiện mãi mới mua được chiếc ti vi nội địa. Nhưng anh Chủng vẫn giữ được thói quen nghe đài. Anh khoe thỉnh thoảng lại được nghe những bài bút ký, truyện ngắn của tôi trong đêm khuya tĩnh lặng.
Còn người đàn bà thứ hai… Thưa, anh Chủng! Tôi đã làm một việc không phải là giấu anh chuyện ấy.
Tôi tìm đến ngôi chùa Làng Vàng, lúc trời đã ngả về chiều. Ngôi chùa nhỏ, nhưng vẫn giữ vẻ cổ kính dân dã, thường gặp trong các làng quê xứ Bắc. Như một vị khách vãng lai thích ngắm cảnh chùa, tôi tha thẩn đi trong khoảng sân lát gạch và con đường nhỏ chạy giữa những luống hoa, trong một khu vườn xanh rợp bóng cây. Tiếng chuông chùa ngân lên trong vắt cùng với tiếng mõ khua lóc cóc. Mùi hương trầm tan loãng càng tạo nên vẻ thâm nghiêm tĩnh mịch. Tôi thắp một bó nhang cắm vào bệ thờ ở các gian tiền sảnh. Mãi sau mới thấy sư bà xuất hiện. Sư bà nhìn tôi trong giây lát, tôi cúi đầu chào lại. “Nam mô a di đà Phật!” Sư bà đáp. Tôi tránh nhìn cặp mắt ấy và lặng lẽ đi ra sân. Tôi có cảm giác như mình là kẻ mắc lỗi. Không phải với anh Chủng mà với sư bà. Người đàn bà ấy không ai khác chính là chị Chủng ngày trước. Sau vụ ly hôn, chị xấu hổ với làng xóm, bỏ chồng con đến nương nhờ cửa Phật mong gột rửa mọi lỗi lầm. Năm tháng qua đi, đức độ của người đàn bà nguyện suốt đời ăn chay niệm Phật đã đưa chị lên tới chức vị sư bà, được tiếng cả một vùng. Ngày lễ Tết, giỗ chạp bên nhà chồng, sư bà vẫn gửi gạo nếp cái hoa vàng về cúng giỗ. Không chỉ lo tụng kinh niệm Phật, lúc rảnh rỗi vào những đêm trăng sáng, chị cuốc những vạt đất đầu thừa đuôi thẹo trong khu mả giữa đồng, dọc theo con mương dẫn nước để cấy lúa trồng khoai.
Sẽ không bao giờ tôi có thể mở mồm để hỏi được chị điều này: rằng chị còn nhớ anh Chủng của tôi, nhớ tới những đứa con đang sống ở làng… Tôi vẫn không quên hình bóng chị hơn hai mươi năm trước đã đi bộ năm mươi cây số đường núi từ ga Bắc Giang vào rừng Lục Nam tìm chồng. Chị gánh trên vai chục ký gạo với cặp gà trống để làm quà đãi lính. Trong con mắt chúng tôi, chị là người đàn bà nông dân xinh đẹp, hiền thảo, nết na. Tôi vẫn còn nhớ tấm áo cánh nâu của chị thấm đầy mồ hôi, cả chiếc khăn xanh che bớt đi một phần gương mặt đẹp, hồng lên vì đường xa.
Tiểu đoàn bộ không có nhà khách. Hai vợ chồng anh Chủng chỉ kịp gặp nhau bốn tiếng đồng hồ trong căn nhà đất của một gia đình người Cao Lan không giường chiếu. Hai giờ sáng, chúng tôi đã phải hành quân ra ga Voi Xô để về xuôi… Người đàn bà đầm đìa nước mắt tiễn chồng ra trận trong ánh trăng nhập nhòa cuối tháng. Tôi không muốn tin rằng chị là người có lỗi…
Ôi, chiến tranh! Tôi đã nhìn thấy những ngọn đồi trụi trơ pháo bom cày nát trong những cánh rừng miền Tây Bắc Huế, những con hào hoen máu bạn bè tôi khỏa lấp xương thịt trong những đồng ruộng ngập nước ở vùng giáp ranh Phong Quảng, Hương Trà. Nhưng còn có một cuộc chiến tranh cũng khốc liệt dữ dội ẩn náu sau những lũy tre làng. Ở đấy cũng có cái sống và cái chết, đầy rẫy cái thật và cái giả, che giấu bao niềm vui và nỗi buồn. Có cuộc vật lộn giằng xé nào khổ ải và không kém phần đớn đau hơn trong lòng một người đàn bà cô quạnh?
- “Nam mô a di đà Phật!".
ĐỖ KIM CUÔNG
Theo http://nhavantphcm.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Không gian văn hóa Tây Nguyên trong thơ Bùi Minh Vũ Trong thơ Bùi Minh Vũ, không gian văn hóa Tây Nguyên được định hình bằng những tên s...